Ly Uyên

Chương 7

MỚI MỘT NĂM TRƯỚC, CẬU CÒN NGHĨ SẼ QUÂY QUẦN CÙNG NGƯỜI ẤY BÊN BẾP LỬA HỒNG, BÊN VÒ RƯỢU ẤM, CỨ NHƯ VẬY MÀ BẦU BẠN NHAU CẢ CUỘC ĐỜI.

________________________________________________________________________________

Nhị vương tử Trịnh Uyên về nước, đồng thời phía đông nước Trịnh cũng truyền tới tin tức Ngụy đế Cẩn Hâm nổi cơn thịnh nộ. Ninh Vũ đế, phụ thân của Trịnh Uyên, còn chưa đến tuổi tri thiên mệnh nhưng ông đã có bộ dáng của một lão già mệt mỏi, khí tức suy sụp. Những năm tháng đứng giữa chống đỡ hai nước Ngụy Tề đã vắt kiệt mọi sức lực, để ông bây giờ như một gốc cây già cỗi bị bão tố quật gãy hết cành nhánh nên không còn chịu đựng được một tàn phá nào nữa. Ông ở trên điện Bích Nguyên trong cung điện nhà Trịnh, mắt nổi gân máu đỏ hòm hòm nhìn Trịnh Uyên đang quỳ xưng nhi thần bên dưới, cố gắng tìm kiếm trên người cậu một dấu vết gì đó của người Đại phi mà ông từng sủng ái nhất.

"Mi quay về làm gì?" Ông run run giọng, mơ hồ nói, "Đại phi quy tiên từ lâu rồi, mi quay về làm cái gì?" Ông gắng sức nện mạnh kim trượng hình đầu hổ xuống đất, mỗi một trượng đều nện thẳng vào tim gan Trịnh Uyên.

"Nhi thần chưa kịp hiếu thuận mẫu phi, nên càng phải ở lại bên cạnh phụng dưỡng phụ hoàng."

"Nói bậy, nói bậy!" Ninh Vũ đế nện kim trượng thêm nhiều lần nữa, ông hào hển thở, tựa hồ như một con thú dữ bị mù trong cơn cuồng quẫy. "Trưởng huynh, ấu đệ của mi đều ở bên cạnh trẫm. Trẫm không cần mi về phụng dưỡng!"

"Hoàng huynh, hoàng đệ có hiếu tâm, nhi thần cũng có hiếu tâm."

Ninh Vũ đế đứng dậy, tức giận bước vòng quanh. Trịnh Uyên đau đớn nhìn thấy, tám năm không gặp, lưng của phụ hoàng đã còng, bước chân của ông đã tập tễnh.

"Là ai dạy mi?" Cả giọng nói và sắc mặt của Ninh Vũ đế đều đanh lại, ông hỏi: "Là ai dạy cho mi?... Mi tự hại mình, hại trẫm, hại toàn bộ Trịnh quốc!"

Trong một giây, Trịnh Uyên gần như cho rằng trong giọng nói của phụ hoàng có gì đó nghẹn lại, hoàn toàn mất đi sự uy nghi nên có ở bậc đế vương. Cậu cúi nhìn xuống, nhẹ nhàng giải thích cho mình: "Nhi thần được Ngụy đế ân chuẩn cho trở về Trịnh quốc. Chỉ hận rằng nhi nhần nhất thời sơ sẩy, chưa ngỏ lời xin thủ dụ của Ngụy đế. Là Ngụy đế lật lọng, vu oan cho nhi thần bội tín mà bỏ trốn." Lời vừa nói xong, nhất thời Trịnh Uyên hoảng hốt. Cậu chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ có thể dùng thứ giọng điềm nhiên đến thế để nói về việc mình đã bị lợi dụng, lừa dối một cách tàn nhẫn. Yêu, thì không phải là không còn yêu. Nhưng kẻ đứng trên điện Vô Lương, khuôn mặt khuất sau mười hai chuỗi ngọc kia, cậu không biết phải làm sao để yêu được nữa.

