Ngày Đầu Tiên

Chương 2

Cao nguyên Atacama, Chilê

Không thể chợp mắt vào ban đêm. Mỗi lần tôi tin là rốt cuộc đã cảm thấy cơn buồn ngủ thắng thế, tôi lại nhảy dựng lên trong túi ngủ của mình với cảm giác ngạt thở kinh khủng vẫn bám riết không rời. Erwan, một đồng nghiệp người Úc quen sống ở độ cao, đã thôi không ngủ từ khi tới đây. Anh thực hành yoga và anh hầu như khỏi ngay. Ngay cả khi tôi đùa, thời đó khi tôi còn gần như giao du với một cô vũ nữ, lui tới hai lần mỗi tuần một phòng khách được chuyên môn hóa nằm trên đại lộ Sloane, người tình dạy môn khiêu vũ của tôi rõ ràng là không đủ để cho phép cơ thể tôi bù trừ những tác động của một độ cao tương đương. Tại độ cao năm nghìn mét so với mực nước biển, áp suất không khí sụt giảm xuống bốn mươi phần trăm. Sau vài ngày, nỗi gian truân khi sống trên núi cao bộc lộ rõ; máu đặc lại, đầu nặng trịch, lý trí đánh mất lô gíc của nó, việc viết lách trở nên vụng về, và ngay cả nỗ lực thể chất nhỏ nhất cũng đốt cháy vô khối năng lượng của bạn. Những người từng làm việc nơi đây đã dặn chúng tôi hấp thụ tối đa lượng đường gluco. Đối với những người ưa đồ ngọt, nơi này có thể là một thiên đường thực sự: không hề gặp phải nguy cơ tăng cân, vừa ăn vào miệng, đường liền được cơ thể chuyển hóa. Điểm mấu chốt duy nhất là ở độ cao năm nghìn mét so với mực nước biển, ta đánh mất toàn bộ sự ngon miệng. Tôi hầu như chỉ sống bằng những thanh sô cô la.

Cao nguyên Atacama là một nơi nằm bên ngoài thời gian. Một vùng thảo nguyên rộng lớn cằn cỗi với núi bao quanh; nếu tại đó việc hít thở không đến nỗi quá khó, ta sẽ tin rằng mình đang ở giữa một sa mạc đá bất kỳ. Nhưng tại đây, chúng tôi đang ở trên một trong những nóc nhà thế giới; chỉ trừ có việc hầu như không còn gì của thế giới quanh chúng tôi. Không một loài thực vật, không một loài động vật, chỉ có sỏi cuội và bụi, tồn tại qua hai mươi tiệu năm. Thứ không khí chúng tôi hít thở một cách khó nhọc la thứ không khí khô nhất hành tinh, còn khô gấp năm mươi lần không khí trong Thung lũng Tử thần. Những đỉnh núi đang bao quanh chúng tôi có đỉnh cao nhất lên tới hơn sáu nghìn mét cũng vô ích, chúng không có tuyết. Cũng chính là lý do để chúng tôi làm việc tại đây. Bởi không có chút độ ẩm dù nhỏ nhất, đây là nơi lý tưởng nhất để tiếp nhận dự án thiên văn lớn nhất mà trái đất chưa từng biết đến. Một vụ cá cược gần như cầm chắc phần thua: trồng sáu mươi tư cột thu phát tín hiệu có gắn kính viễn vọng, mỗi cột có kích thước tương đương một tòa nhà mười tầng, tất cả kết nối với nhau. Một khi xây dựng xong, chúng sẽ được kết nối với một máy chủ có khả năng thực hiện mười sáu tỷ thao tác mỗi giây. Để làm gì? Để ra khỏi bóng tối, để chụp ảnh những thiên hà xa nhất, để khám phá những không gian hiện chúng ta vẫn còn không thể trông thấy, để có thể thu được hình ảnh về những khoảnh khắc đầu tiên của Vũ trụ.

Đã ba năm nay, tôi trở lại với Tổ chức nghiên cứu thiên văn châu Âu và tới sống tại Chilê.

Thông thường, tôi làm việc tại một địa điểm cách đây cả trăm cây số, tại đài thiên văn La Silla. Vùng này nằm trên một trong những đường nứt lớn nhất của địa cầu, chính là nơi hai lục địa tiếp giáp. Hai khối với sức mạnh khổng lồ xô đẩy nhau, xưa kia đã tạo ra dãy Andes. Nội trong đêm trước, mặt đất rung chuyển. Không có ai bị thương nhưng cả Naco và Sinfoni – mỗi chiếc kính viễn vọng của chúng tôi đều mang một cái tên – đã phải mang đi đại tu.

Tranh thủ tình trạng nghỉ việc cưỡng bức này, giám đốc trung tâm đã giao cho chúng tôi, tôi và Erwan, nhiệm vụ giám sát việc thi công cột thu phát tín hiệu khổng lồ thứ ba của vùng Atacama. Đây chính là lý do tại sao tôi hít thở khó khăn như vậy vào lúc này, vì một cơn địa chấn ngu ngốc đã dẫn tôi tới đây, tới độ cao năm nghìn mét.

