Nga Mi Kiếm Khách

Chương 10

Phiêu Trần đứng im như pho tượng, mắt dõi theo đám bụi hồng cho đến khi khuất dạng. Hơn khắc sau, Bàng Tinh Hải nóng ruột hối thúc :

- Họ đã đi xa rồi! Mong các hạ y ước trao họa đồ cho bổn tọa.

Phiêu Trần cười nhạt :

- Đến người thân như đại ca mà tôn giá còn trở mặt hãm hại thì tại hạ nào dám tin. Cứ chờ họ đi thêm vài chục dặm nữa hãy hay.

Ba khắc nữa trôi qua, ánh dương quang mùa xuân chói lọi khiến bọn Thần Kiếm bang toát mồ hôi. Phiêu Trần vẫn ung dung vì cạnh tảng đá có một tán cây ngô đồng nhỏ. Tuy thân không to nhưng lá rậm rạp, che mát cho người đứng dưới.

Đến giữa giờ Tỵ, Bàng Tinh Hải không chịu nổi nữa, hậm hực quát vang :

- Ngươi định bắt bổn tọa chờ đến tối hay sao?

Phiêu Trần điềm nhiên gật đầu :

- Tại hạ chỉ thề rằng sẽ ở lại đây để trao bản đồ chứ đâu nói rõ thời gian? Mong tôn giá kiên nhẫn một chút.

Biết mình đã bị lừa, Bàng Tinh Hải phẫn nộ quát thủ hạ vây chặt rồi cùng Mỹ Nhiêm Tú Sĩ rút kiếm tiến lên.

Phiêu Trần cười nhạt :

- Bang chủ động thủ là xem như cuộc giao dịch bất thành đấy nhé!

Bàng Tinh Hải gằn giọng :

- Chỉ cần ngươi giữ đúng lời thề, không hủy báu vật thì bổn tọa lo gì không lấy được? Có giỏi thì xuống đây thử vài chiêu?

Phiêu Trần cười rộ :

- Mời tôn giá lên đây! Tại hạ đã thề thì không dại gì hủy đi mảnh da dê quý báu này!

Chàng đã cố vận dụng cách vặn vẹo ngôn ngữ mà bọn phạm nhân thường dùng để đối phó với nha môn. May thay, Bàng Tinh Hải chủ quan, tưởng chàng cũng sợ chết như bao người khác, nên lão mới mắc mưu. Nếu họ Bàng biết chàng luyện được pho thân pháp “Huyền Huyền Ảo Bộ” thì đã cẩn trọng hơn.

Nay Trương Tự Thanh giữ hai phần, Bàng Tinh Hải một phần, Phiêu Trần không thể để phần cuối cùng lọt vào tay họ Bàng được. Lỡ hai lão ác ma liên thủ thì sẽ tìm được kho báu.

Số tài sản khổng lồ ấy cộng với dã tâm to lớn của hai kẻ tự xem mình là anh hùng, sẽ biến thành mối đại họa cho võ lâm và xã tắc. Triều đình hiện đang suy yếu, dân tình bất mãn và có nhiều tay kiệt liệt đang rắp ranh việc đuổi hươu dành lấy thiên hạ.

Hơn nữa Phiêu Trần phải giữ được phần tư họa đồ của Khúc Mạc Sầu, để có thể dự cuộc phó ước tử vong với Bang chủ Khổng Tước bang vào ngày cuối tháng sáu tới đây.

Vì những lý do ấy, Phiêu Trần muối mặt làm người trí trá, dùng lời nói lững lờ để gạt gẫm Bàng Tinh Hải. May mà lão không phát giác ra cạm bẫy trong lời thề thốt, nếu không thì dù chàng có bảo toàn được vật báu cũng sẽ chịu nhục suốt đời! Chàng còn rất trẻ nên chưa thoát được sự ràng buộc của quan niệm tín nghĩa Khổng gia!

Nhắc lại, Bàng Tinh Hải mắc mưu một tiểu tử đáng tuổi con mình nên giận đến điên cuồng, gầm lên :

- Xạ tiễn!

Hàng trăm mũi tên lập tức bay về phía Phiêu Trần. Đây chỉ là đòn cầm chân để họ Bàng và Mỹ Nhiêm Tú Sĩ áp sát mục tiêu.

Nhưng Phiêu Trần đã múa tít trường kiếm, cười vang :

- Banh chủ đã vi phạm lời cam kết, tại hạ đành phải cáo từ!

Chàng vừa nói vừa ẩn mình vào kiếm quang, lao vút về hướng Đông. Không ai đủ sức để ngăn trái cầu thép đang lướt đi với tốc độ sao băng.

Phòng tuyến lập tức thủng một lỗ lớn và Phiêu Trần đã để lại sau lưng mình bốn tử thi áo xám!

Bàng Tinh Hải quát thủ hạ lên ngựa, còn bản thân thì cùng Mỹ Nhiêm Tú Sĩ Uất Trì Thư dùng khinh công đuổi theo Phiêu Trần.

Lão ta tin rằng với công lực thâm hậu của mình, sẽ bắt kịp đối phương.

Nhưng họ Bàng đã lầm to, vì gã tiểu tử đáng ghét kia cứ nhởn nhơ phía trước, cách độ mười mấy trượng.

Phiêu Trần biết Tỳ Bà Sương mang thương tích trầm trọng, tất cước trình không thể nhanh được. Do vậy, chàng cố tình dụ Bàng Tinh Hải đuổi mãi, kéo dài thêm thời gian cho người thân.

Vùng đất phía Đông vùng quan đạo này rất cằn cỗi, toàn là đá ong, chỉ có cỏ dại thâm thấp và vài bụi cây lúp xúp. Đây là nơi thả trâu bò của dân trong vùng.

Địa hình tương đối bằng phẳng nên thuận lợi cho bọn kỵ sĩ Thần Kiếm bang phi ngựa đuổi theo. Tiếng vó ngựa rầm rộ khiến bọn gia súc sợ hãi, chạy tán loạn và kêu vang.

Được năm sáu dặm thì toán nhân mã bắt kịp Bang chủ và Phó bang chủ. Hai lão nhảy lên lưng ngựa, quyết truy đuổi đến cùng.

Bọn bang chúng dương cung bắn với theo, nhưng Phiêu Trần lúc nào cũng giữ khoảng cách ngoài tầm tên.

Tận cùng của dải đất hoang hóa này chính là dãy núi thấp Xà Sơn, như con rắn khổng lồ, ngoẳn nghòe nằm dài theo hướng Bắc Nam, và dưới chân núi là một cánh rừng tự nhiên rậm rạp. Kích thước mỗi bề chỉ độ hai chục trượng. Nếu Phiêu Trần vào được cũng sẽ bị vây chặt. Huống hồ còn có một sự bất ngờ đang chờ chàng trai trẻ.

Bỗng con ngựa của Mỹ Nhiêm Tú Sĩ bứt phá đường đua với tốc độ đáng ngạc nhiên, chỉ chốc lát đã bỏ rơi đoàn người nửa dặm và sắp bắt kịp Phiêu Trần.

Bàng Tinh Hải kinh ngạc :

- Lạ thực! Chẳng lẽ con ngựa của Uất Trì Thư lại là một thần mã hãn thế?

