TRỊNH UYÊN KHÔNG NHÌN THẤY HẮN. LA ĐỘ GẦN TRONG GANG TẤC, LÂN TIÊU SỪNG SỮNG BÊN SÔNG. NHƯNG TRỊNH UYÊN, KHÔNG THẤY ĐƯỢC HẮN.
________________________________________________________________________________
Chỉ trong một đêm, sự kiện Tương Thành thất thủ đã đập nát giấc mộng thơm lành của toàn bộ Lân Tiêu, và dường như cũng cất lên khúc dạo đầu cho sự diệt vong của nước Ngụy. Sau nhiều năm nhàn nhã, dân chúng thành Lân Tiêu chợt bừng tỉnh, ý thức được rằng nước Ngụy dù kiêu ngạo đến mấy cũng không phải là không thể nào phá vỡ. Trên phố, trong ngõ, mọi người tụ tập, rì rầm truyền tai nhau những tin tức góp nhặt được về tình hình ngoài chiến trường. Trong giọng nói hay cử chỉ đều tràn ngập sự sợ hãi. Không chỉ có Lân Tiêu, sự hoảng hốt lan tỏa ra toàn bộ nước Ngụy. Giống như nơi nước trong nồi nước đang sôi ùng ục, chỉ cần mở vung nồi ra thì sẽ cuồn cuộn bốc lên không thể nén ngược lại nữa.
Nước Ngụy khi Cẩn Hâm đế tiếp quản vẫn còn mưa thuận gió hòa, cũng chưa trải qua một cuộc chiến tranh đúng nghĩa nào. Trước khi Tề - Trịnh liên quân phạt Ngụy, lần duy nhất đế vương trẻ tuổi bị khiêu chiến chính là nước Lương vốn đã quy thuận, bấy giờ lại tự giương cờ nổi dậy từ vùng biên giới phía đông bắc. Ngụy Ly không thể tra xét được liệu sự lật lọng của nước Lương có phải bắt nguồn từ hai nước Tề, Trịnh xúi giục hay không. Hắn chỉ biết, đạo quân Báo Đằng tinh nhuệ kiêu ngạo bậc nhất cả nước, dưới sự thống suất của Viên Duẫn Đàn, đã chém được đầu của thủ lĩnh phản quân dễ như trở bàn tay, sau đó treo thủ cấp lên cột cờ dựng trước doanh trại quân Ngụy.
Điều khiến người ta nể sợ Cẩn Hâm Đế, chính là khi Ngụy Ly phải đối mặt với sự uy hiếp xưa nay chưa từng có, hắn vẫn có thể tỏ ra sáng suốt ung dung - điều mà lịch đại quân chủ thời kỳ thái bình cũng hiếm khi làm được. Hắn không nghe theo những phương hướng mù mịt mà đại đa số các đại thần hoảng sợ tiến vào can gián, cũng không kéo xích sắt chắn ngang dòng Lân Tiêu theo kế sách trong binh thư, dựa vào địa thế hiểm yếu để thủ vững thành trì. Ngụy Ly hiểu rất rõ, dòng sông Lân Tiêu vừa là ưu thế, vừa là nhược điểm của thành Lân Tiêu. Thành trì này được kiến tạo dựa trên sông nước, mặt lưng quay ra Đông Hải, dựa dẫm vào sự phòng hộ kỳ diệu của thiên nhiên mà chưa bao giờ gặp nạn từ thuở nhà Ngụy lập thủ đô đến tận bây giờ. Nhưng cũng chính vị trí đó, nếu quân địch tấn công vượt qua dòng sông, quân đội bảo vệ Lân Tiêu xem như không còn chỗ nào để thoái lui, chỉ có thể ngồi chờ chết. Trọng yếu hơn nữa, nếu một ngày nào đó xuất hiện lời đồn đãi gây khủng hoàng trong thành, sự hỗn loạn nổi lên từ chính dân chúng đang bị tù túng trong Lân Tiêu hiển nhiên đủ mạnh để đẩy toàn bộ tòa thành vào cảnh vạn kiếp bất phục.
