Lẳng Lơ Tao Nhã

Chương 28

Người mà Y Đình giới thiệu tới xem như cũng có lai lịch rõ ràng. Trương Nguyên hỏi thêm hai vợ chồng Thạch Song vài câu, cơ bản thấy hài lòng, bèn đưa gia đình bốn người tới căn nhà ngói sát bên tiền sảnh nơi hồi trước gia đình Trương Đại Xuân đã từng ở. Trương Nguyên nói rất rõ ràng gia đình bốn người ăn ở ở đây lương mỗi tháng là năm ngân lượng, nếu làm lâu dài thì còn có thể cao hơn. Tiền thuế lao dịch thì không cần lo, gia đinh họ Trương sẽ lo liệu thay cho họ.

Vợ chồng Thạch Song, Thúy Cô không ngớt lời cảm tạ Trương mẫu Lã thị và Trương Nguyên. Tiền công như vậy đã được xem là cao rồi, điều lo lắng nhất là thuế lao dịch thì cũng được chủ nhà lo cho, từ nay không còn phải sợ quan sai và xã giáp thúc ép bóc lột nữa, cứ ổn định hầu hạ chủ nhà là được rồi, hơn nữa gia thế lại trong sạch, sau này con trai cũng có thể tự ra riêng rồi lấy vợ sinh con được, thậm chí còn có thể tham gia khoa cử nữa, bởi nếu là con trai gia nô thì không được đi thi.

Vậy là gia đình Thạch Song bốn người ở lại Trương gia. Mặc dù Thạch Song không được nhanh nhạy và linh hoạt bằng Trương Đại Xuân, lại không biết quản lý việc điền trang nhưng được cái tính tình cũng chân chất thật thà, làm việc cần cù chăm chỉ chưa để trễ nải điều gì. Nhà họ Trương chỉ có chưa đến trăm hai mươi mẫu đất, Trương Nguyên bỏ chút thời giờ tự mình đi quản lý công việc cũng được.Ba hộ tá điền kia vẫn nộp điền tô hằng tháng theo khế ước, nhưng tất nhiên tên điền chủ bây giờ không đứng tên Trương Đại Xuân nữa.

Trăm năm mươi lượng điền tô mà Trương Đại Xuân đã bòn rút của Trương gia đã có quan sai giải quyết, Trương Nguyên giờ chỉ cần lo chuẩn bị đến trường xã học thôi.
Sáng sớm ngày hai mươi hai tháng bảy, Trương Nguyên mời Trương Đại huynh của Tây Trương đưa mình tới trường xã sau phủ học cung để bái sư.
Tiểu nô Vũ Lăng mang theo một chiếc giỏ lớn, trong giỏ có rau tươi bốn màu, bánh gạo một khoanh, rượu ngon một vò, thịt lợn hai cân. Đó là lễ vật để bái sư.

Đại Minh triều khi mới khai quốc, Chu Nguyên Chương đã hạ chiếu lập ra trường xã, mỗi năm mươi nhà phải lập một trường xã để con nhà lành được đi học tử tế. Trường xã đều là do triều đình mở ra, các bộ sách như Tứ thư Ngũ kinh đều được miễn phí, thầy dạy ở trường xã là do Huyện lệnh mời tới, tiền công cũng do Huyện lệnh chi trả, học trò theo học ngoại trừ sính lễ lần đầu bái sư ra thì không phải trả bất cứ một khoản phí nào khác nữa.

Các trường trong niên hiệu Vĩnh Lạc, Tuyên Đức là có đông Nho đồng tới học nhất, người ta gọi là “ Nhà có tiếng đọc nho nhã, người có ý chí thanh tao”. Chu Nguyên Chương thông qua con đường khoa cử đã lôi kéo được sĩ tử khắp thiên hạ. Thế nhưng sau niên hiệu Gia Tĩnh khắp nơi lại mọc lên các trường học tư, có một số trường xã ở các châu huyện dần dần đã bị phế bỏ. Phủ Thiệu Hưng là nơi đất học, trường xã được tổ chức khá quy củ, chỉ tính riêng huyện Sơn Âm đã có gần hai trăm trường. Ngôi trường sau Phủ học cung này mấy năm nay vì có thầy giỏi tới dạy mà các Nho đồng đỗ Đồng sinh, Sinh đồ nhiều hơn hẳn các trường khác, bởi vậy Nho đồng tới đây xin học phải có hơn bốn mươi người, mà bình thường một trường xã chỉ cho phép dạy không quá hai mươi Nho sinh.

