*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.Thôi Tâm Phù thử chống người ngồi dậy một lần nữa nhưng tay chân tê dại khiến nàng ngã lăn xuống giường. Nàng thở hổn hển, lửa giận sục sôi trong lồng ngực, khóe mắt trợn trừng như sắp nứt ra.
Nàng xuất thân từ gia tộc Thôi thị, dù không cao quý bằng phủ Tĩnh An Hầu nhưng cũng là gia tộc kiệt xuất của vùng Triệu Quận. Nàng là đích nữ, phía trên có tám vị ca ca, sự cưng chiều mà nàng nhận được nhiều hơn cả tám người họ cộng lại. Tiểu thư thế gia vọng tộc không được luyện võ nhưng thuở nhỏ nàng thích múa thương nghịch côn, người nhà không đồng ý, nàng bướng bỉnh không ăn không uống ba ngày, cuối cùng phụ thân cũng ngầm bằng lòng, sai huynh trưởng mời Đệ Nhất Thương của đất Bắc đến dạy nàng luyện võ.
Có người thân cưng chiều và bảo vệ nên xưa giờ nàng không phải ru rú trong chốn khuê phòng như các tiểu thư khác, mà ngược lại hăng hái giục ngựa đi thăm thú đó đây với huynh trưởng. Mọi người ở Triệu Quận đều biết Thôi Cửu tiểu thư mặc áo đỏ cưỡi ngựa trắng cầm ngân thương, dưới bầu trời rộng lớn ấy, nàng làm việc tùy hứng, tung hoành ngang dọc, nhìn người bằng nửa con mắt, chưa từng phải chịu bất kỳ uất ức nào.
Nhưng mấy năm trước nàng đã bị ngã một cú, đau thấu tim gan.
Năm ấy Tứ ca có con, cả nhà họ Thôi đến chùa Bách Lâm lễ tạ ơn, nàng bị những tiếng tụng kinh vô vị ấy làm cho phiền lòng nên tách khỏi người nhà trốn ra hậu viện, vô tình đụng phải ma chướng của kiếp này.
Một nam tử giống như vầng trăng sáng thong thả bước ra từ rừng trúc xanh mát, đi lướt qua vai nàng.
Mùa xuân hoa hạnh rơi đầy đất, thiếu niên nhà ai cất bước phong lưu.
Đây là lần đầu tiên nàng hiểu được ý nghĩa của câu thơ này và cũng từ đó về sau nàng không thể quay đầu được nữa.
Nàng nhanh chóng biết được chàng là Trác công tử, tài hoa phong nhã hơn người, tháng trước chàng dẫn theo hai người hầu đến Triệu Quận du lịch, thỉnh thoảng chàng đến chùa Bạch Lâm biện thiền với Thượng sư Tuệ Minh. Có người đoán chàng thuộc dòng dõi quý tộc nhưng che giấu thân phận, lại có người đoán chàng là con cháu của gia tộc quyền thế, bí mật cải trang trốn ra ngoài dạo chơi, nhưng không ai có thể nói rõ xuất thân của chàng.
Nàng cố ý nhờ Lục ca sắp xếp, làm quen với chàng trong một buổi du xuân. Chàng không e ngại nàng như những người khác cũng chẳng nịnh nọt lấy lòng, từ đầu đến cuối chàng đều đối xử với nàng không xa không gần, khách sáo lễ độ nàng giống như tất cả nữ tử khác ngưỡng mộ chàng.
Khoảng thời gian ấy chàng là nhân vật mà các tiểu thư khuê các ở Triệu Quận thích bàn luận nhất, chàng phong lưu nho nhã, nói năng hài hước, đã khiến trái tim của biết bao thiếu nữ lỡ nhịp. Nàng thẳng thắn bày tỏ tình cảm của mình với chàng, ngày nào cũng đến tìm chàng trò chuyện, những nữ tử cảm mến chàng dần biết khó mà lui, cả thành đều biết một nhã sĩ không rõ xuất thân đã nắm giữ trái tim cô con gái cưng kiêu ngạo của Thôi gia.
Nhưng chàng cũng không vì thế mà vui vẻ. Càng thất bại nàng càng cố chấp, chàng càng lạnh nhạt thì nàng càng ao ước, cho dù ngay cả cái tên chàng cũng không để lộ, cho dù chàng nói thẳng mình không có ý định lâu dài, chỉ cần duyên bèo nước.
Búi tóc buông lơi, trâm phượng rủ xuống, trang phục quấn quít.