Phiêu Trần thấy chỉ mình Mỹ Nhiêm Tú Sĩ đuổi theo không hề sợ hãi, tăng tốc chạy trước đầu ngựa của lão. Uất Trì Thư vung chưởng giáng vài phát nhưng không trúng đích, chỉ làm đất đá bay lên.

Phiêu Trần giật mình khi nghe Tú sĩ nói :

- Trần nhi! Sau cánh rừng là một khe núi sâu, con hãy liệu mà tính toán đường thoát thân. Sư phụ sẽ hỗ trợ cho.

Té ra Uất Trì Thư lại là Thiên Xảo chân nhân cải trang. Phiêu Trần mừng rỡ, nhảy lên tránh phát chưởng của ông rồi hỏi :

- Sao sư phụ lại phải thần phục Thần Kiếm bang?

Chân nhân mỉm cười :

- Ta đã sao được hai phần tàng bảo đồ của Khổng Tước bang chủ, nên ta phải lấy cho được phần của họ Bàng. Năm nay, Thiểm Tây và vùng Tây bắc sẽ gặp hạn hán nặng nề. Bần đạo sẽ dùng số của cải ăn cướp ấy mà cứu tế tai dân!

Lão nói đến đây thì con tuấn mã ngã lăn ra chết, và hai người cũng đã đến bìa rừng. Phiêu Trần chạy vào, Thiên Xảo chân nhân đuổi theo.

Quả nhiên cuối cánh rừng là một khe sâu thăm thẳm, chướng khí mịt mờ, rộng đến năm trượng, ngăn cánh rừng Tây với vách núi Xà Sơn. Đây là một khe nứt thường có của sự vận động tạo sơn.

Chân nhân đưa cho Phiêu Trần một xấp giấy mỏng và nói :

- Đây là khẩu quyết võ công và bản sao hai mảnh tàng bảo đồ. Đã có ba phần, Trần nhi hãy cố tìm cho ra kho báu, đưa hết về Trường Sa. Nếu không được, rằm tháng tư này, bần đạo sẽ đến Sở gia trang!

Phiêu Trần cất vào lưng rồi cười hỏi :

- Nhưng đồ nhi làm sao để thoát khỏi nơi này?

Chân nhân tư lự đáp :

- Trần nhi hãy thủ sẵn roi da, ta sẽ giúp ngươi vượt độ xa bốn trượng. Sau đó ngươi dùng roi quấn vào gốc cây trên bờ vực mà vượt đoạn còn lại.

Ông đặt tay hữu vào lưng Phiêu Trần rồi đếm một, hai, ba. Chàng phối hợp sức với ông với lực đạo của hai chân mình, lao vút đi. Hết đà bay, Phiêu Trần chỉ còn cách mép vực bên kia nửa trượng. Chàng vung roi da, quấn lấy thân cây, giật mạnh và đáp xuống an toàn.

Chân nhân giả vờ la hét :

- Tiểu tử kia, có giỏi thì quay lại đây!

Vừa lúc Bàng Tinh Hải và thủ hạ vào đến. Họ ngơ ngác nhìn bóng Phiêu Trần ẩn hiện và mất dạng sau những tảng đá khổng lồ.

Mỹ Nhiêm Tú Sĩ, tức Thiên Xảo chân nhân, thở dài chua xót :

- Sở tiểu tử quả là lợi hại phi thường. Y phóng xa đến hơn ba trượng rồi dùng roi quấn vào gốc cây kia mà sang bờ. Khinh công và đởm lược ấy thật hiếm có.

Tô Bằng Hải không biết rõ chiều dài thực sự của cây nhuyễn tiên nên tin lời Uất Trì Thư. Lão hậm hực chửi vang rồi ra lệnh rút quân.

Nhưng Thiên Xảo chân nhân không ngờ rằng mình đã đưa đồ đệ thân yêu vào tử địa. Chỗ chàng nhảy sang không dính liền với Xà Sơn mà chỉ là một mõm đá rộng lớn bị tách rời khỏi Xà Sơn, bị khe núi vây quanh. Nghĩa là giờ đây chàng những người lạc vào một hòn đảo chơ vơ giữa biển. Không có ai giúp đỡ thì Phiêu Trần sẽ chết vì đói khát mà thôi.

Chàng đi quanh một vòng, mỉm cười chế diễu số phận hẫm hiu của mình! Chàng chỉ còn cách hy vọng rằng có gã tiều phu nào đấy sẽ mò đến đây!

Phiêu Trần nghe khát khô cổ họng, liền đi tìm nước uống. Chàng mừng rỡ nhận ra có một hốc đá lớn chứa đầy nước mưa trong trẻo. Nhưng khổ thay trong phạm vi hai chục trượng vuông này chẳng có con thú nào cả. Chàng ngao ngán nghĩ đến việc mình phải ăn đám thằn lằn, sâu bọ để được sống còn.

Phía Tây của hòn đảo cô độc này có vách cao nên người bên ngoài nhìn vào sẽ tưởng nơi đây dính liền với núi mẹ. Nhưng sau bức vách ấy lại khá bằng phẳng, lác đác những tảng đá hình thù kỳ quái trên thảm cỏ xanh rờn. Lại có những cây cổ thụ già nua, che mát cho chàng trai bất hạnh.

Phiêu Trần nằm dưới bóng râm, thiếp đi vì mệt mỏi. Lúc chàng tỉnh giấc thì ráng chiều đã đỏ rực không gian.

Vách đá phía Tây ngăn không cho chàng thấy bóng kim ô, nhưng rìa vách rực rỡ ánh hồng trông rất đẹp.

Hốc nước nằm dưới chân vách ấy, và nước rỉ rả chảy xuống là do cây cỏ, rong rêu tích tụ sương đêm mà thành vì đã hết mưa mùa Hạ lẫn tuyết mùa Đông!

Gần đấy có một hốc đá nhỏ và không thông với hốc lớn. Vì vậy Phiêu Trần yên tâm nhảy xuống mà tắm gội. Chàng mang theo tay nải nên có y phục sạch mà thay đổi.

Nghe đói bụng, Phiêu Trần dùng đá nhỏ bắn vài con thằn lằn núi da dẻ xù xì, lớn bằng cổ tay, gom củi khô nướng lên ăn đỡ dạ.

Canh hai đêm ấy, Phiêu Trần đang ngơ ngẩn ngắm vầng trăng mười chín, tưởng nhớ đến người thân, thì nghe văng vẳng có tiếng khóc nỉ non, từ sau vách đá vọng lại. Nếu không phải là người có công lực thâm hậu và thính giác tinh tường thì khó mà phân biệt tiếng khóc thê thiết kia với tiếng côn trùng ảo não!

Phiêu Trần vui mừng khôn xiết, lần về phía mép vực phía Tây.

Bên kia bờ vực, một bóng trắng đang đứng khóc ròng :

- Sở đại ca! Nếu tiểu muội không bảo chàng đi Bặc Sơn thì đâu đến nỗi bỏ mạng dưới vực sâu lạnh giá này! Đại ca yên tâm, tiểu muội chờ trời sáng sẽ xuống khe núi thu nhặt thi hài, đưa về Trường Sa rồi sẽ xuống tóc qui y, sớm tối kệ kinh để đại ca sớm được siêu sinh.

