Lẳng Lơ Tao Nhã

Chương 5

Mã bà bà nói rằng con mắt của Trương Nguyên bây giờ có bệnh, nên phải khẩn trương lập một mối hôn sự, phòng về sau có chuyện chẳng may.

Điều mà Mã bà bà không nói rõ chính là: con mắt của Trương Nguyên không tốt, chỉ sợ là không lấy được người con gái thanh bạch. Chỉ còn thừa dịp bây giờ đang chữa trị, người ngoài còn chưa biết chuyện thì nên định ra việc hôn sự. Họ Trương ở Thiệu Hưng là một đại gia tộc. Nếu đã đính hôn rồi mà thoái hôn thì sẽ gặp chuyện kiện tụng nên phải suy nghĩ kỹ.

Mã bà bà nhiệt tình tỏ vẻ có thể giải quyết được vấn đề. Bà ta đề cử cho Trương mẫu Lã thị một khuê nữ của một gia đình ở ngõ Chỉ Thủy. Người con gái đó đoan trang, chuyện nữ công may vá đều thành thạo, nhiều thế hệ làm nghề nông, gia thế trong sạch. Chỉ cần Trương gia cho nhiều lễ hỏi thì chuyện tốt sẽ thành công.

Trương Nguyên không nhịn được nữa, kêu lên:
- Thỏ Đình

Tiểu nha đầu Thỏ Đình vội vàng chạy đến hỏi:
- Thưa thiếu gia, có chuyện gì vậy?

Trương Nguyên dặn dò vài câu thì tiểu nha đầu liền gật đầu như gà con mổ thóc, đi tới bên cửa phòng ngủ của thái thái cất tiếng hỏi:
- Mã bà bà, nhà chồng của bà họ gì vậy?

Mã bà bà sửng sốt, đáp:
- Họ Ngưu.

Tiểu nha đầu lại hỏi:
- Vậy Mã bà bà nói cái vị có người con gái ở ngõ Chỉ Thủy kia là họ Ngưu hay họ Mã?

Mã bà bà không đề phòng cô bé này, thuận miệng đáp:
- Là họ Ngưu.

Thỏ Đình liền lon ton chạy lại báo cáo:
- Thiếu gia, Mã bà bà nói người con gái kia họ Ngưu.

Trương Nguyên gật đầu nói:
- Cũng họ Ngưu, tốt lắm.

Trong phòng Trương mẫu Lã Thị liền hỏi:
- Mã bà bà, vị Ngưu tiểu thư kia là người thân thiết của nhà chồng bà sao?

Mã bà bà có phần hơi lúng túng. Vốn bà không muốn để lộ nội tình sớm như vậy, nhưng nếu Lã thị đã hỏi thì bà cũng không thể giấu diếm, cười nói:
- Xin thái thái nghe rõ lời lão bà này nói. Lần đó lão ở Đại Thiện Tự gặp được thái thái, nghe nói về chuyện mắt của thiếu gia trong phủ không tốt. Lão bà này đã nghĩ là Trương thị ở Sơn Âm cũng là con cháu thư hương, không thể bởi vì mắt của thiếu gia không tốt mà tùy tiện cưới vợ được. Lão bà này liền nghĩ là cô cháu gái nhà chồng cũng không tệ, gia thế lại trong sạch, tính tình lại càng thêm dịu dàng. Chẳng may mắt của thiếu gia quý phủ không còn nhìn được thì cô bé kia cũng sẽ không ghét bỏ.

Trương Nguyên nhếch miệng không cười ra tiếng, thầm nghĩ:
- Ta đã trở thành thứ tàn phẩm, kẻ đáng thương rồi. Cũng bởi vì con mắt ta có bệnh mà muốn gả Ngưu cô nương Mã cô nương gì kia cho ta, dường như là muốn ban ơn cho ta. Ừ, không chê ta thực là làm ta cảm động đến rơi nước mắt rồi.

Chợt hắn nghe mẫu thân nói:
- Con trai ta năm nay mới mười lăm tuổi, chưa vội việc hôn sự. Tật ở mắt của nó nhất định sẽ khá hơn. Không dám để Mã bà bà phí tâm.

Giọng điệu của mẫu thân chàng tỏ ý không hài lòng. Người làm mẹ nào mà nghe người khác nói đứa con của mình như vậy thì không cảm thấy đau lòng chứ.

Mã bà bà rõ ràng là cảm thấy buồn bực. Vốn bà ta đã chuẩn bị cả một mớ lý do, định có thể khiến cho Lã thị động lòng, không ngờ bị hai câu nói của một tiểu nha đầu làm cho nhiễu loạn, để người ta biết lòng mình sâu cạn thế nào rồi.

- Đúng vậy, đúng vậy. Thái thái nói rất đúng. Con mắt của thiếu gia Trương Nguyên nhất định sẽ khá hơn.

Mã bà bà cười theo, lại nói nhăng nói cuội một hồi chuyện trong ngõ ngoài xóm, đến chạng vạng mới cáo từ.

