Mạn Thiên Hoa Vũ - Thường Yên

Chương 69

—-

Lời vừa dứt, Đoàn Nhữ Hài vén quần leo lên sập ngồi xếp bằng.

Tôi vội bước theo, túm lấy áo cậu ta: "Cái gì? Cầu hôn cái gì cơ?"

"Tôi tưởng chị biết rồi chứ?" Nhữ Hài day day trán, bộ dạng bất lực.

"Ừ nhưng..." Suy nghĩ trong đầu tôi dần sáng tỏ, quay phắt sang nhìn Đông Ly.

Con bé đón nhận ánh mắt của tôi bằng cách cúi đầu.

Tôi giơ chân đạp Đoàn Nhữ Hài dịch sang một bên rồi ngồi xuống, nheo nheo mắt: "Đỗ Nguyên Huân, Đỗ Trung Đế... hai người này..."

"... là anh em ruột, cùng cha khác mẹ." Em trai Nhữ Hài xác nhận thay suy nghĩ của tôi.

Theo lời cậu ta, mẹ của Đỗ Nguyên Huân là vợ cả của Trần Khắc Chung còn Đỗ Trung Đế là con vợ hai. Ngoài ra, trên Nguyên Huân có một anh trai, dưới còn một em gái - là Đỗ Khiết Tâm từng cùng tôi trải qua hoạn nạn dưới căn hầm nhà Tống Chí Khiêm.

Cả ba anh em họ Đỗ đều làm quan trong triều, trong đó Đỗ Trung Đế và người anh cả - Đỗ Công Xước - đều nắm giữ chức vụ quan trọng, chỉ có Đỗ Nguyên Huân nhiều năm rồi vẫn chỉ là một tên ghi chép quèn ở Trung thư sảnh.

Con người của hắn, nói dễ nghe thì vô lo vô nghĩ, nói khó nghe lại là một kẻ không có chí tiến thủ, từng thẳng thắn tuyên bố với người nhà rằng mình không thích chốn quan trường. Chức quan hiện tại hoàn toàn là do cha anh ép buộc chứ hắn không thích thú gì cả.

Tôi gật gù: "Này, trừ hồi ở Liên Y ra thì hình như tôi chưa bao giờ gặp họ Đỗ kia... lẽ nào đều là do cậu?"

"Cái gì? Tôi ba đầu sáu tay chắc?" Cậu ta đánh mắt sang phía Đông Ly, chỉ thấy con bé càng cố gắng cúi đầu, như sắp gãy cổ đến nơi.

"Ngươi lui ra ngoài đi." Em trai tôi hạ giọng.

Đông Ly như tử tù được ân xá, vội vã lạy tạ rồi tót đi mất.

Cửa gian chính khép lại, tôi thấy lòng chùng xuống. Tôi hỏi nhiều như thế không phải vì quan tâm tới Đỗ Nguyên Huân, mà rõ ràng tôi là nhân vật chính trong chuyện này nhưng lại chẳng hay biết gì.

Kẻ mù cũng có thể thấy được tôi đã bị những người thân thiết bên cạnh mình che mắt bấy lâu nay, giấu giấu diếm diếm ngay sau lưng. Đâu khác nào dối trá?

Đoàn Nhữ Hài rót một tách trà, hai tay kính cẩn đưa cho tôi: "Niệm Tâm à, chị cũng biết rằng tôi coi chị không khác nào ruột thịt. Giờ đây tôi đã yên bề gia thất, điều duy nhất tôi lo lắng chỉ có chị."

Tôi gật đầu, về hướng ngược lại, Nhữ Hài là em trai của tôi và cũng là người duy nhất biết rõ sự thật tôi chỉ là một kẻ mượn xác hoàn hồn.

"Năm xưa, sau mấy lần gặp chị tại hội quán Liên Y thì anh Nguyên Huân đã đến tìm tôi, thể hiện rõ bản thân có cảm tình với chị. Tuy nhiên... ngày ấy chúng ta đều bị cuốn vào vụ án bắt cóc, vốn không có thời gian cho những chuyện bên lề. Về sau... tôi lại thấy chị có mối quan hệ gần gũi với Quan gia nên đã từ chối anh Nguyên Huân một lần nữa." Cậu ta nói một hơi rồi dừng lại, nhấp thêm ngụm trà cho nhuận giọng.

"Rồi thì thời gian trôi qua, Quan gia vẫn không một lần đả động tới chuyện sẽ đưa chị tiến cung, còn tôi và anh Nguyên Huân lại càng thân thiết... nên tôi đã gợi ý cho anh ấy..."

Tôi há hốc miệng: "Chính cậu bảo y tới cầu hôn à?"

Nhữ Hài cười khó xử: "Tả chính ngôn Trung Đế thay cha đến nói chuyện với mẹ và tôi, suýt nữa đã định ngày cho lục lễ... Nhưng ngờ đâu, chuyện này lại bị Quan gia đã gạt phắt đi. Ngài còn doạ tôi rằng dám làm mối linh tinh cho chị thì cẩn thận cái mũ quan sẽ rơi xuống đất!"

Qua lời Đông Ly thì phía nhà ấy chỉ cử gia nhân và bà mối tới hỏi chuyện, hiển nhiên là muốn tôi cảm thấy chán ghét mối duyên này.

"Tôi biết chị và Quan gia tâm đầu ý hợp... nhưng mà chị gái ơi, chị đã hơn hai mươi lăm tuổi rồi đấy, chị còn muốn chờ Quan gia đến khi nào? Nhìn đi nhìn lại, cũng chỉ có anh Huân là sẵn sàng rước chị về. Hơn nữa... tính tình anh ấy kỳ quái, sẽ không nạp thêm thiếp thất gì nên chị yên tâm..."

"Thôi cậu đừng nói nữa." Tôi ngắt lời Đoàn Nhữ Hài.

Cậu ta thở dài một hơn như muốn trút hết muộn phiền theo đường lỗ mũi. Thở dài cho lắm vào rồi mũi mới to thế kia đấy.

"Cửu hạn phùng cam vũ. Xem ra anh Nguyên Huân vẫn chưa từ bỏ chị." Em trai tôi lặp lại lời của Đỗ Nguyên Huân khi nãy, khẽ cười.

