Kim Kiếm Lệnh

Chương 49

Người thư sinh đứng tuổi nhìn chàng miệng nở nụ một nụ cười tươi đầy tình cảm chan chứa.

Nụ cười này, dáng điệu ấy, đối với chàng rất quen thuộc, hình như một người thân đã xa cách từ lâu không được gặp.

Vệ Thiên Tường cố moi ký ức để nhớ lại xem thử người này là ai, đối với mình có liên hệ gì, đã xuất hiện giải nguy trong giờ phút đang kề cái chết.

Chàng đang phân vân cảm động vì sự việc xảy ra quá bất ngờ, bỗng nhiên lại “ủa” lên một tiếng lớn, đứng há hốc mồm nhìn sững về hướng đó.

Trước mặt chàng chỉ thấy loang loáng lên như bị hoa mắt, rồi người thư sinh dưới bóng cây vụt biến mất như một bóng vong linh.

Ngay lúc ấy, Vệ Thiên Tường nghe văng vẳng bên tai, nhưng rất rõ ràng, một câu nói quen thuộc :

-Được lắm, hãy cứ như thế mà làm đi!

Thật là ly kỳ, không thể tưởng tượng nổi!

Người ấy hiện ra rất đột ngột, nhưng biến mất đi càng đột ngột và mau lẹ hơn. Chẳng biết đó là thân pháp gì.

Trước mặt chàng là đường cái rộng lớn, chạy thẳng trên cánh đồng bằng, cây cối lưa thưa, đứng đấy có thể kiểm soát được rất xa, thế mà người ấy hiện ra và biến đi, không hề hay biết. Dù có mọc cánh chăng nữa cũng không thể lanh lẹ như vậy được.

Vệ Thiên Tường nghi ngờ nhãn lực mình, chưa dám tin đó là sự thật.

Nhưng sự thật vẫn là sự thật.

Trước mặt, cây cổ thụ còn đó, rõ ràng người nho sinh áo trắng vừa hiện ra khiến một đại cao thủ là Xương Tu Tẩu đã hoảng kinh bỏ chạy mất.

Chàng cố tưởng tượng lại tà áo trắng phất phơ với nụ cười hiền hòa vẫn còn rành rành trước mắt, nhưng bây giờ không còn đâu nữa.

Chàng tự nghĩ: “Người này chỉ hiện ra mà Xương Tu Tẩu đã trốn mất, chỉ thoáng một cái mà hình bóng không còn quả nhiên võ công đã đến chỗ xuất thần nhập hóa, nếu không thấy, không ai có thể tin được là sự thật”.

Vệ Thiên Tường bàng hoàng một lúc, nhìn ngơ ngác khắp nơi cố tìm xem còn dấu vết gì lưu lại, nhưng không có gì hết.

Một chặp sau chàng lại tiếp tục lên đường.

* * * * *

Cầm Linh ở về phia Tây bắc cách thành Quý Dương hơn năm dặm. Trong dãy núi này không biết bao nhiêu đèo, suối, thác, ghềnh, đường núi cheo leo hiểm trở. Từ chân núi đi lên chỉ một con đường độc đạo, đá mọc lởm chởm, lắm nơi vách tường dựng đứng thật khó đi qua.

Chung quanh núi cao thành vạt, đỉnh khuất trong mây, cổ thụ um tùm, quanh năm lúc nào cũng có suối chảy róc rách như đờn, quang cảnh thật là thâm u tĩnh mịch.

Suốt vùng này có rất nhiều chùa cổ ở rải rác khắp nơi. Thủ phủ Quý Dương là nơi phát tinh của thiền tông, và danh tiếng nhất là chùa Hoành Phúc, được xây cất tận trên đỉnh cao chót vót.

Mặt tiền là Thiên Hùng bảo điện. Giữa sân rộng có đặt một cổ lư đồng thật cổ kính, cao hai tầng, đứng xa nhìn vào tựa hồ như một tòa đình nho nhỏ chạm trổ thật tinh vi. Cứ theo lời thiên hạ truyền tụng thì đó là một vi vật lưu lại từ hồi đời Đường.

