Mắt Biếc

Chương 6

Khuya lắc khuya lơ, Dũng mới về nhà. Tôi quấn chăn kín người, nằm nghe nỗi buồn rứt tóc. Tiếng đẩy cửa của Dũng khiến người tôi như run lên. Trong một thoáng, tôi cảm thấy đầu mình nóng ran. Lần đầu tiên, tôi chìm vào một tâm trạng khó tả trong đó trộn lẫn lòng ghen tức, sự phẫn nộn và nỗi xót xa tê dại. Tôi không biết tôi sẽ làm gì. Tôi như một hỏa diệm sơn vừa bị đánh thức, đang nghĩ xem nên phun lửa ra đốt tan tành thế giới hay giữ lửa lại trong lòng để riêng đốt tình tôi.

Dũng tưởng tôi chẳng biết gì. Nó vào phòng bằng những bước chân nhún nhảy, rồi vừa huýt sáo miệng nó vừa nhảy nhót liên tục quanh phòng. Nó chẳng buồn che giấu niềm vui của mình. Dòm bộ tịch của Dũng, tôi đoán ngay nó và Hà Lan đã đi chơi ở đâu. Nhưng tôi chẳng thèm hỏi. Hỏi làm gì, tôi nhủ bụng, biết được chỉ buồn thêm.

Dũng tiếp tục nhảy nhót. Không hiểu vô tình hay cố ý, thỉnh thoảng nó lại chạm vào giường tôi. Tôi càng thêm bức rứt. Quên phắt những gì vừa tự nhủ, tôi liếc nó vào hỏi bằng giọng cố tỏ ra hờ hững:

- Bộ mới đi nhảy về hả ?

Dũng không trả lời thẳng câu hỏi của tôi. Nó vừa nháy mắt vừa tặc lưỡi xuýt xoa, chân vẫn không ngừng nhún nhảy:

- Một bữa tối tuyệt vời!

Tôi lặng lẽ quan sát Dũng bằng ánh mắt ác cảm. Tôi đọc được sự "tuyệt vời" nó nói trên vẻ mặt thỏa mãn của nó. Chiếm được người yêu của bạn mình, chắc nó hả dạ lắm. Đối với con người như Dũng, hẳn đó là một thành tích. Nhưng tất cả không chỉ do Dũng, tôi cay đắng nghĩ thầm, vấn đề còn tùy thuộc ở Hà Lan. Hà Lan đã dẫm lên trái tim tôi bằng đôi guốc đinh nhọn như trong giai thoại về học sinh trường Nữ. Nó giẫm lên và không hề ngoái lại. Nó chẳng buồn biết trái tim tôi còn đập nữa hay không. Phải chăng đã đến lúc Hà Lan rời bỏ tôi như nó đã một lần rời bỏ mùa thị vàng và rừng Sim hoa tím, lòng không gợn chút bâng khuâng? Bỗng dưng tôi nhớ tới một ca khúc của Phạm Đình Chương:

Người đi qua đời tôi

Không nhớ gì sao người ?

Và tôi xoay lưng nằm úp mặt vô tường, buồn muốn khóc. Tôi làm con cá nhỏ, bơi trong nỗi buồn. Nỗi buồn mênh mông như biển, tôi bơi suốt đêm vẫn chưa ra khỏi. Nhưng tôi vẫn lặng lẽ bơi, ngậm ngùi, cô độc, thỉnh thoảng quẫy mạnh chiếc đuôi dài làm xuất hiện những đốm bọt màu sữa như những ngôi sao nhỏ. Có ngôi sao nào tên gọi Hà Lan?

*****

Tôi buồn, dĩ nhiên. Nhưng đốm lửa hy vọng trong tôi chưa tắt hẳn. Nó vẫn cháy, dù là leo lét. Bản chất của tình yêu là hy vọng. Nhiều khi trước một sự thật phũ phàng đã rõ mười mươi, người ta vẫn tìm cách giải thích theo chiều hướng ít bi quan nhất. Tôi cũng vậy. Tôi cố nghĩ rằng Hà Lan thích nhảy, Dũng lại nhảy giỏi, Hà Lan đi chơi với Dũng là chuyện tự nhiên. Tôi cố nghĩ rằng đi chơi với một người và yêu người đó là hai chuyện hoàn toàn khác. Và tôi thôi buồn. Tôi cấm tôi nghĩ ngợi vẩn vơ.