Hô hấp giao thoa, cùng chung chăn gối, những cái vuốt ve an ủi dịu dàng khiến nàng cứ ngỡ đã mình có được chàng, nhưng nào ngờ mộng đẹp vui sướng lại ngắn ngủi đến thế. Nàng rạch mặt một con tiện tì có ý đồ quyến rũ chàng, nổi cáu không cho chàng đi đến hội thơ một mình và truy hỏi về gia thế của chàng, muốn chàng đến nhà cầu hôn.
Sự tha thiết và quyến luyến của nàng chỉ đổi lấy lạnh nhạt và xa cách. Cuối cùng nàng cầm thương dùng cái chết ép bức, chàng vẫn bình tĩnh như cũ, lúc đa tình thì dịu dàng như nước, sau khi trở mặt cũng trở nên vô tình.
Nàng không ra tay được, chàng rời đi không chút quyến luyến. Quân tinh nhuệ của Thôi gia đuổi theo chàng nhưng dọc đường liên tục xảy ra chuyện, nàng không ngờ người hầu bên cạnh chàng lại tài giỏi đến thế, bảo vệ chàng chạy trốn mà không để lại dấu vết. Nàng hận đến phát điên, mấy ngày không ăn không ngủ, đánh chết hơn mười tên nô bộc. Mẫu thân rửa mặt bằng nước mắt, huynh trưởng và tẩu tẩu thay phiên chăm sóc, ngay cả phụ thân đang nổi cơn giận dữ cũng không trách mắng nữa, chỉ sợ nàng mất khống chế làm bản thân mình bị thương.
Nàng cứ ngỡ kiếp này đã qua nhưng lại bắt gặp người hầu của chàng ở Lang Gia, bấy giờ nàng mới biết hóa ra chàng là Đại công tử của phủ Tĩnh An Hầu gây ra vô số tranh cãi, chàng vứt bỏ nàng như một đôi giày rách rồi dẫn theo một Hồ cơ thấp kém tắm chung.
Đời người nhục nhã đến thế là cùng. Nàng hận quá hóa rồ, nàng muốn hủy hoại gương mặt của Hồ cơ, muốn dùng thương đâm xuyên qua cơ thể bẩn thỉu ấy, dùng máu của nàng ta để rửa sạch phẫn nộ trong lòng. Nhưng nàng bị nhốt trong một căn phòng lạ lẫm, nằm liệt trên giường hết ngày này qua ngày khác, chỉ có một bà câm hầu hạ, thời gian trôi qua, nàng bắt đầu cảm thấy sợ hãi.
Trời tối, gần đến thời gian ăn cơm.
Cánh cửa kẽo kẹt mở ra, một bóng người bưng khay bước vào phòng, nàng tuyệt vọng nghiêng mặt qua một bên.
Có người ngồi xuống mép giường, tiếng thìa chén va chạm với nhau truyền vào tai nàng, một lát sau người ấy đưa nửa thìa bánh ngọt đến cạnh gò má của Thôi Tâm Phù.
Nàng mệt mỏi nhìn thoáng qua, bất ngờ nhìn thấy gương mặt mình yêu vô tận cũng hận vô ngần.
Gương mặt tuấn tú ấy vẫn dịu dàng hờ hững hệt như năm đó.
Nàng quên cả phẫn nộ, lưu luyến nhìn chàng chằm chằm, lửa giận dâng trào hóa thành nỗi tủi thân, chua xót đến tột cùng, nước mắt cứ thế lăn xuống.
Chàng rút chiếc khăn đặt bên gối ra lau nước mắt cho nàng rồi lại đưa thìa bạc đến, nàng nuốt xuống theo bản năng, một thìa rồi một thìa, nàng không nỡ rời mắt khỏi chàng, nuốt xuống tất cả. Nếu người nhà nhìn thấy Cửu muội tính tình nóng nảy trở nên ngoan ngoãn như vậy, chắc chắn sẽ dậm chân đấm ngực.
Đợi nàng ăn hết bánh ngọt, Tả Khanh Từ đặt chén xuống, “Về Triệu Quận đi, ở lại đây cũng vô ích thôi.”
Lửa giận lại bùng lên, Thôi Tâm Phù hung hăng nhìn chàng chòng chọc, “Không đến lượt chàng quản!” Chàng chỉ mỉm cười, đối xử với nàng giống như một đứa trẻ ấu trĩ bốc đồng.
Thôi Tâm Phù khẽ cắn môi, “Tiện nhân kia đâu? Chàng giết nàng ta rồi ta sẽ đi.”
Đôi mắt phượng như cười lại như không, chàng không nói bất cứ lời nào, đôi mắt ánh lên vẻ lạnh lẽo.
