Nga Mi Kiếm Khách

Chương 12

Suốt tháng năm và tháng sáu, Sở gia trang và Vương phủ bận rộn với việc mua lương thực đưa đến vùng Tây bắc để chẩn tế cho tai dân hạn hán.

Hàng trăm thuyền lương thực từ Giang Nam, ngược dòng Hán Thủy đến Trường An, sau đó hàng hóa được đưa lên xe ngựa chở đến Lan Châu, Ngân sơn rồi tỏa đi khắp nơi.

Trăm vạn bách tính Thiểm Tây, Cam Châu, Túc Châu, Tây Hạ hết lòng tri ân, nhưng lại không biết ân nhân của mình là ai?

Những người tha gia việc chẩn tế đều che kín mặt và không hề xưng danh tính. Nhưng cuối cùng cái kim trong bọc cũng lòi ra. một cậu bé béo tròn đẽ bí mật rỉ tai vài người, cho biết cậu ta là Tam Tuyệt Đồng Tử Sở Phỉ, con trai Nga Mi đại kiếm khách Sở Phiêu Trần, người chủ sử cuộc cứu trợ hạn hán này.

Thế là tin tức loan nhanh như gió. Đến cuối tháng bảy thì ai cũng nhắc đến Sở Phiêu Trần và Tam Tuyệt Đồng Tử.

May cho Phỉ nhi là đoàn người đã rời Tây bắc về lại Giang Nam. Nếu không, cậu bé đã bị một trận đòn nhớ đời.

Gần một ngàn người của Ma giáo và phái Nga Mi đã tham gia cuộc phát chẩn vĩ đại này.

Bang chủ Khổng Tước bang Trương Tự Thanh không chết vì chất độc Tam Sắc Bích Hổ. Lão gởi thư nhắc Phiêu Trần cuộc phó ước ngày hai mươi tám tháng tám này.

Chàng muốn từ chối cũng không được vì tin này được loan báo khắp giang hồ và hào kiệt Trung Nguyên hồ hởi chuẩn bị đi quan chiến.

Kim Nhãn Điêu lo lắng bảo :

- Hai tháng nay, Trần nhi tham gia chẩn tế, bê trễ việc luyện võ, làm sao địch lại lão họ Trương?

Sách Siêu cũng thở dài :

- Khổng Tước bang và Thần Kiếm bang đã liên minh với nhau. Nếu họ Trương mượn được viên Tỵ Độc châu của Bàng Tinh Hải thì Trần nhi nguy mất.

Tiêu Tương Thần Nữ phụng phịu giật áo Thiên Xảo chân nhân :

- Ân sư thần thông quảng đại, xin hãy nghĩ cách cứu Sở lang!

Trang thứ cười mát :

- Tất nhiên là bần đạo đâu nỡ để học trò mình đoản mệnh! Sáng mai Trần nhi sẽ theo ta đi, đúng ngày phó ước sẽ có mặt ở Sách Khê cốc.

Sáng hôm sau, tức ngày mùng ba tháng tám, Phiêu Trần theo sư phụ đến Trường Sa. Đi được mươi dặm, Chân nhân rẽ vào cánh rừng hạnh ven đường, xuống ngựa, đứng bên dưới bóng râm. Phiêu Trần biết ân sư có chuyện muốn nói, liền hạ mã vòng tay hỏi!

- Phải chăng sư phụ có điều muốn chỉ giáo?

Trang Thứ gật đầu :

- Ta xem thần khí Trần nhi phát tác, chứng tỏ không còn sống được bao lâu nữa. Phải chăng có điều giấu sư phụ?

Phiêu Trần ngượng ngừng gật đầu, mỉm cười ảm đạm :

- Phật nhãn của ân sư quả là sắc bén. Đổ nhi ăn nhằm loại độc vật tuyệt thế tên là Tam Sắc Bích Hổ. Chỉ sống được đến mùa Hạ sang năm nữa thôi!

Trang chân nhân nắm tay chàng xem mạch. Ông gật gù bảo :

- Hiện tượng thì đúng như vậy. Nhưng khi dùng phép Thái Tố để chẩn đoán hậu vận, ta cho rằng con chưa thể hết số trời. Trần nhi cứ đi sang sông, đi về hướng Tây bắc sẽ gặp kỳ duyên! Dọc đường, muốn ghé đâu hay làm gì cũng chẳng sao. Khi nào con gặp người hay vật gì mang số bốn thì hãy trở về.

