Ma Thổi Đèn

Chương 229

Giáo sư Trần nói với chúng tôi, từ thời Ân Thương, do bị uy hiếp bởi chiến tranh và các thảm họa tự nhiên, cư dân sống trên mảnh đất Trung Hoa thời cổ đã mấy lần thực hiện các cuộc di cư quy mô lớn. Một lần đã xảy ra chuyện cả nhóm người vượt biển đi về phía Nam rồi mất tung tích.

Theo các ghi chép trong sách sử, trên một hải đảo ở vùng vực xoáy San Hô từng tồn tại một đất nước tên là Hận Thiên có nền văn minh đồ đồng phát triển ở trình độ bậc cao. Bọn họ rất giỏi sử dụng long hỏa dưới đáy biển, cũng từng có qua lại với triều đình nhà Chu, trong nước có hang động sâu không thấy đáy. Vương quốc trên biển này, rất có khả năng chính là do những người dân từ Trung Thổ vượt biển lập nên. Nhưng từ sau thời Tần, các ghi chép liên quan đến nước Hận Thiên đã hoàn toàn biến mất, cũng như đất nước ấy đã hoàn toàn biến mất một cách thần bí giữa biển khơi, tựa như chưa từng tồn tại trên thế gian này vậy. Tất cả mọi thứ liên quan đến họ đều trở thành những câu đố không lời giải đáp.

Về sau, có vị cao tăng tên là Pháp Ấn đi Tây Thiên lấy kinh, sau khi lấy được chân kinh liền vòng đường biển về nước, dọc đường đã mang những chuyện nhìn thấy nghe thấy viết thành một cuốn kỳ thư địa lý, gọi là Phật Quốc ký. Trong cuốn sách này, có một phần viết lại chuyện ông từng nghe nói về di tích nước Hận Thiên trên biển. Đoạn ghi chép đó viết rằng, trong vùng biển đầy rẫy những cây san hô cao lớn, có một cái động không đáy khổng lồ, thuyền bè hễ bị cuốn vào trong đó, tuyệt đối không một ai có thể sống sót trở ra.

Tôi nói với giáo sư Trần: “Động không đáy trên biển trong truyền thuyết ấy, mười phần chắc đến chín phần chính là hải nhãn ở Nam Hải rồi, đích thực là rất giống động quỷ không đáy chúng ta thấy trong sa mạc. Lần này chúng cháu ra biển, sẽ nghĩ cách thăm dò xem sao.”

Giáo sư Trần nói: “Ngàn vạn lần không nên hành động theo cảm tính mà mạo hiểm đi vào hải nhãn. Con tàu mang theo Tần Vương Chiếu Cốt kính rất có thể bị đắm ở chỗ âm hỏa tiềm tàng ở vùng phụ cận hải nhãn, đương nhiên đây là chúng ta cố gắng nghĩ theo chiều hướng tốt nhất, nhưng cũng không thể không tính toán đến trường hợp xấu nhất, ngộ nhỡ con tàu đắm đã rơi vào hải nhãn rồi thì cũng là ý trời đã quyết, sức người không thể cưỡng cầu được.”

Tiếp đấy, giáo sư Trần lại dặn đi dặn lại một việc quan trọng nhất, hai mặt của Tần Vương Chiếu Cốt kính đều có thể soi được, mặt trước soi thì không sao, nhưng tuyệt đối không được nhìn bóng mình ở mặt sau của tấm gương cổ ấy. Việc này phải nhớ cho kỹ. Tại sao lại như vậy thì giáo sư Trần cũng không thể giải thích, tóm lại là dựa trên những chuyện đã xảy ra trong quá khứ, thì tấm gương Tần Vương Chiếu Cốt này hình như đã bị một lời nguyền nào đó, ai soi vào mặt sau của nó thì sẽ đen đủi vạn phần. Theo lẽ thường, những lời thế này tuyệt không thể thốt ra từ miệng người có thân phận như giáo sư Trần, chắc rằng ông cũng vì có ý tốt, nên mới không thể không nhắc nhở chúng tôi chuyện này.

