Ông Lưu nói với chúng tôi nhóm của giáo sư Tôn cũng vừa mới đi Thạch Bi Điếm độ nửa ngày, nơi đó cách thành Cổ Lam không xa, chỉ tội đường đi ngoắt ngoéo, ai chưa từng đến đó thì cũng khó có thể tìm ra được, ông đề nghị tìm giúp một người có thể đưa chúng tôi đi, rồi gọi một thằng bé độ chừng mười tuổi đang chơi trên phố, thằng bé là cháu ngoại ông, bình thường sống cùng bố mẹ ở Hà Nam, mỗi năm đều đến Cổ Lam nghỉ hè. Thạch Bi Điếm rất gần thành Cổ Lam, thằng bé thường hay đến đó chơi.
Ông Lưu cất tiếng gọi thằng cháu : " Nhị Tiểu, đừng nghịch nữa, mau lại đây dẫn cô chú đến Thạch Bi Điếm, cô chú muốn tìm giáo sư Tôn trong đoàn khảo cổ".
Nhị Tiểu để kiểu đầu quả dưa, thò lò mũi xanh, có lẽ nó mới vật lộn với lũ bạn xong, nên khắp mình mẩy toàn đất, thấy ông ngoại giao nhiệm vụ dẫn đường cho chúng tôi, liền đưa tôi và Shirley Dương đi Thạch Bi Điếm.
Đường đi đến Thạch Bí Điếm quả rất ngoằn ngoèo lắt léo, cả đoạn đường toàn ngã ré gấp khúc. Nhị Tiểu nói với chúng tôi rằng, đoạn đường vốn đi không xa, chỉ mỗi tội hơi khó đi, vượt qua được cái dốc cao nhất phía trước là đến nơi,
Shirley Dương thấy đứa trẻ lem luốc bẩn thỉu thì không chịu nổi, liền rút khăn tay ra lau nước mũi cho nó, vừa dịu dàng hỏi : " Cháu tên Nhị Tiểu phải không? Vậy họ cháu là gì? "
Tiểu Nhị lấy tay quệt mũi nói : " Cháu tên là Nhị Tiểu, họ Vương, Vương Nhị Tiểu"
Tôi nghe tên thằng bé rất có ý nghĩa, liền trêu nó : " Cháu tên Vương Nhị Tiểu? Vậy chắc cháu không coi hai ta là giặc Nhật, dẫn vào vòng mai phục đấy chứ? "
Thằng bé ngơ ngác hỏi tôi : " Chú ơi, vòng mai phục là gì thế ạ? à, mà cô kia là gì của chú thế? Sao cô ấy xinh thế? "
Tôi đưa mắt liếc trộm Shirley Dương đang đi phía đằng sau, liền thầm thì với thằng bé : " Xinh đẹp cái gì? Thằng nhóc này, còn bé mà đã học đâu mấy thói hư tật xấu đó rồi? Cô ấy là vợ chú, khó tính lắm đấy, ngoài chú ra không cho ai nhờn đâu, tốt nhất là cháu đừng chọc giận cô ấy nhé".
Shirley Dương đi đằng sau, mặc dù tôi nói rất nhỏ, vẫn bị cô nàng nghe thấy nửa câu cuối, liền hỏi : "Anh vừa bảo ai đừng chọc giận ai cơ? "
Tôi vội vỗ vỗ đầu thằng Nhị Tiểu, rồi quay lại nói với Shirley Dương : " Tôi đang nói thằng quỷ này này, bướng không chịu nổi, mới tí tuổi ranh đã biết cách khen gái đẹp rồi. Bọn trẻ bây giờ, thật hết chỗ nói, chẳng được mấy đứa như tôi hồi nhỏ, ngay từ nhỏ lòng đã ôm chí lớn, bụng đã có mưu hay ..."
Tôi chưa nói dứt câu, thì từ phía đằng sau con dốc xuất hiện một gã đàn ông vạm vỡ đầu buộc khăn lông cừu trắng, trên hông có thắt một sợi dây da, lăm lăm cây gậy trong tay quát chúng tôi : " Đứng lại, gái gú gì ở đây? Chúng bay có phải người Nhật không? "
Tôi bị tay nông dân làm cho giật thót mình, mặc dù đây là một hẻm núi, nhưng đang giữa thanh thiên bạch nhật thế này mà vẫn có bọn sơn tặc xuất hiện cướp bóc sao? Tôi vội tiến lên đứng chắn trước mặt Shirley Dương và Nhị Tiểu, nói với gã đàn ông : " Ông bạn, đừng hiểu nhầm chúng tôi, đều là người một nhà cả, chúng tôi không phải quân Nhật, chúng tôi là đội công tác vũ trang của bát lộ quân".
