Từ miếu Thành Hoàng ở Long Sơn trở về Đông Trương thì đã sắp trưa rồi. Trương Thụy Dương và Trương mẫu Lã thị lại dẫn đôi vợ chồng trẻ đến từ đường của dòng họ để tế bái. Cho đến tận lúc này, Thương Đạm Nhiên mới chính thức được xem là người của nhà họ Trương ở Sơn Âm, được nhập tên vào gia phả nhà họ Trương. Quay trở lại tòa nhà ở phía bên trong, Trương Nguyên và Thương Đạm Nhiên lại bái lạy ba sao Phúc Lộc Thọ lần nữa. Sau đó cô dâu mới dâng trà và hành lễ với bố mẹ chồng. hai người hầu nam và bốn tỳ nữ mà Thương Đạm Nhiên mang theo làm của hồi môn lúc này cũng tiến lên phía trước bái kiến Trương Thụy Dương và Trương mẫu Lã thị, lúc này Trương Thụy Dương và Trương mẫu sẽ thưởng tiền cho họ. Tiếp đó là những người hầu trong nhà như Thạch Song, Mục Chân Chân, Lai Phúc, Thỏ Đình đến bái kiến thiếu phu nhân Thương Đạm Nhiên, Thương Đạm Nhiên cũng đưa cho họ tiền làm lễ gặp mặt. Đợi đến lúc Mục Chân Chân đến bái kiến, Thương Đạm Nhiên tự mình nâng dậy, để nàng đứng bên cạnh mình, để bày tỏ sự thân thiết.
Hôm sau, Trương Nguyên lại cùng Thương Đạm Nhiên đến thăm hỏi những bậc bề trên của Đông Trương và Tây Trương.
Ngày tiếp theo, ngày thứ ba sau khi cưới chính là ngày lại mặt. Trương Nguyên và Thương Đạm Nhiên về Thương phủ ở Hội Kê, tiếp đón và ra mắt những người trong họ tộc của Thương thị, sau đó sẽ trở về Sơn Âm ngay trong ngày chứ không được ở lại Thương phủ qua đêm, tập tục trong hôn nhân ở Thiệu Hưng là vậy.
Trương Nguyên không thích cái đồng hồ báo thức làm bằng gỗ mun được mạ bạc một chút nào, bởi tiếng của nó trong đêm vang lên lanh lảnh hết sức dọa người. Nên lúc bố trí sắp xếp tân phòng đã mang chiếc đồng hồ báo thức đó xuống thư phòng ở dưới lầu. Cuộc sống sinh hoạt hàng ngày vẫn dựa theo những hồi chuông được vọng tới từ gác chuông ở Thành Nam. Tiếng chuông lúc sáng sớm vang lên thì thức dậy, rửa mặt làm vệ sinh cá nhân xong thì cũng xấp xỉ sáu giờ sáng. Ban đêm, khi nghe được tiếng chuông thì thu dọn sách vở bút nghiêng rồi lên giường ngủ, lúc đó đồng hồ báo thức dưới lầu cũng vừa hay điểm mười giờ đêm. Những nho sinh nhìn ngắm đồng hồ báo thức không phải để xem giờ mà là chiêm ngưỡng hiếu kỳ với sự tinh xảo của máy móc thôi.
Sáng sớm ngày thứ tư sau khi cưới, tức là sau ngày Trương Nguyên và Thương Đạm Nhiên về Hội Kê làm lễ lại mặt, trời mới tờ mờ sáng, Mục Chân Chân đã thức dậy, bưng một ngọn đèn đế cao bằng sứ màu trắng đến thư phòng, vặn đồng hồ báo thức chạy chậm lại mười lăm phút. Đang lau án thư thì nghe thấy tiếng bước chân vang lên, vội vàng quay đầu lại, nhìn thấy Trương Nguyên chân đi giày bước vào, tóc vẫn còn rối bù, rõ ràng còn chưa có rửa mặt chải đầu.
Mục Chân Chân vén áo thi lễ, nói:
-Thiếu gia, chào buổi sáng!
Thời gian thực ra vẫn còn rất sớm, tiếng chuông buổi sáng còn chưa vang lên, đồng hồ báo giờ hiển thị thời gian là năm giờ ba mươi phút.
Trương Nguyên gật đầu một cái, nói:
-Chân Chân, nhanh mài mực cho ta.
Vừa nói vừa tìm kiếm gì đó trên thư án.
Trời còn chưa sáng hẳn, trong thư phòng vẫn còn mờ tối, Mục Chân Chân cầm cây đèn sứ trắng đến gần hơn một chút, hỏi:
-Thiếu gia tìm cái gì vậy?