Phiêu Trần băn khoăn :

- Còn cuộc phó hội của Trương Tự Thanh thì sao? Đồ nhi sợ mình không về kịp.

Chân nhân cười khà khà :

- Bần đạo đã có diệu kế, Trần nhi chớ lo!

Biết sư phụ mình là bậc thần tiên, Phiêu Trần an lòng cáo biệt, nhắm hướng Bắc mà đi.

Hôm sau, chàng vượt Trường Giang đến Giang Lăng lúc sẫm tối. Tuy lòng cũng muốn gặp lại mẫu thân, nhưng chàng chưa điều tra ra lai lịch lão Tào Tử Viên trong trấn Mã Sơn nên có gặp cũng vô ích. Vì vậy, Phiêu Trần qua đêm ở Giang Lăng, mờ sáng khởi hành theo hướng Tây bắc.

Sau trận Động Định hồ, thanh danh Sở Phiêu Trần chói lọi như mặt trời xuân. Võ lâm tôn xưng chàng là Trung Nguyên Đệ Nhứt Cao Thủ vì đã đánh bại truyền nhân của Toàn Cơ Thượng Nhân chỉ với ba chiêu. Họ đâu hiểu rằng bản lãnh Phiêu Trần còn kém Trương Tự Thanh đến hai bậc. Họ Trương bị độc bất ngờ nên mới thảm bại chứ chẳng phải kém tài.

Người có danh như cây có bóng, được thiên hạ tôn kính, ngưỡng mộ và muốn làm quen để có chỗ sở cậy. Vì vậy, Phiêu Trần đã mang mặt nạ để tránh mọi phiền phức. Vả lại, chàng đã trở thành kẻ thù của Khổng Tước bang, chẳng thể ngang nhiên chường mặt để bị ám toán và vây đánh.

Thiên Xảo chân nhân đã là gương sáng để Phiêu Trần noi theo. Trang Thứ có bản lãnh thông thần như bậc địa tiên mà suốt đời chỉ bỏ chạy, bảo toàn sinh mạng để lo việc tạo phúc cho lê thứ. Thế thì chút tự ái cỏn con của Phiêu Trần có đáng gì?

Dung mạo của chàng hiện nay rất tầm thường, với da mặt tái xanh bệnh hoạn, điểm vài nốt ruồi đen xấu xí, bất thường nơi gò má. Nga Mi tâm pháp là tinh túy của hai tôn giáo Phật, Lão nên nhu hòa, tiềm ẩn chứ không rực rỡ, phát lộ như những phái khác. Phiêu Trần đã luyện xong lớp thứ tám, có thể thu thần nội liễm khiến nhãn quang bình thường, hoặc lờ đờ mờ nhạt.

Do đó, tuy có trường kiếm bên hông, nhưng Phiêu Trần cũng chẳng làm ai coi trọng hay sợ hãi. Thói đời thường xem mặt bắt hình dong, có khi cũng hữu lý, nếu không thì khoa tướng pháp đâu còn tồn tại?

Phiêu Trần cứ theo một hướng đi, bất kể đại lộ hay tiểu lộ. Vì vậy, năm ngày sau chàng nhìn thấy ngọn Võ Đang sơn.

Phái Võ Đang phát nguyên từ phái Toàn Chân của Vương Trùng Dương ở Hoa Bắc, nhưng không phải do Toàn Chân thất tử sáng lập.

Tổ sư phái Võ Đang là một đạo sĩ tên Trương Quân Bảo, đạo hiệu là Tam Phong chân nhân. Họ Trương là một bậc anh tài kiệt xuất, thông minh trác tuyệt. Vào đầu thời nhà Nguyên, phái Toàn Chân được người Mông Cổ trọng vọng, điển hình là Khưu Xử Cơ, một trong Toàn Chân thất tử. Trương Tam Phong bất mãn, đến núi Võ Đang mở đạo quán, thu nhận môn đồ. Họ Trương sáng tạo hai pho Thái Cực kiếm và Thái Cực quyền kỳ ảo tuyệt luân, khiến thanh danh phái Võ Đang lẫy lừng không thua gì Thiếu Lâm tự.

Hầu hết các trai tráng cư ngụ quanh chân núi đều là đệ tử tục gia của phái Võ Đang. Tổng số không dưới ngàn người.

Phái Võ Đang tuy thờ Chân Võ Đế Quân, một vị thần trong Đạo giáo! Có lẽ do chịu ảnh hưởng của Thiền Sư giáo (Đạo giáo phương Nam) nên đệ tử Võ Đang tuy mặc đạo bào nhưng không bắt buộc phải ăn chay, trừ Chưởng môn và các trưởng lão.