Người đàn ông đầu quấn khăn lông cừu trắng nhìn kỹ ba chúng tôi một lượt từ trên xuống dưới : " Bát lộ quân nào? Ta nom chúng bay không phải người tốt". Nói rồi vung gậy xua chúng tôi, bảo ở đây đã bị dân binh giới nghiêm rồi, người ngoài không được vào.
Tôi nghĩ thầm thời buổi hòa bình không chiến tranh thì giới nghiêm cái nỗi gì, hơn nữa tôi cũng chưa bao giờ nghe thấy có chuyện dân binh cầm gậy gỗ giới nghiêm cả, thằng ôn này chẳng lẽ điên rồi chắc. Nghĩ vậy tôi liền xắn tay áo, định giằng lấy cây gậy trên tay hắn ta, đề phòng gã nông phu lỗ mãng này có thể gây thương tích cho chúng tôi.
Tôi đang định ra tay, nào ngờ gã nông dân tự xưng là tổ trưởng tổ dân binh Thạch Bí Điếm lại quen Nhị Tiểu. Thì ra Nhị Tiểu thường đến chơi với con trai anh ta, như vậy thì đôi bên không cần động tay, bình tĩnh đứng lại nói chuyện.
Tay đội trưởng đội dân binh nói năng thô lỗ, giọng địa phương lại rất nặng, lải nhải cả ngày trời, tôi mới hiểu được đại khái sự việc.
Thì ra cái tên Thạch Bí Điếm bắt nguồn từ một tấm bia không tên ở gần đây. Tấm bia đá hết sức cao lớn, lừng lững giữa trời, cũng chẳng ai biết nó là di vật từ thời nào triều nào, trải qua không biết bao nhiêu mưa nắng, đến nay những chữ viết khắc bên trên đã bị bào mòn đến độ không còn nhận ra hình dạng gì nữa.
Nhắc đến Thạch Bí Điếm, thì điều nổi tiếng nhất lại không nằm ở tấm bia đá, mà phải nói đến một tiệm bán quan tài lâu đời ở trong thôn, những vùng lân cận trong vòng mười dặm đổ lại, bao gồm cả thành Cổ Lam, chỉ có duy nhất một tiệm đóng quan tài này, nguyên nhân cũng bởi việc buôn bán của những nơi đóng quan tài khác đều không bằng được ở đây.
Đồn rằng tiệm bán quan tài lâu đời này, từ ngày xửa ngày xưa chủ tiệm là một thợ mộc tay nghề cao, hồi mới mở hàng là một xưởng mộc.
Một lần ông thợ mộc nhận đóng một cỗ quan tài cho một gia đình nọ, quan tài vừa hoàn thành còn chưa kịp quét sơn, theo quy tắc phải quét lên cỗ quan tài 18 đường sơn đỏ, được ông đặt trong xưởng mộc.
Buổi tối, ông thợ mộc ngồi trong trung đường uống rượu, sau khi nhâm nhi vài chén, ông nghĩ đến công việc làm ăn ngày một sa sút, nửa tháng trời rồi mới có được một người khách, trong lòng buồn chán, bất giác đưa tay lên vỗ vỗ quan tài mà thở vắn than dài, hơi men ngà ngà, trong vô thúc ông thợ mộc chui vào chiếc quan tài ngủ lúc nào không hay.
Đêm hôm đó ông thợ mộc nằm mơ, ông mơ thấy từ trong quan tài tỏa ra một luồng khí lạnh khiến cho toàn bộ cơ thể ông run lên cầm cập, giống như bị rơi vào trong động băng. Đột nhiên có tiếng gõ cửa gấp gáp khiến ông choàng tỉnh giấc, mở cửa ra xem, thì ra là một người dân cùng thôn, gia đình anh ta có người vừa mới qua đời, nên vội đến xưởng mộc của ông đặt đóng quan tài . Truyện "Ma Thổi Đèn "
Thật hiếm có dịp công việc trước chưa hoàn thành đơn đặt hàng mới đã đến, trong lòng ông tuy vui mừng khôn tả, nhưng không dám để lộ ra ngoài, dù sao thì công việc này cũng là giúp người ta đóng quan tài cho người thân vừa mất, gương mặt chí ít cũng phải biểu lộ sự đau xót cảm thông. Để biểu lộ sự thương cảm với gia cảnh của người khách, ông thợ mộc lại thuận tay vỗ nhẹ lên cỗ quan tài còn đang dang dở, sau đó nhận tiền đặt cọc, và bắt đầu bận rộn với công việc.