Phiêu Trần đã nhận ra giọng nói của Diệp Tú Châu. Chàng không ngờ người con gái bạc mệnh này lại yêu thương mình tha thiết đến như vậy! Mối tình sâu tựa biển Đông kia đã làm trái tim chàng rung động mãnh liệt, quyết lấy Tú Châu làm vợ.

Phiêu Trần khẽ gọi :

- Châu muội!

Tú Châu thét lên như mê sảng :

- Đại ca!

Nàng căng mắt dáo dác nhìn quanh nhưng chẳng thấy ai. Phiêu Trần đứng cạnh một tảng đá khuất ánh trăng chênh chếch, lại bị sương mờ từ dưới khe bốc lên che mờ, nên rất khó nhận ra.

Phiêu Trần hỏi tiếp!

- Châu muội có yêu ta không?

Tiếng chàng được vực sâu cộng hưởng nên phiêu phưởng như từ dưới đáy vọng lên. Tú Châu tưởng vong linh chàng hiện về, liền bật khóc :

- Nay đại ca đã thác, tiểu muội còn giấu diếm lòng mình làm gì nữa. Tiểu muội đã thầm yêu từ lâu rồi.

Phiêu Trần hài lòng bảo :

- Vậy thì nàng hạy đi tìm một sợi dây chão bền chắc, dài độ sáu, bảy trượng, ném một đầu dây cho ta!

Chàng bước ra mép vực phơi mình dưới ánh trăng. Tú Châu nhìn thấy rú lên :

- Tạ ơn hoàng thiên! Đại ca vẫn còn sống! Tiểu muội sẽ đi lấy dây ngay!

Dứt lời, nàng lướt trở ra với thân pháp kỳ tuyệt, khiến Phiêu Trần phải ngỡ ngàng.

Hai khắc sau, Tú Châu trở lại với vòng chão lớn và một ôm những cây đuốc nhựa thông. Tú Châu cắm đuốc dọc bờ vực, đốt lên để có thể hành động chính xác hơn.

Nhờ ánh đuốc xua bớt sương mù, Phiêu Trần dễ dàng chụp trúng đầu dây cột đá nặng mà Tú Châu ném sang. Chàng buộc chặt vào gốc cây, bảo Tú Châu cố định bên này rồi bám lấy, chuyển đi nhanh như loài vượn trong rừng.

Sang đến bờ, Phiêu Trần ôm lấy Tú Châu, hôn lên những giọt nước mắt đang lăn dài trên gò má nám đen. Phiêu Trần thì thầm :

- Châu muội hãy hứa đừng bao giờ rời xa ta nữa!

Tú Châu gật đầu, gỡ vòng tay Phiêu Trần ra thẹn thùng nói :

- Tiểu muội chạy khắp nơi tìm đại ca từ trưa đến giờ, thân thể rất hôi hám. Trong rừng có ao nước nhỏ, chúng ta hãy đến đó mà qua đêm.

Nói xong nàng cầm đuốc dẫn chàng đi về mé tả, đến một hồ nước đường kính chỉ độ hai trượng. Quanh hồ cây cối thưa thớt nên ánh trăng vàng lấp loáng trên mặt nước đang lao xo bởi ngọn gió xuân.

Tú Châu cười bảo :

- Trong tay nải có con gà luộc, đại ca ăn đi!

Phiêu Trần gật đầu, soi đuốc nhặt chành khô, chất thành đống rồi đút cả cây đuốc vào để nhóm lửa.

Trong lúc Tú Châu tắm gội, Phiêu Trần mở tay nải của hai người, lấy áo choàng trải lên bãi cỏ cạnh đống lửa. Tất nhiên chàng không quên con gà luộc được gói kỹ trong giấy bản.

Áo choàng là vật thiết thân của khách võ lâm, chứ không đơn thuần là đồ trang sức. Áo choàng thường may bằng lụa dầy để có thể thay thế cho chăn, chiếu những lúc lở độ đường, phải ngủ nơi thiếu tiện nghi.

Tú Châu đã tắm xong, đến ngồi bên ngọn lửa hong khô mái tóc dài óng ả. Phiêu Trần ngắm gương mặt nhìn nghiêng, nhận ra nét thanh tú của sống mũi và đôi môi gợi cảm. Chàng tự nhủ rằng nếu không có làn da sần sùi, đen nhám, Tú Châu sẽ kiều diễm chẳng kém Tư Đồ Lan.

Ánh mắt chàng đọng lại trên những đường cong vẽ nên bởi màn đêm và ánh lửa, chợt nghe xao xuyến trước thân hình thiếu phụ của người con gái mười chín tuổi này.

Tú Châu phát hiện Phiêu Trần đang ngắm mình say đắm, thẹn thùng đứng lên để giấu ánh mắt hân hoan đến ngồi bên chàng, xé thịt gà và cười hỏi :

- Chắc đại ca đói lắm rồi phải không?

Phiêu Trần lắc đầu :

- Không! Lúc chiều, ta đã bắt được năm con thằn lằn núi. Khi đói ăn gì cũng thấy ngon nên đã chén sạch cả xương, Châu muội mới là người cần ăn đấy.

Đúng là Tú Châu rất đói bụng, vì đã bôn ba từ trưa đến giờ. Nàng bẻ cho Phiêu Trần hai chiếc đùi, còn mình thanh toán phần còn lại.

Ăn xong, hai người ra hồ nước rửa tay, trăng đã lên cao tít, sương đêm dầy đặc và lạnh lẽo khiến Tú Châu bất giác rùng mình.

Phiêu Trần nghiêng người, bế xốc Tú Châu lên tay, đưa trở về bên đống lửa đã sắp tàn, chàng ngồi xuống tấm áo choàng nhưng vẫn không buông Tú Châu.

Phiêu Trần âu yếm hỏi :

- Châu muội có bằng lòng làm vợ ta không?

Tú Châu cười khúc khích :

- Đại ca đã có hai người vợ đẹp như tiên, sao lại còn tham cả đến một con bé xấu xí như tiểu muội?

Phiêu Trần cười mát :

- Ta nhìn nàng đã quen nên chẳng hề thấy xấu.

Tú Châu lắc đầu :

- Tiểu muội rất yêu đại ca nhưng không nhất thiết phải trở thành vợ chồng. Hai vị thiếu phu nhân sẽ không vui.

Phiêu Trần không ngờ Tú Châu từ chối thẳng thắn như vậy, cay đắng bảo :

- Nàng đã quyết như vậy thì cũng chẳng dám nói thêm.

Tú Châu bật cười :

- Đại ca giận tiểu muội rồi sao?

Nàng rướn người lên hôn Phiêu Trần. Chàng nghe lòng rộn ràng, tưởng Tú Châu đã thuận tình làm vợ mình.

Phiêu Trần háo hức gầy cuộc truy hoan và hài lòng khi thấy Tú Châu nồng nàn dâng hiến. Nàng cứ xiết chặt mãi người chàng như vì quá xấu hổ với ánh trăng xuân đang rọi qua khe lá. Phiêu Trần đã nhóm lửa dưới một tàn cây để tránh sương đêm.

Bỗng Tú Châu hỏi một câu chẳng liên quan gì đến ái tình :

- Đại ca! Những con thằn lằn núi mà chàng ăn có màu sắc thế nào?

Phiêu Trần ngơ ngác đáp :

- Da chúng màu vàng tươi, có những chấm đen, đỏ rất đẹp. Nhưng sao Châu muội lại hỏi việc ấy vào lúc này?