Cùng với phái Hoa Sơn ở Sơn Tây, Võ Đang là chi nhánh cuối cùng còn lại của phái Toàn Chân.

Phiêu Trần không có giao tình với các đạo sĩ Võ Đang, chỉ thuận đường nên định ghé vào trấn dưới chân núi để ăn uống nghỉ ngơi rồi đi tiếp.

Chàng ngạc nhiên khi thấy hàng đoàn xe hàng do lừa, ngựa, trâu, bò kéo đi cùng hướng với mình. Mùi hôi nồng của hùng hoàng, diêm sinh từ những bao hàng tỏa ra nức mũi.

Theo áp tải đoàn xe có cả những đạo sĩ Võ Đang, chứng tỏ không phải chuyện bán buôn của bọn thương lái. Nhưng hùng hoàng và diêm sinh là nguyên liệu để chế tạo thuốc nổ, sao phái Võ Đang lại cần đến nhiều như thế?

Và từ hướng ngược lại, có những toán người gồng gánh tài sản đi ra, có lẽ như muốn rời xa vùng núi Võ Đang. Đám này khá đông đàn bà trẻ con. Cha anh của chúng vẫy chào các đạo sĩ, gọi bằng sư huynh, sư thúc, chứng tỏ họ là đệ tử tục gia Võ Đang.

Phiêu Trần không dằn được lòng hiếu kỳ, thúc ngựa đi song song với một đạo sĩ đánh xe. Vòng tay hỏi lão :

- Bẩm đạo trưởng! Chẳng hay núi Võ Đang phát sinh quái sự gì mà mọi người bỏ đi như vậy?

Đạo sĩ già rầu rĩ đáp :

- Hai ngày trước, từ khu rừng mé tả xuất hiện một đàn độc xà đông đến mấy vạn con. Tuy chúng chỉ dài độ gang tay, thân to bằng cọng hương nhưng cực kỳ nhanh nhẹn. Bầy rắn len lõi khắp nơi, chỉ trong một đêm đã cắn hơn trăm người. Tuy nạn nhân không chết ngay nhưng đau đớn vô cùng. Cũng may là ban ngày bầy rắn rút cả vào rừng. Bách tính sợ hãi lần lượt di tản khỏi những thôn xóm ở phía trước núi Võ Đang. Nếu không trừ được lũ độc xà thì không chừng cả bổn phái cũng phải dời đi.

Phiêu Trần cau mày, đoán ràng đây là thủ đoạn của Khổng Tước bang. Họ muốn bành trướng sang Hồ Bắc tất phải nhổ cái gai là phái Võ Đang. Tấn công trực diện thì Trương Tự Thanh không dám, nên nhờ đến đàn rắn của Xà giáo Vân Quí.

Chàng nghiêm giọng nói :

- Sao chư vị không đốt rừng để trừ tuyệt độc xà?

Lão đạo cười khổ :

- vùng Tây bắc lâm đại hạn thì Hồ Bắc cũng khô cằn. Các khu rừng nối liền nhau, lên đến tận lưng chừng núi Võ Đang sơn. Nếu đốt rừng thì xem như tự sát. Do đó, bổn phái mới phải mua mấy ngàn cân hùng hoàng, diêm sinh rải quanh khu vực tổ đường, để ngăn chặn lũ độc xà.

Phiêu Trần hỏi tiếp :

- Dám hỏi khi bảy độc xà từ rừng tràn ra thì có âm thanh gì kèm theo không?

Lão đại nhăn trán suy nghĩ :

- Những cư dân gần đấy kể lại rằng họ có nghe thấy tiếng rít cao vút, đứt đoạn, nhưng khẳng định không phải tiếng huýt sáo hay tiếng còi do người thổi. Âm thanh này tương tự tiếng huýt của loại rắn Tỳ Bà vậy. Bổn phái đã cho người đến xem xét cánh rừng nhưng không sao vào được vì đâu cũng có độc xà. Chúng nép dưới lá khô và trên cả tàn cây.

Phiêu Trần điềm đạm đáp :

- Tại hạ sẽ giúp quí phái tiêu diệt tai họa này.

Lão đạo nghi hoặc bảo :

- Bần đạo là Châu Thanh Tử, sư đệ của Chưởng môn. Dám hỏi tính danh của thí chủ?

Chàng lột mặt nạ và đáp :

- Tại hạ là Sở Phiêu Trần, đệ tử phái Nga Mi.

