Linh Phi Kinh

Chương 6

Người đàn ông áo xanh này chính là đảo vương Vân Hư. Nhạc Chi Dương lòng thầm kêu khổ, bực bội liếc xéo Giang Tiểu Lưu, nghĩ bụng nếu không phải vì tên tiểu tử nhà ngươi lôi ra đề tài như vậy thì ta đâu có mang viện Quần Phương và điện Long Ngâm ra so sánh với nhau; giờ thì hay ho rồi, vừa gia nhập Đông Đảo thì đã chọc giận đảo vương, ngày tháng sau này e rằng chẳng còn suôn sẻ nữa.

Chợt nghe hai tiếng vỗ bôm bốp vang lên, đại điện trở nên im phăng phắc. Vân Hư quét mắt nhìn khắp mọi người, cao giọng nói:
- Chuyến tu luyện tại Trung Thổ lần này của các đệ tử gặt hái được nhiều kết quả, chí phục quốc càng được củng cố thêm. Sau đại hội, mỗi người viết một bài luận "Phục quốc", bổn vương sẽ đích thân xem qua. Còn về phần ba vị tôn chủ đã dấn thân vào sâu trong hang hùm, chạm trán với tên gian tặc Lãnh Huyền nọ...

Trong điện khẽ xôn xao, Nhạc Chi Dương nhớ đến trận chiến ở Tiên Nguyệt Ký, trong lòng rối ren cảm xúc, nhớ lại thật nhiều câu chuyện.

- Ba vị tôn chủ vốn có cơ hội kết liễu tên giặc già ấy, tiếc là có kẻ khác ngăn cản nên chưa thể kết thúc được y. Nhưng cũng không sao, một khi bổn vương luyện xong thần công, nhất định sẽ đến Kim Lăng để lấy cái đầu chó của y trước tiên.

Vân Hư nói đến đây khẽ ngừng lại, quét mắt khắp một lượt:
- Lần này ba vị tôn chủ dẫn về không ít người mới, khuếch trương thanh thế của đảo ta. Hôm nay ta sẽ phân dòng cho bọn họ, mong bốn vị tôn chủ chuyên tâm dạy dỗ để ngày sau dùng vào việc phục quốc.

Ông giơ tay ra, Thi Nam Đình liền dâng lên bản danh sách. Vân Hư mở ra đọc:
- Đỗ Chu!

Một tên đồng tử tóc để chỏm bước lên phía trước quỳ xuống, Vân Hư thấy y mặt mày lanh lợi, mắt mũi tinh anh, gương mặt nghiêm túc của ông lộ ra ý cười, khẽ phẩy tay lên. Đỗ Chu chỉ cảm thấy một cơn gió nhẹ lướt thoảng qua người liền nhỏm người dậy.

- Hoa Miên - Vân Hư nghiêng đầu gọi: - Thằng bé này có chút linh khí, ta cho nó theo cô nhé?

Một người phụ nữ trong bộ phẩm phục đỏ bước ra, tuổi áng chừng ba mươi, phong tư xinh đẹp lạnh lùng, đôi mày mảnh mai như nhành liễu, mỗi một cử động đều khiến cho người ta cảm nhận được sự ung dung, trầm tĩnh.

Hoa Miên liếc mắt quan sát Đỗ Chu, đoạn mỉm cười:
- Đảo vương có đôi mắt thật tinh tường, đứa bé này ta xin nhận.

Thi Nam Đình vuốt râu bảo:
- Chúc mừng Hoa tôn chủ, dòng Quy Kính lại có thêm một đấng anh tài.

- Khoan hãy tâng bốc - Hoa Miên lườm y nửa đùa nửa thật: - Ai mà biết được lỡ ba vị còn giấu những nhân vật xuất chúng ở đằng sau thì sao?

Thi Nam Đình bật cười:
- Nào dám, Quy Kính của Hoa tôn chủ thần thông, nhìn thoáng là biết ngay.

Hoa Miên mỉm cười, dẫn Đỗ Chu lui về sau. Vân Hư đọc tiếp:
- Lô Sầu!

Một gã thiếu niên độ mười sáu mười bảy bước lên phía trước, dáng gầy loắt choắt, mi dài mắt hí. Vân Hư không thèm ngẩng lên đã phán luôn:
- Ngươi sang dòng Thiên Lưu đi.

Lô Sầu nhìn trái ngó phải, thấy Thi Nam Đình ngoắc ngoắc tay bèn lật đật chạy đến.

Gọi lần lượt năm người, Vân Hư chợt đọc tên:
- Giang Tiểu Lưu!

Giang Tiểu Lưu nghe tiếng giật bắn, run rẩy bước ra khỏi hàng. Hắn ở phố chợ phá làng phá xóm thì giỏi chứ đến những chốn trang nghiêm thì luôn có cảm giác thiếu tự tin thế nào đó.

Vân Hư liếc mắt nhìn hắn, quay sang nhìn Dương Phong Lai. Dương Phong Lai vội bảo:
- Không liên quan đến ta, thu nhận thằng nhóc này là ý của Minh Đấu.

Minh Đấu chửi lầu bầu trong bụng, vội giãi bày:
- Thằng nhóc này căn cốt tầm thường nhưng tính tình cũng có điểm nhanh nhạy.

- Được rồi! - Vân Hư lạnh lùng nói: - Đã do ngươi chiêu mộ thì ta phân nó vào dòng Kình Tức là ổn thỏa.

Minh Đấu thầm kêu đen đủi nhưng cũng không tiện chối từ, đành cười khổ chấp nhận.

- Nhạc Chi Dương! - Vân Hư lại gọi tên, Nhạc Chi Dương theo tiếng rời khỏi hàng. Vân Hư liếc gã, gật gù: - Ngươi là Nhạc Chi Dương à? Nghe đâu ở trên thuyền ngươi có kể một câu chuyện hay ho lắm, nếu không ngại có thể nói ra cho mọi người ở đây biết được không?

Nhạc Chi Dương sững người, đưa mắt nhìn qua, Vân Thường cũng đang trừng mắt lườm lại gã, khóe miệng nở ra một nụ cười lạnh.

“Thằng khỉ gió, dám mách lẻo kể xấu ta à?” Nhạc Chi Dương tin chắc là do Vân Thường ngầm bẩm báo, gã ngẫm nghĩ một lúc rồi cười bảo:
- Chuyện cười ấy ta kể xong thì quên mất tiêu rồi. Chắc là Vân sư huynh còn nhớ, để huynh ấy thuật lại cũng tương tự thôi.

Vân Thường nổi xung thiên, đang định mở miệng phản bác chợt nghe Vân Hư nói:
- Nhạc Chi Dương, xem bộ dáng của ngươi có lẽ không hợp đạo với chúng ta, để ngươi làm đệ tử Đông Đảo quả là vùi dập nhân tài lắm .

Nhạc Chi Dương đờ người, lồng ngực thoảng niềm chua xót. Lòng kiêu hãnh bốc cao, gã buột miệng cười:
- Được, đảo vương đã chướng mắt ta, ta đi là được chứ gì!

Giang Tiểu Lưu nghe thấy lời này thì hoảng hồn, nghĩ thầm: “Ngươi đi rồi, ta còn ở lại đây làm gì?” Hắn còn chưa kịp lách người bước ra thì nghe Vân Hư bảo:
- Vậy cũng không được, Đông Đảo là chỗ nào chứ, muốn đến là đến muốn đi là đi sao? Đã đến đây rồi, không thành đệ tử thì phải làm đầy tớ trên đảo, nếu chưa có sự cho phép của bổn vương, cả đời này không được rời đảo nửa bước.