Tú Châu không đáp, chỉ mỉm cười và tiếp tục chìm vào hoan lạc.

Sáng ra, ánh ban mai và tiếng chim rừng đã đánh thức Phiêu Trần, Tú Châu đã biến mất, chỉ còn lại những dòng chữ trên tấm áo choàng nhàu nát :

“Đại ca đã vô tình ăn nhằm loại độc vật hãn thế có tên là Tam Sắc Bích Hổ. Từ nay hơi thở và chưởng kình của chàng có thể giết người. Tiểu muội phải đi tìm thuốc giải cho chàng, hẹn gặp nhau ở Sở gia trang. Trong lúc này, đại ca không nên gần gũi thê thiếp.

Tú Châu bái bút!”

Phiêu Trần kinh hãi, vận công kiểm tra kinh mạch, thấy chân khí dường như dồi dào hơn trước, nhưng da thịt chàng tỏa ra một mùi hăng hắc, khó chịu.

Chàng thở dài tự hỏi Tú Châu có bị mình làm hại hay không? Nếu không thì nàng là ai mà lại có khả năng kháng độc mãnh liệt như vậy? Dù biết chàng đã trở thành độc nhân mà vẫn tiếp tục cuộc mây mưa, chẳng hề sợ hãi?

Bốn ngày sau, Phiêu Trần có mặt ở thành Hán Dương. Tìm đến căn cứ mật của Ma giáo, trên núi Quy Sơn.

Quy Sơn và Hạc Sơn là hai ngọn núi nằm đối diện nhau ở hai bờ sông Hán Thủy. Nghe tên cũng biết núi Quy không cao và đỉnh bằng phẳng, cong xuống như mai rùa.

Tú Châu có để lại cho Phiêu Trần hai chiếc mặt nạ nên giờ đây chàng mang dung mạo của một người tuổi độ năm mươi, khá là đẹp lão!

Chàng lững thững thúc ngựa đi về hướng chân núi, lòng miên man suy nghĩ về hoàn cảnh hiện tại. Chàng bỗng thức ngộ ràng việc Hồ Ly Tinh Du Huệ cho chàng uống Linh đan là hoàn toàn xác thực. Nếu không, chàng đã bỏ mạng khi ăn xong năm con Tam Sắc Bích Hổ kia. Hình bóng yêu kiều lại hiện về khiến Phiêu Trần càng thêm hoang mang!

Cả Phật giáo lãn Lão giáo đều có nói về ma quỷ, và phần đông dân Trung Hoa đều tin điều ấy. Phiêu Trần cũng không phải là ngoại lệ!

Chàng biết mình chẳng thể chết vì độc vật nhưng nếu sống mà không dám gần gũi người thân thì chẳng đau lòng lắm sao?

Bỗng Phiêu Trần giật mình vì nghe tiếng gầm gư giận dữ từ sau đám rừng liễu trên sườn núi. Như vậy là căn cứ của Ma giáo có chuyện bất ngờ.

Chàng tức tốc xuống ngựa, lướt nhanh lên núi, không phải bằng bậc thang của sơn đạo mà là lẫn vào đám liễu non cạnh đường.

Lên đến mép bình đài, Phiêu Trần nhận ra sân trước của tòa sơn trang đã bị vây kín bởi một lực lượng kiếm thủ đông đến hai trăm người. Họ đều mặc áo đen, đầu chít khăn vàng, mang theo một lá đại kỳ thêu ba chữ Quang Minh giáo!

Phiêu Trần cau mày, tự hỏi vì sao họ lại dùng tên cũ của Ma giáo? Trước đây, Tổng đàn Ma giáo đặt trên núi Quang Minh Đỉnh thuộc rặng Hoàng Sơn và tự ưng là Quang Minh giáo!

Nhưng từ lúc bị võ lâm liên thủ tiêu diệt, cái tên ấy không còn nữa. Thiên hạ lại gọi họ là Ma giáo và Giáo chủ Vương Nam Điền cũng chẳng thèm cải chính, vì giáo phái của ông thờ “Lửa” và “Thiên Ma”.

Giọng nói quen thuộc của Mục Phi Long cất lên, xua tan nỗi nghi hoặc của Phiêu Trần.

- Vương Nam Điền, hai chục năm nay, lão chấp chưởng quyền Giáo chủ mà không chấn hưng được uy danh của bổn giáo khiến mấy chục vạn giáo chúng phải giấu mặt, tủi nhục vô cùng. Nay ta là người thừa kế những tuyệt học bí truyển của Tổ sư, thể theo nguyện vọng của đa số giáo chúng mà dương cờ Quang Minh giáo, sánh vai cùng các võ phái Trung Nguyên! Nếu lão thức thời thì mau trao Thánh Hỏa lệnh bài, và từ chức Giáo chủ!

Đám hắc y đồng thanh hô vang :

- Quang Minh giáo vạn tuế! Mục giáo chủ vạn tuế!

Tứ hộ pháp Ma giáo là Lôi Phủ Thiên Vương Lôi Quì trợn mắt quát :

- Câm ngay! Bọn ngươi là quỷ quái phương nào, sao dám giả làm người của Ma giáo?

Ngũ hộ pháp Ma Kiếm Thiên Vương Thạch Hải Ba cười gian hoạt :

- Đệ tử đông hàng vạn, làm sao tứ ca biết hết được? Họ là người của Phân đà Hà Nam đấy!

Phiêu Trần không thấy Tư Đồ Lan, Phỉ nhi và Khúc Mạc Sầu, đoán rằng họ đang ở trong hậu viện, chàng bí mật đi vòng ra phía sau. Đến vườn hoa ngăn cách đại sảnh và những kiến trúc hậu viện, Phiêu Trần nhận ra nơi này được bảo vệ bởi mấy chục đệ tử Ma giáo. Như vậy là mọi người đã tập trung cả vào đại sảnh. Vì ít nhân thủ nên không thể dàn mỏng phòng tuyến được.

Chàng nhìn thấy gã đệ tử Thiên Khu đường, bộ phận phụ trách phòng thủ Tổng đàn. Năm ngoái, khi đưa Giáo chủ, chàng đã từng gặp Vệ đội trưởng. Gã tên Vệ Dương, biểu ca của Yên Hà.

Phiêu Trần mừng rỡ, lột mạt nạ ra gọi :

- Vệ biểu huynh!

Họ Vệ hân hoan rời vị trí :

- Biểu muội phu! Ngươi đến đây quả là đúng lúc!

Chàng nghe gã xưng hô như vậy, biết rằng Tư Đồ Lan đã đến đây và tiết lộ việc hôn nhân của Yên Hà. Trước đây, gã vẫn gọi chàng bằng Sở công tử!

Phiêu Trần cười đáp :

- Tiểu đệ vào thăm mọi người rồi sẽ ra trước hỗ trợ Giáo chủ!

Vệ Dương mau mắn dẫn đường. Đám nữ nhân, con trẻ đều tập trung cả ở khách sảnh.

Phỉ nhi hoan hỉ gọi :

- Phụ thân!

Phiêu Trần mỉm cười với cậu bé và Tư Đồ Lan rồi bảo :

- Tình trạng Khúc đại ca thế nào rồi?