Hôm sau, tôi đến trường Hà Lan với nụ cười tươi tỉnh trên môi. Không thấy Dũng lảng vảng ở đó, lòng tôi nhẹ nhõm quá chừng. Nhưng rồi tôi chợt giật mình: hôm qua chắc nó đã hẹn hò với Hà Lan nên hôm nay nó không cần đón ở cổng trường. Ý nghĩ đó vắt ngang đầu tôi như mây xám vắt ngang bầu trời. Niềm vui trong lòng bỗng chốc bay vèo. Và như cánh chim đại bàng trong chuyện cổ, khi bay đi nó cắp theo cả chút bình yên cuối cùng còn sót lại trong tôi.

Tôi đón Hà Lan bằng vẻ mặt hân hoan giả tạo. Hà Lan chẳng nhìn thấy gì. Nó vẫn cười với tôi bằng đôi mắt biếc. Không hiểu sao khi nhìn vào đôi mắt nó, lòng tôi bỗng thấy nhói đau.

Trong tâm trạng rối bời đó, tôi chẳng còn buồn giữ khoảng cách an toàn như trước đây nữa. Hà Lan vừa dắt xe ra khỏi cổng, tôi đã xáp lại chạy song song bên cạnh. Tôi chẳng còn sợ cô Thịnh bắt gặp. Cô gặp, kệ cô. Lúc này tôi chẳng còn sợ gì nữa. Tôi chỉ sợ mất Hà Lan.

Hà Lan trò chuyện với tôi một cách tự nhiên. Và tôi cũng làm ra vẻ như không biết gì, mặc dù điều đó đối với tôi quả thật khó khăn. Suốt trên đường về, chúng tôi chỉ nói với nhau về chuyện học tập, về kỳ thi sắp tới. Câu chuyện gượng gạo làm sao!

Đến nhà cô Hà Lan, tôi không quay xe về như thường lệ mà nói:

- Tôi vào chơi nghen?

Hà Lan có vẻ ngạc nhiên trước thái độ khác lạ của tôi. Nó ngần ngừ:

- Lát nữa Hà Lan phải đi công chuyện...

Câu đuổi khéo của Hà Lan chẳng khác nào một nhát dao đâm vào tim tôi. Tôi đâm bướng:

- Tôi chỉ vào chơi một chút thôi!

- Một chút thôi nghen!

Hà Lan đáp, và tôi đọc được vẻ ngại ngần trong mắt nó.

Câu chuyện trong phòng khách diễn ra không khá hơn ngoài đường chút nào. Nó ngượng ngập và đứt khúc, phần lớn thời gian rơi vào sự im lặng nặng nề. Tôi ngồi như khúc gỗ và cựa mình một cách khó khăn. Hà Lan thì chốc chốc lại nhìn lên đồng hồ. Nó lộ vẻ sốt ruột và nó không giấu điều đó. Thậm chí nó còn muốn tôi biết rằng nó đang sốt ruột, nó đang vội đi và rằng nếu tôi còn chút xíu lịch sự thì tôi nên xéo ngay trước khi nó nói ra.

Tôi không đợi nó nói ra. Vì vậy, tôi đứng dậy cáo từ:

- Thôi tôi về!

Hà Lan tiễn tôi ra cửa, mặt mày tươi tỉnh:

- Ừ, Ngạn về! Mai mốt ghé chơi!

Tôi phóng xe đi, không buồn ngoái lại. Mai mốt là ngày nào ? Là mai, là mốt hay không ngày nào hết? Tôi rẽ ngoặt xe ở một góc phố và không biết mình đang rời bỏ một con đường hay đang rời bỏ một giấc mơ.

