Mồng tám tháng ba, cha con Lục Triệu Thân và Lục Dưỡng Phương ngồi thuyền tới Hoa Đình. Lục thị ở Thanh Phổ vốn xuất thân từ Hoa Đình,
Lục Triệu Thân đi Hoa Đình, mục đích là là muốn dò hỏi từ phía bổn gia Lục thị xem Lục thị có thân thiết với Đổng thị hay không để tiện việc đòi Đổng thị giao ra tên nô phản bội Trần Minh, nếu không thì cũng phải giao ra khế ước của hai trăm mẫu ruộng đất.
Lục Triệu Thân chưa bao giờ giao gia sản cho Lục Thao quản lý, Lục Thao cũng không nhúng tay vào được.
Chỉ có điều khổ công đọc sách ngày đêm chỉ mong đỗ kì thi Hương, thế nhưng đâu có phải ai muốn là đỗ cử nhân được đâu.
Lục Thao đã hai lần liên tục tham gia thi Hương ở Nam Kinh rồi lại tay trắng trở về.Lần này Trương Nguyên đến Thanh Phổ, Lục Thao thấy Trương Nguyên chế nghệ cũng khá tinh thâm, gã bèn khiêm nhường thỉnh giáo Trương Nguyên, hỏi Trương Nguyên thường đọc sách gì.
Hỏi kĩ ra thì mới biết, hóa ra những sách mà Trương Nguyên đọc thì gã cũng đã đọc qua rồi, mà thâm niên đọc văn bát cổ của gã còn lâu hơn Trương Nguyên nhiều, ấy vậy mà văn bát cổ gã làm ra thì lại không trôi chảy và sâu sắc được như Trương Nguyên.
Với tỷ phu của mình, Trương Nguyên đương nhiên sẽ không giấu giếm, cậu đem hết những lĩnh ngộ của mình và những bí quyết chế nghệ Vương Tư Nhâm truyền thụ cho truyền lại hết cho Lục Thao.
Lục Thao nghe xong thì cũng lĩnh ngộ ra nhiều điều, thế nhưng các bí quyết ấy nói ra thì dễ, có điều vận dụng thế nào cho có hiệu quả mới là điều quan trọng.
Trong khi Trương Nguyên và Lục Thao đàm luận chế nghệ thì Trương Nhược Hi ngồi một bên chỉ yên lặng lắng nghe, rồi lặng lẽ nhìn, nghĩ bụng:
“Đệ đệ Trương Nguyên không ngờ có thể chỉ giáo cho phu quân làm bát cổ, xem Lục lang liên tiếp gật đầu thụ giáo, chẳng khác nào trước mặt chàng đang là giáo dụ huyện vậy.”
Trương Nhược Hi lắc lắc đầu, cảm giác mình giống như nằm mơ, tháng năm năm ngoái nàng nghe nói đệ đệ bị đau mắt nghiêm trọng, lúc nàng trở về Sơn Âm thì ngay đến Tứ thư đệ ấy cũng chưa đọc được thông, mắt nhìn không thấy, thành ra tính tình cũng nóng nảy, hay gắt gỏng bực bội.
Nàng đã phải dùng mọi cách an ủi nhưng cũng không mấy hiệu quả.Còn giờ đây, thiếu niên đang ngồi kia, thần thái tao nhã, giọng điệu ôn hòa, tốc độ không nhanh không chậm, so với trước kia đúng là khác biệt một trời một vực.
Đệ đệ nàng đúng là đã trưởng thành lên nhiều rồi....Sau giờ Ngọ, ánh tà dương xuyên qua lá liễu chiếu vào song cửa sổ, Trương Nguyên và tỷ phu đang bàn luận sôi nổi, chợt ngẩng đầu lên thấy tỷ tỷ đang chăm chú dõi theo cuộc nói chuyện này, cậu cười nói:
- Tỷ tỷ nghe bát cổ nghe đến say mê thế kia, hay ngày mai tỷ cùng bọn đệ tới tham gia văn hội đi.
Trương Nhược Hi nghe vậy thì bất ngờ nhận ra, phải rồi, cha chồng đã đi Hoa Đình rồi, chỉ cần tránh qua mẹ chồng nữa là xong.
