Một Màu Xuân

Chương 40

Đêm đông tờ mờ nước lặng, chỉ có ánh trăng mịt mùng.

Sau khi Nam Sương ngủ mất, Vu Hoàn Chi ôm nàng lên giường, ánh mắt dần dần chuyển từ mặt nàng tới mắt cá chân.

Vu Hoàn Chi tự có lý do khi đưa đôi vòng Vọng Tuyết cho Nam Sương.

Mấy năm trước lúc cung Mộ Tuyết uy chấn giang hồ, Vu Kinh Viễn từng xem thường nói một câu:

– Luyện đến thức thứ hai của bảy thức Mộ Tuyết đã đủ để tự bảo vệ lúc hành tẩu giang hồ rồi.

Vu Hoàn Chi vẫn đoán không ra đạo lí huyền diệu bên trong.

Sau đó cung Mộ Tuyết bị huỷ diệt, y đến kinh thành gặp Vu Kinh Viễn. Lúc đó ma đầu lớn nhà họ Vu đã bị phế hết võ công, song vẫn trưng cái mặt vênh váo cực kì, nhìn ban tím từ gò má đến gáy Vu Hoàn Chi rồi ném ra một câu:

– Tẩu hỏa nhập ma? Chỉ có chút khả năng này thôi à?

Lúc bấy ma đầu nhỏ nhà họ Vu mới hay bảy thức Mộ Tuyết có hai cửa ải là thức thứ ba và thức thứ sáu.

Cổ và mặt nổi ban tím không phải do tẩu hỏa nhập ma gây ra, mà là đường phải đi qua để đột phá thức thứ ba trong bảy thức Mộ Tuyết. Người có tư chất kém hơn, một ngày không qua cửa ải này, nhẹ thì phế hết võ công, nặng thì toi mạng.

Vu Kinh Viễn vốn có toàn phổ “bảy thức Mộ Tuyết”, sau đó ông hủy hai thức cuối cùng chính vì sợ Vu Hoàn Chi không qua được cửa ải thức thứ sáu, cuối cùng dẫm vào vết xe đổ của mình.

Vu Kinh Viễn ngụ ở trong một tòa nhà lớn chốn kinh thành, nói chủ nhân trong nhà từng có ơn với ông. Khi ấy mắt cá chân con gái chủ nhân bị thương, gân chân hỏng làm nàng tập võ hơi trắc trở, chỉ có thức thứ hai của bảy thức Mộ Tuyết mới có thể dần dần giúp nàng khôi phục sức của đôi chân.

Sau đó ma đầu họ Vu dạo quanh trướctòa nhà đó, nhận ra tòa nhà mang tên “phái Thiên Thủy”, là một môn phái võ lâm trung lập linh hoạt cả trong ngoài.

Chưởng môn Nam Cửu Dương của phái Thiên Thủy chỉ có một cô con gái Nam Sương, cũng là Hoa Đào Nước Nam lừng lẫy giang hồ.

Hôm trước, Vu Hoàn Chi biết được Nam Sương và Tiêu Mãn Y đã trốn đi, vốn từ sáng đã định đuổi theo đến trấn Vân Thượng. Song khi y đứng ở góc phòng thấy Nam Sương dắt tay Tiêu Mãn Y bước đi như bay, trong lòng liền có tính toán.

Bộ pháp đó rõ ràng từ thức thứ hai Lạc Tuyết Vô Thanh của bảy thức Mộ Tuyết mà ra.

Thật ra tư chất tập võ của Hoa Đào Nhỏ không tệ, khi nhỏ vì vết thương ở chân mà làm chậm trễ chút thời gian. May mắn sau đó được ma đầu lớn nhà họ Vu truyền hai thức đầu trong bảy thức Mộ Tuyết cho nàng, giúp nàng phục hồi như cũ.

Năm xưa cung Mộ Tuyết là một tà phái lớn trong giang hồ, có nhiều đặc điểm làm người ta trông thấy mà sợ, ví dụ lạnh nhạt, lợi hại, thần bí, đắc ý, tự chọn con đường riêng, thiếu cung chủ như ngọc tài hoa ngút trời, cung chủ mất vợ từ sớm hóa đau buồn thành sức mạnh, các học trò trong cung quanh năm vắng mặt ở đại hội anh hùng võ lâm.