Chính vì lý do này nên Ngụy Ly không tăng cường gia cố Lân Tiêu, mà dẫn quân đi ngược dòng Lân Tiêu đến La Độ, một trong ba tòa thành thuộc "Tam Đô". La Độ được xây dựng trên đoạn sông hẹp nhưng nhiều dòng nước xoáy, chỉ có những tay chèo dày dạn kinh nghiệm nhất mới dám đi thuyền qua đoạn sông này. Vì dòng nước ở đây quá hung niểm nên từng được người bản địa gọi là Tu La Độ.
Hoa Dân đế, tức tổ phụ của Ngụy Ly, trong năm đầu tiên sau khi kế vị đã chọn Tu La Độ để xây cầu vượt sông, với mục đích tạo điều kiện cho tiểu thương vận chuyển lại qua. Cầu Tu La xây trong năm năm ròng rã mới hoàn tất, công tượngđang làm việc bị rơi xuống sông bỏ mạng nhiều không đếm xiết. Sau khi cầu Tu La hoàn thành, hai bên đầu cầu càng ngày càng phồn vinh. Năm Ngụy Thiên Kỳ thứ nhất, chính thức dựng nên thành La Độ ở đối diện thành Lân Tiêu, cách nhau một dòng sông. Năm đó, Thiên Kỳ đế ái ngại rằng ba chữ Tu La Độ mang sát khí quá nặng nề nên đã bỏ đi chữ "Tu", chỉ dùng hai chữ còn lại để đặt tên cho tòa thành từ đấy. La Độ là rào cản cuối cùng nếu muốn thần tốc tiến về Lân Tiêu, cũng là nơi mà binh mã nước Ngụy tập kết. Nếu liên quân Tề - Trịnh muốn phá được Lân Tiêu, chắc chắn phải đối đầu với thành trì này trước.
Khí thế của liên quân Tề - Trịnh đang rất thịnh, đã quyết định xong nơi cần phải tiến tới. Hơn nữa, kỷ luật trong quân Tề - Trịnh rất nghiêm, trên đường đi không hề lấy một cây kim sợi chỉ của dân chúng, ngược lại còn khá được lòng dân. Các đô thành bên trong lòng nước Ngụy không có đủ binh lực, kết hợp với việc liên quân Tề - Trịnh nhân nghĩa nên hơn phân nửa vừa nghe thấy quân tới đã đầu hàng. Tình huống hiện nay đối với nước Ngụy mà nói, La Độ chính là cơ hội duy nhất để quân Ngụy chuyển bại thành thắng.
Viên Duẫn Đàn từng đưa một kiến nghị lên Ngụy Ly, rằng trước khi phát binh tới La Độ thì hãy gia cố tường thành, cổng thành Lân Tiêu, đồng thời giữ lại một phần quân tinh nhuệ để trấn thủ. Lý do của Viên Duẫn Đàn, chính là vạn nhất La Độ có biến, đại quân vẫn có thể rút lui ngay về Lân Tiêu, từ từ suy tính. Kiến nghị ngày bị Ngụy Ly không chút do dự phủ quyết ngay trong buổi chầu triều, trước mặt quần thần. Hắn nói với Viên Duẫn Đàn, hắn không muốn, cũng không thể nào khiến cho đô thành thịnh vượng, đầy những phố phường bán buôn sung túc hàng đầu Lục Quốc phải trở thành bãi chiến trường. La Độ không gìn giữ nổi, ắt vận thế của nước Ngụy đã cạn kiệt, hắn cam tâm tình nguyện hai tay dâng Lân Tiêu cho giặc, dù có chết xuống suối vàng cũng không còn mặt mũi nào nhìn tổ tiên. Hắn còn nói, trên chiến trường cũng còn đó nhân nghĩa. Thiêu Dương chắc chắn phải hiểu, một khi hắn ám chỉ rằng không gia cố Lân Tiêu, quân Tề sẽ không đuổi theo vào thành Lân Tiêu để cướp bóc.
Trước những lời ca tụng bệ hạ có lòng yêu dân như con, Viên Duẫn Đàn vẫn một mực lặng im. Bãi triều rồi y mới như thường lệ mà đến trước điện Thanh Hoa, bình tĩnh chờ Cẩn Hâm đế đến để thương nghị cách an bài tại La Độ. Tin tức Bình Loạn vương bị Hoàng đế bác bỏ trước mặt mọi người trong buổi chầu triều không cánh mà bay đi khắp cung điện, các cung nhân đi qua đi lại cũng tò mò bàn tán, liệu Bình Loạn vương vốn luôn sống trong nhung lụa, có thể nào vì thể diện được mất nhất thời mà bất hòa sâu sắc với đế vương.
