Mưu Kế Của Quý Nữ

Chương 3

“Anh Ý Mặc, chẳng phải anh cũng thích chè hạt sen ngọt hay sao? Bát này để cho anh, em sẽ lấy cho cha bát khác.” Trần Song Ngọc nói xong liền đem bát chè tới trước mặt Tống Ý Mặc đồng thời quay sang cười hối lỗi với Trần thị trung rồi vén mành chạy đi.

“Đứa nhỏ này!” Trần thị trung lắc lắc đầu và quay sang bảo Tống Ý Mặc uống chè.

Tống Ý Mặc đương nhiên không từ chối ý tốt của Trần thị trung. Nàng múc một muỗng chè lên ăn rồi khen, “Hạt sen rất ngon!”

Trần thị trung cười cười nhìn Tống Ý Mặc ăn mấy muỗng chè. Khi nàng bỏ thìa xuống, ông ta liền gọi người hầu bưng nước vào để Tống Ý Mặc súc miệng. Xong xuôi mọi việc, đợi nha hoàn lui xuống ông ta mới hỏi, “Tiểu Hầu gia sao lại muốn ta đi đón mẹ con Ôn thị trở về?”

Sắc mặt của Tống Ý Mặc trở nên trịnh trọng. Nàng trả lời, “Một năm trước Ôn thị đã tới tìm cháu. Bà ta quỳ xuống đất rồi dập đầu nói năm đó khi nghe nói cha cháu mất đi, nếu không vì còn có một đứa con gái thì bà ta đã muốn đi theo ông ấy rồi. Giờ con gái cũng sắp tới tuổi cập kê, bà ta cũng muốn tìm người có gia thế để gả cho, có điều con gái đi theo bà ta rốt cuộc tìm không được gia đình nào tử tế. Nếu cháu bằng lòng cho con gái của bà ta quay về Hầu phủ và giúp cô ta tìm được một hôn sự tốt đẹp thì bà ta sẽ tự nguyện tự sát ở trước mặt mẹ cháu để giải trừ mối hận năm đó của mẹ.”

Trần thị trung nghe tới đây thì sắc mặt cũng trở nên nghiêm túc, “Ôn thị này thật quá mức càn quấy. Cô ta nghĩ mình là ai cơ chứ?”

Tống Ý Mặc giận dữ nói, “Cháu lúc ấy tất nhiên là từ chối rồi. Sau khi hồi phủ trong lòng cháu cũng rất bất an, nhưng vì sợ mẹ suy nghĩ nên cháu chỉ có thể giấu giếm việc này. Hiện giờ trong cung truyền tin ra muốn chọn mấy người con nhà công thần để tiến cung, mẹ cháu nhớ tới Tống Ý Thiền và muốn tìm bọn họ về phủ, chẳng may tin tức trong cung là chính xác thì sẽ gả Tống Ý Thiền vào cung. Mẹ cháu rất kiên định, bà ấy đã muốn làm việc gì thì chắc chắn sẽ không thất bại. Nhưng cháu nghĩ Tống Ý Thiền dù sao cũng là con gái của cha, dù sao cũng là chị gái của cháu. Nếu được thì cháu cũng muốn tìm giúp một cuộc hôn nhân tốt đẹp, xem như cháu giúp cha giải quyết mọi việc.”

Trần thị trung nghe tới đây liền gật gù, “Ý cháu là muốn thừa dịp này đón mẹ con Ôn thị về phủ và nghĩ cách giúp Tống Ý Tiền tìm một hôn sự tốt phải không?”

Tống Ý Mặc trả lời, “Đúng là như vậy. Chuyện trong cung muốn tuyển phi chẳng phải còn chưa xác thực sao? Nếu là thật thì lúc đó cháu sẽ tìm cách khác, chưa chắc đã phải để chị ấy tiến cung.”

