Lửa Yêu

Chương 23

Sau cuộc ân ái kéo dài hơn hai giờ đồng hồ, Paremai nhận được điện thoại của đội trưởng Tula. Anh hướng dẫn Paremai đến khai báo về thủ phạm tại đồn cảnh sát và cô cũng nhận lời ngay mà không hỏi ý kiến của Patiya. Patiya cố gắng thuyết phục cô dành thời gian cho anh vì đêm nay anh phải bay sang Ma-rốc, rằng ít nhất hơn hai tháng nữa anh mới được gặp cô nhưng cô đã từ chối. Anh không còn sự lựa chọn nào khác nên đành phải đi theo cô. Sự thực thì anh không cần phải đến, nhưng giờ phút này anh không thể để Paremai đi đâu một mình được. Anh không muốn bất kỳ một người đàn ông nào đến gần Paremai.

Anh theo Paremai đến trước cổng nhà cô. Paremai đỗ xe cách cổng nhà khá xa và bảo anh ngồi đợi trong xe chờ cô vào thay quần áo.

Patiya đang cân nhắc xem nên ngồi đợi cô hay nên vào chào hỏi bà Nupmai. Việc ngồi đợi trong xe giống như một người sợ bị bắt quả tang trong lúc đang ăn trộm trứng vậy, mà việc ngủ cùng Paremai có gì là sai chứ.

Anh ngồi đợi trong xe một lát, khi tin chắc Paremai đã lên phòng ngủ để thay quần áo rồi, anh mới bước xuống xe, ấn điều khiển khóa xe, đi thẳng tới nhà của Paremai.

Khi thấy rằng cánh cổng sắt bên ngoài không cài then, Patiya tự nhiên mở ra rồi đi vào. Anh gặp bà Nupmai đang tưới cây trước sân. Bà vô cùng ngạc nhiên: “Cậu Patiya có việc gì mà lại tới tận nhà tôi vậy? Con Pare chắc không làm gì xúc phạm đến cậu nữa đấy chứ?”. Bà Nupmai bước tới khóa van nước.

“Không có gì đâu ạ. Bác đừng lo. Những chuyện đã qua thì để nó qua đi ạ. Cháu đến tìm Pare nên nhân tiện muốn chào hỏi bác ạ”. Patiya thấy bà Nupmai là người phụ nữ chất chứa nhiều đau khổ.

“Rất vui được làm quen với cậu. Tôi rất cảm ơn cậu vì đã không để bụng kiện hai mẹ con chúng tôi. Cậu Patiya tới tìm Pare có chuyện gì không vậy?”.

“Cháu thấy đội trưởng Tula hẹn Pare đến nói chuyện về diễn biến mới của vụ án nên cháu tới đón cô ấy đến đồn cảnh sát ạ”.

Bà Nupmai gật đầu. Nhưng bà vẫn chưa hiểu tại sao chỉ có việc đi đến đồn cảnh sát mà người như anh lại phải đến đón con gái bà.

“Cậu đến thật đúng lúc vì nếu đến sớm hơn một chút chắc không gặp được Pare đâu. Nó đi ra ngoài và vừa mới về đây thôi. Bây giờ nó đang lên tắm rửa thay quần áo”.

Patiya khẽ gật đầu. Anh không muốn nói dối bà, nhưng cũng không muốn gây ra sự phiền lòng cho Paremai về sau nên không đính chính sự hiểu lầm của bà.

“Vâng ạ. Không sao. Cháu đợi được”.

“Nếu vậy cậu vào trong nhà đợi thì hơn. Tôi sẽ chuẩn bị đồ ăn nhẹ cho cậu”.

“Bác không phải bận tâm đâu ạ. Đứng ở bên ngoài nói chuyện cho thoáng cũng được ạ. Ở đây gió mát quá bác nhỉ”. Anh đưa mắt nhìn xung quanh. Nhà của cô là một ngôi nhà nhỏ hai tầng, trước sân trồng đầy cây cối.

“Vâng. Tôi thích những cây lá to, ngồi dưới tán cây rất thoải mái, tinh thần dễ chịu. Vậy thì thế này, cậu ngồi đợi dưới tán cây kia được không? Tôi vào lấy chút đồ ăn nhẹ, và gọi Pare xuống nữa”.

“Đừng bác ạ. Cứ để cô ấy thoải mái thời gian. Cô ấy đã biết trước là cháu sẽ đến rồi bác ạ. Nếu không quá phiền, bác ngồi nói chuyện với cháu một chút được không ạ?”.

