Lang Hoài Hữu Ngọc

Chương 3

Hôm ấy ta xui xẻo, chẳng tìm được việc gì cả, mãi tới buổi trưa mới thấy một hiệu sách kiếm người chép sách.

Chép hết mười tờ mới được trả một văn tiền, nhưng người ở hiệu sách nói yêu cầu không cao, chữ viết ngay ngắn là được.

Lòng ta tức khắc rục rịch, biết rõ trong bụng chẳng có bao nhiêu chữ nghĩa, nhưng mà cuối cùng vẫn vào.

Trong hiệu sách mười mấy người ngồi đen kịt, đều đang vùi đầu chép sách, chỉ có ta là vò đầu bứt tai liên tục.

Ta đã quá xem trọng bản thân mình rồi. Tuy rằng Đại Lang từng dạy chữ cho ta, nhưng trên thực tế chữ ta xiêu xiêu vẹo vẹo, động tới một vài chữ khó ít dùng là chúng ta lại trơ mắt nhìn nhau, nó không quen ta, ta cũng không biết nó.

Bên cạnh ta là một thanh niên mặc bộ áo vải màu nâu đang nghiêm túc chép lại sách. Ta nhịn không được, liếc nhìn về phía hắn. Chữ hắn cũng đẹp như chữ của Đại Lang, từng nét chữ tựa như nước chảy mây trôi, sôi nổi hiện trên trang giấy.

Ta buồn bã nói…

“Huynh viết chữ đẹp thật đấy.”

Thanh niên nọ ngẩng đầu nhìn ta, ánh mắt đôi bên bất chợt giao nhau, mặt hắn đỏ lựng.

Ta lúc này mới ý thức được mình đã quá mức đường đột, vội lên tiếng trước: “Xin lỗi nhé, ta nói bừa ấy mà. Ta chỉ định hỏi huynh một chút, chữ này có nghĩa gì vậy?”

Ta chỉ lên một chữ trên sách mẫu. Thanh niên thoáng sửng sốt, sau đó nói: “Đây là chữ xung, hộc phi cử vạn lý, nhất phi xung hạo thương(1), ý là bay thẳng.”

(1) Hai câu thơ trong bài thơ “Tặng Vô Khiêu Kinh Châu” của Đỗ Chí (tể tướng nước Tần thời Chiến Quốc), nói về hoài bão. Dịch nghĩa: Thiên nga bay vạn dặm, bay thẳng đến trời xanh.

Giọng hắn ta thật trong trẻo, cũng rất dễ nghe, ta nhịn không được lại hỏi: “Ta thấy mọi người đều chép cùng một nội dung, sao hiệu sách lại cần sao chép nhiều như vậy?”

Thanh niên nhìn quanh bốn phía, hạ giọng nói: “Đây là tập sách mới của Khang Vương điện hạ trong kinh, rất phổ biến ở kinh thành. Các châu phủ giờ đang tranh nhau biểu hiện, muốn gây ấn tượng trước mặt Khang Vương điện hạ, hiệu sách cũng chỉ là muốn làm bộ cho quận Thao Châu xem, kỳ thực không thể bán được nhiều bản như vậy.”

“À à.” Ta yên tâm ngồi về chỗ, cười với hắn: “Đa tạ.”

Thanh niên thư sinh da mặt mỏng, vội nói: “Cô nương không cần khách khí.”

Ta sinh ra đúng là không phải để kiếm tiền theo cách này. Người khác hạ bút, loáng cái đã xong một quyển, còn ta vẫn đang căng da đầu lên chép trang thứ năm.

Cuối cùng thực sự chịu không nổi nữa, bụng ta sôi lên sùng sục.

Giữa hiệu sách yên tĩnh, tiếng bụng ta réo nghe rất rõ ràng. Ta xấu hổ không dám ngẩng mặt nhưng vẫn ra vẻ bình tĩnh, tiếp tục chép sách.

Chẳng bao lâu sau, một bàn tay đã đột ngột xuất hiện cạnh ta, trên tay là một chiếc khăn sạch sẽ, bên trong có đặt một chiếc bánh hấp.

Là thanh niên thư sinh kia.

Ta ngẩng đầu nhìn hắn, hắn bất ngờ nói: “Nếu như cô nương không chê thì có thể ăn lót dạ một chút.”

Khi đói cồn cào ruột gan thì ai chê gì cơ chứ.

Mặt ta cũng hơi ửng hồng. Cuối cùng cơn đói đã chiến thắng nỗi ngượng nghịu, ta duỗi tay ra, cầm lấy chiếc bánh hắn đưa.