Được gặp lại tiểu thư, chẳng khác nào cửu hạn phùng cam vũ. Chịu nắng hạn lâu ngày, gặp được cơn mưa lành.

Trò chuyện với Đoàn Nhữ Hài xong xuôi thì tôi quay về phòng, không rõ tung tích Đông Ly. Có lẽ con bé biết tôi đang giận nên đã lẩn đi đâu đó trốn, cũng coi là hiểu tính tình tôi.

Tận sau bữa tối Đông Ly mới mò về, còn mua thêm một túi hạt bí và ít đu đủ ngào mật, mắt la mày lém, không dám nhìn thẳng vào tôi.

Hai chúng tôi đóng kín cửa phòng, lôi hũ rượu xương bồ còn thừa từ lần trước ra đặt lên chõng.

Đông Ly cười nói: "Cô cả xem, anh Thành An mua cho em đấy ạ."

Con bé bưng bát đu đủ lên, mùi thơm ngầy ngậy lập tức toả ra. Ôi chao, tưởng đâu Đông Ly sợ tôi nên mới biến mất, ra là đi hẹn hò với tình lang.

Đôi mi như được phủ một lớp kim tuyến lấp lánh, hai mắt Đông Ly toả sáng, đích thực là bộ dáng của một cô gái vừa gặp gỡ người trong lòng.

Mỗi lần được ở cạnh Thành An, dù chỉ trong chốc lát nhưng Đông Ly chưa bao giờ che giấu được niềm hạnh phúc.

Nhiều năm qua, mối quan hệ giữa Thành An và Đông Ly luôn duy trì một trạng thái duy nhất: Là thầy và trò, là anh trai em gái. Đông Ly không tiến cũng chẳng lùi, ngây ngây dại dại ôm cây si, cho rằng sẽ đến Thành An nhận ra tình cảm của mình.

... Có lẽ con bé vẫn chưa hay mối tương tư mười năm của Thành An đã quay lại rồi!

"Cô cả... em biết lỗi rồi..." Đông Ly lay vai áo, tôi giật mình quay sang thấy vành mắt nó đã đỏ cả lên.

Hình như do tôi không kiểm soát được biểu cảm khiến thái độ hơi dửng dưng quá đà.

Không nói thì thôi, nhắc đến lại thấy bụng dạ sôi trào.

Trước khi Đông Ly một lòng một dạ theo tôi thì con bé vẫn là người của Trần Thuyên. Tôi có mắt mù tai điếc mới cho rằng mục đích của anh chỉ đơn giản là lo lắng cho an nguy của tôi.

Giám sát, kiểm soát. Tất cả những điều này, Đông Ly đều có thể làm được.

Diện mạo Đoàn Niệm Tâm cũng khá, lại có em trai là quan lớn trong triều, đáng ra phải có không ít người theo đuổi. Không phải tôi tiếc gì mấy kẻ ấy... nhưng mà bị kiểm soát tất cả các mối quan hệ xung quanh tôi thì đúng là quá quắt lắm!

Theo Đoàn Nhữ Hài, Đỗ Nguyên Huân là lựa chọn không tồi, chẳng trách Đông Ly lại có thể vì Trần Thuyên mà chặn đứng mọi cơ hội tiếp cận tôi của hắn.

Riêng vụ cầu hôn, Đông Ly cố tình thay đổi thông tin, biến Đỗ Nguyên Huân thành Đỗ Trung Đế - một kẻ đã có vợ con thiếp thất đầy đủ - thành công khiến tôi cảm thấy ghê sợ.

"Đừng tự ý quyết định thay ta nữa." Tôi thở dài, nhàn nhạt nói.

Đông Ly liền quỳ xuống, dập đầu mấy cái, hứa hẹn một cách trịnh trọng.

Sau đó tôi kéo Đông Ly lên chõng tre, hai đứa chùm chăn, rượu rót đầy bát.

Câu chuyện về thân thế của Quân Trì không quá phức tạp nhưng Đông Ly lại thích nói lan man, mãi đến khuya tôi mới đúc kết được vài điểm quan trọng:

Quân Trì chỉ là con nuôi của Thần phi Bùi Thị Lan, nghe nói ngoài anh ta thì Thần phi còn nhận nuôi thêm một cô con gái nữa, chỉ có điều hiện tại không rõ tung tích.

Xác nhận được Quân Trì không phải anh em với Trần Thuyên, lòng tôi cũng nhẹ nhàng hơn vài phần.

Ngoài ra, thông tin thứ hai còn giật mình gấp bội: Thần phi Bùi Thị Lan là em gái của Trinh Túc phu nhân!

Ố là la, bởi vậy, dù Quân Trì có là con nuôi hay con ruột của Thần phi thì đối với gia đình Chiêu Văn vương, anh ta cũng vẫn luôn được đối xử một cách hoàn toàn khác biệt.

Thần phi xuất cung từ năm Thiệu Bảo thứ nhất, sau đó cứ vài ba năm một lần, hai vợ chồng Trần Nhật Duật lại đến thăm bà ấy một lần. Có lẽ trong thời gian ấy Quân Trì đã được mẹ nuôi gửi gắm cho Chiêu Văn vương, mà nói chung là anh ta đã đi theo Trần Nhật Duật từ rất lâu rồi.

Tôi nhấp thêm một ngụm rượu cay muốn xé họng, khàn giọng hỏi Đông Ly: "Có điều này... em phải trả lời thật lòng, không được giấu diếm ta."

Con bé đồng ý.

"Liệu có khi nào... Quan gia và Quân Trì quen nhau không?"

Đông Ly cẩn thận ngẫm nghĩ, lại lắc đầu đáp: "Trong suốt thời gian em ở trong Dạ Hành thì hình như chưa bao giờ gặp anh ta cả..."

Biểu cảm của con bé hoàn toàn chân thật, không chút dối trá.

"Ừ. Vậy... Nếu ta muốn em điều tra về Quan gia thì... sao?"

Lời này khác nào sấm sét ngang trời, Đông Ly ngã ngửa xuống đất, chắp tay dập đầu mấy cái liên tiếp: "Cô cả, em không dám!"

