Lẳng Lơ Tao Nhã

Chương 172

Là án thủ của phủ Thiệu Hưng, Trương Nguyên được thưởng mười ba lượng bạc, hai súc lụa… hai súc vải và sáu cân thịt heo. Đêm đó, Trương Nguyên và cả đám người hầu đều có thịt ăn, tất cả mọi người đều rất vui vẻ.

Đêm nay Trương Nguyên lại đi đến huyện nha bái kiến Hầu huyện lệnh. Hầu huyện lệnh cũng là thầy của hắn, hơn nữa quan hệ thày trò cũng rất thân thiết. Từ chỗ Vương Tư Nhâm đến chỗ Hầu Chi Hàn- huyện lệnh Sơn Âm, rồi lại đến tri phủ Thiệu Hưng, tiên sinh Lưu Tông Chu rất tán thưởng Trương Nguyên cũng được coi là thầy của hắn. Mối quan hệ thầy trò của Trương Nguyên bây giờ đang dần dần được mở rộng. Thấy Trương Nguyên, Hầu Chi Hàn vẻ mặt tươi cười, lệnh cho người dưới dâng trà, nói:

- Trương Nguyên, đỗ đầu thi phủ chắc chắn sẽ bổ sinh đồ, năm nay con mười sáu tuổi, đến năm sau mười bảy tuổi nhập học cũng được coi là còn trẻ mà đã thành danh rồi. Không nênkiêu ngạo, không nóng vội, có lòng thương, có tính nhẫn nại, cần cù dùi mài, phải sớm chuẩn bị cho kỳ thi hương năm sau.

Trương Nguyên liền nói với Hầu huyện lệnh về việc chuẩn bị xây dựng kho lương. Hầu huyện lệnh cũng đang lo âu về việc nạn hạn hán càng ngày càng nghiêm trọng, nghe Trương Nguyên nói tộc thúc tổ của hắn là Túc Chi tiên sinh bằng lòng khởi xướng chuẩn bị xây dựng kho lương Dương Hòa, Trương Nguyên còn đem đất đai và ngân tiền mà đám người Lỗ Vân Bằng tặng lần trước ra quyên góp, ngoài ra còn muốn quyên một trăm lượng bạc trắng, Hầu Chi Hàn nghe vậy rất cảm động, nói:

- Bao nhiêu kẻ sĩ một khi vào học, chỉ biết mua ruộng tậu nhà, chiêu nạp người làm, ham hưởng thụ, thậm chí làm ác ở hương lí, đáng quý, đáng quý, đối với việc xây dựng kho lương, bổn huyện phải thỉnh tấu triều đình xin khen thưởng.

Năm Thành Hóa, chiếu chỉ triều đình qui định dân chúng hễ cứ nạp hai trăm đấu gạo thì nhận chính cửu phẩm tán quan, hai trăm năm mươi đấu cho chức chính bát phẩm, ba trăm đấu cho chính thất phẩm. Tuy chỉ là chức hão nhưng lại có cái danh, lúc ở nhà lại rất vinh hiển. Trương Nguyên cười nói:

- Học trò không cần nạp kê để xin chức quan, học trò đi con đường thi cử.

Hầu Chi Hàn cười lớn:

- Ta hồ đồ rồi, được, xây dựng kho lương có Túc Ông đề xướng, vậy là làm ít mà công nhiều. Sáng mai mời Túc Ông và cả thân hào bổn huyện cùng bàn bạc việc này. Mau chóng chọn địa điểm xây dựng kho lương. Khuyến khích phú dân quyên góp, một mặt còn phải sửa kênh hoa tiêu chống hạn. Trương Nguyên, con đúng là người giải trừ nạn cho bổn huyện.

Trương Nguyên thưa:

- Chia sẻ nỗi lo cùng thầy, nỗi khổ của bà con, học trò không thể từ chối làm.

Thầy trò hai người sau một lúc đàm đạo, Trương Nguyên cáo từ, Hầu Chi Hàn tiễn hắn ra ngoài, nhớ ra một chuyện nên hỏi:

- Bên thầy Vương gần đây con có đi thăm không?

Trương Nguyên nói:

- Học trò chuẩn bị sáng sớm ngày mai đi luôn.

Hầu Chi Hàn nói:

- Được, con cũng thay ta hỏi thăm, không biết bệnh tình vị hôn phu của trưởng nữ nhà thầy Vương như thế nào rồi? Đúng rồi, con phải đi sớm về sớm. Sáng mai cuối giờ thìn ở Tiết Ái Đường sẽ bàn bạc về việc xây dựng kho lương, con cũng phải tham gia đấy.