Chìm trong phiền muộn, Ninh Vũ đế lờ đi mọi biện giải của Trịnh Uyên. Ông mệt mỏi ngồi phịch xuống, mắt đục ngầu như đang mê man nhìn về đất đai nước nhà thuở xưa."Trịnh quốc kiếp nạn lâm đầu, Trịnh quốc kiếp nạm lâm đầu rồi..."

Cũng giống như Ninh Vũ đế, dân chúng nước Trịnh đang thấp thỏm chờ đợi nước Ngụy tuyên chiến. Hai nước Ngụy, Tề từ lâu đã đối đầu nhau, bất kỳ một xung đột nhỏ nào giữa hai bên đều khiến nước Trịnh nổi nạn can qua. Dân chúng nước Trịnh chịu đựng mọi khổ sở loạn ly, bây giờ như chim sợ cành cong, tuyệt vọng đứng chờ thời điểm lá cờ tương lam phục hổ cuối cùng đổ sụp xuống.

Có một điều khiến Ninh Vũ đế nửa mừng nửa lo, đó là trước khi hịch văn phạt Trịnh của Cẩn Hâm Đế đến, thì đã có tin Giám quốc Tề Hoàn Vương sẽ đi sứ sang nước Trịnh theo như ý chỉ của Tuyên Minh đế. Vừa hay tin có sứ nhà Tề đến, Ninh Vũ đã lập tức bắt đầu chuẩn bị đón tiếp. Nhưng ngay thời điểm đó, đoàn người của Hoàn Vương đã đặt chân vào thành Ly Hâm.

Theo ghi chép của hậu thế, cái tên Tề Hoàn Duyên gắn liền với nước Tề giai đoạn hùng mạnh nhất. Tề Hoàn Duyên là người em thứ bảy của Chiêu Hòa đế, mẹ của hắn là thường dân, đến khi bà bệnh nặng qua đời cũng không được phong danh hiệu mà lẽ ra bà nên có. Sử nước Tề ghi lại, người vương tử này nhỏ tuổi hơn Chiêu Hòa đế rất nhiều, lúc còn bé vì một cơ duyên nào đó nên Chiêu Hòa đế bảo bọc, chăm sóc hắn một cách đặc biệt. Ai ở trong cung đều biết Chiêu Hòa đế thương yêu thất đệ Hoàn Duyên đến mức nào. Khi ông ta vừa mới kế vị, Hoàn Duyên tuổi còn rất nhỏ nên không có cơ hội tham dự vào những thị phi quyết sách trong triều. Vào mấy năm cuối thời kỳ tại vị của Chiêu Hòa đế, Tề Hoàn Duyên được phong làm Hoàn vương, bắt đầu xuất hiện nhiều lần trước mặt triều thần và chư hầu nước Tề. Hắn như một thanh bảo kiếm qua nhiều lượt trui rèn, bây giờ mới rút ra khỏi vỏ rồi dần dần phát ra thứ lóe sắc khiến người ta không dám nhìn gần.

Chiêu Hòa đế tại vị mười hai năm, phong thưởng công trạng vô số, cuối cùng lại giao toàn bộ nước Tề cùng với con trai mới lên mười tuổi là Tề Hiển Dương vào tay Hoàn vương. Các nhà sử học cùng cho rằng, khi còn tại vị, dù Chiêu Hòa đế đã ra sức mở mang bờ cõi nước Tề nhưng không thể thu phục được lòng dân ở các thành trì ông ta chiếm được. Người chân chính củng cố thành quả chiến tranh của Chiêu Hòa đế, khiến nước Tề xưng hùng xưng bá ở phía Tây, cũng là người đối chọi lại với thế lực của nước Ngụy thời kỳ ấy, không còn nghi ngờ gì nữa, chính là Giám quốc Tề Hoàn Duyên.