Nghĩ rồi nàng nhìn phu quân Lục Thao ý như muốn hỏi, Lục Thao thấy vậy cười nói:
- Vậy thì hãy đi đi, nàng vận y phục của ta đi cũng được, chỉ cần cố gắng ít lên tiếng một chút là được.
Trời đã nhá nhem tối, chủ trì văn hội Dương tú tài phái người thông báo cho Lục Thao, nói rằng một số người của phòng xã núi Phất Thủy, Tô Châu đã tới Thanh Phổ, hẹn giờ Thìn ngày mai tại thành Tây miếu Thủy Tiên sẽ gặp gỡ đàm văn.
Mỗi người sẽ mang theo hai cuốn bát cổ của chính mình để trao đổi với nhau, rồi bình điểm cho nhau.
Để phân tài cao thấp, các vị chư sinh Thanh Phổ đã thành lập một văn xã gọi là Thanh Phổ xã.
Thanh Phổ xã có tầm mười mấy hội viên, các hội viên thường tụ họp lại với nhau để bình đàm văn luận thơ, Lục Thao là một trong những hội viên nòng cốt trong số đó, không dịp nào là gã không có mặt.
Ngày mồng chín.Sau bữa sáng, Trương Nguyên đứng nhìn Vũ Lăng và Lý Thuần, Lý Khiết chơi đá cầu.Hai huynh đệ bây giờ còn thân thiết với Vũ Lăng hơn cả cậu Trương Nguyên của mình, luôn miệng gọi “Tiểu Vũ, Tiểu Vũ”.
Vũ Lăng mặc dù đã mười lăm tuổi nhưng trông vẫn rất trẻ con, lại vốn tính ham vui nên chơi cũng rất nhiệt tình.
- Tiểu Nguyên, thấy ta ăn vận thế này được không?
Trương Nhược Hi từ trong phòng đi ra, bắt chước dáng vẻ của nam nhi chắp tay xải bước, đầu đội Hán khăn quan, mặc y phục hàng ngày của sinh đồ.Đó là áo choàng của Lục Thao, nàng mặc vào thì bị dài hơn tấc rưỡi nên lộ ra một chỗ hở ở bên hông nhưng có thắt lưng nên nhìn vào cũng không thể phát hiện ra.Trương Nhược Hi cũng phải bó chân nên chân nàng rất nhỏ, ngoài chiếc giày đang đi còn phải xỏ thêm một đôi hài mỏng nữa ở ngoài, gọi là hài Hồ Điệp.
Trương Nguyên ngạc nhiên nhìn tỷ tỷ, hàng lông mày của tỷ tỷ hình như được vẽ đậm lên để trông có tướng nam nhi hơn.Nhìn bộ dạng của tỷ tỷ lúc này, Trương Nguyên chợt nhớ tới cô gái cũng đã từng giả nam Vương Anh Tư, bất giác bật cười.
- Thế nào, liệu có thể trà trộn vào mà không bị lộ không?
Trương Nhược Hi lại hỏi.
Trương Nguyên cười nói:
- Cũng tàm tạm, tuấn tú như tiểu thư sinh vậy, trông giống như đệ hồi còn bé ấy.Hay là tỷ đóng giả thành biểu đệ của ta đi.
Trương Nhược Hi xùy một tiếng:
- Đóng giả cũng phải giả ca ca ngươi, biểu đệ thì còn ra cái gì nữa.
Lục Thao từ trong phòng bước ra cười nói:
- Lần trước Nhược Hi đóng giả biểu đệ ta, đã có người nhận ra được nàng rồi đó.
Lục Đại Hữu bước vào nói:
- Đại thiếu gia, thuyền chuẩn bị xong rồi, chúng ta ra từ cửa ngách lên thuyền thôi.
Mục Chân Chân bước lại, nói với Trương Nguyên:
- Thiếu gia, tỳ nữ theo hầu hạ cậu.