Trương Nguyên nói:

- Thầy yên tâm học trò có thể về kịp.

Sáng sớm ngày hai mươi sáu tháng tư, Trương Nguyên đi bộ tới phủ của thầy Vương Tư Nhâm ở Hội Kê,. Mục Chân Chân đeo một cái sọt mười cân đựng quả dâu đi theo. Đi thuyền thì chậm, đi bộ thì sẽ nhanh hơn một chút, chính là muốn sử dụng sức lực của đôi bàn chân, hơn nữa có một số khúc sông hiện không thể đi thuyền vì nước quá nông.

Mặt trời còn chưa mọc, đỉnh núi Hội Kê có ráng mây trải ra, Trương Nguyên vui vẻ nói:

- Hôm nay có vẻ như muốn mưa, ánh bình minh không hiện ra, rất có khả năng sẽ mưa.

Mục Chân Chân cũng vui vẻ nói:

- Nếu có thể mưa một trận lớn thì tốt.

Chủ tớ hai người đi đến phủ Vương Tư Nhâm mới là cuối giờ Mão. Lão gác cổng thấy Trương Nguyên, vội vàng nói:

- Trương công tử tới thật đúng lúc, có thể đến khuyên giải lão gia nhà tôi, Trần Cô gia ở Tiêu Sơn mất rồi, lão gia vừa tức vừa mệt, vừa về là đổ bệnh luôn.

Trương Nguyên thầm thở dài, hỏi:

- Thầy Vương về bao lâu rồi?

Lão Môn Tử nói:

- Về được bốn ngày rồi. Mấy ngày nay đều không ra khỏi cửa, ở nhà nằm trên giường tĩnh dưỡng.

Tiểu Hề nô đi vào nội viện thông báo Trương Nguyên và Mục Chân Chân đang đứng chờ ở sảnh. Một lúc sau, Vương Anh Tư cùng một tì nữ nữa đi ra. Vương Anh Tư lúc này không phải khăn chít đầu mặc áo nho mà là trang phục khuê nữ, chân mày cau lại, mặt có nếp nhăn, vén áo thi lễ với Trương Nguyên, nói:

- Giới Tử sư huynh, cha muội mời huynh vào gặp.

Trương Nguyên liền theo Vương Anh Tư vào nội viện. Mục Chân Chân mang một sọt dâu cũng đi vào theo. Nội viện bên này Trương Nguyên chưa từng đến. Năm ngoái, lúc cầu học ở đây thì ở tại Tây Sương viện. Chỗ đó cách nơi này một cái cổng tròn và một bức tường vách cao. Trương Nguyên đi cùng Vương Anh Tư, nàng ta nhẹ giọng nói:

- Chúc mừng sư huynh đã đỗ án thủ thi phủ.

Trương Nguyên nói:

- Cũng phải đa tạ sự tương trợ của sư muội.

Vương Anh Tư khẽ mỉm cười, không nói thêm nữa, dẫn Trương Nguyên đến phòng phủ Vương Tư Nhâm- cha nàng.

Vương Tư Nhâm ngồi dựa chiếc giường có bốn trụ lớn, thấy Trương Nguyên đi vào chắp tay thi lễ, lão liền khom người nói:

- Trương Nguyên, ngồi đi, dâng trà.

Trương Nguyên nói chuyện Hầu huyện lệnh nhờ hắn gửi lời hỏi thăm, Vương Tư Nhâm gật đầu nói:

- Ta cũng không có bệnh gì cả, chỉ là lo nghĩ nên buồn thôi, có chút mệt mỏi, tĩnh dưỡng vài ngày là được.

Sau đó lại hỏi:

- Từ tri phủ mời con đi dự tiệc chưa?

Trương Nguyên thưa:

- Hôm qua con đã nhận được kết quả thi phủ rồi, con cũng đi dự yến tiệc rồi. Nếu không có sự dạy bảo của thầy thì con cũng không có ngày hôm nay .

Vương Tư Nhâm cười nói:

- Ta không dám kể công, với sự hiểu biết của con, cho dù không có ai dạy cũng có thể tìm được minh sư khác, chung qui con có thể vượt hẳn mọi người.

