Mục Cửu Ca

Chương 3

Một đêm ngon giấc, ngày hôm sau Mục Cửu Ca dậy thật sớm, cô đến cửa hàng hoa quả trong khu mua ít quà đến thăm ông bà nội.

Ông bà nội của Mục Cửu Ca sống ở khu tập thể cũ dành cho giáo viên ở trong trung tâm thành phố.

Bà nội cô là giáo viên đã về hưu, trước kia còn mở lớp phụ đạo dạy ở nhà, hiện do tuổi tác đã cao nên chỉ ở nhà trồng hoa, chăm sóc cây cối.

Ông nội cô không có công việc ổn định. Trước đây giữa hai ông bà nảy sinh rất nhiều mâu thuẫn, nên sống li thân. Đến năm ông gần 60 tuổi, sau khi thất bại tay trắng, mới quay trở về tìm bà nội, bà nội mềm lòng tha thứ, cuối cùng hai người lại tái hợp với nhau sống đến bây giờ.

“Cửu Ca, con đến là tốt rồi, lại còn mua quà cáp làm gì, lần nào đến cũng mang quà, con có phải là khách đâu, kiếm tiền đâu phải dễ, ông bà cũng không phải thiếu thốn, con nói xem con mua mấy thứ này đến làm gì cơ chứ?” Bà nội vừa nhìn thấy cô tay xách nách mang túi to túi nhỏ liền lên tiếng trách nhẹ cô cháu nội.

Mục Cửu Ca thay dép, vừa cười vừa bám tay bà nội đẩy vào trong phòng khách nói “Bà à, đây là chút tấm lòng của con, những thứ đắt con không mua được, chả lẽ đến hoa quả con cũng không mua nổi à?”

“Đúng đấy, đây là cháu nội bà nó hiếu thuận, bà đừng cằn nhằn nữa, Cửu Ca con có mua thuốc lá không vậy?” Ông nội cô ngậm điếu thuốc từ phòng ngủ đi ra, đi đến nơi liền đón cái túi trong tay cô để lên bàn rồi mở ra xem.

“Ơ, không có thuốc à?” Ông nội tỏ chút bất mãn, lầu bầu hai câu:” Chỉ biết có bà nội, không nhớ đến ông gì cả”.

Mục Cửu Ca bất đắc dĩ cười “Ông nội à, bác sĩ đã nói không biết bao nhiêu lần là ông phải cai thuốc, ông lại hay rồi, chẳng những không cai còn hút thuốc kinh hơn”.

Bà nội tức giận nói:” Con kệ ông ấy, ông con là muốn bà hít khói thuốc mà chết đấy mà”.

“Này, tôi chỉ hút có một tí, bà làm gì cứ phàn nàn suốt. Tôi đã phải vào trong phòng tôi để hút rồi, thế vẫn còn chưa được à?” Ông nội vừa lầm bầm, vừa cầm chùm nho vào phòng bếp rửa. Rửa xong bê đĩa nho đi ra ngoài, ông hỏi:” Nhóc con buổi trưa muốn ăn gì nào? Ông nội đi mua về cho con, hôm qua ông nội tay đỏ, thắng được 300 đồng”.

“Ông ơi, không cần đâu ạ, lát trưa con về ăn”.

“Con khách sáo cái gì, ông biết con thích ăn thịt bò, để ông đi mua một ít về làm món thịt bò hầm sốt vang cho con ăn, con đừng có về đấy.” Ông nội nói xong liền vào phòng lấy ví tiền rồi thay giầy đi ra ngoài.

Mục Cửu Ca gọi, ông cũng coi như không nghe thấy gì.

Bà nội kéo tay cô nói, “Con kệ ông í, ông í muốn mượn cớ mua thịt bò để đi mua thuốc đấy, Cửu Ca, ngồi đây đi, hai bà cháu mình nói chuyện”.

Mục Cửu Ca đành ngồi lên ghế sô pha.

“Mẹ con dạo này có khỏe không? Lâu lắm rồi bà không có đi thăm mẹ con.” Bà nội vừa nắm tay cô vừa hỏi.

“Tốt lắm bà ạ. Bác sĩ nói sức khỏe của mẹ con cũng hồi phục dần dần”. Mục Cửu Ca cười đáp

“Thế thì tốt quá, mỗi lần bà đi thăm mẹ con, nhìn mẹ con khỏe mạnh nhưng lại chẳng nhớ gì cả, bà thật khổ tâm. Haizz, con nói xem, mẹ con là người tốt như thế, sao số lại khổ vậy chứ. Khó khăn lắm mới ly hôn được với cái thằng khốn nạn kia, khó khăn lắm mới nuôi con khôn lớn, cứ tưởng là sắp được hưởng phúc rồi, lại mắc phải cái bệnh này”. Bà nội nghĩ đến con gái Tô Ngải, lại liên tưởng đến mình, nhất thời lại đau lòng.

