Vào tháng Sáu năm Nguyên Thú thứ hai, Quan Quân hầu Hoắc Khứ
Bệnh đích thân xin một lần nữa được xuất kích đánh Hung Nô, cùng Công Tôn Ngao
dẫn mấy vạn kỵ binh ra Bắc Thượng ở phương bắc[1], chia binh làm hai đường tiến
công.
[1] Nay là Cam Túc, Khánh Dương ở Tây Bắc.
Cuối tháng Sáu, Lưu Triệt dẫn Công chúa trưởng Nam Cung, Trần
hoàng hậu, Hoàng tử trưởng, Công chúa Duyệt Trữ và Đông Phương Sóc, Tư Mã Tương
Như đến cung Cam Tuyền nghỉ hè, Hoàng hậu độc tôn ở cung Vị Ương.
Lưu Đàm hạ rèm xe xuống, nhìn về hướng thành Trường An càng
lúc càng xa, quay đầu lại hỏi, “Vị Tư Mã phu nhân này là nhân vật thế nào?”
Vì Công chúa Duyệt Trữ đã bái sư nên Tư Mã Tương Như dẫn
Trác Văn Quân cùng lên đường đến cung Cam Tuyền nghỉ hè để không làm lỡ chuyện
học hành của Lưu Sơ. A Kiều chỉ cười không đáp, bỗng nhiên nhủ thầm trong lòng,
liệu Tư Mã Tương Như có thể từ thân phận sư phụ con gái Hoàng đế của Trác Văn
Quân ngầm nuôi hy vọng được thân cận với hoàng gia, từ đó tiến một bước trên
con đường quan lộ? Chẳng phải Tư Mã Tương Như từ trước tới giờ vẫn là người say
mê quyền chức sao?
“Trác Văn Quân vốn là tài tử nổi tiếng đất Thục, hôn phu mất
sớm nên một lòng thủ tiết. Tư Mã Tương Như ái mộ, khi tới làm khách Trác gia đã
chơi đàn cổ, hát khúc Phượng cầu hoàng, lời ca có đoạn:
“Phượng này, phượng này,
Trở về cố hương,
Ngao du bốn biển,
Cầu được chim hoàng.”
Văn Quân ở sau rèm nghe được, trong lòng thích thú, cảm giác
tri kỷ. Hai người ước hẹn với nhau rồi bỏ trốn đến Lâm Tri mở quán rượu sinh
nhai. Chuyện Văn Quân bán rượu đã thành giai thoại một thời.”
Lưu Đàm mê mẩn lắng nghe rồi thốt lên, “Đúng thật là một đôi
tuyệt diệu.”
“A Kiều”, nàng khẽ ngoái nhìn sang, ánh mắt hàm chứa thâm ý,
“Muội… có oán Triệt Nhi không?”
Trong lòng Trần A Kiều dâng lên nỗi chua chát, xoay người đi
không trả lời, kể tiếp, “Năm Nguyên Sóc thứ ba, Hoàng thượng hạ chỉ phong Tư Mã
Tương Như làm quan đi giao thiệp với các nước ở Tây Nam. Tư Mã tâm hồn lãng mạn,
dần dần thay lòng, gửi vô số thư cho Văn Quân, nhiều đến mức không nhớ nữa, ngỏ
ý muốn lập thêm thiếp. Văn Quân đau lòng muốn chia tay nhưng lòng dạ kiên cường,
làm thơ đáp rằng:
“Trắng như tuyết trên núi,
Sáng tựa nguyệt trong mây.
Nghe chàng sinh lòng khác,
Muốn cự tuyệt tình này.”
“Nghe chàng sinh lòng khác, muốn cự tuyệt tình này”, Lưu Đàm
động lòng ngâm nga, “Nghe như thế thì Tư Mã phu nhân cũng thật là một cô gái
thông minh cứng rắn… Như vậy là muội vẫn còn oán rồi.”