Tuy nhiên, khi Ninh Vũ đế tập tễnh đi về phía điện Bích Nguyên để chuẩn bị gặp gỡ Tề Hoàn Duyên, trong ông không chỉ suy nghĩ những việc trên. Nước Ngụy viện lý do chống Trịnh để khai chiến, thực ra là nhắm vào nước Tề. Cẩn Hâm Đế tựa hồ đã hạ quyết tâm cao độ, chiến tranh giữa Ngụy và Tề ắt khó tránh khỏi. Nước Trịnh chỉ còn hai lựa chọn, một là đầu hàng nước Ngụy, cho Ngụy mượn đường đánh Tề, hai là liên minh với Tề để chống Ngụy. Nước Ngụy dân giàu nước mạnh, nước Tề ngày càng bành trướng, dù là chọn con đường nào đều đẩy nước Trịnh vào thế bấp bênh không biết được tương lai ra sao.

Vua nước Tề là Tuyên Minh đế năm nay mới lên mười bốn, toàn bộ triều chính đều do một tay Hoàn Vương làm chủ. Ninh Vũ đế có thể đoán ra được phần nào lý do Tề Hoàn Duyên tới nước Trịnh, cũng không biết phải đối đáp như thế nào cho thuyết phục. Theo lý mà nói, Ninh Vũ đế nên tiếp kiến sứ thần ngoại quốc một cách chính thức tại điện Vân Nghi, cũng là nơi ông thường lâm triều nghị bàn chính sự. Nhưng Tề Hoàn Duyên là một ngoại lệ, ông chọn đón tiếp hắn tại tòa điện nơi ăn ở thường ngày của mình - chính điện của điện Bích Nguyên. Ông muốn biểu lộ một sự thân tình nào đấy với nước Tề, cũng như sự ngầm thấu hiểu đối với việc Tề Hoàn Duyên bí mật đi sứ chuyến này.

Ninh Vũ Đế đưa mắt nhìn bầu trời mờ mịt, không kềm được tiếng thở dài. Ông cụ đã già, dưới gối được ba mụn con trai mà không một ai đáng để ông giao phó trọng trách. Ông trì hoãn việc lập thái tử, đơn giản chỉ vì ông muốn chờ đợi để giao lại cơ nghiệp tổ tông cho một nhà vua có thể khiến nước Trịnh này kéo dài hơi tàn được hơn mười năm nữa.

Mong mỏi như vậy, mà ngày làm được biết có đến hay không.

-

Khi Ninh Vũ đế bước chân vào điện Bích Nguyên, ông đã thấy có một người áo trắng chắp tay đứng dựa vào song cửa, tự tại như chính hắn mới là chủ nhân của nơi này.

Trong ba nước Ngụy, Trịnh, Tề, người Tề gầy dựng giang sơn trên lưng ngựa, người Ngụy chiến chinh khắp thiên hạ. Hai nước này từ xưa đến nay đều có dân giàu nước mạnh, nam chinh bắc chiến mở rộng bờ cõi. Chỉ có người nước Trịnh trọng văn khinh võ, quanh năm bốn mùa chỉ biết có lễ nhạc, dựa vào cơ nghiệp của tổ tông mà bấp bênh hơn trăm năm qua. Tuy nhiên, về trang phục thì Trịnh và Tề khá tương tự, đều là kiểu vai rộng lưng hẹp, tay áo rộng buông dài. Có điều trang phục người Trịnh thì thay áo rộng sẽ thu hẹp lại ở cổ tay, màu sắc thường trầm, nghiêm cẩn thủ lễ. Còn trang phục người Tề có cái chất khoáng đạt, thoải mái hơn.