“Bà nội” Mục Cửu Ca xoa lưng cho bà an ủi “Bà đừng buồn nữa, mẹ con mà biết bà đau lòng thế này chắc chắn sẽ buồn hơn”.

“Mẹ con đúng là số khổ, cũng tại bà, cứ vin vào tí ân huệ đó với mẹ con mà ép buộc mẹ con phải lấy bố con, bà biết rõ là bố con cũng khốn nạn giống hệt với ông nội, vậy mà vẫn cố đẩy mẹ con vào trong hố lửa, bà cứ nghĩ rằng bố con yêu mẹ con như thế, sau khi kết hôn sẽ an cư mà sống cho tốt, ai mà ngờ… là bà có lỗi với mẹ của con, bà đã hại mẹ con cả một đời”. Bà nội nói một hồi rồi khóc.

Mục Cửu Ca chau mày, sao bà nội hôm nay vừa gặp cô đã nói đến những chuyện này?

“Bà, có phải người đó dạo này lại gọi điện cho bà phải không? Ông ta gọi điện cho bà làm gì?”

Bà nội lau nước mắt, lắc đầu không nói.

“Bà ơi, bà đừng giấu con, ông ta gây phiên phức cho bà thì cũng chả khác nào gây phiền phức cho con. Bà giấu cháu thì mới…” Mục Cửu Ca không đành lòng nói tiếp, bà nội cô cái gì cũng tốt, mội tội quá mềm lòng, cho dù người khác có làm chuyện có lỗi với bà, chỉ cần quay đầu nói vài ba câu hợp ý, bà nội lại tiếp tục đối xử tốt với người ta.

Mục Cửu Ca vươn người rút khăn giấy đưa cho bà nội lau nước mắt.

Bà nội khóc một hồi bỗng cảm thấy ngại, vỗ vỗ tay Cửu Ca, giọng vẫn còn nghẹn ngào “Bố con, cái thằng súc sinh đó, tuần trước có gọi điện cho bà, hỏi bà…”

Bà nội tức đến nỗi không nói tiếp nổi.

Mục Cửu Ca nắm tay bà nội, nửa an ủi, nửa khuyên can bà “Bà nội, bà đừng giận, đừng khó chịu làm gì. Con chẳng phải đã nói với bà rồi sao? Nếu người đó mà còn đến tìm bà, bà nói ngay cho con biết, con sẽ đối phó với ông ta. Tuần trước ông ta gọi điện cho bà, đáng lẽ bà phải nói ngay cho con nghe. Con biết là bà giấu con vì tránh cho con bực mình, nhưng càng để lâu thì càng bực mình hơn, chẳng thà giải quyết ngay từ đầu, bà bảo có phải không? Hay là bà lại mềm lòng rồi? Lại muốn tha thứ cho con trai?

“Bà muốn tha thứ chứ, nhưng những việc bố con làm, làm bà muốn tha thứ cũng khó. Ông nội con cũng khốn nạn, nhưng dù sao ông ấy vẫn còn có lương tâm. Còn bố con thì… Nó thừa hưởng tất cả những gen xấu của bố nó, riêng có lương tâm thì lại vứt đi. Đúng là nghiệp chướng mà, sao bà lại sinh ra thằng con như nó chứ”. Bà nội thở dài một cái, nói với Mục Cửu Ca: “Cửu Ca, con chờ bà một lát, bà cho con xem thứ này”.

Bà nội vào phòng ngủ, lấy ra một cái táp da bò, đưa cho Mục Cửu Ca: “Cái này là cho con, con hãy giữ lấy”.

“Bà nội, đây là cái gì thế?” Mục Cửu Ca tò mò, liền mở cái túi ra xem.

“Di chúc của ông bà, đã công chứng rồi”. Vừa nghe câu nói của bà nội, Mục Cửu Ca liền dừng tay.

“Bà?”

Bà nội xoa mặt Mục Cửu Ca, cười dịu dàng “Bà nội vô dụng, lúc con còn nhỏ bà nội không những không bảo vệ được con, ngược lại còn phải dựa vào con để lấy lại công bằng cho bà nội, bảo vệ bà nội. Bà nội chẳng có gì ngoài căn nhà này, còn có một ít đồ trang sức và một ít tiền tiết kiệm. Ông bà đi rồi, con hãy bán căn nhà này đi, lấy tiền chữa bệnh cho mẹ con, coi như là bà đền bù cho mẹ của con.