Nhạc Chi Dương nghe xong câu nói này chỉ cảm thấy hai mắt tối sầm, đầu óc lộn tùng phèo cả lên, sớm biết như vầy thì đã không đến Đông Đảo, để giờ bị quản thúc tại nơi đây thì có khác gì phạm nhân đâu chứ.

Trong lòng gã nhốn nháo dậy sóng, hối hận đan xen giận dữ. Minh Đấu thấy gã đứng chết trân ra đó thì sung sướng vô cùng, hắn cao giọng:
- Nghe thấy rồi chứ? Thằng nhóc thối tha, còn không mau cút xéo.

Nhạc Chi Dương lặng lẽ lui xuống, hai mắt chằm chằm ngó xuống đất, lòng rối như tơ vò, lời của mọi người đằng sau lưng đến quá nửa không lọt vào lỗ tai gã.

- Tô nhi! - Vân Hư lại gọi tên, Diệp Linh Tô chầm chậm tiến lên trước, cúi người hành lễ.

- Con đã biết tội chưa? - Ánh mắt nghiêm nghị của Vân Hư chiếu rọi lên khuôn mặt thiếu nữ.

Diệp Linh Tô thắc mắc:
- Đồ nhi không rõ sư phụ nói đây là chuyện gì?

- Còn dám xảo biện! - Vân Hư bực bội hừ một tiếng: - Con dùng Dạ Vũ Thần Châm đả thương Dương Cảnh, có chuyện này không?

Đám đệ tử ra ngoài tu luyện vừa trở về đảo không lâu nên rất nhiều người vẫn chưa biết đến việc này, nghe thấy lời như vậy ai nấy đều xôn xao bàn tán. Vân Hư nhướng mày, đảo mắt khắp xung quanh, mọi người lập tức im bặt, cả thở mạnh cũng không dám.

- Không ạ! - Diệp Linh Tô trầm ngâm một thoáng rồi lên tiếng: - Đồ nhi không hề phát châm!

- Vậy sao con lại thừa nhận với Minh tôn chủ rằng mình là người phát châm đả thương Dương Cảnh?

- Minh tôn chủ nhất định quả quyết là do con làm, đồ nhi không thèm tranh biện với ông ta, nhưng nay sư tôn hỏi đến, con không thể không nói ra sự thật.

Diệp Linh Tô vừa nói vừa nhìn sang Minh Đấu, lão ta mặt mày sừng sộ, giận đến rung mình rung mẩy.

Vân Hư vuốt râu nói:
- Thế nhưng trên thuyền khi ấy ngoài con ra, còn ai học được Dạ Vũ Thần Châm chứ?

- Con không biết. - Diệp Linh Tô thoáng quay lại, ánh mắt chả biết vô tình hay cố ý lướt qua Nhạc Chi Dương.

Nhạc Chi Dương như người vừa tỉnh mộng, nhíu mày muốn nói gì đó lại thôi, chợt nghe Hoa Miên lên tiếng:
- Tô nhi, con đang nói dối?

Diệp Linh Tô đáp:
- Con không nói dối.

- Con bé này cứng đầu quá. - Hoa Miên lườm cô, mỉm cười: - Nếu không nói dối, sao con lại phải tránh né Quy Kính của ta?

Thuật Quy Kính của Hoa Miên vốn lấy từ "Tam Kính Tam Thức" của cao thủ tiền bối Đông Đảo là "Cùng Nho" Công Dương Vũ, lúc đối địch có thể đoán trước tiên cơ, luyện đến một mức nhất định thậm chí còn có thể soi tỏ lòng người, đoán được tâm ý của đối phương. Hoa Miên chính là hảo thủ trong bộ môn này, bà nhìn ra Diệp Linh Tô nghĩ một đằng nói một nẻo, cố ý dùng thuật Quy Kính để thăm dò, nào ngờ Diệp Linh Tô đã có đề phòng, tìm đủ mọi cách dịch chuyển tinh thần hòng tránh khỏi thần thông của bà.

- Tô nhi! - Hoa Miên mềm mỏng nói: - Con nhất định biết được kẻ nào đả thương Dương Cảnh, chỉ cần con nói rõ ra, đảo vương nhất định sẽ không trách phạt con đâu.

Vừa nói bà vừa liên tục nháy mắt ra hiệu với Diệp Linh Tô.

Diệp Linh Tô cúi đầu không nói năng gì. Nhạc Chi Dương ngắm nhìn bóng dáng của cô, máu nóng trong ngực sôi lên sùng sục, hận không thể đẩy cô ra mà dõng dạc thừa nhận mọi chuyện.

- Không! - Diệp Linh Tô chợt thốt lên: - Đồ nhi không biết ạ!

Nhạc Chi Dương kinh ngạc, không nhịn được hô lên:
- Khoan đã.

Vân Hư nhướng mày, chăm chú dõi nhìn gã. Nhạc Chi Dương bước ra khỏi hàng, lớn tiếng nói:
- Dương Cảnh là do ta đả thương, không liên quan tới Diệp cô nương.

Mọi người thảy đều đưa mắt nhìn nhau, Minh Đấu giận dữ:
- Nhạc Chi Dương, ngươi thật láo xược, đảo vương đang phân xử đệ tử sao ngươi dám phá rối? Hừ, Dạ Vũ Thần Châm à, chỉ sợ là ngươi còn chưa từng trông thấy!

- Ai nói là ta chưa từng trông thấy? - Nhạc Chi Dương mỉm cười: - Cây kim châm ấy là ta nhặt được!

- Nhặt được? - Vân Hư trầm giọng hỏi: - Đầu đuôi thế nào?

- Là thế này... - Nhạc Chi Dương vừa ngẫm nghĩ vừa kể: - Khuya hôm ấy, ta đang ở đuôi thuyền ngắm biển thì chợt nghe âm thanh líu chíu vang lên, quay đầu lại xem, trên bầu trời lấp lấp lóa lóa giống như một màn mưa vàng, à không, một con rồng vàng bay xẹt qua.

- Ừm! - Vân Hư nghe gã miêu tả liền gật đầu xác nhận: - Đó là "Thiên Tinh Điểm Long"!

Nhạc Chi Dương từng thấy qua thủ đoạn của Trương Thiên Ý nên tiện miệng thuật lại, nào ngờ một lời trúng đích, vô tình tả đúng chiêu số trong châm pháp, gã vội đế thêm:
- Không sai, Thiên Tinh Điểm Long, đúng là ta có ý như vậy.

Vân Hư hừ một tiếng lại hỏi:
- Sau đó thế nào?

Nhạc Chi Dương phấn chấn tinh thần, liền kể tiếp:
- Ta lấy làm lạ bèn len lén bước lên xem, phát hiện Diệp cô nương đang tiến đến gần cột buồm, nhổ từng cây kim châm trên đó rồi chầm chậm bỏ đi. Ta đợi cổ đi thật xa mới chạy lại gần xem xét, phát hiện trên cột buồm chi chít đầy lỗ kim, còn đang ngạc nhiên thì bỗng thấy ánh sáng phản chiếu, hóa ra trên đó còn sót một cây kim châm, chắc là do Diệp cô nương bỏ quên lại. Ta nổi lòng tò mò liền nhổ cây kim châm ấy ra, về sau lúc đánh nhau với Dương Cảnh, do y siết cổ ta, ta nóng lòng giữ mạng nên mới đâm cây kim châm ấy xuyên vào ngực y.

- Ăn nói hàm hồ! - Minh Đấu nổi giận: - Dựa vào ngươi mà cũng đòi đâm trúng Dương Cảnh à?