“Cảm ơn huynh nhé, ta đói quá rồi, không khách sáo nữa đâu.”

Ngày ấy, chưởng quầy hiệu sách nhìn mười tờ giấy ta miễn cưỡng chép xong, cực kỳ không tình nguyện mà cho ta một văn tiền.

Mà ta, để kiếm được một văn tiền này, không chỉ có miệng run lên mà tay cũng run lẩy bẩy.

Nửa tháng nữa, hẳn là Bùi nhị thúc sẽ gửi tiền về nhà.

Hắn tham gia quân ngũ ở ngoài biên cương, là lính trung đẳng, một ngày được bảy mươi văn tiền, quân lương cả tháng là hai lượng mốt.

Nghĩ đến đây, ta lại tới nha môn huyện, tìm được nha dịch Triệu đại thúc, mặt dày hỏi vay một quan tiền của thúc ấy.

“Ta nể tình cha chồng cháu nên mới cho cháu mượn tiền, nhưng cháu nhớ phải trả đấy, ta sống cũng không dễ dàng, trong nhà còn một khuê nữ bị què chân nữa.”

“Triệu thúc yên tâm, cháu nhất định sẽ trả, Tiết Ngọc là người thủ tín.”



Hai mươi ngày sau, Bùi Nhị Lang cuối cùng cũng gửi về bốn lượng bạc.

Lúc tiếp nhận bạc từ tay quân sai dịch trạm, ta suýt nữa rớt nước mắt.

Ta mua một con gà quay cùng một miếng thịt nướng tương ở huyện, về nhà thái ra rồi bày lên đĩa. Lúc bỏ thịt vào trong miệng, Tiểu Đào òa khóc…

“A a a, thơm quá! Lưỡi muội cũng thơm nức rồi! Cảm tạ nhị ca của muội! Cảm tạ mười tám đời tổ tông nhà huynh ấy!”



Trong tay có tiền, ta không lên huyện tìm việc làm nữa mà mày mò cái cối xay nước cũ vứt chỏng chơ ở góc sân.

Thớt đá ở trên được treo lên bởi giá đỡ, thớt đá ở dưới gắn với trục quay, chuyển động bằng sức nước, dùng để xay nhỏ ngũ cốc.

Lúc trước khi thím Bùi còn tại thế, ta giúp thím đắp thảo dược lên đầu gối, từng nghe thím nhiều lần kể về tay nghề làm tào phớ của nhà họ Bùi.

Ngâm đậu tương trong nước giếng, xay đậu thành dạng sệt, xát mạnh đến mức nghe tiếng lách tách, sau đó lại dùng rổ thưa và vải mịn lọc hai lần.

Nổi lửa to khi bắc nồi rồi hạ lửa xuống đun liu riu, đến khi lớp nước bên trên kết tủa lại thì tắt lửa.

Nấu chín thạch cao, nghiền thành dạng bột, trộn với nước rồi đổ vào vại sành cùng với nước đậu tương đã nấu xong…

Trong hẻm Sư Tử ở phố Nam của huyện là một phố chợ với nhiều cửa hàng san sát, những người bán hàng rong nối dài đến tận cầu Châu, khiến cho nơi ấy trở nên vô cùng sầm uất.

Ngày đó chép sách ở hiệu sách rồi đi mượn tiền Triệu đại thúc xong, ta khóc nức nở suốt dọc đường về Bùi gia.

Một văn tiền kia kiếm được quá gượng gạo quá vất vả, áp lực kéo dài khiến ta không thể không hoài nghi bản thân, không biết có phải mình thực sự vô dụng hay không.

Sau khi nảy ra ý định buôn bán ở hẻm Sư Tử, chuyện đầu tiên ta nghĩ tới chính là bán tào phớ.

Bởi vì vật dụng cần thiết vẫn còn chất đống ở nhà họ Bùi, không thiếu một thứ gì cả, có thể lược bớt không ít phiền toái.

Thím Bùi đã từng nói, làm tào phớ nhìn thì có vẻ đơn giản, nhưng muốn làm ra tào phớ trắng mịn cùng với nước dùng chuẩn vị thì phải để ý từng công đoạn một.

Thời gian ngâm đậu dài hay ngắn còn phải phụ thuộc vào mùa, vại sành không thể dùng loại tráng men…

Lần đầu tiên ta làm tào phớ, múc một vài lát vào bát, Bùi Tiểu Đào còn kích động hơn cả ta: “Tẩu tử! Tẩu tử! Tẩu thật là lợi hại, cái gì tẩu cũng biết làm!”

