Sau khi tiến vào ngã rẽ, bọn họ lại đi tiếp thêm một canh giờ nữa mới đến nơi từng là chiến trường năm xưa, giờ đã thành bãi tha ma.
Có vài gia nhân của phủ tướng quân được cắt cử canh gác ở chỗ này từ trước, chỉ đáng tiếc là bọn họ chờ mòn mỏi mấy ngày trời cũng không phát hiện được gì.
Lúc Phương Bắc Minh nghe Đổng Tú Anh kể lại sự việc đã nói cho bà biết người bình thường không thể nhìn thấy quỷ.
Những người gặp được sương mù và ngựa trắng khi đi ngang bãi tha ma hoặc là đang mắc bệnh tật gì đó không khỏe trong người, hoặc là bản thân người đó vốn thiếu dương khí, thân thể vốn yếu ớt nên mới dễ gặp phải quỷ.
Mà Đổng Tú Anh chinh chiến nhiều năm, sát khí quanh thân rất mạnh, gia nhân trong phủ cũng vậy, ít nhiều gì cũng dính phải sát khi trên người bà, cho nên tuy rằng trên lý thuyết họ cũng có thể gặp quỷ, tùy vào tình trạng thân thể của mỗi người, nhưng những quỷ hồn thực lực yếu nói chung không dám làm gì họ.
Vừa xuống xe ngựa, Cố Cửu đã bị một trận gió âm u thổi trúng ớn lạnh đến mức run lập cập, vội chạy lên trước hai bước đuổi theo Thiệu Dật, dày mặt bám theo sau lưng sư huynh.
Vào thời cổ đại, nếu giữa hai nước xảy ra chiến tranh thì sau khi kết thúc bên thắng sẽ là bên dọn dẹp chiến trường để phòng ngừa dịch bệnh xảy ra.
Thi thể binh lính của nước mình thì đem về mai táng còn thi thể binh lính của phe đối địch đều hỏa thiêu rồi vùi tro xương xuống đất ngay tại chỗ.
Bãi tha ma này cũng không ngoại lệ, nước Hạ cũng dùng cách thức đó để xử lý chiến trường nơi này.
Vài thập niên qua đi, địa hình dần dần bị phong hóa theo thời gian, xương trắng chồng chất chôn sâu phía dưới lòng đất cũng trồi lên theo, bị chó hoang mèo hoang tha đi lung tung cả.
Trong mắt Cố Cửu, bãi tha ma này chẳng khác gì bãi rác, quần áo rách nát, vài mảnh chiếu manh đầy rẫy, rải rác khắp nơi.
Cứ đi vài bước thì nghe có tiếng cùm cụp dưới chân, nhìn xuống mới thấy là không cẩn thận giẫm phải mấy khúc xương người.
Những bụi cỏ thỉnh thoảng lại rung rinh từng hồi, là do chuột hay những thứ ma quái ẩn nấp trong đó bị động đến.
Thậm chí Cố Cửu còn phát hiện ra vài thi thể đang phân hủy.
May mà hiện giờ đang là mùa đông, nếu không mùi bốc lên ở chỗ này thế nào thật không dám tưởng tượng.
Cố Cửu bước thấp bước cao đi theo sau Thiệu Dật.
Nhóc nhìn bốn phía xung quanh thì thấy vô cùng sạch sẽ, chẳng hề có một tàn hồn nào xuất hiện.
Thoạt tiên nghe vậy thì thấy thật bình thường, nhưng thực ra đó mới chính là điểm bất bình thường nhất.
Chỗ này như một cái nghĩa địa khổng lồ lộ thiên, lẽ ra cô hồn dã quỷ phải rất nhiều mới đúng.
Phương Bắc Minh cầm la bàn dò xét xung quanh một lúc lâu không phát hiện điều gì kì lạ.
Y thu la bàn lại, nói: “Xem ra vẫn là hai ngày nữa chờ giờ Dậu đến xem mới biết được.”
Theo tính toán của Phương Bắc Minh giờ Dậu hai ngày nữa là lúc vòng lặp số bảy bắt đầu lượt tiếp theo, muốn xác nhận suy luận này thì hai ngày sau lại đến kiểm tra là được.
Ba người trở lại phủ tướng quân báo cho Đổng Tú Anh một tiếng, hai ngày tới họ sẽ tiếp tục ở lại phủ.
Buổi tối, sau khi ăn cơm xong, Cố Cửu học bài rồi về phòng mình tắm rửa sạch sẽ.
Thời gian trôi đi lững lờ, cửa phòng Thiệu Dật bị gõ vang lần nữa: “Sư huynh.”