Tiểu nha đầu Thỏ Đình chạy lại nói:
- Thiếu gia, vì sao lúc trước khi Mã bà bà đi lại trừng mắt với tiểu tỳ? Tiểu tỳ đã nói bậy gì sao?

Trương Nguyên cười nói:
- Ngươi không hỏi gì sai. Mà là Mã bà bà cảm thấy ngươi còn nhỏ tuổi lại nhanh mồm nhanh miệng như vậy nên giật mình mở to hai mắt nhìn ngươi cho kỹ thôi.

Tiểu nha đầu “hứ” một tiếng rồi đi ra ngoài.

Đại a đầu Y Đình đưa Mã bà bà trở về xong thì nói với Trương mẫu Lã thị:
- Thái thái, cái bà Mã bà bà kia khi ra ngoài đường có nói nhỏ, nói cái gì là bỏ qua nhân duyên, nói là về sau thiếu gia muốn kết hôn thì khó mà lấy được người tốt như vậy. Còn nói là thái thái nhất định sẽ phải hối hận.

Trương mẫu Lã Thị hiểu ý tứ trong lời nói của Mã bà bà, cảm thấy không vui.

Trương Nguyên nói:
- Mẫn thân, Mã bà bà này luôn mồm nói thắp hương niệm phật, nhưng trong lòng thực sự hung ác, chỉ mong con mắt của con không còn. Bà ta vui sướng khi người khác gặp họa. Loại đàn bà này về sau không cần phải cho bà ta vào trong nhà. Mẫu thân không cần lo lắng. Con mắt của con nhất định sẽ khỏi. Thật ra bây giờ đã có thể nhìn thấy đồ vật, chỉ có điều phải tuân theo lời dặn của thày thuốc mang bịt mắt. Một tháng nữa con không cần phải mang nữa. Sau đó con có thể đọc sách, có công danh, cưới một người vợ danh môn xinh đẹp, không để cho mẫu thân phải chịu thua kém.

Không chịu thua kém không phải là nói miệng là xong mà phải đấu tranh. Nhưng đứa con lười nhác ham chơi trước nay có thể nói ra như vậy cũng khiến cho Trương mẫu Lã thị mừng rỡ cười vui.


Giờ thìn ngày hôm sau, Vương Khả Xan dẫn hai môn khách Tây Trương đến trước cửa. Tiểu hề nô (thằng hề nhỏ) Vũ Lăng chờ sẵn từ sớm, thấy vậy thì rất mừng vì hai người hắn và Trương Thái không cần phải đọc sách nữa. Nó cảm thấy như trút khỏi gánh nặng.

Hai người môn khách đó một người họ Chiêm, tên là Sĩ Nguyên, một người họ Phạm, tên là Trân, đều chừng ba mươi tuổi, đều là phận đồng sinh. Cha của Trương Nguyên là Trương Thụy Dương cũng là đồng sinh. Nhưng không thể xem thường đồng sinh không phải chỉ đọc chút sách là có thể xưng danh là đồng sinh. Đồng sinh phải trải qua hai cấp thi ở huyện và phủ, chỉ có những người có tài một chút mới có thể xưng là đồng sinh. Nếu có thể thông qua phần thi mà Đề học quan chủ trì thì sẽ thành phụ học sinh viên, cũng chính là tú tài. Cho nên mặc dù nói đồng sinh không phải là khoa danh, nhưng đã qua được hai lần thi huyện và thi phủ thì cũng phải có chút học vấn, so với những thư sinh bình thường cũng có được một chút tôn trọng. .

Hai người Chiêm, Phạm là người ngoài nên không thể đóng cửa treo đèn đọc sách. Trương Nguyên vẫn bịt mắt như trước. Khi chàng đến thư phòng ở Tây Lầu đọc sách cùng hai người Chiêm, Phạm thì không nhìn thấy người mà chỉ nghe tiếng nói. Tiếng của Chiêm Sĩ Nguyên chậm rãi, thỉnh thoảng còn ho khan hai tiếng. Giọng của Phạm Trân lanh lảnh giống như thái giám.

Phạm Trân nói:
- Yến Khách công tử bảo hai người ta đến đọc sách giải sầu cho Giới Tử thiếu gia; không biết Giới Tử thiếu gia thích đọc sách gì, sách tạp lục hay là tiểu thuyết?

Trương Nguyên nói:
- Làm phiền hai vị tiên sinh, mấy ngày nay ta đang đọc “Xuân Thu kinh truyện tập giải”, ba mươi cuốn đều ở trên bàn. Xin mời.
Rồi chàng bảo Vũ Lăng đi pha trà cho hai vị tiên sinh.

Sau khi Vũ Lăng dâng trà thì lui ra khỏi thư phòng, đứng nói chuyện với Vương Khả Xan ở hành lang.

