Hai ngày kế tiếp, Đông Cô mãi không thấy Văn Giới đâu, mà bên vương phủ thì ngày lễ mừng thọ của lão phu nhân đã tới.
Ban đầu theo như Đông Cô nghĩ, thì một vương phủ lớn như thế, với thân phận tôn quý như thế, ngày lễ mừng thọ dám chừng là ngày lễ lớn, vạn người đến chúc thọ. Ai ngờ đến hôm đó, đến lúc Thái Hoàn phải đi báo cho Đông Cô biết hôm nay là ngày lễ mừng thọ của lão phu nhân, thì Đông Cô mới giật mình phát giác mùng năm đã tới. Không khách khứa, không lính tráng, thậm chí trong vương phủ chẳng trang hoàng nhiều nhặn gì cả. Đông Cô ngơ ngác.
"Thái Hoàn, ngày sinh nhật của lão phu nhân, sao mà trong phủ........"
Thái Hoàn cười cười, nói với Đông Cô: "Lão phu nhân xưa nay thích yên tĩnh, không thích ồn ào, nếu trong phủ mở hội ăn mừng, trái lại lão phu nhân sẽ giận đấy ạ."
"Thì ra là vậy." Đông Cô gật gù, "Vậy chắc hôm nay tiểu vương gia không ghé được rồi đúng không."
"Thưa vâng, nguyên ngày tiểu vương gia sẽ theo An Nam Vương và người nhà lo chúc thọ lão phu nhân, trước khi đi tiểu vương gia có dặn em phải chăm sóc cho cô nương, nếu cô nương có yêu cầu gì, xin cứ sai bảo em ạ."
Đông Cô nghĩ một chút, nói: "Tôi đã làm phiền mọi người nhiều ngày rồi, bữa trước tôi có nói với tiểu vương gia sẽ ở lại cho đến ngày lễ mừng thọ của lão phu nhân, bây giờ ngày này đã tới, tôi nghĩ tôi nên cáo từ."
Thái Hoàn hốt hoảng, "Cô nương, sao lại thế được, nếu như cô nương đi rồi, tiểu vương gia quay về sẽ mắng chết em."
"Ha." Đông Cô bật cười, "Em chớ có hù tôi, nếu An Kình có thể mắng người khác thì tôi sẽ muốn ở lại để chứng kiến đấy."
"Việc này......." Thái Hoàn vẫn cúi đầu, "Cô nương, nói tóm lại là cô nương không đi được đâu."
"Vì sao, quà mừng thọ đã dâng rồi, tôi có ở lại thêm cũng vô nghĩa."
"Tiểu vương gia vẫn còn muốn gặp cô nương mà."
"Mấy hôm nay ngày ngày chúng tôi đều gặp nhau, tôi vô cùng cảm kích tình bạn của tiểu vương gia, Đông Cô rất hân hạnh. Mai này nếu có thời gian tôi sẽ quay lại thăm hỏi."
Thái Hoàn thấy Đông Cô khăng khăng muốn rời đi, vô cùng sốt ruột. "Không được, Tề cô nương, tiểu vương gia đối đãi với cô nương không bạc, cô nương cứ bỏ đi không một lời từ biệt há chẳng phải là coi tấm tình của ngài ấy chẳng chẳng là gì cả."
"Điều này......."
"Nếu như cô nương muốn đi, cũng phải đợi tiểu vương gia về, chào một tiếng rồi hẵng đi."
Lời Thái Hoàn cũng có lý, Đông Cô nghĩ bụng. Đúng là An Kình đối xử với nàng rất tốt, mấy ngày qua đều hết mực chu đáo ân cần, hoàn toàn không coi nàng như tầng lớp dân đen. Ngày nào y cũng đến dùng trà và vẽ tranh cùng với Đông Cô, Đông Cô quý tài của y, đem hết thảy những hiểu biết lý thuyết và kỹ thuật hội hoạ của mình truyền dạy cho An Kình, An Kình khôn khéo chín chắn, thông tuệ hơn người, lần nào Đông Cô dạy y, nàng cũng vô cùng bất ngờ. Tuy lòng rất nhớ La Hầu, nhưng nghĩ đến sắp chia tay An Kình mà còn không biết bao giờ mới gặp lại, Đông Cô cũng hơi lấy làm tiếc nuối. Nàng đối xử với y như nửa là sư phụ nửa là bạn bè, cũng có thể đủ để nói nàng đã hết lòng.