Thiệu Dật cũng vừa mới tắm xong, khuôn mặt còn đỏ bừng vì hơi nóng, bước ra mở cửa.
Dáng vẻ cậu lúc này có vẻ ôn hòa hơn mọi khi một chút, làm lá gan của Cố Cửu cũng mập ra.
Thiệu Dật nhìn Cố Cửu ôm theo cái gối nằm trong tay, hỏi: “Cậu lại muốn gì nữa?”
Cố Cửu vo tròn bóp dẹt cái gối mềm trong tay mình, cúi đầu một chút rồi nhích tới cọ cọ bên người Thiệu Dật: “Sư huynh, đệ lạnh quá, ngủ không được.”
“Cậu là ăn vạ thì có.” Thiệu Dật nhăn mặt.
Cố Cửu không phản bác lời đó, chính nhóc cũng đâu có muốn thể chất mình kì cục như vậy đâu.
Giữa hè tháng bảy nắng như đổ lửa mà nhóc vẫn rét run đến mức không ngủ được chứ đừng nói đến lúc này đang là mùa đông lạnh lẽo.
Nhóc tiu nghỉu cúi đầu, tay cứ vô thức cấu véo cái gối, vẫn bướng bỉnh đứng ngay cửa không chịu đi.
Dáng vẻ này muốn bao nhiêu đáng thương thì có bấy nhiêu đáng thương.
Tiểu Đệ đang ngồi xổm bên chân Cố Cửu thấy vậy thì cọ vào chân nhóc, rên meo meo an ủi, sau đó lại sốt ruột cho nhóc con của mình, tức giận gầm gừ với Thiệu Dật.
Cố Cửu đếm nhẩm trong lòng, đếm một lèo đến chín thì rốt cuộc trên đầu vang lên giọng nói hầm hừ của Thiệu Dật, cuối cùng cậu đành phải bó tay thỏa hiệp với Cố Cửu: “Vào đi vào đi, đừng có đứng như tượng ngoài đó, cho cậu ngủ với tôi xem như là trả công mấy bữa thịt nướng cho cậu.”
“Cảm ơn sư huynh.” Cố Cửu thẹn thùng nói lời cảm tạ, trong lòng lại nghĩ một nẻo khác, chỉ cần được ngủ ngon thì sao cũng được hết, ai để ý huynh trả cái gì.
Tiểu Đệ một lần nữa nhảy lên nằm phía cuối giường, lại bắt đầu trình diễn màn kéo co “mi đi xuống”, “ta không đi” với Thiệu Dật.
Lúc trời vừa hửng sáng Cố Cửu bị Thiệu Dật đánh thức, lôi ra khỏi chăn xách đi luyện kiếm.
Thiệu Dật quăng cho nhóc một cây kiếm gỗ, bắt đầu dạy từ những cái căn bản nhất.
Cố Cửu đàng hoàng nghiêm túc học với sư huynh mình nửa canh giờ, học xong cả cánh tay nhức đến nỗi không nhấc lên nổi, lúc ăn sáng gắp đồ ăn mà tay cứ run run.
Phương Bắc Minh thấy vậy cười nói: “Lát nữa phải ra ngoài mua đồ, Tiểu Cửu còn muốn đi theo không?”
Dĩ nhiên là Cố Cửu rất muốn đi rồi, nhưng Thiệu Dật lại quăng cho nhóc một ánh mắt sắc lẻm: “Cậu ta còn một trăm chữ viết sai phải chép lại.”
Cố Cửu lập tức ỉu xìu, chữ viết ở nước Hạ rất nhiều, kết cấu lại phức tạp, nhất là câu chữ dùng trong huyền thuật.
Nhiều chữ khó đến mức Cố Cửu vừa học ngày hôm trước sang hôm sau đã quên mất tiêu.
Thiệu Dật là một ông thầy khó tính, được rồi, nếu một lần không nhớ thì một trăm lần sẽ nhớ, mà điều đáng sợ nhất là cậu sẽ kiểm tra lại tất cả những gì Cố Cửu viết.
Vì thế cho nên ăn sáng xong, Phương Bắc Minh và Thiệu Dật cầm theo túi tiền Đổng Tú Anh đưa đi ra ngoài.
Cố Cửu và Tiểu Đệ ở lại phủ, thảm thương ngồi chép bài trong phòng.
Viết xong một trăm lần, Cố Cửu sắp xếp bài chép lại thật ngay ngắn để ở một bên chờ Thiệu Dật về kiểm tra.
Bỗng nhiên Cố Cửu nghe thấy tiếng Tiểu Đệ kêu la tức giận.
