“All animals are equal, but some animals are more equal than others.” – George Orwell
Cuộc sống của tôi thời gian này dần đi vào ổn định. Tôi đã quen việc trên công ty, quan hệ với Phong tiến triển rất tốt, Duy cũng bắt đầu gặt hái một số thành công nhất định.
- Em sẽ tham gia giải bơi học sinh thành phố. – Một ngày nó hào hứng nói với tôi. – Nếu giành giải em sẽ được cộng điểm vào cấp ba. Em xem thành tích các năm trước rồi, em nghĩ em có nhiều cơ hội
Tôi chợt im bặt vì không biết phải nói với nó thế nào. Tôi không muốn làm nó mất hứng cũng như không muốn nói với nó những khía cạnh tối tăm của cuộc sống quá sớm. Vốn những giải thể thao phong trào này hoàn toàn không vô thưởng vô phạt như nhiều người nghĩ bởi theo quy định của Bộ, nếu có giải sẽ được cộng điểm ưu tiên vào cấp ba. Đây có thể tính là một chính sách tiến bộ bởi khuyến khích trẻ con phát triển toàn diện, nhưng trên thực tế, nó lại trở thành đặc quyền đặc lợi của một số người nhất định. Tôi biết hầu như các giải này đều đã được cơ cấu từ trước khi thi, chủ yếu dành cho con em giáo viên hoặc những người làm trong ngành chứ chơi tay bo như Duy thì gần như không có cơ hội nào. Kể cả tôi có muốn bỏ tiền ra lo cho nó cũng không biết cửa mà chạy. Tôi đã lên gặp giáo viên chủ nhiệm lớp nó nhưng chẳng hỏi được thông tin gì hữu ích ngoài mấy câu sáo rỗng kiểu cố gắng tập luyện. Thầy giáo nó trẻ măng, chắc chỉ hơn tôi vài tuổi là cùng. Nhìn cái thái độ khinh khỉnh và nghe mấy lời nhắc nhở khéo léo chuyện Duy chưa đăng ký học thêm, tôi thành thật chỉ muốn gói mấy câu trước đó nhét ngược vào mồm anh ta.
- Anh xem thế nào nói kheo khéo với nó giúp em chứ em hết cách rồi. Em không muốn nó thất vọng. – Tôi chốt hạ sau khi kể hết với Phong.
- Em không làm được thì đẩy cho anh à? Em muốn anh nói thế nào? Duy đừng tham gia nữa vì giải này ghi sẵn tên ai được rồi hay là em tham gia nhưng phải xác định là không được cái gì đâu dù em giỏi đến mấy à?
- …
- Đừng bi quan quá, anh nghĩ vẫn có cách.
- Cách gì?
- Bơi lội không phải cái gì quá kín đáo để muốn làm sao thì làm. Anh xem Duy bơi rồi, nó rất khá, không những có khả năng giải nhất mà còn bỏ xa các thành tích trước đây.
- Rồi sao? – Tôi bĩu môi.
- Anh sẽ mang máy quay đi, có hình ảnh rõ ràng, muốn làm sai cũng khó. Đợt này em quen mấy phóng viên bên báo lớn đúng không? Cùng lắm là mang clip đi khiếu kiện rồi làm ầm lên trên báo, xem ai phải sợ ai.
Tôi gật đầu, thôi thì cố được tới đâu thì cố.
Không ngờ sáng kiến của Phong lại rất hiệu quả, chúng tôi thậm chí không cần phải làm bước tiếp theo. Trên clip hiển thị rõ kết quả Duy bỏ xa mấy đứa nhóc mọt sách mới tập bơi bị bố mẹ đẩy đi thi kiếm giải là đủ để tất cả phải tâm phục khẩu phục. Nó rinh về giải nhất, khuôn mặt rạng ngời.
- Em sẽ thi đỗ cấp ba trường tốt, sau này vào đại học công lập, chị không cần lo lắng xoay xở tiền học cho em. – Nó sôi nổi nói.