Tiêu Tương Thần Nữ vội đáp :

- Thương thế ở da thịt đã lành cả. Khúc đại ca đã đi Hứa Xương triệu tập thủ hạ.

Chàng đã mang lại mặt nạ, cùng Vệ Dương đi ra cửa sảnh. Lúc này Mục Phi Long đang nói :

- Vương Nam Điền, nếu lão đánh thắng tại hạ thì có thể giữ được ngôi Giáo chủ!

Phiêu Trần nhận ra ánh mắt họ Mục sáng quắc ánh xanh ma quái, khác hẳn lúc chàng gặp gã ở Cửu Châu đại tửu lâu, lòng rất hoài nghi. Chàng vận công truyền âm, nói với Vương giáo chủ :

- Nhạc phụ! Tiểu tế là Sở Phiêu Trần đã có mặt. Xin người để tiểu tế thử với gã Mục Phi Long vài chiêu.

Vương Nam Điền vui mừng khôn xiết, quay lại nhìn lão già lạ mặt, không râu đang nháy mắt với mình. Ông gật đầu tỏ vẻ đồng ý.

Phiêu Trần bước ra phía trước chỉ mặt Mục Phi Long và mắng :

- Mục tiểu tử kia! Võ công của ngươi được bao nhiêu mà dám khiêu chiến với Giáo chủ? Lão phu chỉ cần hai bàn tay không cũng đủ lấy mạng người.

Lục hộ pháp Quỷ Đao Thiên Vương Thạch Nghệ Mưu cau mày hỏi :

- Ngươi là người của đường nào, sao lão phu không biết?

Tứ hộ pháp Thôi Quì đã được Giáo chủ cho biết lai lịch người lạ mặt, nên cười ha hả trả đũa :

- Người này là cao thủ ở Dao Quang đường, thuộc địa phận Quảng Đông, làm sao ngươi biết được?

Vương giáo chủ đã dùng tên bảy vì sao trong chòm Thất Tinh Bắc Đẩu để đặt tên các Đường trong Ma giáo. Mỗi Đường sẽ phụ trách việc quản lý đệ tử của một hay ba phủ, tùy theo số lượng giáo chúng ở vùng ấy.

Bảy Đường ấy có tên như sau :

- Thiên Khu, Thiên Toàn, Thiên Cơ, Thiên Quyền, Ngọc Hành, Khai Dương, Dao Quang. Quảng Đông và Quảng Tây là địa hạt của Dao Quang đường.

Mục Phi Long cao ngạo nói :

- Ngươi không xứng để bổn tọa ra tay!

Phiêu Trần lạnh lùng bảo :

- Ngươi không muốn cũng được!

Dứt lời, chàng lướt đến như ánh chớp, xuất chiêu “Như Thủy Đồi Sơn” (nước mềm lở núi), chưởng kình âm nhu cuồn cuộn như sóng nước, nối nhau vỗ vào cơ thể đối phương.

Mục Phi Long cười nhạt, vung song thủ giở một chiêu trong pho Thiên Tân chưởng pháp ra chống đỡ. Kình phong của hai người chạm nhau vang rền và họ cùng lùi hai bước, chứng tỏ công lực tương đương.

Phiêu Trần ngấm ngầm kinh ngạc không hiểu bằng cách nào mà chỉ sau vài tháng, chân nguyên Mục Phi Long lại thâm hậu gấp rưỡi trước đây như vậy?

Chàng động sát cơ, ập đến xuất chiêu thứ hai. Không ngờ thân hình họ Mục lảo đảo, chống cự rất yếu ớt, trúng đòn văng ngược gần trượng, máu miệng trào ra như suối. Gã trợn mắt thều thào :

- Độc... chưởng!

Toàn trường rúng động, không ngờ Mục Phi Long lại thảm bại chỉ sau hai chiêu chưởng.

Phiêu Trần cũng sững sờ trước tác dụng của chất độc trong người mình. Cảm giác cay đắng của một kẻ biến thành Độc Nhân hóa thành cơn phẫn nộ ngút trời. Chàng điên cuồng xông đến công Ngũ hộ pháp Ma Kiếm Thiên Vương.

Cùng lúc ấy, Lôi Phủ Thiên Vương Thôi Quì mừng rỡ quát vang :

- Sát!

Thế là đệ tử Ma giáo ùa ra thanh toán bọn hắc y, mở đầu cuộc hỗn chiến đẫm máu.

Nhưng có một gã áo đen không tham gia trận đánh mà lại chụp lấy Mục Phi Long, lao xuống núi.

Tiếng gào thảm khốc của Ma Kiếm đã cổ vũ tinh thần lực lượng ít ỏi của Ma giáo. Thạch Hải Ba đã thảm tử dước độc chưởng của Phiêu Trần.

Quỷ Đao Thạch Nghệ Mưu đau lòng trước cái chết của bào huynh, nghiến răng nương theo đao quang xanh biếc, lao vào kẻ thù.

Phiêu Trần nhẹ nhàng bốc thẳng lên cao tránh đòn và bủa lưới chưởng xuống. Chiêu “Vân Hải Hữu Lôi” (biển mây có sấm) gần mười tám thức chưởng nặng nhẹ không đèu, nối nhau theo nhịp liên ba giáng thẳng vào đao ảnh.

Thạch Nghệ Mưu công lực thâm hậu nên đao kình mạnh mẽ, đánh bạt gần hết các đạo chưởng phong. Nhưng độc khí đã thấm qua lỗ chân lông, làm tê dại da mặt và đáng sợ hơn cả là hai mắt lão cũng mờ đi.

Họ Thạch nghe lạnh người, nghe cái chết lởn vởn đâu đây. Trong lịch sử võ lâm, chưa hề có loại độc chưởng khủng khiếp như thế này! Lão ta định đào vong nhưng không còn kịp nữa, Phiêu Trần đã lạnh kỳ xuất thủ, vỗ liền bốn đạo chưởng kình vào thân đối phương. Nghệ Mưu ngã xuống, lát sau mặt tím đen, thất khiếu rỉ máu.

Phiêu Trần như người say máu, tận dụng “Huyền Huyền Ảo Bộ”, lướt khắp đấu trường, liên tiếp tung ra những chiêu trong pho Nga Mi Vân Thủ.

Đám kiếm sĩ hắc y này đều là dũng sĩ của Khổng Tước môn, ngực đeo Hộ Tâm Giáp phủ cả bụng nên rất lợi hại. Chỉ có lưỡi búa sấm sét của Lôi Phủ Thiên Vương Lôi Quì mới làm chúng sợ hãi.

Nhưng đối với chưởng phong hùng hậu và tỏa mùi hăng hắc chết người của Phiêu Trần thì giáp sắt hoàn toàn vô dụng. Độc khí chui vào phổi, thấm vào da và công phá rất nhanh, trong khoảnh khắc có mấy chục tên chết thảm bởi tay Phiêu Trần.

Ngay cả bọn đệ tử Ma giáo cũng sợ hãi bỏ chạy khi Phiêu Trần đến gần, vì sợ vạ lây. Họ nhường trận địa cho chàng tung hoành như mãnh hổ quần dương.

Dù kiên dũng đến đâu, bọn thủ hạ Khổng Tước bang cũng phải sờn lòng trước cái chét hiển nhiên mà lão già không râu kia đang ban phát. Đám hắc y khiếp sợ, kéo nhau đào tẩu cả.