Giữa khoảng lưng chừng núi có một tòa thạch động. Đi về phía bên phải có một tòa vách đá thẳng đứng cao thăm thẳm. Phía dưới chân vách đá là một thác nước chảy ầm ầm, tuôn vào một ngọn suối rộng chừng ba bốn trượng, rêu mọc phủ kín, đường đi trơn như mỡ không thể nào đặt chân được.

Suốt năm nơi đây quạnh hiu vắng vẻ không một bóng người vãng lai.

Người đời ít ai dám đến vùng này. Vì rằng ngoài địa thế thiên nhiên hiểm trở đi lại khó khăn nguy hiểm, lại còn một nguyên nhân chính và quan trọng hơn nữa: nơi đây là chốn ẩn cư của Cầm Linh Thần Quân, một đệ nhất cao thủ võ lâm nổi tiếng từ trước đến giờ.

Đường qua khe núi đến vách đá cheo leo chỉ độc có một chiếc cầu gỗ vừa dài, vừa hẹp lâu năm rêu bám xanh rì. Nếu không phải thuộc hạng có bản lãnh và đảm lược, có tài khinh công tột bực, nhất định không thể vượt nổi chiếc cầu này.

Đối diện với chiếc cầu bắc qua hang sâu thăm thẳm, là một tòa vách đá, đứng sững như tấm bình phong, trên ấy có khắc mười chữ thật lớn :

“Cầm Nam đệ nhất sơn”

“Võ lâm đệ nhất nhân”

Hôm ấy vào khoảng giữa trưa trên quãng đường đá chập chùng, khúc khuỷu, có một thiếu niên mình mặc áo xanh, lưng đeo kiếm dài, mày bén mắt sao, khí võ hiên ngang uy dũng, đang trổ thuật khinh công chạy qua vun vút như một mũi tên.

Thiếu niên đi đến lưng chừng núi dừng chân đứng lại một chặp, đưa mắt quan sát khắp bốn bề rồi ngoắc một cái chạy vòng qua phía bên phải đi nữa.

Thiếu niên áo xanh này không ai khác hơn là Vệ Thiên Tường.

Chàng đến Cầm Linh sơn vì hai mục đích chính: tìm thuốc “Bách Doanh đan” cho Tu Linh Quân và gặp mặt Nam Cung Uyển để cảm thông những thắc mắc và hiểu lầm khi trước khiến nàng đã lẳng lặng rời chàng ra đi.

Theo lời dặn của Nam Cung Uyển thì chỗ ở của Cầm Linh Quân là Vạn Tùng Bình. Chàng y theo sự chỉ dẫn của Uyển muội đến giữa sườn núi, đi vòng qua con đường nhỏ ở phía tay phải Thạch Phật Động mà tiến tới nữa.

Đi thêm một đoạn đường khá dài bỗng nghe có tiếng thác đổ ồn ào. Chàng biết rằng đã đến gần con suối chẳng bao xa nữa, nếu cứ theo tiếng nước reo mà dò lần đến.

Bây giờ chỉ cần vượt qua con suối là đến Vạn Tùng Bình! Nơi đây sẽ gặp được Uyển muội, và nhân dịp này chàng sẽ giải thích cho nàng hiểu rõ bụng mình cùng bao nhiêu điều đã xảy ra từ dạo nọ.

Nhưng cả hai việc đối với chàng đều nan giải, suy nghĩ mãi chưa tìm ra một kế nào vẹn toàn.

Đàn bà đã ghen và có thành kiến sẵn, chưa chắc có đủ lời lẽ hay chứng minh vào để biện bạch được ngay. Hơn nữa “Bách Doanh đan” là linh dược hiếm có, Cầm Linh Quân quý hóa hơn vàng, không biết ông có thuận tình cho không.

Chàng do dự, cất bước đi chầm chậm, đôi mắt nhìn mông lung.

Bỗng trước mặt hiện ra một thanh gỗ dài, bắc ngang qua một tảng đá, vắt vẻo trên một khe sâu thăm thẳm.