Châu Thanh Tử cười ha hả :

- Bần đạo nghe danh Sở thí chủ đã lâu, không ngờ lại được gặp chốn này.

Rồi lão hỏi lại :

- Tuy thí chủ võ công quán thế nhưng làm sao giết được hết đàn độc xà đông đúc thế kia?

Phiêu Trần trầm giọng nói sơ về cục diện võ lâm và mối liên minh giữa Khổng Tước bang và Xà giáo Vân Quí! Chàng kết luận :

- Rắn tuy hung dữ nhưng không bao giờ vô cớ rời rừng, vào khu dân cư để cắn người. Tại hạ sẽ vào cánh rừng ấy tìm kẽ điều khiển bầy độc xà.

Châu Thanh Tử đã hiểu rõ nguồn cơn, mừng rỡ giao xe cho gã sư điệt, lên ngựa cùng Phiêu Trần đi trước.

May thay, Thành Tâm Tử, Chưởng môn phái Võ Đang đã thống lĩnh các đạo sĩ, đứng ngay chân sơn đạo, chờ vận chuyển hùng hoàng, diêm sinh lên núi.

Nghe sư đệ Châu Thanh Tử giới thiệu, Thành Tâm Tử hoan hỉ chào đón Phiêu Trần. Cả Võ Đang lục tử cũng có mặt ở đây. Họ đã từng gặp chàng ở Bình Nam vương phủ.

Sau khi bàn bạc kỹ càng, đoàn người kéo đến phía trước khu rừng độc xà. Phái Võ Đang vây chặt bên ngoài, còn Phiêu Trần tiến vào rừng.

Chỉ được vài trượng, chàng đã bị đàn rắn tấn công, hàng trăm con treo lủng lẳng khắp người, Phiêu Trần vẫn êm ái lướt đi, cố không đánh động người trong rừng.

Hơn khắc sau, Phiêu Trần đến một khoảng rừng cây cối thưa thớt. Trên bải cỏ xanh rì là một hán tử áo đen, tuổi độ hai mươi lăm đang ngồi điều tức. Tuy da dẻ đen xạm nhưng dung mạo gã rất tuấn tú, hiên ngang và không giống người Miêu.

Đặc trưng của chủng tộc Hán biểu hiện qua gương mặt chử điền, mũi thẳng, chuẩn đầu nhỏ, môi mỏng và đôi lông mày kiếm xanh đậm nhưng thanh mãnh gọn gàng.

Phiêu Trần bất giác sinh lòng yêu mến, không muốn lợi dụng cơ hội này mà sát hại hay khống chế gã. Chàng đứng cách gã hai trượng mà chờ đợi.

Có vài con rắn nhỏ trên người Phiêu Trần chán chê con mồi khó chơi, buông mình xuống đất, bò đi nơi khác. Tiếng cỏ khô sột soạt đã đánh động hán tử áo đen. Gã giật mình nhưng cố trấn tĩnh giữ cho chân khí lưu chuyển hết một vòng chu thiên để không bị tẩu hỏa nhập ma.

Gã biết có người đang đứng trước mặt mình nên lo sợ đến toát mồ hôi trán, mãi nửa khắc sau gã áo đen mới xả công, mở mắt ra nhìn Phiêu Trần. Gã cau mày bảo :

- Các hạ là cao nhân phương nào mà vượt qua được lũ Kim Xuyến Xà vào đến tận đây?

Vẻ mặt gã rất lạnh lùng, cao ngạo, nhưng ngôn từ lại hòa nhã. Dẫu sao, chàng trai kia đã tỏ rõ khí độ anh hùng khi không ám toán gã.

Phiêu Trần vận công, dùng lớp cương khí hộ thân đẩy bật tất cả những con Kim Xuyến Xà ra rồi cười đáp :

- Tại hạ là Sở Phiêu Trần! Còn các hạ phải chăng là người của Xà giáo Vân Quí?

Gã áo đen đứng lên, ngửa cổ cười ha hả :

- Ta là Linh Xà Lang Quân Đoàn Vĩnh Thanh ở Đại Lý, từ lâu vẫn ngỡ rằng Nga Mi đại kiếm khách chỉ nhờ thủ đoạn mà thành danh. Nhưng hôm nay các hạ đã khiến Thanh này phải bái phục đấy!

Phiêu Trần nghiêm giọng :

- Các hạ oai trấn Vân Nam, khí độ đáng mặt trượng phu. Sao lại nỡ thả rắn giết hại lương dân vô tội như vậy? Họ đâu có dính dáng gì đến ân oán võ lâm?