Nhạc Chi Dương mỉm cười, dường như không hề để ý, bảo:
- Đâm trúng Dương Cảnh chỉ là chuyện nhỏ như con thỏ, thử nghĩ xem, Diệp cô nương lấy sáo của ta, chẳng phải ta cũng đã đoạt về đấy sao?

Mọi người rì rầm bàn tán, liếc nhìn Nhạc Chi Dương với ánh mắt nghi ngờ. Vân Hư cũng nhíu chặt mày, trầm giọng hỏi:
- Tô nhi, lời này có thật hay không?

Diệp Linh Tô thở dài, khẽ xác nhận:
- Đồ nhi khinh địch, đã làm nhục sư môn rồi.

- Nếu không khinh địch thì sao? Con nắm bao nhiều phần thắng trong tay?

- Chắc chắn thắng! - Tuy rằng giọng nói Diệp Linh Tô hơi nhỏ nhưng ngữ khí lại hết sức quả quyết.

Thần sắc Vân Hư dịu lại, đánh mắt qua mọi người, trầm giọng nói:
- Mọi người nghe thấy rồi chứ? Đấy là trường hợp điển hình cho việc kiêu căng tất bại. Dương Cảnh là cao đồ của Minh lão đệ, Tô nhi cũng xem như là môn sinh đắc ý của ta, còn tên Nhạc Chi Dương này chẳng qua chỉ là một thằng lưu manh ven bến Tần Hoài. Hai bên giao thủ vốn chẳng có gì bất ngờ, thế nhưng kết quả người thua cuộc lại là hai hảo thủ võ học, thật là đáng buồn cười làm sao.

Mọi người nghe lời ông nói đều nhìn sang phía Nhạc Chi Dương, mặt mày ai cũng đeo sắc căm hận, chỉ nghe Vân Hư tiếp tục:
- Nhạc Chi Dương, ngươi làm trọng thương đệ tử bổn đảo, đáng lẽ phải nghiêm trị thật nặng, nhưng niệm tình ngươi vừa mới chân ướt chân ráo nên chỉ răn đe cảnh cáo, phạt ngươi đến động Lôi Âm diện bích mười ngày.

Nói đến đây, ông lại chuyển sang Diệp Linh Tô:
- Tô nhi, tuy con không có động thủ đả thương người khác nhưng lại biết chuyện mà không khai báo, xem thường bề trên, ta cũng phạt con diện bích mười ngày. Hừm, con có phục hay không?

Diệp Linh Tô nhẹ giọng thưa:
- Tô nhi tâm phục khẩu phục.

Hoa Miên liếc mắt nhìn cô, liên tục lắc đầu thở dài. Vân Hư không đợi cho bà kịp mở miệng xin xỏ liền phất tay hiên ngang bỏ đi.

Mọi người rộ lên giải tán. Nhạc Chi Dương thở phào ra một hơi, lúc này có hai tên đệ tử tiến đến, nói là phụng mệnh dẫn gã đi đến động Lôi Âm chịu phạt.

Nhạc Chi Dương đưa mắt nhìn ra xa, chỉ thấy Giang Tiểu Lưu đang bị Minh Đấu giục giã ra về, gã lập tức mặt ủ mày chau theo sau hai người nọ. Bước xuống một sân vẽ hình bát quái, ba người men theo một lối nhỏ ngoằn ngoèo khúc khuỷu, đi được nửa đường chợt nghe vang lên âm thanh lầm rầm kỳ lạ, chính là thứ âm thanh mà ban sáng gã từng nghe thấy, khi đó còn cách một khoảng rất xa, giờ đây ở sát một bên thật giống như sấm nổ lùng bùng trong tai.

Âm thanh kỳ lạ kia vang lên một lúc rồi chợt im bặt, chốc lát có cơn gió mát thổi lùa qua mặt hòa cùng tiếng chim ríu rít, bốn phía tĩnh mịch và xinh đẹp thật khó mà miêu tả. Ba người rẽ vào một khu rừng, trông thấy một hang động, trên bia đá phía bên cạnh có đề hai chữ "Lôi Âm"

Hoa Miên và Diệp Linh Tô đã đến trước một bước, hai người đang duyên dáng đứng trước cửa động. Hoa Miên mỉm cười:
- Chuyện đã đến nước này, hai con nên tự kiểm điểm lại mình cho tốt, mọi vật dụng thức ăn ta sẽ sai người mang đến. Chỗ này tiếp giáp với Phong Huyệt, giờ Dần buổi sáng và giờ Thân buổi chiều tiếng gió rất ồn. Tô nhi, tu vi của con chưa đủ, vào hai giờ đấy ngàn vạn lần không được ngồi thiền luyện công, tránh cảnh phân tán chân khí, tẩu hỏa nhập ma.

Diệp Linh Tô lặng lẽ gật đầu, ánh mắt đăm đăm hướng về một phía, trước sau không hề ngó đến Nhạc Chi Dương. Nhạc Chi Dương biết vì sao cô lại tức giận, nghĩ đến cảnh hai người phải cùng ở trong một hang động, gã không khỏi ủ rũ, chán nản, lại thầm sinh ra một tia day dứt trong tim.

Bên trong hang động hết sức rộng rãi, mỗi bên trái phải đều có ba gian phòng đá. Hoa Miên ra lệnh mở cửa hai buồng giam, bên trái nhốt Nhạc Chi Dương, bên phải chứa Diệp Linh Tô, cửa buồng hai phía đối diện nhau, Hoa Miên cười bảo:
- Mười ngày nói dài không dài, nói ngắn không ngắn, hai con nếu cảm thấy buồn chán có thể tán gẫu với nhau.

- Ai thèm tán gẫu với hắn chứ!

Diệp Linh Tô nói xong, quay ngoắt người bước vào buồng giam, sập cửa sắt lại đánh rầm.

Nhạc Chi Dương chán nản chui vào buồng giam, chỉ thấy vách đá ngả màu xanh rêu, dưới đất rải cỏ khô, nơi góc tường có một bô xí chạm sơn đỏ hoạch, trong phòng thoang thoảng bốc lên thứ mùi mốc meo, ẩm thấp.

Gã nằm dài trên lớp cỏ khô, nhớ lại những sự việc đã trải mấy ngày vừa qua thật giống như một giấc mộng hoàng lương(*), có buồn vui tan hợp, được rồi lại mất. Lúm đồng tiền của Chu Vi như thấp thoáng trước mắt, nét mặt của nghĩa phụ cũng thoắt ẩn thoắt hiện. Hai gương mặt cứ xuất hiện biến ảo luân phiên, Nhạc Chi Dương cố kềm nén nỗi sầu bi, hai hàng nước mắt lặng lẽ tuôn dài.
(ND chú: giấc mộng hoàng lương hay giấc mộng kê vàng, trong truyện “Chẩm Trung Ký” thời Đường, kể chuyện một chàng trai gặp một đạo sĩ trong một quán trọ. Đạo sĩ cho chàng trai một chiếc gối bảo ngủ đi. Bấy giờ chủ quán đang nấu một nồi cơm kê vàng, chàng trai nằm mộng thấy mình được làm quan, hưởng phú quý, nhưng khi tỉnh dậy, cơm kê vàng vẫn chưa chín, sau ví với sự vỡ mộng)

Rồi chẳng biết tự lúc nào cơn mỏi mệt ập đến, gã mơ màng thiếp đi mất một lúc, chợt nghe mấy tiếng cọc cạch vang lên, Nhạc Chi Dương dụi mắt ngước nhìn, chỉ thấy ô nhỏ trên cửa sắt hé mở, ai đó tuồn vào trong một giỏ thức ăn.

