Mọi Điều Ta Chưa Nói

Chương 13

Họ không trao đổi với nhau một lời nào về chuyến đi. Julia chúi mũi vào ô cửa kính.

* * *

Mỗi lần ngồi trên máy bay, em lại ngóng đợi gương mặt anh hiện ra giữa những đám mây, lần nào cũng lại hình dung ra những đường nét của anh trong những hình dạng trải ra trong bầu trời. Em đã viết cho anh hàng trăm lá thư, nhận hàng trăm lá thư từ anh, mỗi tuần hai lá. Chúng ta đã thề sẽ gặp lại nhau, ngay khi em đủ khả năng tài chính. Thời gian rảnh sau giờ học, em làm việc kiếm tiền để quay về bên anh. Em đã phục vụ trong các nhà hàng, xếp chỗ cho người xem trong các phòng chiếu phim, không thì sẽ là phát tờ rơi; và làm việc gì em cũng nghĩ đến buổi sáng khi rốt cuộc em cũng có thể đặt chân đến Berlin, trên sân bay nơi anh đang đợi em.

Biết bao đêm em đã ngủ thiếp đi trong ánh mắt anh, trong ký ức về những tràng cười đã bám riết chúng ta trên những đường phố của thành phố màu xám? Đôi khi, lúc anh để em lại một mình với bà anh, bà bảo em rằng chớ có tin vào tình yêu giữa anh và em. Rằng nó sẽ không bền đâu. Giữa hai ta có quá nhiều khác biệt, giữa cô gái miền Tây là em và cậu trai miền Đông là anh. Nhưng mỗi lần anh trở về và ôm em trong vòng tay, em lại nhìn bà qua bờ vai anh và mỉm cười với bà, chắc mẩm rằng bà đã lầm đấy thôi. Khi bố ép em ngồi lên chiếc xe đậu dưới khung cửa sổ nhà anh, em đã thét gọi tên anh, em những muốn anh nghe thấy tiếng em. Buổi tối hôm chương trình thời sự thông báo về “vụ rắc rối” tại Kaboul đã cướp đi sinh mạng của bốn phóng viên, trong đó có một người Đức, thậm chí ngay lúc ấy em đã biết rằng họ đang nhắc đến anh. Máu đã rời khỏi cơ thể em. Và trong nhà hàng nơi em đang lau chùi cốc chén đằng sau một cái quầy bằng gỗ cũ kỹ, em đã bất tỉnh nhân sự. Người dẫn chương trình nói rằng chiếc ô tô chở anh đã nổ tung vì cán phải một quả mìn của quân đội Xô Viết còn sót lại. Như thể số phận đã muốn bắt kịp anh, không bao giờ để anh đi về phía tự do của mình. Những tờ báo không đưa ra lời giải thích rõ ràng nào, bốn nạn nhân, thế là đủ với thiên hạ; danh tính của những người thiệt mạng thì có gì là quan trọng, cuộc sống của họ, tên của những người mà họ bỏ lại trong niềm thiếu vắng. Nhưng em vẫn biết rằng người Đức mà họ nhắc tới chính là anh. Em phải mất đến hai ngày mới gặp được Knapp; hai ngày không thể nuốt nổi bất cứ thứ gì.

Thế rồi rốt cuộc anh ấy cũn gọi lại cho em; nghe giọng anh ấy, em lập tức hiểu rằng anh ấy đã mất đi một người bạn, còn em thì mất đi người mình yêu. Bạn thân nhất của anh ấy, anh ấy nhắc đi nhắc lại cụm từ này. Anh ấy cảm thấy có lỗi vì đã giúp anh trở thành phóng viên; còn em, cõi lòng tan nát, em an ủi anh ấy. Anh ấy đã giúp anh trở thành người như anh muốn. Em nói với anh ấy rằng anh đã tự trách mình biết mấy vì chưa bao giờ tìm ra đủ lời để cảm ơn anh ấy. Thế là, Knapp và em đã nói về anh, để anh không hoàn toàn rời bỏ bọn em. Chính anh ấy nói với em rằng thi thể của anh sẽ không bao giờ được nhận dạng. Một nhân chứng kể lại rằng khi quả mìn được phát nổ, chiếc xe tải chở các anh đã bị thổi tung. Những mảnh tôn vụn phủ đầy mặt đường suốt hàng chục mét, và chính tại đấy các anh đã chết, chỉ còn lại một miệng hố rộng hoác, một bộ khung xe rời rã, những chứng nhân cho tính phi lý và tàn ác của con người. Knapp không tha thứ cho mình vì đã cử anh tới đó, tới Afghanistan. Một sự thay thế vào phút chót, anh ấy nói giữa những tiếng thổn thức. Giá như chỉ cần anh không có mặt ngay gần bên anh ấy khi anh ấy đang tìm một người có thể mau chóng lên đường. Nhưng em biết rằng anh ấy đã tặng anh món quà đẹp nhất mà anh có thể mong chờ. Xin lỗi, xin lỗi, Knapp vừa khóc nấc lên vừa nhắc đi nhắc lại, còn em thì tuyệt vọng, em không thể nhỏ ra dù chỉ một giọt nước mắt, khóc lóc sẽ tước mất của em thêm chút nữa về anh. Em đã không bao giờ có thể gác máy, Tomas ạ, em đặt ống nghe lên giá, cởi bỏ tấm tạp dề rồi em đi ra phố. Em cứ bước về phía trước mà không biết mình đang đi đâu. Xung quanh em, thành phố sôi động như không có chuyện gì xảy ra.

Ai ở đây có thể biết rằng sáng nay, trong vùng ngoại ô Kaboul, một người đàn ông ba mươi tuổi tên là Tomas đã chết tan xác vì cán phải một quả mìn? Ai bận tâm đến chuyện đó? Ai có thể hiểu được rằng em sẽ không còn gặp lại anh nữa, rằng thế giới của em sẽ không bao giờ giống như trước nữa?

Em không ăn gì từ hai ngày nay, em nói với anh rồi nhỉ? Có hề chi. Em sẽ nói mọi chuyện hai lần để tiếp tục kể anh nghe về em, để nghe anh kể em nghe về anh. Đến một góc phố, em ngã sụp xuống.