Trường xã sau Phủ học cung nằm ở tả ngạn sông Phủ, cách nhà Trương Nguyên không tới một dặm. Vốn dĩ nơi đây là một ngôi miếu thờ một vị thần vô danh, nhưng vào năm Gia Tĩnh (công nguyên 1522-1566) đã xuống lệnh phá bỏ những căn đền đài miếu mạo thừa thãi, nên chỗ này trở thành trường xã. Từ cửa lớn đi vào thì là khu tiểu viện, thầy đồ ở trường xã này là một nhà Nho trung niên dáng người gầy gò ốm yếu, da dẻ trắng bệch, chòm râu thưa thớt, hai mắt vô hồn. Ông ta đang đứng nghênh đón các nho đồng mới nhập học. Lúc Trương Nguyên thi lễ, ông ta còn ngáp dài một cái, vẻ như đang ngái ngủ. Nhận lấy đồ lễ bái sư do cậu dâng lên, mặt ông ta bỗng vui vẻ hẳn lên, ừm, thịt và thức ăn vẫn còn tươi nguyên.

Nho đồng mới nhập học cần có cha hoặc anh dẫn tới bái kiến thầy giáo. Phụ thân không có nhà, lại không có huynh trưởng, Trương Nguyên đành nhờ biểu ca là Trương Đại đến. Trương Đại thấy thầy đồ ngáp ngắn ngáp dài thì vô cùng sửng sốt, thở dài hỏi:
- Hóa ra là Triệu Hạ huynh.Tằng tiên sinh không còn dạy ở đây nữa sao?
Bụng nghĩ: “Chu Triệu Hạ mà cũng cho làm thầy được sao?”

Mông Sư (thầy dạy nho đồng nhỏ tuổi) mới Chu Triệu Hạ đương nhiên không thể không nhận ra thần đồng Trương Đại, hai người đều là sinh đồ của huyện này. Chu Triệu Hạ đã là sinh đồ tới 20 năm rồi. Thấy Trương Đại, gã cười nói:
- Tông tử hiền đệ có điều không biết rồi, thân mẫu của Tằng tiên sinh bị ốm nặng qua đời, ông ấy phải vội về chịu tang. Nho đồng ở đây tạm thời do Ngu huynh dạy bảo.

Trương Đại nhìn tộc đệ cười cười, nói:
- Giới tử, vậy đệ hãy ở chỗ Triệu Hạ huynh học mấy ngày đi. Ta không ở lại thêm được nữa, ngày mai là phải đi Vũ Lâm rồi.

Chu Triệu Hạ nói:
- Tông tử hiền đệ phải đi ứng thí kỳ thi hương à, vậy chúc đệ công thành danh toại, ghi danh bảng vàng nhé. Ngu huynh đây bây giờ đã không còn thiết tha gì với chuyện công danh nữa, chỉ một lòng chăm lo cho sự nghiệp đào tạo các Nho sinh thiếu niên mà thôi.

Trương Nguyên nói:
- Ngày mai huynh mấy giờ lên đường để đệ đi tiễn huynh.

Trương Đại xua tay:
- Khỏi cần, đệ cứ ở đây chăm chỉ học tập là được rồi. Đừng học theo Yến Khách làm gì.
Dứt lời, Trương Đại vừa lắc lắc đầu vừa cười, hướng cửa bước thẳng.

Cảm thấy thần thái của Trương Đại có chút kỳ quái, nhưng Trương Nguyên nghĩ mãi vẫn không hiểu là vì sao.

Chu Triệu Hạ dẫn Trương Nguyên tới khu học đường. Học đường này cao rộng, vốn là điện thờ thần, giờ được bày biện mấy chục bộ bàn ghế nhưng lại chỉ có mười mấy học trò ngồi thưa thớt ở kia. Thấy Trương Nguyên bước vào, chúng hiếu kì quay đầu lại. Trương Định Nhất cũng ở trong số đó, vội vã đứng dậy kêu lên:
- Giới tử ca ca.