Phía bên kia vực sâu, trên một phiến đá bằng phẳng, một nhà sư mặc áo xám đang ngồi yên.

Nhà sư vừa thấy Vệ Thiên Tường đã từ từ đứng dậy, chắp tay nói :

- A di đà Phật, thí chủ có phải là Vi Hành Thiên thiếu hiệp đến viếng Cầm Linh sơn chăng? Bần tăng đón chờ thiếu hiệp đã lâu lắm rồi.

Vệ Thiên Tường nghe hỏi hoảng kinh chợt nghĩ: “Mình đi từ ngàn dặm về đây không một ai biết hết. Tại sao nhà sư này vừa trông thấy mặt đã nói rõ ý định và trúng ngay tên họ như thế. Chả lẽ đời này lại có kẻ am thạo phép tiên tri chăng”.

Phân vân một chặp, chàng liếc mắt nhìn vào nhà sư, thấy nét mặt có vẻ thực thà hiền hậu, cử chỉ dáng điệu không có gì tỏ ra người am thạo võ công, trong lòng càng thêm lạ lùng hơn nữa.

Chàng vội vàng đáp lễ và nói :

- Tại hạ chính họ Vi, không biết đại sư chờ đợi tại hạ để có điều gì chỉ giáo?

Nhà sư áo xám cười xòa nói :

- Thế thì quả đúng rồi. Thật ra bần tăng không hề quen biết thiếu hiệp, nhưng vì vâng lệnh Chu lão thí chủ đến nơi này, chờ thiếu hiệp đến để trao tận tay một lá thư.

Nói xong nhà sư lấy ra một phong thư, hai tay đưa lên.

Vệ Thiên Tường càng ngạc nhiên nghĩ bụng: “Ủa, Chu lão thí chủ là ai mà mình chưa hề quen biết. Tại sao ông ấy lại gửi thư cho mình?”

Chàng muốn nói: “Có lẽ đại sư đã lầm người rồi” nhưng vừa định nói ra liếc mắt nhìn trên phong bì có một hàng chữ lớn :

“Diện giao Vi Hành Thiên thiếu hiệp thân khải”

Biết rằng không tiện nói nữa, và co lẽ đúng là thư gởi cho mình rồi nên chàng tiếp lấy phong thư bóc ra xem ngay.

Trong thư lỗi chữ viết thảo trông rất sắc bén và uyển chuyển.

Đại ý trong thư nói :

“Vạn Tùng Bình là nơi cấm địa, xin chớ mạo hiểm!

Tri danh”

Đọc xong hàng chữ, Vệ Thiên Tường thấy rúng động trong lòng. Chẳng hiểu vì lẽ gì mà vị đó bảo mình không nên đến Vạn Tùng Bình?

Chàng lại nghĩ thêm: “Chính mình từ Quý Châu xa xôi về đây, ngoài mẹ con Thôi đại thẩm ra không một người thứ ba nào được biết cả, tại sao ông già họ Chu nào đó lại biết một cách rõ ràng, biết luôn cả tên họ và dụng ý của mình nữa mới là điều khó hiểu nhất?”

Chàng đang ngẩn người suy nghĩ thì nhà sư quay mình định bước đi.

Vệ Thiên Tường vội vàng kêu lên :

- Xin đại sư hãy dừng bước nán lại đôi phút.

Nhà sư dừng chân, chắp tay nói :

- Thí chủ còn điều gì dạy bảo nữa?

Vệ Thiên Tường nói :

- Tại hạ muốn hỏi đại sư, chẳng hay vị Chu lão tiên sinh đã gửi thư cho tại hạ là người nào?

Nhà sư áo xám tỏ vẻ ngạc nhiên và nghi hoặc, bèn hỏi lại :

- Theo lời Chu lão thí chủ thì đối với thiếu hiệp vốn người quen biết thân tình cũ. Té ra thiếu hiệp không quen biết ông ta sao?

Vệ Thiên Tường hai mắt chớp nhoang nhoáng và cười nói :

- Chu lão tiên sinh có lẽ là bậc trưởng thượng đối với tại hạ nên trong thư người chẳng đề tên. Tại hạ yêu cầu đại sư tả qua hình dáng ông ta may ra có thể biết được người.