Tôi biết lời của giáo sư Trần không thể không tin, mà cũng không thể tin hết, đúng như trước đây ông đã từng nói, trong vũ trụ này chẳng gì là không có, kẻ ngu thì kinh nghi bất định, sợ bóng sợ gió, chính thì coi là thần, tà thì coi là ma, những cách giải thích tuy nhiều, nhưng vì trí tuệ của con người có hạn, cũng chưa thể phân biệt được đâu là thực đâu là hư. Trên thế gian này có rất nhiều sự việc, đích thực là khó có thể dùng lẽ thường để suy xét. Tấm gương đồng ấy ở trong cổ mộ trấn xác hơn nghìn năm rồi, khó tránh khỏi bị ảnh hưởng bởi các loại khí ẩm hơi độc dưới lòng đất, đối với người sống chỉ có hại chứ chẳng có ích lợi gì. Điều này có lẽ cũng giống như quy tắc “gà gáy không mò vàng” của Mô Kim hiệu úy vậy thôi, nếu Tần Vương Chiếu Cốt kính có cấm kỵ như vậy, ắt hẳn phải có nguyên nhân bên trong, nếu không thể truy đến tận cùng, thì cố gắng không nên phạm phải là tốt nhất.

Mấy ngày sau, người bị ngộ độc nặng nhất là Minh Thúc rốt cuộc cũng hồi phục, lão dẫn theo tôi với Tuyền béo và Răng Vàng mang theo hành lý giản tiện, thông qua quan hệ của lão bên Hồng Kông, trải qua mấy phen trắc trở mới dùng thuyền buôn lậu đưa được chúng tôi đến Miếu San Hô. Đó vốn là một hòn đảo nhỏ vô danh, vì phía Nam có vách đá nhìn ra biển, trên vách cổ di tích cũ của ngôi miếu San Hô, tương truyền là có từ thời Trịnh Hòa ra biển, thế nên khách vãng lai trên đường biển đều lấy đó làm tên gọi đảo này.

Đảo Miếu San Hô bốn mặt đều là biển, rừng dừa lượn vòng quanh, phong cảnh đậm chất miền Nam, trong không khí tỏa lan thứ mùi rất khó tả của biển. Làng chài dưới chân vách đá tĩnh lặng yên bình, không có tiếng ồn ào huyên náo của xe cộ máy móc. Trên đảo còn có một vũng nước ngọt, có thể coi là kỳ quan thiên nhiên hiếm thấy trên thế giới, cách biển chỉ một tảng đá thôi mà nước bên trong lại vừa trong vừa ngọt, có thể cung cấp đủ nước ngọt cho thuyền bè qua lại, khiến cho đảo này trở thành điểm bắt buộc phải đi qua trên tuyến đường ra biển hay tiến vào khu vực vực xoáy San Hô.

Đời sống của làng chài có mấy chục hộ gia đình trên đảo này vẫn còn rất nguyên thủy lạc hậu, ngư dân sống dựa vào biển, ngoài đánh cá hay mò ngọc trai thì cũng mò vớt đồ cổ đồ cũ ở vùng biển xung quanh đem bán. Các tay buôn đồ cổ và nhà sưu tầm ở vùng duyên hải thường xuyên đến đây thu mua giao dịch, sử dụng rất nhiều loại tiền tệ, nhưng đô la Mỹ là mạnh nhất. Trên đảo này cũng không ngừng có các nhà thám hiểm và các đội trục vớt đến thử vận may, thường xuyên có thể nghe thấy tin đồn về những người vớ được kỳ trân dị bảo, dần dần, đảo Miếu San Hô đã nghiễm nhiên trở thành một chợ đen nằm chơi vơi giữa biển.