Một tấm chân tình lại gặp phải phụ bạc, ai có thể mỉm cười bỏ
qua cho được? Trác Văn Quân viết Bạch đầu ngâm gửi mấy dòng thơ, Tư Mã Tương
Như rốt cuộc vẫn là văn nhân còn có chút lương tâm nên gắng gượng từ bỏ ý muốn
lập thiếp. Lưu Triệt lại là quân vương, lòng dạ tàn nhẫn hơn Tư Mã Tương Như rất
nhiều. Năm đó, A Kiều bỏ ngàn vàng xin Tư Mã Tương Như được bài Trường Môn phú
thê lương buồn bã, trải lòng mình một lần nhưng vẫn không thể khiến cho Lưu Triệt
quay đầu. Người đàn ông vui mới nới cũ ấy đã viết ra bài Trường Môn phú đẹp đẽ
mà thê lương như vậy nhưng cho tới bây giờ A Kiều vẫn không muốn gặp, bởi vì gặp
lại như đối diện với sự giễu cợt của vận mệnh nửa đời về trước. Kim ốc tàng kiều
và Phượng cầu hoàng vốn là hai câu chuyện cười lớn nhất trên cõi đời này.
Lưu Đàm nhìn gương mặt A Kiều đượm vẻ ai oán, hồi tưởng lại
chuyện bản thân mình vừa trưởng thành đã đi xa tận đại mạc ở lều ăn thịt, đầu
đao mũi kiếm thì không khỏi xúc động thương tâm, suýt nữa rơi lệ. Nàng vội vàng
quay đi, nhìn đồng ruộng nương dâu bên ngoài khung cửa, cười lớn, “Không nói
chuyện này nữa, ta ở đại mạc nhiều năm, hôm nay nhìn lại nhà cửa ruộng vườn Đại
Hán cũng thấy hơi xa lạ.”
Đến nửa đêm, long xa cuối cùng cũng dừng lại trước cung Cam
Tuyền, xuống xe liền trông thấy cảnh cung hùng vĩ trang trọng. Cung Cam Tuyền ở
trong quận Cam Tuyền dưới chân núi Nam Sơn ngoại ô thành Trường An, có chu vi
mười chín dặm, cung điện đài các sánh ngang với cung Kiến Chương, có đủ tất cả
mọi thứ. Chỗ này là nơi hoạt động trọng yếu ở gần cung Vị Ương của các quân
vương thời sơ Hán, Lưu Đàm và A Kiều khi còn nhỏ thường theo Đậu thái hậu tới
đây. A Kiều ở giai đoạn chiến tranh lạnh với Lưu Triệt sau khi được phong hậu
còn sống một mình ở nơi này trong thời gian dài, quen thuộc đến từng gốc cây ngọn
cỏ ở đây còn hơn cả ở cung Vị Ương. Trên núi còn có suối nước nóng được dẫn vào
cung đổ vào hồ tắm.
Một ngày đi đường ngựa xe mệt nhọc, A Kiều tắm gội xong liền
trở về điện Tuyền Ngâm. Điện Tuyền Ngâm là chính điện của cung Cam Tuyền nơi
Hoàng đế và Hoàng hậu ở, trong đó có hai tiểu điện, bên trái hơi lớn hơn là đế
điện, bên phải là hậu điện. A Kiều thấy trong điện Tuyền Ngâm vẫn bày biện
trang trí quen thuộc giống như trước, như chưa từng có ai vào ở sau khi nàng rời
đi. Trên bàn trang điểm có một chiếc gương đồng chạm hoa, mặt gương vẫn còn một
vết xước. Gương mặt nàng soi vào nhìn thoáng mờ đi.