Gã từ sớm đến giờ chưa có gì lót dạ, bụng đang đói cồn cào, lập tức mở hộp giở cơm ra toan nếm, nhưng vừa đưa đến miệng chợt ngửi thấy một mùi thiu thiu, lại ngó sang đám canh thịt thì lại càng lợm mùi tanh ôi khó tả.

Nhạc Chi Dương nổi đóa, hét lên:
- Ê, tên mang cơm kia, thứ cơm nước này mà cũng có thể ăn được sao?

Ngoài cửa không ai trả lời, Nhạc Chi Dương lại gọi thêm tiếng nữa mới có một giọng lờ đờ đáp trả:
- Thích ăn thì ăn, không ăn cứ đổ bỏ, đại gia có hứng sẽ mang cho ngươi, mất hứng rồi thì ngươi cứ ở đó chờ chết đói đi!

Nhạc Chi Dương định mở miệng mắng trả nhưng nghĩ lại tên này có gan làm càn như vậy tất được ai đó chống lưng đằng sau, xem ra có kẻ bụng dạ xấu xa, cố tình đưa thức ăn ôi thiu đến để làm nhục mình. Nghĩ đến đây, gã vung chân đá sạch sẽ mâm bát ra ngoài.

- Có khí phách đấy!

Tên đưa cơm cười lạnh một tiếng, thu nhặt bát đĩa nứt vỡ rồi lộp cộp bỏ đi.

Nhạc Chi Dương càng nghĩ càng giận, nhắm thẳng cửa sắt mà khua đập cồm cộp, tiếng va chạm vang dội ầm ĩ trong hang động thế nhưng Diệp Linh Tô bên phía đối diện vẫn chẳng hề nói năng gì.

Đập cửa một hồi ê ẩm cả chân tay, Nhạc Chi Dương bất đắc dĩ phải ngồi phịch xuống, rút Không Bích ra thổi sáo giải sầu. Mới thổi được vài điệu, gió lớn ngoài Phong Huyệt lại trỗi lên ầm ầm như sấm, tiếng sáo lâm vào cảnh này hệt như một con thuyền lá lênh đênh giữa cơn sóng to gió lớn, qua mấy đợt ba đào dập vùi, thuyền lật người vong, mất tăm mất dạng.

Nhạc Chi Dương đành phải vứt sáo đi, rầu rĩ nằm xuống, mãi đến khi xế chiều lại nghe thấy tiếng bước chân vang lên, mùi hương thức ăn cũng theo đó lan tỏa đến.

Nhạc Chi Dương nhịn đói cả một ngày, ngửi thấy hương thơm bất giác trào nước bọt, bao tử kêu lên òng ọc. Gã thông qua khe cửa ngước nhìn ra bên ngoài, chỉ thấy ngoài động có đôi nam nữ trẻ tuổi đang đi đến, nam tử áo xanh, nữ tử áo trắng, mỗi người xách một giỏ đồ ăn. Cô gái áo trắng bước tới cánh cổng sắt đối diện, thả giỏ thức ăn xuống lôi ra nào là đùi gà, cá, tôm thịnh soạn vô cùng.

Nhạc Chi Dương trông thấy cảnh ấy thèm đến rỏ dãi, lúc này chàng trai áo xanh mới bước tới gần, ném giỏ thức ăn xuống đất, đá bộp một phát bay vào trong buồng giam.

Nhạc Chi Dương mở giỏ ra, một mùi tanh tưởi nồng nặc xộc vào mũi, trong bát canh dậy lên mùi nước tiểu ngây ngấy, vạch cơm trong bát ra, bên dưới còn ém sẵn hai cục phân chó.

Lần này Nhạc Chi Dương không còn hơi sức mà giận nữa, gã chỉ cảm thấy bó tay hết cách, nhủ thầm đối phương đã rắp tâm như thế thì có quậy lên cũng bằng thừa, tức thì không nói lời nào, trả giỏ thức ăn nguyên vẹn về chỗ cũ.

Chập chờn ngủ mãi mới sang đến hôm sau, hai người nam nữ nọ lại mang thức ăn đến, phần của Diệp Linh Tô càng lúc càng phong phú, hương thơm ngào ngạt khiến người ta ứa nước bọt. Phần của Nhạc Chi Dương thì lại thối không ngửi nổi, gã lập tức vứt giỏ thức ăn đi, vùi đầu muốn ngủ tiếp để quên đi cơn đói, nào ngờ mùi thơm của thịt cá phía đối diện thoang thoảng đưa tới khiến cho gã càng thêm cồn cào ruột gan, nước miếng nhễu ròng ròng. Bất đắc dĩ, gã đành phải tưởng tượng lại các loại mỹ vị trong đời đã từng nếm qua, thế nhưng càng nhớ lại càng đói, gã bèn ngồi dậy thổi lên "Chu Thiên Linh Phi Khúc" để giết thời gian. Chẳng dè thổi sáo cũng cần phải có khí lực, "Dương Minh Thanh Vị Chi Khúc" còn chưa thổi xong thì dạ dày đã sạch rỗng, tiếng sáo xen lẫn cùng âm thanh on ót nơi bụng phát ra hệt như đang hòa tấu cùng nhau, ngay cả luồng chân khí Linh Khúc cũng trở nên uể oải trì trệ, hệt như một con rắn vừa lột da, lờ đờ thiếu sức sống.

- Này! - Giọng nói của Diệp Linh Tô phát ra, hồi vọng trong không gian của thạch động: - Nhạc Chi Dương, ngươi thổi sáo cứ như khóc ấy, khó nghe như vậy thà ngồi yên tịnh dưỡng tinh thần chờ cơn đói tiếp theo còn hơn.

Nhạc Chi Dương giận đến nghiến răng, buông sáo xuống bảo:
- Đói thì đói, chẳng qua cũng chỉ là cơn đói thôi mà. Cô cũng chớ đắc ý vội, ta có chết thành ma đói thể nào cũng đến tìm cô.

- Ta thèm sợ nhà ngươi! - Diệp Linh Tô nguýt dài: - Loại người như ngươi, sống làm tiểu nhân, chết xuống cũng làm tiểu quỷ, ngoại trừ ba hoa khoác lác thì còn biết bản lĩnh gì nữa chứ!

- Nghe đồn ai bị ma đói nhập, người đó sẽ tự ăn chính bản thân mình. - Nhạc Chi Dương cố ý hạ thấp giọng, ra vẻ rùng rợn: - Lúc nó ăn, đầu tiên sẽ cạp ngón tay út, tiếp đến ngón áp út, rồi lại sang những ngón khác, lần lượt đến khi mười đầu ngón tay bị ăn sạch sẽ chỉ còn sót lại cùi tay trơ trọi. Mà ma đói khi ăn người không nhả xương ra đâu, nó cứ thế nhai sần sật rau ráu, giòn giã đến mức...

- Câm miệng! - Diệp Linh Tô hét vang ầm ĩ: - Nhạc Chi Dương, ngươi là đồ xạo sự, mấy lời của ngươi một chữ ta cũng không tin. Để ta xem xem nhà ngươi có thể chịu đói thêm mấy bận nữa, đến lúc đói mê đói sảng rồi chỉ sợ kẻ cạp ngón tay chính là ngươi á!

Nhạc Chi Dương đớ người thầm kêu khổ, nghĩ bụng chuyện sau khi chết vốn chỉ là hư cấu, còn thực tế hiện giờ cái người chịu đói chịu khát chính là bản thân mình. Biết đâu đến cái lúc "bụng đói vơ quàng" rồi thì cả ngón tay cũng ăn thật thì sao? Nghĩ đến đây, gã chỉ cảm thấy da đầu tê tê, tay chân trở nên lạnh cóng.