"Được rồi, vậy thì đợi ngài ấy về đi vậy, tôi sẽ đích thân nói lời từ biệt với ngài ấy."
"Đa tạ cô nương." Thái Hoàn thấy nàng đã đồng ý, vui vẻ nói.
"Nào có, là Đông Cô không phải phép, điều này vốn là nên làm."
Thái Hoàn lui xuống, Đông Cô đặt hành lý đã gói xong xuôi xuống một bên giường, rồi nằm xuống nhắm mắt dưỡng thần. Dưỡng dưỡng một hồi bắt đầu sốt ruột. Cái cô nàng Liêu Văn Giới kia, nói sao mà lại không giữ lời, mình nàng cứ thế mà ngu ngốc đợi hai hôm nay, bên của cô ta thì im hơi lặng tiếng. E rằng đã sớm thu xếp xong xuôi rồi cao bay xa chạy mất hút. Chuyện không hỏi La Hầu được, thì Đông Cô không hẳn lấy làm thất vọng, chỉ có chút tiếc nuối. Văn Giới nói đúng, cô ta là hy vọng duy nhất của nàng, nếu như cô ta không nói, thì nàng làm cách nào cũng không biết được bí mật của La Hầu. Văn Giới nói, chuyện này nguy hiểm. Rốt cuộc nguy hiểm đến mức nào đây.......
Đông Cô nằm trên giường dù sao cũng không có gì làm, bắt đầu lôi từng điểm ra suy luận.
La Hầu có khuyết tật trên mình, nhìn sơ qua là biết đã bị trọng thương, đó là bị lúc ở chiến trường, hay là ở nơi nào khác.
Sáu năm trước, dân Mãn từ vùng tuyết đến xâm lăng, triều đình bắt lính để xung quân kháng địch, La Hầu gia nhập dạo đó. Chiến tranh kéo dài 2 năm, những ai còn sống sót trên chiến trường sau đó phần lớn đều đã về quê ngay. Khi đó La Hầu không về, cho nên rất nhiều người cho là chàng đã chết. Qua thêm hai năm nữa, La Hầu mới về, lúc về thì thân đã tàn phế. Đông Cô đoán, nếu như bị thương trên chiến trường, thì ngay sau khi chiến tranh kết thúc chàng đã về quê, bởi vì cơ thể bị bất tiện, ở lại trong quân đội cũng vô dụng. Cho nên, nàng cảm thấy cơ thể của La Hầu chắc là gặp bất trắc trong hai năm sau đó. Khi ấy chiến tranh đã kết thúc, làm thế nào mà chàng lại bị thụ thương nặng như vậy, có phải mang thù riêng với ai đó không.
Đông Cô nghĩ đến lời Văn Giới đã từng nói với nàng hôm trước—-
"Nếu như hắn không phải là một tên ngốc, thì mọi việc đã sớm được giải quyết gọn đẹp, nào trở nên phiền phức như hiện giờ."
Khi đó cô ta mắng La Hầu là một tên ngốc, có phải là chàng đã phạm một sai lầm gì đó....... Nghe có vẻ như hồi đó bọn họ cùng một phe, rồi vì chuyện gì đó, La Hầu đã trót dại, không xử lý êm xuôi, cho nên để lại mầm hoạ đến bây giờ. Rốt cuộc là mầm hoạ gì đây, có nghiêm trọng hay không, phạm vi và quy mô bao lớn...... Đông Cô nghĩ một hồi đau hết cả đầu. Nghĩ đi nghĩ lại, bước đột phá duy nhất thì vẫn chỉ có cái con mụ Văn Giới đó. Đông Cô lại nổi nóng, đúng là cái thứ không biết xấu hổ, tình cảm thì tình cảm, làm ăn thì làm ăn, nếu đã giao hẹn rồi thì phải giữ lời chứ, lợi dụng người ta xong biến mất, đâu ra kiểu làm ăn như thế này. Tôi muốn khiếu nại! Đông Cô chửi ầm lên trong lòng.