- Chị có lo đâu. – Tôi nén vào cảm động, cố tỏ vẻ thản nhiên. – Em học thì ấm vào thân em thôi, không sau này muốn đi bốc vác cũng chẳng đủ sức.
- Chị càng ngày càng giả dối. – Duy lè lưỡi. – Sao chị không nói nốt ngày xưa chị học giỏi cực giỏi để làm gương cho em đi?
Tuấn được ngày cuối tuần rảnh rỗi đi cổ vũ Duy thi đấu rồi về thẳng nhà tôi “ám quẻ”. Nó đang chăm chú xem tivi, nghe thấy Duy nói thế thì phá lên cười. Nó đã từng biết qua thành tích hồi cấp ba của tôi.
- Chị em mà học giỏi thì đã chẳng chung trường với anh.
- Đồ lừa thầy phản bạn, cút. – Tôi rít lên. – Trưa nay nhịn hết, không ăn uống gì nữa.
- Anh không nói gì, anh vẫn được ăn bình thường đúng không? – Phong tỏ vẻ ngoan ngoãn nhưng mặt mũi giống như đang nén vào tiếng cười.
- Thôi anh đừng ăn kẻo đau bụng. – Duy không chịu buông tha cho tôi. – Trưa nay ra ngoài ăn đi, em khao hai anh. Giải nhất có tiền cơ mà.
- …
- Không, anh ăn ở nhà. – Phong ôm eo tôi, nói giọng nịnh bợ. – Anh không đi với em được đâu Duy ơi, đội vợ lên đầu trường sinh bất tử, em quên rồi à?
- Tôi thua ông rồi. – Tuấn lắc đầu vẻ ngán ngẩm.
- Thế mới có người yêu, chứ như mày thì chỉ có hát bài Forever Alone cả đời. – Tôi đắc ý nói.
- Yêu phải đứa như mày tao thà ế còn hơn.
- Ờ, nho còn xanh lắm em ạ, đứa bằng một phần mười tao cũng chẳng thèm yêu mày chứ nói gì đến đứa như tao.
Tuấn nhăn mặt còn Phong và Duy cười phá lên.
Cho tới tận thời điểm đó tôi vẫn chưa tin vào quang cảnh hạnh phúc trước mắt. Đúng vào lúc tôi tưởng tôi đã mất đi tất cả thì cuộc sống lại bù đắp cho tôi một cách rộng rãi. Tôi có Phong, có Duy và những người bạn thật sự tốt xung quanh. Mọi thứ tốt đẹp đến nỗi đôi lúc tôi lo lắng tất cả chỉ là một giấc mơ, và sợ hãi mơ hồ rằng lúc nào đó giấc mơ có thể kết thúc.
…………..
Công ty tôi sắp tham gia hội chợ. Năm nay hội chợ hàng nông sản quốc tế tổ chức ở Hà Nội, gian hàng của bên tôi được giao lại cho phòng kinh doanh. Do công ty tôi quy mô không quá lớn nên phòng kinh doanh thường kiêm luôn các hoạt động marketing như thế này thay vì có phòng chuyên trách. Đâm ra, gần đây tôi đặc biệt bận rộn vì ngoài công việc hàng ngày, tôi và vài đồng nghiệp phải hỗ trợ cả sự kiện hội chợ. Từ duyệt thiết kế đến giám sát thi công gian hàng, chuẩn bị hàng mẫu, tờ rơi, tài liệu, cắt đặt nhân sự trực, tất tần tật đều vào tay phòng kinh doanh.
- Chị ơi, em nói chuyện với chị một lát được không ạ? – Tôi ôm tập giấy tờ rụt rè gõ cửa phòng Thanh.
- Ừ, có việc gì không em? – Chị nhìn tôi vui vẻ.
Tôi chìa ra ba bộ báo giá của ba đối tác thi công gian hàng.
- Chị tưởng cái này sếp duyệt hôm qua rồi? Công ty Tia Sáng giá tốt nhất đúng không?
- Vâng, tốt nhất trong ba đối tác, nhưng mà… – Tôi hơi ngập ngừng.