“Bà ”

“Nào, ngoan nào, nếu không phải bố con gọi điện về, bà cũng không nghĩ ra làm chuyện này. Bà cứ nghĩ rằng, ông bà đi rồi thì những thứ này đương nhiên sẽ thuộc về con. Bố con cũng không đến nỗi về tranh giành thừa kế với con, ai ngờ nó quả thật là đồ mặt dầy. Nó hỏi bà đã lập di chúc chưa? Lúc mà nó hỏi bà, bà vẫn chưa làm. Ngay hôm đó, ông bà liền đi tìm luật sư lập di chúc. Lần sau nó mà còn gọi điện hỏi, bà sẽ bảo như vậy, cho nó tức chêt.”

Mục Cửu Ca tâm tình hỗn loạn, cô không thể ngờ được người bố của cô gọi điện cho bà nội lại chỉ để hỏi đến chuyện di chúc. Người đó phải không có lương tâm đến thế nào mới có thể làm ra chuyện như vậy chứ.

Nếu như bố cô gọi điện cho bà nội để làm phiền bà việc khác, cô còn có thể gọi điện mắng cho ông ta một trận, hoặc nghĩ cách khác đối phó, nhưng lại vì chút tài sản của bà nội…

Cho dù thế nào ông ấy cũng là con ruột của bà nội, chẳng thể nào đoạn tuyệt quan hệ, theo luật pháp, quả thật ông ấy là người thừa kế thứ nhất.

Cứ nghĩ đến sau này phải đối mặt với việc bố cô đến tranh giành tài sản, cô rất muốn nói với bà nội, không phải chỉ là một căn hộ cũ hay sao, để cho con người đó cho rồi, tránh sau này cứ đến tìm cô mà gây chuyện.

Bà nội rất hiểu cô, thấy cô không nói gì, liền vuốt mái tóc dài của cô, nói rằng: “Con à, chẳng lẽ con dứt khoát muốn chút tài sản này của bà nội để cho nó sao?”

Mục Cửu Ca cười, thẳng thắn thừa nhận: “Con chỉ muốn tránh chuyện tranh cãi khó coi sau này, chuyện này với những việc khác không giống nhau, con là người thụ hưởng, lại là phận cháu chắt, cho dù sự thật là như vậy nhưng để gây ra tranh cãi cũng rất khó coi. Con cũng không phải là đồ vô dụng không chịu lao động kiếm tiền mua nhà.”

“Bà biết ngay con sẽ nghĩ như vậy mà”. Bà nội lắc đầu: “Cái con bé này sao lại cứng đầu vậy chứ, cái gì cũng tự lực, không thích nhờ vả người khác, nếu bố con cố tình tranh giành chắc con cũng không so đo với bố con, cũng không phải là con không có năng lực, mà là con không thèm tranh với nó. Nhưng con có cam tâm không? Con mà cam tâm thì bà nội cũng không cam tâm.”

Mục Cửu Ca đương nhiên không cam tâm, ông ấy một chút hiếu thuận với bà nội cũng không có, lại còn làm cho người nhà đau lòng, còn dựa vào đâu mà đòi quyền thừa kế.

Tiền tiết kiệm và căn nhà là của bà nội, bà nội muốn cho ai là quyền của bà. Mục Cửu Ca thực ra cũng đã nghĩ đến chuyện bà nội sẽ để lại cho cô, nhưng nếu bà có không làm vậy thì đối với cô cũng không có vấn đề gì cả.

Bà nội không biết nghĩ đến chuyện gì, bỗng nhếch mép cười nhẹ: “Ông nội con hôm ấy cũng rất tức giận, còn nói nếu gặp thằng súc sinh kia sẽ đánh chết, tránh cho con mầm họa sau này.”

“Cái tính này của ông nội, bao nhiêu năm rồi chẳng chịu thay đổi.” Mục Cửu Ca phì cười.

“Ông nội con người này… năm đó ông ấy trở về, bà tha thứ cho ông ấy, bà biết mẹ con con cùng mọi người đều không thể hiểu nổi. Có lẽ bà nội là người mềm lòng, nhưng cũng không phải ngốc nghếch, tuy ông nội con lắm tật, song ông ấy không phải người xấu. Bình thường trong nhà nấu cơm nấu nước đều do ông ấy đảm nhiệm, ông ấy cũng không ngại khó ngại khổ, lúc bà ốm, ông ấy còn biết cách chăm sóc. Năm đó, bà cũng gần 60 rồi, chẳng có câu “Con nuôi cha không bằng bà nuôi ông” hay sao, hai người sống cô đơn tịch mịch tuổi già, chẳng bằng cùng hợp lại sống chung nương tựa lẫn nhau.” Bà nội lại chìm vào ký ức giãi bày.

