Cái biệt hiệu “Già Liễu Thiên” này đại khái chắc là lấy từ ý: Hòa thượng che ô, vô pháp vô thiên mà ra. Dân gian đồn thời làm hòa thượng hắn từng cứu hoàng đại tiên, nên cả đời đều được lũ chồn lông vàng ấy bảo vệ, không ai đụng đến nổi. Chuyện này dĩ nhiên là nhảm, sự thực là hắn ta chẳng những chưa từng cứu con chồn vàng nào, mà còn hại chết vô số nữa là đằng khác.
Khi đội tiễu phỉ truy kích, gặp đúng đợt tuyết rơi sớm, trời đất băng giá, cuói cùng đã tìm thấy xác hắn trong một hang tuyết. Tên trùm phỉ treo cổ tự sát trên một cành cây mọc chìa ra, đối diện xác hắn, một con chồn vàng nhỏ cũng bị treo cổ chết, tử trạng giống hệt nhau, cùng bị một sợi thừng nhỏ tròng siết ngang cổ. Một người một chồn, lưỡi lè mắt trợn, thi thể lạnh cứng.
Tuyền béo ra vẻ huyền bí, kể rất sống động, lại còn giả bộ như người bị treo cổ lè lưỡi, dọa Yến Tử sợ xanh cả mắt. Tôi thì hết sức thờ ơ, dù sao cũng nghe Tuyền béo kể chuyện này không biết bao nhiêu lần rồi, vả lại cái chết của “Già Liêu Thiên” quá đỗi kỳ quặc. Nếu bảo hắn vì rơi vào cảnh cùng đường mạt lộ mà treo cổ tự vẫn hòng trốn tránh sự phán quyết của quần chúng nhân dân thì cũng khá có lý, nhưng con chồn vàng chết treo đối diện với hắn quả thực quá ly kỳ. “Già Liễu Thiên” là hạng thổ phỉ đạo tặc, có đức độ tài cán quái gì, nào phải hoàng đế Sùng Trinh nhà Minh đâu, lẽ nào con chồn vàng kia muốn làm thái giám tuẫn táng cho hắn?
Nhưng Yến Tử lại không nghĩ như tôi, cô nàng tin Tuyền béo sái cổ, vì vùng này cũng có vô số truyền thuyết tương tự. Tương truyền hoàng đại tiên chỉ bảo vệ cho một đời người, ai cứu hoàng đại tiên, tỷ dụ như giúp hoàng đại tiên vượt qua kiếp nạn gì đó, sẽ được hoàng đại tiên bảo vệ. Y muốn gì, lũ chồn vàng cũng sẽ đi trộm mang về cho, suốt đời suốt kiếp không phải lo cơm ăn áo mặc. Nhưng chỉ cần y dương thọ vừa tận, con cháu đời sau sẽ phải gánh hết họa hại của hoàng đại tiên. Những món đồ trước đây ăn trộm về cho nhà ấy, đều phải trả ngược lại bằng hết. Nhưng thế vẫn chưa xong, cuối cùng hoàng đại tiên còn phái một con chồn vàng nhỏ đến đổi mạng với hậu nhân của nhà ấy. Yến Tử cho rằng tên trùm phỉ “Già Liễu Thiên” này, chắc hẳn là tổ tiên đời trước đã được hoàng đại tiên bảo vệ, vì vậy đến đời hắn mới phải nhận lấy kết cục ấy.
Thời trước giải phóng, trong làng cũng từng xảy ra chuyện như thế này. Một người tên là Từ Nhị Hắc, đời trước nhà anh ta được hoàng đại tiên bảo vệ. Năm đó, lúc cha Từ Nhị Hắc lâm chung, vừa mới chập tối, vô số chồn vàng đã vây trước cổng nhà chạy rần rần, như đang bàn bạc xem mấy ngày nữa sẽ mang họa gì đến cho nhà họ Từ vậy. Lũ chồn vàng này đúng là hiếp đáp người quá đáng, Từ Nhị Hắc nổi điên, vác bẫy đặt trước cửa, chỉ một đêm tổng cộng bắt được hơn hai chục con chồn vàng. Lúc ấy đang là ngày đông tháng giá, giọt nước nhỏ ra cũng đóng băng luôn. Từ Nhị Hắc liền rạch sống lưng của từng con chồn, cứ nguyên máu chảy ròng ròng như thế gí chặt xuống đường ray xe lửa bằng sắt của người Nhật Bản xây dưới chân núi. Máu nóng sau lưng lũ chồn chạm vào sắt thép lập tức đông cứng thành băng, mặc cho chúng giãy giụa thế nào cũng không thể giằng ra được. Đêm đó, Từ Nhị Hắc dính cả một chuỗi dài chồn vàng lên đường ray, đến rạng sáng, xe lửa chạy qua, toàn bộ hơn hai chục con chồn vàng bị nghiến nát be bét.