Với thân phận hiện giờ thì A Kiều không thể ở đây, nhưng
nàng không đề cập tới, Lưu Triệt cũng không nói gì, đám cung nhân cũng giả câm
giả điếc nên tất cả đều như cũ. Thật ra tất cả đã từ lâu không thể nào quay lại
như ban đầu. Cung nhân bên ngoài rèm quỳ gối bái chào, “Tham kiến bệ hạ.” Lưu
Triệt chắp tay tiến vào, thấy ngay A Kiều đang cầm chiếc lược gỗ, vẻ mặt kinh
ngạc nhìn vào chiếc gương đồng.
“Kiều Kiều!” Lưu Triệt vui vẻ gọi.
“Trẫm còn nhớ hồi năm Kiến Nguyên thứ ba, trẫm đã cùng nàng
đến chỗ này nghỉ hè.”
Hồi đó, Lưu Triệt cho Vệ Tử Phu đến chỗ thay y phục rồi cùng
A Kiều đến cung Cam Tuyền, nhưng đã có rạn nứt nên hai người đối xử với nhau lại
càng dè dặt, còn ngọt ngào hơn đêm tân hôn. Ở cung Vị Ương, A Kiều chẳng thể cản
được chuyện oanh yến của Lưu Triệt, nhưng ở cung Cam Tuyền, chỉ cần A Kiều có mặt
sẽ không còn bóng dáng người con gái nào khác, vì thế nàng vẫn thích cung Cam
Tuyền hơn cung Vị Ương. Thời gian đó, Lưu Triệt rất không vừa ý bởi quyền lực nằm
trong tay Thái hoàng thái hậu, khi phụng bồi A Kiều cũng không toàn tâm toàn ý.
Ở trong điện Tuyền Ngâm, y thậm chí còn giúp A Kiều búi tóc. Vua của một nước tất
nhiên không thạo việc này, y đưa lược chải rứt tóc khiến A Kiều đau đớn, tuy
nhiên nàng vẫn cố chịu. Nàng nhìn vào gương thấy tóc đã được búi lại, dĩ nhiên
là không đẹp nhưng trong lòng vẫn vui mừng. Cuối cùng nàng vẫn không dám để đầu
tóc như vậy đi ra ngoài mà phải bảo tỳ nữ gỡ ra búi lại. Bao nhiêu năm sau nghĩ
lại, nếu biết có ngày hôm nay thì chi bằng ngày ấy cứ chải tóc như vậy ban ngày
để đến ban đêm cho chính tay y dỡ xuống. Thế sự đổi thay, gió thổi mây trôi,
cho dù có tình ý thì cũng đã không tiện đích thân làm.
Gió núi về đêm vô cùng mát mẻ thổi vào trong điện, tóc còn
chưa khô nên cảm thấy hơi lành lạnh, tấm gương đồng từng soi dung nhan của nàng
cũng từng chiếu rọi nỗi đau khổ của nàng.
“Hoàng thượng tới chỗ của A Kiều có việc gì thế?” Trần A Kiều
cúi đầu, hỏi giọng hờ hững.
Lưu Triệt cau mày, nhưng rồi lại nhẫn nại, “A Kiều ở cung
Cam Tuyền không nói những chuyện đau lòng có được không?”
A Kiều cười cay đắng. Y chỉ nhớ tới thời gian đã từng thân mật
mà quên mất rằng nàng đã từng ở đây cô đơn một mình nhìn ánh trăng hết đêm này
tới đêm khác. Song nàng chỉ đáp. “Được.”
Con người không phải lúc nào cũng cương lên đối đáp. Nếu có
thể giữ bề ngoài hòa hoãn thì cứ lui một bước, giữ sự bình thản để quan sát.
Tìm trăm phương ngàn kế để rời xa cũng đã thật vất vả, huống chi ở cung Cam Tuyền
này đúng là tâm hồn nàng mềm đi một chút. Nàng nghĩ Lưu Triệt cũng là người biết
cam chịu. Những năm qua thấy y dung túng mình nàng không phải là không có một
chút cảm xúc nào, nhưng điều đó chưa đủ để làm tan chảy băng tuyết trong đáy
lòng nàng.