“Vậy thì xin mời. Cậu Patiya có chuyện gì muốn nói với tôi?”. Bà Nupmai vừa nói vừa đi trước dẫn Patiya đến dưới gốc cây.

“Bác cứ gọi cháu là Pat ạ”.

“Cảm ơn cậu”. Bà Nupmai trả lời theo phép lịch sự. Bà đợi cho anh ngồi xuống rồi mới hỏi: “Cậu Pat có chuyện gì không?”.

“Không có gì nghiêm trọng đâu ạ. Cháu chỉ muốn hỏi thăm thôi. Cho dù cái chết của Yaimai không liên quan gì tới cháu, nhưng cháu cũng xin được chia buồn cùng bác và gia đình”.

“Cảm ơn cậu?”. Bà Nupmai nói với giọng run run, nước mắt trào ra khiến bà phải vội lấy tay lau.

“Cháu xin lỗi vì đã gợi lại chuyện này”. Patiya dịu dàng nói đồng thời rút chiếc khăn mùi xoa trắng tinh ra đưa cho bà. Bà khẽ nói cảm ơn rồi nhận lấy lặng lẽ lặng lau nước mắt. Anh gợi chuyện: “Chắc là bác thân với Yaimai lắm?”.

Nupmai lắc đầu, giọng càng run rẩy: “Tôi thân với con Pare nhiều hơn vì ở với nó suốt. Còn với Mai, tôi cảm thấy có lỗi khi không nuôi nấng chăm nom nó. Gia đình chúng tôi có rất nhiều vấn đề. Tôi và chồng cũ cãi nhau thường xuyên vì ông ấy lén cặp bồ với cô thư ký. Vì thế chúng tôi đã chia tay nhau rồi chia con ra để nuôi”.

“Cháu cũng sinh ra trong một gia đình có rất nhiều vấn đề. Vì họ hàng xung quanh xen vào gây xáo trộn đã khiến gia đình cháu không được yên. Bố mẹ cháu mất trong một tai nạn từ khi cháu còn nhỏ. Pare vẫn còn may mắn hơn cháu vì còn có bác luôn bên cạnh chăm sóc”.

Bà Nupmai lau dòng nước mắt đang lăn dài trên má: “Ai bảo là tôi chăm sóc Pare? Pare mới chính là người chăm sóc tôi. Ngày tôi gặp phải vấn đề với chồng cũ và bị lâm bệnh, chính con bé đã động viên tôi. Pare rất vững vàng. Bao nhiêu vấn đề đến cùng lúc nhưng nó vẫn cứng rắn, là chỗ dựa cho tôi và Mai”.

Anh chuyển hướng: “Bác Nupmai đã bao giờ nghĩ đến việc sẽ tới sống ở một môi trường mới chưa ạ? Ví dụ như nước ngoài chẳng hạn? Biết đâu nó sẽ làm cho mọi việc tốt hơn. Ý cháu muốn nói là tinh thần sẽ thoải mái hơn vì chúng ta không phải ở trong môi trường cũ, nơi mà chỉ gợi nhắc cho ta những kỷ niệm buồn”.

“Tôi không có họ hàng nào ở nơi khác cả. Chúng tôi cũng không giàu có như cậu đâu. Tất cả tiền bạc đều là công sức của con gái cả. Tôi không có thu nhập, nếu bảo tôi đi sống ở nơi xa thì quả là chuyện mơ hão cậu ạ”.

Anh buột miệng hỏi: “Nếu sang sống ở Mỹ thì sao ạ? Cháu sẽ tìm công việc làm ăn ở bên đó cho bác Nupmai và Paremai. Ý bác thế nào ạ?”. Hỏi xong, Patiya gần như muốn cắn vào lưỡi mình. Lạy Chúa! Đây là căn bệnh lây lan từ sự si mê Paremai có đúng vậy không?

Bà lớn Nongkhran suýt chết ngất khi được báo cảnh sát tới triệu tập Pasakorn lên đồn. Người chủ của vương quốc Warakorn vội vàng đi ngay tới nhà của con trai nằm trong khuôn viên của khu dinh thự. Bà đến cùng lúc nhân viên cảnh sát đang áp giải Pasakorn lên xe giữa tiếng khóc lóc vật vã của con dâu, còn con trai bà đang cố gắng giải thích và xin xỏ.

“Có chuyện gì vậy?”. Bà lớn Nongkhran hỏi gắt: “Muốn vào bắt con cháu người ta mà đến cả việc nói trước một câu cũng không có nghĩa là sao?”.