Nhà sư áo xám suy nghĩ một lúc rồi nói :

- Chu lão thí chủ trạc độ ngũ tuần, người cao, mặt xương xương ốm. Bần tăng biết ông ta họ Chu và là bạn rất thân với vị Phương trượng của bổn tự. Trước đây ông có qua lại mấy lần, cùng Phương trượng đàm đạo. Bặt đi một thời gian gần mấy năm chưa thấy trở lại, không ngờ sáng sớm hôm nay ông ta bỗng nhiên xuất hiện và nói rằng có một người thiếu niên, con của một vị cố nhân nay đang sắp đến Vạn Tùng Bình, và giao cho bần tăng một lá thư bảo chờ gặp giao tận tay thiếu hiệp. Vừa giao thư xong, ông lại vội vã đi ngay. Nếu thí chủ nghĩ không ra lai lịch, xin cứ đến gặp vị Phương trượng bổn tự hỏi lại sẽ rõ ngay.

Vệ Thiên Tường nghe nói vị này là bạn cố tri của phụ thân mình khi xưa thì trong lòng càng thêm thắc mắc không yên.

Chàng suy nghĩ một hồi lâu rồi hỏi tiếp :

- Không biết bảo tự của đại sư ở chốn nào, quý Phương trượng pháp danh là gì. Bây giờ tại hạ có việc cần đi Vạn Tùng Bình ngay không thể ghé lại được. Lúc trở về sẽ xin gặp quý Phương trượng để hỏi lại cho biết.

Nhà sư áo xám suy nghĩ rồi đáp :

- A di đà Phật! Tệ tự là bổn sơn “Hoành Phúc tự”, còn húy danh của Phương trượng là “Khổ Phiệt”. Nếu thí chủ có nhã ý ghé lại, tệ tự xin thành thật hoan nghênh.

Vệ Thiên Tường suy nghĩ không nhớ trên giang hồ có ai nói đến tên “Khổ Phiệt đại sư” bao giờ. Có lẽ vị này không phải người trong giới võ lâm. Trong lòng tuy đoán như thế nhưng nhắm có hỏi nữa cũng chả có ích gì nên buộc lòng chắp tay nói :

- Cảm ơn đại sư đã có lòng chỉ điểm.

Vệ Thiên Tường chờ nhà sư áo xám đi khuất rồi, lấy lá thư ra xem lại một lần nữa, bỗng nhiên chàng nhớ lại nét bút có vẻ rất quen thuộc, hình như đã xem qua một lần rồi ở chỗ nào đâu đây.

Chàng sực nhớ lại, vỗ đùi lẩm bẩm :

- Đúng rồi! Bút tích này giống y như của người đã viết bức thư để trên mặt đá cùng hai chiếc mặt nạ da người ước hẹn cùng mình và sáu vị thúc thúc gặp nhau trên Nhạn Đãng sơn lúc trước. Nhất định hai tuồng chữ giống nhau không sai.

Chàng nhớ lại rõ ràng luôn bức thư đưa cho Cổ thúc thúc có chú một hàng chữ “Tri danh mộc thủ kính bái”.

Tri danh là ai? Thì ra người ấy họ Chu! Hắn quả là người đã hạ sát sáu vị thúc thúc của mình trên Nhạn Đãng sơn đây rồi! Như thế tại sao hắn lại nhờ hòa thượng này trao thư lại cho ta? Không biết bên trong có ẩn tàng âm mưu gì thâm độc đây chăng?

Chàng lại cúi đầu suy nghĩ: “Chính mình đang cố công truy tầm hắn, hắn lại xuất hiện nơi đây, quả thật là dịp may hiếm có. Hắn không ngờ rằng ta đã đoán ra hành vi độc ác của hắn, lại còn giả ân giả nghĩa che mắt mình sao? Sau khi đi tìm ra “Bách Doanh đan” rồi thế nào cũng ghé lại Hoành Phúc tự dò hỏi. Hắn đã quen biết cùng vị Phương trượng chùa này thì việc truy cứu không còn là điều khó khăn nữa”.