Trương Nguyên nói:
-Ta phải đọc và sửa chữa mười bài văn bát cổ của Đỗ Định Phương. Mấy ngày nay bận quá tí nữa thì quên mất. Quản gia của Đỗ gia hôm nay phải về rồi, không làm ngay thì không kịp đưa cho ông ấy.
-Thiếu gia, có phải cái này hay không?
Mục Chân Chân lấy xuống một tập mười cuốn văn bát cổ từ trên giá sách.
Trương Nguyên lật qua xem một chút, vui mừng nói:
-Đúng rồi!
Tán dương một câu:
-Vẫn là Chân Chân chu đáo cẩn thận nhất.
Trên mặt Mục Chân Chân hàm chứa ý cười, rót thêm nước vào nghiên mực, cầm lấy thỏi mực nhẹ nhàng mài theo từng nhịp đều đều, thỉnh thoảng liếc mắt nhìn Thiếu gia một cái. Thiếu gia đang xem tập văn bát cổ của Đỗ Định Phương, rất nhanh đã đọc xong một tờ rồi tiếp tục lật sang một tờ khác.
Không đến nửa khắc, mười bài văn bát cổ đã được đọc xong. Trương Nguyên đứng lên nói:
-Ta đi rửa mặt trước đã.
Có thể dùng thời gian rửa mặt để nghĩ ngợi một chút xem, nên phê chữa mười bài văn bát cổ của Đỗ Định Phương này như thế nào. Đợi đến khi hắn rửa mặt trở về, Mục Chân Chân đã mài xong xuôi một nghiên mực rồi, mùi mực tỏa ra thơm ngát cả căn phòng.
Trương Nguyên trải một tờ giấy làm bằng tre trúc Duyên Sơn ra mặt bàn, viết thư cho Đỗ Định Phương. Mục Chân Chân đứng ở phía sau hắn, dùng cây lược được làm từ gỗ cây hoàng dương chải đầu cho hắn, động tác hết sức nhẹ nhàng mềm mại để không ảnh hưởng đến Thiếu gia đang viết, động tác ẩn chứa rất nhiều tình cảm. Bỗng nhiên Mục Chân Chân ngẩng đầu, nhìn thấy Thiếu phu nhân Thương Đạm Nhiên đang đứng cạnh cửa thư phòng, khẽ mỉm cười.
Thương Đạm Nhiên đã đứng đấy yên lặng nhìn một lúc lâu rồi. Trương Nguyên đang chuyên chú viết thư, Mục Chân Chân chải đầu búi tóc cho Trương Nguyên, ánh mắt ẩn chứa đầy tình cảm, tất cả suy nghĩ đều đặt trên người Trương Nguyên, hai người cũng không hề chú ý đến nàng đã đứng ở đấy.
-Chào Thiếu phu nhân!
Mục Chân Chân nhanh chóng tiến lên phía trước thi lễ, trong lòng có chút bất an.
Trương Nguyên ngẩng đầu nói:
-Đạm Nhiên nàng cũng dậy rồi à.
Sau đó lại cúi xuống tiếp tục viết thư.
Thương Đạm Nhiên bước vào thư phòng, mỉm cười với Mục Chân Chân, hỏi Trương Nguyên:
-Chàng có việc gì gấp à?
Trương Nguyên nói:
-Có một học sinh người Côn Sơn muốn ta đọc và cho ý kiến về văn bát cổ của anh ta. Hai người hầu của anh ấy đã đến đây được nửa tháng rồi. Hôm qua có rất nhiều khách ở xa đến chào từ biệt ta để ra về, còn hai người hầu của Đỗ phủ này thì lại đứng ở một bên vò đầu, ha ha.
Thương Đạm Nhiên bước sát vào nhìn một chút, tờ giấy làm bằng tre trúc đã viết được hơn một nửa rồi, chữ tiểu Khải ngay ngắn rõ ràng. Trương lang luôn luôn làm việc rất nghiêm túc, không qua quít lấy lệ.
Thương Đạm Nhiên nói với Mục Chân Chân:
-Ta đi sai Vân Cẩm cầm khăn vuông xuống cho Trương lang.
Sau đó xoay người đi ra ngoài, chậm rãi bước lên lầu, đối với cảnh tượng Mục Chân Chân hầu hạ Trương Nguyên một cách ôn nhu mà mình vừa nhìn thấy cũng không cảm thấy mâu thuẫn, thầm nghĩ:
“Chân Chân hầu hạ Trương lang đã nhiều năm rồi. Lúc nào Trương Nguyên vui mừng, lúc nào bực tức thì Chân Chân là người hiểu rõ hơn ai hết. Cô gái này hiền lành chất phác, mình phải đối xử tử tế với cô ấy. Điều này cũng thể hiện sự khoan dung độ lượng của mình.”
