Thể loại: Hiện thực, lãng mạn
Dịch giả: Nguyễn Thu BaType: thanhbtAi cũng có thể là một phóng viên hào nhoáng và vô trách nhiệm hoặc đơn thuần là một người sửa bài cần mẫn, nhưng đây lại là một người viết tiêu đề, biên tập bản thảo! Người mà phải đọc tất cả những tin tức phức tạp hàng ngày để lựa chọn ra những ý chính và tóm tắt lại bằng những từ đắt ý, khéo léo sắp xếp vừa vặn trong một chỗ trống có giới hạn - ông là một nhà báo tuyệt vời và là một người cha xứng đáng với danh tiếng của mình.
Và người phụ nữ ấy: nhỏ bé, năng động, có một cuộc sống dường như gắn liền với giá trị không tưởng mà bà cho là “nhạy bén”. Bà mải mê với tạp chí thời trang, với việc ăn mặc có thẩm mỹ và đã nhiều lần cố gắng chỉnh lại mái tóc của mình, nhưng không thể giấu nổi đôi mắt hoang mang và thật sự, chưa bao giờ bà biết cách tô son trên môi của mình - một đôi môi luôn thể hiện dáng vẻ của sự thiếu kiên định đến mức độ đáng kinh ngạc và đầy yếu đuối.
Hai người, đã từng yêu nhau say đắm, và hơn thế, họ từng là vợ chồng. Họ có hai cô con gái vô cùng xinh xắn, đáng yêu: Sarah và Emily. Tuy nhiên, không một ai trong hai chị em đó có được cuộc sống hạnh phúc, và nhìn lại thì dường như mọi bất hạnh đều bắt đầu từ việc ly dị của cha mẹ họ.
Là nạn nhân của một cuộc hôn nhân tan vỡ, Sarah và Emily như hai cây non phải nương tựa, che chở cho nhau qua giông bão cuộc đời. Hai cô gái sớm bước vào thế giới tình yêu, như một người dạn dày, từng trải. Chính Sarah là người cho Emily biết kiến thức đầu đời về tình dục, khi chúng đang ăn kem que và đùa cợt với nhau quanh cái võng bị đứt ở sân sau nhà chúng ở Larchmont, New York. Emily lắng nghe đầu óc cô bé đầy những suy nghĩ băn khoăn và xáo trộn.
Sẽ thế nào, khi mà Sarah được giao nhiệm vụ tham gia diễu hành trong ngày lễ Phục sinh, để một nhiếp ảnh gia chụp từ văn phòng quan hệ cộng đồng. Trông cô thật đáng yêu, có thể nói, chưa khi nào trông cô lại đáng yêu đến thế, khi vận chiếc váy đắt tiền bằng lụa dày - mốt dành cho những quý bà Trung Quốc trước chiến tranh, và đội một chiếc mũ rộng vành dệt bằng rơm. Cô sánh bước cùng Tony - chàng “hoàng tử” luôn đem đến những điều “tuyệt vời”. Cả hai cười với nhau rất lãng mạn trong cái nắng tháng Tư, tạo nên một bức ảnh ấn tượng đăng trên bản tin Chủ nhật của tờ Thời báo New York. Bức ảnh ấy còn được đóng khung treo trên tường và có giá trị mãi mãi.
“Lễ diễu hành Phục sinh” là sự hồi sinh của nhà văn Mỹ Richard Yates và ông được đánh giá là một nhà văn lớn. Đây là một tác phẩm văn xuôi duyên dáng và thể hiện được chiều sâu của bi kịch.
Theo Báo Lao Động“Cuộc diễu hành phục sinh” (Chủ nhật, 27/09/2009 08:53:37 AM)
Đọc tiểu thuyết “Cuộc diễu hành phục sinh” của nhà văn Richard Yates, tôi cứ thấy có một đôi mắt u buồn, đau đáu, đắng đót đằng sau mỗi thân phận con người.
Ngập tràn trong cuốn tiểu thuyết là những cuộc làm tình chớp nhoáng, nóng bỏng nhưng phía sau ấy vẫn cháy lên những khao khát nào lớn hơn nhu cầu xác thịt. Richard Yates đã tung ra hai cuộc đời tương phản. Một bên là cuộc đời tự do của Emily với những cuộc làm tình, với rượu mạnh và những kì nghỉ dài bất tận.
Một bên là cuộc đời nhạt nhẽo, buồn tẻ của người chị Sarah gắn liền với hôn nhân, với bạo lực, với cô độc và những vùng vẫy khao khát trong sự bất lực đến tuyệt vọng. Những thân phận con người trong tiểu thuyết “Cuộc diễu hành phục sinh” được nhà văn Richard Yates móc nối với nhau bằng hôn nhân, sex, rượu mạnh và nỗi cô đơn bất hạnh triền miên của con người.
Richard Yates không cần tạo ra sức hấp dẫn trong tiểu thuyết của mình bằng cách khai thác những sự kiện xã hội, những biến cố lịch sử vĩ đại. Thực tế cho thấy, ngay từ thiên tiểu thuyết đầu tiên danh tiếng “Con đường Cách mạng” của mình cho đến thiên tiểu thuyết “Cuộc diễu hành phục sinh”, ông là nhà văn có biệt tài đào sâu vào tận cùng nỗi đau thân phận. Cả cuốn tiểu thuyết chỉ xoay quanh cuộc đời của ba nhân vật chính, ba mẹ con nhà Grimes: Pookie, Emily và Sarah.
