Sát thủ siêu cấp gặp nhau trên núi cao
L úc này Tây Môn Xuy Tuyết đang ngồi trên một tảng đá xanh bằng phẳng, ở một ngọn núi cao, nhìn về phương trời xa xa. Hoàng hôn, chưa tới hoàng hôn. Xa xa mây mù bao phủ phiêu dưởng, chẳng thấy gì cả, mà cái gì cũng thấy Dưới cặp mắt của một đứa bé còn chưa ra đời, hay một người đã quá thỏa mãn về cuốc sống của mình, đây chỉ là một khoảng hư vô, một khoảng hỗn độn, cùng nhất là một bức đồ họa thế thôi, để cho một người vốn đã rất khoan khoái, tới đây để đứng yên lặng chiêm ngưỡng và hưởng thụ. Nhưng dưới cặp mắt của hạng người như Tây Môn Xuy Tuyết, cái hư vô ấy chính là bản thân của đời sống. Chỉ ở trong cái hư vô và hỗn độn ấy, y mới thấy được rất nhiều chuyện mà ở nơi khác y sẽ không thấy được, mà cũng chỉ ở một nơi thế này, thời điểm thế này, tâm tình thế này, y mới từ đó thấy ra được cái điểm quan trong trọng nhất. Mười năm gần đây, Tây Môn Xuy Tuyết hầu như không còn cơ hội tự nhìn lấy mình. Bởi vì trái tim của y, cặp mắt của y đã bị một lớp máu che phủ lại, dĩ nhiên còn có một lớp băng còn lạnh hơn cả nước đá che phủ lại. Tây Môn Xuy Tuyết là hạng người như thế nào? Cả thiên hạ hàng ngàn hàng vạn người đều biết, có một con người mang tên "Tây Môn Xuy Tuyết", nhưng có mấy người biết được y xuất thân từ đâu, tư tưởng của y ra sao, tình cảm của y thế nào, quá khứ của y làm sao. Thậm chí chính y cũng còn không biết. Dĩ nhiên không phải thật là không biết, mà là đã quên mất hết cả. Sao y quên được? Cuộc đời con người, có chuyện gì khó hơn là quên đi. Y phải bỏ ra cái giá thật đắt để quên hết những chuyện đó. Tây Môn Xuy Tuyết bỗng nhiên nghĩ đến Lục Tiểu Phụng, lúc này giờ này, y vốn không nên nghĩ đến Lục Tiểu Phụng. Nhưng không may, cái bi ai lớn nhất của nhân loại là, con người thường thường hay đi nghĩ đến những người, những chuyện y không nên nghĩ tới. Tây Môn Xuy Tuyết và Lục Tiểu Phụng quen biết nhau hầu như đã được hai mươi năm rồi. Hai mươi năm, một khoảng thời gian quá dài, có người, mới sinh ra đã chết đi mất, có người mới sinh được mấy ngày mấy tháng đã bị chết yểu, đối với họ, hai mươi năm là một khoảng thời gian không thể cầu mà có được. Dưới cặp mắt của một người vợ mới trong thời kỳ tân hôn, nếu ông chồng chết đi trong thời gian hai ba năm bọn họ đang ân ái nhất, thì hai mươi năm là một thứ hạnh phúc không thể nào cầu xin được. Đối với một ông lão đã sắp gần đất xa trời, tuy lão ta biết mình sẽ không sống quá hai mươi năm, nhưng hai mươi năm về trước sẽ làm cho lão vĩnh viễn không bao giờ quên được. Bởi vì trong cuộc đời của mỗi người, ai ai cũng có hai mươi năm trọng yếu nhất của họ, mỗi ngày trong khoảng thời gian đó, đều có thể có những chuyện làm thay đổi mệnh vận của họ. Vì vậy, Tây Môn Xuy Tuyết mới nghĩ đến Lục Tiểu Phụng. Y và Lục Tiểu Phụng quen nhau đã hai mươi năm, có điều, y hiểu rất ít về con người của Lục Tiểu Phụng. Trước giờ y không hề biết con người ấy từ một hạng gia đình nào sinh ra, lớn lên trong hoàn cảnh nào. Đấy cũng