Ngụy Ly, vẫn còn đang mặc triều phục, cuối cùng cũng xuất hiện trước mắt mọi người. Điện Thanh Hoa bỗng chốc lặng ngắt. Viên Duẫn Đàn bước theo hoàng đế, duy trì khoảng cách đúng ba bước chân, đi vào trong nội đường. Ngụy Ly quay lại nhìn y. Vẫn như vô số lần trong quá khứ, trên khuôn mặt rỡ ràng nho nhã của y chỉ có mỗi một vẻ ung dung điềm tĩnh. Ngụy Ly đã quen với sự hiện diện của Viên Duẫn Đàn như thế, không cầu mong, không đua tranh, không quá xa, cũng không quá gần.
Ngụy Ly nhẹ thở dài, Trẫm biết ngươi vì trẫm, vì Ngụy quốc. Nhưng ngươi hiểu trẫm vì điều gì, có đúng không?
"Thần hiểu." Viên Duẫn Đàn nói, "Lui quân giữ thành Lân Tiêu, chuyện này chắc chắn sẽ có người nhắc đến. Chẳng bằng thần nói ra trước, để bệ hạ tỏ rõ quyết tâm quyết chiến ở La Độ."
Nghe đến đó, khuôn mặt tuấn mỹ uy nghiêm của vị quân vương mới vừa hai mươi lăm tuổi cũng chẳng có thêm biểu hiện gì khác. Chỉ có ánh mắt là ngoái vọng về ngoài xa ồn ã bụi mờ, xa khỏi cánh cửa cung nặng trĩu, "Trẫm, không sợ cơ nghiệp tận hủy, thiên cổ bêu danh. Trẫm sợ hãi, nếu Lân Tiêu hủy đi rồi, thứ muốn giữ gìn sẽ không còn giữ được."
"Chỉ cần Lân Tiêu còn ở nơi này, mỗi sớm mai còn có tiếng rao rộn ràng cất lên, mỗi mùa Trung Thu sẽ còn phố chợ, còn diễn xiếc -- Thật là tốt."
Viên Duẫn Đàn không nói. Y biết, thứ mà bệ hạ muốn tìm kiếm, muốn giữ gìn, là vô vàn những ký ức bé nhỏ cùng người ấy. Sau đó, ánh mắt của Ngụy Ly sâu thăm thẳm hơn bao giờ hết, như sắp rã nát đi, hắn tựa hồ một đứa trẻ lì lợm đang bị lạc lối trong chính mê cung của mình, "Nhiều khi trẫm cũng nghĩ, nếu không bỏ được, vì sao năm đó còn muốn cậu ấy ra đi."
Viên Duẫn Đàn im lặng, chăm chú nhìn quân vương đang chìm lút vào trầm tư, ánh mắt lóe lên sự buồn thương mà hắn phải gánh lấy. Đương sơ, quyết đòi cậu ra đi là Cẩn Hâm đế. Mà hôm nay, kẻ không dứt bỏ được, chỉ còn lại Ngụy Ly. Bên dưới chiếc mão hắc báo long ấy có hai linh hồn cùng bị giam cầm, cứ mãi dây dưa không thoát được. Viên Duẫn Đàn không thể phân biệt rõ là ai đang nói chuyện với y.
Đến khi bình tĩnh trở lại, Ngụy Ly một lần nữa hướng ánh mắt sáng tỏ nhìn về phía y, thản nhiên nói, "Nếu Ngụy quốc mất, chỉ riêng trẫm theo cùng, là đủ."
Viên Duẫn Đàn giật mình, hiểu rằng Ngụy Ly đã đẩy y vào một hoàn cảnh y chưa bao giờ tưởng tượng. Lần đâu tiên, y không biết phải đáp lời thế nào trước mặt Ngụy Ly. Từ lúc đầu tiên đến bây giờ, từ quá khứ đến những ngày sắp tới, gia tộc họ Viên đều mãi mãi tồn tại cùng nước Ngụy. Y chưa bao giờ nghĩ tới có khả năng nào khác.