Kết quả là chuốc vạ, trời vừa tối, xung quanh thôn làng, khắp rừng khắp núi dậy lên tiếng kêu gào khóc lóc của lũ chồn lông vàng, khiến bọn chó săn trong làng đều cúp đuôi nín bặt. Lúc tờ mờ sáng, có người trông thấy một đàn chồn lông vàng đông nghịt chạy sầm sập về rừng, kế đó lại có người phát hiện ra Từ Nhị Hắc đã treo cổ tự sát, tử trạng giống hệt tên trùm thổ phỉ trong câu chuyện của Tuyền béo.
Tuyền béo và Yến Tử bắt được sóng của nhau, tán thỏa thê chuyện trên trời dưới đất. Bên ngoài vùng núi này, cuộc vận động rầm rộ kia[8] đang quét bay mọi thứ mê tín dị đoan, ngưu quỷ xà thần. Làn sóng vận động ấy lẽ đương nhiên cũng cuốn đến vùng núi Đại Hưng An Lĩnh, đến cả ông bí thư chi bộ già chỉ thuộc mặt có mười mấy chữ, cũng hễ bắt đầu buổi họp là vanh vách: “Đường lối cách mạng của Mao chủ tịch là đường sáng thênh thang ở giữa, bên trái có một cái hố là phái tả khuynh, bên phải có một cái hố là phái hữu khuynh, mọi người nhất định không thể đứng nhầm đội ngũ đi nhầm đường, bằng không chỉ sơ sẩy một chút thôi là lọt xuống hố ngay.” Vì vậy, ba đứa bọn tôi tán phét mấy chuyện truyền thuyết dân gian trong căn nhà gỗ nhỏ này, cũng không khỏi có chút không hợp thời thế cho lắm. Chỉ có điều, núi cao hoàng đế ở xa, lại không có người ngoài, chúng tôi chỉ bàn chuyện gió trăng, không nói chuyện thế sự, so với thế giới bên ngoài kia thì nhẹ nhàng thoải mái hơn nhiều lắm.
Yến Tử cũng đòi tôi có tin tức gì mới lạ thì kể cho cô nghe với, trời bên ngoài vừa tối vừa lạnh, ngồi trên kháng sưởi ấm tán gẫu đúng là hết sức khoan khoái, nhưng mấy tháng nay tôi cũng ru rú trong núi, lấy đâu ra chuyện mới, mấy tin tức cũ thì đều kể hết cả rồi. Tôi bèn nói với cô và Tuyền béo: “Hôm nay như phải tà ấy nhỉ, sao cứ nhai đi nhai lại mỗi chuyện lũ chồn vàng thế? Chẳng phải trên Đoàn Sơn có một nơi gọi là Mộ Hoàng Bì Tử à? Đó là chỗ tập trung chồn vàng, cách đây chẳng xa lắm. Tôi đến đây tham gia lao động sản xuất đã mấy tháng rồi, thế mà chưa bao giờ lên Đoàn Sơn cả, tôi thấy hay là chúng ta đừng chỉ nói mồm nữa, chi bằng dứt khoát tự lực cánh sinh, kiếm ăn kiếm mặc một phen đi. Đêm nay lên núi đặt bẫy, bắt sống mấy con chồn lông vàng về chơi cho vui, có được không?”