Dù Đông Ly đã trở thành người của tôi nhưng không có nghĩa con bé có thể làm tất cả mọi thứ, bao gồm việc hành động sau lưng Trần Thuyên.

Bỗng nhiên, trong khoảnh khắc ngắn ngủi, tôi đã hoàn toàn thông suốt cảm giác của quận chúa Thánh An ngày ấy khi tìm đến, bất lực nhờ vả người ngoài.

Lúc này tôi và cô nào có khác biệt. Dường như có tất cả, nhưng lại chẳng nắm được gì trong tay.

...

Thời gian như lưỡi đao, dứt khoát chém gọn mọi mộng ảo của con người, chớp mắt đã tới tháng Chạp.

Tôi chọc tức Trần Thuyên, Trần Thuyên giận ngược, chúng tôi càng không có lý do để gặp nhau. Những ngày cuối năm này tôi cũng đủ bận rộn, không rảnh để nghĩ đến anh.

Hôm qua, Quân Trì thay mặt Chiêu Văn vương đem thiệp mời tới phủ họ Đoàn, xin phép mẹ Sinh cho tôi được đón giao thừa tại Chương Đức viên.

Việc này tôi và Chiêu Văn vương đã từng bàn bạc, mục đích chủ yếu là để Trần Mạnh có được kỷ niệm đẹp cuối cùng ở nhân gian, trước khi tiến cung trở thành Đông cung thái tử chân chính.

Vốn lẽ, mấy năm vừa rồi cứ đến giao thừa là Trần Mạnh đều được vợ chồng Chiêu Văn vương dẫn vào cung dự yến tiệc, tống cựu nghênh tân bên cạnh phụ hoàng và mẫu phi. Chỉ có điều, năm nay lại khác: Một khi Trần Mạnh trở về cấm cung thì sẽ không quay trở ra nữa.

Biết đây là điều không tránh khỏi nhưng Trinh Túc phu nhân vẫn đau buồn tới mất ăn mất ngủ, khiến Chiêu Văn vương lo lắng vô vàn. Cuối cùng, ông không đành lòng nhìn vợ mình cả ngày vừa ôm Trần Mạnh vừa quệt nước mắt, nói với tôi rằng sẽ tìm cớ để cả nhà ở lại phủ đón giao thừa.

Đằng nào thì sắp tới Trần Mạnh cũng sẽ quay về cung làm thái tử, ngày dài tháng rộng vẫn ở phía trước, Trần Thuyên đương nhiên đồng ý tạo điều kiện cho Chiêu Văn vương.

"Ông nó à, Niệm Tâm với chúng ta không thân không thích, liệu mẹ con bé có cho phép không?" Trinh Túc phu nhân khẽ thở dài, nghiêng đầu nhìn Chiêu Văn vương.

Trần Mạnh ngủ ngoan trong lòng tôi, lông mi khẽ động.

Chiêu Văn vương vuốt râu, nét suy tư vừa thoáng hiện lên đã biến mất: "Có hề gì, gửi một phong thư về báo Thánh Nô nhận Niệm Tâm làm con nuôi là được."

"Ơ... dạ?"

Trinh Túc phu nhân bật cười: "Như vậy con cũng trở thành cháu nội của hai vợ chồng ta, thân phận phù hợp vô cùng!"

Phù hợp với cái gì cơ ạ? Sao hai người không nhận con gái nuôi luôn đi!

Tôi nhẹ nhàng xoa lưng cho Trần Mạnh, ngẩng lên thưa với vợ chồng Chiêu Văn vương: "Dạ bẩm, được đón giao thừa với gia đình mình là phúc phận của con, con tin là mẹ sẽ đồng ý. Chỉ phiền vương viết cho con mấy chữ là được ạ..."

Ai muốn chứ tôi thì không dám trở thành vương thân quý tộc, dù chỉ là "hàng dỏm". Nhỡ đâu tự dưng lại thiếu mất một chân trong vũ đài hôn nhân chính trị, tôi bị đẩy ra đầu sóng ngọn gió thì sao?

Mẹ Sinh đọc được mấy dòng của Chiêu Văn đích thân hạ bút, lại thấy Quân Trì khôi ngô tuấn tú, lễ phép đứng một bên thì cũng mềm lòng, đồng ý cho tôi được sang Chương Đức viên vào đêm giao thừa.

Thực ra tôi biết trước rồi, dạo này tính tình mẹ Sinh tôi dễ chịu đến kỳ lạ, phần lớn thời gian chỉ ở trong phòng thờ thắp hương niệm Phật chứ chẳng quan tâm chuyện bên ngoài.

Bởi giao thừa năm nay không ở nhà nên tôi không dám lười biếng, cố gắng tham gia mọi hoạt động sửa soạn năm mới trong phủ, nhiệt tình đề nghị cùng đi chợ Tết với Dư Nương và Vân Phi.

Để tiết kiệm thời gian, chúng tôi chia làm hai đội mua sắm. Đội một có Vân Phi lớn bụng, hầu gái Nhã Hồng và Đông Ly; còn đội hai thì có tôi và Dư Nương, thêm một cô bé tỳ nữ trong phủ.

Cơ thể Vân Phi nặng nề, hầu gái bình thường chưa chắc đã nhanh nhẹn bằng Đông Ly nên tôi mới phân cho con bé đi theo, có vẻ như Đông Ly cũng không vui vẻ mấy.

Dư Nương coi tôi như trẻ con, mua cho một túi quế chi rồi chỉ huy cô tỳ nữ còn lại cùng xông pha phiên chợ, hò hét tưng bừng, để lại tôi lững thững đi theo sau.

Chợ Tết có khác, người chen kẻ lấn, đông đúc tới nghẹt thở.

Tôi vừa nhai quế chi vừa ngó nghiêng, mãi sau hồn mới lỡ sa vào một gánh hàng đồ thủ công, bày đầy những chiếc vòng tay thổ cẩm, sặc sỡ đủ màu.

Người bán hàng là một ông chú, tuổi ngoài năm mươi, hõm mắt sâu, da ngăm đen. Nhìn qua có thể đoán được không phải người dưới xuôi.