không chừng là trước giờ y không hề muốn biết tới. Có rất nhiều bạn bè như vậy, tuy thường ở chung một nơi với nhau, nhưng không hề muốn biết đến dĩ vãng của người kia ra sao, đừng nói là muốn đào sâu vào đời tư của họ. Bạn bè trong giang hồ, lấy ý khí tình cảm làm quen với nhau, chỉ cần hôm nay ông có thái độ của một nam tử hán với tôi, dù ông là vương bát đản, cũng chẳng có cái quái gì là quan hệ. Trong thế giới này, chân chính là kẻ nam tử hán cũng không có bao nhiêu người. Nếu có người nói rằng Lục Tiểu Phụng không phải là một nam tử hán, người đó tốt nhất là nên tìm một cái chùa hẻo lánh nào đó cầu thần linh phù hộ, phù hộ cho y không bị bạn bè của Lục Tiểu Phụng chạm mặt. Dĩ nhiên là càng phù hộ cho y không gặp phải Tây Môn Xuy Tuyết. Tây Môn Xuy Tuyết rất có thể vì một người y không quen biết, thậm chí vì một người y chưa từng gặp mặt bao giờ, bôn ba ngàn dặm, xông hương tắm rữa, trai giới năm ba ngày, đi giết một tên sát thủ trước giờ chưa hề bị bại trận. Bởi vì y nguyện ý đi làm chuyện đó. Bởi vì y cao hứng. Chuyện đó có được có thua, có thắng có bại, có sống có chết, y chẳng thèm để trong lòng. Nếu y không cao hứng nguyện ý thì sao? Thì chẳng còn cách gì hơn, dù có đem hết bạn bè của y lại trước cửa nhà y bày hàng ra quỳ xuống, y cũng làm như chẳng thấy gì. Thậm chí vì Lục Tiểu Phụng, cũng đều vậy thôi. Nếu y không cao hứng không nguyện ý, dù đem Lục Tiểu Phụng ra giết trước mắt y, y cũng chẳng thấy gì cả. Tây Môn Xuy Tuyết chỉ thấy có một thứ, thanh kiếm của y. o O o Mặt trời đang lặn bỗng từ trong lớp mây mù lộ ra, trong một khoảng trời mênh mang, đỏ ửng lên, rất là đỏ. Mặt trời đỏ nhất là lúc nó đã sắp lặn vào cuối chân trời. Người thì sao? Có phải cũng như vậy? Tây Môn Xuy Tuyết trước giờ không bao giờ thèm đi nghĩ những chuyện đó, đời người đại khái thế nào cũng có những lúc bi thương không cách nào làm gì được, thì tại sao lại đi nghĩ đến nó làm gì? Nghĩ đến rồi sẽ được gì? Y chỉ biết, hiện tại nhất định đã có một người muốn dùng một thanh kiếm trước giờ y chưa thấy, dùng một thứ kiếm pháp trước giờ y chưa thấy, đến đây cùng quyết sống chết với y. Đấy cũng chỉ là dự cảm của y thôi. Y đã cầm kiếm ngang dọc giang hồ hai mươi năm nay, vào sống ra chết không biết bao nhiêu lần, bây giờ y còn sống đây, dĩ nhiên y cũng như các tay danh hiệp sát thủ kiệt ngạo giang hồ, đều có một thứ dự cảm gần như dã thú. Có điều lần này, y bôn ba ngàn dặm, trai giới tắm rửa, đến ngọn núi này, chỉ vì y có hẹn. Ước hẹn vào lúc này, ước hẹn ở đây. Y không biết người nào ước hẹn y, có điều dám làm điều đó, chắc hẳn là một người phi thường cẩn thận, không những vậy, phi thường tự tin, tự tin vào tay kiếm của mình. Người này là ai? Tại sao lại dám đi ước hẹn với một tay kiếm khách như Tây Môn Xuy Tuyết, một kẻ chưa hề có địch thủ nào còn sống sót trở về, một kẻ chưa hề bị thất bại qua lần nào? o O o Mặt trời mới ló ra đỏ chói, như hai gò má của thiếu nữ đang thẹn thùng, sau đó thì đỏ như máu tươi của kẻ thù.
