Đêm khuya, mấy người đang nóng lòng chờ đợi trước cửa phòng sản của bệnh viện tốt nhất thành phố. Bà cụ tóc bạc trắng đứng đầu không ngừng chắp hai tay vào nhau liên tục cầu nguyện. Trái với thái độ mong đợi của bà, chàng trai trẻ bên cạnh lại hoàn toàn chú tâm vào chiếc điện thoại đời mới trên tay với vẻ sống chết mặc ai, chẳng liên quan gì tới mình.
“Khải Dương, cháu đích tôn của bà! Cháu không thể làm bà nội bớt lo hơn một chút sao?” Nhìn dáng vẻ thờ ơ của đứa cháu, bà cụ tức giận gõ mạnh cây gậy trên tay xuống đất: “Cháu sắp thành bố đến nơi rồi, sao vẫn chẳng thay đổi thế? Còn không chịu tu tâm dưỡng tính, sống với Tĩnh Vũ cho tốt một chút!”.
“Bà nội, bà lằng nhằng quá đi! Lúc đầu nếu không phải bà sống chết đòi có chắt bế, cháu đã chơi thêm được hai năm nữa rồi.” Lăng Khải Dương cau mày bực bội nhìn bà: “Hơn nữa Hà Tĩnh Vũ sinh trai hay gái đều do ông Trời quyết định, cháu cuống làm gì chứ?”.
“Thằng súc sinh! Mày dám nói với bà nội thế à?” Hai tay giữ chặt đầu gậy, bà cụ tức đến run lẩy bẩy: “Đều tại ta! Cứ nghĩ bố mẹ mày mất sớm, thân già này không nỡ xử tệ với mày. Nhưng… nhưng sao mày lại đáng thất vọng đến thế, cả ngày có nhà không về, chỉ tụ tập với lũ bạn lêu lổng phá làng phá xóm. Bây giờ vợ mày nằm trong sinh con cho mày… mà nhìn mày kìa! Bà mà không ép, chắc mày cũng chẳng thèm đến đâu phải không?”.
“Thôi bà nội… Cháu sai rồi được chưa? Bà đừng tức giận nữa đi!” Thấy bà cụ nổi cơn tam bành, Lăng Khải Dương không thể không nở nụ cười nịnh bợ: “Cháu hứa sau này sẽ sống tử tế, không ra ngoài chơi bời nữa, được chưa bà?”.
“Ừ, nếu thật sự biết sai thì thề độc đi: Sau này mà còn không chịu an phận thủ thường thì sẽ bị Trời đánh tan xác!”
“Ôi! Bà nội, không phải chứ? Cháu là cháu ruột của bà, thề độc như vậy…” Cố ý trưng ra bộ mặt đau khổ, Khải Dương đã thành công trong việc khuất phục bà nội: “Được rồi, được rồi, bà cười đi cho cháu yên tâm nào! Sau này cháu nhất định sẽ tốt hơn được chưa?”.
“Aizzz… Thôi được rồi, chỉ cần cháu biết sống cho tử tế là được…” Bà cụ nói, ánh mắt lại hướng về phòng sản. Đúng lúc đó, bên trong bỗng vang lên tiếng khóc trẻ con to rõ ràng, rồi một y tá chạy ra.
“Chúc mừng bà, cháu dâu bà sinh được một bé trai khỏe mạnh, ba cân hai. Bà lên chức cụ nội rồi nhé.”
“A di đà Phật… đại từ đại bi ban phúc cho con cháu đầy đàn!” Quá vui mừng, bà cụ quỳ rạp xuống đất: “Vậy là nhà họ Lăng ta có người nối dõi rồi! Cuối cùng cũng có người nối dõi rồi!”.
“Bà nội mau đứng dậy, nền đất lạnh cẩn thận ốm đó.” Lăng Khải Dương cố giấu nụ cười đỡ bà cụ dậy, tiện tay lấy gói kẹo trong cặp sách ra đưa cho cô y tá: “Mọi người vất vả rồi, ăn chút kẹo mừng đi!”.
“Cảm ơn.” Đáp lại một tiếng, cô y tá quay người rời khỏi phòng sản.
“Bà nội, tên của nó, dành bà đặt đó.” Khải Dương cúi xuống sốt ruột nhìn bà cụ đang đắm chìm trong phấn khích không sao thoát ra được.