Nghe thấy vậy, các nhân viên cảnh sát đều quay sang cúi mình chào. Một nhân viên điều tra trả lời: “Chúng tôi phải rất xin lỗi bà lớn. Nhưng chúng tôi thấy chuyện này không liên quan tới bà lớn nên không dám làm phiền ạ”.

“Không liên quan cái gì? Đây là nhà tôi. Người mà anh bắt là cháu tôi. Hơn nữa khi đưa tin bê bối lên mặt báo thì cũng là tên họ của tôi. Vậy anh hãy nói nó không liên quan tới tôi ở chỗ nào?”.

Gặp phải tình huống này, viên cảnh sát cũng không cãi lại được. Anh ấp úng và phải để cho cấp trên của mình tới giải thích: “Nếu bà nói vậy chúng tôi cũng không biết nói thế nào cả. Nhưng ý cấp dưới của tôi muốn nói rằng bà không dính dáng gì tới vụ án này nên chúng tôi không dám làm phiền”.

Bà lớn Nongkhran cứng họng, mặt biến sắc: “Đừng có già mồm! Tôi đã thấy nhiều đứa già mồm phải ra đi rồi đấy”.

Nhân viên cảnh sát mỉm cười lạnh lùng: “Việc đe dọa nhân viên cảnh sát sẽ bị xếp vào tội gì, tôi hy vọng bà lớn biết rõ”.

Bà lớn Nongkhran quay phắt đi, hỏi giật giọng: “Thế lệnh bắt giữ đâu?”.

Viên cảnh sát đứng áp giải Pasakorn đưa lệnh bắt cho bà lớn Nongkhran: “Đây ạ, lệnh bắt giữ và lệnh khám xét. Chúng tôi hy vọng bây giờ bà lớn sẽ tích cực hợp tác với cảnh sát”.

Bà lớn Nongkhran liếc đọc nhanh cả hai tờ lệnh, ngay lập tức khuôn mặt bà trở nên trắng bệch. Bà nắm chặt tờ giấy rồi quay sang phía đứa cháu trai nói rít qua kẽ răng: “Sao có thể xảy ra chuyện này được hả Pas? Lần này không phải bắt nhầm người đúng không?”.

“Không phải đâu bà nội. Chắc chắn là bắt nhầm. Cháu khẳng định là cháu không làm gì sai. Cháu không liên quan gì tới vụ án chết tiệt đó, thật đấy ạ. Đang tự nhiên lại bị buộc tội”. Pasakorn vừa nói vừa đưa hai tay đã bị còng lên để phủ nhận.

“Hãy nói năng cho cẩn thận, nếu anh không muốn bị thêm tội xúc phạm danh dự của nhân viên nhà nước, anh Pasakorn”.

“Tôi xúc phạm chỗ nào?”.

“Dừng lại ngay, thằng Pas. Mày nói nhiều thế đủ rồi”. Bà lớn Nongkhran nói chen vào. Bà quay sang phía nhân viên cảnh sát, cao giọng hỏi: “Cháu trai tôi liên quan tới vụ án này như thế nào? Hãy nói rõ giúp cho?”.

“Trong lệnh bắt giữ đã ghi rõ rồi ạ”.

“Nhưng chưa đủ rõ ràng”.

“Nếu muốn cho rõ ràng thì phải đợi chúng tôi hỏi cung xong”. Viên cảnh sát thản nhiên trả lời.

“Nếu lịch sử lặp lại, các anh lại bắt nhầm thằng cháu tôi, tôi sẽ kiện cả đồn cho mà xem”.

“Việc đe dọa nhân viên cảnh sát là vi phạm pháp luật đấy ạ”. Nhân viên cảnh sát bình tĩnh nhắc nhở.

“Tôi không đe dọa, mà bày tỏ quan điểm”.

“Vậy mời bà lớn cứ bày tỏ quan điểm. Chúng tôi sẽ không để ý”.

“Hừ!”.

Viên cảnh sát lắc đầu: “Nếu bà lớn hết việc rồi, chúng tôi xin phép”.

“Xin mời. Tôi hết việc với các anh rồi”.

Tất cả các nhân viên cảnh sát quay lại cúi đầu chào một lần nữa rồi đưa Pasakorn lên xe cảnh sát. Bà lớn Nongkhran nhìn theo với ánh mắt bừng bừng giận dữ, mím chặt môi.