Tôi về đến nhà đúng lúc Dũng vừa dắt xe ra.

*****

Tôi không cố tự đánh lừa mình nữa. Tôi hiểu điều gì đang xảy ra và cố đón nhận nó bằng một thái độ bình tĩnh như đón nhận một vết thương của số phận. Tôi cũng tự nhủ tôi đừng trách Hà Lan. Rằng nó có quyền chọn lựa con đường của riêng nó. Rằng tôi không thể buộc nó phải gắn bó lòng mình với những kỷ niệm của một thời thơ ấu dài lâu. Tôi không thể bắt Hà Lan phải giống tôi.

Tôi khác. Không ai bắt tôi phải hoài vọng kỷ niệm. Không ai bắt tôi phải nhớ da diết cái làng nhỏ xa xăm của mình mỗi khi chiều xuống. Không ai bắt tôi đêm nào cũng phải mơ thấy bóng trăng tuổi thơ treo lơ lửng trên đường làng và rơi từng giọt vàng xuống giàn hoa thiên lý. Những điều đó xảy đến một cách tự nhiên, cũng giống như hồi học lớp chín, một hôm nhìn vào mắt Hà Lan, lần đầu tiên tôi cảm thấy lòng mình dậy sóng. Mà chẳng hiểu vì sao.

Bây giờ thì tôi hiểu. Và cũng lại hiểu rằng, với Hà Lan bây giờ, Dũng hấp dẫn hơn tôi nhiều. So với Dũng, tôi chỉ là một thằng con trai quê mùa. Quê mùa từ lối sống, từ cách ăn mặc đến cách tỏ tình. Bây giờ chẳng còn ai tỏ tình bằng cách bõ công ngồi gảy đàn và rụt rè hát lên những lời bóng gió. Hệt như một thằng ngốc. Tôi cứ bắt chước Trương Chi, hèn gì hồn tôi chết đuối. Mà những bản tình ca cũng chẳng ra gì, ngay từ đầu Dũng đã liệt vào loại "cổ điển" vứt đi.

Tôi chẳng trách Hà Lan. Nhưng tôi không buồn gặp nó nữa. Tôi giã từ con đường chạy ngang qua trường Nữ. Chiều chiều, tôi lững thững đạp xe ra ngoại ô, ngồi một mình trên bãi cỏ chân cầu nhìn nước chảy. Và tôi ôm đàn tỉ tê cùng sông nước:

Một người bỏ một người đi

Một bài thơ dở dang vì

Lãng quên

Giữa trời

Sao mọc lênh đênh

Một đàn cá lội

Buồn tênh chân cầu

Một người

Đi mất từ lâu

Để người kia hát

Về đâu hỡi người

Hoa bâng khuâng

Rụng không lời

Chim bay ngơ ngác

Cuối trời hoàng hôn

Tôi ngẩng đầu lên và thấy ở cuối chân trời xa, chim bay ngơ ngác. Chúng là chim gì, chim én hay chim sẻ, mà ở đằng sau những đôi cánh thấp thoáng kia dãy ráng đỏ cứ cháy lên thảng thốt?

*****

Suốt ngày suốt đêm, tôi viết nhạc. Tôi viết ngoài giấy. Tôi viết trong đầu. Nỗi khổ đau khiến tôi ngớ ngẩn. Nỗi khổ đau tuôn trào như thác, ngập lụt cả lòng tôi. Trong những ngày u ám đó, nếu không có âm nhạc, tôi đã không ngoi lên nổi, tôi đã không còn là tôi.

Âm nhạc đã dìu tôi qua đèo cao vực sâu. Bằng đôi cánh dịu dàng và bay bổng, nó đã nhấc tôi lên khỏi nỗi mê đắm xanh xao, phiền muộn. Tôi viết những bản tình ca buồn bã và rung chúng lên trên sáu dây đàn để nghe lòng vơi đi sầu nhớ. Khi nỗi đau đã thoát được ra ngoài, sức công phá mãnh liệt. Tôi ngồi giữa hoàng hôn, bên chân cầu sóng vỗ, nhắn cùng mây gió:

Ai về qua chỗ người thương

Đứng giùm tôi

Trước cổng trường ngày xưa

Ướt giùm tôi

Chút cơn mưa

Để nghe trên tóc

Hương vừa bay đi...