Anh có biết rằng nhờ có anh mà em đã quen Stanley, cái người đã trở thành bạn thân nhất của em, thậm chí là ngay từ giây phút bọn em gặp nhau không? Anh ấy bước ra từ căn phòng kế bên phòng em. Anh ấy bước đi, vẻ thẫn thờ, trong hành lang bệnh viện dài dằng dăc; cánh cửa phòng em đang để ngỏ, anh ấy dừng lại, nhìn em lúc ấy đang nằm buồn thiu trên giường, rồi anh ấy mỉm cười với em. Không một anh hề nào trên thế gian này có thể tô vẽ cho gương mặt mình một nụ cười sầu thảm đếm vậy. Môi anh ấy run run. Bỗng nhiên, anh ấy khẽ nói bốn từ mà em vẫn không cho phép mình thốt ra lời; nhưng, với anh ấy, dường như em có thể biến nó thành một lời thú tội bởi vì em chưa hề quen anh ấy. Tâm sự với một người chưa từng quen không giống như tâm sự với một người thân cận, nó không khiến sự thật trở nên không thể đảo ngược, đó chỉ là một sự ruồng bỏ mà ta có thể xóa đi với cục tẩy của sự không hay biết: “Anh ấy chết rồi” Stanley nói, và em đáp lại anh ấy, “Vâng, anh ấy chết rồi”. Anh ấy nói với em về bạn trai của mình, còn em nói với anh ấy về anh. Em và Stanley, bọn em đã quen nhau như thế, vào cái ngày mà cả hai bọn em đều mất đi người mình yêu. Edward chết vì Sida còn anh thì chết vì một đại dịch khác vẫn đang tiếp tục tàn phá nhân loại. Anh ấy ngồi ở cuối giường em, hỏi em rằng liệu em có thể khóc không, và vì em đã nói với anh ấy sự thật, anh ấy cũng thú nhận rằng mình cũng không thể khóc nổi. Anh ấy chìa tay ra cho em, em nắm lấy bàn tay ấy và bọn em đã nhỏ những giọt nước mắt đầu tiên, những giọt nước mắt đã kéo anh ra xa khỏi em, và kéo Edward ra xa khỏi anh ấy.

* * *

Anthony Walsh từ chối đồ uống do tiếp viên hàng không đem đến. Ông liếc nhìn về phía cuối máy bay. Khoang hành khách hầu như thưa thớt, nhưng Julia vẫn muốn ngồi cách ông mười hàng ghế, cô ngồi bên ô cửa kính, ánh mắt vẫn đăm đắm nhìn ra bầu trời.

* * *

Sau khi xuất viện, em đã bỏ nhà đi, buộc một dải ruy băng màu đỏ quanh chồng thư ngót trăm lá của anh. Em cất chúng vào ngăn kéo bàn trong phòng riêng. Em không cần phải đọc lại chúng mới nhớ thương. Em chất quần áo đầy một va li rồi ra đi mà không nói lời từ biệt bố em, không thể tha thứ cho ông vì đã chia lìa hai ta. Khoản tiền dành dụm tích cóp này là để một ngày kia gặp lại anh, em đã dùng nó để sống xa ông. Vài tháng sau, em bắt đầu sự nghiệp hình họa và bắt đầu cuộc sống không anh.

Stanley và em gặp gỡ nhau thường xuyên. Tình bạn giữa bọn em nảy sinh từ đó. Ngày ấy, anh ấy bán hàng tại một khu chợ trời ở Brooklyn. Bọn em đã hình thành thói quen mỗi tối gặp nhau ở giữa cầu. Đôi khi bọn em đứng đó hàng giờ liền, tựa người vào lan can cầu, ngắm những con tàu diễu qua trước mắt, xuôi hay ngược dòng nước; có những lúc, bọn em lại dạo bộ dọc hai bờ sông. Anh ấy kể em nghe về Edward, còn em kể anh ấy nghe về anh và khi ai đã về nhà nấy, anh ấy mang theo một chút về hai người các anh trong hành lý đêm của mình.

Em đã tìm kiếm hình bóng anh trong những bóng cây đổ dài trên vỉa hè vào buổi sáng, những đường nét của gương mặt anh trong những tia phản chiếu trên sông Hudson; em đã tìm kiếm vô vọng những lời nói của anh trong mọi làn gió thổi qua thành phố. Trong hai năm liền, em cũng đã thăm lại mỏi khoảnh khắc chúng ta có tại Berlin, đôi khi em cười vì chúng ta, nhưng không bao giờ ngừng nghĩ về anh.

Em chưa hề nhận được lá thư anh gửi, Tomas ạ, lá thư hẳn đã báo cho em biết là anh vẫn còn sống. Em không biết anh viết gì cho em. Đã ngót hai chục năm trôi qua và em có cái cảm giác lạ lùng là anh vừa gửi lá thư đó cho em hôm qua. Có lẽ là sau ngần ấy tháng bặt tin nhau, anh cho em hay rằng anh quyết định sẽ không bao giờ đợi em ở một sân bay nào nữa. Rằng thời gian trôi qua kể từ ngày em ra đi đã trở nên quá dài. Rằng có thể đã tới lúc tình cảm giữa hai ta phai nhạt; tình yêu rồi cũng có lúc kết thúc đối với những ai đã quên hơi của người kia. Có lẽ anh đã thôi không còn tin vào tình yêu nữa, nếu không thì có lẽ là em đã đánh mất anh. Hai mươi năm hay ngót quãng thời gian đó để đến nơi là quá dài đối với một bức thư.

Chúng ta không còn như trước nữa. Em sẽ lại vượt qua quãng đường từ Paris đến Berlin chăng? Chuyện gì sẽ xảy ra khi ánh mắt của chúng ta giao nhau lần nữa, anh ở phía này của bức tường và em ở phía bên kia? Anh có dang rộng vòng tay đón em, như đã làm với Knapp vào một buổi tối tháng Mười một năm 1989 không? Chúng ta sẽ lại chạy khắp những con đường của một thành phố, nó thì đã trẻ lại trong khi chúng ta thì lại già đi. Hôm nay đôi môi anh có còn dịu ngọt như trước không? Lá thư ấy có lẽ nên nằm lại trong ngăn kéo bàn viết, có lẽ như thế sẽ tốt hơn.

* * *

Tiếp viên hàng không vỗ nhẹ vào vai cô. Đã đến lúc phải thắt chặt dây an toàn, máy bay đang tiến lại gần New York.

* * *

Adam đành phải trải qua một phần thời gian trong ngày tại Montréal. Nữ nhân viên của hãng hàng không Air Canada đã gắng hết sức để tỏ ra lịch thiệp với anh, than ôi, chiếc ghế trống duy nhất để quay trở lại New York được tìm thấy trên một chuyến bay cất cánh lúc bốn giờ chiều. Nhiều lần anh đã thử gọi cho Julia nhưng đều gặp lời nhắn cài sẵn của cô.

* * *

Xa lộ khác, lần này qua cửa kính xe người ta có thể nhận ra những tòa tháp của Manhattan. Chiếc Lincoln chui vào đường hầm cùng tên.

- Bố có cái cảm giác lạ thường là không được chào đón tại nhà con gái mình nữa. Nếu phải chọn giữa căn phòng áp mái dột nát của con với những căn hộ của bố, bố thà ở nhà mình còn hơn. Thứ Bảy bố sẽ quay lại để nằm vào hòm trước khi họ đến mang nó đi. Tốt hơn là con gọi cho Wallace, để yên tâm rằng ông ấy sẽ không ở đó, Anthony nói và chìa ra cho Julia mẩu giấy có ghi một số điện thoại.