Ông ta không hồ hởi vồ vập, chỉ bình tĩnh nhìn tôi lựa tới lựa lui, mãi không chọn được chiếc vòng nào ưng ý.

Cuối cùng, tôi đành cười trừ với lão rồi quay người định đuổi theo Dư Nương, dù sao thì tôi cũng không mang tiền theo người.

"Gượm đã!" Người đàn ông cất tiếng, gọi giật tôi lại. "Tết nhất rồi, cô mua ủng hộ tôi mấy cái vòng đi. Sáng giờ mới có cô là người mở hàng cho tôi đấy!"

Đã mua đâu mà mở hàng?

Tôi áy náy bảo: "Nhưng mà tôi không thích cái nào cả."

Thà tỏ vẻ khó tính còn hơn để người khác biết mình không có tiền, nghe hơi hèn.

Người đàn ông cân nhắc một chút rồi đáp: "Sau nhà tôi vẫn còn, vợ tôi vừa mới tết được mấy cái đêm qua, còn chưa đem ra bày đâu. Hay là cô theo tôi vào xem..."

Tôi nhíu mày nhìn lão ta, định làm trò gì thế? Nếu muốn bán hàng thì tự mình về lấy mà mang ra, ai đời lại bảo khách theo về nhà? Câu này có khác gì lấy kẹo lừa bắt cóc trẻ con không, thật là nghiệp dư quá!

"Được, chúng ta cùng đi!"

Tấm lưng rộng lách người chen lên, khẽ đẩy tôi về phía sau che chắn.

Tôi không nghe rõ lão kia đáp lại cái gì, chỉ thấy người thanh niên trước mắt khẽ cười, thản nhiên nói: "Không bán nữa thì thôi."

Đoạn, hắn nắm lấy cổ tay tôi, kéo đi một đoạn, tách hẳn với đám đông đang tụ họp.

Tôi còn chưa kịp phản ứng, người nọ đã thả tay: "Nàng đấy, suýt nữa bị lừa rồi! Trông cũng thông minh sáng láng mà lại ngu ngơ thế?"

"Anh nói ai ngu ngơ?" Lại còn chửi tôi nữa!

Đỗ Nguyên Huân cằn nhằn: "Kẻ kia ánh mắt lờ đờ, mũi nhọn đầu nhỏ, nhìn qua đã không phải người tốt. Nàng suýt nữa đã đi theo lão còn gì..."

Tôi lườm y, không muốn nói thêm dù chỉ một lời, nghển cổ lên tìm Dư Nương.

"Nàng đang dạo chợ Tết à, nếu không chê thì ta đi cùng nhé!" Đỗ Nguyên Huân thoắt cái đã nở nụ cười tươi rói.

Tôi hừ lạnh: "Chê!"

Rốt cuộc hắn vẫn không vì tôi tỏ thái độ mà bỏ đi.

Tết đến nơi rồi, tranh cãi với người khác chỉ tổ mệt chính mình. Hơn nữa, dựa vào những gì Đoàn Nhữ Hài từng kể thì tôi thấy tính cách Đỗ Nguyên Huân này không tồi, có hắn làm bạn bè cũng chẳng phải điều gì xấu.

"Nàng sắm Tết được gì chưa?" Đỗ Nguyên Huân lên tiếng, dường như không thể chịu đựng nổi sự yên lặng giữa hai chúng tôi.

Tôi lắc đầu, thành thật trả lời: "Tôi không mang tiền."

Hắn liền vén tay áo, lộ ra xâu tiền đang đeo tại cổ tay: "Vậy nàng thích gì? Ta mua cho nàng!"

"Thôi không cần đâu, cảm ơn anh." Tôi nhếch mép từ chối.

Liếc nhìn Đỗ Nguyên Huân đang thong thả từng bước, tôi bỗng cảm thấy tò mò. Vì sao y lại chịu nhẫn nhịn từng ấy năm ở một vị trí dưới quyền anh trai mình? Theo cái cách mà Đoàn Nhữ Hài tiếc hận thì chắc chắn không phải vì y kém cỏi.

Vậy là tôi đem thắc mắc này hỏi thẳng Đỗ Nguyên Huân, tiện miệng nhắc đến danh tiếng cha già Trần Khắc Chung của hắn.

Lúc này chưa có scandal Trần Khắc Chung và công chúa Huyền Trân, câu chuyện nổi tiếng được truyền miệng về ông ta là về việc dù chỉ đang nắm chức Chi hậu mà Trần Khắc Chung vẫn sẵn sàng một mình đến trại quân Nguyên, ung dung đối đáp với Ô Mã Nhi nhằm thăm dò thế giặc. (1)

Đỗ Nguyên Huân thấy tôi nhắc đến cha già thì mi tâm hơi nhíu, mỉm cười đáp: "Tử viết: Bất hoạn vô vị, hoạn sợ dĩ lập. Bất hoạn mạc kỉ tri, cầu vi khả tri dã."

Sau đó liền giải thích: "Khổng Tử dạy: Đừng lo không có chức vị, chỉ lo không đủ tài đức để nhận chức vị. Đừng lo không ai biết mình, chỉ mong sao mình có tài đức để cho người ta biết đến." (2)

Hỏi một câu đơn giản thôi mà, có cần lôi văn chương ra để dọa người như thế không?

Chính Đỗ Nguyên Huân cũng không biết rằng lời hắn nói ngày hôm nay về sau có thể sử dụng để chửi mắng cha mình.

Hầy, thôi bỏ đi.

Hai chúng tôi đi nửa vòng chợ, vẫn chưa thấy bóng dáng Dư Nương hay đám Vân Phi ở đâu, lại gặp được Đỗ Chi cùng Diệu Hân đi chợ Tết.

"Anh Huân, chị Tâm!" Đỗ Chi nhảy cẫng lên, vẫy tay liên hồi. Bên cạnh là Diệu Hân mỉm cười chào hỏi.

Trước giờ tôi cứ tưởng Đỗ Quân Đỗ Chi là em họ của Trần Khắc Chung, lâu dài mới biết chỉ là bậc con cháu, họ hàng xa bắn đại bác không tới.