Mục Cửu Ca biết ý không cắt ngang lời bà, người già đều thích nhớ lại chuyện quá khứ như vậy, phận con cháu cho dù có nghe kể đi kể lại bao nhiêu lần cũng vẫn phải tiếp tục lắng nghe.

Bà nội kể rất nhiều chuyện về ông nội, có oán trách, cũng có ngọt ngào, cuối cùng tổng kết lại: “Ông nội con là người cả đời không an phận, “thấy người ta đào khoai cũng vác mai ra đào vườn”. Nhìn thấy người khác kiếm được nhiều tiền, làm được quan to, cứ nghĩ đơn giản cho rằng bản thân cũng làm được. Cũng có thể ông nội con không gặp may mắn, nỗ lực cố gắng nửa đời người, cuối cùng vẫn hai bàn tay trắng. Cả đời bà chứng kiến ông ấy lập nghiệp thời gian dài như thế, sau cùng vẫn là lấy thất bại để kết thúc mọi việc.”

“Này, sau lưng tôi nói xấu cái gì thế hả?” Ông nội vừa mở cửa, liền cất to giọng nói với bà: “Này bà lão, bà suốt ngày nói đi nói lại những chuyện đó không thấy chán à? Cửu Ca phải tranh thủ thời gian nghỉ để đến thăm chúng ta, bà lại cứ mãi cằn nhằn mấy chuyện xưa cũ, bà không sợ cháu nó chán nghe lắm rồi à?”

Bà nội cắt ngang lời ông: “Cửu Ca còn lâu mới chán tôi, cháu nó nhìn thấy ông mới chán.”

Cửu Ca cười lớn: “Ông nội ơi, ông trách oan bà rồi, bà đâu có phàn nàn ông đâu, bà là đang khen kìa.”

Mục Cửu Ca vừa cười vừa đi tới chỗ ông đón túi thức ăn ông vừa mua về, sau đó lại giải thích với ông tại sao bà lại nhắc tới ông.

Ông nội nghe kể nhắc đến con trai, mặt liền đổi sắc, mắng to: “Cái thằng súc sinh. Năm đó nếu không phải bà nội cháu cản ông thì ông đã đánh chết nó rồi. Nó vẫn còn mặt dầy đòi tiền đòi nhà, hôm đấy không phải ông nghe điện, ông mà nghe thì đã mắng chết nó rồi. Bà nội con hôm ấy cũng bị nó làm cho tức đến thổ huyết. Thằng súc sinh, sao ông bà lại sinh ra cái thứ con như nó chứ.”

Ông nội mắng con trai nửa ngày, nhìn thấy Mục Cửu Ca vào bếp sơ chế đồ ăn mới dừng lại, chỉ đạo Cửu Ca cách làm món thịt bò.

Bà nội nhân lúc Mục Cửu Ca không chú ý, đem táp da bò với 5 vạn tiền mặt ông nội mới rút ở ngân hàng về nhét vào túi của cô.

Con nhóc cứng đầu, không chịu nói cho ông bà biết số tài khoản ngân hàng, lần nào nhét tiền cho cô, cô cũng nghĩ cách trả lại, lần này thì có lý do rồi, sẽ nói là tại bà dễ mềm lòng, đưa tiền cho thằng con bất hiếu kia chẳng thà đưa cho cô để lo viện phí chăm mẹ.

Mục Cửu Ca ở lại nhà ông bà nội ăn bữa cơm vừa ngon miệng vừa vui vẻ, ăn xong còn đi dạo cùng ông bà một lúc, chờ đến khi ông bà đi nghỉ trưa cô mới về.

Về đến nhà, vừa định lấy chìa khóa ra mở cửa, Mục Cửu Ca đột nhiên nghe thấy tiếng mở cửa nhà đối diện.

Ô! Nhà đối diện đã có người dọn đến ở rồi à?

Mục Cửu Ca quay đầu, vô cùng ngạc nhiên thốt lên: “Là anh à?”

Người đàn ông cao to xách túi rác ngẩng đầu, nhìn thấy cô gái lái xe buýt tối hôm qua, anh hơi gật đầu.

“Haha, anh hàng xóm, xin chào, tôi là Mục Cửu Ca, ở nhà đối diện, sau này có việc gì cứ tìm tôi nhé. Anh tên gì thế?” Mục Cửu Ca quay người chào hỏi với anh chàng hàng xóm mới.

“Tôi họ Hoa, tên Hoa Vô Ý.” Anh chàng trả lời lãnh đạm.

“Hoa Vô Ý… Thế thì anh chắc chắn có quen với Hoa Vô Khuyết và Tiểu Ngư rồi nhỉ?.”
Bình Luận (0)
Comment