Trần thị trung cúi đầu trầm tư một hồi mới nói, “Trước kia chẳng phải nghe nói Huệ vương muốn nhắm vào chị cả nhà cháu sao? Nếu chuyện này là thật thì Hoàng thượng có muốn tuyển phi cũng sẽ không thể tuyển trong phủ nhà cháu. Như vậy thực ra có thể tránh được chuyện tiến cung rồi.”

Đương kim Hoàng đế Cảnh Nam Thiên có tất cả bốn đứa con trai và một đứa con gái. Con thứ hai Huệ vương Cảnh Thế Đan là con do Khương quý phi sinh ra.

Nhắc tới Cảnh Thế Đan là Tống Ý Mặc lại có chút trầm lặng. La phu nhan vẫn nghi ngờ cái chết của Tống Khản có liên quan tới Khương quý phi và ngầm hận Khương quý phi đến thấu xương. Bà sao có thể đồng ý gả Tống Ý Châu cho Cảnh Thế Đan được? Bên kia cũng thế, Khương quý phi cũng căm thù người nhà họ Tống, bà ta cũng không thể đồng ý để Cảnh Thế Đan cưới Tống Ý Châu đâu.

Những người sáng suốt khi thấy Cảnh Thế Đan nhắm vào Tống Ý Châu đương nhiên cũng không tới Hầu phủ cầu hôn để tránh đắc tội với Cảnh Thế Đan. Cũng vì chuyện này mà Tống Ý Châu năm nay mười sáu tuổi vẫn chưa đính hôn.

Đúng dịp này thì trong cung lại truyền tin ra nói muốn tuyển phi. La phu nhân rất sợ Tống Ý Châu sẽ bị chọn tiến cung nên bất đắc dĩ mới phải đón Tống Ý Thiền hồi phủ.

Trần thị trung khi nói ra chuyện này cũng đã nghĩ tới những khúc mắc trong lòng La phu nhân. Ông ta lại nói tiếp, “Nếu bỏ qua chuyện cũ thì chị cả của cháu với Huệ vương thật sự là mối lương duyên tốt!”

Tống Ý Mặc nói, “Cháu cũng nghĩ vậy. Đáng tiếc là mẹ cháu lại không nghĩ thế.”

Trần thị trung lắc lắc đầu rồi mới hỏi Tống Ý Mặc, “Cháu muốn ta làm thế nào?”

Tống Ý Mặc trả lời, “Thị Trung đại nhân là bạn tốt của cha cháu khi ông ấy còn sống. Khi cha cháu gặp chuyện không may ngài cũng đã ở bên cạnh ông ấy. Cha cháu còn nhờ ngài nhắn nhủ di ngôn của ông ấy cho mẹ cháu nữa. Cháu nghĩ vào thời điểm đó nếu cha cháu nhân tiện nói một câu khi nào Tống Ý Thiền tới tuổi cập kê nhờ ngài đón cô ta về phủ và tìm giúp một hôn phu tốt thì ngài cũng sẽ không từ chối đâu ạ.”

Trần thị trung nghe xong mới hiểu được ý đồ của Tống Ý Mặc. Ông ta liền cười nói, “Lúc trước cháu từ chối thỉnh cầu của Ôn thị mà lúc này lại đón mẹ con cô ta trở về Hầu phủ, lại sợ bọn họ nghi ngờ không chịu trở về mà sinh ra rắc rối, lại sợ mẹ cháu vì chuyện này mà tức giận nên mới nhờ ta đi làm chuyện này phải không?”

Tống Ý Mặc đáp lời, “Đúng vậy. Chỉ cần ngài “tình cờ” trông thấy mẹ con Ôn thị và nhớ lại “lời nhờ vả” của cha cháu năm đó mà sinh lòng thương hại rồi đưa mẹ con bà ta về cầu xin trước mặt mẹ cháu, cháu sẽ nói giúp cho, mẹ con bà ấy tự nhiên có thể ở lại.”