Thế nhưng Bùi Tiểu Đào cũng chỉ kích động hai ngày. Thấy ta dậy xay đậu từ lúc trời còn chưa sáng, cô nhóc lại bất mãn mà lẩm bẩm…

“Nhị ca gửi tiền về rồi, chỉ cần tiết kiệm một tí là có thể giải quyết cơm ăn áo mặc, sao tẩu cứ phải vất vả như vậy làm gì.”

“Không thể nào dựa dẫm vào nhị ca muội mãi được. Thúc ấy tòng quân bên ngoài, phải dư dả chút mới tốt, cứ có tiền là gửi về thì gò bó lắm, làm cái gì cũng bất tiện.

“Người sống trên đời này, ngoài giải quyết chuyện cơm ăn áo mặc, còn phải biết tích cóp nữa, sống tốt một chút thì lòng mới có thể càng vững vàng, càng kiên định.”

“Tẩu tử, tẩu muốn tích tiền làm gì?”

“Có nhiều tiền rồi, ta sẽ đưa muội đi học, may quần áo mới cho muội và thái mẫu, ngày nào cũng cho hai người ăn gà quay và thịt nướng tương.”

Ta đếm đếm trên ngón tay, nói với muội ấy: “Người đều hướng tới chỗ cao, lo xong những việc kia rồi, ta còn muốn để dành ít của hồi môn cho muội nữa.”

“Sao lại phải để dành của hồi môn cho muội, sao tẩu không tự để dành của hồi môn cho mình?”

“Ta đã gả chồng rồi mà, ta là tẩu tử của muội.”

“Thế sao không để dành của hồi môn cho nhị ca? Nhị ca lớn tuổi hơn muội, hẳn là nên để cho huynh ấy trước mới đúng.”

“… Với bản lĩnh của nhị ca muội, thúc ấy chắc là không cần chúng ta chuẩn bị của hồi môn cho đâu.”

“Vì sao? Huynh ấy lợi hại lắm à?”

“Lợi hại lắm. Ta cảm thấy thúc ấy nhất định sẽ trở nên vượt trội trong tương lai, có khi còn trở thành đại tướng quân ấy chứ.”

Ta vừa xay đậu vừa trò chuyện cùng cô bé. Bùi Tiểu Đào như đang có chuyện suy tư, lại hỏi: “Thế còn muội thì sao? Tẩu cảm thấy tương lai muội có thể làm gì?”

“Muội ấy à, nói không chừng có thể lên thiên tử đường, giống như Tần Lương Ngọc(2) hoặc Phùng Liêu(3) gì đó ý, làm một nữ quan.”

(2) Tần Lương Ngọc: Nữ tướng triều Minh, người phụ nữ duy nhất trong lịch sử Trung Quốc cổ đại được ghi vào phần tiểu sử của các tướng quân trong cuốn “Nhị thập tứ sử” và cũng là nữ tướng duy nhất được phong hầu nhờ những chiến công quân sự của mình.

(3) Phùng Liêu: Nữ chính trị gia và nhà ngoại giao nổi tiếng thời Tây Hán, đồng thời cũng là nhà ngoại giao nữ đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc.

“Muội lợi hại như vậy á?”

“Đúng, muội rất lợi hại, rất có tiền đồ.”

Nói hươu nói vượn một hồi, đến chính ta cũng trở nên nghiêm túc: “Tới lúc đó muội có đại trạch riêng ở hoa kinh, cũng đừng quên đón tẩu tử đi hưởng phúc, để tẩu được dính chút hào quang của muội, có thể tìm bảy tám nha hoàn với hạ nhân hầu hạ mình.”

“Muội tìm cho tẩu một trăm!”

Bùi Tiểu Đào chạy tới giúp ta, tinh thần phấn chấn, mặt mày hớn hở: “Tẩu tử, mau tích tiền thôi.”

Mấy ngày sau, lúc cảm thấy tay nghề mình đã tạm ổn, ta đặt hai bát tào phớ vào trong giỏ rồi ngồi xe lừa đến nhà Triệu đại thúc trên huyện.

Ta trả lại tiền đã mượn, kể về ý tưởng mở quán của mình, rồi lại nhờ thúc ấy nếm thử tào phớ ta làm.

Kết quả thúc ấy nói: “Tào phớ rất non, nhưng hương vị hơi kém chút, không thể so với tào phớ của cha chồng cháu được.”