Lời lẽ đầy chí khí của Phiêu Trần đã khiến cho Linh Xà Lang Quân hổ thẹn. Gã ngượng ngùng bào chữa :

- Tại hạ chỉ mới dọa cho họ sợ hãi, rời khỏi chân núi Võ Đang mà thôi. Nọc của Kim Xuyến Xà chỉ gây đau đớn trong bảy ngày rồi tan đi chứ không giết người.

Phiêu Trần cười mát :

- Trong trăm nạn nhân kia, hơn nửa là trẻ thơ vô tội. Chúng có đáng phải chịu đau đớn hay không? Làm thân võ sĩ, dù chính hoặc tà cũng chẳng bao giờ chạm đến đàn bà con trẻ.

Đoàn Vĩnh Thanh xuất thân từ một giòng dõi tôn quí, đã từng làm vua đất Đại Lý thời nhà Tống. Gã lại kiêu ngạo hơn người nên không thể chịu được những lời công kích của Phiêu Trần. Họ Đoàn cười nhạt :

- Đừng nói nữa! Tại hạ sẽ rút đàn độc xà về và treo dược phương giải độc. Đó là để đền đáp việc các hạ không hạ thủ trong lúc Đoàn mỗ tọa công. Sau đó, chúng ta sẽ cùng nhau quyết đấu một trận xem sao. Có được thủ cấp của Nga Mi đại kiếm khách, tại hạ mới yên tâm trở vể phác đáp với Giáo chủ và Trương Tự Thanh.

Phiêu Trần gật đầu :

- Tại hạ sẵn sàng! Xin trao giải dược trước đã!

Linh Xà Lang Quân lấy ra bảy viên duợc hoàn đen sì lớn bằng hột nhãn, lạnh lùng nói :

- Các hạ hãy bảo bọn đạo sĩ Võ Đang ngâm bảy viên Xà đan này vào thùng nước lớn, cho mỗi nạn nhân uống một hớp là đủ.

Dứt lời, gã ném bảy viên thuốc về phía Phiêu Trần, nhắm vào bảy phương vị từ mặt đến bụng dưới. Đoàn Vĩnh Thanh đã dồn chân khí nên các viên dược hoàn kia bay đi với tốc độ kinh người và trở nên rất nguy hiểm.

Phiêu Trần vào sanh ra tử mấy lượt nên lúc nào cũng cảnh giác. Chàng múa tít song thủ tạo thành một màn lưới chưởng mềm mại làm giảm lực đạo của bảy viên ám khí bất đắc dĩ kia và hốt gọn chúng dễ dàng.

Đây là chiêu “Vân Thông Tróc Tinh”, trong pho Nga Mi Vân Thủ, chuyên để bắt ám khí.

Phiêu Trần không hề lộ sắc giận, mỉm cười :

- Đa tạ Đoàn các hạ!

Linh Xà Lang Quân cố nén tiếng thở dài, thản nhiên bảo :

- Té ra ngoài kiếm pháp, các hạ vốn tinh thông cả quyền chưởng và ám khí nữa. Hãy mang thuốc giải ra đưa cho bọn đạo sĩ rồi quay lại đây so kiếm.

Phiêu Trần lắc đầu :

- Không cần đâu! Tại hạ đánh không lại sẽ bỏ chạy chứ chẳng ở đây chịu chết.

Linh Xà Lang Quân ngẩn người :

- Lẽ nào các hạ không vì thanh danh mà tử chiến đến cùng?

Phiêu Trần dịu giọng :

- Thanh danh cũng ví như vần dương. Tuy chói lọi nhưng rồi cũng khuất cuối trời Tây. Hà tất phải vì chút hư ảo ấy mà lụy thân.

Đoàn Vĩnh Thanh trầm ngâm một lúc lâu rồi chậm rãi nói :

- Cao luận các hạ đã khiến ta phải suy nghĩ. Nhưng chẳng lẽ bậc trượng phu chịu mai một dưới váy thê thiếp, không sống cuộc đời hào hùng, oanh liệt!

Như để củng cố niềm tin cho tư tưởng của mình, Linh Xà Lang Quân rút phắt trường kiếm ra, gằn giọng :

- Xin mời!

Phiêu Trần cũng rút kiếm thủ thế. Họ Đoàn vung kiếm tấn công trước, lưỡi kiếm run rẩy, uốn lượn như rắn độc, phong tỏa khắp mười tám đại huyệt trên thân trước đối phương.