Một người đang chầm chậm đi lên núi.
Nếu y dùng khinh công bay nhảy mà lên, hoặc là dùng giây rừng bám vào trèo lên như chớp, người ấy sẽ không đáng là một đối thủ. Người này đang từ từ đi lên, tốc độ chậm đó, cũng giống như một ông chồng sợ vợ đang nửa đêm mò về nhà, vào tới phòng bà vợ đang ngủ, vừa nhẹ, vừa chậm, chỉ sợ gây ra tiếng động, hận không thể cầm chiếc giày lên tay. Có điều, bây giờ người dang đi lên núi, mang một đôi giày rất là, rất là nặng, có thể nói là trên đời này, không còn ai mang một đôi giày nào nặng hơn y. Người này mang một đôi giày bằng sắt, làm bằng sắt ròng đúc thành. Nếu có một người thợ rèn kinh nghiệm thật phong phú ở đây, muốn y ước lượng đôi giày nặng bao nhiêu, y sẽ nói, ít nhất là nặng bằng hai cặp đùi của một người béo mập. Nói vậy cũng khó mà biết nặng bao nhiêu, có điều ít nhất cũng là chín cân rưỡi tới mười ba cân. Tính khoảng chừng, một cái đùi mười cân, hai cái đùi hai chục cân, mang đôi giày sắt thêm hai chục cân nữa, đại đa số người nào như vậy đều đi đứng ầm ầm như sấm vậy, huống gì còn đang bò lên núi, huống gì người đó lại là thứ mập phì siêu cấp. Có điều gã mập mang đôi giày sắt siêu cấp này, đi từ đất bằng lên ngọn núi cao, tiếng động so với ông chồng đi về nhà, còn chậm, còn êm ái hơn nhiều, êm như một con a đầu đi xuống bếp ăn vụng. Người này vừa cao, vừa lớn, vừa hùng tráng, vừa béo, nhưng lại nhẹ nhàng như bướm. Người này đầu to tai lớn, mày thanh mắt sáng, gương mặt cười tít mắt lên, xem ra như một ông phật Di Lặc, có điều người nhận ra y, thà nhìn một trăm con ác quỹ, còn hơn nhìn phải y. Tây Môn Xuy Tuyết chẳng thèm nhìn người đó, thế giới này không chừng chẳng còn người nào đáng cho y phải nhìn. Người này không đến quấy nhiễu y, cũng chẳng dùng đôi giày sắt lại đá y, chẳng qua, y lấy trên lưng xuống một bao đồ, móc ra một khối thịt bò rán, hai con gà quay, tám miếng thịt quay làm ở Lãnh Nam, nguyên một con heo béo ngậy, bốn chục cái bánh bao, tám chục cái bánh tiêu, trải một tấm vải ra, để đầy ê hề lên, rồi ngồi xuống đó. Quả thật là ngồi ngay đó, không làm gì cả, không ăn gì cả, một người béo mập to lớn dường đó, nhìn trân trân vào một đám đồ ăn ngon lành như vậy, vẫn cứ ngồi yên vậy, chỉ nhìn, không