Vương Tự Thuận nói:
- Bẩm đại nhân, ngày hai mươi ba tháng chín tiểu nhân tới nghỉ trọ tại quán của ông ta, ông ta kể cho tiểu nhân nghe chuyện gần đây xuất hiện một toán cướp, còn nói: "Ở lại cũng chết, còn bỏ đi e cũng không sống nổi. " Vậy phải làm sao đây? Bẩm đại nhân: May nhờ chủ quán họ Thịnh đây viết một phong thư, bảo tiểu nhân mang tới nương nhờ nhà em họ của ông ta ở Dương gia trang, bảo đảm có thể bình an vô sự. Tiểu nhận cầm theo phong thư ấy tới nhà họ Dương ở Dương gia trang gặp anh em võ cử họ Dương trao thư cho họ, khẩn cầu họ giúp đỡ. Anh em họ Dương vì nể mặt người anh họ nên đã giữ tiểu nhân ở lại nhận lời giúp đỡ tiểu nhân, còn bày cơm rượu khoản đãi rồi đưa tiểu nhân vào thư phòng nghỉ ngơi. Tới khoảng gần canh ba đêm ấy, bên ngoài có tiếng gõ cửa vọng vào khiến tiểu nhân giật mình tỉnh dậy nhưng không dám nói năng gì. Tiểu nhân lắng tai nghe ngóng động tĩnh của anh em họ Dương bên gian nhà chính. Chỉ nghe thấy gia nhân vào báo lại với chủ rằng người bên ngoài muốn tìm tiểu nhân. Hai anh em võ cử họ Dương lập tức chuẩn bị, dặn dò thuộc hạ thắp đèn đuốc ngoài sân lên, lại sai gia nhân mở cổng cho chúng vào, bảo dẫn tới đại sảnh. Tiểu nhân vội nhẹ nhàng trở dậy, mở cửa, ra khỏi phòng, ghé tai sát cửa sổ lắng nghe. Tiểu nhân ghé mắt nhìn vào, đếm được mười mấy tên, tên nào tên nấy lăm lăm vũ khí trong tay. Anh em họ Dương biết chắc sẽ có chuyện nên họ cũng chuẩn bị kỹ lưỡng rồi mới đi ra, lên đại sảnh. Dương Văn Bính mở lời nói trước.
Vương Tự Thuận dập đầu hành lễ, kể tiếp:
- Bẩm thanh thiên đại lão gia: Tiểu nhân đứng đằng sau bức tường, ghé mắt, dỏng tai theo dõi bên trong. Chỉ thấy võ cử nhân Dương Văn Bính là người mở lời nói trước: "Các vị tới đây, không biết có điều chi muốn chỉ bảo tại hạ?" Lũ cướp nghe võ cử hỏi vậy, một tên trong đám chúng cao giọng, nói: "Bọn tôi đây đều là trong giới lục lâm, chuyên đánh cướp khách buôn và người qua đường. Hôm nay có một vụ làm ăn, không ngờ người ấy lại ở trong quý phủ đây. Khi nãy có đứa lâu la dọ thám tình hình về nói với tôi: Nói có một khách qua đường đi một mình nhưng mang theo rất nhiều hành lý, xem ra hôm nay nhất định người ấy phải nghỉ lại trấn Long Đàm bởi trời tối, không thể tiếp tục lên đường được. Do đó chúng tôi mới vội đuổi theo, tới khách điếm của họ Thịnh, hỏi ra mới biết, người khách ấy đã tới nơi này. Bọn tôi bèn đuổi tới đây tìm người. Xem ra chắc người ấy còn đang ở đây. Xin hãy trao người ấy cho bọn tôi thì mọi việc sẽ êm xuôi cả. Vậy là giữa chúng ta, tình nghĩa vẫn còn vẹn toàn. Còn nếu ngài quanh co, giấu giếm, chỉ e không thể yên thân được với chúng tôi. " Võ cử nhân nghe hắn nói vậy, ông ta không hề quát tháo, tức giận, chỉ mỉm cười, nói với chúng: "Xin các vị hãy nghe tại hạ nói: Người buôn bán thực chẳng dễ dàng gì. Họ phải bỏ lại nhà cửa, ruộng nương, xa rời cha mẹ, vợ con để đi buôn bán kiếm tiền, lặn lội đội sương, dãi tuyết, khó khăn lắm mới kiếm được đồng tiền, trở về nhà nuôi dưỡng gia đình. Nếu như gặp phải các vị hảo hán, chẳng phải của cải mất sạch, tính mạng cũng không còn hay sao? Người ta thường nói: Từ xưa tới nay, thời nào cũng có khách lục lâm. Nhưng khách lục lâm lại khác hẳn với các vị. Có kẻ chỉ cướp một nửa số của cải của người bị hại, lại có kẻ chỉ cướp của, không hại người, lại có người chỉ giết lũ tham quan ô lại, vui vẻ giúp người nghèo khó. Từ xưa tới nay đâu thiếu người làm nghề buôn bán không bỏ vốn, nhưng là bậc anh hùng thì lại làm theo cách khác đâu như các vị vừa cướp của còn hại mạng người ta? Làm chuyện tổn âm đức như vậy tất không có được kết cuộc tốt đẹp. Chẳng lẽ các vị không biết câu "tác giả ác báo" hay sao?