Hắn đứng trong ánh trời chiều, thoạt nhìn từ phía lưng thì trông còn khá trẻ, dáng người dong dỏng cao tắm giữa những luồng ráng chiều loang loáng. Nếu không nhìn thấy tay áo buông rộng kiểu người Tề hay nút thắt màu vàng đeo bên hông, Ninh Vũ đế chắc chắn không biết đó là ai. Ông vừa định mở lời thì người ấy đã điềm đạm quay người lại. Lúc này, Ninh Vũ đế mới nhìn thấy đeo bên hông hắn là mảnh bạch ngọc khắc hình chim phượng hoàng mắt đỏ rất tinh xảo, biểu trưng cho thân phận của Tề Giám quốc. Ông mãi nhìn hắn đứng trong ráng chiều ửng đỏ, khí độ phong nhã đến mức khiến lòng thắt lại.

Tề Hoàn Duyên quay lại, nhìn thấy Ninh Vũ đế thì điềm đạm cười: "Cảnh trí thật hay, giang sơn của bệ hạ đẹp tranh vẽ, nếu dâng cho người không phải đáng tiếc lắm sao."

Ninh Vũ đế thảng thốt, ông nghĩ một ngàn lần cũng không nghĩ đến Tề Hoàn Duyên có thể đi thẳng vào vấn đề nhanh như vậy. Ngay tức khắc, ông biết mình không thể giả vờ nữa mà phải bỏ qua cung cách đế vương, nhẹ giọng cười khổ: "Tệ quốc đất ít người thưa, dù có hợp sức cùng nước của ngài chống Ngụy, nhưng cùng lắm cũng chỉ là lấy trứng chọi đá. Lần này ý định của Nguỵ đế không nhằm vào Trịnh, nếu trẫm thuận theo ý của hắn, cố gắng đến cùng chắc còn giữ được quốc hiệu nước Trịnh. Trẫm thà bảo toàn non sông, cúi đầu xưng thần còn hơn làm ngọc nát đá tan."

Tề Hoàn Duyên vẫn từ tốn nói, "Năm xưa Tấn Hiến Công sang nước Ngu, xuất binh phạt Quắc. Diệt giặc Quắc rồi lại điều quân trở về diệt Ngu. Nước Ngụy nếu xâm lược nước Tề, chắc chắn sẽ điều quân về tấn công nước Trịnh. Bệ hạ làm sao bảo vệ quốc hiệu nước Trịnh đây?"

Lúc nói chuyện, hắn vẫn một mực ung dung, giọng nói không hề uy hiếp, cũng không hề chao đảo hay sợ hãi khiến Ninh Vũ đế nghĩ mọi toan tính của ông đã bị hắn nhìn thấu. Ninh Vũ đế đành phải bỏ mọi khách sáo, nói thật lòng mình: "Trẫm không phải không biết điển cố diệt Quắc thủ Ngu, trẫm cũng muốn liên Tề chống Ngụy. Nhưng giữa Ngụy và Trịnh còn có núi non che chắn, giữa Trịnh và Tề thì toàn là đất bằng, muốn đến hay đi đều không có khó khăn gì. Từ xưa nước Tề đã mưu toan nhòm ngó đất đai nhà Trịnh, chỉ vì có Ngụy cản trở nên không dám làm càn. Trẫm chỉ sợ, liên Tề chống Ngụy như ôm rơm chữa cháy, tự gánh lấy diệt vong. Đuổi được Ngụy đi rồi thì Tề quốc đâu còn cố kỵ gì nữa. Tới lúc đó xua quân về Đông, nước Trịnh nhỏ bé này còn yên ổn được sao."

Tề Hoàn Duyên cười: "Bệ hạ đã biết liên Tề chống Ngụy như ôm rơm chữa cháy, vậy chẳng phải đã biết để Ngụy phạt Tề như bão lửa bén củi khô, nguy cấp khôn cùng. Bệ hạ cũng nói, Trịnh - Ngụy còn có núi non che chắn, còn Trịnh - Tề thì không có gì cản trở. Bệ hạ nếu liên Tề chống Ngụy thì sẽ chiếm được nơi hiểm yếu, phần thắng cũng cao hơn một chút. Nhược bằng thuần phục Ngụy, chắc chắn biên cảnh Tề - Trịnh xảy ra xâm lấn ngay trong ngày một ngày hai. Hai nước Tề - Trịnh giao hảo là việc bắt buộc, mong bệ hạ suy xét."

