Hôm ấy là ngày mười lăm tháng ba, là ngày sinh nhật của Triệu Thông. Nhà bếp bận rộn làm yến tiệc, nhà trên bày trò hát múa tưng bừng. Đám mèo mả gà đồng, bạn bè thân thích đều đến chúc mừng, kiệu, ngựa chật cửa, đàn sáo vang lừng, vô cùng náo nhiệt. Triệu Thông trong đại sảnh tiếp đón khách nam giới, Vương thị phía sau tiếp đón đám nữ nhân. Đám tiểu đồng, gia nô, a hoàn bận rộn tất bật, chạy qua chạy lại như những con thoi. Tiệc sáng đã xong, đám nghệ nhân diễn đi diễn lại vở "Thọ Kim Hoa". Vở kịch kết thúc, khách dự tiệc đứng dậy, đi vào thư phòng uống trà, nói chuyện. Vương thị cùng hai mươi tám ả thị nữ đưa đám nữ khách ra vườn hoa phía sau đi dạo, ngắm hoa xuân.
Một đám đàn bà do Vương thị dẫn đầu nói nói cười cười trong vườn hoa, tiếng đồ trang sức đinh đinh đang đang vang lên theo những bước chân của họ. Đang độ tháng ba, hoa xuân đua nở. Thực đúng là: Thiên khai đồ họa xuân quang hảo, lương thần mĩ cảnh lạc vô cùng. Lại nói chuyện đám khách nam nhân cùng đám ác đồ trong nhà trên. Ác tặc để mặc đám thực khách uống trà, nói chuyện với nhau trong thư phòng, còn hắn lẻn ra phía sau, chui vào vườn hoa, lén nhìn trộm đám khách nữ. Chỉ thấy khắp vườn đều là mĩ nữ, mỗi người một vẻ phong lưu riêng. Người nào người nấy quần là áo lượt, bộ dạng đứng đắn, đàng hoàng. Người phe phẩy cây quạt trong tay, tay cầm bông hoa nụ cười rạng rỡ trên mặt. Bọn họ tuy mỗi người một vẻ, lộng lẫy vô cùng, nhưng xem ra cũng chỉ thuộc loại bình thường. Tên giặc này nhìn sang phía cây hoa Bích Đào, thấy một nữ nhân tuyệt sắc đang đứng đó. Cô ta mặc một tấm áo chèn màu lục, quần lụa, lưng thắt đai bát phúc. Những ngón tay nhỏ, dài, cầm cây quạt mát, mặt rạng rỡ tựa đóa hoa xuân. Dưới gấu quần hơi lộ đôi gót sen rộng độ ba tấc đỏ lòng. Nàng có bờ eo mềm như liễu, thân thể nhẹ nhàng. Đôi mày ngài cong như vầng trăng khuyết đôi mắt sáng như sao đêm. Đôi môi đỏ như son, phía sau là hai hàm răng trắng như ngà ngọc. Cái miệng anh đào nhỏ hơi mím lại. Mặt đẹp tựa đóa phù dung. Mũi nhỏ, cao thực là xinh đẹp. Mái tóc đen óng ả như dải lụa Tô Châu, thực đúng là một khuê nữ xinh đẹp. Ác tặc càng nhìn, trong lòng càng yêu, bất giác hắn như mê, như tỉnh. Triệu Thông đang ngây người đứng ngắm, chợt mĩ nữ chuyển mình bỏ đi nơi khác.
Chỉ thấy nàng cất giọng trong trẻo như tiếng chim yến, nói:
- Mẹ, cây bích đào này nở thật nhiều hoa.
Lại thấy một giai nhân trung niên ứng tiếng, tiến lên, đưa tay ra nắm lấy tay mĩ nữ. Ác tặc Triệu Thông nhìn kỹ lại, giật mình nghĩ thầm: "Không ổn".