“Không nỡ?” Thôi Cửu ngẩng đầu lên, giọng nói mang theo ba phần khiêu khích, “Được thôi, để ta bảo phụ thân viết thư cho Tĩnh An Hầu, nói có một Hồ cơ đê tiện làm ta bị thương, tự nhiên sẽ có người xử trí ả thay ta.”
Đầu ngón tay của chàng lướt qua vết thương ở cằm nàng, vết sưng tấy đã tan hết, chỉ còn lại một vệt kiếm nông, chàng thờ ơ nói, “Nếu như kiếm của nàng ấy chệch xuống dưới một chút nữa, trên người ngươi không chỉ có chút vết thương nhỏ này đâu, chỉ e cả nửa cái đầu cũng không còn.”
Thôi Tâm Phù không hề sợ hãi, cười lạnh nói, “Nàng ta có lá gan đó sao? Chỉ dựa vào chuyện nàng ta dám đánh ta bị thương, biến ta thành thế này, ta đã có thể rạch nát mặt nàng ta, bán nàng ta đến quân doanh làm kỹ nữ…”
Gương mặt bỗng đau nhói buộc nàng phải ngừng nói, chàng chậm rãi buông ngón tay đang giữ cằm nàng ra, rút khăn lụa ở trong ngực ra lau tay giống như tay vừa chạm vào thứ gì đó không sạch sẽ, “Vết thương của ngươi đã không có gì đáng lo, mấy ngày nữa sẽ khỏi hẳn. Nếu ngươi rơi vào tay bọn buôn người, chúng rạch nát mặt rồi bỏ độc khiến ngươi bị câm sau đó bán đi, có lẽ ngươi khó trốn ra ngoài được. Cho dù có một ngày gia tộc Thôi thị tìm được ngươi, ngươi đoán xem bọn họ có nhận cô con gái cưng đã tiếp vô số khách hay không?”
Thôi Tâm Phù nhìn chàng với vẻ không thể tin được, “Chàng uy hiếp ta? Chàng dám đánh đồng ta với Hồ cơ đê tiện kia?”
Ngay cả nụ cười trên gương mặt tuấn tú cũng bạc bẽo vô cùng, “Ta chỉ cảm thấy tò mò.”
Lời nói vô tình khiến Thôi Tâm Phù kích động, nửa tức giận nửa tủi thân, nước mắt rớt xuống như mưa, “Nàng ta có gì tốt? Ta có gì không tốt? Tại sao chàng lại bảo vệ nàng ta như thế?”
Chàng lạnh nhạt nhìn nàng, để mặc nàng nghẹn ngào nức nở, mãi đến khi tiếng khóc nhỏ dần chàng mới lên tiếng, “Năm đó ta không nên làm bậy, bây giờ cứ ràng buộc nhau cũng không có ý nghĩa gì, dừng ở đây thôi.”
Thôi Tâm Phù cực kỳ cao ngạo và cố chấp, nghe chàng thờ ơ nói vậy, nàng vô cùng oán hận, “Dừng tay? Nằm mơ! Ta sẽ không để chàng sống dễ chịu, càng không bỏ qua cho tiện nhân kia! Đây là chàng nợ ta!”
Gương mặt Tả Khanh Từ thoáng hiện lên vẻ mỉa mai, “Ngươi muốn thế nào? Tiếp tục dây dưa để cả thiên hạ biết Thôi tiểu thư bị người ta bội tình bạc nghĩa, ghen tỵ đến phát điên, liên lụy đến cả tộc Thôi thị ở Triệu Quận cũng trở thành trò cười?”
Không nhìn Thôi Tâm Phù giận quá hóa cuồng, chàng đứng dậy, thờ ơ nói, “Nếu không buông bỏ oán hận được thì cứ ghi tạc lên người ta, muốn đền bù gì cứ nói, chỉ có chuyện quay về như trước kia là không thể, hãy bình tĩnh nghỉ ngơi đi.”
Cửa đóng lại ngay trước mắt nàng, chàng lại rời đi chẳng chút do dự, ngực Thôi Tâm Phù đau đớn tắc nghẹn, cảm xúc càng lúc càng dữ dội. Quả nhiên chàng có xuất thân cao quý, đã đủ xứng đôi với nàng, nhưng chàng xem thường nàng, còn Hồ cơ ti tiện kia hôn chàng trước mặt bao người, không biết xấu hổ, phóng đãng khiến người đời kinh hãi lại có được sự yêu thương và bảo vệ của chàng, nàng chưa từng muốn có được một người và cũng chưa từng căm hận một người đến vậy.