Nghĩ đến đó, chàng vội vàng xếp thư cất kỹ vào túi rồi đảo bước đặt chân lên khúc cây bắc qua vực thẳm.

Đối với người thường khi trông thấy trên bờ vực cheo leo hun hút, thân cây nhỏ bé bao phủ đầy rêu xanh trơn trượt cũng đã lạnh gáy rủn mình, dù một bước cũng chẳng dám đi qua. Nhưng đối với Vệ Thiên Tường thì đoạn cây mấy trượng đó không có nghĩa lý gì hết.

Chàng thản nhiên đặt chân lên, khẽ nhún mình một cái bay vút qua bên kia bờ như một vì sao đổi ngôi.

Dừng chân nhìn xuống, thấy giòng suối sâu chảy vòng theo vực thẳm quanh sườn núi, lài lài chạy về phía Tây.

Trên bờ suối ấy, còn một con đường đá nhỏ, vừa đủ đặt bàn chân, cũng chạy vòng theo không dứt.

Chàng không dám chậm trễ lập tức đi theo con đường ấy, chuyển sang sườn núi. Lúc đầu gập ghềnh chật hẹp khó đi, nhưng một hồi sau đã rộng dần và trở nên bằng phẳng.

Trước mắt bỗng hiện ra một khu rừng um tùm, nhiều cây cổ thụ cao vút tận trời xanh, chính giữa có một con đường mòn bằng đất sét, bằng phẳng khô ráo rẽ chạy dần lên sườn núi.

Bên vệ đường có mấy tấm thạch bia khá lớn. Mặt bia phẳng lỳ có khắc mấy chữ :

“Võ lâm chi sĩ, bất đắc nhập nội”

(Các nhân sĩ trong võ lâm, cấm không được vào)

Đọc qua hàng chữ, Vệ Thiên Tường nghĩ bụng: “Có lẽ vì quá nhiều người trên võ lâm tìm đến đây để cầu xin thuốc Bách Doanh đan nên Cầm Linh Quân đã khắc bia này để tránh khỏi bị quấy rầy, phiền phức đây chăng”.

Nghĩ vậy, chàng sửa soạn lại áo quần đỉnh đạc nói lớn :

- Vãn bối Tu La môn hạ Vi Hành Thiên xin đến bái yết.

Chàng vận dụng công lực đầy đủ, nên thanh âm phát ra vang dội cả vùng rừng núi, đi xa trên mấy dặm cũng nghe rõ ràng.

Chàng nói vừa dứt câu, bỗng phía trước, cách chừng bảy tám trượng có loang loáng bóng người, nhưng chỉ thoáng qua rồi biến mất ngay.

Vệ Thiên Tường đoán bóng ấy là thủ hạ của Cầm Linh Quân, bình nhật canh gác nơi đây phòng có kẻ lạ mặt xâm nhập vào sẽ ra tay cản trở.

Nhưng tại sao chàng đi vào mà kẻ ấy không hiện để cản ngăn? Có lẽ vì Cầm Linh Quân đã bằng lòng cho mình được vào gặp, cho nên sau khi mình nói rõ ý kiến, người ấy đã lánh mình rồi chăng.

Nghĩ vậy, chàng yên tâm đi thẳng tới trước. Nhưng khi đi đến gốc cây cổ thụ mà vừa rồi có thấp thoáng bóng người, chàng đưa mắt nhìn trên thân cây thấy có vạch một hàng chữ nhỏ :

“Hãy cấp tốc lui ra ngay!”

Nét chữ viết thật nhỏ, có lẽ vạch bằng móng tay.

Tuồng chữ này không khác gì tuồng chữ của lão già họ Chu trong hai lá thư trước.

Chàng lại phân vân nghĩ bụng: “Tại sao lão này nhờ hòa thượng ở Hoành Phúc tự trao thư rồi lại còn lén lút theo dõi đến đây để tìm đường ngăn trở mình là vì duyên cớ chi đây?”