Phiêu Trần hào hứng trước pho Linh Xà kiếm nổi danh khắp vùng Tây nam Trung Hoa, chú tâm chiết giải, thủ nhiều hơn công.

Pho Linh Xà kiếm pháp này do Linh Xà chân nhân, Quốc sư nước Đại Lý sáng tạo ra, dạy cho người người trong hoàng tộc họ Đoàn.

Sau khi nước Đại Lý bị Hốt Tất Liệt tiêu diệt, giòng họ Đoàn bị tàn sát gần hết và lưu tán khắp nơi. Đoàn Vĩnh Thanh là con cháu duy nhất thừa kế được pho tuyệt kiếm này.

Năm muời bảy tuổi, Đoàn Vĩnh Thanh đã nổi danh Vân Nam Đệ Nhất Kiếm Thủ. Năm gã hai mươi tuổi, gã được mời làm hộ pháp của Xà giáo!

Sau vài lần chạm kiếm, Phiêu Trần biết rằng Linh Xà Lang Quân có không dưới ba mươi năm công lực. Vậy là gã cũng ăn được kỳ trân như chàng nên tu vi mới cao hơn tuổi.

Kiếm thuật khác với quyền, chưởng ở chỗ không phải ai có công lực thâm hậu hơn là tất thắng. Sắt thép là vật cứng rắn, mức độ hấp thụ chân khí rất thấp, nên dù tu vi chênh lệch hai ba chục năm, kẻ lão thành cũng chẳng dễ đánh bay vũ khí thiếu niên.

Gia dĩ, đường kiếm nhanh như chớp, thời gian của mỗi lần va chạm rất ngắn, lực phản chấn ít ỏi. Do vậy, khi đánh nhau bằng đao kiếm, chiêu thức kỳ ảo là điều tiên quyết, rồi mới đến công lực.

Mà Linh Xà kiếm pháp thì không thiếu yếu tố linh diệu, biến hóa. Đoàn Vĩnh Thanh liên tục tung ra những đợt hùng kiếm, quyết chẳng để đối phương kịp đổi hơi. Phép khoái kiếm của gã quả đã đến mức thượng thừa.

Nhưng tiếc rằng đối thủ của Lang Quân lại là một bậc đại hành gia về kiếm thuật. Phiêu Trần rèn luyện từ lúc còn rất nhỏ nên pho Nga Mi kiếm pháp hòa cả vào tâm ý. Vã lại, sau này chàng học thêm được ba chiêu tuyệt kiếm của Thiên Hạ Đệ Nhất Kỳ Nhân Trang Thứ, nên tiến một bước dài trên kiếm đạo.

Giờ đây Phiêu Trần dùng phép Dĩ Tịnh Chế Động, Hậu Phát Chế Nhân, đứng yên một chỗ mà giải phá những đòn vũ bão của đối phương.

Đến chiêu thứ năm thì mổ hôi của Linh Xà Lang Quân túa ra ướt sũng y phục. Gã đã đem hế sở học gia truyền ra thi thố mà không làm gì được Phiêu Trần, lòng vô cùng chán nản.

Bỗng ngoài bìa rừng có tiếng của Thành Tâm Tử gọi vang :

- Sở thí chủ có sao không?

Phiêu Trần vội đáp :

- Tại hạ vẫn bình yên!

Song phương tỷ kiếm chỉ sơ hở một sát na là mất mạng. Linh Xà Lang Quân không bỏ lở cơ hội hiếm có, xuất liền ba mươi sáu thức kiếm khống chế tâm thất kẻ địch.

Trong lúc Phiêu Trần đang bận đối phó với chiêu kiếm hiểm ác thì Đoàn Vĩnh Thanh vuốt bụng rút sợi dây lưng, ném vào chân đối phương.

Giải thắt lưng đen bóng và thấp thoáng ánh đỏ kia kỳ thực là một độc vật hiếm có đất Miêu Cương, tên là Hồng Điểm Hắc Xà, con rắn này dài nửa trượng, thân to bằng ngón tay cái, da đen bóng, điểm những vết tròn màu đỏ tươi. Nọc của nó độc gấp mười lần rắn Tỳ Bà, sức công phạt nhanh như điện, giết người trong thời gian vài cái chớp mắt. Hồng Điểm Hắc Xà còn quí ở chỗ không sợ đao kiếm, chưởng kình.

Đòn bất ngờ này của Đoàn Vĩnh Thanh đã thành công. Linh xà mổ liền hai nhát vào đùi Phiêu Trần và quấn lấy chân hữu chàng.