Ta sửng sốt, nghĩ mãi không ra mình đã làm sai ở đâu.

Triệu đại thúc lại nói: “Hương vị của tào phớ Bùi thị chính tông tất nhiên là người khác không bắt chước được. Hay là cháu đi hỏi thử tiểu nhị làm ở cửa tiệm hồi ấy xem sao, không thì mở quán một năm là không làm nổi nữa đâu. Những người ở huyện Vân An phần lớn đều đã từng ăn tào phớ chỗ cha chồng cháu, khẩu vị kén chọn lắm. Tào phớ ở hẻm Sư Tử cũng không phải chưa ai bán, nhưng làm ăn đều không tốt. Một bát mì mười lăm văn, một bát tào phớ phải hai mươi văn, nếu hương vị còn tệ nữa thì mọi người thà ăn mì còn hơn.

“Với giá đậu tương ở đây, bán rẻ thì không có lời, mà bán hai mươi văn một bát thì dĩ nhiên ăn phải ngon, đây mới là nguyên nhân khiến tiệm tào phớ nhà họ Bùi năm đó kinh doanh khấm khá.”

Chưa ra khỏi cửa mà lòng ta đã chết lặng, nhưng ta không định bỏ cuộc.

Ngày tiếp theo, ta dẫn Tiểu Đào tới nhà họ Chu ở thôn Tây Ba.

Nếu nói trong huyện Vân An vẫn còn một người biết được công thức tào phớ của nhà họ Bùi, thì người ấy nhất định là Bùi Mai.

Không ngờ kết quả lại là, chúng ta được mời uống canh bế môn, ngay mặt Bùi Mai cũng không nhìn thấy.

Tiểu Đào thấy thế thì vừa bất bình vừa phẫn nộ: “Bủn xỉn! Bủn xỉn! Không phải chỉ là vài lần lấy mấy cái bánh của tỷ ấy thôi sao!”

“… Vài lần? Không phải ta bảo muội đừng đến nữa à, muội vẫn đi lấy điểm tâm nhà họ hả?”

“Ừm, muội đến lấy bánh rồi mang đi luôn, lần cuối cùng mẹ chồng tỷ ấy nhìn thấy, tẩu không biết mặt bà ấy trông khó coi tới mức nào đâu, muội còn rất hiểu chuyện mà hỏi thăm xem bà ấy có ốm đau gì không nữa.”

“…”

Vì hành vi ác liệt của Bùi Tiểu Đào, Bùi Mai không lộ diện nữa mà chỉ cử một nha hoàn mắt mọc trên tận đỉnh đầu ra ngoài, nàng ta nhìn chúng ta với vẻ ghê tởm…

“Đừng có suốt ngày dán lên nãi nãi nhà chúng ta y hệt cao da chó thế, nãi nãi chúng ta nói, công thức gì đó nãi nãi không biết, mà có biết thì cũng sẽ không nói cho một người ngoài. Ai mà muốn làm ăn buôn bán với các người chứ? Nực cười chết mất. Có biết nãi nãi nhà chúng ta có thân phận thế nào không? Sau này đừng có tới nữa!”

Nha hoàn vừa dứt lời, Bùi Tiểu Đào đã sốt sắng hỏi: “Ai chết cơ?”

“Cái gì mà ai chết hở? Nhà ngươi nói bậy gì đó?” Nha hoàn hùng hổ vặn lại.

“Không phải tỷ nói nực cười đến chết người à? Tại nhà của tỷ tỷ mình mà ta không thể hỏi thăm một chút hay sao? Còn nữa, tỷ đừng có dùng lỗ mũi trừng bọn ta nữa! Hai cái lỗ kia to quá! Ta sợ!”

Bùi Tiểu Đào chỉ vào mũi nàng của nàng ta, thái độ còn hung hăng hơn.

Ta túm lấy cổ áo Bùi Tiểu Đào lôi đi, con bé còn rất không cam lòng mà tiếp tục la lối: “Mũi tỷ hình như vẹo rồi đấy, nhớ tìm đại phu khám nhá, xấu hoắc…”

Kế hoạch mở tiệm của ta tạm thời gác sang một bên. Tinh thần ta sa sút, người cũng theo đó mòn héo mấy ngày.

Mãi đến hôm nay, khi khuê nữ của Triệu đại thúc là A Hương tới Bùi gia.