Khi hát, tôi thấy tôi trở về. Tôi thấy tôi bồn chồn đứng trướng cổng trường Nữ, mỏi mắt tìm Hà Lan trong dòng sông áo trắng. Thấy tôi, Hà Lan mừng rỡ. Và nó trách:

- Ngạn đi đâu mà mất biệt?

Tôi cười:

- Tôi bận học.

- Xì! Hà Lan không tin.

Tôi lại cười. Tôi chẳng buồn thanh minh. Chỉ cần nhìn vào đôi mắt nó, tôi biết rằng nó đã biết tất cả. Tôi rủ Hà Lan về làng, nó gật đầu ngay. Tôi thấy tôi và Hà Lan ngồi trên chiếc xe đò của ông chú nó. Xe chạy từ sáng sớm, đến chiều thì về tới phố huyện. Từ huyện, tôi và Hà Lan đạp xe về làng. Hệt như ngày xưa.

Và cũng hệt như ngày xưa, về ngang rừng Sim ven làng, chúng tôi rủ nhau ghé vào hái sim và tìm bông dủ dẻ. Tôi lại trèo lên cây trâm hái từng chùm trái tím thẫm ném xuống cho Hà Lan. Sau đó hai đứa tôi len lỏi qua mé rừng bên kia để ngồi ngắm hoàng hôn trên phiến đá năm nào. Trong giây phút êm đềm đó, tôi bỗng thấy tôi quên hết khổ đau. Tôi đã thôi buồn. Trong tôi chỉ còn lại một niềm vui rộng lớn và tinh khôi, như chưa hề vẩn đục. Hà Lan ngồi bên cạnh, co chân lên phiến đá, nom dịu dàng và dễ thương như một con mèo nhỏ. Tôi tưởng nó chưa bao giờ đặt chân ra thành phố. Nó vẫn là nó ngày nào.

Lòng tràn ngập hạnh phúc, tôi kể cho Hà Lan nghe những câu chuyện ngày xưa bà kể. Những câu chuyện tuyệt vời đã nuôi dưỡng tôi từ tấm bé. Hà Lan ngồi nghe, có chuyện biết, có chuyện chưa biết, nhưng đôi mắt nó bao giờ cũng ngẩn ngơ và say đắm.

Đang say sưa kể chuyện "Ăn khế trả vàng", tôi chợt giật mình khi nghe tiếng còi xe quen thuộc vọng lại từ ngoài bìa rừng. Tôi chưa kịp hiểu ra chuyện gì, Hà Lan đã nhỏm người dậy và vội vã bỏ đi. Tôi hốt hoảng gọi to nhưng Hà Lan không quay lại. Nó đi một mạch, tà áo thấp thoáng sau những bụi sim già. Khi tôi đuổi theo ra đến ven rừng thì Hà Lan đã mất hút. Tít đằng xa, chiếc Yamaha đỏ lẩn khuất sau đám bụi mờ...

Tôi chớp mắt và nhìn ra sông nước. Những hình ảnh không đâu sao cứ ám ảnh tôi hoài. Có bao giờ Hà Lan về lại rừng Sim, sao tôi cứ cực lòng mong mỏi. Cánh chim đã bay đi, ai biết buổi chim về. Ngày nào chim ăn khế ở vườn tôi, may túi ba gang, chim không hề dặn. Chim ăn khế, chim chẳng trả vàng. Chim chỉ trả buồn đau cho lòng tôi đong đầy sầu muộn. Tôi nghe sáu dây đàn cùng lúc rung lên:

Lòng tôi là cây khế

Em là chim về chơi

Vàng kia em chẳng trả

Chỉ nhả hạt xuống thôi

Hạt rớt xuống thành cây

Cây cũng toàn cây khế

Từ khi em đi rồi

Vườn tôi thành lặng lẽ

Biết bao giờ trở lại

Cánh chim em ngày nào

Lòng tôi hoa khế rụng

Xuống nỗi buồn nôn nao...