- Bẩm đại lão gia, tiểu nhân đứng đằng sau bức tường nghe thấy rất rõ lời võ cử Dương Văn Bính khuyên nhủ lũ cường đạo. Ông ta nói: "Là người hảo hán phải biết cứu khốn phò nguy, trượng nghĩa sơ tài đó mới là việc của bậc đại trượng phu nên làm. Còn như các vị đánh cướp khách buôn, bất luận người ta có bao nhiêu tiền bạc đều bị các vị cướp sạch, còn hại cả tính mạng của người ta, khiến nhà họ cha con, vợ chồng không được nhìn thấy mặt nhau há chẳng phải là việc tổn hại tới âm đức lắm hay sao? Các vị đã thấy có tên cướp nào làm thượng thọ tám mươi chưa? Các vị gây ra tội ác, lẽ nào không bị người ta báo quan? Ngộ nhỡ quan huyện biết được, kinh động quan binh, liệu các vị có địch nổi không? Nếu bị bắt, e rằng khó tránh khỏi họa đao thương kề cổ, sau khi chết rồi còn mang tiếng nhơ là một thằng ăn cướp. Vị khách buôn khi nãy các vị nói tới kia vốn là người thân quen trong nhà tôi đây. Ông ta buôn bán tơ lụa, đi ngang qua đây, tiện đường vào thăm chúng tôi. Các vị đã đuổi theo ông ta tới đây rồi, tôi cũng được biết quy cũ trong ngành các vị, tuyệt đối không chịu bỏ về tay không. Hôm nay các ngài đã tới nhà tôi, đừng nói là chỉ có một chút việc ấy. Cho dù không phải vì việc ấy, đã tới đây, lý nào bọn tôi lại để các vị phải tay không ra về. Tại hạ xin tình nguyện dâng lên các vị chút lễ mọn tám trăm lạng bạc, các vị nhận lấy, coi như đã nể mặt tôi. Các vị thấy đấy, anh em chúng tôi cũng có chút ít tiếng tăm, coi như đã nể mặt chúng tôi, có gì là không được?"