Vợ của Pandon bước tới nắm lấy cánh tay của mẹ chồng, khóc lóc như thể sắp chết: “Mẹ phải giúp cháu. Pas không có tội mà là bị oan. Con tự tay mình nuôi nấng nó, sao lại không biết tính cách của nó. Pas rất hiền lành mà”.

“Thôi được, chắc chắn tôi sẽ giúp. Nhưng kể cho tôi nghe xem sự thể ra sao? Tại sao đang tự nhiên cảnh sát lại bắt Pas được?”.

“Pas đang thay quần áo để đến công ty, thì bảo vệ gọi tới nói rằng có cảnh sát tới tìm, rồi họ vào bắt Pas và đem theo máy vi tính của nó”.

Puwinai, người em sinh đôi với Pasakorn, đứng xem sự việc từ đầu tới giờ mới bày tỏ ý kiến: “Con cho rằng chắc chắn cảnh sát lại bắt giữ lung tung, giống như lần bắt anh Pat đấy ạ. Có lẽ họ muốn tìm một con cừu để sớm khép lại vụ án”.

Patrawadee, em gái Puwinai nhận xét: “Đúng đấy ạ. Con cũng không tin là anh Pas lại liên quan tới vụ này đâu. Chúng ta hãy đi bảo lãnh anh Pas ra đi”.

“Không được đâu con ạ. Vụ án nghiêm trọng thế này người ta không cho bảo lãnh, giống như trường hợp của thằng Pat ấy. Thằng ấy phải ngủ trong tù vì cảnh sát không cho luật sư của nó bảo lãnh đấy thôi”.

“Thế chúng ta phải làm sao đây ạ? Em thấy không yên tâm. Em chắc chắn rằng con chúng ta không có tội. Thằng bé sẽ bị bôi nhọ thanh danh mất thôi. Ôi! Con tôi!”. Rồi bà quay sang van xin: “Mẹ phải giúp chúng con nhé. Nếu không Pas sẽ chết mất”.

“Có chuyện gì thế ạ? Thấy báo cảnh sát tới bắt Pas ạ?”. Piyada bước tới hỏi với giọng hồi hộp.

Tiếp đó âm thanh ồn ào vang lên từ những người họ hàng ở ngôi nhà đối diện vừa mới biết tin. Giọng của ai đó vang lên: “Chết thật! Thế này thì tên họ Warakorn lại xuất hiện trên khắp các mặt báo mất thôi. Có lẽ chúng ta phải lấy thùng chụp lên đầu để đi ra ngoài thật rồi. Lần trước là thằng Pat, bây giờ lại đến Pas nữa”.

Bà Nupmai liếc nhìn Patiya với vẻ ngạc nhiên khi nghe anh nói vậy.

“Cậu Pat muốn nói gì ạ?”.

“Ý cháu là muốn bác Nupmai suy nghĩ. Nếu bác muốn thay đổi không khí và môi trường cũ bằng việc bắt đầu một cuộc sống mới ở Mỹ, cháu rất sẵn lòng giúp đỡ”.

“Tôi không biết Pare sẽ nghĩ gì vì nó rất yêu nghề làm báo”.

“Pare là người tài giỏi, có hiểu biết, có năng lực. Nếu cô ấy vẫn muốn làm về lĩnh vực này, thì bên đó có rất nhiều cơ hội tốt cho cô ấy lựa chọn. Chuyện này cháu nghĩ rằng phụ thuộc vào bác Nupmai nhiều hơn ạ”.

“Cậu Pat nói như vậy có nghĩa là cậu đã nói chuyện này với Pare rồi đúng không?”.

“Vâng. Cháu đã từng gợi ý cho cô ấy, nhưng cô ấy từ chối với lý do phải trông nom bác”.

Bà Nupmai nghe xong, nước mắt lại chảy ra một lần nữa vì xúc động: “Pare là đứa con có hiếu, chưa bao giờ làm cho bố mẹ phải phiền lòng cả. Nó biết suy nghĩ trước sau, rồi trở thành người già trước tuổi từ bao giờ không biết”.

“Cháu rất khâm phục tính cách của cô ấy”.

“Cảm ơn cậu”. Bà nói giọng run run, đưa tay lau dòng lệ ở khóe mắt.

“Tất cả phụ thuộc vào bác thật đấy ạ”.

“Cảm ơn cậu. Tôi sẽ thử suy nghĩ. Nhưng tại sao cậu lại tốt với hai mẹ con chúng tôi như vậy khi mà chúng tôi đã gây khó dễ cho cậu?”.