Tôi nhìn xuống bàn tay mình, xem năm đầu ngón tay có ngón nào rỏ máu. Tôi sợ tôi giống như nàng Kiều. Nhưng dòm dỏ một hồi, tôi chẳng thấy gì. Dù sao nỗi buồn của tôi cũng đã được ngân lên, đã được sẻ chia. Dù là với cỏ cây. Dù là với ngàn trùng sông nước.

*****

Tôi không gặp Hà Lan một thời gian dài. Tôi tránh nó. Và nó cũng tránh tôi. Có lẽ nó đã biết tôi biết chuyện nó và Dũng. Bất chợt gặp nhau ngoài đường, tôi và Hà Lan chỉ mỉm cười chào nhau và hỏi han qua loa dăm ba câu rồi đường ai nấy đi. Gặp mà như không gặp.

Tôi cố dìm tình cảm của mình xuống đáy lòng. Tôi cố chôn chặt kỷ niệm. Tôi muốn quên Hà Lan, quên hết. Khi nỗi nhớ dâng lên, tôi ôm đàn ngồi hát. Tôi hát, và gởi tâm sự của mình cho gió cuốn mây trôi.

Tôi đang muốn quên. Thì Hà Lan lại tới.

Tôi ngạc nhiên khi thấy nó xuất hiện, càng ngạc nhiên hơn khi thấy mắt nó đỏ hoe. Tôi bồn chồn hỏi:

- Có chuyện gì vậy, Hà Lan?

- Anh Dũng...

Hà Lan ngập ngừng đáp và cúi mặt xuống. Thấy nó ngừng bặt, tôi lại hỏi, giọng hồi hộp:

- Anh Dũng sao ?

Sau một thoáng phân vân, Hà Lan ngước nhìn tôi, sụt sịt nói:

- Ảnh tệ quá!

Hà Lan làm tôi lo lắng quá chừng. Nó nói kiểu đó, tôi chẳng biết đường nào mà lần. Tôi đoán già đủ thứ vẫn không biết Dũng "tệ" với Hà Lan là "tệ" như thế nào.

Cuối cùng, tôi đành hạ giọng hỏi:

- Dũng "tệ" sao ?

Hà Lan lại ngập ngừng. Có lẽ nó cảm thấy khó nói. Tôi động viên:

- Hà Lan nói đi! Đừng ngại!

Hà Lan chớp mắt:

- Lâu nay, ảnh không đến... Hà Lan.

Tôi cố nén một tiếng thở dài. Hóa ra Hà Lan buồn vì chuyện đó. Chuyện cỏn con vậy mà nó phải quýnh lên. Tôi nhìn nó, chép miệng:

- Biết đâu Dũng bận chuyện gì!

Hà Lan cắn môi:

- Chẳng có chuyện gì đâu! Ảnh bận đi chơi với Bích Hoàng!

À! thì ra thế! Tự dưng lòng tôi dâng lên một cảm giác thích thú kỳ lạ và tôi thấy hổ thẹn vì điều đó. Tôi hỏi, cố trấn áp niềm vui cay độc trong lòng:

- Bích Hoàng là ai ?

Hà Lan nhún vai:

- Ngạn không biết đâu! Cô ta là con ông Thanh Đạm.

Tôi không biết Bích Hoàng. Nhưng tôi biết tiệm bánh Thanh Đạm ở ngã tư Thái Bình Dương. Con nhà Thanh Lâm cặp kè với con nhà Thanh Đạm, một sự kết hợp chẳng lấy gì làm kỳ quái. Tôi nghĩ trong đầu như vậy nhưng không nói ra, sợ Hà Lan buồn thêm. Tôi nhìn Hà Lan và thấy sự đau khổ ánh lên trong mắt nó, bèn nói, giọng không được tự tin lắm:

- Tôi có thể giúp cho Hà Lan được gì ?