- Quản gia của bố vẫn ở trong nhà bố hả?

- Bố không biết đích xác thư ký riêng của bố đang làm gì. Từ khi chết đi, bố chưa có dịp nào để hỏi ông ấy về thời gian biểu mới. Nhưng nếu con muốn tránh cho ông ấy một cơn nhồi máu, sẽ là sáng suốt khi ông ấy không có mặt tại nhà lúc chúng ta quay về. Và dù con có nói với ông ấy chuyện gì đi nữa, sẽ tiện hơn nhiều cho bố nếu con cho ông ấy một lý do hợp lý để đi đến tận chân trời góc bể cho đến cuối tuần.

Thay cho câu trả lời, Julia bằng lòng bấm số của Wallace. Một thông báo giải thích rằng vì chủ nhân vừa qua đời, ông sẽ đi nghỉ một tháng. Không thể để lại tin nhắn cho ông. Trong trường hợp khẩn cấp liên quan đến việc làm ăn của ngài Walsh, xin liên lạc trực tiếp với công chứng viên của ông.

- Bố có thể yên tâm được rồi, đường thông hè thoáng! Julia nói và cất điện thoại di động vào túi áo.

Nửa tiếng sau, chiếc xe đỗ dọc theo vỉa hè, trước dinh thự riêng của Anthony Walsh. Julia ngắm nhìn mặt tiền tòa dinh thự và ánh mắt cô ngay lập tức hướng lên một khung cửa sổ tầng ba. Chính tại nơi đó, vào cuối một buổi chiều, khi ở trường về, cô đã trông thấy mẹ mình nghiêng người qua ban công trong một tư thế rất nguy hiểm. Cô sẽ làm gì nếu không phải là thét gọi tên bà? Mẹ cô, khi nhìn thấy con gái, đã vẫy vẫy tay chào cô, như thể cử chỉ này sẽ xóa sạch mọi dấu vết của việc bấy giờ bà sắp làm.

Anthony mở chiếc va li nhỏ của mình ra và giơ lên một chùm chìa khóa.

- Họ giao cho bố cả chìa khóa nhà nữa sao?

- Cứ cho là bọn bố đã dự kiến giả thuyết con không muốn giữ bố trong nhà riêng, cũng không hủy bố trước thời hạn... Con mở cửa nhé? Không nên chờ đến lúc một người hàng xóm nhận ra bố!

- Bởi vì bây giờ bố lại còn quen biết hàng xóm của mình hay sao? Chuyện này cũng mới đây!

- Julia!

- Thôi được, cô thở dài và xoay nắm đấm cửa của cánh cửa sắt uốn nặng trịch.

Ánh sáng ùa vào cùng cô. Mọi thứ đều nguyên vẹn, như vẫn được sắp đặt trong những ký ức xưa cũ nhất của cô; những viên gạch lát ca rô màu đen và trắng trong đại sảnh tạo thành một bàn cờ khổng lồ. Bên phải, nhịp cầu thang bằng gỗ tối màu dẫn lên gác vẽ nên một đường cong duyên dáng. Lan can bằng gỗ lúp, được chạm trổ bởi bàn tay của một nghệ nhân danh tiếng trong giới, bố cô rất thích thú khi dẫn tên người thợ đó ra khi dẫn khách đi tham quan những diện tích sinh hoạt chung trong ngôi nhà. Phía cuối, cánh cửa mở thông sang phòng ăn và phòng bếp, chỉ riêng hai phòng này thôi cũng đã rộng hơn bất cứ nơi nào Julia đã sống kể từ khi bỏ nhà ra đi. Bên trái là phòng làm việc nơi bố cô thường ngồi điền những sổ sách chứng từ cá nhân, những tối hiếm hoi mà ông có mặt ở nhà. Những dấu hiệu cho thấy sự giàu sang có mặt ở khắp mọi nơi này đã đưa Anthony Walsh ra xa khỏi quãng thời gian ông phục vụ cà phê trong một tòa tháp tại Montréal. Trên bức tường lớn, một bức chân dung vẽ cô hồi nhỏ. Liệu rằng hôm nay, trong đôi mắt cô có còn lại vài tia sáng của ánh mắt nhìn mà một họa sĩ đã nắm bắt được khi cô mới lên năm? Julia ngước đầu để ngắm nhìn khối kiến trúc ô lõm trên trần nhà. Nếu đây đó có vài mạng nhện để rủ xuống những góc cạnh của gỗ lát tường thì cảnh bài trí đã mang hơi hướng ma quái, nhưng ngôi nhà của Anthony Walsh luôn được bảo dưỡng một cách hoàn hảo.

- Con còn nhớ phòng riêng của con nằm ở bên chái nào không? Anthony hỏi khi bước vào phòng làm việc. Bố để con tự tìm tới đó nhé, bố chắc là con vẫn còn nhớ đường. Nếu con đói, chắc vẫn còn gì đó để ăn tạm trong tủ bếp, các loại mứt hoặc vài món đồ hộp. Bố chết chưa lâu đến mức ấy.

Và ông nhìn Julia đang leo cầu thang hai bậc một, bàn tay lướt đi trên tay vịn, hệt như thói quen ngày cô còn bé; và khi đến thềm nghỉ, hệt như khi còn nhỏ, cô quay lại để xem có ai dõi theo mình không.

- Gì thế? Cô hỏi khi đứng nhìn ông từ trên đầu cầu thang.

- Không có gì, Anthony đáp và mỉm cười.

Rồi ông bước vào phòng làm việc.

Hành lang trải dài trước mắt cô. Cánh cửa đầu tiên dẫn vào phòng mẹ cô. Julia đặt bàn tay lên nắm đấm cửa, tay nắm xoay chầm chậm và nảy lên hết sức khẽ khàng đúng lúc cô từ bỏ ý định bước vào bên trong. Cô tiến bước cho đến cuối hành lang mà không rẽ vào đâu nữa.