Ngày mới vừa bắt đầu, ông thợ mộc đang bận bịu với công việc, đột nhiên lại có khách đến đặt đóng quan tài, chuyện này thật kỳ lạ, thôn này mỗi năm nhiều nhất cũng chỉ chết độ chục người, trong một khoảng thời gian ngắn ngủn mà đã có những hai người vừa mới qua đời là sao?
Ông thợ mộc càng nghĩ càng thấy có gì không ổn, nhớ lại giấc mơ đêm hôm trước, lẽ nào những người này qua đời đều là do ông đã đập tay lên chiếc quan tài kia? Do đó ông lại thử đập tay lên cỗ quan tài kia một lần nữa, mới chưa tối quả nhiên lại có thêm một người nữa vừa mới chết.
Ông thợ mộc vừa ngạc nhiên vừa vui mừng, ngạc nhiên vì rốt cuộc không biết đã xảy ra chuyện gì, tại sao chỉ cần đập tay lên quan tài là quang vùng lại có một người chết đi, còn vui mừng là vì từ nay ông không phải lo việc làm ăn ế ẩm nữa rồi. Ông thợ mộc vốn là kẻ nghèo kiết xác, cho nên lúc này không còn để ý gì đến tính mạng của người khác nữa, lẽ nào chỉ vì những người dưng nước lã này mà bỏ đi cơ hội làm giàu sao? Đương nhiên là ông không từ bỏ, mỗi khi thấy công việc nhiều quá làm không nổi, ông đến những tiệm bán quan tài khác mua mấy cỗ quan tài đóng sẵn về bán.
Từ đó trở đi xưởng mộc của ông chuyển sang xưởng đóng quan tài, không những vậy ông còn phát hiện ra một bí mật, khi ông đập tay lên cỗ quan tài vẫn còn dang dở, càng đập mạnh bao nhiêu, thì nơi có người chết càng cách xa bấy nhiêu. Tiền kiếm được từ người chết quả là quá dễ dàng, ông càng kiếm tiền càng nhiều, bụng dạ lại càng trở nên đen tối, ông thôn tính những tiệm đóng quan tài lân cận, chỉ cần vỗ hai phát lên cỗ quan tài bán thành phẩm ở đó, có thể ngồi chờ đếm tiền.
Nhưng ông cũng không dám đập liên tiếp, ai mà biết được có chuyện gì đang xảy ra ở đây.
Bí mật này ông cũng không bao giờ tiết lộ ra bên ngoài, nhưng rồi cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra, bí mật trong cửa hàng đóng quan tài của ông vẫn bị mọi người phát hiện, nhưng những sự việc đồn thổi này rất khó giải thích rõ ràng, lại không hề có căn cứ, cho nên cũng không thể kiện được ông, chỉ có điều mọi người trong làng hễ thấy mặt ông là tránh như tránh bệnh dịch, lúc thường chẳng ai dám lại gần, cho nên ông thợ mộc đến già cũng không cưới được một cô gái nào làm vợ.