Đang ảo não, gã chợt nghe vèo một tiếng, có thứ gì đó bay xuyên qua khe nhỏ dưới cửa, rơi xuống đống cỏ khô. Nhạc Chi Dương chỉ sợ có gì nguy hiểm liền lách người tránh khỏi, thế nhưng căng mắt nhìn kỹ hóa ra trên đống cỏ lúc này là một cái đùi gà vàng rượm. Gã trước tiên kinh ngạc, sau lại rất đỗi nghi ngờ, la lên:
- Diệp Linh Tô, cô làm gì vậy?

Thiếu nữ lạnh lùng thốt:
- Cái đùi gà đó tốt nhất ngươi đừng ăn, cứ đợi chết đói nhăn răng đi là hơn.

Nói còn chưa dứt, Nhạc Chi Dương đã nhào đến chụp lấy đùi gà nhai ngấu nhai nghiến, gã ăn như kiểu quỷ đói đầu thai, còn chưa kịp nhận biết mùi vị thì cả cái đùi gà đã chui tọt vào trong bụng chỉ còn sót lại mẩu xương, Nhạc Chi Dương mút đi mút lại mẩu xương ấy mà vẫn cảm nhận được dư vị vô cùng.

Đột nhiên bóng trắng nháng lên, một cái đĩa sứ xuyên qua khe cửa, trên đĩa có bày một con cá điêu hấp vẫn còn nguyên vẹn, chưa ai động đến. Nhạc Chi Dương mừng rỡ quá sức, bưng lấy đĩa sứ hít lấy hít để, tấm tắc bảo:
- Cá ngon, cá ngon, tiếc là không có đũa.

Nói rồi, gã định giơ tay bốc, chợt nghe Diệp Linh Tô gắt:
- Ma háu ăn, ngươi không sợ bẩn à?

Vèo vèo hai tiếng, cô lại phóng đến hai cây đũa trúc. Nhạc Chi Dương cũng chẳng thèm khách sáo, nhặt lấy đũa mà thỏa sức ngốn ngấu, chỉ cảm thấy đây là món cá ngon nhất trong đời mình từng được thưởng thức.

Tiếp đó, Diệp Linh Tô hệt như trở thành một nhà ảo thuật, chốc thì đưa cơm, chốc lại chuyển canh. Nhạc Chi Dương đói suốt hai ngày đêm, cứ đưa đến là nhận, ăn đến long trời lở đất. Sau khi ăn xong gã mới nhớ ra lai lịch thức ăn, trong lòng cảm kích không ngớt bèn cất tiếng:
- Diệp cô nương, đại ân không lời nào cảm tạ hết, nếu không có cô thì ta đã bị bọn họ hại cho chết đói rồi.

Diệp Linh Tô trầm ngâm giây lát, khẽ giọng hỏi:
- Ngươi có biết là ai muốn ngươi chết không?

- Đối tượng tình nghi thì nhiều lắm. - Nhạc Chi Dương xòe từng ngón tay kể: - Dương Cảnh là đáng ngờ nhất này! Minh Đấu cũng không phải hạng người tốt. Vân Thường cũng là một nghi phạm đáng kể, ta từng đem y ra giễu cợt, người này bụng dạ hẹp hòi, rất có thể đã đi thọc mạch nói xấu...

- Im ngay! - Giọng điệu Diệp Linh Tô chất chứa cơn giận: - Đại sư huynh không phải hạng người như vậy, huynh ấy nếu có hận ngươi oán ngươi thì chỉ động thủ trước mặt, không bao giờ ngấm ngầm hại người.

Nhạc Chi Dương nghe thấy câu này, cảm thấy hết sức nhạt nhẽo, bảo:
- Nếu y không ngấm ngầm hại người, cớ sao lại tố cáo sai sự thật với cha cô?

Diệp Linh Tô ngạc nhiên:
- Huynh ấy tố cáo sai sự thật khi nào?

- Không phải y tố cáo, Vân Hư làm sao biết được ta từng kể câu chuyện cười đó?

- Lúc ấy bao nhiêu người nghe như vậy, ngươi dựa vào cớ gì chỉ nghi ngờ một mình huynh ấy?

Diệp Linh Tô đường hướng nào cũng muốn bào chữa cho Vân Thường, Nhạc Chi Dương sinh lòng ngờ vực, mỉm cười hỏi:
- Diệp cô nương, vị Vân đại sư huynh ấy là người trong lòng của cô à?

- Nhảm nhí! - Diệp Linh Tô giận dữ: - Nhạc Chi Dương, ngươi mà còn ăn nói lung tung, ta sẽ không để ý đến ngươi nữa, mặc kệ nhà ngươi chết đói chết khát luôn.

Anh hùng hảo hán chỉ ngán đói bụng, Nhạc Chi Dương nghe vậy đành tâng bốc:
- Được, được, Vân Thường huynh là thanh bạch trong trắng nhất, trắng còn hơn đám thỏ trên cung Hằng.

Diệp Linh Tô hừ lạnh:
- Ta thấy ngươi bằng miệng chẳng bằng lòng!

- Sao cô biết ta không bằng lòng, chẳng lẽ cô chui vào trỏng xem hay sao?

- Bụng dạ nhà ngươi sâu mọt thối nát, ta chẳng buồn xem làm gì.

Nhạc Chi Dương bật cười ha hả. Phía bên kia lặng im thoáng chốc, Diệp Linh Tô bỗng lên tiếng:
- Ngươi mang bát đĩa ra bên ngoài cửa đi, để người khác biết được ta giúp ngươi ăn uống như vậy nhất định sẽ sinh ra lời ong tiếng ve đấy.

- Lời ong tiếng ve thì đã sao, ta không quan tâm!

Diệp Linh Tô lạnh lùng nói:
- Ngươi là đàn ông, xấu hổ mất mặt cũng không vấn đề gì, nhưng lời ong tiếng ve truyền ra ngoài thì toàn làm hỏng danh tiết phụ nữ bọn ta.

Nhạc Chi Dương thở dài:
- Là ta sai!

Nói rồi gã thu dọn bát đĩa mang ra ngoài cửa, hỏi:
- Xa như vậy, làm sao cô lấy về được...

Lời còn chưa nói xong, từ trong buồng giam đối diện bỗng phóng ra một dải lụa trắng, dải lụa ràng quấn vào chiếc đĩa to rồi cuốn nó ngược trở lại, lực đạo vừa khéo, kéo giật cũng điệu nghệ, quả thật là khó bề tưởng tượng. Gã còn đang kinh ngạc, dải lụa trắng lại loằng ngoằng lướt ra, thu hồi nốt phần bát đũa còn sót lại.

Nhạc Chi Dương nhìn một lúc chợt vỗ tay cười:
- Ta biết rồi, đây là công phu của Dương Phong Lai.

- Í! - Diệp Linh Tô thoáng giật mình: - Ngươi trông thấy Dương tôn chủ ra tay rồi ư?

- Thấy rồi!

Nhạc Chi Dương bèn sống động thuật lại cuộc đánh nhau ở Tiên Nguyệt Kí. Diệp Linh Tô lặng im lắng nghe, thình lình cất tiếng hỏi:
- Lúc ấy, bên cạnh ngươi còn có ai khác ư?

- Bên cạnh ta? - Nhạc Chi Dương sững người: - Sao cô biết bên cạnh ta có người?

- Không ít lần ngươi cứ nhắc đến từ "Chúng ta": "Chúng ta" trông thấy, "Chúng ta" tránh ra… Mà khi nhắc đến hai từ ấy, giọng điệu của ngươi dịu dàng biết bao. Theo ta đoán, chẳng những bên cạnh ngươi có người, mà người đó còn là một cô gái.