Trương Nguyên nhìn lướt qua chỗ huynh đệ Lý Thuần, Lý Khiết hai đang vui vẻ nô đùa với Vũ Lăng.Tỷ tỷ phải ra ngoài, để Tiểu Vũ chơi cùng hai cậu bé cũng tốt, vả lại cũng còn có hai tỳ nữ mà vú Chu chăm sóc nữa mà.Cậu nói:
- Được.Chân Chân cùng đi, theo hầu tỷ tỷ của ta.
Lục Thao, Trương Nhược Hi, Trương Nguyên, Mục Chân Chân, Lục Đại Hữu năm người theo lối cửa ngách ra tới bờ sông Thanh Long.Một con thuyền nhỏ đã chờ ở sẵn ở đó.Năm người ngồi trên thuyền, nước chảy xuôi dòng, chưa tới một khắc đã tới cửa sau thành Tây miếu Thủy Tiên.Mục Chân Chân đỡ Trương Nhược Hi lên bờ.Lục Đại Hữu ngồi đợi trên thuyền.Bốn người còn lại theo lối cửa sau đi vào miếu Thủy Tiên. Lục Thao, Trương Nguyên đi phía trước, Trương Nhược Hi, Mục Chân Chân theo ở phía sau.Miếu Thủy Tiên từ cửa sau đi vào chính là vườn đình, vườn đình không lớn, chỉ rộng khoảng hai mẫu ruộng.Hành lang ngoằn nghoèo, có hòn non bộ, núi giả đặt ở mỗi đoạn gấp khúc.Tiết xuân phơi phới, trong vườn hơn trăm gốc cây Thược Dược khoe sắc xinh tươi, còn có hoa Tử Lan và Sơn Phàn, hai loài hoa chỉ nở rộ vào mùa xuân, đúng là mỹ cảnh.
Chủ trì văn hội là tú tài Dương Thạch Hương tới trước, nhìn thấy Lục Thao bèn chắp tay nói:
- Lục huynh đến rồi, mời lên đình Thương Lãng.Năm vị nhân huynh của phòng xã núi Phất Thủy đã ở trên đó rồi, chúng ta là chủ mà lại đến sau thế này... Hai vị này là?
Dương Thạch Hương liếc mắt qua Trương Nguyên và Trương Nhược Hi, hỏi.
Trương Nguyên chắp tay nói:
- Trương Nguyên ở Sơn Âm, bái kiến Dương huynh.
Trương Nhược Hi không lên tiếng, chỉ chắp chắp tay chào hỏi. Lục Thao thay nàng trả lời:
- Đây là biểu đệ ta.
Dương Thạch Hương “ Ồ “ lên một tiếng nói:
- Đúng đúng, biểu đệ của Lục huynh, lần trước cũng tới, chẳng hay...
- Dương huynh
Lục Thao không muốn Dương Thạch Hương hỏi nhiều chuyện của Trương Nhược Hi, vội vàng ngắt lời nói:
- Vị này là em vợ ta Trương Giới Tử, tháng trước đã đứng đầu kì thi huyện Sơn Âm.Lần này ta mạo muội mời cậu ấy đến tham dự hội nghị, Dương huynh sẽ không trách móc chứ.
Dương Thạch Hương trừng to mắt nhìn Trương Nguyên, vui vẻ nói:
- Hóa ra là Trương huynh, đại danh của Trương huynh tại hạ sớm đã nghe rồi.Thịnh hội bát cổ ở Sơn Âm năm ngoái Trương huynh xuất khẩu thành thơ, dùng một quyển “Dù chưa từng học” mà đánh bại Diêu Phục, thật khiến cho người ta hả hê.Tháng trước huynh lại đỗ đầu kì thi huyện, đúng là tuổi trẻ tài cao, hết lần này đến lần khác khiến cho người ta phải trầm trồ ái mộ.Tại hạ nghe danh đã lâu, khâm phục, khâm phục.Thất kính thất kính.
Dương Thạch Hương này nắm bắt tin tức cũng thật nhanh, xem ra y còn hiểu biết Trương Nguyên hơn cả anh rể cậu ấy chứ, đến tên tuổi Diêu Phục và trận đấu văn bát cổ mà y cũng nắm rõ như lòng bàn tay.