Tôi gật đầu với Đỗ Chi xong thì quay qua gọi Diệu Hân một tiếng "chị dâu", khiến hai má cô nàng phiếm hồng, cười thẹn thùng. Tôi đã nhận Đỗ Quân là anh trai, xưng hô rõ ràng thế này là để bớt đi một mối phiền phức.

Đỗ Chi dùng khuỷu tay huých vào tôi một cái, hất đầu: "Sao hai anh chị lại đi cùng nhau thế?"

Tôi vội trả lời: "Tình... tình cờ gặp thôi."

Chỉ lo tên nhãi Đỗ Nguyên Huân kia lại nói mấy lời linh tinh dạng như cửu hạn phùng cam vũ thì toi.

"Anh đang uống trà, thấy tiểu thư Niệm Tâm đi qua nên đuổi theo đấy." Đỗ Nguyên Huân ung dung nói, ngay sau khi tôi vừa dứt lời.

Tôi không biết giấu mặt đi đâu cả.

Đỗ Chi nhướn mày, hết nhìn tôi lại ngó sang Đỗ Nguyên Huân, trông bộ dạng có hàng ngàn hàng vạn chữ muốn nói nhưng cuối cùng chỉ gật gù: "Tốt lắm."

Tốt cái con khỉ.

Vậy là tôi phải tìm cách đổi chủ đề: "Dạo này Huệ vẫn ngoan chứ?"

Diệu Hân thay em chồng đáp: "Huệ vẫn ăn ngon ngủ kỹ, chỉ có Chi nhà ta là buồn bực ngày đêm."

Tôi lân la đến gần: "Sao thế?"

Lần này Đỗ Chi tự trả lời: "Lão chồng già của Bội San bị bệnh nặng, cứ canh đúng lúc Công Bân từ trong cung về là mời đến thăm bệnh."

Diệu Hân cười: "Chưa hết đâu."

"Hừ, mỗi lần gặp Công Bân là hai con mắt của mụ ấy lại lúng liếng, như muốn nhảy vào ăn tươi nuốt sống chồng em!" Gân xanh trên trán Đỗ Chi đã lờ mờ hiện rõ. "Chẳng hiểu lão già kia bị bệnh gì, nhiều ngày rồi mà Công Bân nhà em vẫn chưa chữa được, còn phải viết thư hỏi thầy Gia chị ạ."

Chúng tôi vừa đi vừa nói chuyện, tôi lân la hỏi Đỗ Chi về Phạm Bân, muốn biết hắn ta từ phủ Thái An vương về có hành động gì kỳ lạ hay không. Kết quả khiến tôi thất vọng, có lẽ hương trầm ở chỗ Trần Thừa Ân chỉ là hơi khó ngửi một chút chứ không hề khiến thần trí con người mất tỉnh táo như tôi tưởng.

Vừa nhìn thấy Dư Nương và Vân Phi, tôi lập tức quay lại chào tạm biệt mấy người đám Đỗ Chi rồi dùng tốc độ nhanh nhất để bỏ chạy, tránh thật xa khỏi Đỗ Nguyên Huân.

...

Ba mươi tháng Chạp, tôi và Trần Thuyên vẫn mặc kệ nhau. Nói đúng hơn thì là anh không quan tâm tới tôi, bởi dù tôi muốn cũng có vào cung gặp anh được đâu?

Cuối giờ Dậu, sau khi dùng nước ngũ vị vẩy trên bàn thờ và trong bếp, tôi thay sang một bộ tứ điên thêu hoa bốn cánh có màu sắc sáng sủa, khoác áo dương cừu to dày rồi dẫn Đông Ly sang Chương Đức viên. (3)

Trần Mạnh là trẻ con, không nhớ được lịch trình mọi năm đều phải vào cung dự yến tiệc nên vẫn đùa nghịch như thường, thấy tôi đến còn gào thét ầm ĩ, suýt nữa ngã lộn cổ xuống đất.

Bữa cơm giao thừa tại Chương Đức viên khá ấm cúng vui vẻ. Hai vợ chồng Chiêu Văn vương hiền hoà gần gũi, chưa bao giờ có dáng vẻ kiêu ngạo khinh người của bề trên, còn gắp thức ăn cho tôi. Quân Trì cũng có mặt tại bàn ăn, do đã biết được thân phận của anh ta nên tôi không cảm thấy kỳ quặc mấy.

Ăn uống xong xuôi thì chúng tôi quây quần lại ở gian phòng khách, chờ đến giao thừa.

Chiêu Văn vương xếp bằng niệm kinh, Trinh Túc phu nhân ôm Trần Mạnh trong lòng thủ thỉ mấy câu, ánh mắt tràn ngập yêu thương.

"Quân Trì, đừng quên năm nay con hợp tuổi xông nhà đấy nhé." Trinh Túc phu nhân áp má vào trán Trần Mạnh, hướng về phía Quân Trì nói.

Anh ta nhẹ nhàng đáp lời, trong phòng lại chìm vào yên lặng.

Giờ Tý đã qua được một lúc, Trinh Túc phu nhân đặt Trần Mạnh vào tay tôi rồi cùng Chiêu Văn vương vào phòng thờ cúng giao thừa. Cùng lúc ấy, gia nô theo lệnh bày hương án riêng ngoài sân để lát sau làm lễ cúng Đệ nhất gia chi chủ - tức Thổ Công.

Do trời rét nên tôi chỉ ôm Trần Mạnh ngồi yên trong phòng, như mù như dở, hoàn toàn không biết hiện tại đã sắp đến thời khắc chuyển giao đất trời hay chưa.

Trần Mạnh trong lòng tôi ngáp dài mấy cái, tôi bị lây nên cũng há miệng, ngáp tới chảy cả nước mắt.

Ở Chương Đức viên hình như không đốt pháo, có vẻ hơi tẻ nhạt.

Bỗng nhiên Quân Trì lên tiếng: "Chúc mừng năm mới."

Ngay sau đó là tiếng nổ bụp bụp từ đằng xa vọng tới, hẳn là phía cấm cung đang bắn pháo hoa.