Một Nho đồng ngồi cạnh Trương Định Nhất liền hỏi:
- Ngươi gọi hắn cái gì, nhẫn á? Nhà hắn mở hiệu làm đồ trang sức à?
(Giới Tử đồng âm Giới Chỉ, nghĩa là chiếc nhẫn)

Lại có Nho đồng cười khẽ, nói:
- Lớn vậy rồi mà mới đến đây học, chắc cũng phải 16 tuổi rồi chứ chẳng ít, hi hi, đứng ở đây trông bộ dạng hắn thật ngốc!

Trương Nguyên cũng cảm thấy bộ dạng mình bây giờ đúng là hơi ngốc thật, Nho đồng ở đây nhỏ nhất là bảy, tám tuổi, lớn nhất cũng chỉ có mười hai, mươi ba. Cũng có một người lớn tuổi hơn mình, nhưng hình như là một gã đần độn.

Trương Nguyên thầm nghĩ:
“Mình phải học từ năm đầu tiểu học học lên sao?”

- Trật tự, trật tự....

Mông sư Chu Triệu Hạ dùng thước gõ xuống bàn mấy tiếng thật to rồi bắt đầu giới thiệu Trương Nguyên. Trương Nguyên hướng xuống phía các bạn học thi lễ, rồi tới lượt các học trò ngồi dưới đáp lễ, như vậy là kết thúc màn chào hỏi.

Chu Triệu Hạ gọi Trương Nguyên qua một bên, hỏi:
- “Tam Tự kinh” đã đọc qua chưa?

Vào học ở trường xã, dưới 8 tuổi thì phải học “Tam Tự kinh” trước, sau đó mới được học “Bách gia tính”, rồi “Thiên tự văn”.
Thấy Trương Nguyên mười lăm tuổi mới nhập học trường xã, gã nghĩ bụng chắc là khi còn bé bướng bỉnh gây sự không chịu đọc sách đây.

Trương Nguyên đáp:
- Tứ thư Ngũ kinh học trò đều đã đọc qua rồi, vào trường xã là để thỉnh giáo thầy về văn bát cổ thôi.

Chu Triệu Hạ "Ồ" một tiếng, có vẻ không tin, nói:
- Vậy ta sẽ kiểm tra ngươi một chút xem sao. Nghiêu Thuấn là một hay hai người?

“Đây là đề kiểm tra kiểu gì vậy” nghĩ vậy nhưng Trương Nguyên vẫn nhẫn nại đáp:
- Là hai người ạ, một tên Nghiêu còn một tên Thuấn.

Chu Triệu Hạ lại hỏi:
- Đạm Đài Diệt Minh là một hay hai người?

Đạm Đài Diệt Minh là một trong bảy mươi hai đệ tử của Khổng Tử, người này có họ kép là Đạm Đài, tự là Tử Vũ, vì tướng mạo xấu xí nên từng bị Khổng Tử ghét bỏ nhất quyết không chịu dạy cho.
Đạm Đài Diệt Minh phẫn nộ quyết chí tự học, cuối cùng đã trở thành một người đại hiền tài đức. “Dĩ mạo thủ nhân, thất chi tử vũ”, đó chính là câu nói bất hủ của ông.

Đối với người thuộc làu Tứ Thư Ngũ Kinh như Trương Nguyên mà đi kiếm tra bằng loại câu hỏi như vậy, quả thực là quá coi thường cậu. Nhớ tới thần thái kì lạ của Trương Đại khi nãy, hắn liền hiểu ra, đáp lời nói:

- Chắc chắn là hai người rồi.

Chu Triệu Hạ không cất tiếng cười vang, như thể việc Trương Nguyên đáp sai đã nằm trong dự liệu của gã vậy. Ừm, câu hỏi này quả thực là quá khó đối với cậu bé này rồi, cũng không thể trách cậu ta được:
- Đừng quá tham vọng viễn vông, chăm chỉ học từ “Tam Tự kinh” học lên đi. Văn bát cổ hay ho đến vậy sao, học xong năm năm sách vở thì hãy nghĩ tới chuyện học văn bát cổ nhá...Đây là sách của ngươi, phải giữ gìn cho cẩn thận. Rồi, về chỗ của mình đi, ở bên này, hàng thứ ba bên trái.
Bình Luận (0)
Comment