ăn. Tây Môn Xuy Tuyết cũng chẳng động đậy, cũng chẳng nhìn, nhưng y bỗng nhiên nói một câu rất kỳ quái: - Tiểu sấu Tử (tên ốm), ta biết không phải ngươi, do đó hôm nay ngươi sẽ không chết. Có điều, hôm nay thật tình ngươi không nên lại đây. Người mang giày sắt bỗng nhiên gương mặt nhăn nhó lồi lõm lên, không những vậy, thân hình không ngớt run rẩy, như một cục thịt heo trong chão dầu. Y chẳng phải là một tên ốm yếu gì, y là một người lớn con, nếu Tây Môn Xuy Tuyết nói vậy, chắc đang cảnh cáo một tên ốm nào đó, vậy thì y sợ gì? Người béo mập sợ, vì hồi nhỏ, y là một tên ốm yếu, vì vậy y mang giày sắt, vì vậy y ráng sức ăn cho nhiều vào cho mập lên. Y ăn như vậy, làm sao mà không mập cho được? Vì y muốn thêm trọng lượng, từ nhỏ đã bắt đầu mang giày sắt đi đường, nếu khinh công của y còn không giỏi, thì trời còn có công bằng gì nữa? Có điều, bây giờ y không thể mập hơn được tý nào nữa. Vì vậy tuy lúc nào y cũng đem theo những thứ y thường thích ăn, y chỉ còn nhìn, chứ không ăn vào được. Gã Tiểu Sấu Tử này dĩ nhiên là tay sát thủ siêu cấp mới quật khởi trong giang hồ hai ba năm nay, tên là "Đại Cổ". Bụng của y lớn như trống, hơi thở của y phì phò như sấm, thậm chí người của y cũng như cái trống vậy. Một người bình thường tục tằn như y, có ai đi đề phòng bao giờ? Vì vậy mà mười chín tháng nay, những tay vũ lâm đại hào chết dưới hai bàn tay mập mạp của y, đã lên quá hơn con số người chết dưới lưỡi kiếm của Tây Môn Xuy Tuyết nhiều lắm. Có điều Tây Môn Xuy Tuyết biết người này lại đây không phải vì có ước hẹn. Cái gã béo tròn Tiểu Sấu Tử này, dù có ăn phải mê dược của yêu ma, cũng không dám lại chọc vào Tây Môn Xuy Tuyết. Ai mà dám động vào Tây Môn Xuy Tuyết. Lúc này, bỗng nhiên lại vang lên bước chân một người đang lên, cước bộ cực kỳ trầm trọng, hình như là một tên béo mập nặng tám trăm cân mang một đôi giày sắt nặng tám mươi cân vậy. Có điều, người ấy còn chưa lên đến đỉnh núi, Tây Môn Xuy Tuyết đã biết y không mập, cũng không nặng, mang đôi giày rất nhẹ và mỏng, một cặp hài thêu hoa bằng nĩ mềm. Nghe bước chân người đó, người béo mập gương mặt đang khẩn trương lập tức thở phào ra! Nhưng ánh mắt của Tây Môn Xuy Tuyết bỗng biến thành đỏ như máu, lạnh như tuyết.