Người còn nhỏ đã suy nghĩ được chu toàn như thế kể ra cũng rất hiếm có. Trần thị trung liếc mắt nhìn Tống Ý Mặc. Trong lòng tuy rất thích thú nhưng ngoài miệng ông ta lại nói, “Vậy, vì sao ta phải gấp rút giúp cháu việc này?” Ha, ngươi cũng chưa phải là con rể của ta nhé!

Sau khi Tống Khản qua đời, Trần thị trung vốn là bạn tốt nhất của Tống Khản khi ông ta còn sống cũng giúp đỡ nhà họ Tống mấy năm nay. Ông ta cũng coi Tống Ý Mặc như con cái trong nhà mà đối đãi. Mỗi lần Tống Ý Mặc có chuyện nhờ vả thì phàm là chuyện có thể làm được, ông ta cũng sẽ không thoái thác. Hiện giờ ông ta lại đột nhiên nói ra những lời này làm cho Tống Ý Mặc thực sự ngây người.

Tống Ý Mặc im lặng một lát. Liếc mắt thoáng thấy khóe miệng của Trần thị trung đang mỉm cười, lúc này mới biết Trần thị trung cố ý nói như vậy, nàng lại reo lên, “Thúc à, năm hết tết đến cháu tìm được một thứ rất hay nên mới bận bịu chuẩn bị để biếu thúc. Một chút chuyện nhỏ như vậy chẳng nhẽ thúc lại không giúp cháu?”

Trần thị trung cười rộ lên ha hả rồi nói, “Được rồi! Chuyện này cứ giao cho ta, đảm bảo sẽ hoàn thành thỏa đáng.”

Tống Ý Mặc liền nói mấy lời cảm ơn Trần thị trung. Nhìn thấy trời không còn sớm, nàng liền chuẩn bị cáo từ hồi phủ. Đúng lúc ấy thì Khuông phu nhân sai người hầu tới mời cơm. Người hầu nói, “Phu nhân nói trời cũng không còn sớm nên mời tiểu Hầu gia ăn cơm xong hẵng về. Tối nay có thể có mấy món thị thú rừng tươi, tiểu Hầu gia ăn xong vừa khéo mang một ít về ạ.”

Tống Ý Mặc không thể từ chối được thịnh tình liền đồng ý ở lại. Nàng lại sai tùy tùng về phủ trước nói với La phu nhân một tiếng.

Hai nhà qua lại thân thiết nên giữ lại ăn cơm là chuyện thường tình. La phu nhân nghe nói thế cũng không để ý mà chỉ cùng Tống Ý Châu và Tống Ý Bội ăn cơm rồi sai người tới đón Tống Ý Mặc về phủ.

Tống Ý Mặc trở về phủ liền tới gặp La phu nhân trước tiên. Nàng thuật lại mọi chuyện đã nói với Trần thị trung cho La phu nhân biết rồi lại nói, “Mẹ à, hiện tại tuy rằng chúng ta phải đón mẹ con bọn họ về phủ nhưng cũng không thể dung túng cho họ được. Chi bằng để bọn họ cầu xin chúng ta nên chúng ta mới cố giữ bọn họ lại.”

La phu nhân nghe nói xong liền vui sướng nói, “Chuyện này con làm tốt lắm!”

Tống Ý Mặc nói, “Đợi khi Trần thị trung đưa mẹ con bọn họ tới đây, mẹ cứ một mực trút giận còn con sẽ nói giúp bọn họ để giữ bọn họ lại. Có như thế họ mới có thể yên tâm ở lại được.”

Ngày hôm sau, Tống Ý Mặc tới hội phẩm kiếm của Thạch Khang ở phủ tướng quân và toại nguyện đem long tuyền bảo kiếm tặng cho người ta. Vừa ra khỏi phủ tướng quân, Đa Thanh lập tức nhỏ giọng thì thầm, “Tiểu Hầu gia, Thạch tam công tử được kiếm mừng đến nỗi lông mày không trông thấy mắt đấy!”