Patiya đưa mắt nhìn bãi cỏ xanh mướt phía trước rồi trả lời: “Cháu hiểu nguyên nhân khiến Pare làm như vậy với cháu”.

“Nhưng đó không phải lý do để cậu đối xử tốt với hai mẹ con chúng tôi”.

Patiya lúng túng: “Cháu cũng không lý giải được. Càng tiếp xúc với Pare, cháu càng thích cô ấy. Pare là một phụ nữ tài giỏi, thông minh, nhanh trí, nghiêm túc trong mọi chuyện nhưng cũng ẩn chứa sự tinh nghịch, là người hiểu được người khác, khi sai cũng biết nhận sai. Một người như vậy không phải dễ tìm trong xã hội ngày nay”.

Nghe xong câu trả lời, bà Nupmai chăm chú nhìn vào khuôn mặt đẹp trai của anh. Patiya là một chàng trai đẹp, chỉ tiếc một điều anh là diễn viên phim khiêu dâm nên bà cảm thấy không thoải mái lắm.

“Thế đó có phải là lý do khiến cậu tốt với Pare hay không?”. Bà Nupmai bắt đầu dò xét.

Patiya càng lúng túng hơn: “Cháu cũng không tốt với cô ấy lắm đâu ạ, chỉ là gợi ý cho cô ấy sang Mỹ làm việc thôi”.

“Cậu Pat có người yêu chưa? Xin lỗi vì tôi hỏi thẳng”.

Chàng đạo diễn trẻ bị sặc: “Chưa ạ. Cháu chưa có ai”.

Bà Nupmai gật đầu, thể hiện ý kiến bằng nét mặt bình thản: “Nếu con Pare sang sống ở Mỹ có lẽ sẽ có người yêu là Tây. Tôi không thích có con rể là người Tây”.

“Tại sao ạ?”. Anh hỏi.

“Tôi tin rằng đã có sự khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa thì kiểu gì cũng không hợp nhau được”.

“Chuyện đó bác không phải lo đâu ạ. Vì cháu sẽ không chịu để cho cô ấy có người khác đâu. Cháu…”. Patiya xấu hổ. Anh tự chửi rủa bản thân rằng không biết anh đã nói những điều điên rồ gì vậy? Lạy Chúa! Anh nói ngớ ngẩn như người mất trí. Patiya vội vàng nhìn sang phía khác, hai tai đỏ nhừ.

Bà Nupmai vẫn hỏi với giọng bình thản, làm như không thấy dáng vẻ lúng túng của anh: “Tại sao cậu Pat lại không chịu? Người ta thích nhau, yêu nhau thì cấm được sao?”.

“Bác Nupmai có tin cháu hay không nếu cháu nói là sẽ chăm sóc cô thật tốt? Trong suốt thời gian cô ấy ở Mỹ, cháu sẽ không để cho ai tới làm phiền cô ấy. Nếu cháu hứa như vậy rồi bác có tin tưởng để cho Pare sang sống ở Mỹ không ạ?”.

Bà Nupmai mỉm cười. Với sự từng trải của mình, bà có thể đoán được sơ qua mối quan hệ giữa Patiya và con gái bà. Bà bày tỏ quan điểm một cách bâng quơ: “Tình yêu là điều tốt đẹp, cậu có đồng ý thế không? Nó giống như một căn bệnh quái ác khiến cho chúng ta phải đau khổ nhiều, nhưng nó cũng là điều mà chúng ta không thể thiếu được”.

Patiya sửng sốt. Bản năng mách bảo cho anh biết rằng điều mà bà Nupmai vừa nói đã đi quá xa so với chủ đề câu chuyện. Nhưng chưa kịp trả lời thì tiếng của Paremai vang lên ở trước cửa nhà: “Mẹ ơi, mẹ có thấy bộ quần áo…”. Paremai sững lại khi thấy Patiya đang ngồi nói chuyện với mẹ mình dưới tán cây trước sân. Cô không nói được gì. Đầu mũi và hai gò má ửng đỏ. Sau khi đã trấn tĩnh lại, cô lúng túng hỏi: “Anh làm gì ở đây vậy anh Pat?”.

“Pare! Tại sao con lại bất lịch sự như vậy? Cậu Pat đã mất công tới đón con đi làm mà con lại hỏi với giọng truy vấn đáng ghét thế à. Cậu Pat đừng để ý nhé. Là tôi đã nuôi dạy con không tốt”.