Vương Tự Thuận lại kêu "đại nhân" rồi kể tiếp:
- Họ Dương đã muốn cứu tiểu nhân, tình nguyện bỏ ra mấy trăm lạng bạc đưa cho bọn cướp, chẳng ngờ chúng không chịu nghe theo. Một đứa trong đám chúng nói: "Họ Dương kia hãy nghe ta nói đây: Nếu là người khác nói câu này, xem ra bọn ta còn nghe lọt. Duy chỉ có hai anh em nhà ngươi nói ra thì tuyệt đối không thể được. Bọn ta ở cách đây không xa, chỉ khoảng bốn mươi lăm dặm đường. Nhà ngươi giàu có, ai mà chẳng biết. Khắp xa gần ai là người không hay. Bọn ta đây không tới đây đánh cướp là bởi coi ngươi như bạn bè, ngươi phải biết cảm cái ân ấy mới phải. Thế mới gọi là biết sống ở đời. Hôm nay bọn ta tới đây, các ngươi cũng nên đưa vị khách thương kia ra mới phải. Vậy mà ngươi còn già mồm lấp liếm cho qua, định đem mấy trăm lạng bạc ra để bọn ta bỏ qua là xong ư? Cho dù vàng bạc của ngươi có bỏ ra cao như núi để mua lấy tính mạng khách buôn kia e cũng không được? Hôm nay nếu bọn ta nhân nhượng ngươi, người ngoài biết được, chẳng phải họ sẽ cười bọn ta đến rớt cả răng hay sao? Hẳn họ sẽ nghĩ bọn ta chỉ biết hiếp đáp kẻ yếu, sợ hãi võ cử ngươi, làm ô danh các hảo hán trên giang hồ. Cho dù ngươi nói gì đi nữa thì cũng vẫn phải đưa người khách buôn kia ra đây. " Anh em võ cử nghe tên cướp nói vậy, Dương Văn Bính lập tức biến sắc mặt, tức giận nhìn thẳng vào lũ cướp, nói: "Các ngươi ăn nói càn rỡ, chỉ biết ngậm cứt phun lung tung! Nói thật cho các ngươi biết, hãy mau bỏ ý định đánh cướp trong nhà ta đi. Vị khách buôn kia thực ra ta chưa từng gặp mặt, không hề quen biết gì với nhà ta, chỉ vì đã tới nhờ cậy anh em ta đây. Cứu khốn phò nguy vốn là việc bậc hảo hán nên làm, trừ ác bá, trị tham quan, đó là việc của trượng phu, anh hùng đảm nhiệm".
- Bẩm đại nhân: Võ cử nhân Dương Văn Bính thấy lũ cướp không chịu nhận tiền, chỉ một mực đòi anh em võ cử phải nộp tôi cho chúng nên nổi giận, nói: "Ta vốn có ý tốt, muốn thưởng cho các ngươi mấy lạng bạc mang về, đó đã là ân cao như trời, sâu như biển của anh em ta đối với các ngươi rồi. Vậy mà các ngươi còn ngu muội, vô tri, không thức thời, cố chấp không chịu nhận. Nói thực cho các ngươi biết, người có ở đây, bạc cũng ở đây chỉ sợ các ngươi không đủ sức mang đi mà thôi. " Bẩm đại nhân: Đám cướp kia nghe võ cử nhân nói vậy, chúng đều nổi giận, lập tức trở mặt đòi động thủ.
Chỉ thấy bọn họ trở mặt với nhau, tuốt binh khí ra cầm sẵn trong tay, nhảy ra khỏi đại sảnh đòi phân cao thấp. Anh em cử nhân họ Dương thực là trang hảo hán, hai người bọn họ đánh nhau với mười mấy tên cướp. Tiểu nhân xem họ giao tranh mà kinh hãi trong lòng, chỉ sợ hai anh em nhà họ Dương thua về tay lũ cướp. Sau đó, đám gia nhân của nhà họ Dương cũng xông vào cuộc, xem ra cũng phải có tới mười mấy người. Hai bên nhất tề ra tay, đèn đuốc sáng rực cả sân. Đánh nhau tới lúc canh ba, không bên nào chịu nhường bên nào. Anh em nhà họ Dương hiển lộ thần oai, hai thanh cương đao trong tay họ vô cùng lợi hại, vung múa như bay, vừa nhanh lại vừa hiểm chém ngã hai tên cướp. Hai tên đó tuy vết thương không đến nỗi nguy hiểm tính mạng nhưng cũng phải nằm dài, kêu la ầm ĩ. Những tên còn lại trong đám cướp dần rơi vào thế thụ động, nao núng, chỉ mong có cơ hội chạy tháo thân. Chủ tớ nhà họ Dương đuổi theo, một lòng muốn bắt sạch bọn cướp. May cho chúng Dương Văn Bính là người trượng nghĩa, lại nhân hậu nên đã ngăn đám gia đinh và anh trai mình lại, cao giọng nói với lũ cướp. "Về lý mà nói, đáng ra bọn ta phải bắt hết các ngươi giải lên quan để xét xử, trừ hại cho dân, đó mới công bằng. Nhưng có một điều khiến ta không nỡ lòng làm vậy. Nay ta nói rõ ra đây cho các ngươi biết. Các ngươi vốn là cướp nhưng chưa lần nào dám kinh động tới thôn này của ta, coi như các ngươi vẫn còn thức thời nên hôm nay ta, mở cho các ngươi một con đường sống mà tha cho đi. Hãy cút mau, không được chậm trễ. " sau này, các ngươi hãy đi theo đường ngay nẻo chính, chớ nên nghĩ tới việc theo đuổi nghề này nữa, làm giặc cướp tất không có kết cuộc tốt đẹp cho mình. Hãy mau mau quay về nẻo chính.