Nàng ấy ngồi xe lừa từ huyện thành đến đây, còn mang cho chúng ta bánh vừng mua ở Ngũ Hương Trai nữa.

Ta có hơi kinh ngạc, bởi vì nàng ấy đi lại bất tiện, là một người què.

A Hương là một cô nương mi thanh mục tú, tính tình có chút trầm lặng. Ngày trước đến nhà Triệu đại thúc trả tiền, ta cũng từng gặp nàng ấy, nhưng mới chỉ gật đầu chào chứ chưa nói gì với nhau.

Theo lời của Triệu đại thúc, từ khi nàng ấy ngã què chân trái năm mười một tuổi thì đã không ra ngoài nữa, cũng không thích giao thiệp cùng người khác.

Ấy vậy mà hôm nay nàng ấy lại đến tận cửa, còn hỏi thẳng ta: “Những gì ngày đó cô nói với cha ta, ta đều đã nghe cả rồi. Cô muốn từ bỏ sao? Không định mở tiệm tào phớ nữa à?”

Ta vội vàng xua tay, kể lại một lượt tình trạng trước mắt cho nàng ấy nghe.

Nàng ấy nói: “Sao cô không hỏi Nhị Lang, có lẽ cô tỷ của cô thực sự là không biết đâu. Bùi bá bá là người làm ăn, vất vả kinh doanh nửa đời, công thức như thế cũng chỉ có thể truyền được cho con trai thôi, dù sao con gái tương lai cũng gả ra ngoài.”

Ta sửng sốt, quả thực không hề nghĩ tới hướng này, song lại chần chừ nói: “Nhị thúc cũng chưa chắc đã biết, thúc ấy rời nhà từ sớm…”

“Không hỏi thì sao biết được? Cô cứ hỏi thử đi.”

A Hương dường như còn để ý tới chuyện này hơn ta, còn giục ta viết thư cho Nhị Lang ngay lập tức, để lúc quay trở lại huyện nàng ấy có thể thuận đường mang qua dịch trạm.

Trước ánh mắt nóng bỏng của nàng ấy, ta đành phải đi lấy giấy bút tới.

Nội dung ta viết đại ý là…

Ta muốn kiếm việc gì đó làm trên huyện, nhưng làm tào phớ theo những gì thím từng nói thì hương vị lại chưa chuẩn, nếu nhị thúc biết cách làm cụ thể thì có thể chỉ điểm một chút được không.

Đồng thời kèm theo công thức của loại tào phớ ta làm.

A Hương nhìn rồi nhíu mày, nói chữ ta xấu thì thôi đi, nội dung cũng quá mức thẳng thắn rồi, giữa các hàng chữ chẳng có tí quan tâm của hai người nhà với nhau gì cả.

Thế là nàng ấy bảo ta viết thêm một câu phía cuối…

Biên cương giá rét, nhị thúc nhất định phải bảo trọng thân thể, mong sớm bình an về nhà.

Ta viết thư xong, nàng ấy liền cầm đi.

Lúc đầu ta vốn không hiểu tại sao nàng ấy lại nhiệt tình với việc này đến thế. Mãi tận khi ra cửa, nàng ấy mới nói: “Tiết Ngọc, ta và cô bằng tuổi, mẹ cũng mất sớm như nhau, hơn nữa ta còn què quặt.”

Ta vẫn đang mù mờ thì lại nghe nàng ấy nói: “Cha ta muốn tìm cho ta một mối hôn sự thật tốt, nhưng ta biết, ta sao có thể kiếm người trong sạch được chứ, làm gì có nhi lang trong sạch nào lại sẵn sàng cưới một người què. Nhưng cha ta cứ không tin, ông ấy nói đã để dành được một trăm lượng làm của hồi môn cho ta, nhà chồng nghèo một chút cũng không sao, chỉ cần hôn phu đối xử tốt với ta là được.

“Ông ấy đã nhiều tuổi mà còn ngây thơ như thế. Nhi lang nhà nghèo bằng lòng lấy một người què, sao có thể không phải vì một trăm lượng hồi môn kia?

“Tiết Ngọc, nếu cô muốn bán tào phớ, ta có thể trực tiếp mang của hồi môn ra giúp cô mở cửa tiệm. Cô tạm thời đừng từ chối, ta không có mục đích khác, cũng chẳng mong đợi gì nhiều. Ta không có lòng tham, chỉ muốn có một lối đi cho chính mình. Ta không muốn gả cho những tên đàn ông mắng ta là con què chết bầm sau lưng.”
Bình Luận (0)
Comment