Chẳng là gia đình tôi trước đây chuyên cung ứng vật tư xây dựng nên tôi ít nhiều cũng nắm được giá thị trường. Một gian hàng trên dưới chục mét vuông với vật liệu chủ yếu là thạch cao và phóc-mếch thì giá như vậy là quá đắt. Tôi trình bày lại với Thanh rồi nhiệt tình nói:
- Nếu chị muốn em sẽ gọi lại bên Tia Sáng ép giá, họ báo giá thế này là quá vô lý.
Chị bỗng nhìn tôi, môi thoáng qua nụ cười.
- Thôi không cần đâu, sếp duyệt rồi mà, nếu thay đổi lại phải lên trình một lần nữa mất thời gian lắm.
- Nhưng…
- Đừng lo, em lần này có công lớn, sẽ có phần, yên tâm. – Thanh nói rồi đứng lên. – Chị đi họp đã, em cứ triển khai đi, không phải lăn tăn gì cả.
Tôi ngẩn ra một tẹo rồi vỡ lẽ. Hóa ra tôi thực ngây thơ, cứ chăm chăm cố gắng làm điều tốt nhất cho công ty mà không để ý tới nhiều thứ khác. Thời gian đầu tôi còn được giao làm một số việc nho nhỏ với đối tác nhưng sau tôi bị chuyển qua làm những việc giấy tờ khi người khác đã đàm phán xong. Lúc đó tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng mình làm chưa đủ tốt, bụng bảo dạ phải cố gắng hơn nhưng giờ tôi mới hiểu, vấn đề ở chỗ tôi đã làm
quá tốt. Tôi luôn tìm cách mặc cả xuống giá tốt nhất, như vậy đương nhiên đối tác không thể đưa lại cái gì, điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới tôi mà còn cả những người khác trong phòng.
Tôi buồn bã nhìn lại báo giá của Tia Sáng, theo như tôi nhẩm tính, báo giá này đã bị đội lên ít nhất là gấp đôi. Tôi hiểu đây là thị trường, và chuyện này là hết sức bình thường, “thời buổi không ai sống bằng lương” là câu cửa miệng của nhiều người nhưng cá nhân tôi lại quan niệm hơi khác. Tôi nhận lương của công ty thì tôi phải có trách nhiệm làm việc, và tôi mong một công việc bền vững nhiều hơn là vài triệu hoa hồng từ mỗi hợp đồng.
Từ chuyện này, tôi nhớ ra thêm nhiều cái khác. Chẳng là do có tiếng Anh tốt, tôi thường được giao soạn hoặc kiểm tra các hợp đồng xuất khẩu của công ty. Từ đó tôi nhận ra giá trên hợp đồng luôn ở mức gần như thấp nhất trong khoảng cho phép trong khi tôi biết chắc rằng khách hàng sẵn sàng trả cao hơn thế bởi sản phẩm công ty tôi rất được ưa chuộng ở thị trường Châu Âu và hầu như không có sản phẩm thay thế tương đương. Người đại diện công ty đàm phán hợp đồng là Thanh, còn tổng giám đốc chỉ ký duyệt cuối cùng. Giờ nghĩ lại tôi mới hiểu vì sao với tổng mức lương thưởng gộp lại của Thanh chỉ xấp xỉ sáu chục triệu mỗi tháng mà chị chạy Mercedes S400, xách túi Dior, váy áo chỉ có Burberry trở lên, thêm hai đứa con học BIS [1].
Tôi bị những suy nghĩ mâu thuẫn giằng xé. Cảm tình của tôi đối với Thanh không thay đổi, tôi cũng không phán xét bất cứ ai bởi đây không phải chuyện đúng sai tốt xấu, nó là quan điểm riêng của mỗi người, chỉ là cá nhân tôi lại không muốn vậy. Tôi nhận lương và tôi muốn làm tốt công việc, giống như ngày xưa tôi đi làm ở nhà Phong, ngoại trừ tiền công tôi chưa từng lấy một cái gì khác kể cả là những thứ gia đình đã bỏ vào kho không dùng tới. Tuy vậy, tôi phát hiện ra rằng, từ chối thứ mình thích với người mình ghét dễ dàng hơn rất nhiều so với từ chối một điều mình không thích với người mình quý mến.