Hít sâu một hơi, tâm sự cần xả thì đã xả xong rồi, thứ không biết thì vẫn chả biết. Đông Cô cảm thấy rã rời, nằm bẹp trên giường nhìn trần nhà, chớp chớp mắt.
"Muốn được gặp La Hầu quá......" Nàng lẩm bẩm một mình. Đã sắp 5 ngày rồi chưa được gặp chàng, chàng có nhớ ta không.
........
Đêm xuống, đèn đuốc trong phủ An Nam Vương sáng trưng.
Tuy không làm linh đình, nhưng dù sao mỗi năm chỉ có một lần, An Nam Vương nổi tiếng có hiếu, ngày lễ mừng thọ cho cụ thân sinh của mình tất nhiên sẽ không cẩu thả. An Nam Vương có 4 phu quân, và tổng cộng 6 gái 3 trai. An Kình là con trai dòng chính phòng, là đứa con út được cả gia đình yêu thương nhất. Lão phu nhân cũng rất cưng y, mỗi năm vào ngày sinh nhật, cả nhà tụ tập, bà cụ hay nói chuyện với An Kình nhất.
Ánh trăng mát lạnh, sâu trong phủ rạng đèn. Phía ngoài một căn nhà nhỏ cũ kỹ, An Nam Vương nghiêm trang kính cẩn.
"Lão phu nhân, mọi thứ đã sẵn sàng, có thể khai tiệc rồi ạ."
Tường của căn nhà đó dãi dầu nắng gió, đầy những dây leo trụi lá và rêu phong, trông phong cách khác hẳn những nơi khác trong phủ An Nam Vương.
"Biết rồi." Từ trong vọng ra tiếng nói, già nua chậm chạp, nhưng lại hồn hậu và ngân dài.
Toàn bộ thân quyến đều im lặng đứng đợi trước cửa nhà. An Kình đứng sau lưng An Nam Vương, xinh đẹp dịu dàng và ngoan ngoãn. Cửa kêu "kéeeet," tất cả nín thở. Từ bên trong bước ra một người. Mặc đồ tu hành, tóc bạc phơ, nhưng trông dáng bộ không già chút nào. Bà cụ khoác áo màu xám tro trên mình, tay cầm chuỗi tràng hạt, đầu cài trâm gỗ, bề ngoài giản dị không che giấu được nét cao quý bên trong, mắt rũ xuống không che giấu được khí chất ung dung trời sinh. Lão phu nhân không phải là một Bồ Tát từ ái, mà là một La Hán uy nghiêm.
An Duy Tông.
Chiến thần của đất bắc năm xưa, dời vương phủ ra đầu chiến tuyến, giữ chức vụ 23 năm, thân chinh 12 lần, chưa từng chiến bại, số trận thắng không đếm xuể. Đã từng đẩy lùi dân Mãn của vùng tuyết vào đến nơi sâu nhất của núi Thiên Sơn cực bắc, rất nhiều năm sau không dám tái phạm. Nhưng đến năm bà 40 tuổi, ngay độ tuổi tráng niên nhất, thì lại giao An Nam Vương Phủ cho con gái, cũng là mẫu thân của An Kình — An Thích Phương. Bản thân lão phu nhân thì nhập không môn, cứ thế mà sống 30 năm trời trong một gian nhà nhỏ xíu. Không ai biết vì sao; vì sao ngay độ hưng thịnh nhất của mình, cụ đã chọn "rút lui về ở ẩn," chưa từng một câu giải thích, cũng chưa từng có ai dám hỏi.
An Duy Tông hơi ngước mắt.
Mộng xưa về lại nhớ tuổi qua.
Mắt của lão phu nhân không vui không buồn, không cười không khóc, tựa như đang nhìn xuyên qua chúng sinh, hướng về chiến trường núi tuyết đã từng chinh chiến, đao quang kiếm ảnh đã từng một thời.
"Cung nghênh lão phu nhân."
An Duy Tông hơi gật đầu, vẫn không nói lời nào, nhanh nhẹn bước ra khỏi sân. An Thích Phương theo sát phía sau, tất cả mọi người khác thì theo sau bà.
Yến tiệc vô cùng long trọng, nhưng không có món mặn, tất cả đều là đồ chay. An Duy Tông ngồi chính vị.
