Kiều Kiều Vô Song

Chương 7

Cơ Tự nhanh chóng rủ mi, nàng cúi đầu thi lễ với mấy thiếu niên, mệt mỏi nói: “Đa tạ các vị đại huynh đã đến đón, A Tự đi đường mệt mỏi rã rời, có thể...”

Không đợi nàng nói xong, thiếu niên Trang Thập Tam đã cất giọng: “Chúng ta đi...” Vừa dứt lời, xe bò của hắn đã dẫn đầu chuyển hướng.

Lê thúc ở bên cạnh lo lắng: “Nữ lang, mấy vị tiểu lang kia không giận thật chứ?”

Cơ Tự thong thả nói: “Hình như có một chút. Sau khi ta vào trang viên, các người hãy phao tin đồn rằng ta bị bệnh, và đi tìm một vu sư đến nhà xem thử.”

“Vâng.”

Xe lừa chạy vào trang viên nho nhỏ, chỉ có năm người hầu ở lại giữ nhà, họ thấy xe lừa liền vui mừng chạy ra đón. Một tỳ nữ mặt tròn chừng mười lăm, mười sáu tuổi reo vang lao đến: “Nữ lang, nữ lang, cuối cùng người đã về rồi.”

Vì tang sự của cha mẹ, Cơ Tự gần như đã tiêu hết một nửa gia sản, lại cho đám thiếp thất kia một phần ba gia sản còn lại để họ ra đi. Hiện giờ tài sản của Cơ phủ còn quá ít ỏi, mấy người hầu kia đều là người đã đi theo cha mẹ nàng nhiều năm, vì thân như người nhà nên nàng mới chọn giữ lại.

Cơ Tự nắm tay đệ đệ nhảy xuống xe lừa, thoáng chốc mọi người đã vây quanh họ. Cơ phủ huyên náo trong tiếng cười nói rộn rã rất lâu.

Chớp mắt một ngày lại trôi qua. Hôm sau khi Cơ Tự vừa rửa mặt xong, Lê thúc đi đến báo với nàng: “Nữ lang, mới vừa rồi tôi thấy nô bộc của Trịnh Huống đứng nói chuyện với Tôn Phù.”

Nói chuyện với Tôn Phù ư? Cơ Tự kinh hoảng, vội vàng đứng dậy: “Mau, gọi Tôn Phù đến đây.”

Tôn Phù vừa đến, Cơ Tự đã hỏi ngay: “Thúc, thúc đã kể với người ta chuyện chúng ta đã làm ở huyện Thanh Sơn rồi hả?”

Tôn Phù giật mình, ngạc nhiên đáp: “Kể rồi ạ, nữ lang tạo được tiếng vang như vậy, dĩ nhiên phải tuyên truyền rồi.”

Cơ Tự ngắt lời y: “Vậy thúc có kể với hắn là chúng ta không hề bán một trăm mẫu ruộng ở huyện Thanh Sơn không?”

Tôn Phù nói: “Dĩ nhiên, đây chính là của hồi môn của nữ lang, ta không thể để những người đó đàm tiếu rằng ngay cả của hồi môn của mình mà nữ lang cũng không giữ được.”

Cơ Tự than thầm, nàng xua tay: “Thôi, thôi, đến đâu hay đến đó vậy.”

Quả nhiên, buồi chiều hai chưởng quỹ cửa hàng bán gạo của nàng đến tìm, nói rằng lúc họ đến bến tàu lấy hàng, mấy thương nhân hợp tác lâu năm đều bội ước mặc dù đã nhận tiền cọc từ trước. Bọn họ nói rằng Trang phủ tuyên bố với mọi người, sau này không ai được làm ăn với Cơ phủ.

Chắc chắn chuyện này do Trang Thập Tam làm.

Cơ Tự nhất thời vừa đau buồn vừa muốn cười lạnh, nàng nhắm chặt mắt lại. Hai tỳ nữ hầu bên cạnh thấy Cơ Tự im thin thít, liền lo lắng. Một lúc lâu sau, Cơ Tự mới mở mắt ra: “Lấy bộ nam trang màu xanh ngọc kia đến đây, ta đi ra ngoài một chuyến.”