* * *

Một thứ ánh sáng màu trắng sữa kỳ lạ lan tỏa trong căn phòng. Những tấm màn cửa bằng voan che kín các khung cửa sổ bay phấp phới trên tấm thảm với màu sắc nguyên vẹn. Cô tiến lại gần chiếc giường, ngồi xuống mép giường và dụi mặt vào gối, hít thật sâu mùi thơm tỏa ra từ áo gối. Ký ức về những đêm trôi qua dưới tấm ga trải giường, lén lút đọc sách với một cây đèn pin chợt ùa về; những buổi tối khi mà các nhân vật được sáng tạo ra nhảy múa sôi động trên những tấm rèm cửa, khi cửa sổ để mở. Chừng ấy hình bóng đồng lõa đến theo cách đó và lấp đầy những lúc giấc ngủ chưa đến. Cô duỗi hai chân và nhìn quanh một lượt. Chiếc đèn chùm, giống như một vật chuyển động nhưng quá nặng để những chiếc cánh màu đen của nó có thể xoay mình khi cô trèo lên một chiếc ghế và thổi vào đó. Gần cái tủ, chiếc rương bằng gỗ nơi cô lèn chặt ních những cuốn vở, vài bức ảnh, mấy tấm bưu ảnh về những xứ sở mang cái tên thần diệu, được mua ở tiệm bán đồ văn phòng phẩm hoặc đổi bằng những xứ sở mà cô có nhiều bản trùng lặp; sao phải đi đến cùng một nơi những hai lần trong khi còn bao nhiêu nơi khác để khám phá cơ chứ? Ánh mắt cô hướng về phía giá sách trên đó những cuốn sách giáo khoa của cô được xếp gọn ghẽ, thẳng hàng, được dồn sát lại bằng hai món đồ chơi cũ, một con chó màu đỏ và một con mèo màu xanh lơ từ bấy lâu nay không hề quen biết. Trang bìa màu đỏ lựu của một cuốn sách giáo khoa lịch sử, bị bỏ quên từ cuối năm cấp hai, mời gọi cô ngồi vào bàn học. Julia rời khỏi giường và lại gần bàn.

Mặt gỗ bị mũi nhọn của com pa cào xước, cô đã ngồi hàng giờ liền để chơi lông bông như thế, chép cẩn thận vào các cuốn vở một chuỗi dài không đổi, ngay khi Wallace gõ cửa để kiểm tra xem cô có làm đầy đủ bài tập về nhà không. Hàng trang liền chỉ toàn “tôi chán, tôi chán, tôi chán”. Tay nắm bằng sứ của ngăn kéo mang hình một ngôi sao. Chỉ cần hơi nhấc lên là ngăn kéo trượt ra dễ dàng. Cô mở hé ra. Một cây bút dạ màu đỏ lăn xuống đáy ngăn. Julia lập tức thọc tay vào. Độ mở không rộng lắm, và đồ xác láo đã vuột mất. Julia bị cuốn vào cuộc chơi, bàn tay cô tiếp tục dò dẫm thám hiểm bên trong ngăn kéo.

Ngón cái của cô nhận thấy trong đó chiếc ê ke, ngón út của cô nhận biết một chuỗi hạt thắng được ở chợ phiên, quá xấu để có thể đem ra trưng. Ngón đeo nhẫn vẫn ngập ngừng. Có phải con ếch gọt bút chì hay con rùa trục cuộn băng dính? Ngón giữa sượt nhẹ qua một mặt giấy. Ở góc, phía trên bên phải, một đường nổi rất mảnh hé lộ mép răng cưa của một con tem. Năm tháng trôi qua đã làm đường viền bị bong nhẹ. Trên phong bì cô đang lướt ngón tay trong góc tối của ngăn kéo bàn, cô lần theo những dòng chữ được viết nên bằng nét bực của một chiếc bút lông. Ra sức để không mất dấu nét chữ, như trong trò chơi đoán biết những chữ được vạch ra bằng đầu ngón tay trên da của một người mà ta yêu, Julia nhận ra nét chữ của Tomas.

Cô tóm lấy chiếc phong bì, bóc niêm và lôi từ đó ra một bức thư.

Tháng Chín 1991,

Julia,

Anh đã sống sót qua cơn điên loại của loài người. Anh là người duy nhất thoát nạn trở về từ một cuộc phiêu lưu ảm đạm. Như anh đã kể với em trong thư trước, bọn anh rốt cuộc đã lên đường tìm kiếm Massoud. Anh quên khuấy trong tiếng nổ ngay lúc này đây vẫn còn vang vọng trong anh là tại sao anh lại muốn gặp ông ấy đến thế. Anh đã quên lòng nhiệt tình đã thúc đẩy anh đi đến chỗ quay phim sự thực về ông ấy. Anh chỉ còn thấy nỗi căm hận đã sượt qua anh và cướp mất mạng sống của những người bạn đồng hành với anh trong chuyến đi đó. Dân làng đã lôi được anh ra từ đống đổ nát, cách nơi lẽ ra anh đã phải chết hai chục mét. Tại sao luồng hơi đó lại chỉ hất tung anh lên trong khi cũng chính nó đã khiến những người khác chết tan xác? Anh không bao giờ biết được. Vì ngỡ là anh đã chết, họ đặt anh nằm lên một chiếc xe bò. Nếu một cậu bé cưỡng lại được mong muốn tháo chiếc đồng hồ của anh để đeo vào tay mình, bất chấp nỗi sợ hãi đến mức ấy, nếu cánh tay anh không cử động và cậu bé không hét lên, hẳn là họ đã đem anh đi chôn rồi. Nhưng anh đã nói với em rồi mà, anh đã sống sót qua cơn điên loạn của loài người. Người ta kể rằng khi cái chết đã chọn ai đó, người ta sẽ nhìn lại cả cuộc đời mình. Khi nó nuốt chửng rồi thì người ta không nhìn thấy gì như thế nữa. Trong cơn mê sảng luôn đồng hành với những cơn sốt của anh, anh chỉ nhìn thấy gương mặt em. Anh những muốn khiến em phải ghen khi nói với em rằng cô y tá chăm sóc anh là một phụ nữ trẻ trung xinh đẹp, nhưng đó lại là một người đàn ông và bộ râu dài của ông không có gì là hấp dẫn cả. Anh đã trải qua bốn tháng trời trên một giường bệnh tại Kaboul. Da anh phỏng rộp, nhưng anh không viết cho em để than phiền đâu.

Năm tháng trời không gửi thư cho em, thế là quá nhiều khi chúng ta đã quen viết cho nhau hai lá mỗi tuần. Năm tháng im lặng, gần nửa năm im lặng, còn dài hơn thế nhiều khi đã bao lâu nay chúng ta không được gặp mà cũng không được chạm vào nhau. Yêu nhau mà phải xa nhau thế này thật quá tàn nhẫn, thế nên ngày nào chuyện này cũng cứ ám ảnh tâm trí anh.

Knapp đã bay sang Kaboul ngay khi cậu ấy biết tin. Em phải chứng kiến cảnh cậu ấy khóc như thế nào khi bước vào phòng bệnh chung, và anh cũng đã có phần khóc như vậy, anh thừa nhận với em điều đó. Thật may là người bị thương nằm giường kế bên đang say giấc, nếu không, bọn anh sẽ bị xem như loại người nào giữa những người lính có lòng dũng cảm bền bỉ này? Nếu cậu ấy không gọi cho em trước khi lên đường thì cũng là vì anh đã yêu cầu cậu ấy đừng làm vậy. Anh biết cậu ấy đã báo cho em biết về cái chết của anh, chính anh sẽ đích thân nói với em rằng anh còn sống. Có lẽ lý do thực sự không phải vậy, có lẽ bằng cách viết thư cho em, anh muốn để em được tự do theo đuổi cái đám tang của câu chuyện của chúng ta, nếu như em đã biết đến nó.