Cách đây không lâu người thợ mộc học trò, ông chủ hiện nay của xưởng đóng quan tài, đã chết trong chính nhà của mình, khi mọi người phát hiện ra ông ta thì thi thể đang trong giai đoạn phân hủy, mùi hôi thối bốc ra nồng nặc. Quanh vùng chỉ có duy nhất một tiệm đóng quan tài này, quan tài trong cửa tiệm đã bán hết sạch, chỉ còn sót lại cỗ quan tài dang dở đặt trong xưởng. Người trong làng bỗng nhớ lại những chuyện đồn thổi từ ngày trước, trong lòng cảm thấy thấp thỏm không yên, nhưng lãnh đạo thôn không thể để sự việc như thế không quản, dù sao cũng không thể để xác ông ta thối rữa ở trong nhà được, thời tiết lại đang trong giai đoạn nắng nóng oi bức, xác chết phân hủy nhỡ gây nên dịch bệnh thì hậu quả khôn lường. Mặc dù thời đó bắt đầu thi hành các hình thức hỏa táng, nhưng quan niệm mộ táng đã ăn sâu vào trong tâm khảm của người nông dân, trưởng thôn liền triệu tập những dân binh gan dạ, dùng bao vải gói xác chết lại chuẩn bị đặt vào bên trong cỗ quan tài dang dở đem đi mai táng. Truyện "Ma Thổi Đèn "
Nhưng không ngờ vừa mới dời quan tài đi thì phát hiện nền đất phía dưới cỗ quan tài có một vết nứt dài sâu hoắm, áp tay lên trên, cảm nhận thấy có luồng gió lạnh đang thổi ra, bên dưới hình như là một hang động lớn. Một số người tò mò đã cậy lớp gạch ở chỗ vết nứt lên, phát hiện thấy bên dưới quả nhiên có một hang động, khí lạnh phả ra không ngừng. Truyện "Ma Thổi Đèn "
Tay đội trưởng đội dân binh lấy can đảm tình nguyện xuống bên dưới thám thính, nói mọi người kiếm sọt để gã ngồi vào đó dùng dây thả xuống dưới, chưa được bao lâu gã đã cuống cuồng giật sợi dây để người ta kéo lên. Gã sợ suýt són đái ra quần, kể lại rằng phía bên dưới được lát toàn bằng những phiến đá xanh dài, và có một chiếc giường đá, bên trên bày một chiếc hộp đá vuông vắn, hộp đá này không lớn, hơi dẹt và phẳng, bề mặt khắc rất nhiều ký tự kỳ lạ. Đội trưởng đội dân binh nhanh tay cầm chiếc hộp đó mang lên.
Mọi người mở hộp đá ra, thì thấy bên trong có một viên ngọc hình muông thú màu đỏ như máu, không rõ tên gọi là gì. Theo như lời tay đội trưởng kể lại, hang động dưới lòng đất đó hình như vẫn còn một tầng nữa, nhưng rất thâm sâu u tối, bản thân gã cũng không dám xuống xem.
Do cán bộ thôn cũng có mặt ở hiện trường, sự giác ngộ của người dân được thể hiện rất cao, mọi người lập tức báo cho đội công tác khảo cổ ở thành Cổ Lam, giáo sư Tôn sau khi biết tin, hiểu ngay phát hiện này có thể là một sự kiện trọng đại, không chần chừ một giây, ông vội đưa người lên đường đến hiện trường.
Ở những miền thôn quê thế này, cả năm trời cũng chẳng có việc gì lớn xảy ra, cho nên có tin tức gì đều được truyền đi rất nhanh, ngay đến người ở trên huyện cũng mò xuống hóng chuyện. Để giữ trật tự chung, giáo sư Tôn đề nghị dân binh trong thôn ngăn cản những người dân vùng khác đến xem, không cho bọn họ vào bên trong, bởi phạm vi và quy mô cũng như bối cảnh của hang động đều chưa được điều tra rõ ràng, nhỡ bị người ngoài phá hỏng, thì tổn thất đó khó có gì bù đắp được.
Thế nên tay đội trưởng đội dân binh mới giơ lông gà làm hiệu lệnh, sai người canh ở khắp các lối vào, tuyên bố bản thôn đang trong tình trạng giới nghiêm, vì thế mới chặn tôi và Shirley Dương lại tra hỏi.
Nghe giọng điệu của con người này, tôi hiểu đối với hạng người tiểu nông như gã ta, không được quá cứng nhắc, bèn dùng lời lẽ ngon ngọt khen ngợi gã, sau đó giải thích : " Đồng chí đội trưởng này, chúng tôi đều là người quen biết của giáo sư Tôn, vì có việc gấp nên mới đến tìm ông ấy, đồng chí xem xét rồi cho chúng tôi qua đi". Nói đoạn tôi rút tờ năm tệ nhét vào tay viên đội trưởng.
Viên đội trưởng đội dân binh cầm tiền, nhưng chưa kịp nhìn xem tờ tiền mệnh giá bao nhiêu, thì bỗng có một người từ trong thôn chạy ra, nói ông cán bộ già dẫn đầu đoàn khảo cổ đã chết