Đảo này nằm gần tuyến đường hàng hải được mệnh danh là Con đường Tơ Lụa trên biển thời cổ đại, rất nhiều thuyền bè thời kỳ Nguyên Minh bị đắm, các thứ ngư dân vớt lên được vô cùng đa dạng, có đồ sứ, binh khí, hương liệu, đồ gỗ, tiền cổ, tượng, đồ thủy tinh mang phong cách Hồi giáo, ngoài ra còn có những bình rượu lâu năm chưa mở niêm phong, rồi cả các cổ vật mà người trong nghề như bọn chúng tôi cũng không nhìn ra được niên đại với khoản thức, thậm chí có cả giày da rách gỡ ở chân người chết dưới biển ra nữa. Mô Kim hiệu úy gọi bảo bối trong mộ cổ là “minh khí”, những thứ vớt được dưới biển lên này cũng có tên gọi riêng, trong dân gian thống nhất gọi là “thanh đầu”. Giao dịch “thanh đầu” được gọi là “tiếp thanh đầu”, chỉ cần là nơi có người Hoa tụ tập thì những từ ngữ kiểu này đều rất thông dụng. Làm nghề này chẳng khác gì buôn đồ cổ mấy, quan trọng nhất là phải biết hàng, không biết thì chẳng ai muốn làm ăn với anh cả. Nhưng thế nào mới gọi là biết hàng? Hiểu được các tiếng lóng trong nghề, nắm rõ quy tắc buôn bán là hai điều kiện cơ bản nhất.

Tôi với Răng Vàng, Tuyền béo đều chưa từng tiếp xúc với mấy thứ hàng hóa kiểu này bao giờ, đều có cảm giác như được mở rộng tầm mắt, nhưng Minh Thúc lại bảo, vật phẩm giao dịch trên đảo này tuy không nhiều hàng giả, nhưng đã ngâm nước dưới đáy biển nhiều năm, tình trạng bị xâm thực và phá hoại là cực kỳ phổ biến, thành ra giá cả không cao, hiếm khi gặp được món hàng nào ngon ăn, trừ phi là anh phải cực kỳ may mắn. Có điều, cơ hội kiểu như vậy thực sự rất ít, ở đây có cả đống người chuyên mưu sinh bằng cái nghề này rình mò ngấp nghé, chỉ cần ngư dân vớt được món gì tốt là có kẻ xông đến thu mua ngay. Nếu vận may của anh không được tốt thì thậm chí còn chẳng kịp nhìn thấy, chỉ có thể nghe ngóng tin đồn sau khi mọi sự đã rồi, đúc rút ra bài học kinh nghiệm để chuẩn bị cho lần sau mà thôi.

Theo kế hoạch, chúng tôi phải tạm lưu lại đảo Miếu San Hô một thời gian, chuẩn bị đầy đủ cho việc ra biển, đợi hội họp với Shirley Dương rồi mới bắt đầu hành động. Vậy nên bốn bọn tôi bèn vào làng chài tìm một nhà ngư dân có chỗ ở cho khách, mặc cả giá tiền rồi quyết định ở lại đó luôn. Sau đấy cả bọn lại đi chơi một vòng quanh đảo, thấy sắc trời vẫn còn sớm, liền vào quán uống bia giải khát.

Quán này thực ra chỉ có một cái quầy dài ghép bằng những thùng gỗ cũ, bàn ghế đều là thùng gỗ bày hết ngoài trời, hai bên mắc dây thừng, trên dây phơi bung bêu toàn cá khô. Trên quầy, ngoài các loại rượu bia ra, còn có đủ thứ thanh đầu hình dạng màu sắc rực rỡ. Hằng ngày, cứ đến hoàng hôn là những người buôn bán với đi biển trở về lại đến đây uống mấy ly, tán chuyện phiếm trao đổi tin tức, nhưng ban ngày thì quán rất vắng vẻ lạnh lẽo. Ông chủ quán là một tay trung niên họ Võ, vì chân bị thọt, nên người trong vùng gọi là “Võ thọt”, dáng người đen đúa chắc nịch, thoạt trông cử chỉ điệu bộ đã có thể nhận ra đây là một con sói biển quanh năm đùa bỡn với sóng to gió cả.