Triệu Thông nhìn lại, bất giác giật mình kinh hãi. Lửa dục bừng bừng trong lòng hắn đột nhiên tắt ngấm. Quý vị độc giả có biết mĩ nữ đứng bên cây hoa ấy là ai không? Thì ra chính là cháu gọi Triệu Thông bằng cậu. Triệu Thông vốn có ba chị em, giai nhân ngắt bích đào khi nãy chính là con của chị gái Triệu Thông. Mẹ của giai nhân là chị cả, người giữ chức Sơn Tây chính ty thứ hai, Triệu Thông thứ ba. Bà chị này tính nết ngoan hiền, đã được cha mẹ gả cho Trương cử nhân tại Bát Lý Trang tại phủ thành Giang Ninh. Trương cử nhân chết sớm, cô ta ở vậy đã hơn mười năm, tuổi đã năm mươi, chỉ có được một đứa con tên gọi Trương Tân, được ăn học tử tế, năm ấy hai mươi mốt tuổi, gả cho con gái Đỗ cống sinh ở thôn Bắc, tên gọi Đỗ Mị Nương là bậc quốc sắc thiên hương tuyệt thế vô song, năm nay mười chín tuổi. Hôm nay nàng theo bà tới dự sinh nhật ông cậu. Sau bữa tiệc liền cùng đám phụ nữ ra vườn ngắm hoa, tản bộ, bị ác đồ nấp trong góc khuất nhìn thấy, sau này mới nhận ra là cháu của mình.
Triệu Thông thấy vậy, trong lòng vô cùng khó xử, nghĩ thầm:
- Việc này ta phải tính sao đây.
Tên ác tặc suy tính một hồi, trong lòng khó xử, đôi lông mày nhăn lại, chợt nảy ra một kế. Người ta thường nói "ham sắc chẳng sợ cả trời". Câu nói này không hề sai. Triệu Thông đã quyết ý nghĩ:
- Việc này phải làm vậy. Chắc chắn nó không thể thoát khỏi tay ta. Lo gì nó không nghe theo. Chỉ cần ta làm cho chu đáo người ngoài làm sao biết được.
Chủ ý đã quyết. Ác tặc xoay mình, lui khỏi khe tường.
Ác tặc Triệu Thông bày kế độc. Tại hồi sau quý vị độc giả sẽ biết gái đẹp họ Đỗ phải khổ sở ra sao. Triệu Thông trở về tới nhà trên, cùng đám bạn bè uống rượu tiếp. Không lâu sau, sắc trời đã tối, mọi người cáo từ, ra về cả. Đám khách nữ nhân cũng tản đi, chỉ còn lại hai mẹ con mĩ nữ. Cả Trương Tân cũng vẫn chưa về. Bởi vì họ là người chí thân trong nhà nên khác với đám khách khứa khác. Triệu Thông đã bày sẵn kế, dặn dò bốn, năm đứa thủ hạ, gia nô:
- Hôm nay ta có việc cần, ngoài các người ra, không ai khác có thể lo nổi. Khi nãy ta thấy Đỗ thị xinh đẹp, cô ta đã lấy hết cả ba hồn bảy vía của ta đi rồi. Hôm nay các ngươi chớ chậm trễ phải làm việc này ngay cho ta.
Triệu Thông bày kế, gọi mấy tên gia nô trộm cướp tới, bảo chúng lén đi theo sau kiệu của Đỗ thị, tới vùng vắng vẻ nhất tề ra tay, đánh đuổi kiệu phu, cướp kiệu của Đỗ thị về phủ, khiêng thẳng vào phòng của Triệu Thông, giam Mị Nương vào trong mật thất, sai người canh gác.
Lại nói chuyện mẹ của Đỗ thị và chồng của nàng là Trương Tân thấy mấy tên cướp mặt mày che kín, tay cầm đao thương tự xưng là "vua núi" cướp mất kiệu của vợ đi. Chàng sợ hãi ngã lăn xuống ngựa, hôn mê bất tỉnh. Con ngựa giật mình chạy mất tích. Kiệu phu khiêng mẹ chàng thấy vậy cũng vứt cả kiệu bỏ chạy tháo thân. Tới khi hai mẹ con tỉnh lại thì không còn thấy kiệu của Mị Nương đâu nữa. Trương Tân chẳng biết làm sao, chỉ còn biết dìu mẹ là Triệu thị mò mẫm tìm đường về Bát Lý Trang. Tuy từ nơi ấy cách nhà họ chỉ bốn, năm dặm đường nhưng họ phải đi tới canh hai mới về được tới nhà. Hai mẹ con vào nhà, khóc rống lên một trận.