“Không sao ạ”. Patiya vừa trả lời vừa cười, ánh mắt lấp lánh.

Paremai cau mặt với câu trả lời của mẹ.

“Vậy cảm ơn anh đã tới đón nhé. Mẹ ơi, mẹ tìm chút đồ ăn nhẹ cho anh Pat có được không ạ?”.

“Được con ạ. Con cứ ngồi nói chuyện với cậu Pat. Lát nữa mẹ sẽ mang đồ ăn nhẹ ra cho”. Bà Nupmai bước vội vào trong nhà.

Paremai đợi cho đến khi mẹ mình đi khuất rồi mới quay sang hỏi tội người đang ngồi với giọng đe dọa: “Anh đã nói gì với mẹ?”.

“Bình tĩnh đi Pare!”, Patiya nói với giọng giảng hòa, ánh mắt lấp lánh.

“Tại sao anh không đợi trong xe như đã hứa?”.

“Thôi mà, có gì đáng lo đâu. Đừng có nghĩ nhiều”.

“Em không nghĩ nhiều mà muốn phòng trừ trước. Anh không biết mẹ em nhạy cảm tới mức nào đâu. Chỉ một chuyện nhỏ tác động vào là bà đã gục rồi. Từ trước tới nay bà đã gặp quá nhiều chuyện tồi tệ. Em không muốn tạo thêm chuyện khiến bà không yên lòng nữa nên mới bảo anh tránh mặt bà. Nhưng anh lại không quan tâm tới lời đề nghị của em gì cả”. Cô vừa giải thích, vừa mắng anh.

“Bình tĩnh đi Pare. Không có chuyện gì đâu. Làm gì phải lo lắng như thế. Em nghĩ rằng anh không biết gì về mẹ em trước khi đến gặp bà sao? Trước khi gặp em, anh đã nghiên cứu thông tin về em và gia đình em cả rồi. Ai như thế nào, ra làm sao anh đều biết cả. Do đó em cứ yên tâm”.

“Vậy anh hãy nói rõ tính cách của từng người trong gia đình em xem nào? Có như vậy em mới yên tâm”.

Patiya bật cười lớn: “Em thật đúng là thích nói móc người khác Pare ạ. Thôi được rồi, được rồi. Thật không đáng tự hào gì khi thẳng thắn thú nhận rằng anh đã điều tra chuyện của em và gia đình em. Nhưng em cũng đoán được chuyện này trước rồi còn gì. Nói thì nói vậy thôi chứ anh càng hiểu em và gia đình em bao nhiêu thì càng có lợi cho em bấy nhiêu vì ít ra em sẽ nhẹ lòng khi biết rằng anh không làm những chuyện khiến cho mẹ em phải lo lắng mà”.

Paremai nửa cười, nửa cau có, lườm anh: “Em nên cảm ơn anh đúng không? Làm chuyện xấu xa mà lại còn nói tốt cho bản thân được”.

Lạy Chúa! Paremai đáng yêu quá. Nếu đang ở chốn riêng tư, có lẽ anh sẽ kéo cô lại hôn cho bõ ghét rồi. Patiya cười xong liền nắm lấy bàn tay cô đưa lên môi hôn rồi ngẩng mặt lên nói: “Cảm ơn em, Pare, vì đã làm cho anh cười. Đã lâu lắm rồi anh không hề cười lớn như thế này”.

“Em không đóng hài kịch đâu nhé. Em đang nhắc nhở anh đấy”. Vừa nói, Paremai vừa giật tay lại nhưng anh lại giữ chặt nên cô vội phản đối: “Đừng anh Pat, kẻo mẹ trông thấy”.

Patiya lưỡng lự bỏ bàn tay mảnh mai của cô ra.

“Có chuyện gì mà anh cười lớn như thế?”.

“Cười vì em hay thích chế nhạo người khác chứ còn gì nữa. Anh thật sự chịu thua em đấy”.

“Tại anh nhường em thôi. Nhưng đó là lời khen phải không, để em còn được tự hào”.

Patiya bật cười: “Chắc chắn là lời khen, bà hoàng ạ. Anh không dễ dàng gì khen ai đâu”.

Paremai nghiêng đầu nhìn anh rồi nhận xét: “Thực ra anh không phải người không biết cười. Ngược lại, bản chất của anh là người luôn vui vẻ và tinh nghịch. Nhưng do có không ai ấn nút đúng thời điểm mà thôi”.