Bỗng nhiên Ngụy Ly cười rộ lên, đó là một tràng cười tuấn lãng tùy ý không gì sánh được, bật lên từ khóe môi của hắn, vút cao qua khỏi đôi mắt hắn, sau cuối ngưng đọng cở chót cùng đôi lông mày, hàm chứa bên trong nó sự hào hiệp khảng khái mà Viên Duẫn Đàn hầu như quên mất, "Nực cười, có trẫm ở đây, Ngụy quốc có thể mất đi đâu? "
Hắn nói đoạn, quay người đi nơi khác, cầm lấy địa đồ La Độ trên án, ý bảo Viên Duẫn Đàn bước qua xem xét.
Viên Duẫn Đàn bước qua, nhưng trong lòng hoàn toàn trống rỗng. Y cũng hiểu, câu nói vừa lúc nãy, là Ngụy Ly nói rất thật lòng.
Bỗng dưng y nghĩ, nếu Trịnh Uyên thấy nụ cười mới vừa rồi của bệ hạ, chắc hẳn sẽ rất hân hoan.
-
Theo nhìn nhận của người đời sau, quyết định giữ gìn Lân Tiêu của Cẩn Hâm đế chính là sự nhượng bộ lớn nhất trong khả năng của một bậc đế vương. Hắn muốn đem hết khả năng của mình để bảo vệ sự phồn vinh mà thành Lân Tiêu tích lũy nhiều năm mới có được. Trên thực tế, sau khi nước Ngụy diệt vong, dưới sự hợp tác thống trị của hai nước Tề, Trịnh, chẳng mấy chốc Lân Tiêu đã xóa sạch bóng ma chiến loạn, nông nghiệp hay thương nghiệp ở phía hạ du dòng Lân Tiêu cũng nhanh chóng được khôi phục. Mãi đến rất nhiều năm sau, dù trải qua mấy lần đổi tên, nhưng Lân Tiêu vẫn là đô thành đẹp đẽ, trù phú bậc nhất trên khắp đất đai Lục Quốc.
Cũng như phần lớn triều thần nước Ngụy thời điểm đó, các nhà sử học cũng rất kinh ngạc trước sách lược chiến tranh mà Ngụy Ly vừa mới ban ra. Bọn họ nhìn thấy đằng sau quyết định này là sự nhân từ hiếm thấy của Cẩn Hâm hoàng đế, khi hắn đặt cuộc sống của lê dân bách tính lên trên thể diện đế vương. Điều này càng khiến cho Ngụy Ly giống với một bậc đại trí giả bao dung cho thiên hạ, chứ không phải là bá chủ cai trị một phương trời. Thứ hắn thấu suốt không chỉ là được mất nhất thời, mà còn là cuộc sống bình yên hoan ca của một vùng bờ bãi dòng Lân Tiêu. Do đó, một số nhà sử học đã gọi vua nước Ngụy thời suy vong là đấng quân vương đại trí tuệ. Đánh giá cao nhường này, đừng nói là đối với các vị vua mất nước thời Lục Quốc, mà đối với rất nhiều thánh quân minh chủ trong suốt chiều dài lịch sử đi nữa cũng vô cùng hiếm có.
-
Trên đường theo quân xuất phát đến La Độ, Trịnh Uyên đoạt được tin tức rằng Cẩn Hâm đế sẽ thống suất phần lớn quân đội của Lân Tiêu, ngự giá thân chinh đến trấn thủ La Độ. Cậu vô cùng cảm kích bản thân mình đã không chọn Lân Tiêu làm chiến trường đồ sát cuối cùng, dù cho có xuất phát từ nguyên nhân nào đi nữa. Mấy tháng nay, trong tiếng gió thoảng reo khi đêm xuống, trong tiếng đao kiếm thỉnh thoảng chói lói từ các thành trấn xa gần, Trịnh Uyên cũng hay mông lung nghĩ, rằng có khi nào Ngụy Ly và cậu đều đang chấp nhất níu giữ quá khứ xa vời ấy, không nỡ hủy diệt đi. Nhưng những suy nghĩ ấy không kéo dài được bao lâu, cũng không thể nào khiến cho sự tĩnh tại trong lòng Trịnh Uyên gợn sóng. Trịnh Uyên nằm trong quân trướng, ngửa mặt lên nhì nhìn thấy đốm sáng đèn dầu leo lét như một hạt đậu con. Cậu nghĩ, chẳng bao lâu nữa có thể nhìn thấy được Ngụy Ly rồi, nhưng còn những gì nhỏ nhoi gắn liền với hắn ở nơi thẳm sâu trong hồi ức, cậu đã không còn sức lực để tìm về được nữa.