Tuyền béo nghe thế thì sướng rơn, trong núi còn có trò gì vui hơn là bẫy chồn lông vàng với bẫy cáo nữa đâu, lập tức nhảy cẫng lên: “Hồ Bát Nhất cậu nói chỉ được cái đúng, giờ vẫn chưa đến tiết Tiểu Tuyết, chồn lông vàng không đáng mấy tiền, nhưng xách đến hợp tác xã mua bán đổi một cân kẹo hoa quả thì chắc chắn không thành vấn đề. Bao nhiêu ngày nay chúng ta không được cái kẹo nào vào mồm rồi, con bà nó, nếu mãi thế này, chắc tôi quên bà nó kẹo ăn vào cay cay hay mằn mặn mất. Chỉ biết nói không làm là quân bịp, chỉ làm không nói là thằng ngu, nói được làm được là tốt, ta cứ lấy hành động thực tế để chứng minh đi thôi...” Nói đoạn cậu ta ưỡn ngực nhảy tót xuống khỏi cái kháng đất, tiện tay vơ cái mũ da chó chụp lên đầu, hăm hăm hở hở muốn đi bẫy chồn lông vàng ngay.
Yến Tử vội ngăn lại: “Không được đi không được đi, các anh lại muốn làm bậy rồi, bí thư chi bộ đã dặn, không được để các anh tự do đi quậy phá đâu, ba người chúng ta phải ở đây canh giữ lâm trường cho tốt.”
Tôi thầm tức cười, bí thư chi bộ thôn là chức quan bé bằng cái hạt vừng, lẽ nào ông ta nói ra là bọn tôi phải răm rắp phục tùng? Chức tước của ông già nhà tôi to hơn cái chức bí thư thôn ấy không biết bao nhiêu lần, mà ông ấy nói tôi đây còn chẳng thèm để vào tai nữa là. Ngoài Mao chủ tịch ra, tôi đây chẳng nghe lời ai hết. Cuộc sống trong núi đơn điệu như thế, khó khăn lắm mới nghĩ ra được chút trò vui, sao có thể dễ dàng bỏ lỡ. Có điều nghĩ vậy nhưng không thể nói trắng ra được, tôi làm ra vẻ thành khẩn nói với Yến Tử: “Quần chúng cách mạng cơ bản đều đã được vận động đi lên núi chiến đấu với thiên nhiên, kiếm thức ăn dự trữ cho mùa đông giá lạnh cả rồi, lẽ nào chúng ta lại cứ ở mãi đây không ra sức ra công? Cô đừng coi thường lũ chồn vàng ấy, chúng tuy nhỏ nhưng cũng có vài lạng thịt với bộ da lông, chúng ta bẫy thêm vài con chính là góp thêm một viên gạch nhỏ vào công cuộc kiến thiết xã hội chủ nghĩa, chi viện cho cách mạng thế giới đấy.”
Yến Tử nghe mà mơ mơ màng màng, “góp một viên gạch nhỏ vào công cuộc kiến thiết xã hội chủ nghĩa” thì đúng là việc nên làm, nhưng gấu người trên núi Đoàn Sơn thì chẳng phải thứ cô dám tùy tiện dây vào. Các hộ săn bắn ở vùng này chẳng có vũ khí gì hiện đại, họ có ba phương pháp truyền thống: một là đặt bẫy, thường là bẫy kẹp hay bẫy thòng lọng, chuyên dùng để tóm một số loài thú vừa giảo hoạt lại chạy rất nhanh, như cáo, chồn lông vàng... chó săn chẳng thể nào làm gì được bọn này, chỉ có thể dùng trí đặt bẫy; cách nữa là cho chó săn truy đuổi, chó săn giỏi nhất chính là món bắt thỏ rừng; ba là dùng súng ống cung nỏ, trong đó súng săn bắn đạn sắt nhồi hỏa dược là thứ vũ khí chủ lực, nhồi thuốc sáng đen vào trước, rồi đặt dây dẫn hỏa, cuối cùng nhét viên đạn sắt vào, dùng que sắt nén thật chặt xuống, viên đạn bị ngòi dẫn hỏa giữ lại sẽ không tuột ra khỏi nòng súng, phải điểm hỏa bên trên rồi mới có thể phát xạ. Tốc độ nhồi thuốc chậm, xạ trình quá gần đều là những nhược điểm chí mạng, song dùng để bắn hương bào, hoẵng hoặc lợn rừng thì cũng khá thích hợp.