Những lời này khơi gợi lên nỗi day dứt trong lòng Nhạc Chi Dương, khiến cho máu huyết của gã sôi sục, không biết phải lên tiếng thế nào. Diệp Linh Tô lại nói:
- Người con gái này phải chăng chính là Chu Vi?

Mọi chuyện đều bị cô đoán trúng vanh vách cả, Nhạc Chi Dương trong lòng khó chịu, lớn giọng hỏi:
- Nếu không phải thì sao?

Diệp Linh Tô hừ lạnh:
- Thì ngươi chính là một tên bạc tình bạc nghĩa, là hạng vô sỉ thay lòng đổi dạ chứ sao!

Nhạc Chi Dương tần ngần, thở dài mà rằng:
- Trọng tình trọng nghĩa thì ích chi? Ta có chung tình đến đâu đi chăng nữa cũng không thể ở cùng nàng ấy được.

- Vì sao? - Diệp Linh Tô cảm thấy tò mò, không nhịn được thắc mắc: - Đã là tình nhân sao lại không thể ở bên nhau?

Đoạn tình duyên ấy chính là vết sẹo trong cõi lòng Nhạc Chi Dương, bình thường tính tình của gã lạc quan, nhìn như vô tư hời hợt, thế nhưng chỉ cần khẽ chạm nhẹ thôi thì sẽ đau đớn khôn cùng. Điều khó chịu hơn chính là cuộc tao ngộ của gã quá sức lạ lùng, nói ra cũng không ai dám tin: một bên là tên lưu manh ở sông Tần Hoài, một bên là tiểu công chúa triều Đại Minh, hai bên tình trao duyên gởi quả là chuyện tiếu lâm nhất trên đời. Chưa kể sự việc này có liên quan đến danh tiết của Chu Vi, Nhạc Chi Dương thà rằng giấu nhẹm việc này trong lòng còn hơn hé môi nhiều chuyện. Ngẫm nghĩ một lúc, gã thở dài bảo:
- Trên đời này luôn có những chuyện bất đắc dĩ, nhắc tới chỉ khiến lòng người thêm đau.

- Xem ra ngươi rất thích vị cô nương tên Chu Vi ấy! - Diệp Linh Tô hạ giọng thầm thì: - Chu Vi, Chu Vi, ừm, cô ấy họ Chu, chẳng lẽ là hoàng tộc Đại Minh?

Trái tim Nhạc Chi Dương giật thót một nhịp, đang định chối bỏ thì Diệp Linh Tô lại nói tiếp: - Ta nói vớ vẩn rồi, họ Chu trong thiên hạ đông muôn vạn, sao có thể xem ai cũng thuộc hoàng tộc được? Nếu là hoàng tộc, sao cô ấy thèm để mắt đến cái tên bịp bợm mồm miệng tối ngày bịa đặt như ngươi được.

Nhạc Chi Dương thở phào một hơi, bật cười:
- Đúng rồi, ngữ như ta mà làm phò mã chẳng phải khiến cho người trong thiện hạ cười sái quai hàm hay sao?

- Ta chỉ nói cô ấy thuộc hoàng tộc chứ có nói cô ấy là công chúa đâu. Hừ, ngươi muốn làm phò mã đúng là hạng ếch ngồi đáy giếng cổ ngóng trời cao, mơ mộng hão huyền!

Nhạc Chi Dương cười giả lả, len lén vuốt mồ hôi lạnh, chợt nghe Diệp Linh Tô nói:
- Tên bịp bợm, nhà ngươi được ăn no rửng mỡ như vậy chắc là thoải mái lắm nhỉ?

Nhạc Chi Dương nghe trong lời nói của cô có ý mỉa mai, mỉm cười bảo:
- Tiền thì ta không có, chỉ có cái mạng này thôi, nếu cô không chê ta sẽ thổi hai khúc nhạc cho cô nghe xem như đền bù tiền cơm được không?

- Cũng được! - Diệp Linh Tô nói: - Nhưng khúc nhạc này phải do ta chọn, ta chọn mà ngươi không thổi được thì phải bị phạt nặng!

- Cô cứ lo chọn đi, ta mà không thổi được sẽ chấp nhận chịu phạt.

- Khẩu khí lớn thật! - Diệp Linh Tô trầm ngâm thoáng chốc, bảo: - Đầu tiên, ngươi hãy thổi bài "Mai Hoa Tam Lộng" đi.

Nhạc Chi Dương phấn chấn tinh thần, lập tức đưa sáo ngang miệng bắt đầu thổi, tiếng nhạc réo rắt lay động tựa như tiếng cuốc nỉ non kêu trăng, lại tựa cánh hạc lẻ loi bay giữa vòm mây, đoạn quyến luyến như thể sông Lăng thở than, chỗ thánh thót khác nào gió đùa hoa mơ lạnh, giai điệu cứ lên lên xuống xuống, biến đổi bất ngờ làm dậy lên một nỗi buồn man mác, từng tiếng từng tiếng não nề đến xé ruột xé gan.

Thổi xong khúc "Mai Hoa Tam Lộng", Diệp Linh Tô lại chọn đến bài "Dương Quan Tam Điệp", tiếng sáo của Nhạc Chi Dương thay đổi, từng nỗi ly-sầu-biệt-hận tự nhiên tuôn trào ra, gã giã từ cố hương mà bôn ba hải ngoại, nghĩa phụ vừa mới qua đời, người yêu lại muôn trùng cách biệt, hàng loạt chuyện không như ý muốn trào dâng trong lòng khiến gã càng thổi càng trở nên thê thảm, u uẩn.

Diệp Linh Tô lặng lẽ nghe xong khúc nhạc, chợt cất lời:
- Sao ngươi lại thổi thương tâm như vậy, có bài nào vui vui một chút không?

- Vui vui à? - Nhạc Chi Dương mỉm cười: - Vậy thì bài "Tửu Cuồng" nhé?

"Tửu Cuồng" là sáng tác của đại văn hào Nguyễn Tịch đời Tấn. Nguyễn Tịch nghiện rượu, khúc nhạc này lột tả hết dáng vẻ giả say giả cuồng của ông ta, tiết tấu dập dồn chồng chất, hệt như kẻ say đi đường loạng chà loạng choạng, nom vẻ khôi hài thú vị, phần kết có đoạn "Tiên nhân thổ tửu thanh", Nhạc Chi Dương sẵn tính sáng tạo, cố tình thổi dí dỏm hết mức có thể, khiến cho Diệp Linh Tô nghe thấy cũng phải bật cười khúc khích.

Chẳng bao lâu bọn đưa cơm lại đến, như thường lệ phần của Diệp Linh Tô đầy ắp mỹ vị, còn bên Nhạc Chi Dương vẫn chẳng thể ngửi nổi. Đợi kẻ đưa cơm đi rồi, Diệp Linh Tô lại chuyển thức ăn của mình sang cho gã, cô có công phu "Dạ Vũ Thần Châm", thủ pháp tuyệt diệu, thu phóng như một, từng loại thức ăn cứ tuần tự rơi xuống trước chân Nhạc Chi Dương, xem ra còn chu đáo hơn cả thằng chạy bàn trong quán cơm.

Cơm nước xong, Nhạc Chi Dương lại thổi điệu "Nghê Thường Vũ Y Khúc", đây là vũ khúc thời Thịnh Đường, tương truyền do Đường Minh Hoàng phổ nhạc, Dương Ngọc Hoàn múa minh họa, bên trong phỏng theo âm nhạc của Thiên Trúc, tiết tấu thanh thoát êm tai, thổi đến đoạn tuyệt diệu, tiếng như rồng bay phượng múa, khiến người ta mê mãi lắng nghe.