Từ khi cưới Hoàn Lan, cậu đã hiểu rõ bản thân mình không cách gì quay đầu lại. Cậu đã sớm nhìn thấy, bên dưới cơ thể gầy gò của Tuyên Minh Đế nước Tề ẩn giấu một dã tâm to lớn. Dù cậu không ra hiệu trước, Tuyên Minh Đế cũng rất nhanh sẽ tìm cớ để yêu cầu Trịnh phạt Ngụy. Mà cách này cũng là cách duy nhất cậu có thể nghĩ đến, để một lần nữa được nhìn thấy nhau.
Giành giật Trung Nguyên, nhòm ngó thiên hạ - Cẩn Hâm đế hay Tuyên Minh đế đều vậy, họ đều quyết đánh một trận thư hùng ấn định giang sơn muôn đời. Nhưng còn cậu, cậu chỉ mong người kia thật lòng nhìn đến cậu, dù chỉ một lần thôi cũng được.
Tiếp đó cậu nghe thấy cách không xa bên ngoài trướng có tiếng đàn quanh quẩn, mỏng manh mà cứng cỏi, như một tấm lưới khít khao được giăng ra trong thinh vắng, tỏa vào bầu trời đêm quạnh hiu. Và rồi những sợi lưới đan dệt vào nhau như chậm rãi kéo về, kéo luôn cả ánh trăng lấp lánh cắt ngang vùng trời đen kịt mênh mông. Cậu bỗng nhiên muốn ra khỏi quân trướng, nói gì đó với người đánh đàn. Nhưng khi cậu vừa mới khoác áo ngoài ngồi dậy được một lúc, cơn đau buốt bùng lên tràn ngập trong lồng ngực, khiến cậu cơ hồ như mất đi ý thức. Cậu ngã nặng nề xuống sạp, cắn chặt răng hòng kềm chế tràng ho khan đang chực chờ kéo tới. Cậu cố gắng nuốt xuống cổ họng trở lại thứ ngọt tanh đang chực trào lên, cảm thấy một cơn choáng váng buồn nôn khiến cậu không thể nào thở nổi. Cậu thở rít lên, rón rén lục lọi bên giường tìm chiếc khăn lụa, đưa lên môi cố lau đi những đốm đỏ dị dạng không kịp nuốt xuống.
Khăn lụa tốt nhất từ nước Trịnh, dù đã phai theo thời gian, dù có lốm đốm dính máu, nhưng vẫn êm ái mượt mà như vậy. Nhìn qua cứ tưởng như một bức tranh bằng giấy Tuyên đã cũ, vẽ hồng mai nở kín núi đồi. Trịnh Uyên đưa khăn lên trước đèn săm soi, nghĩ lần phát tác trước dường như không đau dữ dội đến thế này. Cậu hiểu rõ cơ thể của bản thân mình, chỉ là không biết còn gạt được chư tướng dưới trướng mình được bao lâu nữa.
Cậu biết, tiếng đàn mới rồi là của Thiệu Dương. Trong quân Tề đều biết Thiệu Tướng quân có ba vật quý trọng nhất: Con ngựa y cưỡi, tên "Hiệp Dực", thanh bội kiếm khắc hoa văn lưu vũ phượng vĩ và một chiếc đàn không tên. Trịnh Uyên hiểu đối với người rong ruổi sa trường, chiến mã rất trọng yếu, cũng đoán được phần nào huyền cơ của thanh bội kiếm ngự ban, nhưng vẫn không hiểu đối với một chiếc đàn tầm thường như thế, Thiệu Dương đang ôm tâm tư gì. Huống hồ nghe tiếng đàn của y không quá khác biệt với nhạc âm bình thường, tuy nhiên cung ly thương loạn. Người có chút ít hiểu biết về khúc điệu đều biết, cung là quân, thương là thần. Trước nay âm nhạc của người Tề thường kiêu ngạo, nhưng kết cấu cũng không đến mức không cân xứng, cung không đủ mà thương có thừa như thế. Do đó, Trịnh Uyên chắc chắn rằng phía sau tiếng đàn kia còn cất giấu một ý nghĩa khác.