Tôi nhe răng cười với anh ta: "Năm mới như ý cát tường, an khang thịnh vượng!"

Khoé môi Quân Trì hơi giật giật, hình như lời chúc của mình có phần quá đà.

"Chúc nàng năm mới... mạnh khoẻ." Quân Trì khẽ nói.

Gì mà kiệm lời thế, không lẽ anh chẳng chúc được mấy câu kiểu "tiền vào như nước sông Đà" à?

Nghĩ vậy nhưng tôi không dám hé miệng, cúi xuống xoa xoa hai bên má đỏ hồng của Trần Mạnh: "Chúc hoàng tử nhỏ năm mới hay ăn chóng lớn, nghe lời phụ hoàng nhé!"

Thằng bé rướn người lên, thơm vào má tôi một cái rất kêu: "Chúc cô Tâm năm mới sang chơi với con nhiều hơn ạ!"

Tôi bật cười, đúng là trẻ nhỏ ngô nghê. Khéo khi sau ngày hôm nay tôi và cậu không còn cơ hội gặp nhau nữa ấy chứ.

Quân Trì đứng lên nhìn tôi, ngập ngừng nói: "Ta đi một lát rồi về."

Tôi không hiểu mô tê gì, sau đó mới nhận ra anh ta phải xông nhà, chắc bây giờ ra đường rồi tiện đi chùa đền gì đó luôn. Nhưng câu nói này... là dặn tôi chờ anh ta hả?

Quân Trì vừa đi thì vợ chồng Chiêu Văn vương cũng ra tới phòng khách, bây giờ là đến tiết mục cúng Thổ Công. Phòng thờ nhà họ thì tôi không dám bước vào, còn giờ khấn vái ở ngoài sân, nếu tôi vẫn ôm Trần Mạnh ru rú trong phòng thì có vẻ không được phải phép cho lắm.

Gia nhân đã trải sẵn chiếu ở phía trước hương án, Chiêu Văn vương đỡ vợ mình cùng tới gần thắp hương rồi nửa quỳ nửa ngồi xuống chiếu, rì rầm đọc văn khấn.

Tôi bế Trần Mạnh đứng một góc, nghe câu được câu chăng.

"... Kính cẩn dâng trầu rượu, trà nước, vàng bạc, đèn nhang hoa quả cùng mọi phẩm vật.

Cung mời

Đức bản gia Thổ Công tại vị ở trước

Đức Thổ Địa thần kỳ tại vị ở trước

Xin chư thần giám lâm chứng cho lòng thành..." (4)

Cúng Thổ Địa xong xuôi, giờ đã bước sang Tết Nguyên Đán.

Hai mắt tôi đã díu cả lại nhưng vẫn cố gắng chống chọi, cùng hai vợ chồng Chiêu Văn vương chờ hương tàn để hạ lễ. Trong khi đó, Trần Mạnh đã hoàn toàn say giấc nồng, được bà vú bế vào phòng trong.

Gia nô thông báo hương tàn, Trinh Túc phu nhân thay chồng rời bước ra sân, tôi tất tả chạy theo. Đúng lúc ấy, Quân Trì cũng vừa quay về, tay phải cầm một cây nhang lớn vẫn đang đỏ lửa, tay trái đỡ một chiếc hũ được đóng nắp cẩn thận.

Trinh Túc phu nhân đang chỉ huy gia nô hạ lễ, cười bảo tôi: "Không biết Quân Trì đi xin lửa tự ở đâu." (5)

Lòng tò mò lại nổi lên, tôi tỏ vẻ đi ra đón Quân Trì nhưng thực tế là để xem trong hũ là thứ gì, không để ý một bóng dáng nhỏ bé phóng vụt qua, cuối cùng khiến Chương Đức viên gà bay chó sủa, đúng vào rạng sáng ngày mùng một Tết Nguyên Đán.

Chuyện là Trần Mạnh đã tỉnh từ lúc nào, trốn được bà vú chạy ra ngoài, đâm sầm vào tôi, còn cả người tôi lao về phía Quân Trì.

Trong hũ nhỏ trên tay Quân Trì là hương lộc, toàn bộ số hương rơi vào cả áo tôi lẫn anh ta. Ngay lúc ấy, một trận gió to thổi đến, thêm cây nhang lớn đang nghi ngút khói kia đã khiến đống hương trên áo chúng tôi bùng lên một ngọn lửa nhỏ.

Tôi bình an vô sự, do lửa chỉ bén vào áo khoác bên ngoài nên được Đông Ly giúp cởi ra một cách nhanh chóng. Còn Quân Trì, anh ta cũng dính lửa nhưng mải lo cho tôi nên có vẻ bị bỏng khá nặng.

Giữa tiết trời giá rét, Quân Trì bị mấy xô nước lạnh tạt vào người, sắc mặt tái nhợt dưới ánh đèn dầu.

Tôi đứng cạnh đỡ lấy Trinh Túc phu nhân, run rẩy nhìn thầy lang gỡ từng lớp áo của Quân Trì, cũng may chỉ bị bỏng một phần ở bắp tay phải.

Trên lưng Quân Trì xăm hai con vật lớn há miệng nhe nanh đối xứng nhau, trùm kín hai bên bả vai, trông khá giống với con lân nhưng hiền hoà hơn đôi chút.

Chiêu Văn vương và Trinh Túc phu nhân theo thầy lang ra ngoài nghe căn dặn và sai gia nô pha chế thuốc đắp cho Quân Trì, tôi quyết định ở lại, mắt liếc qua vết bỏng trên tay anh ta mà hít một hơi, lạnh buốt lồng ng/ực.

"Lang y nói là không sao rồi, nàng đừng lo." Quân Trì lên tiếng an ủi tôi.

Tôi mím môi, thành thật nói: "Cũng may chỉ bị bỏng ở tay, chứ nếu lửa lan ra sau lưng thì hỏng mất hình xăm đẹp."

Quân Trì ngẩn người chốc lát, phì cười: "Ta nghe nói... hương lộc bốc cháy là điềm tốt, vậy năm nay cả ta và nàng đều gặp may mắn rồi."

Không ngờ trong đau đớn mà anh ta vẫn có khiếu hài hước đáng nể như vậy, tôi nhất thời không biết nên khóc hay cười theo đây.