Lưu Triệt vén mái tóc nàng, hôn lên đôi môi. Trong lòng nàng
chợt thấy bất an, nhìn vào đại điện hương sắc cổ xưa, gió đêm thổi vào khiến
mép rèm bay bay. Thời gian thật đáng sợ, từng bước từng bước thỏa hiệp sẽ khiến
nàng dần trở thành A Kiều cổ đại thực sự, một A Kiều toàn tâm toàn ý chờ được
yêu thương.
“Kiều Kiều!” Lưu Triệt gọi thầm bên tai nàng có vẻ không hài
lòng, “Tập trung nào.”
Nàng khẽ cười, nhớ lại Lưu Triệt khi còn bé thường chơi đùa
với nàng ở trên núi Cam Tuyền. Lúc đó nàng vẫn còn hơi cao hơn y một chút, thường
cười trêu. “Triệt Nhi, nếu ngươi không lớn thêm một chút thì làm sao bảo vệ được
ta đây.” Khi đó nàng thật sự tin tưởng rằng người này có thể bảo vệ nàng cả đời,
là chỗ dựa của nàng. Về sau y lớn hơn, càng ngày càng cao lớn, nhưng cũng càng
ngày càng âm trầm lạnh lùng quả quyết hơn nhưng nàng lại không nhận thấy.
“Trước hướng về ta, liễu hoa lả lướt.
Nay được ta rồi, gió mưa sướt mướt.”[2]
[2] Đây là hai câu thơ trong bài Thái Vi thuộc phần “Tiểu
nhã” của tác phẩm kinh điển Kinh Thi.
Bên ngoài điện Tuyền Ngâm, mưa bắt đầu rơi tí tách. Thật ra
nàng chưa từng trải qua cuộc sống mòn mỏi ở trong cung Trường Môn như vậy. Nếu
có thể dùng cách thỏa hiệp này để đổi lấy tự do nhiều hơn thì có đáng giá hay
không? Nàng tự vấn lòng, có đôi khi không cần phải yêu hết lòng vẫn có thể kết thành
một đóa hoa mỹ lệ. Đêm về khuya, trời lạnh hơn. Nàng khẽ co người lại, hơi động
một chút đã làm cho người bên cạnh thức tỉnh. Y nhíu mày rồi lại ôm nàng vào
lòng.
Mãi đến khi ánh sáng hé lên ở phía chân trời thì nàng mới mơ
màng tỉnh dậy, thấy Lưu Triệt đã ăn mặc gọn gàng, trang phục gấm đen áo dài tay
rộng tôn quý của đế vương, ánh mắt lạnh lùng sắc sảo nhưng khi nhìn nàng thì lại
chan chứa dịu dàng ấm áp, nói, “Trẫm đi xử lý chính sự đã.”
Nàng gật đầu xoay người ngủ tiếp, đợi y đi xa rồi mới trở dậy,
vừa mới thu dọn xong thì đã nghe tiếng Lưu Sơ hưng phấn gọi ở bên ngoài điện,
“Mẫu thân, mẫu thân!”, rồi chạy tới nhào vào lòng nàng.
Nàng mỉm cười nói, “Khoan đã, không ai chiếm mất mẫu thân của
con đâu. Có chuyện gì thế?”
“Vậy cũng chưa chắc, ca ca sẽ chiếm mất”, Lưu Sơ trong lòng
nàng ngửa đầu đáp.
A Kiều phì cười, ngẩng đầu lên thì thấy Lưu Mạch đang vén
rèm bước vào. Nàng hơi kinh ngạc hỏi, “Mạch Nhi, Đông Phương tiên sinh cho con
nghỉ sao?”
Lưu Mạch hơi mất hứng, ấm ức nói, “Mẫu thân, vừa mới đến
cung Cam Tuyền thì hãy để cho con được nghỉ ngơi mấy ngày.”