Vừa thổi dứt thì tiếng gió ngoài Phong Huyệt lại trỗi dậy, Nhạc Chi Dương đành phải ngừng lại, đợi cho âm thanh đì đùng ấy lắng xuống mới thổi tiếp bài "Lục Yêu", "Bạch Trữ". Đó là đều là những bài võ khúc, giai điệu hào hùng vút cao. Diệp Linh Tô nghe một hồi chợt cảm thấy vô vị, lại chọn khúc "Kiệt Thạch Điều: U Lan", âm sắc hàm nghĩa rằng có nhiều vị ẩn sĩ tựa như hoa lan, hết sức ung dung khẳng khái.

Nghỉ ngơi một lúc, hứng thú cả hai vẫn chưa giảm sút, lại thổi tiếp "Xuân Giang Hoa Nguyệt Dạ", "Ngọc Thụ Hậu Đình Hoa". "Quan Sơn Nguyệt", Trường Môn Oán" rồi lại sang đến "Hồ Già Thập Bát Phách". Khúc nhạc này do tài nữ đời Đông Hán là Thái Văn Cơ sáng tác, vốn là một bài cổ cầm, thuật lại nỗi niềm dằng dặc thương nhớ quê nhà của Thái Văn Cơ khi lưu lạc sang Hung Nô. Nhạc Chi Dương dùng sáo miêu tả, lại mang một nét rất riêng biệt, Diệp Linh Tô nghe đến ngẩn ngơ, ứng theo tiết tấu mà khẽ cất giọng xướng:

Nhạn về Nam nhắn lời biên ải
Nhạn chinh Bắc nghe lại tiếng quê
Nhạn bay cao biết đâu tìm về
Buốt ruột xé gan lê thê nỗi nhớ
Vuốt đàn tơ dõi ánh trăng thề
Năm phách êm tràn trề tình ý


(ND chú: đoạn trích từ đệ ngũ phách trong nguyên văn 18 phách của Hồ Già Thập Bát Phách, quý vị có thể nghiên cứu thêm về tác phẩm nổi tiếng này tại: http://www.cohanvan.com/thu-hoa/am-n...iathapbatphach)

Hát đến đây, Diệp Linh Tô trở nên âu sầu, nhẹ buông tiếng thở dài:
- Vì sao từ xưa đến nay, những người con gái tốt thật sự trên đời đều đáng thương như thế? Lẽ nào đúng là hồng nhan bạc mệnh chăng?

Nhạc Chi Dương mỉm cười:
- Ta không tin vào số mệnh, mệnh tốt hay mệnh xấu đều do tự ta giành lấy. Chu Nguyên Chương năm xưa chẳng phải cũng chỉ là một kẻ ăn mày đấy ư? Về sau không chỉ làm vua mà còn xưng danh là hoàng đế.

- Làm vua, làm hoàng đế cũng chưa hẳn là tốt, đơn độc lẻ loi một mình, ngoài bản thân ra còn dám tin ai khác nữa?

Nhạc Chi Dương giật mình thắc mắc:
- Lạ nha, người Đông Đảo không phải đều muốn lật đổ thiên hạ, làm hoàng đế hay sao?

Diệp Linh Tô thở dài:
- Mấy lời lẽ hoang đường ấy chẳng qua chỉ để lừa mình dối người mà thôi, đừng nói gốc rễ Đại Minh đã ăn sâu khó mà nhổ bật, cho dù thật sự có cơ hội phục quốc thì còn phải đánh bao nhiêu lâu, mất bao nhiêu mạng người nữa mới đủ? Tỷ như nhà họ Diệp ta mà nói, ngày trước nhân khẩu đông biết bao nhiêu, về sau bị cuốn vào vòng tranh đoạt thiên hạ rồi chết vô số kể. Năm đó, trong số các dòng tộc lớn cùng rời khỏi Thiên Cơ Cung, hai nhà Tả, Tu đều đã đoạn tuyệt huyết mạch, nhà họ Thích ở đảo Linh Ngao cũng đã bỏ đi tha phương biền biệt, chỉ còn sót lại những kẻ tập võ như bọn ta đây, nếu thật sự xảy ra chiến tranh, chẳng phải những người dân bình thường kia sẽ càng thêm khốn khổ hay sao?

Nhạc Chi Dương nghe xong đoạn tâm tư này, trong lòng nảy sinh niềm kính trọng:
- Diệp cô nương, trước đây ta có chỗ đắc tội, mong cô rộng lòng tha thứ.

- Ta đâu có nhỏ nhen như thế. - Giọng nói của Diệp Linh Tô vang lên rất khẽ: - Mấy lời vừa rồi chỉ có ngươi và ta biết, không được để người thứ ba biết đâu đấy.

- Tiểu tử nhất định giữ mồm giữ miệng. - Nhạc Chi Dương nói xong, lại thổi lên khúc "Nguyệt Nhi Cao", nương theo tiếng sáo du dương ấy, một vầng trăng sáng từ từ nhô lên, treo tít trên đầu cao, tỏa ra sắc bạc trong trẻo. Mấy con chim ăn đêm kêu lên lanh lảnh, trong không gian tịch mịch như toát lên một vẻ gì đó thật thê lương.

Mấy ngày tiếp theo đó, hai bên cứ kẻ chọn người thổi. Diệp Linh Tô kiến thức uyên bác, trong những khúc nhạc cô chọn có không ít những tựa bài hiếm gặp, may mà Nhạc Thiều Phượng thân là quan Tế Tửu của Đại Minh, các khúc nhạc từ cổ chí kim phần lớn đều biết qua cả. Nhạc Chi Dương lại có năng khiếu rất cao, bất kỳ khúc nhạc nào từng nghe qua một lần đều khó mà quên được, cho dù chỉ nhớ ba chớp ba nháng nhưng nhờ nhạc cảm bổ sung vào cũng làm cho khúc nhạc trở nên uyển chuyển tự nhiên, khiến người ta không nghe ra sai sót.

Thời hạn mười ngày chớp mắt đã sắp trôi qua, đêm nay Nhạc Chi Dương sau khi thổi xong bài "Hạnh Hoa Thiên Ảnh" thì bất chợt trở nên trầm ngâm. Diệp Linh Tô nhịn không được, hỏi:
- Nhạc Chi Dương, ngươi sao vậy, có tâm sự à?

Nhạc Chi Dương buồn bã nói:
- “Hạnh Hoa Thiên Ảnh” là khúc nhạc mà trước đây nghĩa phụ ta thích nhất. Người và ta cùng đi hát rong ven bến Tần Hoài, mỗi lần như vậy đều là ta thổi người hát, tiếc thay giai điệu vẫn như xưa mà người thì đã không còn nữa.

Nhớ đến khuôn mặt của nghĩa phụ lúc sinh thời, lòng gã đau như dao cắt, nước mắt nhỏ xuống lòng ròng.

Diệp Linh Tô chợt hỏi:
- Nghề sáo của ngươi là do nghĩa phụ truyền dạy cho à?

- Phải!

- Cha mẹ ruột của ngươi đâu? – Trong giọng điệu Diệp Linh Tô chất chứa một nét quan hoài.

- Nghĩa phụ kể, ta được người nhặt ở ven sông Tần Hoài, cha mẹ ruột là ai ta nào có biết! - Nhạc Chi Dương ỉu xỉu nói tiếp: - Có lẽ mẹ ta là một vị ca kỹ bị ai đó cưỡng đoạt bỏ rơi mới hạ sinh ra ta, lại ngại phiền phức khi nuôi con nên mới tiện tay vứt bỏ ở mé sông.