Julia, tình yêu của chúng ta nảy sinh từ những điều khác biệt giữa hai ta, từ cái ham thích khám phá mà chúng ta lại tìm được mỗi sáng khi thức dậy. Và bởi anh đang nhắc với em về buổi sáng,em sẽ không bao giờ biết được số giờ anh đã trải qua để ngắm em say giấc, ngắm em mỉm cười đâu. Bởi em mỉm cười trong giấc ngủ, ngay cả khi em không biết điều ấy. Em sẽ không bao giờ đếm được số lần em nép mình vào anh, nói mơ những từ anh không hiểu nổi; có đến cả trăm lần, đó là con số chính xác đấy.

Julia, anh biết rằng cùng nhau vun đắp là một cuộc phiêu lưu khác. Anh không ưa gì bố em và rồi anh lại muốn hiểu tâm trạng của ông. Nếu ở vào cùng một hoàn cảnh, liệu anh có hành động như bố em không? Nếu em sinh cho anh một đứa con gái, nếu em bỏ lại anh một mình với con bé, nếu con bé phải lòng một người nước ngoài sống trong một thế giới được tạo nên bởi chẳng gì hết, hoặc bởi tát cả những thứ khiến anh khiếp sợ, có lẽ anh cũng sẽ hành động như ông. Anh không bao giờ muốn kể em nghe về những năm tháng sống đằng sau bức tường, anh không muốn phá hỏng bất cứ giây phút nào trong thời gian ta bên nhau bằng những ký ức về điều phi lý, em xứng đáng được nghe những điều tốt đẹp hơn là những câu chuyện buồn về điều tệ hại nhất mà con người có thể tạo ra, nhưng bố em chắc chắn biết về sự tồn tại của những điều như thế và đó không phải là điều ông mong muốn cho em.

Anh hận bố em vì đã bắt cóc em và bỏ lại anh với khuôn mặt đầu máu trong phòng, không thể giữ em lại. Anh đã giận dữ đấm vào những bức tường nơi giọng nói của em vẫn còn âm vang, nhưng anh đã muốn hiểu. Làm thế nào để nói cho em biết là anh yêu em mà không thử ít ra là một lần?

Em đã quay lại với cuộc sống của em, trước sức ép từ mọi phía. Em còn nhớ không, em lúc nào cũng nhắc đến những dấu hiệu mà cuộc sống vẽ nên trước mắt chúng ta, anh thì anh không tin vào những dấu hiệu ấy, nhưng cuối cùng em đã thuyết phục được anh, ngay cả khi tối nay, lúc anh viết cho em những dòng này, tại đây, đó lại chính là nguyên do của điều tệ nhất.

Anh đã yêu em như con người em vốn thế, và không bao giờ anh muốn em đổi khác, anh yêu em không cần phải hiểu mọi chuyện, anh tin rằng thời gian sẽ cho anh cơ hội để hiểu; có lẽ từ đầu đến cuối tình yêu này, đôi khi anh quên không hỏi em liệu em có yêu anh đến mức chọn lựa tất cả những thứ đã chia cắt chúng ta hay không. Cũng có thể là em không bao giờ để anh có đủ thời gian để hỏi em câu đó, lại càng không dành thời gian để tự đặt ra cho mình câu hỏi đó. Nhưng thời điểm này đã đến, bất chấp ý chí của chúng ta.

Ngày mai anh sẽ quay lại Berlin. Anh sẽ bỏ lá thư này vào thùng thư đầu tiên anh nhìn thấy. Nó sẽ đến với em trong vài ngày nữa như mọi lần; và nếu anh tính chính xác, sẽ vào khoảng ngày 16 hay 17 gì đó.

Em sẽ thấy trong chiếc phong bì này một thứ mà anh vẫn giữ bí mật về nó, anh đã muốn gửi cho em tấm ảnh chụp anh, nhưng lúc này anh không được phogn độ lắm, vả lại làm vậy về phần anh sẽ là hơi tự phụ. Thế nên đây chỉ là một chiếc vé máy bay. Em thấy đấy, em sẽ không cần làm việc suốt nhiều tháng dài đằng đẵng để trở về bên anh nữa, nếu em vẫn còn muốn làm vậy. Anh cũng đã dành dụm tiền để đến tìm em. Anh đã mang chiếc vé bên người đến tận Kaboul này, lẽ ra anh nên gửi nó cho em, nhưng như em thấy đấy... Nó vẫn còn hợp thức.

Anh sẽ đợi em tại sân bay Berlin vào ngày cuối cùng hàng tháng.

Nếu chúng ta gặp lại nhau, anh sẽ giữ lời hứa, sẽ không bắt cóc đứa con gái mà anh sẽ hạ sinh cho anh khỏi người đàn ông mà một ngày nào đó con bé sẽ chọn. Và dù cho người ấy có khác biệt đến thế nào, anh sẽ thấu hiểu cái người đã đánh cắp con bé khỏi anh, anh sẽ thấu hiểu con gái anh bởi anh đã yêu người mẹ sinh ra nó.

Julia, anh sẽ không bao giờ trách giận em đâu, anh sẽ tôn trọng quyết định của em, dù nó là gì đi nữa. Nếu em không đến, nếu anh có phải đơn độc rời khỏi sân bay, vào ngày cuối cùng của tháng, hãy biết rằng anh sẽ thấu hiểu, anh viết cho em chính là để nói với em điều này.

Thế nên, anh sẽ không bao giờ quên gương mặt tuyệt vời mà cuộc sống đã tặng cho anh vào một buổi tối tháng Mười một, một buổi tối khi niềm hy vọng quay trở lại, anh trèo lên một bức tường để rồi ngã vào vòng tay em, anh người đến từ phía Đông và em người đến từ phía Tây.

Em đang và sẽ mãi lưu lại trong ký ức của anh như điều đẹp đẽ nhất từng xảy đến với anh. Khi viết cho em những từ này anh mới hiểu là anh yêu em nhiều bao nhiêu.

Có lẽ là hẹn sớm gặp lại. Dù sao chăng nữa, em vẫn còn đó, em sẽ luôn còn đó. Ở đâu đó, anh biết rằng em đang hít thở, và thế đã là quá nhiều rồi.

Anh yêu em,

Tomas.

Một gói nhỏ với lớp giấy bọc bên ngoài đã ngả vàng rơi ra từ phong bì. Julia mở ra. Trên lớp giấy màu đỏ của một chiếc vé máy bay có dòng chữ được nhập bằng máy: Fraülein Julia Walsh, New York – Paris – Berlin, 29 tháng Mười một 1991. Julia cất lại tấm vé và bì thư vào ngăn kéo bàn. Cô mở hé cửa sổ rồi quay lại nằm dài trên giường. Tay gối sau đầu, cô nằm như thế hồi lâu ngắm nhìn những tấm rèm của phòng mình, hai vạt vải nơi những người bạn cũ của cô dạo chơi, những tòng phạm của nỗi cô độc thuở xưa được tìm lại.