Võ thọt là người Hoa, ông tổ từng là đầy tớ trong doanh trại thủy quân nhà Thanh, đến thời kỳ Trung Hoa Dân quốc thì bắt đầu làm nghề không vốn trên biển, nghề này truyền đến tận đời Võ thọt, chân anh ta cũng là bị trúng đạn nên mới thành ra tập tễnh như vậy, đành phải lưu lạc đến đảo Miếu San Hô bán rượu mưu sinh. Có điều, đây chỉ là cái vỏ bề ngoài, anh ta chủ yếu vẫn sống bằng nghề bán các loại vật phẩm cho khách ngoại lai, dù trên đảo này có hay không, anh ta cũng có thể thông qua những kênh khác nhau mà kiếm hàng về.

Ông chủ thọt chân trông thấy đồng bào trong nước đến, lập tức tỏ ra rất nhiệt tình. Tôi vừa ngồi xuống uống được hai ngụm bia, anh ta đã bước đến hỏi có phải tôi từng đi lính hay không?

Mười năm sống trong quân ngũ, thói quen đi đứng ăn uống đã ngấm vào trong máu, muốn giấu cũng không giấu nổi, tôi đành nói sự thật luôn, tôi nhập ngũ mùa đông năm 1969, nay đã giải ngũ được nhiều năm rồi.

Võ thọt vừa nghe thấy thế đã nghiêm nét mặt: “Ồ, vậy anh chính là bộ đội của chủ tịch Mao rồi, thất kính thất kính, các anh đến chỗ tôi uống rượu xin cứ coi như nhà mình vậy, chầu này coi như tôi mời khách, cứ uống cho thoải mái vào.”

Tôi lấy làm thắc mắc, dù tôi có làm lính cho chủ tịch Mao, đánh trận cho chủ tịch Đặng thì liên quan quái gì đến một ngư dân nơi hải ngoại như anh ta chứ nhỉ, việc gì phải mời chúng tôi uống bia thế này? Chẳng lẽ trong bia có pha thuốc mê chắc? Đến khi Võ thọt giới thiệu về quá khứ và việc làm ăn của mình, tôi mới sực ngộ ra, đoán rằng ông chủ quán rượu này cũng là một hạng gian thương giống như Răng Vàng, muốn bàn chuyện làm ăn với bọn tôi đây.

Minh Thúc đã đi chạy tàu ở mạn Nam Dương cả nửa đời người, cũng nhẵn mặt trong hai giới hắc bạch, luận bối phận giang hồ thì cũng là bậc trưởng bối của Võ thọt, anh ta chỉ thử thăm dò một chút đã biết ngay trong đám bọn tôi có người cùng nghề, ai nấy đều hiểu chuyện, vì vậy cũng không dám giấu giếm gì, bằng không đừng hòng mà nói được chuyện làm ăn.

Có điều, tôi vẫn không muốn tiết lộ quá nhiều, chỉ nói với anh ta rằng đám bọn tôi ở trong nước làm ăn lỗ vốn, muốn ra biển vớt một ít hàng xem có may mắn gì hơn không. Võ thọt vừa nghe chúng tôi muốn đi vớt thanh đầu, liền lập tức lấy dưới quầy hàng ra mấy hòm gỗ: “Mấy hòm này đều là giữ lại cho khách quen, nhưng nể tình chúng ta đều là con cháu Viêm Hoàng, huyết mạch tương thông, một giọt máu đào hơn ao nước lã, mấy chú với bác đây nếu thấy vừa mắt thì mặc cha nhà khách quen với khách cũ, tôi nhường hết cho các vị đấy.”