Anh lắc đầu, không đồng ý nhận xét đó nhưng cũng không đáp lại gì cả. Anh nói sang hướng khác: “Em đã chuẩn bị xong rồi phải không? Chúng ta đi được chưa?”.

“Chưa ạ. Em vẫn chưa chuẩn bị xong đồ”. Paremai mất nhiều thời gian vì mãi không tìm thấy bộ đồ mượn của Patiya để trả cho anh.

Patiya nhíu mày: “Còn chuẩn bị gì nữa?”.

“Tí nữa anh sẽ biết. Nhưng tại sao anh lại xuống xe? Tại sao anh không ngồi đợi trong xe?”.

Chàng đạo diễn trẻ mỉm cười: “Anh muốn vào chào hỏi mẹ em. Chỉ vậy thôi”.

“Tại sao chứ?”. Cô nhíu mày khó hiểu.

“Anh muốn làm quen với mẹ vợ tương lai không được hay sao?”. Anh hỏi lại với ánh mắt tinh nghịch.

Paremai đỏ má lườm anh: “Anh đừng có đánh trống lảng. Thế anh đã nói những gì với mẹ?”.

Patiya kéo cô ngồi xuống bên cạnh.

“Tại sao không ngồi xuống? Đứng nói chuyện không thấy mỏi sao?”.

Paremai buộc phải ngồi xuống.

“Sao? Hai người nói những chuyện gì?”.

Anh lảng chuyện: “Anh nghĩ em nên vào xem bà thế nào. Bà vào nhà quá lâu rồi. Này, hay bà cố ý tạo điều kiện cho chúng ta ngồi tâm sự với nhau đấy?”.

Cô tối sầm mặt lại: “Anh lảng chuyện giỏi lắm. Nhưng hãy trả lời câu hỏi của em đã!”.

Patiya bật cười: “Nếu không nói, em sẽ không từ bỏ việc gặng hỏi đúng không?”.

“Chắc chắn rồi”. Cô cao giọng trả lời với nét mặt cau có. Patiya bật cười, đưa tay lên bóp đầu mũi cao của cô: “Anh nói với mẹ về việc thay đổi không khí và môi trường sống, như sang Mỹ chẳng hạn, biết đâu việc đó sẽ chữa khỏi bệnh trầm cảm của mẹ. Đôi khi sự đau buồn nảy sinh do ta ở quá lâu trong môi trường cũ đấy”.

Paremai ngạc nhiên, cô không biết nói gì. Cô nhìn ra bãi cỏ xanh mướt trước mặt, trong đầu ngổn ngang bao suy tư. Patiya luôn khiến cô phải sửng sốt. Thực ra anh nghĩ gì về cô, tình cảm của anh đối với cô là gì?

“Em im lặng nghĩa là đồng ý với anh à?”.

“Cảm ơn anh vì đã lo cho mẹ em”.

“Em trả lời không đúng trọng tâm. Em có đồng ý với anh hay không?”.

“Việc anh anh nói nghiêm túc đến đâu?”.

Patiya nhìn ra phía bãi cỏ, dáng vẻ tư lự. Đúng vậy. Anh nghiêm túc với Paremai đến đâu mà lại đặt vấn đề này với họ? Điều đó có nghĩa là từ bây giờ trở đi, mối quan hệ giữa anh và Paremai sẽ bước sang một trang mới.

Anh trả lời sau khi đã cân nhắc: “Nếu anh trả lời rằng anh thực sự nghiêm túc muốn em và mẹ sang Mỹ sống. Em sẽ nói sao?”.

“Thế những người phụ nữ khác thì sao ạ?”.

“Anh không có ai. Anh chỉ có mình em”.

“Thế mẹ em nói sao ạ?”.

“Bà nói rằng sẽ suy nghĩ”.

Paremai gật đầu, đứng dậy: “Em vào nhà xem thế nào. Mẹ vào nhà lâu quá rồi”.

“Khoan đã Pare”. Anh cầm cổ tay mảnh dẻ của cô trước khi cô bước đi: “Anh muốn lần tới anh trở lại, anh sẽ có câu trả lời”.

Đúng lúc đó bà Nupmai bê khay đồ ăn nhẹ ra. Cô vội gỡ tay anh ra, chuyển sắc mặt, bước tới bê giúp mẹ.

Cô quay sang nói với mẹ: “Mẹ giúp con một việc được không ạ? Mẹ giúp con tìm đồ với, con tìm mãi không thấy”.