Tỳ nữ mang thuốc vào chăm sóc cho Quân Trì, tôi biết điều lui về gian phòng cũ của Thánh An mà Trinh Túc phu nhân đã sai người dọn dẹp qua còn Đông Ly được sắp xếp ở nơi khác.

Quân Trì chỉ bị bỏng nhẹ, anh ta cũng là người luyện võ, có lẽ tôi không cần quá lo lắng.

Nghĩ là làm, tôi cởi bớt lớp áo ngoài rồi leo lên chiếc giường rộng. Đã vùi sâu trong chăn ấm mà không tài nào chợp mắt, sự cố khi nãy đã khiến cơn buồn ngủ của tôi bay biến từ lúc nào.

Qua một lát, khi tôi đã đếm đến con cừu số chín mươi chín thì bỗng nghe tiếng gõ cửa rất nhẹ từ phía ngoài. Không phải cửa sổ mà là cửa chính.

Tôi bật dậy, nương theo ánh trăng cố gắng quan sát nhưng khổ nỗi bóng của kẻ ở ngoài cửa đã bị cột nhà che mất phân nửa, hoàn toàn không đoán được danh tính.

"Ai đấy?"

Bên ngoài không đáp lại, chỉ có tiếng gõ lộc cộc bực bội.

Tôi thò tay xuống gối, tay nắm chặt con dao găm Trần Thuyên tặng rồi đặt chân xuống nền đất lạnh, từ từ tiến lại gần cửa.

Đương lúc tôi kéo cửa vào thì người phía ngoài cũng dùng sức đẩy theo, bóng dáng cao lớn trước mặt khiến ba hồn bảy vía của tôi bay thẳng lên trời.

Mùi rượu xộc vào mũi, tôi nhíu mày, vội vứt dao xuống đất mà đỡ lấy Trần Thuyên. Cả người anh nghiêng ngả, gần như dựa cả vào vòng tay tôi.

"Nàng hư thật, ta gọi bao lâu mà không trả lời." Trần Thuyên gắt gỏng, giọng lười nhác say sưa.

Đỡ được anh đã vạn phần khó khăn, tôi thấp giọng mắng: "Quan gia cứ thế này em tổn thọ mất. Ơ mà..."

Trần Thuyên vẫn mặc nguyên lễ phục Long Cổn đã tháo bớt phục sức, còn trên đầu chỉ cài trâm chứ không đội mũ Bình Thiên.

Bách Chu tay xách nách mang từ trong bóng tối xuất hiện, không rõ đang cầm những thứ gì, thay Trần Thuyên giải thích: "Quan gia uống rượu say, ngủ quên mất. Đến khi tỉnh dậy thì nhớ ra phải đến gặp tiểu thư, đến áo Cổn cũng không kịp thay."

Tôi hơi giận, bảo: "Quan gia đã say đến mức này mà vẫn cố chấp ra ngoài à..."

"Ta say lúc nào?" Trần Thuyên đột ngột đứng thẳng người, thuận thế kéo tôi ngã vào lòng anh.

Hương trà đã bị đẩy lùi bởi mùi rượu nồng nàn, tôi giãy dụa thoát khỏi cái ôm của anh.

Ánh sáng bàng bạc trên cao rơi xuống một nửa khuôn mặt Trần Thuyên, từng đường nét sắc sảo như được đẽo gọt dưới bàn tay của người thợ thủ công lành nghề, còn thấy rõ đôi mắt sáng ngời ung dung, dịu dàng thanh khiết.

"Đi thôi nào." Tay Trần Thuyên ấm áp đến tột cùng, bao phủ lấy bàn tay nhỏ bé của tôi mà siết chặt.

Tôi ngơ ngác: "Đi đâu ạ?"

Trần Thuyên khẽ cằn nhằn: "Tay nàng lạnh quá này." Đoạn, kéo cả hai tay tôi lên, chụm lại thành búp rồi xoa xoa.

Sau đó anh nói: "Chúng ta đi thả đèn."

Bách Chu đang đứng một bên, không cần chỉ thị của Trần Thuyên, tự giác lôi ra hai cái đèn hoa đăng to bằng bàn tay.

"Vốn là đến lễ Nguyên Tiêu mới đúng thời điểm, nhưng mà kệ, nay ta với nàng đi trước."

Trần Thuyên đang có hơi men, hiện giờ muốn chối cũng không được. Tôi đành quay vào khoác thêm áo, nhớ ra chiếc dương cừu bị cháy mất một góc đã bị Đông Ly đem đi đâu mất rồi. Chỉ ăn mặc phong phanh thế này mà ra sông thả hoa đăng thì khéo chết rét.

"Khi nãy áo khoác của em bị bắt lửa, giờ em không có áo..." Tôi gượng cười nói với Trần Thuyên.

Trong bóng tối mà tôi vẫn trông rõ anh nhíu mày: "Sao nàng bất cẩn thế?"

Còn không phải là tại con trai anh!

Trần Thuyên phất tay, Bách Chu liền nhanh nhẹn dâng lên chiếc áo hồ cừu to sụ, cả người tôi lập tức được bao trùm.

Nửa đêm nửa hôm mò ra hồ Nhật Thịnh xa xôi có vẻ không hợp lý cho lắm, Trần Thuyên dắt tôi tới gần một con hồ tên là Thuỷ Tinh, chỉ cách Chương Đức viên chừng nửa dặm.

Tôi sợ anh bị trúng gió nên cứ chốc chốc lại ngẩng lên quan sát, lại thấy bước đi vững vàng, phong thái trầm ổn, không có vẻ gì là vừa say rượu cả.

"Nhớ ta lắm hay sao mà cứ nhìn mãi thế?" Trần Thuyên bật cười trêu chọc.

Nếu là bình thường tôi nhất định sẽ gân cổ lên cãi, nhưng nay là mùng một Tết Nguyên Đán, bớt miệng đi vẫn hơn. Nhưng bực bội thì vẫn không tránh khỏi, thế là tôi lại vùng vằng, cố gắng rút tay khỏi tay Trần Thuyên. Thử ba bốn lần mà kết quả vẫn bất lực, tôi đành để mặc anh nắm tay mình, lầm bầm mắng chửi người đâu mà khỏe thế không biết.