Sau khi cha mẹ qua đời, công việc buôn bán trong nhà vẫn phải tiếp tục, vì thế mọi người đã quen với việc Cơ Tự giả trai đi làm việc nên lập tức nghe theo. Dáng lông mày của Cơ Tự khí khái, vừa mặc nam trang vào như lớn thêm vài tuổi, làn da mịn màng căng mọng kết hợp với ngũ quan tinh sảo còn vương nét ngây ngô khiến nàng càng có phong thái quân tử như ngọc.

Vừa ra khỏi trang viên, Lê thúc không đợi Cơ Tự hạ lệnh đã đánh xe đến nơi Trang Thập Tam thường có mặt. Đây không phải là lần đầu tiên Trang Thập Tam nổi giận, bốn tháng trước hắn cũng nổi giận như vậy một lần, mà kể từ sau lần đó, Cơ Tự lại càng si mê kinh cẩn hắn hơn.

Xe lừa chạy trên đường phố huyện Kinh, nghe tiếng đàn thấp thoáng truyền đến từ lầu các hai bên, Cơ Tự khép hờ mắt, nhàn nhã gõ nhịp theo tiết tấu lên càng xe. Nàng không hề phẫn nộ mà còn thư thả thảnh thơi, điều này hoàn toàn trái ngược với tính cách nữ lang ngày thường. Lê thúc sững sờ quay đầu lại nhìn, rất lâu vẫn chưa hoàn hồn lại được.

Đúng lúc này, giọng Cơ Tự vang lên trong xe lừa: “Thúc, dừng đây thôi, ta tự đi.”

Lê thúc vội vàng đánh xe lừa chạy vào ngõ hẻm, nói: “Nữ lang, tôi ở nơi này chờ người.”

“Ừ.”

Cơ Tự sửa sang lại áo bào, rảo bước đến Túy Tiên Lâu cách đó trăm bước. Đây là quán rượu nhất nhì ở huyện Kinh, thuộc sản nghiệp của Trang Thập Tam, và cũng là nơi tụ hội chè chén xưa nay của hắn và đám học sinh kia.

Cơ Tự vừa bước vào Túy Tiên Lâu liền phát hiện nơi đây náo nhiệt khác thường. Chỗ ngồi ở đại sảnh lầu dưới đã kín, mà mấy người khách ai ai cũng ngẩng đầu, nghiêm túc nhìn lên lầu. Nàng đi đến chỗ tiểu nhị, còn chưa kịp cất lời hỏi thăm thì bỗng lầu hai vang lên tiếng cười đắc ý.

“Ta đã nói cái huyện Kinh cỏn con này làm gì có nhân tài.” Có người khinh thường nói, “Tấu khúc, các người không cảm được; làm thơ, các ngươi không thông; luận phú thì lại càng không đối được. Nếu không phải biết huyện Kinh này còn có đại danh sĩ Lư Tử Do, bọn ta đã gần như cho rằng cái nơi này không có nổi một mống anh tài nào rồi.”

Câu nói này châm biếm cay nghiệt vô cùng, một khi lan truyền ra ngoài sẽ ảnh hưởng đến tất cả kẻ học sĩ ở huyện Kinh. Cơ Tự tò mò thầm nghĩ: Không biết Trang Thập Tam nghe thấy lời này sẽ có cảm giác gì nhỉ?

Nàng bước lên cầu thang. Thời đại này, khoảng cách giàu nghèo vô cùng rõ ràng. Ví dụ như người nghèo phần lớn là xanh xao vàng vọt, răng bị ố đen, còn đám con cháu nhà giàu thì trắng trẻo mịn màng, chỉ nhìn bề ngoài là biết ngay kẻ đó thuộc lớp người nghèo hay người giàu, thứ dân hay quý tộc. Hơn nữa thời này còn thịnh hành thuật bói toán, mà Cơ Tự hiện tại dù ngũ quan chưa sắc nét, cử chỉ còn hơi vụng về, nhưng dung mạo của nàng thật sự rất đẹp, làn da trắng mịn, khí chất cũng bất phàm, gần như là kiểu con cháu thế tộc “đối diện không thấy tai, xin hỏi con nhà ai” (1) điển hình. Cho nên tuy có vô số ánh mắt nhìn nàng chằm chằm ở dưới lầu, nhưng không một ai dị nghị về việc Cơ Tự tự tiện lên lầu cả.