Giận dữ đến tột độ thôi thúc tạo ra kỳ tích, chân khí mơ hồ tụ lại ở đan điền trống rỗng của Thôi Tâm Phù, cơ thể co quắp thế mà ngồi dậy được.
Bạch Mạch đã bao cả viện này, trong viện có ba gian nhà, Bạch Mạch và Tần Trần ở một gian, một gian dành cho Thôi Tâm Phù còn gian lớn nhất đương nhiên là nơi nghỉ ngơi của Tả Khanh Từ. Bên trong gian phòng có đầy đủ tranh bình chặn giấy, lò hun hương, bình phong gấm và chậu than sưởi ấm, chưởng quầy rất tinh mắt, hầu hạ vô cùng tận tâm.
Tả Khanh Từ đang lật xem quà tặng của Lang Gia quận chúa, đó là một cái nghiên đá tơ hồng cổ*, mặt đá có đường vân dày đặc, sáng bóng như ngọc trai, rất hiếm có. Chàng chỉ nhìn qua rồi tiện tay ném sang một bên, sau đó nhặt miếng ngọc lên.
Miếng ngọc to bằng ngón cái, xung quanh có viền vàng được mài giống hình hạt đào, lung linh đầy đặn, mang ngụ ý đào chi yêu yêu
(đào tơ xinh mơn mởn). Chất ngọc thượng đẳng ấm áp và trơn bóng như mỡ dê, ngọc trong vắt thế này không có nhiều, quả đúng là bảo vật của gia tộc.
Hộp bạc cũng được chạm khắc vô cùng tinh tế, tuy giá trị của nó kém hơn hai món đồ này rất nhiều nhưng đã hơn mười năm mà lá trà vẫn đen nhánh, hương thơm xộc thẳng vào mũi, đúng là trà Tê Minh thượng hạng. Trà Tê Minh vốn không có xuất xứ ở Trung Nguyên mà xuất xứ từ nước Chân Lạp*, cách Trung Nguyên ngàn dặm, đường đi đến đó nguy hiểm trùng trùng. Những loại trà khác phải uống trà mới mới ngon nhưng trà Tê Minh càng để lâu càng thơm, chỉ một chút trà mà đến Trung Nguyên còn quý hơn cả vàng, gần như chỉ tồn tại trong truyền thuyết. Có người uống xong đã bình phẩm vị trà ngọt thanh đậm đà, màu như hổ phách, có thể uống trà này thường xuyên, đủ để thấy Lang Gia quận chúa có địa vị thế nào trong gia tộc.
Bạch Mạch đến bẩm báo đã phá vỡ sự yên tĩnh, Tả Khanh Từ lặng lẽ cất ngọc bội vào trong tay áo, mở miệng truyền vào.
Hai quản gia của Nguyễn thị bước vào hành lễ, “Không biết có việc gì quan trọng mà công tử truyền gọi, xin lắng nghe chỉ thị.”
Tả Khanh Từ hờ hững mở miệng, “Hôm qua ta cứu được một nữ tử ở ven đường, hình như là tiểu thư của Thôi gia ở Triệu Quận, nghe nói từng sống trong Nguyễn phủ, không hiểu sao lại lưu lạc…”
Chưa nói dứt câu thì một cây ngân thương đâm thẳng xuống bàn, hai quản gia hoảng sợ đến độ hồn vía lên mây.
Một nữ tử mặc áo đỏ xông đến, búi tóc của nàng rối bời, điên cuồng lao thẳng về phía Tả Khanh Từ nhưng bị chàng tránh được, lùi ra ngoài một trượng.
Thôi Tâm Phù giận dữ, rút ngân thương lên quét ngang bàn, đồ đạc trên bàn ào ào rơi xuống đất, nghiên mực hồng ngọc đập vào mặt đất phát ra một tiếng “bang”, ống bạc bị đổ, lá trà có giá ngàn vàng tràn ra, hơn nửa đều rơi vào chậu than để bên cạnh bàn, bị ngọn lửa nóng thiêu đốt, không trung xuất hiện ánh lửa màu tím, bầu không khí tràn ngập mùi cháy khét.
Đôi mắt phượng trầm xuống, Tả Khanh lại né tránh nàng nhào đến, hai quản gia đã bao giờ gặp phải cảnh này, người sợ hãi run rẩy, mồ hôi túa ra như tắm.
Oai phong chỉ kéo dài trong thoáng chốc, Thôi Tâm Phù kiệt sức chống thương, đầu óc mơ màng, nàng lảo đảo ngã nhào xuống đất, ngân thương cũng bị ném sang một bên.