Linh Xà Lang Quân chưa kịp đắc ý thì thấy trước mắt hiện ra trăm kiếm ảnh chập chờn, và luồng kiếm khí dài hơn gang xé không gian, theo đà đi của mũi kiếm đang xạ vào ngực mình.

Đây chính là tuyệt học Tá Vật Truyền Nhân của phái Nga Mi, khiến kiếm pháp của phái này đứng đầu thiên hạ. Nhưng chỉ có những cao thủ có trên ba mươi năm tu vi mới thi triển nổi. Và tùy theo mức độ thâm hậu của công lực mà luồng kiếm khí dài hay ngắn. Phiêu Trần nhờ mấy lần ăn được kỳ trân nên có đến hơn bốn mươi năm công lực, đạt được thành tựu hôm nay.

Đoàn Vĩnh Thanh kinh hoàng chờ chết. Nhưng lạ thay, mũi kiếm của Phiêu Trần dừng lại cách ngực trái của gã chừng hai gang. Chàng thu kiếm tra vào vỏ rồi điềm đạm nói :

- Nhân tài như các hạ, võ lâm chẳng có mấy người, tại hạ luyến tài nên chẳng nỡ xuống tay. Các hạ hãy đi đi!

Hồng Điểm Hắc Xà thấy da thịt Phiêu Trần có mùi khó chịu, buông mình xuống đất, trườn lên người chủ nhân, quấn thành vòng quanh bụng.

Linh Xà Lang Quân hổ thẹn và cảm kích trước lòng đại lượng của Phiêu Trần, thở dài nói :

- Vì sao công tử lại có khả năng kháng độc kỳ diệu như vậy? Hồng nhi là con rắn độc nhất thiên hạ đấy!

Phiêu Trần cười buồn :

- Tại hạ ăn nhằm năm con Tam Sắc Bích Hổ nên người toàn chất độc, còn sợ gì độc nữa?

Đoàn Vĩnh Thanh giật mình, tiếc nuối :

- Thế là tại hạ chẳng còn cơ hội phục hận nữa rồi! Các hạ không sống được bao lâu nữa đâu!

Phiêu Trần gật gù :

- Sau khi tại hạ chết đi, các hạ sẽ là kiếm sĩ giỏi nhất trong hàng ngũ những hào hiệt trẻ tuổi. Món nợ hôm nay chẳng cần phải đòi đâu.

Đoàn Vĩnh Thanh cười bi thiết :

- Tại hạ muốn tự tay đánh bại các hạ! Có ngày tại hạ sẽ tìm đến Sở gia trang. Xin cáo biệt!

Phiêu Trần mỉm cười :

- Xin đến sớm cho! Tại hạ chỉ còn sống đến mùa Hạ sang năm mà thôi.

Họ Đoàn gật đầu, bóp mạnh đuôi Hồng Điểm Hắc Xà. Linh vật rít lên cao vút hai tếng sáo. Đàn Kim Tuyến Xà lập tức ùn ùn đi theo bước chân của Linh Xà Lang Quân.

Phiêu Trần nhìn theo bóng họ Đoàn khuất dần trong rừng cây, thở dài luyến tiếc một bậc anh tài sớm sa chân vào tà đạo.

Chàng trở ra, thuật sơ cuộc tao ngộ với Đoàn Vĩnh Thanh, trao giải dược cho Chưởng môn phái Võ Đang rồi cáo biệt.

Thành Tâm Tử hết lời mời mọc Phiêu Trần lên núi qua đêm, nên sáng hôm sau chàng mới rời Võ Đang sơn.

Sau chín ngày rong ruổi, Phiêu Trần đến Trường An. Vừa qua khỏi cửa thành hơn dặm, vào đến khu phố sầm uất, chàng thấy đoạn đường trước cửa tòa nhà ba tầng, tên Tây Đô đại tửu lâu, bị bít chặt bởi dân chúng và quan quân.

Phiêu Trần thúc ngựa đến gần hỏi một gã tiểu nhị, khăn vải vắt vai :

- Này tiểu huynh đệ, quí điếm xảy ra việc gì?