Nhưng nó có một vài điểm cực kì tốt, chính là từ việc không lập quy tắc gì mà “Võ công này không truyền cho người ngoài cung”.

Nhưng trong mắt người giang hồ, quy tắc này có lập hay không thì cơ bản chẳng có gì khác biệt. Dù sao chẳng có ai ăn no rửnh mỡ đi chọc vào cung Mộ Tuyết, mặc dù là học trò cung Mộ Tuyết, có thể học được một chiêu trong thức thứ nhất của bộ công phu này đã là chuyện cừ khôi lắm rồi.

Vu Hoàn Chi đoán Vu Kinh Viễn đã đường hoàng truyền cho Hoa Đào Nước Nam bộ võ công này, nhưng lần đầu tiên y đánh ngất Nam Sương ở các Vạn Hồng, dáng vẻ ngốc nghếch của Hoa Đào Nhỏ làm y thật sự không tin nàng biết võ nghệ.

Vừa hay sau đó, hai người lại gặp nhau trên xà nhà lầu Túy Phượng. Động tác trên xà nhà của Nam Sương nhẹ nhàng linh hoạt, rõ ràng vết thương ở chân đã khỏi.

Một đêm leo xà nhà làm ma đầu họ Vu có thêm phỏng đoán về võ nghệ của Nam Sương. Trước mắt, bề ngoài giang hồ bình lặng, trên thực tế đã dậy sóng bốn phía, y đưa nàng vòng Vọng Tuyết chỉ vì binh khí chế tạo từ đá Phong Minh có thể làm bảy thức Mộ Tuyết sản sinh ra lực sát thương lớn nhất.

Thật ra, Nam Sương luyện bảy thức Mộ Tuyết rất nhọc nhằn. Võ công kinh thế hãi tục là thế mà nàng luyện hai thức, chỉ luyện thành trình độ của cao thủ loại một trên giang hồ, đúng là một sự bi kịch.

Phải biết rằng hạng thứ ba mươi mốt đến năm mươi trong đại hội anh hùng võ lâm năm năm một lần thuộc về cao thủ loại một.

Hạng mười một đến ba mươi là cao thủ tuyệt thế.

Còn mười hạng đầu thì không phân loại. Quần chúng giang hồ nhắc tới mười người này như nữ tử chốn yên hoa nhắc tới Lý Sư Sư, văn nhân thi sĩ nhắc tới Tô Thức, đều là truyền kỳ cả.

Cuối mùa xuân năm sau chính là đại hội anh hùng võ lâm.

Thời gian vây xem truyền kỳ không còn xa, đám người giang hồ này đều đã xao động. Ma đầu họ Vu nghĩ như thế.

Nam Sương mơ một giấc mộng đẹp. Trong mơ, Nam Cửu Dương nắm tay nàng, lại đi tới Vũ Thiên Hạ.

Hai cha con cùng nhau ngồi xổm dưới mái hiên sân vườn. Ánh mặt trời dừng ở một tấc trước mặt, nắng gắt như đang thiêu đốt mặt đất. Nam Cửu Dương ngân nga khúc hát mơ hồ: “Còn nhớ lúc đó, hai ta còn trẻ. Vén khăn voan, thổi ngọn nến. Kéo mành che, cởi xiêm áo. Lật qua lật lại, lật tới lật lui, trằn trọc trăn trở, trăn trở trằn trọc…”.

Hát mãi hát mãi, bóng mặt trời ngả về tây. Nam Cửu Dương ngoảnh lại hỏi Nam Sương:

– Hoa Đào Nhỏ, hôm nay mẹ con còn về không? Cha đã chờ rất nhiều ngày rồi.

Hoa Đào Nhỏ nói:

– Chắc sẽ tới đấy ạ.

Vừa dứt lời, ngoài cánh cửa nhỏ góc tây đã truyền tới tiếng bước chân nhỏ nhẹ. Rèm cửa được vén lên, lộ ra một cái đầu. Hoa Nguyệt hết nhìn đông lại ngó tây, thấy Nam Cửu Dương và Hoa Đào Nhỏ thì cười hì hì, chạy ù tới trước mặt hai người và nói:

– Sương, Cửu Dương, em rất nhớ hai người.