Nghe xong, mồ hôi lạnh của Ninh Vũ đế ròng ròng chảy xuống, bàn tay chống kim trượng đầu hổ của ông cũng run lên. Không phải ông không nghĩ tới việc nếu mai này đầu hàng nước Ngụy, quân nhà Tề chắc chắn sẽ xâm phạm vào đất Trịnh trước tiên để chặn đường đi của Ngụy. Mà cũng như lời Hoàn Vương nói, theo địa thế, việc nước Trịnh chống nước Tề còn khó khăn hơn là chống nước Ngụy rất nhiều. Ông chỉ mong sao tới lúc đó có thể mượn binh mã nước Ngụy để đánh lại Tề, nhưng đồng thời cũng biết rằng với Ngụy - bấy giờ sẽ cần binh lực cực kỳ lớn để thọc sâu vào đất Tề, việc này hầu như không thể chấp nhận.

Tình huống hiện nay chính là thế, liên Tề hay hàng Ngụy - hai quốc gia này đều cực kỳ có khả năng sau khi hoàn thành mục đích sẽ nuốt chửng luôn nước Trịnh. Cái mà Ninh Vũ đế cần hiện tại là sự đảm bảo cho một liên minh không thể đổ vỡ. Nếu nước Tề có thể đem tới sự đảm bảo này thì không còn nghi ngờ gì nữa, liên kết với Tề là một lựa chọn sáng suốt hơn đầu hàng nước Ngụy rất nhiều.

Nghĩ đến đây, lòng Ninh Vũ đế đã quyết, "Vương gia đến tệ quốc lần này cũng như Tuyên Minh đế đích thân đến thăm, tệ quốc hân hạnh không kịp. Hai nước Tề - Trịnh chúng ta xem như láng giềng, nếu có thể cùng coi sóc lẫn nhau thì chính là phúc cho nước Trịnh. Có điều, nước Trịnh tuy nhỏ bé nhưng quốc thể thì lớn. Trẫm không cho rằng chuyện kết minh chỉ nói miệng mà không có bằng chứng gì, sợ không thể trấn an triều thần bách tính."

Dường như Tề Hoàn Duyên đã đợi một câu nói này của Ninh Vũ đế từ lâu. Hắn thoáng gật đầu, nghiêm nghị nói: "Nếu đã như vậy, ta mong bệ hạ có thể chấp nhận cho bào huynh là Kính Thân vương đến ở chơi quý quốc."

Ninh Vũ đế cười thầm trong lòng. Hai nước trao đổi con tin là bằng chứng kết minh thường gặp nhất, nhưng ít khi có tác dụng. Dù con tin bị cử đi có là vương tôn, nhưng chắc chắn không được quý trọng tại bản quốc nên đến lúc cần thiết, kẻ này sẽ trở thành một con tốt dễ dàng bị vứt bỏ. Kính Thân vương Hiển Tư nước Tề và Tuyên Minh đế tuy là anh em ruột cùng dòng máu mẹ, địa vị trên danh nghĩa cũng rất tôn quý, nhưng lại là kẻ đã thảm bại trong công cuộc tranh đoạt ngôi vị hoàng đế năm nào và trở thành cái gai trong mắt Tuyên Minh đế. Ninh Vũ đế tuyệt đối không tin một Kính Thân vương đã không còn quyền uy gì ở nước Tề có thể đủ sức ngăn cản gót sắt của quân Tề nuốt chửng nước Trịnh. Hơn nữa, trải qua sự kiện của Trịnh Uyên vừa rồi, ông càng hiểu rõ hơn nữa điều không dáng tin cậy của việc dùng những con tin như thế này. Thứ ông cần là một con tin có đủ khả năng gây uy hiếp.