Tống Ý Mặc đắc ý nói, “Đấy là kiếm báu của cha ta mà, anh ta được lời to rồi!”

Tống Ý Mặc vừa trở về phủ thì Trường Lộc đã chạy tới nhỏ giọng bẩm báo, “Tiểu Hầu gia, thuộc hạ vừa đi hỏi thăm thì được biết trong thời gian Ôn thị sinh bệnh Tống tiểu thư đã phải chăm sóc bà ấy tối tăm mặt mũi. Ở phòng trọ bên cạch có một vị cử nhân tên là Dư Thanh rất nhiệt tình và cũng đã giúp đỡ nhà ấy mấy lần. Tống tiểu thư cảm kích trong lòng mới giúp Dư Thanh may một bộ quần áo. Việc này đã khiến Ôn thị tức giận đến mức đánh Tống tiểu thư đó!”

Tống Ý Mặc nghe xong liền biết nếu lúc này Trần thị trung gặp được Ôn thị, Ôn thị đương nhiên sẽ nắm chặt cơ hội và bằng mọi cách cũng sẽ quỳ xuống trước mặt La phu nhân mà xin hồi phủ.

Đảo mắt đã qua ba ngày. Hôm đó, Tống Ý Mặc ra ngoài có công chuyện. Nàng vừa trở về phủ thì quản gia Lâm Đại Nghiệp đã chạy ra đón chào và nhỏ giọng thì thầm, “Tiểu Hầu gia, Trần thị trung đã dẫn theo hai mẹ con tới cầu kiến phu nhân. Giờ hai mẹ con kia đang quỳ gối khóc lóc trước mặt phu nhân, phu nhân thì tức giận mắng mỏ, còn Trần thị trung thì khuyên giải. Bên đấy đang ầm ĩ lắm. Tiểu Hầu gia mau tới ngó một cái xem thế nào ạ!”

“Náo loạn bao lâu rồi?” Tống Ý Mặc hỏi.

“Non nửa canh giờ rồi ạ.” Lâm Đại Nghiệp có chút lo lắng.

“Không vội! Cứ để bọn họ ầm ĩ một lúc nữa.” Tống Ý Mặc chậm rãi trở về phòng và tự mình tắm rửa thay quần áo.

Ở bên kia, nha hoàn Tử Hạ hầu hạ bên cạnh La phu nhân nghe nói Tống Ý Mặc đã trở về cũng vội vàng đi tìm. Nàng ta gặp phải Họa Mi đang đứng bên ngoài phòng của Tống Ý Mặc liền giữ chặt lấy Họa Mi, “Họa Mi, tiểu Hầu gia đã về phải không? Mau vào thông báo cho tiểu Hầu gia biết ở chỗ phu nhân đang có người gây ầm ĩ không giải quyết được, nhờ tiểu Hầu gia mau tới ngó qua một cái đi!”

Họa Mi nói với vẻ khó xử, “Chị Tử Hạ à, tiểu Hầu gia đang tắm. Chị biết đấy, từ trước tới nay chỉ có chị Thanh Mai mới được ở bên cạnh hầu hạ ngài ấy, chúng em không dám vào quấy rầy đâu.”

Tử Hạ dậm chân nói, “Chuyện này có liên quan tới phu nhân, tiểu Hầu gia sẽ không trách em đâu. Em mau vào nói một tiếng đi!”

Họa Mi nghe nói thế mới khẽ cắn môi rồi vội vàng vào phòng. Nàng ta đứng bên ngoài tấm bình phong và nói vọng vào, “Tiểu Hầu gia, chị Tử Hạ sang nói bên phu nhân đang có chuyện, mời tiểu Hầu gia nhanh qua đó xem thế nào ạ!”