Dương Thạch Hương lại tỏ vẻ oán giận Lục Thao nói:
- Thọ yến hôm trước sao Lục huynh không dẫn ta tới gặp Trương huynh, làm ta thiếu chút nữa thì không có duyên gặp được kì tài rồi.
Lục Thao cười nói:
- Thật có lỗi, thật có lỗi, ngày hôm trước ta hơi quá chén nên quên khuấy mất.
Được kết giao với Trương Nguyên, Dương Thạch Hương có vẻ vô cùng sung sướng, nói:
- Trương huynh tới thật đúng lúc, mời Trương huynh giúp ta một tay.
Rồi chỉ về phía đình Thương Lãng cách đó không xa:
- Năm người của phòng xã núi Phất Thủy kia lấy cớ là dùng văn kết bạn, thực ra mục đích của họ lần này tới là để khoe mẽ, phô trương thanh thế, muốn Thanh Phổ xã của ta nhập vào phòng xã núi Phất Thủy kia đấy mà.
Trương Nguyên mỉm cười nói:
- Sát nhập thành một đại văn hội cũng tốt mà, mọi người tụ họp cùng nhau bình văn luận thơ, đối đáp chế nghệ, như vậy chẳng phải là chuyện tốt hay sao?
Dương Thạch Hương cười nói:
- Trương huynh nói đúng, tại hạ cũng muốn sát nhập thành một đại văn xã, nhưng ta không muốn mình bị sát nhập vào người ta, mà chỉ muốn người ta sát nhập vào mình thôi.Nếu Thanh Phổ xã chúng ta khiến cho phòng xã núi Phất Thủy kia sát nhập được vào chẳng phải là hay hơn sao?
Trương Nguyên cười lớn.
Dương Thạch Hương thấy Trương Nguyên còn quá trẻ thì có chút băn khoăn, bèn kéo Lục Thao qua một bên, thấp giọng hỏi:
- Lục huynh, người em vợ này của huynh chế nghệ thế nào, liệu có được bằng Hồng Đạo Thái không?Hồng Đạo Thái đi Hoa Đình chưa về, chúng ta bên này ngũ hổ tướng thiếu mất một người.
Thanh Phổ xã tuy có hơn mười xã viên, nhưng quanh đi quẩn lại chỉ có năm người là thường hay có mặt nhất, lần nào cũng là Dương Thạch Hương, Lục Thao, Hồng Đạo Thái, Kim Bá Tông và Viên Xương Cơ.Đọ sức bát cổ với phòng xã núi Phất Thủy đương nhiên cũng phải do năm người bọn họ ra mặt.Lục Thao nói:
- Tài chế nghệ em vợ ta còn hơn cả ta nữa kia.
- Thật sao?
Dương Thạch Hương mừng rỡ, y biết tính của Lục Thao, Lục Thao tên hiệu là Lục Quân Tử, gã tuyệt đối sẽ không nói khoác.
- Thế tốt quá rồi, vậy để Trương công tử thay chỗ Hồng Đạo Thái. Thanh Phổ xã chúng ta lần này nếu có thể khiến cho phòng xã núi Phất Thủy kia tâm phục khẩu phục thì chúng ta biên tập lại rồi chọn ra tuyển tập mấy cuốn văn bát cổ đem bán ở hai phủ Tô Châu, Tùng Giang, vừa kiếm được tiền lại có thể phô trương thanh thế.