Thiệu Dương kiệm lời, nhưng không phải là một người lòng trơ như đá tảng. Lúc bắt đầu đánh chiếm Tương Thành, dù chính y là người đưa ra kế sách nghi binh nhưng lần lữa mãi không muốn tiến hành. Không phải y sợ Lý Hạo Kỳ nhìn thấu, mà là không muốn thấy quá nhiều quân sĩ vô tội phải chết. Thiệu Dương cứ chấp nhất, rằng trên chiến trường giết địch mà hy sinh là một chuyện, còn vì để hoàn thành mưu kế này mà bỏ mạng khơi khơi là một chuyện khác. Mãi đến khi Trịnh Uyên bí mật sai sứ giả tới nước Tề, dùng chút mưu nhỏ để dụ Tuyên Minh đế hạ chỉ, lệnh cho Thiệu Dương lập tức phải phá Tương Thành, khi ấy mới khiến y hạ lệnh công thành. Nên Trịnh Uyên chợt nghĩ, đàn cầm dĩ nhiên cao quý trang nhã, nhưng tình cảm thể hiện ra vô cùng mỏng mảnh, không hề hợp với một thiếu niên Tướng quân tấm lòng khoan dung nhân hậu rồi lại chấp nhất không gì sánh kịp để giành chiến thắng.
Điểm này, đến tận bây giờ Trịnh Uyên cũng không hỏi Thiệu Dương. Cũng như Thiệu Dương cho đến giờ cũng không hỏi cậu, vì sao cứ mang khư khư một chiếc khăn lụa ố vàng bên người như báu vật. Mỗi người đều có những nỗi niềm riêng, tưởng như không hề liên can đến người khác, nhưng phía sau đó, rất có thể đã chôn giấu từ lâu một kiếp sống họ không thể trở về.
Theo người đời sau bình luận, liên quân Tề - Trịnh thời kỳ phạt Ngụy là hình mẫu hợp tác quân sự kinh điển giữa hai quốc gia thuộc thời Lục Quốc. Tĩnh Hoài đế Trịnh Uyên quyết đoán, giỏi quyền mưu, chuyên hành động một mình, không giàu tín nghĩa nhưng mưu sâu kế hiểm. Mối quan hệ giữa con người này đối với chúng quân tướng, binh sĩ cũng không mấy gắn bó. Vị quân chủ lạnh lùng cơ trí như vậy có thể cai trị vạn người, nhưng khó giữ ngàn quân. Ngược lại, Thiệu Dương chính là vị thống suất mà tất cả tướng lĩnh đều mong chờ, tiến có thể làm gương cho quân sĩ, thoái có thể ổn định cục diện. Y không giữ cho riêng mình, không tham công lao, không mượn cớ che đậy, cũng không xem mạng người như cỏ rác mà đi theo đạo lý "nhất tướng công thành vạn cốt khô". Dù là các tướng lĩnh người Trịnh, sau một thới gian dài cộng sự, đều tâm phục khẩu phục Thiệu Dương, để cho y điều khiển. Mặt khác, sự hiện diện của Trịnh Uyên khiến các tướng lĩnh không dám xem thường cục diện mà tự dò dẫm làm càn theo ý của mình. Còn Thiệu Dương thì có thể khiến cho liên quân trên dưới một lòng, vào sinh ra tử không một câu oán hận.
Càng xảo diệu hơn nữa, theo sách sử nhà Tề chép lại, Thiệu Dương có một trực giác cực kỳ nhạy cảm, có thể phán đoán được những nước cờ quân sự của địch thủ. Điều này và quy tắc nhân nghĩa đến khắc kỷ của y thường mâu thuẫn lẫn nhau. Về chiến dịch Tương Thành, dù y đã có phương hướng phá vòng vây từ lâu, nhưng vì nghĩ đến thương vong quá lớn nên nhiều lần do dự, không thể quyết định. Sự lãnh khốc đến điềm nhiên của Trịnh Uyên, vừa vặn thay, đã bù đắp hoàn hảo cho sự nhẹ dạ của vị tướng thiếu niên, khiến cho mọi sách lược đều có thể thực thi nhanh chóng. Song song đó, Trịnh Uyên là vua của một nước. Việc vua thân chinh ra chiến trận cũng khiến cho quân Trịnh - vốn yếu kém hơn hẳn phía Tề về binh lực - nay có thể cùng đứng cùng ngồi với các tướng lĩnh nhà Tề, trong lòng không chút gánh nặng nào để đạt được mưu kế lớn mà hai bên cùng trù tính.