Căn phòng khôi phục vẻ yên tĩnh, bừa bộn như vừa trải qua một trận càn quét, hai quản gia vẫn chưa hoàn hồn, Tả Khanh Từ thở dài, “Hai vị cũng nhìn thấy rồi đấy, có vẻ như tiểu thư Thôi gia đã bị cái gì đó kích thích nên đã điên dại. Dù sao ta cũng là nam tử, ở bên cạnh chẳng có mấy người hầu, chỉ có thể mời quý phủ đưa nàng đưa về Triệu Quận, để người nhà đỡ phải lo lắng.”
Thôi gia không phải gia tộc bình thường, tiểu thư con vợ cả đột nhiên nổi điên ở Nguyễn thị, Nguyễn phủ có trách nhiệm hộ tống nàng ta về nhà. Nhưng khi nãy nàng ta nổi cơn hung ác, trông đáng sợ vô cùng, Thôi Cửu tiểu thư lại có tiếng dữ dằn khó chiều, khó mà đảm bảo trên đường đi nàng ta không kiếm chuyện giày vò người khác. Hai quản gia nhìn nhau, đều cảm thấy chuyện này khó giải quyết, cả hai không dám tùy tiện nhận lời.
Tả Khanh Từ khéo léo hiểu lòng người vô cùng, “Chỗ ta có một hộp hương an thần, trước kia được một người bạn tặng cho, người thường ngửi vào sẽ bình tĩnh bớt lo âu, còn đối với người tâm thần mê loạn thì có công dụng trấn an kỳ diệu, vừa nãy hai vị cũng nhìn thấy.”
Lò hun hương hình mỏ hạc toả ra mùi hương thoang thoảng, Thôi Cửu nằm trên mặt đất mê man chưa tỉnh, hai quản gia đối chiếu lại rồi đồng thời thở phào nhẹ nhõm, lập tức nhận lấy hộp hương, gọi bà nương đến đỡ Thôi Cửu tiểu thư lên xe ngựa của Nguyễn phủ.
Tiễn khách xong, Bạch Mạch bắt đầu dọn dẹp phòng, mặc dù vị Thôi tiểu thư này chỉ gây rối loạn trong thời gian ngắn nhưng sức phá hoại thì không nhỏ. Bút lông sói bị gãy, chén sứ vỡ nát, nghiên hồng ti nằm chỏng trơ trên mặt đất, Bạch Mạch dọn dẹp gần xong, định nhặt hộp bạc đựng trà lên thì bị Tả Khanh Từ ngăn cản.
Chàng nhìn những lá trà rơi vào chậu than rất lâu, vẻ mặt ngày càng kỳ dị.
Hết chương 68.
Chú thích:
– Nghiên đá tơ hồng là một đồ vật thủ công mỹ nghệ truyền thống cổ xưa của Trung Quốc. Nghiên đá được chế tạo từ đá tơ hồng thiên nhiên ở Sơn Đông, được ca tụng là đứng đầu trong số các loại nghiên mực. (Tên gốc là 红丝砚, mình cũng không biết edit thế nào cho đúng, sau khi tham khảo QT kết hợp anh Google mình đã để là nghiên đá tơ hồng. Bạn nào biết thì bình luận ở dưới giúp mình nhé)Nghiên đá tơ hồng
– Chân Lạp là nhà nước thứ 2 của người Khmer tồn tại trong giai đoạn từ khoảng năm 550 tới năm 802 trên phần phía nam của bán đảo Đông Dương gồm cả Campuchia và một số tỉnh phía Nam của Việt Nam hiện đại.Triều đại các vị vua của Chân Lạp theo truyền thuyết có nguồn gốc từ nhân vật thần thoại Campu, lấy nàng Naga (con gái thần nước, biến từ rắn thành thiếu nữ). Từ “campu” cũng bắt ngồn cho tên gọi của Campuchia sau này.Các vương quốc láng giềng xung quanh vào thời kỳ ban đầu là Chăm Pa ở phía đông, Phù Nam ở phía nam và Dvaravati (thuộc Thái Lan ngày nay) ở về phía tây bắc.Ban đầu là một nhà nước chư hầu của Phù Nam (khoảng cho tới năm 550), trong vòng 60 năm sau đó nhà nước này đã giành được độc lập và dần dần lấn lướt Phù Nam. Đến thế kỷ 6 thì họ đã xâm chiếm được miền bắc của Phù Nam. Cuối cùng, trong thế kỷ 7 (khoảng giai đoạn 612-628), nhà nước này đã xâm chiếm toàn bộ Phù Nam, chiếm toàn bộ dân cư của nhà nước đó nhưng lại hấp thu nền văn hóa của họ. Năm 613, Ishanapura trở thành kinh đô đầu tiên của đế quốc mới.