Trương Nguyên vội nói:

- Thầy nói vậy học trò rất hổ thẹn, học trò sao dám vong ân bội nghĩa như vậy.

Vương Tư Nhâm nói:

- Là ta lỡ lời, con đừng có nghĩ nhiều. Làm thầy chính là mở miệng là đắc tội với người.

Trương Nguyên nói:

- Học trò biết rõ nhân phẩm của thầy cao quí, sự đời khó chiều hết thảy mọi người, thầy không nói ra thì không thoải mái.

Vương Tư Nhâm mỉm cười, nói rằng:

- Con đúng là tri kỉ của ta, nhưng con khéo đưa đẩy hơn ta, tiền đồ sau này vô hạn.

Trương Nguyên nói:

- Học trò coi lời này của thầy như lời khuyến khích học tập vậy.

Vương Tư Nhâm bật cười ha hả:

- Đương nhiên là khuyến khích con rồi, chả nhẽ ta còn dạy con học sự cô giới ngạo thế như ta sao?

Cười thoải mái, sầu muộn giảm đi nhiều, Vương Tư Nhâm xuống giường xỏ giày, để Trương Nguyên tới phòng trà gian bên cạnh ngồi nói chuyện. Trương Nguyên cùng ngồi một lúc, rồi cáo từ:

- Học trò ngày mai lại tới thăm thầy, hôm nay cuối giờ thìn của Hầu huyện tôn muốn học sinh tham gia thương lượng việc xây dựng kho lương.

Vương Tư Nhâm hỏi sơ vài câu về việc kho lương, rồi khen:

- Tốt lắm, con tham gia việc này không chỉ là hành thiện, mà càng có thể tích lũy kinh nghiệm thi hành biện pháp chính trị, như vậy rất có lợi đối với việc làm quan sau này của con.

Vương Tư Nhâm nhìn vấn đề rất nhạy bén, Trương Nguyên rất kính phục. Vương Tư Nhâm hiển nhiên cho rằng Trương Nguyên sau này sẽ làm nên chuyện lớn.

Trương Nguyên lúc ra khỏi nội viện, Vương Anh Tư đi ra theo, Trương Nguyên bước chậm lại, hỏi:

- Anh Tư sư muội, có chuyện gì thế?

Vương Anh Tư nói:

- Không có chuyện gì cả, chỉ là tiễn sư huynh một lúc thôi.

Trương Nguyên đứng lại bên bụi trúc ngoài cửa sổ bắc thư phòng ở tiền sảnh nói:

- Sư muội cũng đừng quá đau buồn vì chuyện của lệnh tỉ..

Vương Anh Tư nói:

- Chết đi thì chẳng phải nói nữa, thác thể cùng núi, chỉ là làm khổ tỷ tỷ của muội, đã không có con cái lại phải thủ tiết thờ chồng.

Trương Nguyên nói:

- Nếu có con cái thì thủ tiết thì cũng chả sao, dù sao cũng còn có ý muốn, nhưng không có con, thì thủ tiết như thế nào. Ở Trần gia cũng không có địa vị gì, cuộc sống sẽ cực kì chật vật đấy.

Trương Nguyên nói như vậy, Vương Anh Tư cũng khóc rồi, nói:

- Qua ít ngày chờ sức khỏe cha tốt lên thì muội sẽ lên Tiêu Sơn đón tỷ tỷ về.

Trương Nguyên gật đầu nói:

- Như thế là tốt nhất, có gì muốn ta giúp thì cứ sai người qua bảo ta.

Lại nói vài câu, Trương Nguyên cáo từ đi ra ngoài, cùng Mục Chân Chân đi nhanh về Sơn Âm. Trời quả nhiên sập tối, ven đường cũng có thể nhìn thấy dân chúng nghển cổ chờ mưa. Tiếng trống trong miếu Hải Long Vương vang lên, ở đây đang cầu mưa.

Trương Nguyên vội vàng đi đến huyện nha Sơn Âm, vài hương thân cũng vừa đến. Trương Nhữ Sương- tộc thúc tổ của Trương Nguyên cũng vừa tới. Huyện lệnh Hầu Chi Hàn cùng các huyện thừa,chủ bộ đón các hương thân vào ngồi ở Tiết Ái Đường. Trương Nguyên cung kính ngồi dưới cùng. Hầu Chi Hàn nói về việc xây dựng kho lương. Ngoài Trương Nhữ Sương ra thì mấy người hương thân còn lại đều không nhiệt tình lắm, chỉ tỏ ý muốn quyên góp mấy chục đấu gạo. Kho lương này ít nhất cũng trữ được năm nghìn đấu lương thực, bằng không thì có tác dụng gì nữa. Mấy đại hương thân này chỉ bằng lòng nạp mấy đấu gạo thì thường dân nạp được bao nhiêu!