Nghĩ đến đây Thương Đạm Nhiên không khỏi nghĩ đến Vương Vi. Người nữ lang đó quá thông minh, để thư lại rồi ra đi, lấy lui để tiến. Điều đó làm cho tình cảm của Trương Lang đối với cô ấy càng tăng lên. Sau này Vương Vi vẫn là muốn làm người của Trương gia rồi.
Thương Đạm Nhiên lắc lắc đầu, không nên nghĩ nhiều đến những cái này. Vừa mới tổ chức hôn lễ xong, Trương Lang rất tốt với nàng, bố mẹ chồng cũng rất hiền lành tốt bụng, nàng không có gì không vừa lòng cả.
Trong thư phòng, Trương Nguyên dùng hơn một canh giờ để viết cho Đỗ Định Phương và Đỗ Tùng một bức thư. Bức thư gửi cho Đỗ Tùng là để chúc mừng ông ấy được khôi phục chức Tham tướng, lại lấy giọng điệu bàn bạc để phân tích tình hình ở Liêu Đông, nói rằng Đỗ Tùng sẽ vì việc dân tộc Nữ Chân ở Kiến Châu đe dọa nước Đại Minh mà được lên chức. Chiến đấu với bộ tộc Nữ Chân ở Kiến Châu cố nhiên là một cơ hội tốt để lập công, nhưng đồng thời cũng là một việc hết sức nguy hiểm. Đương nhiên Trương Nguyên không thể nói đến việc Đỗ Tùng chết trận ở Tát Nhĩ Hử vào năm Vạn Lịch thứ bốn mươi bảy. Trong lá thư này chỉ nhắc nhở và đưa ra ý kiến cho Đỗ Tùng. Có một số việc rất nhanh sẽ biết được kết quả thông qua sự kiểm chứng, việc này sẽ làm cho trong lòng Đỗ Tùng cảm thấy Trương Nguyên phân tích tình hình rất cặn kẽ, liệu sự như thần, ấn tượng này của Đỗ Tùng về Trương Nguyên rất quan trọng.
Mục Chân Chân đưa lá thư mà Trương Nguyên đã viết xong cho phụ thân mình Mục Kính Nham. Trương Nguyên giao cả ba phong thư cho hai người hầu của Đỗ gia, thưởng cho hai người hầu đó một ít tiền, rồi sai Lai Phúc đưa bọn họ lên thuyền.
Khách đến chúc mừng hôn lễ hôm nay rất nhiều người cáo từ Trương Nguyên để ra về. Ngoài mấy người Dương Thạch Hương, Hồng Đạo Thái ở Thanh Phổ muốn ở lại hai ngày nữa đợi vợ chồng Lục Thao để cùng về ra, thì còn lại những đồng nghiệp ở Hàn Xã hầu như đều cáo từ ra về hết. Phạm Văn Nhược, Phùng Mộng Long, Văn Chấn Mạnh, Tiêu Nhuận Sinh…bọn họ đều đã đến Sơn Âm được nửa tháng rồi, hàng ngày mấy người bạn tri kỉ cùng nhau họp mặt, tranh luận với nhau về văn chương, giờ đây cảm thấy học thức có tiến bộ lên rất nhiều, cho nên khi phải cáo biệt ra về, cảm thấy lưu luyến không muốn rời cũng là lẽ đương nhiên.
Giờ Ngọ ngày hôm đó, Hoàng Tôn Tố dẫn theo Hoàng Tông Hi cũng đến chào từ biệt Trương Nguyên. Mấy ngày này Hoàng Tông Hi với huynh đệ Lý Thuần, Lý Khiết, cùng nhau đi chơi, cùng nhau học bài. Hoàng Tông Hi và Lý Khiết bằng tuổi nhau, đều sáu tuổi, cũng đã có thể ngâm nga vài bài thơ, hơn nữa còn có thể nói về những đạo lý trong Tứ thư. Không phải chỉ là học bằng cách học thuộc lòng để nhớ, mà Lý Khiết mới biết “Chi vô”, Lý Thuần tám tuổi vừa học xong “ Tam tự kinh” và “Bách gia tính”, không thể bì kịp với Hoàng Tông Hi. Có Hoàng Tông Hi ở đây thì hai huynh đệ Lý Thuần, Lý Khiết cũng chịu khó học tập hơn rõ rệt.
Nghe nói Hoàng Tông Hi phải về nhà, hai huynh đệ Lý Khiết, Lý Thuần khóc lớn không ngừng, đi cùng với cậu Trương Nguyên tiễn cha con Hoàng Tông Hi lên thuyền. Hoàng Tông Hi nhìn thấy hai huynh đệ Lý Thuần, Lý Khiết khóc như vậy liền khóc theo, tình cảm của trẻ con luôn là thứ tình cảm thuần khiết và chân thành tha thiết nhất.