A Kiều nhớ lại mình lúc nhỏ cũng nghịch ngợm nên mỉm cười gật
đầu. Lưu Mạch vui mừng, khe khẽ kể oán, “Huống chi hôm nay Đông Phương tiên sinh
cứ quấn lấy dì Lăng, chắc cũng không rảnh để quản con.”
A Kiều ngạc nhiên, Lưu Sơ kéo vạt áo nàng, hưng phấn nói, “Mẫu
thân, cây nho con trồng năm ngoái đã ra quả rồi.”
Năm Nguyên Sóc thứ sáu, Trương Khiên mới được phong làm Bắc
Vọng hầu có tặng Công chúa Duyệt Trữ cành nho dài một tấc, Lưu Sơ đem trồng ở
sau điện Dương A. Theo chỉ dẫn của Trương Khiên, các cung nhân cung Cam Tuyền
chăm sóc, bón phân cẩn thận nên bây giờ đã mọc um tùm tươi tốt. Công chúa Duyệt
Trữ đã quên mất từ lâu, giờ thấy được nên tất nhiên vô cùng vui mừng.
“Mẫu thân, người đi xem đi”, Lưu Sơ nũng nịu vòi vĩnh. A Kiều
chịu không nổi nên đành phải theo cô bé. Quả nhiên cây nho đã kết thành những
chùm nho màu xanh tím, mặc dù không phải là thượng phẩm nhưng cũng rất đáng kể.
“Hai năm qua chăm sóc cây nho cho Công chúa cũng coi như có
công, truyền xuống thưởng cho mỗi người mười xâu tiền.”
Các nô tỳ của điện Dương A liền quỳ xuống, đồng thanh cảm
ơn, “Đa tạ Trần nương nương ban thưởng.”
“Hái những chùm nho này xuống, rửa sạch, dâng lên Hoàng thượng,
Công chúa trưởng Nam Cung, Phi Nguyệt và tất cả các vị đại nhân mỗi người một
chùm. Phải nói rõ ràng rằng…”, A Kiều mỉm cười nói tiếp, “Công chúa Duyệt Trữ
đích thân trồng đấy.”
Dương Đắc Ý đang đứng hầu dưới điện chờ Hoàng đế xử lý chính
sự từ Trường An chuyển tới, trông thấy nội thị áo xanh từ hành lang phía xa đi
tới liền hỏi, “Ngươi thuộc điện nào? Đến đây làm gì?”
Viên nội thị đang bê một chiếc khay trên tay, thi lễ nói,
“Nô tài hầu hạ Tứ công chúa ở điện Dương A. Trần nương nương sai nô tài đem
dâng lên bệ hạ một chùm nho, bảo đây là do Công chúa Duyệt Trữ đích thân trồng
vào năm Nguyên Sóc thứ sáu.”
Dương Đắc Ý nhìn chùm nho trên khay thấy xanh lè mới điểm
chút sắc tím, vừa trông đã biết rằng chua nhưng vì là nho do Công chúa Duyệt Trữ
và Trần nương nương đưa tới nên hắn không dám trễ nải nhận lấy hất hàm, “Biết rồi,
ngươi về trước đi!” Sau đó tự tay bê vào trong điện.
Hắn hầu hạ đã nhiều năm nên dù thấy sắc mặt Lưu Triệt khó
đăm đăm nhưng vẫn cảm giác được tâm trạng của Hoàng thượng không tệ, khom người
bẩm, “Hoàng thượng, đây là nho do Trần nương nương sai người đưa tới.”
Lưu Triệt nghi hoặc, nhíu mày hỏi lại, “Trần nương nương đưa
tới à?”
“Đúng vậy!” Dương Đắc Ý vẫn cúi người, “Nghe nói còn là do
Công chúa Duyệt Trữ đích thân trồng ở cung Cam Tuyền năm kia.”
Lưu Triệt nhớ tới Lưu Sơ liền mỉm cười, tâm trạng vui vẻ. Y
hái một quả bỏ vào miệng nhưng nhăn mặt vì chua, y miễn cưỡng nuốt vào rồi lắc
đầu, “Không phải mùi vị mà năm đó Trương Khiên dâng lên.”