Ninh Vũ đế hít sâu một hơi, dùng thứ ngữ khí cung kính nhất mà một vị đế vương có thể có mà nói với Tề Hoàn Duyên: "Người Trịnh xem trọng nhất là đạo hiếu, nếu vì việc kết minh mà khiến cho Tuyên Minh Đế cốt nhục chia lìa, quả thực không phải là ý nguyện của trẫm. Trẫm, thầm mong thay mặt cho Thái tử hoàng nhi, xin được hỏi cưới Hoàn Lan Đại trưởng công chúa."

Nghe vậy, mi mắt Tề Hoàn Duyên hơi rũ xuống. Ninh Vũ đế cũng không dám ngước lên nhìn khuôn mặt hắn. Hoàn Lan Đại trưởng công chúa vôn là người em gái được Chiêu Hòa đế quá cố yêu thương vô vàn, là cô cô của Tuyên Minh đế. Nàng là nữ nhi duy nhất trong hoàng tộc nhà Tề, danh phận dù cao nhưng tuổi thì chỉ vừa mười bảy. Tuy rằng đã qua tuổi cập kê nhưng vì Tiên Thái hậu quá thương yêu nên không muốn gả đi, do vậy đến nay vẫn chưa có hôn phối. Nghe nói, Hoàn Lan Đại trưởng công chúa từ bé đã tươi đẹp hơn người, hiểu biết và lễ nghĩa đều rất tốt, lại thêm nết đoan trang dịu dàng, là đối tượng mà các nước chư hầu luôn muốn cầu hôn. Còn Hoàn Lan thì như một đóa hoa tươi thắm lạ lùng, bừng lên trong nội cung tăm tối. Nàng cũng có một vị trí rất quan trọng trong lòng bách tính nhà Tề.

Ninh Vũ đế xin hỏi cưới Hoàn Lan Đại trưởng công chúa, bên ngoài là muốn có được một nữ quyến không mấy quan trọng trong vương thất nước Tề, nhưng thực chất là nắm được một hoàng tộc được dân chúng tôn sùng chỉ sau Tề Tuyên Minh và Hoàn vương Giám quốc. Ông còn nghĩ đến một việc khác, Thái tử nước Trịnh nếu cưới Hoàn Lan Đại trưởng công chúa thì sẽ thành ngang hàng với Tề Hoàn Duyên, cũng trở thành trưởng bối của Tề Tuyên Minh. Thời Lục quốc, khi chữ hiếu có sức nặng lớn lao, điều này không thể nghi ngờ gì chính là một lực gắn kết rất mạnh mẽ cho liên minh hai nước.

Tề Hoàn Duyên thở dài một tiếng nhẹ như không thể nghe thấy, hơi thở ấy khiến Ninh Vũ đế nghĩ hắn không phải đang đứng trên đỉnh cao nhìn xuống mọi sự. Rồi hắn vẫn dùng giọng nói điềm đạm như cũ mà hỏi: "Gia sự nước Trịnh không đến lượt bản phiên hỏi đến. Chỉ là địa vị của Hoàn Lan tôn quý, không thể thiệt thòi trong hôn nhân. Trịnh quốc chưa từng lập Thái tử, bản phiên mong được nghe bệ hạ nói sẽ đưa vị vương tử nào cầu thân?"

Ninh Vũ đế hiểu rõ đây là điều kiện cuối cùng của Tề Hoàn Duyên. Một khi ông đồng ý, số phận của hai nước Trịnh - Tề không thể nào xoay ngược lại nữa. Lòng bàn tay ông ứa mồ hôi, hơi thở cũng bắt đầu dồn dập. Ông không hiểu, Tề Hoàn Duyên bất quá cũng chỉ là người phàm, làm sao có thể mãi mãi trấn tĩnh như vậy? Ông hít sâu thêm một hơi nữa để bình tĩnh lại, cố gắng dùng ngữ điệu hết sức bình thường đáp: "Hôm nay trẫm sẽ hạ chiếu, lập nhị tử Uyên làm Thái tử."