* * *

Đầu giờ chiều, Julia rời phòng mình để xuống phòng ăn. Cô mở ngăn tủ bếp nơi Wallace lúc nào cũng xếp đầy những lọ mứt. Cô vớ một gói bánh bít cốt trên giá, chọn một hũ mật ong rồi đến ngồi ở bàn bếp. Cô nhìn dấu múc bằng thìa trong hỗn hợp sền sệt vàng sánh. Dấu vết lạ thường, hẳn là do Anthony Walsh để lại khi ông dùng bữa sáng cuối cùng trong đời. Cô hình dung ra ông, ngồi ở chỗ mà cô đang ngồi bây giờ, một mình trước tách cà phê trong căn bếp rộng thênh này, đang đọc một tờ báo. Hôm ấy ông nghĩ đến chuyện gì nhỉ? Bằng chứng lý thú về một quá khứ đã khép lại từ nay. Tại sao các chi tiết bề ngoài không đáng kể này lại khiến cô nhận thức được, có lẽ là lần đầu tiên, rằng bố mình đã qua đời? Thường thì chỉ cần một chuyện không đâu, một đồ vật được tìm thấy, một thứ mùi, để gợi lại nơi bạn ký ức về một người đã mất. Và giữa không gian rộng lớn này, cũng là lần đầu tiên, tuổi thơ ấu của cô, dù có đáng bị rẻ rúng, cũng khiến cô phải nhớ. Có tiếng ho nơi cửa ra vào, cô ngước nhìn, Anthony Walsh đang mỉm cười với cô.

- Bố vào được chứ? Ông hỏi và ngồi vào bàn đối diện cô.

- Bố cứ tự nhiên!

- Bố đặt mua bên Pháp đấy, mùi oải hương, con vẫn thích loại mật ong này chứ?

- Như bố thấy đấy, có những thứ không hề thay đổi.

- Cậu ấy nói gì với con trong thư vậy?

- Con cho là chuyện đó chẳng liên quan gì tới bố.

- Con đã quyết định chưa?

- Bố đang nói đến chuyện gì kia?

- Con biết rõ mà. Con định trả lời cậu ta như thế nào?

- Sau hai mươi năm, như thế là hơi muộn rồi, đúng không?

- Con đặt ra câu hỏi ấy cho con hay cho bố vậy?

- Hôm nay, Tomas hẳn đã kết hôn, đã có con. Con có quyền gì để lại xuất hiện trong đời anh ấy?

- Con trai, con gái, hoặc có lẽ là sinh đôi chăng?

- Gì kia?

- Bố hỏi con xem tài tiên đoán của con có cho con biết gia đình nhỏ đáng yêu của cậu ta giống với cái gì không thôi. Thế nào, con trai hay con gái?

- Nhưng bố đang lảm nhảm gì vậy?

- Sáng nay con còn ngỡ cậu ta đã chết, giờ đây có lẽ con phỏng đoán hơi nhanh để quyết định cái mà cậu ta đã làm với cuộc đời mình đấy nhỉ.

- Hai mươi năm, khỉ thật, chứ chúng ta không nói đến quãng thời gian sáu tháng đâu!

- Mười bảy năm! Quá thừa thời gian để ly dị nhiều lần, trừ khi cậu ta cũng lệch lạc như cậu bạn buôn đồ cổ của con. Cậu ta tên gì ấy nhỉ, Stanley à? Phải rồi, Stanley!

- Và bố dám lôi chuyện đó ra làm trò cười!

- Chao ôi, trò cười, cách xóa bỏ mọi yếu tố bất lợi của thực tế khi nó ập đến mới tuyệt làm sao; bố không còn nhớ ai đã nói thế, nhưng câu này rất đúng. Bố hỏi con lần nữa, con đã quyết định chưa?

- Chẳng có gì để mà quyết định cả, giờ đã là quá muộn rồi. Con sẽ phải nói điều đó với bố bao nhiêu lần nữa đây, bố nên vui vì điều này mới phải chứ?

- Quá muộn chỉ tồn tại khi mọi chuyện là bất khả vãn hồi. Là quá muộn để nói với mẹ con tất cả những điều bố muốn bà biết trước khi rời bỏ bố và bố rất muốn mẹ con viết cho bố một bức thư trước khi bà ấy mất trí. Về chúng ta, bố và con, quá muộn sẽ là thứ Bảy tới, khi bố tắt ngúm như một món đồ chơi tầm thường đã hết pin. Nhưng nếu Tomas vẫn còn sống, vậy thì xin lỗi đã nói trái lời cô, thì chưa phải là quá muộn. Và nếu con còn nhớ dù chỉ là chút ít phản ứng của mình khi hôm qua nhìn thấy bức tranh ấy, nhớ chút ít về điều đã dẫn dắt chúng ta đến đây vào sáng nay, thì đừng núp sau cái cớ là đã quá muộn. Hãy tìm cho mình một cái cớ khác đi.

- Chính xác thì bố đang tìm kiếm điều gì vậy?

- Bố chẳng tìm kiếm gì cả. Con thì ngược lại, có lẽ là tìm Tomas của con chăng, trừ phi...

- Trừ phi gì kia?

- Không có gì, thứ lỗi cho bố, bố cứ nói, bố nói hoài nhưng chính con mới là người có lý.

- Đây đúng là lần đầu tiên con nghe thấy bố nói là con có lý đấy, con tò mò muốn biết đó là chuyện gì.

- Không, biết cũng chẳng ích gì đâu, bố cam đoan với con đấy. Quá dễ để tiếp tục than vãn rên rỉ về chuyện có lẽ đã xảy ra. Bố đã nghe đủ kiểu nói dóc thông thường, “số phận đã muốn khác đi, vậy đấy” và bố miễn cho con những câu đại loại “tất cả là lỗi của bố em, ông ấy thực sự muốn làm hỏng đời em”. Xét cho cùng, sống trong một bi kịch, đó là một cách để tồn tại như mọi cách khác.

- Bố làm con phát sợ đấy! Trong một phút con đã ngỡ bố coi trọng con.

- Căn cứ vào cách cư xử của con thì nguy cơ xảy ra việc đó là cực nhỏ!

- Và ngay cả khi con muốn viết cho Tomas đến chết đi được, ngay cả khi con tìm được một địa chỉ nào đó để gửi thư cho anh ấy sau mười bảy năm đi chăng nữa, thì con cũng sẽ không đời nào làm vậy với Adam, làm vậy sẽ thật đê tiện. Bố không nghĩ là anh ấy đã nghe đủ những lời dối trá cho cả tuần rồi hay sao?

- Nhất định là thế rồi! Anthony đáp bằng một vẻ còn hơn cả mỉa mai.

- Lại chuyện gì nữa đây?

- Con có lý. Nói dối do sơ suất rõ ràng là hay hơn, chính trực hơn! Vả lại điều này sẽ đem lại cho con và cậu ta cơ hội để chia sẻ điều gì đó. Cậu ta sẽ không còn là người duy nhất phải nghe con nói dối nữa.