Lúc đó văn xã các nơi phần lớn có các hiệu sách để ủng hộ, các thành viên văn xã sẽ đoán trước xu thế thời đại để sáng tác ra một vài bài bát cổ văn theo xu hướng thịnh hành lúc bấy giờ, biên soạn thành tập san rồi đem tới các hiệu sách.Các văn xã có tiếng tăm thì các tập san của họ cũng bán chạy hơn.Mấy trăm vạn nho đồng của hai kinh, mười ba tỉnh, thậm chí cả sinh đồ còn phải nhờ vào mấy cuốn sách đó để nắm bắt xu thế đang thịnh hành của văn bát cổ lúc bấy giờ.Việc này trở thành một tục lệ mới.Chế nghệ cũng phải theo thời thượng, bởi văn bát cổ, cũng giống như rất nhiều thứ khác, cả nội dung lẫn kiểu chữ đều đang trong thời kì thiên biến vạn hóa, chưa ổn định.Phong cách bát cổ của năm Gia Tĩnh và Vạn Lịch đã không đồng nhất, mà văn bát cổ của bây giờ so với văn bát cổ của Vạn Lịch mười lăm năm trước thì lại càng khác biệt.Nếu đem những cuốn bát cổ tinh túy nhất của Vạn Lịch mười lăm năm trước mà đặt trước mặt các vị giám khảo thời bây giờ, có lẽ đến thi huyện cũng chẳng qua.Nói vậy chẳng lẽ trình độ của các sĩ tử chế nghệ đã vượt xa các vị tiền bối rồi sao?Không.Đó là do phong cách văn bát cổ của những thời kì khác nhau thì cũng khác nhau, giám khảo đều là dựa vào trào lưu chế nghệ đang thịnh hành lúc bấy giờ mà bình điểm.Bởi vậy mà văn bát cổ còn có tên là Thời văn, nghĩa là thể loại văn chạy theo thời thế, theo xu hướng thịnh hành của cả xã hội lúc bấy giờ.Dương Thạch Hương cũng mở một hiệu sách, Thanh Phổ xã cần chi tiêu gì đều do y bỏ ra, việc in ấn các tập san là do y lo liệu, thời gian tụ họp của các chư sinh Thanh Phổ xã cũng là do y đưa ra quyết định, việc biên tập rồi bán ra những cuốn tập san của những thành viên ưu tú nhất trong hội cũng do y phụ trách, bởi thế mà việc bán sách cũng rất thuận lợi.Y không muốn đem Thanh Phổ xã của mình sát nhập vào với phòng xã núi Phất Thủy kia, mà ngược lại muốn phòng xã núi Phất Thủy kia sát nhập vào với Thanh Phổ xã của mình.Hai văn xã lớn như vậy do y đứng ra làm chủ thì chẳng phải y sẽ phát tài rồi sao?Bởi thế nên y mới nhiệt tình với Trương Nguyên như vậy.
Trương Nguyên và tỷ tỷ Trương Nhược Hi đứng cạnh khóm cây thược dược thì thầm gì đó với nhau.Hỏi ra mới biết Dương Thạch Hương có mở một hiệu sách, Trương Nguyên lập tức hiểu ra Dương Thạch Hương muốn thôn tính phòng xã núi Phất Thủy với mục đích gì, y là muốn mượn thanh danh văn xã bán sách phát tài.Lối suy nghĩ thực dụng như vậy Trương Nguyên không cho là đúng, nếu việc liên kết hai văn xã chỉ nhăm nhăm nhắm tới mục đích kiếm tiền thì thật chẳng có ý nghĩa gì.Cậu muốn kết hợp hai văn xã, phải giống như Đông Lâm đảng, có sức ảnh hưởng tới triều chính kia.Đảng Đông Lâm là do quan viên trong triều và các quan thân nhàn rỗi lập nên.Kết hợp thành văn xã lớn phải lấy mục đích thi cử làm đầu.Thời vãn Minh có mấy chục vạn sinh đồ.Cố Viêm Vũ nói sinh đồ thời vãn Minh là một lũ ăn hại, đám dài lưng tốn vải, nếu bị những thế lực xấu lôi kéo thì đúng là tai vạ kinh người, ảnh hưởng nghiêm trọng tới tình hình đất nước bấy giờ...
Đương nhiên, đây chỉ là một suy nghĩ, làm thế nào để hiện thực hóa ý nghĩ đó mới là điều nan giải, đòi hỏi phải được thực hiện theo trình tự rõ ràng.Trước tiên là Trương Nguyên phải đạt được công danh sinh đồ, sau đó là phải có danh tiếng lớn.Muốn có danh tiếng thì cuộc đàm luận văn chương mà thực chất là một cuộc đấu trí bát cổ với phòng xã núi Phất Thủy ngày hôm nay chính là bước đầu tiên.