Điều khiến các nhà sử học khó hiểu, chính là người nhạy bén như Thiệu Dương và người đa nghi như Trịnh Uyên, vì sao không hề có bất kỳ sự nghi kỵ nào với đối phương trong suốt quãng thời gian hai năm dài khi hai người hợp tác. Một số dã sử từng nhắc tới, đêm trước khi Thiệu Dương xuất chinh có bộc lộ với Tuyên Minh đế sự ngờ vực của y đối với động cơ phạt Ngụy của Trịnh Uyên. Về phía Trịnh Uyên cũng từng nói với đại tướng quân nước Trịnh là Vương Khải, rằng thứ Thiệu Dương sở cầu, "Không phải vì để phong hầu tước, cũng không phải vì anh danh sau khi chết."
Cảm giác không quá tin tưởng lẫn nhau này lại dường như hoàn toàn tan biến khi cuộc chiến chinh phạt Ngụy vào guồng. Quân nhu, lương thảo của hai nước đều qua tay nước Trịnh điều phối. Còn thao luyện, đối địch hằng ngày, quân Trịnh thống nhất dùng khẩu lệnh, cờ lệnh của quân Tề, nhưng phương thức truyền lệnh đi lại từ nền tảng lập quốc của nước Trịnh. Quan điểm trị quân của Trịnh Uyên và Thiệu Dương quả thực là có tồn tại những điểm khác xa nhau, nhưng vì công cuộc diệt Ngụy là lợi ích chung nên họ đều kềm chế, qua đó hình thành nên một sự hợp tác có thể gọi là hoàn hảo thời Lục Quốc, khiến người ta phải tán tụng. Các nhà nghiên cứu lịch sử gọi cục diện đầy ăn ý đó là "Hai nhân vật kiệt xuất cùng khắc chế nhau, cũng bổ sung cho nhau, vì vậy hình thành một sự cân bằng tinh tế."
-
Khí thế của liên quân Tề - Trịnh, vốn luôn ào ạt không ngăn nổi, nay bị chững lại ở La Độ, không thể đẩy mạnh thêm được nữa. Vào thời điểm hiện tại, La Độ đã trở thành cứ điểm tối hậu của quân đội nước Ngụy. Quân Báo Đằng tràn ra khỏi thành, đoàn kết như thành đồng để bảo vệ La Độ. Liên quân Tề Trịnh đi đường xa xôi, chủ lực lại là bộ binh khinh giápvới một bộ phận nhỏ kỵ binh nên không thể nào đột phá trận pháp chặt chẽ và đội chiến xa được quân Ngụy phân bố rộng khắp để tăng sức phòng thủ. Hơn nữa, đích thân Ngụy đế Cẩn Hâm và Bình Loạn vương Viên Duẫn Đàn chỉ huy, càng khiến cho phá được La Độ chỉ là ảo tưởng xa vời.
La Độ là con đường bắt buộc nếu muốn đến Lân Tiêu. Tòa thành này được xây dựng dựa trên thế sông nước, bắt buộc không thể đi đường vòng mà qua được thành. Quân đội Tề - Trịnh vây thành rất lâu không hạ được, đành phải cắm trại nghỉ ngơi ở gần đó. Bẵng đi một thời gian, chẳng mấy chốc đã đến mùa thu năm Tề Tuyên Minh thứ bảy, tức năm Ngụy Cẩn Hâm thứ năm. Trong hơn nửa năm giằng co đó, dù lương thảo không phải là vấn đề đối với liên quân Tề - Trịnh, nhưng sĩ khí trong quân đã bị đả kích lớn, hơn nữa họ còn nhớ lại việc trên đường tiến quân đã liên tiếp đoạt được nhiều thành trì nước Ngụy, nên trước tình cảnh hôm nay không khỏi sinh lòng bất đắc chí.