(1) Trong xem tướng, tướng mạo nhìn đối diện nhưng không thấy tai là vô cùng thần bí. Tai người là một đặc điểm xem tướng quan trọng, không những có thể nhìn thấy được sức khỏe của thiếu niên mà còn thấy được phúc khí của người già.

Cơ Tự rón rén đi đến ngã rẽ ở góc lầu hai. Từ hướng này có thể nhìn bao quát bên trong, mà người bên dưới lại không thể trông thấy nàng. Chỉ vừa liếc mắt, nàng đã thấy ngay vẻ mặt xanh mét, hết sức khó coi của đám người Trang Thập Tam và Trịnh Huống.

Còn bên kia là năm sáu người vùng khác đến. Tuổi tác những người này không lớn, phía sau họ là mấy tỳ nữ xinh đẹp ôm những loại nhạc cụ khác nhau. Cũng có vô số học sinh hàn môn ăn mặc theo kiểu nho gia, đếm sơ sơ quả thật là không ít người.

Sau khi mấy người này châm chọc chán chê thì một nữ nhạc kỹ môi mỏng xinh xắn, trang điểm tinh tế, cười duyên đứng dậy. Nàng ta ôm một cây đàn tranh, khẽ nhún chào mọi người, giòn giã nói: “Ta cũng xin nhóm lang quân ở huyện Kinh chỉ giáo một khúc có được không?”

Trong tiếng cười phá lên cùng tiếng vỗ tay rào rạt lẫn tiếng vỗ đùi đen đét, cô nương kia nhẹ nhàng ngồi xuống, bàn tay trắng nõn khẽ gảy, tiếng đàn tranh ngân lên. Có điều nàng ta vừa đàn vài điệu thì một thiếu niên vỗ tay gọi to: “Các vị tài tử huyện Kinh thấy trình độ nhạc kỹ đàn tranh nhà ta thế nào?”

Từ trước đến giờ, Trang Thập Tam và đám thiếu niên huyện Kinh có thể viết mấy bài thơ phú là đã hay lắm rồi, làm sao có thể giống với đám con cháu thế gia, nuôi bầy nhạc kỹ, đắm chìm nghiên cứu thi ca qua năm này tháng nọ chứ? Vì vậy không có ai trả lời được vấn đề đơn giản này.

Trong khoảng thời gian ngắn, chỉ có những kẻ vùng khác kia cười nghiêng ngả và tiếng đàn tranh du dương, còn những người bị bọn họ thách thức thì lại mím chặt môi, mặt mày tái nhợt.

Cơ Tự xem đến đây, ánh mắt lóe sáng. Nàng hắng giọng, rồi đột ngột cất lời với chất giọng trong trẻo pha lẫn chút lạnh lùng của thiếu niên: “Khúc đàn tranh Thanh Sơn Dao này chú ý vào thủ pháp thong thả tao nhã để làm ánh lên cảnh hoàng hôn bao phủ vạn dặm núi xanh... Còn đoạn ngắn nữ nhạc kỹ nhà ngươi gảy chưa đến nửa khắc lại theo đuổi sự tráng lệ nên thêm âm rung hai lần, dạo đàn một lần. Rõ ràng là khúc nhạc tiêu dao tự tại tuyệt vời lại trở thành bản nhạc phù phiếm huyên náo, quả thật là thẹn với Lư công.”

Nàng vừa dứt câu, đám người đang cười cợt trên lầu chợt ngẩn ngơ.