Chú thích:
-------------
Chuyện tiểu thuyết kiếm hiệp viết đã được hai mươi bốn, năm, sáu, bảy năm nay, chưa hề có lời "chú". Có điều lúc tôi còn nhỏ đã rất thích đọc lời chú giải, bởi vì nó thường thường rất hay, rất tuyệt diệu, thường thường làm người ta đọc xong cuời ha hả lên. Ví dụ như, có người viết "xxx rút kiếm" xong, còn chú giải là "người này vốn đã bỏ kiếm trên bàn, đợi ăn cơm xong, lại đeo vào trong người, vì vậy mà có thể rút ra ngay". Xem xong lời chú đó, nếu không cười ha hả lên, không lẻ khóc sao? "Chú" có lúc cũng bộc lộ ra được cái ý tứ và học thức của tác giả, chú giải nói ra được những gì người ta không biết và muốn nghe, có lúc còn giống như vẽ rồng thêm mắt, không có mắt, chẳng thấy có rồng đâu. Tài tử phê bình, cũng cùng một thứ như vậy, Kim Thánh phê bình bốn vị đại tài tử, chính là một tuyệt tác loại đó. Tôi viết bài chú này, không liên quan gì đến Lục Tiểu Phụng, lại càng không liên quan gì đến Tây Môn Xuy Tuyết, thậm chí chẳng có tý liên quan gì đến câu chuyện tôi đang viết, có điều, nếu tôi không viết ra, lòng tôi không thoải mái, người khác e cũng không cao hứng. Bởi vì trong lời chú giải của tôi, xuất hiện ra hai người, dưới mắt của những người thích đọc tiểu thuyết kiếm hiệp thời nay, còn nổi danh hơn cả Lục Tiểu Phụng và Tây Môn Xuy Tuyết rất nhiều. Hai người này dĩ nhiên đều là bạn của tôi, dĩ nhiên, họ là Kim Dung và Nghê Khuông. Có một đêm khuya thật khuya, tôi và Nghê Khuông ngồi uống rượu, cũng không biết là đã uống lần thứ mấy trăm, mấy ngàn lần rồi, cũng không biết đã nói bao nhiêu chuyện dở khóc dở cười rồi. Lần này có khác là, hôm đó, tôi đề ra một câu muốn Nghê Khuông làm câu đối. Câu đầu là: Băng tỷ băng thủy băng (Nước đá so với nước có đá lạnh hơn) Nước đá nhất định là lạnh hơn nước trong đá, nước đá tan ra, nhiệt độ sẽ tăng lên. Nước phải tới độ đông mới thành đá được, vì vậy thứ nước nào trên thế giới này đều không lạnh bằng nước đá.
Câu đầu rất có học vấn, sáu chữ đã có ba chữ là "băng", chữ "băng" đầu là danh từ, chữ thứ nhì là hình dung từ, chữ thứ ba cũng vậy. Tôi và rất nhiều bạn bè có học vấn cùng nhau bàn cứu, trên thế giới này không có thứ văn tự nào có thể diễn tả được nhiều ý nghĩa trong một vài chữ như vậy. Câu đối vốn là một thứ văn tự độc đáo của người Trung quốc, không phải khó khăn gì lắm, nhưng rất là thú vị. Không thú vị là, câu trên có rồi, mà câu dưới không biết tìm ở đâu. Tôi nghĩ không ra, Nghê Khuông cũng nghĩ không ra. Nghê Khuông tuy thông minh hơn tôi xa, cũng rất "chịu chơi" hơn tôi nhiều, thậm chí, những người đàn bà khó tính lắm gặp ông ta, cũng phê phán rằng: "Người này thật là thú vị quá.", có điều một người rất thú vị cũng có lúc không thú vị lắm, cái câu đối phía trên thú vị là vậy, ông ta lại đối không ra. Điều đó cũng không kỳ quái. Kỳ quái là, Kim Dung nghe câu đối trên, cũng như các thứ vấn đề khác ông ta đã khảo cứu, suy nghĩ thật lâu, sau đó, mới nói bốn chữ: "Thử liên bất thông" (Câu đối này không thông suốt). Nghe đến bốn chữ đó, tôi rất khoan khoái, bởi vì tôi biết, ý tứ của câu "Thử liên bát thông", chính là nói: "Tôi cũng không đối được". Kim Dung tiên sinh là người thâm tư trí viễn, Nghê Khuông tiên sinh mẫn nhuệ tiệp tài, trong tình huống đó, nếu có một người nào đối được câu "Băng tỷ băng thủy băng", không những vậy, còn đối rất ổn thỏa, thiết thực, Kim Dung, Nghê Khuông và tôi đều nguyện ý kính tặng một bộ chuyện chúng tôi thân bút trước tác, gọi là lòng kính ý của chúng tôi đối với người đó. Bài chú giải này, chỉ sợ là một bài dài nhất trong các bộ tiểu thuyết kiếm hiệp.