Phiêu Trần như con thú say mồi định đuổi theo. Vương giáo chủ vội vận công quát như sấm :

- Đứng lại!

Chàng giật mình bừng tỉnh, ngơ ngác nhìn gần trăm xác người trên sân gạch. Phần lớn trong số ấy có tử trạng giống nhau: da tím ngắt, thất khiếu rỉ máu đen!

Phiêu Trần đau đớn tự hỏi :

- Phải chăng mình đã trở thành một ma vương hiếu sát?

* * * * *

Đầu tháng ba, bọn Phiêu Trần về đến Sở gia trang. Mọi người mừng rỡ đón chào. Kim Nhãn Điêu hân hoan, định bước đến ôm đứa con yêu thì Phiêu Trần lộ vẻ hoảng hốt, xua tay :

- Phụ thân đừng chạm vào người hài nhi!

Sở Quyền ngơ ngác nhìn chàng. Tiêu Tương Thần Nữ thở dài giải thích :

- Lão gia! Tướng công đã ăn nhằm độc vật, ngay hơi thở và mồ hôi cũng có thể giết người.

Dạ Tri Thù Sách Siêu giật mình :

- Loại độc gì mà khủng khiếp như vậy? Trần nhi hãy vào dược thất để lão phu xem thử.

Tri Thù môn cũng thiện nghề độc dược nên Sách Siêu muốn tìm hiểu để chữa trị cho Phiêu Trần. Nhưng khi nghe chàng nói :

- Hài nhi ăn một lúc năm con Tam Sắc Bích Hổ mới trở thành Độc Nhân thế này đây!

Sách Siêu kinh hãi bảo :

- Tam Sắc Bích Hổ là loại độc vật số một thiên hạ, chỉ cần chạm vào cũng đủ chết, sao ngươi lại còn sống?

Phiêu Trần không thể khai ra việc mình ân ái với Hồ Ly Tinh Du Huệ trong mơ, được nàng tặng cho chín viên Linh đan, nên đành gượng cười :

- Có lẽ hài nhi đã hai lần trúng Khổng Tước Mao, uống quá nhiều thuốc giải nên cơ thể chống lại được Tam Sắc Bích Hổ.

Sách Siêu gật đầu :

- Có lẽ vậy! Nhưng để xem lão phu có giúp được chút gì cho ngươi không?

Sau ba ngày, Dạ Tri Thù đã điều chế được một loại bột có tác dụng tẩy được mùi hôi trên cơ thể Phiêu Trần. Mỗi tối, chàng tắm bằng nước có pha bột khử xú tán ấy và mùi hăng hắc bị tan đi trong khoảng một ngày đêm.

Ít nhất việc này cũng khiến tâm lý Phiêu Trần được an ủi đôi chút. Chàng bắt tay vào việc rèn luyện hai chiêu kiếm và ba chiêu chưởng pháp mà Thiên Xảo chân nhân đã đưa cho.

Không được gần gũi, thân mật với Tư Đồ Lan và Yên Hà, lòng chàng càng nhớ Diệp Tú Châu da diết, thỉnh thoảng, hình bóng Du Huệ thoáng qua, và Phiêu Trần tự hỏi vì sao đã lâu mình không còn nằm mơ thấy con chồn tinh đáng yêu ấy nữa?

Nhớ tới lời căn dặn của sư phụ, Phiêu Trần đem ba phần họa đồ ra tham khảo ý kiến của Sở Quyền và Sách Siêu.

Khi ghép lại, họ biết ngay phần Bàng Tinh Hải đang giữ, là góc trái bên dưới của tấm tàng bảo đồ. Và chính phần ấy mới đánh dấu vị trí kho tàng, vì ba mảnh nầy chỉ có những nét gẫy khúc tượng trưng cho núi non, cùng ba con số bí ẩn: sáu, hai, tám.

Mảnh thứ nhất là góc bên phải, có hai ngọn núi. Và cạnh con số sáu là hai chữ Tín Lăng.

Mảnh dưới đó cũng có hai ngọn núi nhưng nằm sát mép họa đồ. Trên đỉnh ngọn ngoài cũng có một vòng tròn có lẽ tượng trưng cho mặt trời. Số còn lại là số hai.

Phần thứ ba gồm hai ngọn núi và số tám. Xét khoảng cách thì mảnh thứ tư sẽ có từ một đến ba ngọn núi nữa. Còn số thì không rõ.

Kim Nhãn Điêu cau mày :

- Lạ thực! Sao lão phu có cảm giác đây chính là dãy núi Thất Tinh ở Triệu Khách Quảng Đông? Nếu đúng vậy thì còn thiếu ngọn núi Thiên Trụ và kho tàng sẽ nằm ở đấy!

Sách Siêu đỡ lời :

- Nhưng nếu mảnh kia có đến ba dấu hiệu hình núi thì sẽ là Cửu Hoa sơn đất Hung Châu! Nhưng hai chữ Tín Lăng này có nghĩa là gì nhỉ?

Phiêu Trần vỗ đùi reo :

- Hai nhi cam đoan đây là rặng Thất Tinh vì trong bài thơ Hiệp Khách Hành có hai câu thơ tương hợp:

Triệu khách Nam Hồ Anh

Ngô câu sương Tuyết Minh

Ngân yêu chiếu Bạch Mã

Tang đạp như Lưu Tinh

Thập bộ sát nhất nhân

Thiên lý bất lưu hành

Sợ liễu Phất Y khứ

Thâm tàng thân dữ danh

Nhàn quá Tín Lăng ẩn...

Như vậy, từ Tín Lăng gợi đến bài thơ và từ Triệu Khách ở đầu chính là xác định rặng núi!

Sở Quyền hào hứng khen :

- Đúng thế! Dãy Thất Tinh nằm theo hướng Đông Tây. Vần dương ở vị trí này biểu hiện cho hướng núi.

Sách Siêu cười bảo :

- Trần nhi thuộc lòng mấy ngàn bài thơ cổ, xem ra cũng có ích không nhỏ.

Phiêu Trần nghiêm giọng :

- Hài nhi sợ rằng Bàng Tinh Hải và Trương Tự Thanh có ba phần tư họa đồ, không chừng cũng có thể đoán ra núi Thất Tinh. Chúng ta phải sớm ra tay mới được.

Sở Quyền băn khoăn :

- Nhưng còn con số trong phần tư thiếu thì sao?

Phiêu Trần trầm ngâm đáp :

- Theo thiển ý của hài nhi thì phải đến tận nơi mới phán đoán ra được. Nếu đường vào Kỳ Môn trận pháp thì tùy theo tính chất của trận mà tìm ra cách phá trận bằng những con số này! Ba số đã có đều chẵn, thuộc tính âm, thì số thí tư sẽ phải là số bốn. Nhưng Tứ ác ma có ba nam một nữ, theo phép Điên Đảo Âm Dương sẽ thành ba âm một dương. Lúc ấy, ta phải tìm một trong năm số lẻ là: một, ba, năm, bảy, chín!

Sách Siêu càu nhàu :

- Rắc rối quá! Cứ đến chân núi Thiên Trụ rồi sẽ liệu.