Ba phương pháp này của thợ săn, duy nhất chỉ không thể đối phó được với bọn gấu người da thô thịt dày. Lần trước ở khe Lạt Ma gặp phải gấu người[9], suýt chút nữa là toi mạng, vì vậy lần này khi Yến Tử vừa nhắc đến gấu người, tôi cũng giật thót mình, nhưng liền sau đó lại nói ngay: “Làm gì mà phải sợ bóng sợ gió thế? Gấu người có phải đao thương bất nhập đâu, mà buổi tối bọn chúng đều rúc hết vào hang gấu rồi, chúng ta nhân lúc tối trời lên núi bẫy vài con chồn lông vàng rồi về ngay, mạo hiểm một chút có đáng gì, mà cũng đừng quên rằng đội ngũ của chúng ta là bất khả chiến bại đấy nhé.”
Tuyền béo đứng bên cạnh chân đã cuống lên giẫm bình bịch, một mực giục chúng tôi xuất phát ngay, làm cách mạng không phân sớm muộn, nhưng phải chớp thời cơ, nghe tôi khuyên giải một hồi, cuối cùng Yến Tử cũng đồng ý. Thực ra thì cô nàng cũng muốn đi bắt chồn lông vàng lắm chứ, chỉ có điều lời ông bí thư già ở trong cái làng này cũng tương đối có uy tín, cần phải có người làm công tác tư tưởng, giúp cô vượt qua chướng ngại tâm lý này là xong.
Bên ngoài căn nhà gỗ rất lạnh, nhưng tuyết đã thôi rơi, vầng trăng lớn trắng nhợt nhạt, quầng trăng báo trước tuyết lớn sắp sửa ập đến. Gió núi thổi vù vù ngoài khe, ở xa thoạt nghe như thể ma núi đang thút thít than khóc ỉ ôi. Lúc ở làng đến lâm trường, tôi đã có ý muốn bắt vài con chồn lông vàng hoặc cáo, nên món gì cần mang đều có mang theo hết.
Vậy là nhóm ba người chúng tôi nương theo ánh trăng đến bên bờ con sông cạnh lâm trường.
Mặt sông đã đóng băng, trên mặt băng phủ tuyết, đứng sát bờ sông, cách lòng sông đến mười mấy mét vẫn nghe thấy tiếng nước chảy ùng ục dưới băng. Mới nửa mùa thu, đột nhiên đã có luồng không khí lạnh ập về, nên nước sông đóng băng nhưng chưa chắc, giẫm thẳng lên mặt băng để qua sông chắc chắn sẽ bị thụt chân rơi xuống. Bởi vậy, phương pháp an toàn nhất là giẫm lên những súc gỗ tròn bị đóng băng kẹt cứng giữa lòng sông.
Ánh trăng chiếu lên nền tuyết, quầng sáng bàng bạc phủ khắp mặt đất, trên mặt sông gồ lên những khối gỗ dài, toàn bộ đều là gỗ súc chưa kịp vận chuyển xuống hạ du, tạm thời bị đông cứng ở đây. Giẫm lên trên đó, cho dù băng có nứt vỡ, lực nổi của gỗ cũng giúp ta không bị chìm xuống nước.
Nhìn thì mặt sông có vẻ không rộng lắm, nhưng lúc phải qua sông mới phát hiện con sông này tuyệt đối không thể xem là nhỏ, ba chúng tôi kéo giãn cự ly, giẫm lên từng súc gỗ tiến về phía trước. Vì trời lạnh, mặc quần áo dày, bước chân cũng rất nặng nề, băng vụn dưới chân kêu loạt sà loạt soạt. Tuy là rất kinh rất hiểm, nhưng cũng chẳng hiểu tại sao, trong lòng bọn tôi lại chẳng sợ chút nào, ngược lại còn thấy hơi kích động, máu mạo hiểm ăn vào xương cốt không sao kìm nén được nữa, cảm thấy hành vi này mới thật gọi là kích thích.