“Cậu cứ ăn tự nhiên nhé”. Bà Nupmai nói với Patiya rồi đi theo con gái, bỏ lại vị khách nhìn theo với ánh mắt suy tư.

“Mẹ làm gì mà lâu thế ạ?”. Paremai hỏi ngay khi bà Nupmai đã vào trong nhà.

“Thì chuẩn bị đồ ăn nhẹ chứ còn gì nữa”.

“Sao lâu thế ạ?”.

“Ơ, cái con bé này. Mẹ phải đợi nước sôi đã chứ”.

Paremai nhìn chăm chú vào mặt mẹ, khi không phát hiện ra điều gì khác thường, cô lén thở phào: “Thế anh Pat nói gì với mẹ ạ?”.

“Không có gì đâu con. Cậu ấy chỉ hỏi thăm sức khỏe. Cậu ấy nói quanh quẩn với môi trường cũ không tốt với sức khỏe của mẹ nên có ý đưa mẹ con mình sang Mỹ”.

“Thế mẹ trả lời anh ấy thế nào ạ?”.

“Mẹ chưa trả lời. Việc này bất ngờ quá. Nhưng ý con thế nào. Mẹ nghĩ là cậu ấy có tình cảm thật với con”.

Paremai sững lại, mặt nóng bừng, hai gò má đỏ ửng: “Nếu bọn con tìm hiểu nhau, ý mẹ thế nào ạ?”.

Bà Nupmai đưa tay nắm lấy hai cánh tay nhỏ nhắn xoay người con gái lại: “Cuộc sống là của con. Nếu con thích ai, yêu ai, mẹ cũng sẵn sàng đón nhận người đó”.

“Nhưng con vẫn chưa hiểu anh ấy nhiều lắm. Có vẻ anh ấy là người chứa đầy mâu thuẫn. Con không chắc chắn tương lai anh ấy vẫn đối xử tốt như thế này với con”.

Bà Nupmai nâng cằm của con gái lên, nhìn vào đôi mắt đẹp đó: “Mẹ hỏi con điều này, con hãy trả lời mẹ thẳng thắn nhé?”.

“Vâng ạ”.

“Con nghĩ sao về cậu Pat?”.

Paremai mỉm cười, đầu mũi và hai gò má đỏ ửng như quả lạc tiên chín: “Mẹ đoán được câu trả lời rồi mà”.

Bà Nupmai mỉm cười, ánh mắt dịu dàng: “Nó bắt đầu từ bao giờ?”.

“Tình yêu là cái gì đó rất khó nói. Con cũng không biết rằng nó bắt đầu từ bao giờ. Đến khi nhận ra thì đã không thể đẩy anh ấy ra khỏi suy nghĩ của mình nữa rồi”.

“Thế con định tiếp tục mối quan hệ này thế nào trong khi mỗi người ở một nơi?”.

“Anh ấy bảo sẽ bay sang thăm con cứ ba tháng một lần. Nhưng nếu anh ấy bận việc không sang được thì con phải là người bay sang thăm anh ấy. Anh ấy sẽ mua vé máy bay cho con. Nhưng con không muốn. Tại sao lại phải sang?”.

“Sao con không thử suy nghĩ đến việc chuyển công tác sang Mỹ?”.

Paremai lắc đầu: “Con lo cho mẹ”.

“Pare…”. Bà Nupmai nói với giọng xúc động xen lẫn thương hại, cảm thông rồi ôm lấy con gái, bàn tay gầy guộc xoa khắp lưng con.

Paremai nói tiếp: “Hơn nữa, con muốn sang đó với tư cách đàng hoàng, không muốn là thứ đồ chơi tạm thời của anh ấy. Ở đây thoải mái hơn vì dù sao con cũng còn có mẹ, có bạn bè và công việc của con”.

“Cứ từ từ nghĩ, đừng vội vàng quyết định. Mà con nhờ mẹ tìm hộ cái gì nhỉ?”.

“Mẹ có nhìn thấy cái áo và cái quần soóc nam không ạ?”. Paremai hỏi, hai gò má đỏ ửng. “Con tìm trong phòng không thấy, chỉ thấy dây thắt lưng”.

“Ở trong phòng mẹ. Để mẹ lên phòng lấy cho. Thực ra là của cậu Pat đúng không?”.

Bà Nupmai bật cười, đưa ngón trỏ lên gí mạnh vào trán con gái, đùa vui: “Nếu mẹ không biết hoặc không hiểu con, thì làm sao làm mẹ của con được hả? Con thì lắm trò lắm”.
Bình Luận (0)
Comment