- Và con có thể biết bố đang nghĩ tới ai không?

- Đến con chứ ai! Mỗi tối khi nằm ngủ cạnh cậu ta mà con có dù chỉ là một cảm giác nhung nhớ thoáng qua dành cho người bạn phía Đông của con, hấp, một lời nói dối nho nhỏ; một giây phút tiếc nuối nhỏ xíu, hấp, một lời nói dối nho nhỏ khác; mỗi khi con tự đặt cho mình câu hỏi để biết liệu rốt cuộc con có nên quay trở lại Berlin để biết đích xác hay không, hấp, lời nói dối nho nhỏ thứ ba. Chờ đã, để bố tính nhé, bố luôn sẵn khiếu trong môn toán mà; cứ cho là ba suy nghĩ nho nhỏ mỗi tuần, hai ký ức thoáng qua và ba sự so sánh giữa Tomas và Adam, chúng ta có ba cộng hai cộng ba được tám, nhân với năm mươi hai tuần, nhân tiếp với ba mươi năm chung sống, bố biết mà, bố lạc quan đấy, nhưng thế là... Thành ra mười hai nghìn bốn trăm tám mươi hai lời dối trá. Không tồi chút nào cho một cuộc sống lứa đôi!

- Bố đang tự mãn lắm hả? Julia hỏi và vỗ tay một cách xấc xược.

- Con không cho việc sống với một ai đó mà không chắc chắn về tình cảm của chính mình, là một lời nói dối, một sự phản bội hay sao? Con có hình dung cuộc sống sẽ như thế nào khi hai đứa cong ần gũi mà như đã trở nên xa lạ?

- Bởi vì bố thì biết nó như thế nào ư?

- Mẹ con đã gọi bố là ông trong suốt ba năm cối đời, và khi bố bước vào phòng bà ấy, mẹ con đã chỉ cho bố nhà tắm ở đâu vì ngỡ bố là thợ sửa ống nước. Con có muốn đưa bố mượn bút chì màu để bố vẽ cho con một bức tranh không?

- Mẹ thực sự đã gọi bố là ông sao?

- Những ngày đẹp trời thì đúng là như vậy, những ngày xấu trời, mẹ con gọi cảnh sát vì một kẻ lạ mặt đã đột nhập vào nhà bà.

- Bố thực sự muốn mẹ viết thư cho bố trước khi...?

- Đừng e sợ những từ thích đáng. Trước khi mất trí chứ gì? Trước khi chìm đắm trong cơn điên? Câu trả lời là có, nhưng chúng ta không ngồi đây để nhắc đến mẹ con.

Anthony chăm chú nhìn cô con gái hồi lâu.

- Thế nào, thứ mật ong này ngon không?

- Ngon ạ, cô nói và ăn ngon lành miếng bánh bít cốt.

- Hơi rắn hơn thường lệ phải không?

- Vâng, hơi cứng hơn.

- Bọn ong trở nên lười nhác hơn từ khi con bỏ nhà này đi đấy.

- Đó là một khả năng, cô đáp và mỉm cười. Bố muốn chúng ta nói về bọn ong không?

- Tại sao không nhỉ?

- Bố nhớ mẹ nhiều lắm phải không?

- Dĩ nhiên, hỏi gì lạ vậy?

- Người phụ nữ khiến bố co chân nhảy vào rãnh nước bên đường ấy, chính là mẹ phải không?

Anthony lục túi trong áo vest và lấy ra một bọc nhỏ. Ông đẩy nó trượt trên mặt bàn đến chỗ Julia ngồi.

- Gì thế ạ?

- Hai vé máy bay đi Berlin, chuyển tiếp tại Paris, vì vẫn chưa có đường bay thẳng. Máy bay của chúng ta sẽ cất cánh lúc năm giờ chiều, con có thể đi một mình, không đi, hoặc bố có thể đi cùng con, tùy con quyết định; chuyện này cũng mới lạ, phải không nào?

- Sao bố làm vậy?

- Con đã làm gì với mẩu giấy của mình rồi?

- Giấy nào ạ?

- Lời nhắn của Tomas mà con lúc nào cũng giữ trên người ấy, nó xuất hiện như có phép thần mỗi khi con dốc mọi thứ trong túi ra; cái mẩu giấy nhàu nhĩ lần nào cũng buộc tội bố về chuyện tàn ác bố gây ra cho con ấy.

- Con làm mất rồi.

- Cậu ta viết gì trong ấy thế? Chao ôi, mà đừng trả lời bố làm gì, tình yêu là một điều tầm thường thảm hại. Con thực sự đã để thất lạc mẩu giấy đó rồi à?

- Con đã nói với bố rồi còn gì!

- Bố không tin, những kiểu đồ vật này không bao giờ mất hẳn được. Ngày nào đó chúng sẽ lại trở ra, từ sâu trong tim. Nào, đi sửa soạn hành lý của con đi.

Anthony đứng lên và rời khỏi phòng. Tới ngưỡng cửa, ông quay lại.

- Nhanh lên nào; con không cần ghé qua nhà đâu, nếu thiếu đồ gì chúng ta sẽ mua khi tới nơi. Chúng ta không còn nhiều thời gian nữa, bố đợi con bên ngoài, bố đã gọi xe rồi. Bố như là có một cảm giác quen thuộc kỳ lạ khi nói với con câu này, bố có nhầm không nhỉ?

Rồi Julia nghe tiếng bước chân bố cô vang lên trong đại sảnh của ngôi nhà.

Cô đưa hai tay ôm đầu và thở dài. Qua những ngón tay không khép chặt, cô nhìn hũ mật ong để trên bàn. Cô cần phải đến Berlin, không phải để lần theo dấu Tomas, mà là để tiếp tục du ngoạn cùng bố cô. Và cô thành thực thề rằng đây không phải viện cớ hay lấy lý do thoái thác gì, và ngày nào đó chắc chắn Adam sẽ hiểu.

Trở về phòng, khi cô lấy lại chiếc túi xách để cuối giường, ánh mắt cô hướng về phía giá sách. Một cuốn sách lịch sử bìa màu đỏ lựu vượt ra khỏi hàng. Cô ngần ngừ, cầm lấy cuốn sách và làm rơi ra một chiếc phong bì màu xanh lơ được giấu trong đó. Cô cất phong bì vào túi hành lý, đóng cửa sổ lại và ra khỏi phòng.

* * *

Anthony và Julia đến ngay trước khi kết thúc thời gian đăng ký. Cô tiếp viên giao cho họ thẻ lên máy bay và khuyên họ hãy nhanh lên. Vào giờ đã muộn thế này, cô không thể đảm bảo họ sẽ đến được cửa máy bay trước lần gọi hành khách sau chót.

- Chân cẳng tôi lại đang thế này thì nguy rồi, Anthony tuyên bố và nhìn cô, vẻ sầu não.