Dương Đắc Ý cúi đầu, hơi buồn cười, “Chắc là do cung nhân
chăm sóc không có kinh nghiệm như Bác Vọng hầu.”
Lưu Triệt lúng túng, lại không tiện vứt đi đành bảo, “Ngươi
ra ngoài trước đi.”
Nho dâng lên Hoàng đế dĩ nhiên phải chọn loại tốt nhất, vì vậy
những ngày này, tất cả nữ quyến đại thần theo hầu thánh giá đều được Công chúa
Duyệt Trữ gửi nho chua đến nhưng lại không dám trách cứ Công chúa Duyệt Trữ và
Trần nương nương, đành một mực oán trách Bắc Vọng hầu Trương Khiên đang đi Tây
Vực xa xôi hết lời.
Đến tháng Bảy thì có tin chiến trận từ Tây Bắc báo về. Quan
Quân hầu Hoắc Khứ Bệnh mất liên lạc với Công Tôn Ngao. Một mình xâm nhập, vòng
qua hành lang phía bắc Hà Tây tiến vào sâu hơn ngàn dặm đến tận hậu phương quân
địch, rồi từ Tây Bắc xuất kích theo hướng đông nam, thế như gió thu quét lá, đại
phá các bộ lạc Hung Nô, khai chiến với chủ lực Hung Nô ở Kỳ Liên sơn thuộc lưu
vực Hắc Hà, diệt hơn ba vạn địch, bắt sống năm vương gia và vương tử Hung Nô,
hơn trăm tướng quốc, thu bốn vạn thuộc hạ của Hồn Tà vương, chiếm lĩnh toàn bộ
hành lang Hà Tây. Lưu Triệt xem xong tin báo mừng rỡ, cảm khái nói, “Khứ Bệnh
lúc thiếu niên cực kỳ bướng bỉnh, dạy mãi cũng không nghe khiến mọi người luôn
phải lo lắng. Trẫm vẫn nói ngày sau hắn nhất định sẽ là một mãnh tướng trên chiến
trường nhưng chưa từng nghĩ rằng hắn sẽ xuất sắc như vậy.”
Trần A Kiều nghe vậy mỉm cười cúi đầu, nói, “Đây chẳng phải
là chuyện tốt ư? Nói cho cùng thì hắn chính là môn sinh của thiên tử.”
“Hoắc Khứ Bệnh?” Lưu Đàm liền nhớ tới viên tướng quân trẻ tuổi
kiêu ngạo đã vài lần thoáng trông thấy ở trong cung Vị Ương, chiến trường đã
tôi luyện khiến hắn giảm bớt tính bạt mạng thời niên thiếu mà ngày càng trầm ổn
hơn. Trong trí nhớ của nàng, Y Trĩ Tà từng nghiến răng nhắc đến tên người thanh
niên này, trong cuộc chiến Hán Hung vào năm Nguyên Sóc thứ sáu, hắn đã dẫn tám
trăm quân Hán bắt giữ thúc phụ của Y Trĩ Tà.
“Đúng vậy, Đàm tỷ”, Lưu Triệt hào hứng, “Hắn là cháu ngoại của
Vệ hoàng hậu.” Nói đến đây y liếc nhìn A Kiều, thấy nàng vẫn giữ nụ cười hàm tiếu
tựa như không nghe thấy gì. Chẳng biết tại sao, y lại thấy mất hứng.
“Tỷ nhớ”, Lưu Đàm lại không chú ý mà dường như đang nghĩ tới
điều gì, “Hình như sắp đến đêm Thất tịch[3] rồi”
[3] Thất tịch: Mùng bảy tháng Bảy Âm lịch, ngày lễ tình yêu
của Trung Quốc dựa theo câu chuyện về Ngưu Lang – Chức Nữ.