Vương Khả Xan hạ giọng nói:
- Môn hạ tổ phụ của tam công tử có hơn ba mươi người. Nghe nói mỗi người bọn họ đều hăng hái muốn tới đọc sách cho Giới Tử thiếu gia. Hai vị Chiêm, Phạm đều tranh nhau tới. Tiểu Vũ ngươi có biết nguyên nhân không?

Vũ Lăng lắc đầu nói:
- Ta không biết.

Tiếng Vương Khả Xan hạ thấp xuống như tiếng thiếu nữ:
- Đó là vì tam công tử có nói, ai tới đọc sách cho Giới Tử thiếu gia thì một ngày được năm đồng bạc. Thế nên bọn họ mới tranh nhau tới.

- Một người một ngày năm đồng bạc?
Vũ Lăng líu lưỡi nói:
- Vậy đọc một tháng, hai người chẳng phải là được ba mươi lượng bạc. Mẹ ơi, Tây Trương thật là có tiền.

Vương Khả Xan khẽ cười nói:
- Cũng không phải là Tây Trương, mà là tam công tử có tiền. À, tiểu Vũ, ngươi có cảm thấy rằng thiếu gia dường như đã thay đổi không. Chơi cờ tốt thì không nói, cả lời nói và cử chỉ cũng thay đổi rất nhiều. Ngươi không cảm thấy sao?

Vũ Lăng nói:
- Con mắt thiếu gia có bệnh nên tính tình có thay đổi một chút.

Vương Khả hỏi:
- Con mắt của Giới Tử thiếu gia có thể khỏi được không. Bằng không thì thật là đáng tiếc.

Vũ Lăng nói:
- Nhất định có thể khỏi. Mắt của thiếu gia bây giờ đã nhìn được đồ vật rồi. Chỉ là còn sợ ánh sáng, cần phải tĩnh dưỡng một thời gian.


Trong thư phòng, hai người Chiêm Phạm thay phiên nhau đọc “Xuân Thu kinh truyện tập giải” cho Trương Nguyên. Mỗi người đọc mười lăm trang thì đổi người. Khi đến lượt Chiêm Sĩ Nguyên đọc bài thì Phạm Trân đứng dậy đi qua đi lại, ánh mắt lạnh lẽo nhìn Trương Nguyên. Người thiếu niên bịt mắt ngồi một chỗ, lẳng lặng lắng nghe.

Là đang nghe đấy chứ, hay ngủ thiếp đi rồi. Việc này thật là phí lời. Tuy rằng có thể có được năm đồng bạc nhưng thật nhàm chán, hơn nữa đọc bài đến miệng khô lưỡi nóng.

Phạm Trân thầm gật đầu, trong lòng có chút tính toán. Khi đến lượt mình đọc thì ông ta bắt đầu nhảy hàng đọc. Đọc như vậy thì mười lăm trang thật thoải mái. Chiêm Sĩ Nguyên uống trà ở bên cạnh không để tâm đến nên nghe không hiểu. Còn về thiếu niên Trương Nguyên thì “Xuân Thu kinh truyện tập giải” vốn rất phức tạp và khó ,cho dù có chăm chú nghe cũng không có khả năng nghe ra được ông ta đọc thiếu chữ.

Phạm Trân thì thầm:
- Mùa xuân năm thứ năm, …. Đến tháng tư mùa hạ thì côn chất Vệ Hoàn Công. Mùa thu, Vệ sư…

« Xuân thu” là một trong ngũ kinh. « Tả truyện” là giải thích cho “xuân thu”. Đỗ Dự nhà Tây Tấn đã biên tập lại bộ “Xuân Thu kinh truyện tập giải”, hội tụ “xuân thu” của thời xưa và “tả truyện” để giải thích. Phạm Trân so với tiểu hề nô Vũ Lăng còn lười hơn. Vũ Lãng chỉ không đọc những chữ chú thích nhỏ. Còn Phạm Trân đã bỏ qua cả đoạn lớn về “tả truyện’

Ngón tay khẽ gõ lên bàn học, Trương Nguyên mở miệng nói:
- Phạm tiên sinh, có phải ông đọc thiếu một đoạn không?

Phạm Trân cả kinh, thầm nghĩ: ‘Thiếu niên này làm sao biết ta đọc thiếu một đoạn?’, liền hỏi:
- Giới Tử thiếu gia đã từng đọc qua sách này trước kia à?

Trương Nguyên nói:
- Mấy ngày trước ta có nghe qua “xuân thu”, cũng biết “tả truyện” là những câu giải thích cho “xuân thu”. Phạm Tiên sinh đọc “mùa xuân năm thứ năm, công thỉ ngư dữ đường”, nhưng sau lại không đọc một câu giải thích về “tả truyện”.

Phạm Trân vốn là người khéo léo, nghe vậy nên bật cười:
- Là ta đây cố ý thử người một lần xem Giới Tử thiếu gia có thật tình hiếu học không. Phạm mỗ xin chuyên tâm đọc.
Bình Luận (0)
Comment