Tôi nháy mắt ra hiệu với Răng Vàng một cái, nhìn bộ dạng tay Võ thọt này cũng có vẻ trượng nghĩa khinh tài lắm, nhưng bọn tôi làm cái nghề này cũng đâu chỉ mới một hai ngày, mấy lời vỗ ngực kêu đôm đốp này, bọn tôi nói ra tuyệt đối còn trượng nghĩa còn oang oang hơn Võ thọt nhiều, trình độ của tay này xem ra cũng hơi kém một chút. Có điều, nghĩ lại cũng phải thôi, chợ đen trên biển làm sao hiểm trá bằng Phan Gia Viên cho được. Nhưng dầu sao người ta cũng lấy ra rồi, vậy thì cứ xem hàng rồi nói, nếu đúng là có đồ tốt, có lẽ nào lại không thu mua về cơ chứ.

Vì trước đây ở Phan Gia Viên chẳng bao giờ có cơ hội tiếp xúc với hàng thanh đầu kiểu này, nên chúng tôi đều rất hứng thú, lập tức chỉ lo việc “tiếp” thanh đầu, việc chính gạt sạch sang một bên. Cả bọn vừa mở hòm ra xem, liền phát hiện tay Võ thọt này cũng có khá nhiều hàng, phẩm chất và mức độ bảo tồn đều khá hơn mấy thứ ngư dân bày bán la liệt ngoài kia, có điều vẫn chẳng có món nào thượng phẩm cả. Tuyền béo tìm được một con dao cong cán bằng ngà voi của Ả Rập, nhưng Răng Vàng kiểm định xong lại phán đấy là hàng ra hỏi[13]. Minh Thúc cằn nhằn: “Có lầm không vậy, ông anh chú đây với ba vị huynh đệ này có tiên đơn nào mà chưa từng thấy qua chứ? Mấy món hầm bà lằng vớ vẩn này làm sao lọt vào mắt được, rốt cuộc chú có món nào ra hồn chút chút không hả? Nếu không có thì đừng lằng nhằng mất thời gian của bọn anh lắm.”

Võ thọt làm bộ khó xử nói: “Trên đảo Miếu San Hô này quả cũng có đồ tốt đấy, nhưng phải trông chờ nhiều vào vận may kia, các bác đến không đúng dịp rồi, mấy hôm trước có một bọn người Pháp tìm thấy một con thuyền chở báu vật thời Minh trong rãnh biển, giữ được nguyên vẹn lắm, đồ bên trong đều hệt như mới. Nhưng khi những người khác nghe tin tìm đến thì cả con thuyền báu vật chỉ còn lại mỗi cái vỏ thôi, ở đây tôi còn một hòm cuối cùng, toàn là của trấn tiệm cả đấy, gặp phải người biết nghề mới lấy ra, mấy anh mấy bác xem có vừa mắt không...”

Vừa nói, Võ thọt vừa tập tễnh lôi ra một cái hòm gỗ cũ kỹ, tỏa mùi tanh tưởi của cá ươn, bật nắp hòm ra, bên trong lại có mấy lớp vải mềm bẩn thỉu. Đợi cho anh ta mở hết mấy tầng vải bên trên ra, tôi và bọn Răng Vàng, Tuyền béo mới hờ hững liếc mắt vào trong một cái. Nhưng ánh mắt vừa chạm phải những thứ bên trong, cả bọn lập tức như bị dòng điện chạy qua người, cặp mắt gần như đã bị mấy thứ bên trong hút chặt, không tài nào dịch đi nơi khác. Ngoài Tuyền béo, tôi, Minh Thúc và Răng Vàng đều đứng bật dậy đánh “soạt” một tiếng, nôn nóng hỏi Võ thọt: “Mấy món này kiếm ở đâu ra vậy?”
Bình Luận (0)
Comment