Cuối cùng, để tránh những tiến thoái lưỡng nan, tôi quyết định chủ động lui về, ngoan ngoãn giải quyết thủ tục giấy tờ của phòng, mặc cho Thanh và các đồng nghiệp đàm phán công việc bên ngoài. Từ đó tôi không còn những khoản thưởng thêm bất ngờ, và thường nhận được những ánh mắt cảnh giác mỗi khi bước chân vào phòng lúc mọi người đang túm tụm bàn tán. Tôi hiểu cũng như chấp nhận hết những chuyện đó cho đến cuộc họp xếp hạng thưởng quý. Tôi bị đánh giá thấp gần nhất phòng với lời nhận xét của đồng nghiệp rằng tôi kém năng động, làm việc không hiệu quả. Mặt tôi sa sầm, bụng quặn thắt vì uất ức. Không một ngày nào tôi rời công ty trước sáu giờ tối, và tôi chỉ mới làm một thời gian mà công việc nắm vững hơn tất cả đến mức mọi người thường chạy tới tôi xin tư vấn mỗi khi gặp khúc mắc. Vậy nhưng, tôi không theo bất cứ phe cánh nào hay ăn chia quyền lợi với ai nên khi cần một người để dìm cho đúng “cơ cấu” [2], người đấy đương nhiên là tôi.
- Thư ạ, – Thanh giữ tôi lại nói chuyện riêng sau khi cuộc họp kết thúc. – chị hiểu kết quả đánh giá này là bất công đối với em nhưng chị cũng không có cách nào khác.
- Em hiểu ạ. – Những lời này là dối lòng nhưng tôi biết nói gì khác khi chị bảo chị hiểu nhưng lại không có cách giải quyết?
- Chị biết em năng lực tốt, chăm chỉ nhưng quan hệ giữa em và các bạn thì em cần tự mình cải thiện, chị không giúp được gì. – Chị nói rồi mỉm cười trấn an. – Lần tới chị sẽ xin tăng lương cho em, chị không muốn em bị thiệt thòi.
- Em cám ơn chị ạ.
Tôi cúi đầu, lủi thủi ra khỏi phòng. Thật ra thì mối quan hệ giữa tôi và các đồng nghiệp khá tốt, về mặt cá nhân thì tôi biết họ rất quý mến tôi nhưng đáng tiếc, sự quý mến đậm tính riêng tư không đóng nhiều vai trò trước những lợi ích kinh tế ràng buộc khác.
- Em chẳng biết em nên làm gì nữa. – Tôi ngả người tựa vào Phong, duỗi dài chân trên ghế, thở dài sau khi kết thúc câu chuyện.
- Khi em quyết định em sẽ chỉ làm việc chuyên môn mà không can dự vào các loại lợi ích màu mè bên ngoài thì em mong muốn điều gì?
- Ý anh là sao?
- Có phải em cho rằng em đã cố gắng nhưng lại bị đối xử bất công?
- Hiển nhiên như vậy mà?
- Tùy vào cách em nhìn. – Hắn nhún vai. – Em nghĩ khi em sống tốt thì đời phải tốt lại với em, chẳng hạn như Tổng Giám đốc sẽ nhìn thấy mọi chuyện và khen thưởng em cho xứng đáng sao?
- Em không mong được khen thưởng nhưng đúng là một mặt nào đó, em hi vọng có người đánh giá đúng những gì em cố gắng thay vì coi em là lập dị như hiện nay.
- Sẽ chẳng có ai hết. – Phong nói thẳng. – Em tưởng sếp tổng không thấy việc gì đang diễn ra à? Em tưởng đôi giày Louboutin của sếp em không ai nhìn thấy hay không ai biết được tiền học một năm ở BIS bao nhiêu sao?