- Ông gặp khó khăn khi di chuyển sao? người phụ nữ trẻ hỏi vẻ lo lắng.

- Ở tuổi tôi, cô ạ, âu cũng là lẽ thường ấy mà, ông đáp với vẻ kiêu ngạo và trình ra tờ giấy chứng nhận đang mang máy trợ tim trên người.

- Xin các vị đợi ở đây, cô tiếp viên vừa nói vừa nhấc điện thoại của mình lên.

Vài phút sau, một chiếc xe con chạy bằng điện đưa họ tới phòng chờ của chuyến bay tới Paris. Với sự hộ tống của một nhân viên đi kèm, qua cửa an ninh lần này chỉ còn là một trò trẻ con.

- Bố lại bị lỗi hả? Julia hỏi ông khi họ phóng hết tốc lực trong những hành lang dài của sân bay.

- Con im đi, khỉ thật, Anthony thì thào, con sẽ làm chúng ta bị phát hiện mất, chân bố chẳng làm sao hết!

Và ông tiếp tục câu chuyện dở dang với người tài xế, như thể cuộc đời của người này khiến ông thực sự say mê. Chưa đến mười phút sau, Anthony và con gái ông đã trở thành những người đầu tiên lên máy bay.

Trong khi hai nữ tiếp viên hàng không đang giúp đỡ Anthony Walsh ngồi vào chỗ, một cô kê gối dựa sao lưng, cô kia đề nghị ông dùng thêm chăn, Julia quay lại cửa lên xuống máy bay. Cô thông báo với người nam tiếp viên hàng không đứng ở đó là cô cần gọi một cuộc điện thoại cuối cùng. Bố cô đang ở trên máy bay, cô sẽ quay lại trong vài phút nữa. Cô lộn trở lại quãng đường cầu thang nhỏ hẹp dẫn xuống máy bay và rút điện thoại di động ra.

- Thế nào, chúng ta đang ở đâu trong chuyến du lịch bí hiểm đến Canada đây? Stanley nói ngay khi nhấc máy.

- Em đang ở sân bay.

- Em đã về rồi sao?

- Em đi mà!

- Đến đây, em thân mến, anh hẳn đã lỡ mất một chặng rồi!

- Em vừa về sáng nay, không có thời gian ghé qua thăm anh, tuy nhiên em thề với anh rằng em rất muốn làm như vậy.

- Và ta có thể biết là lần này em đi đâu không, Oklahoma, Wisconsin chăng?

- Stanley, nếu anh tìm lại được một lá thư của Edward, một lá thư anh ấy tự tay viết trước khi chết, mà anh chưa từng được đọc, anh sẽ mở nó ra chứ?

- Anh nói với em rồi, Julia à, những lời cuối cùng của Edward ấy là để nói với anh rằng anh ấy yêu anh. Anh có thể muốn biết gì hơn nữa nào? Những lời xin lỗi chắc, những tiếc nuối khác chắc? Vài lời đó từ anh ấy đáng giá tất cả những gì bọn anh đã quên không giãi bày cùng nhau.

- Vậy thì anh sẽ đặt lại phong bì vào chỗ cũ ư?

- Anh nghĩ là phải, nhưng anh chưa từng khám phá ra lời nhắn nào của Edward trong căn hộ của bọn anh. Edward viết không nhiều, em biết đấy, thậm chí danh sách những đồ cần mua cũng không có, luôn là anh phải lo những việc đó. Em không tưởng tượng được hồi ấy chuyện này đã khiến anh cáu tiết đến mức nào đâu, ấy thế mà, hai mươi năm sau, mỗi lần đi chợ, anh đều mua loại sữa chua anh ấy ưa thích nhất. Nhớ những chuyện kiểu ấy lâu đến vậy thật là ngu ngốc phải không?

- Có lẽ là không.

- Em tìm thấy một bức thư của Tomas à, đúng thế không? Em nhắc với anh về Edward mỗi lần em nghĩ đến cậu ta mà, mở nó ra đi!...

- Tại sao, bởi vì anh thì không làm như thế mà!

- Thật buồn vì hai mươi năm làm bạn rồi mà em vẫn chưa hiểu ra rằng anh là tất cả, chỉ trừ tấm gương để em noi theo thôi. Hãy mở lá thư ấy ngay hôm nay, đọc nó vào ngày mai nếu em thích, nhưng nhất là đừng hủy nó đi. Có lẽ anh đã nói dối em một chút; nếu Edward để lại cho anh một lá thư, anh sẽ đọc nó cả trăm lần, hàng giờ liền, để chắc chắn hiểu được mỗi từ viết trong đó, ngay cả khi anh biết rõ rằng anh ấy sẽ không bao giờ dùng bằng ấy thời gian để viết cho anh. Bây giờ em có thể nói với anh là em đi đâu được chưa? Anh nóng lòng muốn biết đầu số điện thoại nơi anh có thể gặp được em tối nay.

- Là sáng mai thì đúng hơn và anh cần phải bấm số 49.

- Đầu số nước ngoài hả?

- Của Đức, ở Berlin.

Một khoảnh khắc yên lặng. Stanley hít vào thật sâu trước khi tiếp tục cuộc trò chuyện.

- Em đã phát hiện ra điều gì đó trong lá thư em vừa mở ư?

- Anh ấy vẫn còn sống!

- Dĩ nhiên rồi..., Stanley thở dài. Và em gọi cho anh từ phòng chờ sân bay để hỏi rằng liệu em có lý không khi lên đường tìm lại cậu ấy, thế chứ gì?

- Em gọi cho anh từ cầu thang lên máy bay... và em cho là anh đã trả lời câu hỏi của em rồi.

- Vậy thì đi thôi, cô ngốc ạ, đừng bỏ lỡ chuyến bay này.

- Stanley này?

- Lại chuyện gì nữa thế?

- Anh có giận không?

- Ôi không, anh ghét khi đã biết em quá rõ như thế này, chỉ thế thôi. Em còn câu hỏi ngớ ngẩn nào khác không?

- Anh làm thế nào mà...

- Mà trả lời được các câu hỏi trước cả khi em nói ra miệng chứ gì? Những kẻ ác khẩu sẽ nói với em rằng anh đàn bà hơn cả em, nhưng em có quyền nghĩ đó là bởi vì anh là bạn thân nhất của em. Giờ thì đi đi, trước khi anh kịp nhận ra rằng anh sẽ nhớ em kinh khủng.

- Đến nơi em sẽ gọi cho anh, em hứa.

- Ừ, ừ, được đấy!

Nữ tiếp viên hàng không ra hiệu cho Julia rằng cần phải lên máy bay ngay lập tức, phi hành đoàn sẽ không chỉ chờ chêm mỗi mình cô để đóng cửa máy bay. Và khi Stanley muốn biết cái điều anh phải nói với Adam nếu cậu ta gọi thì Julia đã gác máy rồi.

Bình Luận (0)
Comment