Những con người bình thường nhất, thậm chí là thấp kém nhất trong xã hội Mỹ qua ngòi bút của nhà văn Richard Yates đã trở thành biểu tượng đời sống tinh thần với nỗi tuyệt vọng triền miên kéo dài trong lịch sử nước Mỹ.
Richard Yates đã quăng nhân vật của mình vào cơn bão khốc liệt và rồi dang tay đón những “đứa con” mang trên thân thể mình đầy những thương tích bầm giập ở bên kia. Nhà văn chấp nhận hiện thực xã hội nghiệt ngã của nước Mỹ, chính vì thế, chỉ bằng thân phận ba người phụ nữ bất hạnh, ông đã khái quát cả một bức tranh rộng lớn về lịch sử đời sống nước Mỹ.
Độc giả Việt Nam sẽ có cơ hội để nhìn khác hơn về xã hội Mỹ những năm chiến tranh Việt Nam qua thiên tiểu thuyết này. Ở đó là một cuộc sống lặng lẽ, buồn tẻ và nhạt nhẽo. Bao người vùng vẫy trong một cuộc sống không lý tưởng với những nỗi cô đơn, bế tắc và tuyệt vọng. Chúng ta sẽ cảm nhận được sự ngây thơ của nhiều thanh niên Mỹ về chiến tranh ở những cuộc làm tình chớp nhoáng trước khi lên đường.
Chúng ta sẽ thấy khao khát được sống một cuộc sống hoà bình, an phận của những người tìm mọi cách trốn lính. Nỗi đau của nước Mỹ qua ngòi bút nhà văn Richard Yates là nỗi đau về những thế hệ thanh niên bị o bế tâm hồn.
Đọc “Cuộc diễu hành phục sinh”, người đọc sẽ thực sự bất ngờ bởi trực diện bức tranh xã hội tình dục ở nước Mỹ. Nhà văn Richard Yates xây dựng số phận hai nhân vật chính là hai chị em nhà Grimes: Sarah và Emily với hai sự lựa chọn cuộc sống đối nghịch nhau. Sarah muốn có một gia đình ổn định với một người đàn ông mà cô yêu và tôn thờ như tất cả những người phụ nữ khác và như chính niềm ao ước của mẹ cô, Pookie.
Emily kịch liệt phản đối hôn nhân, đặc biệt là khi cô biết sự thật về những bạo hành mà người chị của mình phải chịu từ người chồng vũ phu. Dường như nhà văn Richard Yates xây dựng Emily trở thành một biểu tượng của cuộc sống tự do để cổ xuý cho khao khát tìm hạnh phúc qua cách sống ấy. Nhưng có lẽ là không phải như vậy.
Những cuộc làm tình của Emily với bao nhiêu người đàn ông mà chính cô cũng không nhớ nổi được Richard Yates miêu tả vô cùng nóng bỏng. Emily chưa bao giờ yêu những người đàn ông đưa cô lên giường. Thế nhưng, cô vẫn lao vào những cuộc làm tình ấy không mệt mỏi để khao khát kiếm tìm một thứ vô hình. Hạnh phúc chăng? Không có ai trả lời cho cô điều ấy cả. Để rồi cuối cùng, có lẽ cô yêu Howard và mệt mỏi muốn dừng cuộc đời mình ở đó. Nhưng Howard đã ra đi.
Thiên tiểu thuyết kết thúc ở sự cô độc của Emily, không gia đình, không người thân, không bạn bè, không tình yêu. Cô gục ngã trong những ký ức về người chị gái Sarah, người chị gái yêu quý của cô đã bị người chồng giết chết trong một lần say rượu.
Chỉ với hơn ba trăm trang tiểu thuyết, nhà văn Richard Yates đã xây dựng trọn vẹn ba cuộc đời bất hạnh nhà Grimes. Thành công xuất sắc ở khả năng miêu tả tâm lý và xây dựng một thế giới nội tâm sâu thẳm đầy bí hiểm, nhà văn đã đẩy nhân vật của mình vào tận cùng nỗi tuyệt vọng của thân phận con người để phản ánh một cách chân thực nhất đời sống nước Mỹ thế kỷ XX và khao khát đi tìm một lối thoát cho người Mỹ.
Đọc “Cuộc diễu hành phục sinh”, chúng ta sẽ bị chìm đắm trong ma trận của những cuộc làm tình, những ly rượu mạnh, những cơn khủng hoảng tinh thần, những nỗi xót xa và cuối cùng cay đắng nhận ra nỗi đau về thân phận con người không phải là của riêng Richard Yates nói về người Mỹ mà nó còn mãi là nỗi đau chung của toàn nhân loại.
Vân Hà
Tác giả
Ông sinh năm 03/02/1926 và mất ngày 17/11/1992 là nhà văn Mỹ. Ông đã viết rất nhiều truyện ngắn và tiểu thuyết về cuộc sống của người dân Mỹ giữa thế kỷ 20. Ông được coi là người đã chép lại hoàn hảo biên niên ký về đời sống sâu sắc và vô cùng phức tạp của nước Mỹ giữa thế kỷ 20 trong những tác phẩm kinh điển của mình - những khúc bi ca về sự cô độc của con người đã vạch trúng tâm thức của thời đại, phản ánh một cách khốc liệt đời sống hiện thực Mỹ.
Cuốn tiểu thuyết đầu tay của ông, Revolutionary Road (Con đường cách mạng) đã đoạt giải thưởng Sách Quốc gia vào năm 1962.
Rất nhiều tiểu thuyết của ông được dựng thành phim, Revolutionary Road (Con đường Cách mạng), The Easter Parada (Lễ diễu hành Phục sinh).