Gã này chỉ độ mười sáu, mười bảy tuổi, gương mặt tái xanh như tàu lá. Thấy khách đeo kiếm, phong thái hiên ngang, liền mỉm cười cầu tài, kể lể :

- Bẩm đại hiệp, sáng nay bổn hiệu xui xẻo nên chưa kịp bán buôn đã gặp tai ương. Số là có bốn lão nhân cổ quái, ba nam một nữ, y phục rách rưới như tổ đỉa, vào bổn điếm đòi dọn một mâm thượng hạng gồm đến ba mươi món. Nhưng họ còn mang dây xích cổ, tức là trọng phạm của triều đinh, nên bổn điếm đâu dám chứa chấp! Thế là họ đập phá tan tành, đuổi hết mọi người ra ngoài, chỉ để lại đầu bếp và chưởng quỹ. Hai người ấy phải phục vụ cho họ. Quan quân đến nơi, vừa ùa vào đã bị một luồng gió vũ bão thổi văng ra ngoài. Đại hiệp là người thần vũ, oai phong. Xin hãy đánh đuổi giùm bốn lão quái vật kia.

Phiêu Trần cau mày hỏi thêm :

- Họ độ bao nhiêu tuổi và hình dáng có đặc điểm gì?

- Bẩm đại hiệp! Bốn lão nhân này chắc đến trăm tuổi vì râu tóc bạc trắng, da dẻ nhăn nheo như vỏ cây. Có điều lạ là họ bị xích chung với nhau, cổ người này xích với cổ người kia bằng một sợi thiết luyện dài nửa trượng.

Gã tiểu nhị dừng lại lấy hơi rồi nói tiếp :

- À! Theo thiển ý của tiểu nhân thì họ không được tỉnh táo lắm. Một lão cắm trên đầu vài chiếc lông công. Lão thứ hai ôm con Hạc nhỏ đã chết khô. Lão thứ ba quàng nguyên con rắn Tỳ Bà lên cổ. Còn bà già thì son phấn đầy mặt, ỏng ẹo như con gái mười tám vậy.

Phiêu Trần chấn động, nghĩ :

- Chẳng lẽ Tứ ác ma chưa chết, chỉ bị giam cầm nơi nào đó ở Mông Cổ, giờ thoát ra đã trở lại Trung Nguyên.

Chàng không thể bỏ qua việc quan hệ đến vận mạng võ lâm, vào xem sao. Nếu đúng là Tứ ác ma, chàng phải tiêu diệt ngay, không cho họ trở thành hậu thuẫn cho Khổng Tước bang và Thần Kiếm bang.

Phiêu Trần nhờ gã tiểu nhị giữ hộ tuấn mã rồi bước đến nói với viên lãnh đội :

- Tại hạ sẽ giúp chư vị đối phó với bốn lão quỷ này!

Chàng cố tình vận công cho đôi mắt sáng quác loang loáng hàn quan, viên lãnh đội hân hoan đáp :

- Mạt tướng rất vui mừng trước sự tương trợ của bậc anh hùng.

Gã ra lệnh cho hàng rào quân sĩ mở lối để Phiêu Trần tiến vào cửa tầng trệt của tửu lâu. Thấy có người dám vào, lão già thấp nhỏ ngồi ngoài vẫy hữu thủ. Một đạo chưởng phong mãnh liệt xô về phía Phiêu Trần. Chàng cử song thủ đỡ đòn, chưởng kình chạm vào nhau nổ vang rền.

Thấy chàng trai trẻ mặt trắng kia không lùi nửa bước. Lão già kinh ngạc hỏi :

- Ngươi chỉ độ hai mươi sao lại có đến hơn bốn mươi năm công lực?

Phiêu Trần mỉm cười :

- Cảm tạ Phó lão tiền bối đã nương tay.

Chàng đoán lão già Tỳ Bà Tú Sĩ Phó Phúc Thuần, sư phụ của Tỳ Bà Sương nên nói thế để dọa dẫm.

Quả nhiên lão nhân ngớ người ra :

- Bọn lão phu vắng bóng Trung Nguyên đã ba mươi năm, sao tiểu tử ngươi lại nhận ra?

Nói xong lão tự trả lời :

- Thì ra oai danh của anh em ta vẫn lẫy lừng Trung Nguyên, ngay cả một đứa bé cũng biết!

Ba người kia tán thành ngay, mặt vênh lên trông ngốc nghếch và khôi hài.

Phiêu Trần thức ngộ rằng họ đã phải sống một cuộc đời khổ ải suốt mấy chục năm nên tinh thần không còn minh mẫn nữa. Vả lại, ở tuổi bách tuế, họ dễ trở nên ngây ngô như trẻ nhỏ.

Sát khí trong lòng chàng giảm đi nhiều. Chàng quyết định tìm cách thu phục họ chứ không tiêu diệt làm gì.
Bình Luận (0)
Comment