Đêm Thất tịch là sinh nhật của Lưu Triệt, vừa nghe đến đây,
cặp mắt của y tối đi, “Khó cho Đàm tỷ còn nhớ được”
Dù cho đang ở ngoài cung Vị Ương nhưng ngày sinh của Hoàng đế
vẫn phải tổ chức. A Kiều bất đắc dĩ tiếp nhận nhiệm vụ này, ngoài việc sai bảo
cung nhân thu xếp cẩn thận còn phải chuẩn bị lễ thọ cho Hoàng đế. Nàng không muốn
quá hao tâm khiến người khác để ý nhưng cũng không thể quá tùy tiện để phạm tội
danh đại bất kính với thiên tử. Có những lúc nghĩ vẩn vơ, nàng nhếch miệng, một
người tàn nhẫn lạnh lùng như vậy mà lại có một sinh nhật lãng mạn đến thế này
thì đúng thật là nực cười.
Để chuẩn bị lễ thọ, nàng bảo cung nhân lấy một ít băng được
cất giữ từ mùa đông năm ngoái về, thái nhỏ trái cây đủ màu sắc rồi cho thêm một
ít nước ô mai làm thành món sinh tố hoa quả mà nàng yêu thích nhất từ thời thiếu
nữ. Lưu Sơ nhìn món sinh tố có những viên nước đá trong veo lóng lánh thì lộ vẻ
thèm thuồng, vỗ tay nói, “Mẫu thân, cho con nếm một chút trước đi.”
Trần A Kiều bật cười cốc vào trán cô bé, “Đây là lễ thọ, sao
có thể nếm trước được?”
“Phụ hoàng sẽ không để ý đâu, người chiều con nhất mà”, Lưu
Sơ hồn nhiên đáp.
A Kiều thất thần, thì ra Lưu Sơ đã vô tình thực sự đón nhận
thân phận đứa con gái được phụ hoàng thương yêu nhất. Sơ Nhi đã như vậy thì Mạch
Nhi có thể kiên trì bao lâu? Nàng có thể kiên trì bao lâu? Nàng giao đồ ăn cho
thị tòng, bảo đưa đến điện Tất Đường rồi quay sang dỗ dành, “Ngày mai sẽ làm nữa
cho con ăn.”
Lưu Sơ mất hứng, kéo tay Lưu Mạch, “Cũng không phải là khó lắm,
tự muội làm không được sao?”
Đến chiều tối, có lẽ vì ăn quá nhiều nước đá nên Lưu Sơ bị
tiêu chảy. A Kiều vừa bực mình vừa buồn cười, xách tai mắng cho cô bé một trận,
sau đó bắt mạch kê đơn, sắc thuốc, theo sát cho đến lúc con gái uống xong mới
yên tâm.
“Mạch Nhi, sao con không chịu để mắt trông coi muội muội của
mình”, nàng quay đầu lại, nhẹ giọng nói với Lưu Mạch.
“Ca ca cũng ăn không ít đâu”, Lưu Sơ nằm bẹp trên giường,
bĩu môi nhăn nhó, “nhưng chỉ có con gặp chuyện không may.”
Vất vả một phen rồi cũng tới lúc trời tối, thọ yến sắp bắt đầu,
lúc A Kiều về đến điện Tuyền Ngâm thì Lưu Triệt đã có mặt, đương nhiên y đã
nghe nói về chuyện của Lưu Sơ nên vừa nhìn thấy nàng đã mím môi hỏi, “Sơ Nhi khỏe
chưa?”
“Chắc nghỉ ngơi một chút sẽ không sao”, nàng trả lời. Lưu
Triệt gật đầu, hai người thay xiêm áo rồi y khoác tay A Kiều vào yến tiệc.
“Đúng rồi”, Lưu Triệt như vừa chợt nhớ ra, nghiêng người khẽ
nói bên tai nàng, “Trẫm rất vui vì lễ thọ của Kiều Kiều.”