- Sao thế được chứ? - Diệp Linh Tô thoáng bực tức: - Ngươi là đồ bịp bợm, toàn ăn nói vô căn cứ.

Nhạc Chi Dương cười vang ha hả, Diệp Linh tô càng thêm sôi máu:
- Cười cái gì? Chuyện như vậy mà ngươi cũng cười cho được à?

- Chứ sao!

Nhạc Chi Dương ngoài miệng thì bảo vậy chứ trong lòng thầm nghĩ: “Cô nàng này thật ngây thơ đáng yêu, thảm kịch như thế cô ta không tin cũng đúng.”

Diệp Linh Tô im lặng một lúc, lại nói:
- Nhạc Chi Dương, ngươi thổi lại bài "Hạnh Hoa Thiên Ảnh" lần nữa đi. Ngươi thổi, ta hát, lệnh tôn dưới kia có linh thiêng chắc sẽ nghe được khúc nhạc này đấy.

Nhạc Chi Dương nghe lòng bùi ngùi, tiếc là muôn ngàn lời nói lên đến cửa miệng chỉ biến thành một chữ "Ừ". Gã véo von thổi lại khúc nhạc, Diệp Linh Tô theo nhịp ngân nga:

Liễu mềm phơ phất bến Uyên Ương
Gọi thuyền sang, ngỡ Đào Diệp thuở miên trường
Ôi mắt buồn tiễn gió xuân u uẩn
Tựa mạn thuyền, ngơ ngẩn đợi buồm giương
Nào hay đâu thuyền lại ghé ven đường
Phố Kim Lăng, chừ oanh ca yến lượn
Tại con nước vô tình hay do lòng sầu muộn?
Dọc bãi bồi hương cỏ ngát bốn phương
Hợp Phì kia về lại khuất nẻo đường
Chiều tàn nhanh, dong thuyền ta xuôi ngược
Nhưng bến nào mới là bến quê hương...?


Giọng hát của cô êm ái mà không ủy mị, trong trẻo mà không khàn đục, mềm như sợi mưa, non như tơ liễu, khúc ca xong rồi mà dư âm còn quẩn quyện không dứt. Hai người ai cũng mang tâm sự riêng, im lặng khá lâu sau Diệp Linh Tô mới thỏ thẻ:
- Canh ba rồi ư?

Nhạc Chi Dương qua song cửa hẹp chỉ thấy vầng trăng sáng bị che mất một nửa, gió thoảng mây nhạt, bèn đáp:
- Đúng vậy!

- Ngày trôi nhanh quá. - Diệp Linh Tô cảm thán: - Qua ngày mai là không còn được nghe tiếng sáo của ngươi nữa rồi.

- Ta có chết đâu mà lo. - Nhạc Chi Dương cảm thấy buồn cười: - Nếu cô thích, ngày ngày ta sẽ thổi cho cô nghe.

- Không cần như thế đâu! - Diệp Linh Tô nói với vẻ xa vắng: - Khổng Tử nghe nhạc Thiều, ba tháng không biết đến mùi thịt(*). Mấy ngày qua ta nghe hết một trăm linh chín khúc nhạc đã đủ dùng cho mười năm không được nghe rồi.
(ND chú: Thiều là tên khúc nhạc do vua Thuấn nhà Ngu sáng tác. Có tích kể rằng, vào thời trẻ đức Khổng Tử từng sang nước Tề học nhạc, ở đây ngài được nghe nhạc Thiều, vì chuyên tâm lắng nghe nên không thiết tha ăn thịt nữa, có lẽ vì muốn trình độ thẩm âm được cao nên tự nguyện ăn chay kiêng thịt. Vì vậy có câu "Tử tại Tề văn Thiều, tam nguyệt bất tri nhục vị")

Nhạc Chi Dương cảm thấy lạ, buột miệng hỏi:
- Diệp cô nương, trước đây cô chưa từng nghe nhạc hay sao?

Buồng giam phía đối diện im lặng mất một lúc, thiếu nữ chợt thấp giọng bảo:
- Rất nhiều khúc nhạc mà ngươi thổi trong mấy ngày qua đều là lần đầu tiên ta được nghe.

- Vì sao chứ? - Nhạc Chi Dương hết sức ngạc nhiên.

- Vì đại kế phục quốc, đệ tử trên đảo ngoại trừ việc tập luyện võ công ra thì cũng chỉ biết nghiên cứu binh pháp, mấy thứ như kiểu toán học, âm nhạc, y thuật, hoặc các môn học khác đều không được phép dính dấp đến, họ bảo những thứ ấy làm mê muội suy mòn ý chí, không có lợi cho công cuộc tu hành. Nhưng chung quy cứ như vậy thì cũng đánh mất đi rất nhiều thú vui.

Diệp Linh Tô nói đến đây, khuôn mặt lộ vẻ chán nản như thể đánh mất thứ gì đó.

Nhạc Chi Dương cũng cảm thấy tội cho cô, gã nói:
- Diệp cô nương, tấu nhạc cũng không khó lắm đâu, sau khi ra ngoài rồi, ta giảng qua một lượt là cô biết ngay thôi.

Diệp Linh Tô thoáng vẻ động lòng nhưng qua một lúc sau lại nói:
- Thôi đi, lỡ đâu có ai biết ngươi dạy ta chơi nhạc, chúng ta lại phải chịu phạt lần nữa.

Nhạc Chi Dương nghĩ đến cảnh cô gái này muốn học nhưng lại ở thế khó xử, gã hận không thể phá ra cười to, bèn cao giọng:
- Sợ gì chứ? Cùng lắm thì lại bị nhốt ở đây, mà như vậy càng hay, ta có thể thổi sáo suốt mười ngày cho cô nghe tiếp.

Diệp Linh Tô bật cười:
- Như vậy xem ra cũng không thể xem là bị phạt nhỉ!

Cô trầm ngâm giây lát, chợt nói:
- Nhạc Chi Dương, mấy ngày nay ngươi thổi không ít khúc nhạc, nhưng vì sao không thổi lại khúc nhạc trên biển hôm ấy?

Nhạc Chi Dương mỉm cười:
- Cô chọn ta thổi mà, cô không chọn thì tất nhiên là ta không thổi rồi.

Diệp Linh Tô hỏi:
- Ta thích khúc nhạc ấy lắm, tên nó là gì vậy?

Nhạc Chi Dương trả lời:
- “Chu Thiên Linh Phi Khúc”.

- Linh Phi à? - Diệp Linh Tô khẽ vỗ tay: - Quả nhiên nhạc cũng như tên, khiến người ta tinh thần lâng lâng, tâm hồn bay bổng. Mấy bữa nay ta nghe nhiều bài nhạc cổ như vậy nhưng không có bài nào so sánh được với nó cả.

Nhạc Chi Dương cũng có cùng chung cảm nhận ấy, vị Linh đạo nhân kia không những là tông sư võ học mà còn là đại hành gia trong lãnh vực âm nhạc. "Chu Thiên Linh Phi Khúc" đưa nội công vào nhạc lý, khúc nhạc thôi thúc khí huyết sản sinh ra một luồng ý chí kỳ diệu có thể dẫn hồn đưa phách. Diệp Linh Tô chợt cười:
- Bài cuối cùng này ta xin chọn "Chu Thiên Linh Phi Khúc" vậy!

Nhạc Chi Dương vực dậy tinh thần, bắt đầu thổi tấu, hai người trong động đặt cả tâm tư vào khúc nhạc, họ bỗng chốc như hòa lẫn vào trong tiếng sáo. Tiếng sáo nương theo một cơn gió mát, đưa họ bay tít ra vòm trời xa xôi bát ngát ngoài kia.

(còn tiếp ...)
Bình Luận (0)
Comment