Cảnh trong mộng lại thay đổi, một nhà ba người đến bờ sông tản bộ. Tiết cuối xuân, cỏ thơm chưa tàn, cành liễu mềm mại, hoa đào rực rỡ khắp nơi. Hoa Nguyệt nắm tay Nam Sương, lại bắt đầu nói lải nhải, toàn lặp lại lời trăng trối trước lúc lâm chung của mình, dặn hết lần này tới lần khác.

Bà nói mấy năm nay mình nhận một học trò, tư chất rất tốt, ngốc nghếch như Sương, song không nhạy bén bằng Sương.

Hoa Nguyệt lo lắng cho nàng ấy, nói:

– Sương, ngày sau nếu con có gặp cô nương ấy thì nhất định phải đối tốt với nó. Mặc dù nó lớn hơn con một tháng nhưng con hãy cứ coi nó như em gái ruột mà chăm sóc. Mẹ nom đứa nhỏ này số khổ, tính tình lại quật cường, việc gì cũng cố chấp, đầu như chỉ chứa một sợi gân, trong lòng không chứa việc gì.

Nam Sương gật đầu, Hoa Nguyệt bỗng dưng lại thở dài một câu:

– Thật ra cũng là con nợ nó…

Nói đến đây bỗng bị Nam Cửu Dương ngắt lời, ông bảo:

– Ngày sau con gái chúng ta sẽ lấy một anh chồng tốt, cả đời hòa thuận, mỹ mãn.

Lời này lập tức nhắc nhở hoa đào Nam, nàng bèn vội vàng nói với Hoa Nguyệt và Nam Cửu Dương một cách hết sức phấn khởi:

– Cha mẹ, ở Tô châu con đã gặp được Vu Hoàn Chi. Y rất thích con, con cũng rất vừa ý y. Con dòm sống lưng y vừa thẳng vừa đẹp, ngày sau sẽ dẫn về cho cha mẹ xem.

Hoa Nguyệt và Nam Cửu Dương nhìn Hoa Đào Nhỏ, chỉ mỉm cười gật đầu.

Lời vừa nãy như rơi vào hư vô, có phần mờ ảo. Nam Sương chợt thấy thời gian không còn lại nhiều, vội vàng gọi:

– Mẹ, con còn gặp được Tiêu Mãn Y, dung mạo của cô ấy quả thực đẹp như pháo hoa vậy, con vừa nhìn đã thích cô ấy. Con đối xử với cô ấy như em gái, suốt đời con sẽ đối tốt với cô ấy. – Dừng một lát, nàng cuống quýt nói tiếp – Nhưng hình như Yên Hoa thích anh Mục. Thì ra anh Mục chính là anh con trai chim khách mà lão tiên sinh ở phố đông thường nhắc tới, con đã nhận anh ấy làm anh. Con người anh ấy tốt lắm, tấm lòng đơn thuần thiện lương lại luôn chăm sóc con, mỗi cái có lúc tính tình nóng nảy thôi.

Lúc Hoa Nguyệt cười cũng lộ hai cái răng nanh, khóe miệng có lúm đồng tiền. Thân hình bà dần biến mất, Nam Cửu Dương nghiêng người sang mỉm cười với Hoa Nguyệt, trong đôi mắt có gió mát tháng ba, mây trắng tháng chín.

– Cả đời con gái có được tri kỉ, có người yêu, đúng là viên mãn.

Hoa Nguyệt nói:

– Tốt quá tốt quá. – Nói rồi, mũi chân bà dần rời khỏi mặt đất, chậm rãi lùi về phía sau, càng lùi càng mờ mịt.