Hành quân đến tận đây, cả Tề và Trịnh đều đã leo lên lưng cọp. Nếu không phá được La Độ, kết cuộc chỉ có thể là đại quân đường xa kiệt sức, không hợp khí hậu, cuối cùng sẽ bị quân Ngụy đánh cho tan tác. Mà nếu lui quân, tất yếu lòng quân sẽ tan rã, nghi hoặc sẽ nổi lên khắp nơi, quân Ngụy càng có khả năng chớp thời cơ đuổi đánh để cướp lại những vùng đã mất. Trước mắt là đông sắp sang, đường sẽ đóng băng, khó di chuyển, tình cảnh của liên quân Tề - Trịnh đã khó khăn nay lại càng quẫn bách.
-
Khi mọi kế sách đều đi vào ngõ cụt, thậm chí tướng nước Trịnh Vương Khải còn thưa lên Trịnh Uyên muốn tổng lực tấn công La Độ. Trịnh Uyên gượng gạo cười hỏi lão, quân ta và quân Ngụy binh lực xấp xỉ, nhưng quân Ngụy ở trong một tòa thành hiểm yếu, nếu tổng tấn công, tướng quân nghĩ được bao nhiêu phần thắng? Thiệu Dương đứng cạnh bên, kinh ngạc nhận ra, trong tích tắc, cơn tuyệt vọng không che giấu nổi đang ứa xuống từ ánh mắt im ắng không một gợn sóng của Trịnh Uyên.
Trịnh Uyên không nhìn thấy hắn. La Độ gần trong gang tấc, Lân Tiêu sừng sững bên sông. Nhưng Trịnh Uyên, không thấy được hắn.
Trịnh Uyên nghĩ, vào giờ phút này, cậu thực ra đã kiệt sức từ rất lâu. Quyến luyến từng một thời không dứt, ngóng trông từng một thời không dứt, đều dần dần hóa thành cỏ dại trên đồng hoang, khô rang theo năm tháng. Năm sau, thứ nứt ra từ lòng đất vươn lên đã là vật, là người không còn tình cảm nào nữa. Nhiều năm trước, cậu từng ép buộc bản thân mình không được nhớ đến con người ấy. Nhiều năm sau, một lần nữa cậu phải ép buộc chính mình quét sạch hết đi những gì vụn vỡ đã vùi chôn từ rất lâu về con người ấy, là toàn bộ ý nghĩa giữ cho cậu còn sống trên cõi đời này.
Ban sơ ấy, chỉ nhanh như chớp mắt đã tương tư thấu xương. Mà nay, cái gọi là tương tư thấu xương, chẳng qua cũng chỉ nhanh như chớp mắt.
Nhưng tâm tưởng ấy của Trịnh Uyên, ngay từ khoảnh khắc cậu nhìn thấy Lân Tiêu, đã ầm ầm sụp đổ.
Dường như cậu lại là một đứa bé con năm ấy ngồi đọc kinh Phật trong điện Tá Minh, dỏng tai lắng nghe tiếng bước chân lẫn vào tiếng lá rơi xào xạc, mừng rỡ mà thấp thỏm mong Ngụy Ly đến. Lại dường như trong đại lễ đăng cơ của Cẩn Hâm đế, con tin nước Trịnh mặc thật đẹp, thật chỉn chu, nhưng chỉ được đứng ở nơi xa xôi nhất, nguyện lặng lẽ dõi mắt nhìn theo bóng dáng một người.
-
Cứ mỗi bận quân lính thay ca trực vào tinh mơ và chiều tối, cậu đều kiễng chân lên ngước nhìn về phía đầu bờ tường La Độ, thấy bóng người nối bóng tường nhập nhòe lướt qua. Nhưng kẻ ấy không hề xuất hiện ở bên kia dù chỉ một lần. Chỉ cần là hắn, dù có xa xôi nữa Trịnh Uyên đều có thể nhìn thấy.
Năm năm rồi, Cẩn Hâm hoàng đế mà cậu yêu vẫn tàn nhẫn keo kiệt như thế.
Nhưng mà, ta sắp chết rồi. Trịnh Uyên im lặng nhìn La Độ mà nghĩ.
Chết rồi thì sẽ không còn gặp lại người nữa. Người rốt cuộc có hiểu hay không?