Hà Lan khẽ lắc đầu:

- Hà Lan chẳng muốn làm phiền Ngạn. Hà Lan chỉ kể cho Ngạn nghe vậy thôi.

Nói xong, Hà Lan bỏ về, buồn thỉu buồn thiu. Nhìn nó lầm lũi đạp xe đi, lòng tôi sao quá đỗi bùi ngùi.

Thoạt tiên, nghe Dũng bỏ rơi Hà Lan, tôi mừng khấp khởi. Như vậy tôi sẽ có cơ hội thực hiện giấc mơ tình cảm của mình, cái cơ hội mà tôi luôn âm thầm chờ đợi và có lúc tưởng đã đời đời vuột thoát. Bây giờ thì nó đã trở về. Tôi đã nhìn thấy đôi cánh xanh biếc của con chim hạnh phúc thấp thoáng trước hiên ngoài. Tôi còn tìm thấy trong mối tình đổ vỡ của Hà Lan một khoái cảm thầm kín khác, ích kỷ hơn và hèn mọn hơn. Đó là niềm vui chứng kiến cảnh Hà Lan rơi vào đau khổ. Nó rơi vào đúng nỗi đau khổ mà trước đây nó đã gây cho tôi. Hà Lan đã bỏ tôi để đến với Dũng. Mà chẳng được gì. Bây giờ đến lượt Dũng bỏ nó để đi chơi với Bích Hoàng. Hà Lan đã hất hủi tôi, đã khiến tôi chịu đựng khổ sở như thế nào thì giờ đây nó cũng chịu đựng những khổ sở y hệt như vậy. Thậm chí, Hà Lan còn ray rứt hơn tôi. Bởi nỗi khổ của nó do chính nó gây ra. Nó mờ mắt trước vẻ phong lưu của Dũng. Nó tự đưa đẩy nó đến tình cảnh hiện thời. Đáng đời nó. Tôi nghe những lời phán xét thì thầm, hí hửng và cay nghiệt không ngớt vang lên trong lòng. Tôi cũng nghe ả giọng điệu uất ức và giận dỗi của chúng, những buồn thương đè nén lâu ngày.

Nhưng khi sự phấn khích ban đầu qua đi, niềm vui trong lòng tôi vụt tắt. Tôi trở lại là tôi yếu đuối mềm lòng. Tôi không thể dửng dưng trước nỗi buồn của Hà Lan. Tôi yêu nó, tôi không đang tâm nhìn nó khổ sở. Và nó, hẳn phải khổ sở ghê lắm, nó mới đến tìm tôi. Ra thành phố chưa đầy một năm, bạn bè chẳng nhiều, lại chẳng thân, Hà Lan đâu biết tâm sự cùng ai. Ở nhà bà cô sung sướng đầy đủ mọi bề nhưng những chuyện như thế này lại không thể sẻ chia.

Xét cho cùng, chỉ còn có mình tôi, người bạn thuở thiếu thời. Chỉ còn có mình tôi, người con trai quê mùa, yêu chẳng được yêu, đau hoài một nỗi đau thầm lặng. Tìm đến tôi, tìm đến mối tình ngày nào nó đã quay lưng, hẳn Hà Lan dằn vặt vô cùng, hẳn lòng nó rối bời đến mức không thể không một phút giãi bày. Tội nghiệp nó ghê!

*****

Ngày hôm sau, tôi bảo Dũng:

- Tôi muốn nói chuyện với anh.

- Chuyện gì vậy ? - Dũng hỏi, vẻ ngạc nhiên.

Tôi trầm tĩnh đáp:

- Chuyện liên quan đến anh.

Dũng hất hàm:

- Vậy thì nói đi !

- Không thể nói ở đây được! Đi chỗ khác!

Dũng nheo nheo mắt:

- Nhưng mà chuyện gì vậy ?

- Lát nữa tôi sẽ nói. Bây giờ tụi mình đi !

- Đi đâu ?