Nam Sương vừa vội vã đuổi theo, vừa la lớn:

– Mẹ, năm đó con gái không đúng, mẹ khắc dấu hoa đào ở dưới cổ, con gái không nên hận mẹ. Con vẫn luôn cho rằng dấu ấy xấu xí. Sau đó mẹ qua đời, con lại ảo não dấu hoa đào gây họa ấy là mối hận cắt ngang giữa người đã mất và kẻ còn sống, là khổ não lớn nhất đời con. Cho đến, cho đến ban nãy, có người nói với con, dấu hoa đào ấy giống như bản thân con, vừa vui vẻ vừa sôi nổi. Mẹ ơi, người đó là Vu Hoàn Chi, y nói dấu hoa đào này là một màu xuân dung tục mà phong nhã.

Nam Sương đuổi theo Hoa Nguyệt dọc bờ sông. Rõ ràng là tiết trời ngày xuân nắng ấm, không biết tại sao lại có tuyết rơi. Hạt tuyết nhỏ bé điểm xuyết ở đầu cành, rơi vào nước sông.

Sắc trời dần tối, mặt trời lộng lẫy. Bóng dáng Hoa Nguyệt biến mất trong ánh hoàng hôn chiếu rọi khắp nơi.

Lúc hoa đào Nam tỉnh lại từ trong mộng, lòng vẫn còn sợ hãi. Một bàn tay lành lạnh phủ lên trán nàng, Nam Sương mở mắt ra liền trông thấy đôi mắt trong veo của Vu Hoàn Chi.

– Nằm mơ à?

Hoa Đào Nhỏ “ừ” một tiếng, nhớ lúc trong mơ, mình nhắc tới Vu Hoàn Chi với Hoa Nguyệt và Nam Cửu Dương, bèn nghiêng đầu hỏi:

– Bao giờ thì anh theo tôi về nhà gặp cha?

Tay Vu Hoàn Chi vẫn đặt trên trán Nam Sương. Nghe vậy y không khỏi sửng sốt, bàn tay nhẹ nhàng đặt trên trán nàng bỗng buong xuống, cười nói:

– Sao lại nóng lòng thế?

Nam Sương cho rằng lời ấy của Vu Hoàn Chi rất đúng, dù sao người trong thiên hạ đều biết nàng và Mục Diễn Phong có hôn ước. Bây giờ nàng muốn đi bước nữa với ma đầu họ Vu, dù không cần bịt miệng đâu xa thì cũng nên qua cửa ải Mục Hương Hương và Tống Tiết đã.

Nghĩ đến tận đây, nàng gật đầu tỏ vẻ đã hiểu:

– Anh nói đúng, việc này thật sự không vội được.

Vu Hoàn Chi nghẹn lời nhìn nàng, lát sau lại day thái dương.

Từ lúc tỉnh lại Tiêu Mãn Y đã không thấy Nam Sương đâu. Nàng ấy vốn tưởng rằng sau khi tỉnh giấc Hoa Đào Nhỏ tự mình đi loanh quanh trong vườn, xem có thứ gì để thó không. Nào ngờ nàng ấy tìm cả vườn một lúc lâu mà vẫn chẳng thấy bóng dáng đâu.

Y nhân Tiêu thấy phiền muộn, đang định ra ngoài vườn tìm thì lại trông thấy Mục Diễn Phong ăn vận mạnh mẽ, tay cầm trường kiếm, sảng khoái đi về phía vườn Thấm Huân từ xa xa.

Thấy Tiêu Mãn Y, thiếu chủ Mục ngây ra tại chỗ rồi hồi phục lại đi về phía trước, tới trước mặt nàng ấy còn chưa mở miệng đã chợt nghe y nhân Tiêu vui vẻ nói:

– Diễn Phong, sáng sớm hai ta đã gặp nhau rồi, đúng là có duyên phận!

Thiếu chủ Mục có thói quen luyện kiếm vào sáng sớm. Bình minh ngày đông mà cả người hắn toàn mồ hôi, tóc và trán đọng sương sớm, đôi mắt càng thêm trong veo, phong thái mạnh mẽ. Y nhân Tiêu trông thấy thì tim rạo rực cả lên.

Bất ngờ thay, dù nghe thấy lời ấy Mục Diễn Phong vẫn chưa gọi “trời xanh” như thường lệ mà nhíu mày nhìn nàng ấy, lấy tay nhấc kiếm vác lên vai, hỏi:

– Đêm qua cô chạy đi đâu đấy?
Bình Luận (0)
Comment