Tối hôm ấy, ba người sang Vương phủ bàn bạc với Bình Nam Vương. Trước là để mượn thêm nhân thủ, sau là nhờ Hà vương gia cất giữ giùm số vàng khổng lồ kia, trong lúc chờ đợi Thiên Xảo chân nhân.

Hà Hiển Trung và Tiểu quận chúa mừng rỡ đón Phiêu Trần. Vương gia khẽ trách :

- Hài nhi về đến khi nào mà không sang Vương phủ thăm chúng ta?

Phiêu Trần bối rối đáp :

- Bẩm ngoại tổ. Tiểu tôn về hôm đầu tháng, nhưng do trúng kỳ độc phải chạy chữa nên chưa kịp sang Vương phủ bái kiến.

Tiểu quận chúa Hà Vân Bích lặng lẽ nhìn Phiêu Trần bằng cặp mắt ai oán. Chàng vẫn chưa quên mối tình đầu trái khoáy của mình. Nhưng cuộc hôn nhân với Tư Đồ Lan và Vệ Yên Hà đã làm phôi pha phần nào. Phiêu Trần cố tránh không nhìn Tiểu quận chúa.

Khi nghe Kim Nhãn Điêu trình bày kế hoạch tìm kho báu ở Thất Tinh Sơn để cứu tế tai dân ở vùng Tây bắc, Hà vương gia hoan hỉ nói :

- Bổn Vương rất hân hạnh nếu được Sở trang chủ cho phép đuợc tham gia chuyến tầm bảo nầy. Nếu quả thực chúng ta tìm được kho báu, kịp thời chẩn tế bách tính Tây bắc thì công đức sánh bằng núi Thái. Bổn Vương sẽ đem trăm thủ hạ cùng chư vị đi Quảng Dông.

Tiểu quận chúa cũng ứng tiếng :

- Hài nhi cũng muốn đi!

Kim Nhãn Điêu cười ha hả :

- Kho báu kia trị giá hàng ngàn vạn lượng, rất cần nhân thủ. Nay Vương gia đã có hảo ý, lão phu rất vui mừng.

Chín ngày sau, đoàn người vượt đoạn Tần Lĩnh đi vào dất Quảng Đông. Họ đến huyện thành Triệu Khách vào chiều ngày mười sáu tháng ba.

Sáng hôm sau, bọn Phiêu Trần tiến vào chân núi Thiên Trụ Phong. Tổng số nhân thủ của đoàn người chỉ độ hơn ba chục người vì nếu đi quá đông thì dễ gây sự chú ý.

Núi đá Thất Tinh ở Triệu Khách là khu phong cảnh nổi tiếng của Quảng Đông, từ Tây sang Đông, gồm bảy ngọn Thạch Sơn là: Thạch Chưởng, Thiềm Thừ, Thiên Trụ, Thạch Thất, Ngọc Bình và Lãng Phong.

Ngoài sơn hình kỳ vĩ, hiểm tuấn, núi Thất Tinh còn lừng danh vì những hang động như: hang Nước, hang Phòng Đá, hang Đá Đen, hang Ấm, hang Sương Mai, hang Trúc Tím...

Mỗi năm, có hàng vạn du khách đến tham quan thắng cảnh, nhưng trong bảy ngọn núi thì ngọn Thiên Trụ Phong được ít người lui tới nhất. Lý do là nơi đây ít hang và nếu có thì cũng chẳng hấp dẫn, kỳ ảo bằng sáu ngọn núi còn lại. Đó cũng là nguyên nhân để Tứ ác ma giấu tài sản ăn cướp của mình.

Do không có phần họa đồ thứ tư nên bọn Phiêu Trần phải chia nhau lục soát ngọn núi cao vút như cột chống trời này. Mãi tám ngày sau họ mới phát hiện một địa điểm khả nghi.

Đó là một bình đài nằm trên độ cao ba chục trượng, quay mặt về hướng núi Thiềm Thừ ở phía Tây.

Người phát hiện lại chính là cậu bé Phỉ nhi. Phỉ nhi nằng nặc đòi đi theo, viện cớ mình sức khỏe hơn người và quen leo trèo sườn núi hiểm trở Kỳ Liên sơn. Phiêu Trần thấy cậu bé quá thiết tha, đành chấp thuận. Và cả Tiêu Tương Thần Nữ cũng van nài được tham gia để lo ăn uống cho mọi người.

Nàng cùng Tiểu quận chúa vất vả phục dịch các nam nhân và tự hỏi vì sao Quận di Hà Vân bích lại luôn hậm hực với mình?

Giữa giờ Thân ngày hai mươi bốn tháng ba, Phỉ nhi chạy đến nói với Phiêu Trần :

- Phụ thân! Hài nhi lên sườn núi kia tìm kiếm, bỗng thấy từ sườn núi xạ ra một luồng ánh sáng rực rỡ.

Phiêu Trần mừng rỡ, bảo cậu bé dẫn dường. Khi đến nơi, chàng còn kịp nhận ra ánh sáng kỳ lạ lấp loáng sau bãi đá ngổn ngang. Lát sau luồng ánh sáng biến mất và sương mù che kín vùng loạn thạch.

Phiêu Trần ngẩn người suy nghĩ, đoán rằng một viên bảo thạch nào đó đã rơi rớt ở đường vào và chiếu ánh dương tạo nên hiện tượng này. Chàng hú lên cao vút, gọi mọi người đến.

Dưới chân núi, Tiểu quận chúa hốt hoảng hỏi Tư Đồ Lan :

- Hình như họ đã tìm ra kho báu, chẳng lẽ chúng ta lại chịu ở dưới này?

Tiêu Tương Thần Nữ mỉm cười :

- Nếu Quận Di muốn lên xem, tiểu tức xin được cõng người.

Hà Vân Bích là gái đài trang khuê các, tay chân yếu ớt, chẳng thể trèo lên núi được. Nay nghe Tư Đồ Lan nói vậy, mừng rỡ đáp cụt ngủng :

- Hay lắm! Phiền ngươi vậy!

Thần nữ cúi xuống để Tiểu quận chúa trèo lên lưng. Đôi mông nảy nở căng tròn của nàng khiến Hà Vân Bích ghen tỵ, nhưng không nói gì.

Trong lúc Tư Đồ Lan vượt quãng đường núi, Tiểu quận chúa nằm trên tấm lưng mềm mại, vững chắc của nàng. Quận chúa nghe mùi hương thơm ngát tỏa ra từ cổ kẻ cõng mình, bỗng không dằn được lòng thò tay sờ nắn nhũ phong Tư Đồ Lan. Vân Bích ngạc nhiên khi thấy ngực Tư Đồ Lan tuy to lớn nhưng săn chắc.

Tư Đồ Lan đã quen nhẫn nhục trước bà dì chồng trái tính trái nết này nên cắn môi chịu đựng.

Hà Vân Bích thì thầm hỏi :

- Ngươi đã hai đời chồng sao thân thể không bị xấu đi?

Thần nữ thẹn thùng đáp :

- Tiểu tức thường xuyên luyện võ công nên giữ được tuổi xuân.

Tiểu quận chúa thở dài :

- Thế thì ta cũng phải học võ công mới được! Ngươi dạy ta nhé!

Tư Dồ Lan cười khúc khích :

- Điệt tức vẫn sẵn sàng, nhưng chỉ sợ Quận di không chịu cực khổ được thôi.

Hai nữ nhân lên đến nơi thì bọn Phiêu Trần vẫn còn bàn bạc.