- Ra ngoại ô.

Dũng không hỏi nữa. Nó lặng lẽ dắt xe ra.

Khi thấy tôi cầm lấy ghiđdông xe đạp, nó khoát tay:

- Khỏi ! Mày ngồi lên đây, tao chở đi !

Tôi không muốn ngồi lên chiếc Yamaha của nó chút nào. Hà Lan đã bao lần ngồi lên đó. Nhưng rồi cuối cùng, thấy đi xe đạp bất tiện, tôi đành leo lên ngồi đằng sau Dũng.

Dọc đường, hai đứa tôi không nói một lời.

Ra tới ngoại vi thành phố, Dũng ngoảnh cổ, nói:

- Tới ngoại ô rồi! Tìm một quán nước nghen!

Tôi trầm giọng:

- Quán nước không tiện.

Dũng nhún vai:

- Thằng này lạ ! Vậy đi đâu ?

- Ra cầu Đá.

Cầu Đá là nơi mỗi chiều tôi vẫn ra ngồi ngắm lục bình trôi và thả hồn theo khói sóng. Dũng không nói không rằng, nó lạnh lùng phóng xe về phía bờ sông.

Tới nơi, đợi Dũng dựng xe bên thành cầu, tôi dẫn nó đến bãi cỏ quen thuộc.

- Sao phải ra đây ? - Dũng hỏi.

- Ở đây yên tĩnh! - Tôi đáp, cố tỏ ra bình thản.

Không đợi tôi bắt đầu, Dũng đi thẳng vào đề:

- Mày muốn nói với tao chuyện gì ?

Tôi mím môi:

- Chuyện Hà Lan.

Dũng nhếch mép:

- Hà Lan không dính dáng gì đến mày nữa! Mày đã nói với tao là mày không can thiệp kia mà!

Tôi nhìn thẳng vào mắt Dũng, gằn giọng:

- Anh đừng giả vờ. Anh thừa biết tôi muốn gì rồi. Tôi chỉ không can thiệp nếu anh đem lại hạnh phúc cho Hà Lan. Còn anh làm cho cô ta đau khổ, tôi sẽ không bỏ qua cho anh đâu!

Thái độ cứng rắn của tôi khiến Dũng chột dạ. Nó vờ vịt:

- Tao có làm khổ Hà Lan hồi nào đâu!

- Nói láo! Anh đang gây ra đau khổ cho Hà Lan!

Dũng tặc lưỡi:

- Như vậy chắc là có hiểu lầm gì đây!

-Chẳng có hiểu lầm gì ở đây hết! - Tôi hừ mũi - Anh đang bỏ rơi Hà Lan để chạy theo Bích Hoàng! Anh là đồ sở khanh! Tôi không cho phép anh làm như vậy!

Dũng bắt đầu tự ái. Nó nghiến răng:

- Đủ rồi! Hôm nay mày ăn nói với tao như vậy là đủ rồi! Tao nhắc cho mày nhớ, tao yêu ai, đó là chuyện của tao! Chuyện của tao, mày rõ chưa!

- Anh yêu ai thì mặc anh, nhưng anh không được làm cho Hà Lan khổ... - Tôi kêu lên bi phẫn.

Dũng quắc mắc, giọn đểu cáng:

- Nếu mày sợ nó khổ thì mày đi mà yêu nó! Tao nhường lại cho mày đó!

Trong một thoáng, mắt tôi bỗng hoa lên. Cảnh vật chung quanh trở nên chập chờn. Một sự phẫn nộ khủng khiếp dâng trào trong tôi, lan ra khắp người, tận các đầu ngón tay. Trong cơn giận mù mịt đó, tôi đã giang tay tống một quả trời giáng vào bụng Dũng. Tôi không ý thức được cú đánh của mình. Ngày xưa xa lắc, khi thằng Hòa con thầy Phu dẫm lên đôi chân bé bỏng của Hà Lan, tôi đã trừng trị nó bằng một cú đánh dồn nén như vậy. Bây giờ, đến lượt Dũng. Dũng không dẫm lên chân, nó dẫm lên trái tim của người tôi thương. Nó đáng bị ăn đòn.