Tề Hoàn Duyên mỉm cười, không nhìn ra được trên đôi mày hắn là mừng rỡ hay âu lo. Khối đá tảng lèn chặt trong lồng ngực Ninh Vũ đế ầm ầm sụp đổ. Người sắp gả đi là công chúa quý giá nhất trên đời, người sắp sắc lập là Thái tử bỏ trốn khỏi đất Ngụy. Đến nước này rồi, Tề quốc sẽ không dám bội tín diệt Trịnh, mà Trịnh cũng đã tự cắt đứt đường lui, không còn khả năng trở mặt đầu hàng nước Ngụy nữa.

Buổi trò chuyện rất lâu này giữa Hoàn vương Giám quốc và Ninh Vũ đế không hề lưu lại trên những trang sách sử dù là của nhà Tề hay nhà Trịnh. Người đời sau chỉ biết, năm Tề Tuyên Minh thứ tư, Hoàn Vương đi sứ sang Trịnh gặp gỡ Ninh Vũ đế, từ đó mà xác định mối quan hệ kết minh Tề - Trịnh, cũng vì thế mà khơi dậy sự tranh đoạt khốc liệt, tàn bạo nhất trong lịch sử Lục quốc, để cho ngọn lửa chiến tranh hung tàn càn quét thiêu rụi hết cả nửa cõi Trung Nguyên.

-

Mùa thua năm thứ tư tề Tuyên Minh, trong ánh mắt lưu luyến không rời của muôn ngàn bách tính, xa giá phượng liễn của Hoàn Lan Đại trưởng công chúa rầm rộ đi ra khỏi Tề đô Dao Kinh. Theo sử nhà Tề ghi lại, Hoàn Lan hiểu rõ đại nghĩa, không cự tuyệt cuộc hôn nhân này. Người con gái sống trong cung đình hiểm ác đáng sợ ấy, trước khi ra đi chỉ một mình đến cầu kiến anh lớn Hoàn vương, cầm tay hắn để tâm sự đôi ba câu sau cuối.

Hôm ấy, trời xanh vời vợi, cúc vàng đầy đất. Đại trưởng công chúa Tề Hoàn Lan cùng Thái tử Trịnh Uyên hợp cẩn giao bôi, gả vào Ly Hâm. Lịch sử không ghi rõ lại tên họ nàng là gì, chỉ chép rằng nàng họ Tề, gọi Hoàn Lan. Trí tuệ của Hoàn Lan cũng như thùy mị của nàng được người đời ca tụng đến trăm năm. Bẵng đi mấy năm sau đó, người phụ nữ kiên cường thông minh ấy chỉ dựa vào chính sức lực của nàng đã đẩy lùi thời điểm diệt vong của nước Trịnh được hơn mười năm nữa.

Sau khi Hoàn Lan đến nước Trịnh, dần dà Ninh Vũ đế thôi dần việc triều chính, phong cho Trịnh Uyên làm Thái tử Giám quốc. Trịnh Uyên rời khỏi Trịnh từ năm mười một tuổi, sau chừng ấy năm, cuối cùng cũng bị lịch sử đẩy đưa lên trên đỉnh cao nơi vạn người chú ý. Với tính cách cẩn thận nhạy cảm trời sinh, cộng thêm sự khép mình đầy tỉ mỉ sau bao nhiêu biến cố, Trịnh Uyên trở thành một trong những nhân vật chấp chính đặc biệt nhất giữa thời loạn thế.

Mới một năm trước, cậu còn nghĩ sẽ quây quần cùng người ấy bên bếp lửa hồng, bên vò rượu ấm, cứ như vậy mà bầu bạn nhau cả cuộc đời, quên hết đi tất cả những việc khác. Nhưng mà vật đổi sao dời, cậu đã bị Ngụy Ly ép buộc đi đến bước đường này, đã đặt mình vào thế đối nghịch với Ngụy như nước với lửa rồi.