Tới sáng sớm ngày hôm sau, hai mẹ con trở dậy chải đầu rửa mặt xong xuôi, một mặt sai người sang nhà Triệu Thông báo tin, một mặt viết đơn mang lên phủ Giang Ninh trình báo.
Lại nói chuyện Lưu đại nhân đang ngồi trên công đường xử vụ án của quả phụ họ Kim. Bãi đường, trở về thư phòng, ngồi xuống. Trương Lộc dâng trà lên. Trà nước xong xuôi, lại dâng cơm lên. Đại nhân dùng bữa xong, Trương Lộc đuổi hết người hầu, tắt đèn đi nghỉ. Tới sáng sớm ngày hôm sau, Lưu đại nhân trở dậy rửa mặt thay đồ. Cơm nước xong xuôi lập tức thăng đường. Nha dịch hét thăng đường xong, chia ra đứng hai bên. Lưu đại nhân đang xem đơn kiện, chợt thấy bên ngoài vang lên tiếng kêu oan. Bảo gọi vào nha môn. Người kêu oan tiến vào công đường, quỳ xuống, nói:
- Thanh thiên đại lão gia. Học sinh bị oan, cầu xin ngài đứng ra phân xử.
Nói xong, hai tay dâng đơn kiện lên. Lưu đại nhân nghe vậy đưa mắt nhìn xuống.
Lưu đại nhân nhìn xuống, thấy người quỳ dưới công đường ăn vận theo lối thư sinh, tuổi độ chưa đầy ba mươi, chỉ độ hai hai, hai ba. Mình mặc tấm áo vải màu lam, đầu đội mũ nhung, ngoài khoác áo bào điểm đỏ. Do lên công đường nên thấy anh ta chân đi đôi giày vải màu trắng, vớ xanh. Đại nhân quan sát một hồi, nói:
- Nhận đơn kiện, mang lên đây cho bản phủ xem.
Thư lại ứng tiếng, bước xuống nhận lấy đơn kiện, dâng lên.
Lưu đại nhân nhận lấy, đưa lên đọc, thấy trên đó viết:
- Học sinh nhà tại phủ Giang Ninh trong Bát Lý Trang. Cha tiểu nhân đỗ cử nhân tên gọi Trương Bằng, chẳng may mất sớm. Học sinh năm nay hai mươi hai tuổi, tên gọi Trương Tân. Cũng là số phận hẩm hiu, sóng nổi ngay trên đất bằng, tai họa từ trời giáng xuống. Hôm ấy là ngày mười lăm tháng ba, là ngày sinh nhật ông cậu tại Sa Hà Trạch. Cả ngày yến ẩm cho tới tối, xong việc lên đường trở về nhà. Học sinh cùng mẹ và vợ đang trên đường, tới vùng hoang vu cách Sa Hà Trại không xa. Lúc này vừa trống canh đầu, chợt thấy một lũ cường đạo cầm vũ khí đứng chắn ngang đường. Đứa nào đứa nấy che kín mặt mũi, hình dung cổ quái, tay cầm đao, thương. Chúng xông ra đòi tiền mãi lộ. Chẳng ngờ, do quá sợ hãi tiểu nhân ngã ngửa, lũ gia nhân sợ hãi cũng bỏ chạy cả, vứt cả kiệu của mẹ tiểu nhân, xem chút nữa khiến người mất mạng. Tới khi mẹ con tiểu nhân tỉnh lại cả người lẫn kiệu của vợ tiểu nhân đều không còn. Học sinh chẳng biết phải làm sao, đành tới đây kêu oan.
Lưu đại nhân đọc xong lá đơn kiện, trong lòng nghĩ thầm:
- Thực quá đáng!