Nhưng Dũng khác Hòạ Thằng Hòa cậy oai phong của thầy Phu. Dũng cậy những ngón đòn karaté của mình. Nó là võ sinh đệ nhất đẳng huyền đai của võ đường Ánh Sáng. Cú đánh bất ngờ của tôi khiến nó nhăn nhó và cúi gập người xuống. Nhưng chỉ một lát sau, nó lại đứng dậy được. Và vừa xoa bụng, nó vừa gật gù nhìn tôi:

- Được lắm! Nếu mày muốn, tao sẽ cho mày biết thế nào là đánh nhau!

Nói xong, Dũng lao vào tôi. Một cú đá trúng quai hàm khiến tôi ngã lăn ra bãi cỏ. Nhưng tôi chẳng thấy sợ, cũng chẳng thấy đau. Nỗi căm giận giúp tôi thêm sức mạnh. Tôi lồm cồm bò dậy và lăn xả vào đối thủ.

Trên bãi cỏ hoang vắng bên bờ sông, tôi và Dũng lặng lẽ quần nhau đến tận tối mịt. Không ai hé môi một lời. Chúng tôi câm nín ra đòn.

Dĩ nhiên, tôi ăn đòn nhiều hơn. Hồi nhỏ tôi là chúa đánh nhau. Nhưng đã lâu rồi tôi giã từ đánh đấm. Vả lại, tôi chỉ biết võ... rừng, ăn nhau chỗ gan lì và sức mạnh. Trong khi đó, Dũng đánh bài bản. Nó ra đòn nhanh và chính xác. Đánh nhau một hồi, người tôi bầm tím. Lẽ ra tôi đã gục ngay từ đầu. Nhưng lòng phẫn uất và sự gan góc đã giúp tôi đứng vững. Dũng có vẻ ngạc nhiên khi thấy tôi cầm cự dai dẳng. Nó vừa đánh vừa khen:

- Khá lắm!

Nhưng tôi chỉ "khá" được đến thế. Tôi không thể chịu đựng đến giây cuối cùng. Trận đấu kết thúc bằng cảnh tôi nằm bẹp dí trên cỏ, thở hổn hển, mặt mày sưng vù.

Dũng đứng bên cạnh, chống nạnh nhìn tôi:

- Thôi nghen!

Tôi nằm im không đáp. Không hiểu sao tôi chẳng thấy đau đớn dù người đầy thương tích. Lúc này, lòng tôi chỉ là một nỗi trống vắng mênh mông.

Dũng lại nói:

- Ngồi dậy tao chở về. - Anh về trước đi! Lát tôi về sau! - Tôi đáp và không buồn nhúc nhích.

Dũng lếch thếch quay lại chỗ thành cầu. Nhìn bộ dạng xơ xác của nó, tôi đoán nó cũng ê ẩm không kém gì tôi. Bất giác tôi thở dài và cảm thấy mình thật là điên. Liệu tất cả những chuyện vừa xảy ra có đem lại cho Hà Lan điều gì tốt đẹp?

Tôi cứ nằm yên như thế, bất động và suy tư. Bãi sông hoang lạnh như một bãi tha ma, bóng đêm phủ dày và trên bầu trời đen thẳm những vì sao bắt đầu lấp lánh.

Đến khi người tỉnh hẳn, những dư âm của trận đánh đã qua đi, tôi mới nhỏ người dậy và lần mò xuống bờ sông rửa mặt. Nước sông mát lạnh khiến lòng tôi bỗng chốc trở nên thư thái mặc dù các vết thương dần dần nhức nhối. Tôi vốc nước bằng cả hai tay. Có khi tôi vùi đầu vào mặt sông. Để nghe sông nước vỗ về. Để nghe trong một phút, trong một giây, lòng bỗng lênh đênh như những vì sao đang bềnh bồng trên lớp sóng kia.
Bình Luận (0)
Comment