Cho đến tận lúc này, cậu vẫn không thể nào hiểu Ngụy Ly muốn gì. Có lẽ kế hoạch đã thực thi xong, người bị bày mưu đã thoát khỏi bàn tay của kẻ bày mưu mà chao liệng trong hư không vô tận, hoặc có lẽ tất cả vẫn còn nằm trong vòng dự liệu của Ngụy Ly, là khát khao thống nhất thiên hạ mà hắn cần phải đạt thành. Trịnh Uyên không còn muốn hiểu nữa. Yêu càng sâu, đau càng siết, đến cuối cùng thì chẳng còn biết tìm về nơi đâu giữa hoang vu.

-

Đối nghịch với bầu không khí hân hoan nơi nước Trịnh khi Thái tử đại hôn, đồng thời hình thành mối quan hệ liên minh hai nước, Bình Loạn vương Viên Duẫn Đàn nước Ngụy phụng mệnh Cẩn Hâm đế, dẫn đầu năm vạn quân, mang theo hịch văn chinh phạt xuất phát về hướng Tây. Mặt khác, trong đoàn quân binh nước Tề hộ tống Hoàn Lan Đại trưởng công chúa có một vị tướng thiếu niên mới mười sáu tuổi, về sau cũng chính là công thần diệt Ngụy số một khiến chư hầu nghe thấy mặt đều biến sắc - Thiên Hạ Tướng quân Thiệu Dương.

Năm ấy, Tuyên Minh đế vẫn chưa tự mình chấp chính, nhưng Thiệu Dương đã là thần tử sủng ái nhất của vị vua trẻ này. Thiệu Dương sinh ra trong một gia đình bình dân ở vùng ven biên giới nước Tề. Có người bảo, khi Tuyên Minh đế vừa mới kế vị, trên đường cải trang du ngoạn chốn đồng nội đã gặp một người thiếu niên xa lạ mà như quen thân, muốn y cùng hắn trở về Dao Kinh. Mà Hoàn vương Giám quốc cũng nhanh chóng phát hiện ra thiên phú hơn người về quân sự và binh pháp của Thiệu Dương, bèn giữ y ở lại phủ Giám quốc để đích thân dạy dỗ. Bắt đầu từ năm Thiệu Dương mười lăm tuổi, y đã theo quân nhà Tề tiến ra biên ải để củng cố ranh giới, chưa đầy một năm đã dẫn đầu đoạt được mười chín tòa thành của nước Trần kế cận. Y thông thạo dụng binh kỳ tốc, liệu sự như thần mà thăng tiến rất nhanh trong quân ngũ. Năm mười sáu tuổi đã được phong làm Tướng quân. Lúc y đang chuẩn bị giáng xuống nước Trần một đòn chí mạng lại bị Tuyên Minh đế ban một công hàm theo gợi ý của Hoàn vương mà triệu gấp về Dao Kinh, để hộ tống Hoàn Lan Đại trưởng công chúa vào Trịnh.

Trịnh Uyên hiểu rõ dụng ý của Hoàn vương Giám quốc khi phái Thiệu Dương đến đây. Thiệu Dương là thần tử được tin tưởng bậc nhất bên cạnh thiên tử nhà Tề, cũng nắm một phần binh quyền trong tay. Hoàn vương cử y đến cho thấy quyết tâm cùng Trịnh chống Ngụy, đồng thời cũng tiện cho Trịnh Uyên an bài. Một ngày sau đại hôn, cậu bèn nghĩ cách để gặp được Thiệu Dương - một mình.

Hai nhân vật chủ chốt cùng gióng lên hồi chuông tang cuối cùng cho nước Ngụy, đã gặp nhau lần đầu tiên như thế.
Bình Luận (0)
Comment