"Không trả lời còn thì thầm cái gì thế hả?" Trần Thuyên siết tay tôi một cái.

Tôi liền cười giả lả: "Không có gì ạ. Chỉ là em thắc mắc... vì sao lần này chàng đến Chương Đức viên lại lịch sự thế, còn gõ cửa nữa."

Trần Thuyên ngẩn người trong giây lát, đưa tay lên véo mũi tôi: "Vì sợ nàng đóng đinh ở cửa sổ đấy!"

Thế là đến lượt tôi ngơ ngẩn, đần cả người. Phải rồi, sau khi bị Trần Thuyên cấm túc tôi liền sai Đông Ly đóng thêm đinh ở cửa sổ phòng, một khi đã cài chốt thì người ở ngoài có dùng sức ba bò chín trâu cũng đừng hòng giật ra được; ngoài ra, cửa ra vào cũng chịu số phận tương tự.

Không biết là do Trần Thuyên từng trực tiếp mò đến hay Đông Ly tiếp tục ở sau lưng tôi, lén lút truyền lời đến anh nhỉ?

Đã qua nửa đêm từ lâu, nhiệt độ càng hạ thấp, ngoài hồ gió rét từng cơn, buốt hai gò má.

Bách Chu trao lại hoa đăng xong đã nhanh nhẹn lủi mất vào màn đêm, rốt cuộc ngoài hồ chỉ có duy nhất hai đứa dở hơi là tôi và Trần Thuyên.

Anh nhẹ nhàng đỡ tôi đi xuống bậc đá, đột ngột khựng lại, nghiêm túc hẳn: "Đứng sau lưng ta."

Rồi nhanh chóng dùng tay gạt tôi về phía sau.

Tôi buồn cười mà không dám nói ra. Rõ ràng cả tôi và anh đều có "vấn đề" về phương diện sông nước, nhưng thế nào mà đến tận nơi mới nhớ ra chứ.

Ngọn đèn nhỏ ở phần nhuỵ hoa đăng được thắp lên, Trần Thuyên lại chợt nhận ra một điều quan trọng: Giờ viết điều ước như thế nào nhỉ?

"Quan gia đừng lo, vào giờ khắc này tính cả thế gian cũng chỉ có hai ta thả hoa đăng, Thần Phật nhất định sẽ chú ý." Tôi lên tiếng dỗ dành, mất một lúc anh mới chịu chấp nhận sự thật.

Trần Thuyên dùng hai tay nâng hoa đăng lên, từ đầu đến cuối ánh nhìn đều không rời khỏi tôi. Anh khép hờ đôi mi, miệng lầm rầm vài câu rồi thả đèn xuống mặt hồ.

Trời chưa ngừng gió nên trong chỉ chốc lát, hoa đăng đã theo dòng nước trôi dạt đi.

Đến lượt mình, tôi cũng bắt chước Trần Thuyên nâng hoa đăng bằng hai tay hướng về phía anh, mỉm cười: "Quan gia là thiên tử, em nói điều ước với chàng thì hẳn là ông trời cũng sẽ đồng ý phải không ạ?"

Không đợi anh đáp lời, tôi nhắm mắt lại: "Nguyện cho Đại Việt hưng thịnh, nhân dân ấm no, khắp nơi đều được hưởng an lạc, thái bình."

Cứ phải nói mấy câu mang tầm cỡ vĩ mô cái đã, dù sao người trước mặt cũng là hoàng đế.

"Nguyện cho những người mà em thương yêu có cuộc sống đủ đầy, tránh khỏi mọi tai ương bệnh tật."

Nguyện cho... Nguyễn Từ Niệm Tâm sớm ngày được trở về.

Câu ước cuối cùng tôi dành cho bản thân mình và đương nhiên, cũng chỉ giữ kín trong tâm tưởng.

Tôi rướn người, vươn tay đặt hoa đăng xuống mặt nước.

Anh hừ nhẹ, có vẻ không hài lòng cho lắm: "Hết rồi à?"

"Hết rồi!" Tôi bật cười, cùng anh đứng dậy.

Rụt cổ vào trong lớp áo hồ cừu dày dặn, tôi hắng giọng: "Về thôi, trời rét quá. Ban nãy chàng véo mũi em, giờ còn thấy hơi buốt đây này!"

Để chứng minh cho lời nói của mình, tôi trỏ ngón tay lên mũi, nhăn nhó làm nũng.

Bất chợt, một tay Trần Thuyên nắm lấy cổ tay tôi đang giơ lên cao, tay kia vòng qua hông, đỡ lấy eo tôi rồi kéo giật về phía mình.

Trăng sáng trong veo, mi mắt khẽ động, vai phủ sương khói.

Ngón tay anh dịu dàng phớt qua sống mũi, chỉ một thoáng, cánh tay đang ôm lấy eo tôi càng vận sức, ôm cứng lấy tôi.

Gương mặt Trần Thuyên gần hơn, tôi thấy được mình trong đôi mắt tĩnh lặng như biển khơi, hơi thở ấm áp vương mùi rượu quấn quít đan xen.

Trần Thuyên nâng tay, vuốt nhẹ gò má tôi như đang nâng niu báu vật, sau đó từ từ cúi xuống.



(1) Chi hậu: Chức quan hầu bên vua giữ việc truyền lệnh và dẫn người ra vào (Từ điển chức quan Việt Nam)

Ô Mã Nhi: Tướng bên quân Nguyên, từng dẫn quân xâm lược Đại Việt.

Sự kiện trên được chép vào năm 1285.

(2) Luận Ngữ - Khổng Tử

Bản giảng giải của học giả Nguyễn Hiến Lê

(3) Áo dương cừu: Áo khoác làm từ lông dê

(4) Văn khấn được chép trong Tín Ngưỡng Việt Nam - tác giả Toan Ánh

(5) Lửa tự & hương lộc: Xin ở nơi thờ tự như đền chùa và mang về, xin Phật Thánh phù hộ.
Bình Luận (0)
Comment