Trương Nhữ Sương biết nguyên nhân trong chuyện này. Đây là do ông ta đề xướng, lại lấy tên là Dương Hòa. Những thân hào này cảm thấy tham gia việc này không có danh cũng không có lợi. Thảo luận hồi lâu vẫn quyết định để trên huyện xuất ra ba trăm lượng bạc xây dựng, địa điểm thì chọn ở dưới thành bắc. Số tiền không đủ còn lại thì xã thủ kho lương tự lo, xã thủ đương nhiên chính là Trương Nhữ Sương rồi.

Dùng xong bữa trưa tại công đường huyện nha, Trương Nguyên theo tộc thúc tổ Trương Nhữ Sương về Trạng Nguyên đệ. Trương Nhữ Sương ngồi trên kiệu, nói với Trương Nguyên đi theo bên cạnh:

- Con xem, con rước lấy phiền phức cho ta rồi đấy, con phải nghĩ cách giải quyết đi.

Trương Nhữ Sương tuy nói như vậy nhưng lại không có ý trách Trương Nguyên.

Trương Nguyên nói:

- Vâng, cháu đã có cách.

Trương Nhữ Sương ồ lên một tiếng, cười:

- Con nói ra xem nào, ta xem có được hay không?

Trương Nguyên nói:

- Nạn hạn hán vô cùng cấp bách, kho lương Dương Hòa cũng không phải có thể xây trong mấy tháng là xong. Cho dù xây xong cũng không thể trong thời gian ngắn tích đến vạn đấu gạo được. Vì thế năm nay việc cứu tế là không thể trông cậy vào kho lương Dương Hòa được. Cháu cho rằng nạn hạn hán về sau rất có khả năng xảy ra thường xuyên. Xây dựng kho lương chính là kế sách lâu dài.

Trương Nhữ Sương gật đầu nói:

- Con nói đúng nhưng năm nay nếu xảy ra thiên tai thì làm thế nào. Kì thực đây là chuyện của Hầu huyện lệnh, ta đây không cần làm thay việc của người khác nhưng nếu đã xây dựng kho lương Dương Hòa, thì phải suy xét. Bây giờ không ít dân chúng đều biết việc xây dựng này, đều rất là trông đợi.

Trương Nguyên nói:

- Kho lương chỉ chiếu cố những trung nông kia thôi, còn đối với tá điền, chắc là do điền chủ tự cứu tế. Đây cũng là chuyện quan hệ mật thiết với nhau. Tá điền nếu chết đói hoặc chạy nạn hết, thì năm sau lấy ai trồng trọt cho những điền chủ đó nữa. Hơn nữa cứ như vậy mà vạch rõ chức trách, cứu tế thiên tai cũng dễ dàng hơn. Điền chủ càng hiểu các hộ tá điền của mình hơn. Điền chủ cứu tế tá điền, đây là ban ơn. Tá điền cũng cảm ơn ân đức của điền chủ. Việc này khả thi hơn so với việc cưỡng ép hương phú quyên góp giúp dân. Đương nhiên đây cũng cần một người đề xướng, tất nhiên là cần thúc tổ ra mặt thương lượng với Hầu huyện lệnh rồi.

Trương Nhữ Sương mỉm cười lắng nghe, tên tộc tôn này lúc nào cũng khiến ông ta không ngừng ngạc nhiên, biết đọc sách không phải là kì lạ.

Đọc nhiều thành thuộc cũng không có gì đáng ngạc nhiên, đỗ song án thủ thi huyện và thi phủ cũng không phải là hiếm. Điều ngạc nhiên là Trương Nguyên tuổi nhỏ như vậy đã hiểu rõ sự đời, đây chính là sinh ra đã biết sao?

Sau giờ Ngọ hôm đó, trời âm u nhìn như muốn mưa, một trận gió thổi qua, dân chúng đi đường cảm nhận được vài giọt mưa, vẫn chưa kịp gieo hò thì mây kéo đi, mặt trời xuất hiện, trời nắng ráo như không có chuyện gì, Sơn Âm hạn lớn là không thể tránh né.
Bình Luận (0)
Comment