Giữa tiếng dội nước “ào ào”, Thanh Mai trả lời thay cho Tống Ý Mặc, “Tiểu Hầu gia biết rồi, em lui ra đi!”

Họa Mi hơi bĩu môi một cái. Nàng ta vâng một tiếng rồi mới lui ra ngoài.

Tống Ý Mặc đứng dậy trong thùng nước tắm để Thanh Mai giúp nàng lau khô người. Sau khi mặc một bộ quần áo sạch sẽ và vấn tóc xong nàng mới ra khỏi cửa đi về phía phòng khách của khu nhà La phu nhân đang ở.

Trong phòng khách, La phu nhân nhìn Ôn thị đang quỳ gối và liên tục dập đầu cạnh mình. Bà nhận thấy bản thân không oán hận bà ta như trong tưởng tượng.

Ôn thị cùng lắm chỉ ba mươi ba tuổi. Năm đó bà ta là một mỹ nhân như hoa như ngọc, trải qua mười mấy năm kham khổ, Ôn thị giờ cũng đã già nua tiều tụy đi nhiều làm cho người ta không tưởng tượng ra được bà ta từng có lúc nở mặt nở mày như vậy. La phu nhân nhìn Ôn thị, trong lòng bỗng dấy lên sự thoải mái khó tả nhưng sắc mặt bà vẫn lạnh băng và không nói nửa lời.

Tống Ý Thiền quỳ gối bên cạnh Ôn thị cảm thấy lo lắng dị thường. Nàng ta rất sợ La phu nhân không nể mặt Trần thị trung mà đuổi thẳng cổ mẹ con nàng ta đi.

Đúng lúc đó thì có người báo tin, “Tiểu Hầu gia đến rồi!”

Tống Ý Mặc bước vào phòng. Nàng chào hỏi Trần thị trung trước rồi mới nhìn sang La phu nhân và hỏi, “Xảy ra chuyện gì vậy mẹ? Sao lại tranh cãi ầm ĩ thế?”

Trần thị trung kể sơ qua chuyện năm đó được Tống Khản nhờ vả rằng khi nào Tống Ý Thiền đến tuổi cập kê thì giúp đưa mẹ con nàng ta về phủ. Ông ta lại nói, “Việc này cũng do ta suy nghĩ không chu toàn, không nói trước với phu nhân và tiểu Hầu gia tiếng nào đã đưa người trở về.”

Ôn thị vừa nghe nói thế liền cướp lời, “Là tôi, là do tôi đã cầu xin Trần thị trung, nhờ ngài ấy đưa chúng tôi vào phủ.” Ôn thị nói xong lại hướng về phía La phu nhân mà dập đầu, “Xin phu nhân thu nhận Ý Thiền. Tôi nguyện ý làm trâu làm ngựa báo đáp phu nhân!”

La phu nhân lạnh lùng nói, “Hầu phủ chúng ta đều có trâu có ngựa, không thiếu nhà ngươi đâu!”

Tống Ý Thiền lúc trước đã được Trần thị trung dặn dò, vừa nghe La phu nhân vẫn kiên quyết không chịu, nàng ta vội vội vàng vàng tới trước mặt Tống Ý Mặc mà khóc ròng, “Tiểu Hầu gia…”

Trần thị trung cũng lựa thời điểm nói vào, “Tiểu Hầu gia, nó dù sao cũng là huyết mạch của lão Hầu gia, cứ để ở bên ngoài sẽ có lúc bị người ta ức hiếp, lúc đó mà chuyện xưa được lục lại sẽ khiến người ta nói ra nói vào. Chi bằng cứ giữ bọn họ lại.”

Tống Ý Mặc chưa kịp lên tiếng thì bên ngoài đã vọng vào tiếng nói của Tống Ý Châu, “Từ khi nào mà Hầu phủ của chúng ta phải nhận nuôi chó nuôi mèo vậy?”
Bình Luận (0)
Comment