Sở Quyền vuốt râu nói :

- Chúng ta đều dốt về trận pháp, biết đâu là chính hay phản mà đoán ra con số còn thiếu.

Phiêu Trần cả quyết :

- Hài nhi sẽ thử một phen. Với dây chão buộc lưng, chẳng lẽ lại bị lạc được?

Chàng hăm hở cột đầu dây chão vào thắt lưng rồi tiến vào trận.

Một linh cảm xấu khiến Tư Đồ Lan rùng mình. Nàng buột miệng :

- Tướng công! Nếu trong trận có gài Địch Lôi thì sao?

Quê Thần nữ ở Hành Dương, gần với mỏ đá nên cảnh dùng hỏa dược phá núi đã in đậm trong lòng.

Phiêu Trần đình bộ, cười bảo :

- Nương tử khéo lo xa.

Sách Siêu chẳng nói chẳng rằng, vác một tảng đá lớn bằng quả dưa hấu, quẳng đại vào thạch trận. Một tiếng nổ kinh hồn vang lên khiến lòng người choáng váng.

Kim Nhãn Điêu thở phào khen ngợi :

- Nếu không có lời Lan nhi nhắc nhở thì mạng của Trần nhi đã khó bảo toàn.

Hà vương gia cười khanh khách :

- Không những cứu được Trần nhi mà cháu dâu của ta đã chỉ ra cách phá trận.

Lão cúi xuống vác đá quăng vào, mọi người hiểu ý làm theo. Hàng trăm tiếng nổ nối nhau làm chấn động cả vùng núi vắng vẻ. Khói bụi bốc lên mù mịt, nhưng lát sau lắng xuống để lộ một động khẩu trên vách núi, cách đấy chỉ chừng mười lăm trượng.

Sách Siêu cười khà khà :

- Tứ ác ma chôn hỏa dược để bảo vệ trận pháp, không ngờ lại là phương tiện để chúng ta phá trận.

Dứt lời lão tung mình tiến vào bằng cách nhảy trên đầu những tảng đá. Cả đoàn theo chân lão, bình yên đến được cửa sơn động.

Sách Siêu hăng hái bước vào, chỉ hơn trượng đã tung mình trở ra, mặt tái mét :

- Trong hang có độc!

Lão ngồi ngay xuống, uống liền năm viện giải độc đan và vận công trục độc. Mọi người lo lắng chờ xem kết quả.

Hai khắc sau, Dạ Tri Thù mở mắt cười khì :

- May mà ta phát hiện sớm, nếu đi thêm vài bước, chắc đã bỏ mạng rồi.

Phiêu Trần gật gù :

- Hài nhi là Độc Nhân, lẽ nào lại sợ độc chưởng trong hang?

Chàng chậm rãi vước vào, vừa đi vừa kiểm tra cơ thể. Thấy không có gì lạ, Phiêu Trần mạnh dạn tiến lên.

Thấy chàng mất dạng, Sở Quyền nóng ruột gọi vang :

- Trần nhi! Con có sao không?

Phiêu Trần vội đáp :

- Phụ thân yên tâm! Hài nhi vẫn an toàn.

Đường vào hang chỉ sâu chừng mươi trượng, đoạn cuối là một thạch động, rộng rãi, đầy những thạch nhũ trắng muốt, đang ung dung nhỏ từng giọt nước xuống nền hang.

Trên vách động trước mặt Phiêu Trần là một vệt rêu xanh hình chữ nhật. Khe cửa không khít nên nhét đầy bụi đất, là môi trường tốt cho loài rong đá. Phiêu Trần mừng rỡ bước đến quan sát. Chàng nhận ra cạnh khe núi mé hữu có chín ô nhỏ bằng đá Đại Lý, xen kẽ hai màu đen trắng.

Phiêu Trần nhíu mày, ấn khẽ vào ô thứ sáu, thấy chỗ ấy bị lõm xuống. Chàng yen tâm ấn thêm ô thứ hai và thứ tám. Nhưng còn một ô cuối cùng chàng không biết phải chọn lựa thế nào?

Phiêu Trần trầm ngâm suy nghĩ, cố hình dung ra tính cách của Hạc lão nhân, chủ của phần họa đồ còn thiếu.

Chàng căng óc suy nghĩ đến toát mồ hôi mà vẫn không tìm ra con số thích hợp. Bỗng một ý niệm lóe lên :

- Nếu trên mảnh cuối cùng kia không có số nào thì sao?

Phiêu Trần liền xuống tấn, kê vai vào mép cửa đẩy mạnh. Kỳ diệu thay, cánh cửa đá ngàn cân kêu răn rắc và chuyển động, cuối cùng mở toang ra.

Chàng bật hỏa tập soi đường rồi bước vào thạch thất. Vật đầu tiên chàng nhìn thấy chính là những hỏa dược đặt cạnh cửa, có dây nối với một hộp đồng trên tường. Xem ra hộp đồng này nằm ngang sau chín ô gạch bên ngoài. Nếu chàng liều mình bấm thêm một ô nào đó, không chừng nơi đây đã thành tro bụi.

Phiêu Trần thở phào, bước quanh xem xét mười lăm rương gỗ lớn đang nằm ngay ngắn trên sàn phòng đá. Chàng mở ra, chói mắt vì ánh chiếu rực rỡ của hàng ngàn viên bảo thạch đủ màu, và những thỏi vàng đỏ rực. Phiêu Trần nhấc thử một rương ước luợng độ trăm cân, như vậy tổng số một ngàn năm trăm cân.

Chàng vác từng rương ra ngoài cho bọn Sở Quyền trút vào túi vải dầy. Sau đó Phiêu Trần trả những rương không về chỗ cũ và đóng cửa lại.

Chỉ vài tháng nữa cỏ sẽ mọc đầy thạch trận trước cửa hang và kẻ đến sau sẽ không nhận ra dấu vết của những vụ nổ, chỉ cho rằng đấy chỉ là một đám loạn thạch vô nghĩa.

Chiều ngày mùng năm tháng tư, đoàn người về đến Trường Sa, cất hết cả ba mươi túi châu báu, vàng ngọc vào mật thất trong Vương phủ.

Mấy ngày sau, Thiên Xảo chân nhân nhờ người mang thư đến Sở gia trang. Trong thư có vẻ phần tư họa đồ mà Bàng Tinh Hải đang giữ. Quả thực là ngoài ngọn núi Thiên Trụ và một chấm nhỏ dưới chân, không còn một con số nào nữa.

Sách Siêu bật cười :

- Làm sao mà Trần nhi lại đoán được không có số thứ tự? Nếu là lão phu thì đã chọn đại một con số nào đó rồi.

Phiêu Trần mỉm cười đáp :

- Hài nhi chỉ gặp may đấy thôi! Khi nghĩ mãi chẳng ra, hài nhi tự hỏi rằng nó có tồn tại hay không?

Chàng xem kỹ thư của sư phụ, rồi cau mày bảo :

- May mà chúng ta đã nhanh tay, Khổng Tước bang và Thần Kiếm bang đã liên kết từ trước khi Mục Phi Long tấn công Quy Sơn. Họ Mục đã được mang về Bặc Sơn và được họ Bàng dùng Tỵ Độc châu cứu mạng.
Bình Luận (0)
Comment