Qua con sông này chính là đến nơi cấm địa đối với những hộ đi săn trong vùng, núi Đoàn Sơn. Rừng cây trên núi quá rậm rạp, Yến Tử cũng không dám chắc đi vào khu rừng này rồi có còn đi ra được hay không. Bọn chúng tôi tuy rằng gan lớn hơn trời, song cũng không dám mạo hiểm tiến vào. Cũng may là khu Mộ Hoàng Bì Tử ở ngay dưới chân núi Đoàn Sơn, cách bờ sông không xa lắm. Chỗ ấy có một cái gò đất lớn gồ lên, bên trên chẳng cây có gì mọc nổi, mà chỉ có vô số các hang động, lũ chồn lông vàng lớn nhỏ già trẻ đều rúc ở trong ấy. Có lẽ vì cái gò đất này trông giống nấm mộ, bên trong lại thường xuyên có lũ hoàng bì tử ra vào, thành ra mới gọi là Mộ Hoàng Bì Tử cũng nên.
Chúng tôi không đi thẳng đến chỗ Mộ Hoàng Bì Tử, mà tìm ở gần đấy một khu rừng thông đỏ khuất gió, ở cuối ngọn gió, lũ chồn lông vàng và các loài dã thú khác trên núi sẽ không đánh hơi được tung tích của ba bọn tôi. Xem ra chỗ này đúng là một điểm mai phục thiên nhiên tốt nhất rồi. Tôi gọi Tuyền béo và Yến Tử lại, ba đứa ngồi chồm hỗm sau một thân cây bàn bạc xem nên ra tay như thế nào.
Khi ra khỏi nhà, Tuyền béo đã tiện thể xách ở làng đi hai bình rượu, rượu này là loại nhà tự nấu. Lúc mới đến căn nhà gỗ nhỏ ở lâm trường, cu cậu đổ vào bi đông đựng nước đun nóng lên, lúc qua sông cứ ôm khư khư trong lòng, giờ mới lấy ra, không ngờ vẫn còn hơi nong nóng. Tôi nhìn cậu ta uống mà cũng nhỏ nước miếng, bèn giật lấy làm vài ngụm. Cái thứ rượu này ngọt lờ lợ, khó uống kinh khủng, có lẽ là dùng lõi ngô với cọng cao lương để nấu ra cũng nên.
Tuyền béo nói: “Đừng có kén cá chọn canh, uống tạm vài ngụm đi cho ấm người rồi còn làm việc, có rượu quê này mà uống đã là tốt lắm rồi. Cái khe núi chỉ có mấy mẫu ruộng đất bạc màu, lấy đâu ra lắm lương thực cho cậu nấu rượu chứ. Nhưng mà tôi còn trữ nguyên một bình rượu ngon mang ở nhà đến đấy, đợi bắt được chồn lông vàng, chúng ta làm vài món ngon ngon, rồi nhâm nhi vài chén cho đỡ buồn.” Sau đó, cu cậu lân la hỏi tôi cách bẫy hoàng bì tử như thế nào.
Tôi cười hì hì, lấy trong túi đeo chéo ra một quả trứng gà, hơi ngượng ngùng nói với Yến Tử: “Xin lỗi nhé Yến Tử, tôi thấy con gà mái hoa mơ nhà ta hôm nay đẻ được hai quả trứng, tiện tay bèn mượn một quả, thời gian thúc bách nhiệm vụ gấp gáp, vì vậy vẫn chưa kịp báo lại với cô. Nhưng sau tôi lại nghĩ trứng gà thì hơi xa xỉ với bọn cáo và chồn lông vàng, vậy là bèn bứt một nắm lông của con gà mơ đó...”
Yến Tử tức tối thúc mạnh một cú vào vai tôi: “Anh trộm trứng gà thì thôi, sao lại còn bứt lông con gà hoa mơ nhà tôi chứ!” Tuyền béo vội vàng khuyên can: “Thôi thôi, chúng ta đấu văn không đấu võ, lúc về tôi sẽ bắt thằng này viết kiểm điểm, đào sâu động cơ sai lầm trong căn nguyên tư tưởng của hắn, nhưng giờ thì cứ để hắn thẳng thắn thật thà chỉ cách dùng lông gà bẫy chồn vàng đi đã.”