"Bắt đầu tiệc đi."
An Thích Phương kính cẩn đáp: "Dạ vâng."
Không có đàn sáo tấu khúc, cũng không có ca cơ múa hát, cả một gian phòng rất yên tĩnh. Gia quyến ngồi hai bên An Duy Tông, chia theo thân phận và thứ tự từ trên xuống dưới. Trong nhóm cháu chắt, An Kình ngồi phía trước nhất. Ngày thường trong phủ, y thích giản dị, nhưng vì đang là ngày đặc biệt, y không dám qua loa. Hôm nay có thể coi như An Kình đã sửa soạn, nhưng vẫn chỉ một bộ đồ trắng tinh, ống tay áo rộng bay bay, đai lưng đeo ngọc thả tơ hồng, tóc buộc cao, cài một bộ diêu với những hạt châu bằng vàng. Y ngồi ngay ngắn, động tác nho nhã từ tốn, trông xinh đẹp như một món đồ sứ quý giá.
"Lão phu nhân, Thích Phương và gia đình đã chuẩn bị một số quà mừng thọ, xin lão phu nhân ghé mắt nhìn qua."
Đến giữa bữa tiệc, An Thích Phương lên tiếng. Đây là chiếu theo lệ hàng năm, An Duy Tông cũng chẳng nói gì thêm, chỉ gật đầu. An Thích Phương quay đầu, ra lệnh cho đầy tớ dâng lên từng món quà.
An Thích Phương hiếu thảo không ai sánh bằng, hơn nữa đối với mẫu thân, bà không chỉ mang tình thân đơn thuần, mà còn có sự sùng bái và kính ngưỡng. Trong trí nhớ của bà, An Duy Tông chưa từng gần gũi với bà, thậm chí đến một cái ôm cũng chẳng có. Lão phu nhân cũng chưa từng đích thân dạy dỗ bà, mà tìm sư phụ về phủ dạy bà sách vở và võ nghệ. Nhưng trong lòng bà chưa từng oán trách mẫu thân của mình. Lúc còn nhỏ, bóng dáng kiên nghị vô địch trong toàn thiên hạ đã khắc sâu trong tâm khảm bà, bà đã sớm xem mẫu thân như thần thánh. Thành tựu và niềm tin của An Duy Tông, là mục tiêu cả đời này bà hướng tới.
Quà cáp rất nhiều, người hầu lần lượt dân lên. Ngoài sân có một cơn gió đêm thoảng qua, lá khô trong sân khẽ bay rồi khẽ đáp. Mắt An Kình lẳng lặng nhìn chén trà trước mắt. An Duy Tông tu hành giữ giới, nên trong phủ đều dùng trà thay cho rượu. Trà, là trà tâm sen thượng đẳng; nước, là nước lạnh căm từ trên núi Tuyết Sơn.
"Hửm—–?"
Giọng mũi mang nghi hoặc, đầy tớ vội vàng ngừng tay.
An Duy Tông chỉ một món, "Đưa tới gần."
Đầy tớ dâng bức hoạ nho nhỏ trong tay đến trước mặt An Duy Tông.
An Kình nhìn chén trà trước mặt, gió làm mặt nước gợn chút lăn tăn.
Đây là lần đầu tiên An Duy Tông tỏ ra có hứng thú với quà mừng thọ, mọi người lấy làm kinh ngạc trong lòng, đua nhau nhìn về phía bức hoạ. Tranh vẽ rất nhỏ, có thể nói rằng hoàn toàn không bắt mắt. Trong tranh là một vị thiên nữ hiền từ, tay cầm bình ngọc, đứng trên đoá sen trắng. Tuy bức tranh nhìn tinh xảo khéo léo, tay nghề phi phàm, nhưng đem so với những lễ vật khác được chuẩn bị, thì chẳng có gì đặc biệt quý báu.
Thật ra, không phải là bức tranh ấy không quý, chỉ có điều người hiểu được chỗ quý của nó quá ít ỏi. An Duy Tông im lặng ngắm nhìn bức tranh ấy. Một lúc lâu sau.
"Ai tặng bức tranh này?"
An Kình dời ánh mắt khỏi chén trà, chậm rãi đứng lên.
"Dạ bẩm lão phu nhân, là con."
hết chương 32