Nhóc vừa mới nhìn sang thì Tiểu Đệ đã vọt đi đằng nào không biết, thế là nhóc ba chân bốn cẳng chạy ra ngoài xem.
Cố Cửu đi tìm một vòng mà vẫn không thấy bóng dáng Tiểu Đệ đâu.
Nhóc bước ra sân, lần theo âm thanh thì thấy Tiểu Đệ đang đứng trên nóc nhà, mặt đối mặt gầm ghè với một con mèo trắng.
Thì ra là tranh giành địa bàn.
Cố Cửu đi vòng vèo qua mấy cái lối mòn mới tới được chỗ Tiểu Đệ đang đứng, nhóc trầm giọng nói: “Tiểu Đệ, đi xuống.” Con mèo trắng kia trông rất sạch sẽ tinh tươm, rất có thể là mèo nuôi trong phủ tướng quân.
Tiểu Đệ là mèo đen, là giống mèo người ta thường hay kiêng kị xa lánh, vì vậy Cố Cửu thấy nó như vậy liền lo rằng nó sẽ làm người trong phủ phật ý.
Tiểu Đệ lắc lắc cái đuôi cụt của nó, quay đầu lại nhìn Cố Cửu một cái, hết sức miễn cưỡng mà men theo bờ tường nhảy xuống.
Cố Cửu nhẹ nhàng gõ gõ trán nó: “Đây là nhà của người ta, không được chạy lung tung biết không?”
Tiểu Đệ nằm yên trong ngực của nhóc ngoan ngoãn mà meo một tiếng đáp lời.
Cố Cửu ôm Tiểu Đệ quay về, đang trên đường về thì tình cờ gặp Đổng Tú Anh được người hầu đẩy sang bên này, trên đầu gối của bà đặt một cái rổ.
Cố Cửu vội vàng đứng lại chào hỏi.
“Chào tướng quân ạ.”
Đổng Tú Anh gật đầu cười nói: “Tiểu đạo trưởng không đi ra ngoài cùng sư phụ và sư huynh sao?”
Cố Cửu ngại ngùng cười nói: “Hôm qua con viết bài sai nên hôm nay phải ở nhà chép lại.”
Đổng Tú Anh: “Thế đã viết xong chưa?”
Cố Cửu trả lời: “Đã xong rồi ạ.”
Đổng Tú Anh lại nói: “Vậy tiểu đạo trưởng có muốn đi xem Bạch Tuyết không?”
“Bạch Tuyết?” Cố Cửu ngẩn người một lát rồi mới kịp phản ứng lại, là mộ phần của Bạch Tuyết.
Nhóc không từ chối, gật đầu: “Dạ muốn.”
Bạch Tuyết được chôn ở tiểu viện mà Đổng Tú Anh đang sống.
Bà đặt chiếc rổ trên đầu gối xuống trước mộ phần, trong rổ đựng cỏ mà Bạch Tuyết từng thích ăn nhất.
Bà nói: “Lúc trước khi nó vừa được tặng cho ta thì chỉ mới là một con ngựa non vừa sinh ra không bao lâu, còn ta cũng chỉ là một đứa bé gái sáu tuổi.
Chớp mắt một cái nay Bạch Tuyết đã bỏ ta đi được năm mươi năm, ta thì đã trở thành một bà già từ lâu.”
Cố Cửu không biết phải nói gì, nhóc cũng hiểu rõ thật ra Đổng Tú Anh chỉ cần một người lắng nghe mà thôi.
Hiển nhiên là bà cũng sẽ không cảm thấy kể chuyện ngày xưa cho một đứa nhỏ mới tám tuổi là một việc kì quặc.
Nhà họ Đổng nhiều đời phò vua.
Con trai họ Đổng từ khi chập chững biết đi đã chơi đùa cùng đao thương côn gậy, rèn luyện thân thể và năng lực, mai sau lên đường bảo vệ biên cương.
Đổng Tú Anh có ba người anh trai, nhưng bà là con gái nên khi còn bé bà không hiểu được nỗi niềm chua xót của các anh khi phải xếp gia đình người thân ra phía sau, chẳng mấy khi được về nhà sum họp đoàn tụ.
Bà chỉ biết sùng bái vẻ oai phong lẫm liệt khi cưỡi ngựa dùng đao luyện thương của họ.
Từ lúc còn là một bé gái, bà đã dõng dạc bày tỏ nguyện vọng của mình, tương lai phải giống như các anh, uy phong đường đường mà cưỡi ngựa ra chiến trận.
Vào năm Đổng Tú Anh lên sáu, cha của bà và ba người anh trai từ quân doanh gấp gáp trở vể để mừng sinh nhật bà, mỗi người đều có chuẩn bị quà sinh nhật tặng cho con, em của mình.