- Nếu họ đều biết…
- Tổng giám đốc biết, chủ tịch công ty biết, họ biết hết nhưng họ chấp nhận vì sếp em là người có năng lực. Mỗi hợp đồng trị giá hàng trăm ngàn đô mang về công ty, Thanh lấy vài phần trăm từ khách hàng không thành vấn đề. Mức giá bán ra trong khoảng cho phép, công ty vẫn tăng trưởng và có lãi, việc chạy tốt, khoản tiền kia lại có thể thay cho thưởng từ công ty thì các sếp lớn quan tâm làm gì? Tất cả đều có lợi, đều hài lòng, đúng chưa?
- … – Tôi vẫn thấy có gì đó khúc mắc nhưng không biết phản bác thế nào.
- Cho nên em đừng nghĩ rằng mình làm người tử tế thì đời có nghĩa vụ công bằng lại với mình. Không bao giờ có chuyện đó đâu.
- Nói như anh thì còn ai muốn làm người tốt nữa?
- Không ai nói làm người tốt là chuyện dễ dàng, nhất là khi những chuyện em không muốn làm chưa chắc đã là xấu. – Phong vỗ nhẹ vào trán tôi. – Lựa chọn làm những việc đúng lương tâm, xét cho cùng, cũng là em muốn thỏa mãn bản thân mình thôi. Cho nên em đừng lấy gì làm phiền nếu không ai cấp bằng khen cho em.
- …
- Vấn đề là em cảm thấy thế nào?
- Em nghĩ em đã làm đúng.
- Đó là điều quan trọng nhất. Cũng như những người kia, họ vui với cái họ đạt được, điều đó không có nghĩa họ là người xấu. Mục tiêu cuộc sống khác nhau mà.
- …
- Như anh bây giờ, em cũng thấy sự khác biệt quá lớn giữa cuộc sống của anh hiện tại với trước kia, đúng không? Có ai bắt anh phải thế không? Không. Có ai khen thưởng vì anh từ bỏ cuộc sống sung túc để đeo đuổi cái mình thích không? Cũng không. Người ta còn bảo anh bị điên. Nhưng chỉ có anh thấy nó đáng giá vì đơn giản là anh thích thế. Anh vui với những gì mình đang làm, vui với những gì anh học được mà với hoàn cảnh trước kia anh sẽ không bao giờ có cơ hội.
- Anh có phần thưởng là em. – Tôi cười, vênh mặt nói.
- Em là hình phạt thì đúng hơn. – Hắn dịu dàng hôn nhẹ lên trán tôi. – Còn em, ít nhất em có anh hiểu em và đánh giá đúng những gì em đang cố gắng.
- Ừ, dù không phải phần thưởng gì to tát nhưng có méo mó hơn không. – Tôi nắm chặt tay hắn, cảm thấy mọi bất công gặp phải ngày hôm nay đã được bù đắp đầy đủ.
Nhờ mấy câu nói thẳng thắn của Phong, góc nhìn của tôi được mở rộng, đa chiều hơn. Đúng là cùng một sự việc, cách nhìn khác nhau sẽ mang lại cảm xúc khác nhau. Suy nghĩ AQ một chút thì tôi bây giờ, mỗi sáng quần là áo lượt tới văn phòng ngồi điều hòa gõ máy tính rõ ràng là hơn trốn nợ, làm osin tạm bợ qua ngày như trước đây.
………………..
Một buổi chiều tôi bước chân ra khỏi văn phòng thì gặp một người khiến tôi hơi sững lại. Tôi đã không nghĩ người đó có thể cất công tới tận đây tìm tôi.
- Cháu chào bác ạ. – Tôi tiến tới lễ phép chào.
Đáp lại, bác Hà chỉ mỉm cười thân thiện rồi mời tôi đi café.
- Dạo này trông cháu có vẻ ổn nhỉ? Công việc có tốt không? – Bà vui vẻ hỏi khi chúng tôi đã yên vị trong quán.
- Dạ cũng tốt ạ. – Tôi nói khẽ, tay khuấy đều cốc café đã tan đá từ bao giờ. – Thật ra đợt trước cháu đi vội vàng như vậy cũng là vì gia đình cháu có việc…
- Bác biết, Vũ đã kể hết với bác.