“Bà nói cho cháu biết nhé, cái tên không được đặt bừa đâu. Đợi khoảng hai ngày nữa, bà nội đến chùa tìm thầy tướng số bói một quẻ rồi tính. Bây giờ bà phải đi thăm chắt yêu của bà đã.” Quyết định xong mọi chuyện, dưới sự đỡ dìu của đứa cháu, bà cụ hấp tấp bước về phía phòng trẻ sơ sinh…
…
Nhà họ Lăng có người nối dõi! Đây vốn là chuyện vui thấu trời xanh, nhưng chẳng hiểu sao suốt mấy ngày, bà cụ Lăng cứ ủ ê mặt mày. Lý do duy nhất chính là sau khi chào đời, đứa bé bắt đầu khóc không ngừng nghỉ, bất kể dỗ dành thế nào đi nữa. Cuối cùng bệnh viện cũng bó tay, đành để gia đình họ xuất viện sớm, phòng trường hợp cậu bé không quen với không khí trong bệnh viện nên mới như vậy, nhưng ai ngờ vừa bước đến cửa nhà, đứa bé càng khóc dữ hơn. Mọi người trong nhà hết sức bối rối, không biết xử lý ra sao. Cuối cùng, bác Ngô hàng xóm học rộng hiểu nhiều khuyên bà cụ nên đi chùa thắp hương, xem có phải đã phạm điều gì hay không.
Vậy là, bà cụ chọn ngày lành tháng tốt, vừa sáng sớm đã địu theo đứa chắt hay khóc trên lưng đến ngôi chùa có tiếng linh thiêng gần đó. Đến lưng chừng núi, bà cụ đột nhiên trượt chân, cả người nghiêng hẳn về phía sau. May mà bình thường quen đi đường núi, nên lúc này cái khó ló cái khôn, bà cụ xoay người về bên phải, tay trái sống chết túm chặt cành cây cạnh đó, cuối cùng cũng tạm giữ được thăng bằng. Thế nhưng, lúc này đứa bé trên lưng bà bắt đầu bực bội khó chịu, ra sức mở to cổ họng mà gào khóc inh ỏi.
“Bác ơi, bác không sao chứ?” Có lẽ bị tiếng khóc của đứa bé thu hút sự chú ý, con đường núi vốn yên tĩnh bỗng xuất hiện một người đàn ông áo xanh từ từ bước tới, đỡ bà cụ còn đang sợ hãi trở lại đường chính.
“Cảm ơn, cậu thật tốt bụng.” Ngồi trên bậc thang đường núi, bà cụ chẳng để ý đến vết thương ở chân, chỉ vội vã ôm đứa chắt vào lòng, kiểm tra kỹ xem nó có làm sao không.
“Có gì đâu bác. Cháu bác đấy ạ? Đáng yêu quá, nhưng sao khóc dữ vậy?” Người đàn ông đưa tay khẽ xoa đầu đứa bé.
“Aizzz… là chắt tôi đấy, cũng chẳng biết phạm phải điều gì mà từ khi sinh ra đến giờ, nó cứ khóc mãi không thôi, cực chẳng đã tôi phải lên chùa trên núi thắp hương, nhân tiện tìm cho thằng bé cái tên luôn.” Bà cụ thở dài vỗ nhẹ lưng đứa chắt, đôi mắt lộ vẻ mệt mỏi.
“Bác! Cháu cũng có chút thuật bói toán, theo cháu thấy thì đứa trẻ này hay khóc là do cái tên không thích hợp.” Người đàn ông cười khẽ, đưa tay đỡ lấy đứa bé trong lòng bà cụ, đôi đồng tử màu vàng kim tỏa ra những tia lấp lánh: “Từ hôm nay trở đi cháu sẽ mang tên Man Man nhé? Cười lên nào, Tiểu Man Man!”.
“Hi hi… Hi hi…” Điều kỳ diệu bỗng nhiên xuất hiện, cùng với lời dỗ dành của người đàn ông, đứa trẻ quả nhiên ngừng khóc, thậm chí còn cất tiếng cười vui vẻ.
“Cậu là thần tiên giáng trần sao?” Kinh ngạc nhìn mọi việc trước mắt, bà lão bàng hoàng đón lấy đứa chắt: “Man Man à! Nghe hay lắm, từ nay tên con sẽ là Lăng Man Man”.
Năm lần bảy lượt cảm ơn người đàn ông áo xanh, bà cụ vui mừng xuống núi, chỉ thoáng chốc đã chẳng thấy bóng dáng đâu nữa.
“Ha ha… Lăng Man Man ư? Thật thú vị!” Nhàn nhã quay lưng, đôi mắt lạnh lùng của người đàn ông lúc này đã không còn nét cười nào nữa: “Nếu nhà họ có Sơn Hải kinh[1], chắc đã biết Man Man còn có cái ý nghĩa khác: Đôi dực điểu”…
[1] Sơn Hải kinh là cổ tịch thời Tiên Tần của Trung Quốc, chủ yếu mô tả về các thần thoại, địa lý, động vật, thực vật, khoáng sản, vu thuật, tôn giáo, cổ sử, y dược, tập tục, dân tộc thời kỳ cổ đại.