Tam ca tặng một bộ yên ngựa, nhị ca tặng một cái roi ngựa, đại ca tặng một cây trường thương, còn cha bà tặng một con ngựa con, đó chính là Bạch Tuyết.
Khi đó, đối với Đổng Tú Anh, Bạch Tuyết là chú ngựa trắng xinh đẹp nhất, bà vô cùng yêu quý nó.
Thế sự vô thường, chỉ hai năm sau, năm Đổng Tú Anh tám tuổi, nước Hạ có nội loạn, giậu đổ bìm leo, biên cảnh bị nước khác lăm le xâm phạm.
Nước Hạ lúc ấy chìm trong dầu sôi lửa bỏng, vô cùng nguy ngập.
Cha của bà bị quân địch phục kích trọng thương bỏ mình, các anh trai bà phải thay thế vị trí của cha, ra trận nghênh địch.
Cũng từ lúc đó, Đổng Tú Anh không còn sùng bái tư thế oai hùng của họ nữa, bởi vì mỗi lần họ giục ngựa ra đi đều mang theo nét tang thương, hình ảnh của họ bị bao phủ bởi bóng ma chết chóc và nỗi khổ biệt ly.
Những ngày tháng tiếp theo, Bạch Tuyết trở thành người bạn tri kỉ bà gửi gắm niềm nhung nhớ người cha đã qua đời và nỗi lo lắng cho các anh trai đang chinh chiến phương xa.
Năm Đổng Tú Anh vừa tròn mười bốn, ba người anh trai của bà lần lượt bỏ mình trên chiến trường.
Mẹ bà không vượt qua nổi cú sốc này, cũng sớm buông tay lìa xa nhân thế, để lại một thiếu nữ mồ côi là bà.
Cuối cùng, Đổng Tú Anh rũ bỏ nét thơ ngây năm nào, khoác lên chiến giáp nặng nề, cầm lấy trường thương cứng rắn, đeo trên lưng mối thù sâu như biển rộng, giục ngựa ra chiến trường.
Đổng Tú Anh lên chiến trường, cùng Bạch Tuyết kề vai sát cánh đi qua bao trận chiến lớn nhỏ, là Bạch Tuyết mang bà xông pha đột phá vòng vây, mỗi lần trở về trên người bà đâu đâu cũng là vết thương lớn nhỏ, Bạch Tuyết cũng thường cả người đầy máu.
Lúc đó, Bạch Tuyết là người thân duy nhất còn lại trên đời của bà, hai người nương tựa nhau mà sống.
Kể đến đây, Đổng Tú Anh hoàn hồn, bước ra khỏi hồi ức xưa cũ, nhìn thấy Cố Cửu nhỏ bé đứng bên cạnh, bà nói: “Tiểu đạo trưởng, có phải cậu rất thắc mắc tại sao già cứ nhìn chằm chằm vào cậu suốt không?”
Đúng là Cố Cửu cảm thấy khó hiểu, lúc nào Đổng Tú Anh nhìn vào cậu cũng như đang nhớ lại một kí ức xa xôi nào đó.
Không chờ Cố Cửu trả lời, Đổng Tú Anh đã truyền gia nhân lấy ra một bức họa, sau đó mở ra cho Cố Cửu xem.
Bức tranh vẽ một hồ sen, bên cạnh hồ sen có một cây liễu rủ, dưới gốc cây liễu là một tiểu đạo đồng cầm cỏ ngựa trong tay đút cho con ngựa trắng đang cúi đầu ăn cỏ.
Cố Cửu nhìn tiểu đạo đồng trong bức họa: “Đây là ai ạ?”
Đổng Tú Anh cười nói: “Đây là ta khi còn nhỏ mặc đồ nam, có phải rất giống cậu không?”
Cố Cửu gật đầu, thật sự rất giống, hẳn là bức tranh này thường xuyên được Đổng Tú Anh lần giở ra ngắm nghía.
Bà không lạ gì trang phục đạo đồng của mình khi còn nhỏ, nhưng dù sao đó cũng chỉ là một bức tranh vẽ, cho nên lúc bà nhìn thấy cậu mới chợt nảy sinh cảm xúc phức tạp như vậy.
Đổng Tú Anh cuộn bức họa lại, đưa cho Cố Cửu rồi nói: “Sư phụ của cậu nói với ta là cần một đồ vật vừa có hơi thở của ta vừa mang theo nỗi nhớ da diết đối với Bạch Tuyết.
Hiện giờ bên mình ta chỉ còn lại một bức họa duy nhất này.
Mong tiểu đạo trưởng giúp ta chuyển cho sư phụ của cậu nhé.”.