Nữ nhạc kỹ đàn tranh kia vụt đỏ mặt, mắt lệ rưng rưng, ấm ức nhìn về phía mấy tiểu lang. Nhưng mấy tiểu lang kia vốn có am hiểu về nhạccụ, chẳng lẽ bọn họ lại không biết những gì đối phương nói đều là sự thật sao?

Đám người đến từ vùng khác kia chết lặng, không khí im ắng, nhóm Trang Thập Tam và Trịnh Huống rốt cuộc thở phào nhẹ nhõm, cất tiếng cười to. Trang Thập Tam đứng lên, hắng giọng cao hứng nói: “Vị hiền tài này đã đến sao không vào tụ họp?” Lúc này tuy hắn cảm thấy giọng nói kia khá quen nhưng dưới sự kích động lại không suy nghĩ nhiều.

Ngoài dự đoán của mọi người, giọng nói trong trẻo lạnh lùng kia cất lên: “Không cần thiết.” Rồi lại nói tiếp, “Không phải các người nói huyện Kinh của ta không có nhân tài sao? Tiếp tục nào.”

Rõ ràng nàng đang khiêu chiến! Đám người vùng khác nghe thế cười khẩy, một gã trong nhóm liếc mắt ra hiệu với một nho sinh lớn tuổi. Nho sinh kia đứng dậy, gã hiểu ý chủ nhân mình, nghe giọng đã biết thiếu niên không lộ diện kia còn khá trẻ, nếu tuổi còn nhỏ vậy thì tất cả đều dễ dàng giải quyết thôi.

Gã khẽ hắng giọng, vuốt râu dài, chậm rãi nói: “Ta không hiểu biết nhiều về nhạc khí, nếu tiểu lang đã có lời, vậy thì tại hạ xin lĩnh giáo tiểu lang một vấn đề về nho gia, đó là câu 'như dục sắc nhiên' trong Lễ Ký - Tế Nghĩa. Trịnh Công Huyền đã chú thích thế nào, mà Vương Công Túc lại chú thích ra sao?”

Gã nho sinh vừa đặt câu hỏi, đám thiếu niên đều nhìn nhau trân trối. Không bàn đến thời này địa vị nho học đã xuống dốc, học giả ngày càng ít, mà dù cho có nho sinh nổi danh ở đây e rằng cũng không thể đọc hết chú thích của tất cả học giả trong thiên hạ được. Gã nho sinh kia yêu cầu thiếu niên trẻ tuổi đọc ra chú thích của hai nhà đại nho cuối thời Đông Hán là Trịnh Huyền và Vương Túc về Lễ Ký, có thể thấy được gã đang làm khó đây.

Nhưng không ngờ, sau khi gã nho sinh đó hỏi xong, thiếu niên kia lại lần nữa cất tiếng: “Trịnh công chú thích, ‘như dục sắc giả, dĩ thời nhân vu sắc hậu giả dĩ dụ chi’. Còn trong Thánh Chứng Luận của Vương Túc thì nói, ‘như dục kiến phụ mẫu chi nhan sắc, Trịnh hà đắc tỉ phụ mẫu vu nữ sắc’.”

Không một ai ngờ được thiếu niên kia có thể đọc vanh vách chú thích kia, gã nho sinh sửng sốt, còn đám người Trang Thập Tam và Trịnh Huống thì lại cất tiếng cười vui mừng và hoan hô vang dội, đặc biệt Trịnh Huống còn bắt đầu huýt sáo. Bọn họ thật sự quá đắc ý, quá vui sướng rồi, nhất là lúc thấy sắc mặt mấy thiếu niên thế tộc ngông cuồng tự đại trở nên khó coi, niềm vui này lại càng tăng thêm bội phần.

Tiếng cười tạm dừng, thiếu niên ở cầu thang lại cất lời: “Nói đến đàn tranh, đàn sắc và trống, tại hạ cũng mới học được một hai tháng, không biết có thể thỉnh giáo chư quân một chút không?”

Trong giọng điệu châm chọc lạnh lùng, thiếu niên mặc trường bào màu lam, như ngọc như họa chắp hai tay, chậm rãi đi từ thang lầu đến.
Bình Luận (0)
Comment