Đang suy nghĩ bỗng có một tiếng nói thật nhỏ rỉ rả bên tai nhưng nghe thật rõ ràng :

- Xem chừng có người sắp tới đó.

Tiếp theo nghe tiếng gió ào ào, hai bóng người từ đàng xa bay đến, nhẹ nhàng đặt chân hai đầu, chặn mất lối đi của Vệ Thiên Tường.

Sau đó có thêm hai người khác từ trong rừng phóng ra đứng ngay trước mặt, một bên phải, một bên trái.

Cả bốn người luân chuyển thay đổi vị trí lẫn nhau, bao vây chàng vào giữa.

Quay đầu nhìn lại, Vệ Thiên Tường thấy cả bốn người đang vây mình đều mặc một kiểu áo màu xanh dài chấm đầu gối, trong tay không có một món vũ khí nào hết.

Tất cả bốn người đều thản nhiên nhìn chàng với đôi mắt lạnh lùng. Nhận rõ người nào cũng có hai gò thái dương nhô cao lồ lộ, chứng tỏ có trình độ nội công khá cao siêu.

Vệ Thiên Tường đoán chắc những người này là thủ hạ của Cầm Linh Quân nên vội vàng chắp tay thủ lễ rồi nói :

- Xin kính chào tứ vị lão ca. Tại hạ họ Vi tên Hành Thiên, vốn là Tu La môn hạ. Lúc đi đường có gặp và quen biết cùng lệnh ái của Nam Cung lão tiền bối, hôm nay lại đây xin được bái yết, mong các vị lão ca vui lòng thông báo dùm cho.

Nhưng bốn người áo xanh vẫn thản nhiên trố mắt nhìn chàng, không thèm nói năng gì hết.

Vệ Thiên Tường lấy làm lạ, chả lẽ mình nói họ chưa nghe được sao?

Nhưng chàng lại kiên tâm nói tiếp :

- Tại hạ là Tu La môn hạ Vi Hành Thiên...

Bốn người không đợi chàng nói hết, trong miệng ấm ớ một vài tiếng rồi cùng tiến lên một bước đưa chưởng phất qua.

Cả bốn người cùng ra tay một lúc, động tác mau lẹ biến ảo dị thường. Mỗi người chiếm lãnh một phương vị, thủ pháp mãnh liệt và cay độc không tả xiết.

Vệ Thiên Tường ngạc nhiên nghĩ: “Chẳng lẽ cả bốn người này đều câm hết hay sao? Họ không cho mình trình bày mà cứ lao vào tấn công ngay thì làm sao mà biện bạch. Ta đâu có sợ họ, nhưng trong lúc cần yết kiến Cầm Linh Quân, chả lẽ đi tấn công bộ hạ của người ta hay sao”.

Tuy chàng kịp thời né tránh nhưng bốn người lại tiếp tục tấn công nữa, khí thế vô cùng ác độc, nếu không đối phó e không xong.

Không còn cách nào hơn nữa, chàng vội vàng vận dụng thuật “Tử Phủ Tiềm Hình” tung người lên cao, nhảy vọt ra khỏi vòng vây, miệng gọi lớn :

- Xin bốn vị lão ca hãy dừng tay.

Bốn người này thấy Vệ Thiên Tường sử dụng thân pháp “Tử Phủ Tiềm Hình” thì tỏ ra vô cùng kinh ngạc, trợn mắt há miệng ú ớ mấy tiếng, nhưng chỉ thoáng qua một chút rồi vung chưởng tấn công ngay.

Lúc bấy giờ Vệ Thiên Tường mới dám quả quyết cả bốn người này đều câm hết. Chàng biết đối với người câm không thể biện bạch hay yêu cầu bằng lời nói được. Cứ nhìn qua chưởng lực của họ, thấy rằng cả bốn người đều có một mức nội công thượng thừa, trên giang hồ ít có. Nếu không đối phó nổi với họ thì không hy vọng nào được tìm gặp Cầm Linh Quân nữa.

Xem tiếp hồi 50 Võ lâm đệ nhất nhân
Bình Luận (0)
Comment