Tôi nói, muốn bẫy được chồn lông vàng kỳ thực rất đơn giản, mùi vị của lông gà đã đủ chọc cho bọn quỷ này đứng ngồi không yên rồi. Bố Yến Tử là một tay chuyên bẫy cáo kỳ cựu, mấy bác thợ săn già có một món bảo bối truyền gọi là cái “bì hỗn độn”. Cách chế tác loại “bì hỗn độn này nay đã thất truyền từ lâu. “Bì hỗn độn” vật y như tên, là một cái túi da đặc chế. Tương truyền rằng, người ở đây khi thuộc da đã ngâm trong một loại bí dược, dù là khứu giác nhạy bén nhất như loài cáo cũng không thể ngửi ra được nó có mùi lạ gì cả. Cái túi da này cả miệng túi hình lục lăng chỉ đút vào được chứ không rút ra được. Viền miệng túi bên ngoài hình tròn có thể co dãn đàn hồi, cáo hay chồn lông vàng đều có thể chui đầu vào. Nhưng nếu chui sâu vào bên trong nữa, cái viền ngoài này sẽ càng lúc càng lớn, nhưng phần bên trong của miệng túi lại là hình lục giác, chuyên kẹt cứng vào chỗ khớp xương của bọn chồn cáo. Thân thể cái giống này có thể co rút, duy nhất chỉ có lỗ hình lục giác là chúng không thể chui được. Cái “bì hỗn độn” này chui vào thì dễ chui ra thì khó, chỉ cần chúng muốn rút đầu ra, miệng túi sẽ thắt chặt lại đến khi chúng chết ngạt mới thôi. Món bảo bối “bì hỗn độn” này sở dĩ cao minh, là bởi nó có thể giữ được nguyên vẹn bộ da của con mồi, chẳng hạn da cáo có đáng tiền hay không là phải xem cái đuôi, ngộ nhỡ chẳng may đặt bẫy thòng lọng hay bẫy kẹp làm hỏng mất cái đuôi, thế thì bộ da cáo ấy chẳng còn giá trị gì nữa ròi.
Giờ trong làng chỉ có nhà Yến Tử là có một cái “bì hỗn độn”, tổ tiên cô nàng đời đời đều làm thợ săn, cái túi “bì hỗn độn” này cũng không biết đã truyền được bao nhiêu đời rồi, lũ cáo và chồn lông vàng chết bên trong cũng chẳng thể nào đếm nổi. Cũng vì món đồ này quá độc ác, gần như trăm phát dính cả trăm, mà các thợ săn lại kỵ nhất bắt những con mồi đang có thai hoặc nuôi con nhỏ, làm như vậy bị coi là rất không may mắn, vậy nên bố Yến Tử cũng không hay dùng đến. Còn tôi thì từ lâu đã muốn thử xem cái túi “bì hỗn độn” trong truyền thuyết này thần kỳ thế nào rồi, vậy nên lần này đã lén trộm mang theo.
Lấy lông gà quết lên một chút lòng trắng trứng bỏ vào trong túi da làm mồi, số còn lại tôi đổ tạm vào cái bình nước không, đã không nỡ cho bọn chồn lông vàng ăn, dĩ nhiên cũng chẳng nỡ lòng nào vứt đi, để lại đấy lát về rán lên ăn cho sướng. Kế đó, chúng tôi lấy một ít cành khô lá rụng ngụy trang thêm, bên trên rải mấy nắm tuyết, cuối cùng lại dùng cành cây quét hết dấu chân và mùi người vương lại, thế là xong một cái bẫy. Việc còn lại chỉ là ở đằng xa quan sát, xem xem có con chồn lông vàng đen đủi nào dính chưởng hay không.
Chúng tôi ngụy trang cái “bì hỗn độn” xong xuôi, liền quay lại phía sau thân cây thông đỏ chờ đợi, nhưng cả vùng sơn lâm tuyết địa ấy mãi chẳng có gì, trăng đã lên giữa trời, tôi sắp hết nhẫn nại đến nơi. Đúng lúc ấy, trên đụn tuyết cuối cùng cũng có động tĩnh, ba người bọn tôi lập tức phấn chấn hẳn lên. Tôi định thần nhìn kỹ lại, tức thì giật thót mình kinh ngạc, mẹ ơi là mẹ, đây chắc hẳn là Hoàng đại tiên cô đã thành tinh trong cái gò Mộ Hoàng Bì Tử ấy rồi!