- Cháu xin lỗi bác. – Tôi cúi gằm. – Thực sự cháu không hề muốn nói dối nhưng lúc đó cháu gần như bị dồn vào chân tường, cháu không còn cách nào khác.
- Cháu muốn xin lỗi chuyện gì? Nói dối việc cháu từ Hà Giang xuống hay việc cháu là les hay là chuyện cháu mang con trai bác đi mất? – Bà thản nhiên nhìn tôi, giọng nói vẫn dịu dàng nhưng cái nhìn sắc sảo như muốn lột trần nội tâm tôi ra.
- Chuyện cháu nói dối từ Hà Giang xuống và cháu là les ạ.
- Còn về phần Phong thì cháu không có lỗi gì? – Mắt bà lóe lên. – Thật ra thì bác không phiền chuyện cháu nói dối, bác có thể thông cảm, thậm chí rất thương cháu. Nhưng đúng là ngay từ đầu nếu biết hết mọi việc, bác sẽ không bao giờ nhận cháu, mà như vậy thì cháu với Phong sẽ thế nào?
- Cháu thì không nói làm gì nhưng chắc bác cũng hiểu Phong, đúng không ạ?
Bác Hà khẽ mỉm cười.
- Đúng, bác hiểu nó nên bác không ngăn cản hai đứa. Còn gì làm tình yêu thăng hoa gắn kết hơn việc có người đứng ra cấm đoán?
- …
- Thằng Phong là đứa sướng quá thành ra không biết mình muốn gì. Nó ăn chơi, gái gú tới phát chán nên thích làm cái gì đó mới mẻ cho cuộc sống đỡ tẻ nhạt, kiểu như quen biết một người thông minh, mạnh mẽ thay vì mấy con bé nhạt nhẽo khác. Nó lúc nào cũng đổ lỗi cho hai bác về mọi vấn đề của nó, nhưng thật ra, lỗi lớn nhất của hai bác là đã quá chiều chuộng nó.
- Bác không nghĩ Phong như hiện nay tốt hơn ạ?
- Phong là đứa rất thông minh, cho nên ngày xưa hai bác kỳ vọng ở nó khá nhiều. Hai bác đã đầu tư cho nó, mong sau này nó và Vũ có thể cùng nhau quản lý và phát triển công ty, – Bà thoáng thở dài. – nhưng rồi nó bắt đầu quậy phá. Thật sự thì, hiện giờ đối với bác nó không tiêm chích, đua xe, cờ bạc là bác mừng rồi, còn ngoài ra muốn làm gì bác chẳng quan tâm. Chịu khổ một thời gian cũng tốt, cho nó biết trân trọng những gì gia đình đã dành cho nó.
- Thế hôm nay bác tới gặp cháu làm gì ạ? – Tôi ngập ngừng hỏi. Nếu đã định mặc kệ thì bà đến tìm tôi để tâm tình chắc?
- Bác tới thăm cháu thôi. – Bà mỉm cười.
Sau đó bà nói chuyện phiếm với tôi như một buổi thăm hỏi xã giao bình thường nhưng rồi trong câu chuyện đã lồng ghép rất khéo léo rằng “Mức trợ cấp cho con ngoài giá thú luật có quy định, còn ngoài ra kể cả là vợ thì đối với di chúc dành cho chồng cũng khó có thể can dự”.
Kỳ lạ là tôi không cảm thấy bị xúc phạm mà ngược lại, còn có phần thông cảm cho bà. Đặt mình vào vị trí của bác Hà mà nhìn, tôi cũng thấy bản thân chẳng ra gì. Con gái một gia đình vỡ nợ vì cờ bạc, bố mẹ mất sớm, giám hộ đứa em trai, cuộc sống đang chật vật như vậy đột nhiên lại có quan hệ tình cảm với một cậu ấm, nếu không phải “cố ý mồi chài vì đống tài sản sau lưng” tôi cũng không nghĩ ra được lý do nào khác phù hợp hơn theo lẽ thường. Đòi hỏi một cái nhìn công bằng với những gì đang thực tế xảy ra đúng là rất khó.