- Dương võ cử còn khuyên nhủ lũ cướp một hồi nữa rồi mới bảo bọn chúng khiêng hai tên đồng bọn bị thương đi. Gia đinh nhà họ Dương đóng cổng lại. Hai anh em họ Dương vào trong nghỉ ngơi. Tiểu nhân vào cảm tạ, Dương võ cử nói: "Diệt trừ bọn cướp là nghĩa vụ của bậc đại trượng phu, đó chính là bản sắc của kẻ anh hùng. Không cần phải cảm ơn vì chuyện này. Lũ giặc kia rời khỏi đây, chắc sẽ kéo nhau tới vùng khác, xa chốn này. Nơi này từ đây được thái bình. Thôi, chúng ta đi nghỉ. " Anh em họ vào trong nghỉ ngơi, tiểu nhân lại quay vào thư phòng. Gia đinh nhà họ Dương tắt đèn đóm đi rồi lui ra nghỉ. Tới sáng sớm hôm sau, tiểu nhân trở dậy thu xếp hành lý, người nhà họ Dương bưng nước rửa mặt vào, lại dâng trà nước lên. Tiểu nhân dùng trà xong thì thấy anh em họ Dương tiến vào. Tiểu nhân xin được cáo từ, cử nhân sai người chuẩn bị lừa, xếp hành lý lên, dắt ra ngoài cổng. Tiểu nhân lên lừa, đi về nhà.
- Tiểu nhân lên lừa, nóng lòng chỉ muốn về nhà cho sớm, sau lại nghĩ ngợi miên man, không muốn lên đường ngay. Tiểu nhân nghĩ: Tuy không còn lo về bọn cướp nữa nhưng vẫn phải nghe ngóng rõ tin tức mới thực sự yên lòng. Chi bằng ta trở lại quán trọ của họ Thịnh, tạ ơn ông ta rồi ở lại đó một thời gian. Tiểu nhân thực lòng muốn nói câu này: Trong lòng tiểu nhân vẫn còn lo về lũ cướp. Ngộ nhỡ chúng đợi tiểu nhân ở phía trước, tiểu nhân tới đó, tức là đã mắc mưu chúng. Tiểu nhân nghĩ xong, vội thúc lừa quay lại, đi theo lối cũ, trở lại trấn Long Đàm, càng nghĩ càng thấy sợ. Tiểu nhân quay trở lại khách điếm, tiểu nhị dắt lừa của tiểu nhân buộc vào trong tàu. Chủ quán trọ họ Thịnh ra đón, mời tiểu nhân nghỉ lại trong quán của ông ta, hỏi thăm tình hình anh em nhà họ Dương. Tiểu nhân ở lại trong nhà họ Thịnh một đêm. Tối hôm sau, quả thực đã xảy ra chuyện. Có đầu người bị vứt vào nhà họ Dương. Hai chiếc đầu lâu máu me bê bết. Võ cử vào huyện báo quan, bảo chính trong vùng cũng tới nha môn trình báo. Ngờ đâu, tri huyện một lòng muốn gây khó dễ, ghép tội cho họ bằng những lời hết sức trái tai. Ông ta nói võ cử nhân hại người rồi tống họ vào ngục, tra hỏi họ xem thi thể người bị hại bị vứt ở đâu? Đêm hôm hai mươi nhăm còn xảy ra một chuyện kỳ quái khác. Già trẻ trong nhà họ Dương cả thảy hai mươi tư người, chỉ trong một đêm bị giết chết sạch. Đáng thương thay, bọn họ người nào người nấy nằm chết trong vũng máu.
Vương Tự Thuận kể xong, dập đầu lạy. Vị đại nhân người huyện Chư Thành ngồi sững sờ trên công đường.