- Bác biết nhiều chuyện tình bắt đầu như cổ tích, đến với nhau bất chấp mọi thứ, – Bà nói giọng tâm tình. – nhưng kết thúc thường không giống trong truyện. Hoàn cảnh sống quá khác nhau dẫn đến khó hòa hợp, lấy nhau về rồi vẫn có thể ly hôn, trắng tay vẫn hoàn trắng tay, cuộc đời lại lỡ làng, rất tội.
- …
Mặc cho bác Hà nói, tôi chỉ khẽ gật đầu tỏ vẻ mình vẫn đang nghe chứ không lên tiếng bởi hai góc nhìn khác nhau sẽ rất khó dung hợp. Và việc bà hiểu thế nào, thực ra chẳng ảnh hưởng gì tới cuộc sống của tôi hiện tại, nên giải thích là hoàn toàn không cần thiết.
Nhưng nói thì nói vậy, làm sao tôi vui được sau cuộc nói chuyện kia. Cả tối tôi thẫn thờ, đứng nấu ăn như cái máy, thậm chí còn không để ý mình đang làm gì.
- Anh tưởng xào thịt thì cà chua phải bổ cau chứ, sao em cắt kỹ thế? – Phong từ đằng sau ôm lấy tôi khẽ nói.
- Anh sang lúc nào đấy? – Tôi nhìn lại mấy quả cà chua định để xào thịt bò giờ đã bị cắt nát bét.
- Một lúc rồi. – Hắn siết chặt tay quanh người tôi. – Kể xem có chuyện gì?
Tôi ngẫm nghĩ một lát. Tôi không định gây thêm mâu thuẫn giữa mẹ con hắn nhưng vấn đề ở đây là tôn trọng. Nếu Phong biết được tôi giấu giếm chuyện mẹ hắn tới tìm tôi, hẳn sẽ rất giận. Đối với tôi, Phong quan trọng hơn việc thỏa mãn bản thân với cảm giác mình là thánh nữ rộng lượng.
- Đoán xem hôm nay ai đến tìm em? – Tôi quay ra cười với hắn, thuận tay gạt đống cà chua nát qua một bên.
Trái với suy đoán, Phong không hề cáu giận mà trái lại, hoàn toàn dửng dưng với câu chuyện.
- Anh có bực không? – Tôi rụt rè hỏi.
- Không… – Hắn tì cằm lên vai tôi, thờ ơ nói. – Anh còn hơi ngạc nhiên là tới giờ bà già mới đến tìm em đấy.
- Anh đoán được trước?
- Ừ… Người già thì tính nết khó thay đổi lắm, thói quen cố hữu rồi. Nhưng giờ anh không quan tâm nữa. Bà già nghĩ gì thì kệ thôi, dù sao cũng chẳng ảnh hưởng tới mình.
- Anh nghĩ được thế thì tốt rồi. – Tôi mỉm cười.
Phong vươn người nhìn đống đồ ngổn ngang trong bếp. Ngoài nồi cơm đã cắm, tôi chưa kịp làm một cái gì cả. Hắn rất tự nhiên rút điện thoại từ túi quần tôi ra.
- Anh đây, lát về Duy mua đồ ăn nhé, hôm nay chị Thư không đi chợ… Chín giờ à? Không sao, anh chị chờ được.
- Sao anh bảo nó mua đồ ăn làm gì? Thức ăn đầy ra đây này. – Tôi chỉ tay vào đống rau thịt vẫn còn trong túi nilon trên bàn bếp.
Hắn bỗng cúi người bế tôi lên.
- Mai nấu cũng được.
- Nhưng…
- Hơn hai tiếng nữa Duy mới về, tranh thủ làm việc khác giết thời gian.
Cái “việc khác” này tôi xin phép không đi vào chi tiết.
.......................
Chú thích:
[1] BIS – British International School: một trong những trường quốc tế đắt nhất ở Hà Nội.
[2] Cơ cấu xếp loại: Trong một số công ty có quy định khi phân loại đánh giá là phải có bao nhiêu % tốt/ khá/ trung bình/ kém thay vì 100% đạt loại tốt.