Mới cách đây gần mười lăm năm, các nhà thiên văn vẫn còn tranh luận về sự tồn tại của những hành tinh ngoài hệ mặt trời của chúng ta. Tôi đã nói thế này, sự khiêm nhường đối với một nhà khoa học là chấp nhận rằng không có gì là không thể. Một trăm bảy mươi hành tinh được khám phá trong thập niên gần đây. Tất cả đều quá khác lạ, quá to, quá gần hoặc quá xa đối với mặt trời của chúng để đem ra so sánh với Trái đất để đem lại hy vọng rằng một dạng sự sống gần gũi với sự sống mà chúng ta đang biết đến có thể phát triển ở đó... cho đến khi khám phá của các đồng nghiệp của tôi ít lâu sau khi tôi đến Chilê.

Nhờ chiếc kính viễn vọng Đan Mạch đặt tại đài thiên văn La Silla, họ đã quan sát được một “Trái đất” khác, cách Trái đất của chúng ta hai mươi lăm nghìn năm ánh sáng.

Hầu như lớn hơn gấp năm lần, hành tinh này hoàn thành trọn vẹn một vòng quay mặt trời của nó trong vòng mười năm, tính theo thời gian của chúng ta. Nhưng ai có thể khẳng định là thời gian trên hành tinh này, cùng lúc quá gần và quá xa như thế, trôi đi để tạo thành hàng phút và hàng giờ giống với giờ phút của chúng ta? Và ngay cả khi cách xa mặt trời của nó gấp ba lần, ngay cả khi nhiệt độ ở đó lạnh hơn, hành tinh này dường như hội tụ tất cả những điều kiện cần thiết để nảy sinh sự sống.

Phát hiện này hẳn là không đủ gây ấn tượng mạnh để xuất hiện trên trang nhất các mặt báo và nó hầu như không được mấy ai biết đến.

Những tháng gần đây, công việc của chúng tôi bị đình trệ bởi nhiều sự cố hỏng hóc và biến đổi, và khoảng thời gian cuối năm đối với tôi có vẻ khó khăn. Thiếu những kết quả đủ sức thuyết phục, những ngày tôi còn lưu lại Chilê đã có thể đếm trên đầu ngón tay. Tuy nhiên, bất chấp những khó khăn gặp phải trong quá trình thích nghi với độ cao, tôi không muốn quay lại Luân Đôn chút nào. Tôi sẽ không đánh đổi những không gian rộng lớn của Chilê lấy bất cứ thứ gì trên đời và cũng sẽ không đánh đổi những thanh sô cô la của mình lấy khung cửa sổ nhỏ xíu trong phòng làm việc riêng chật hẹp, lấy món thịt bò hầm đậu trắng phục vụ trong quán rượu ở góc phố Gower Court.

Chúng tôi đã leo lên đỉnh Atacama được ba tuần và cơ thể tôi vẫn chưa thể thích nghi được với tình trạng thiếu dưỡng khí oxy. Khi trung tâm này được đưa vào khai thác, những tòa nhà sẽ được điều áp, nhưng trong lúc chờ đợi chúng tôi vẫn phải sống trong điều kiện khó khăn này. Erwan thấy tôi có một vẻ mặt kinh khủng, anh muốn tôi quay trở lại trại căn cứ. “Rồi cậu sẽ ngã bệnh thật cho mà xem, anh nhắc đi nhắc lại với tôi kể từ hai ngày nay, mà nếu cậu bị tai biến mạch máu não, sẽ là quá muộn để hối tiếc về sự bất cẩn của cậu.”

Quan điểm của anh không hề thiếu cơ sở, nhưng từ bỏ vào lúc này sẽ giảm thiểu cơ hội để tôi tham gia vào chuyến phiêu lưu phi thường sắp xảy ra tại nơi đây. Có thể bố trí các trang thiết bị hiệu quả như thế, được nhận vào nhóm công tác này, đó là chuyện nằm mơ giữa ban ngày.

Màn đêm buông xuống, chúng tôi rời khỏi căn nhà gỗ. Nửa tiếng đồng hồ đi bộ để tới được vị trí của trạm thu phát tín hiệu bằng kính viễn vọng của vùng. Erwan phụ trách việc điều chỉnh, tôi lo việc ghi chép những sóng chúng tôi nhận được. Những sóng này đã xuyên qua không gian đến từ những vũ trụ xa xôi đến mức cách đây mười năm chúng tôi không thể hình dung ra nổi, dù chỉ là sự tồn tại của chúng. Ngày hôm nay, tôi cũng không thể hình dung ra độ rộng của những khám phá mà chúng tôi sẽ có khi toàn bộ sáu mươi chiếc ăng ten parabol này được hợp nhất và kết nối với máy chủ.

- Cậu thu được cái gì thế? Erwan hỏi tôi, anh đang vắt vẻo trên chiếc cầu nhỏ bằng kim loại nằm dọc theo tầng hai của trạm thu phát.

Tôi dám chắc mình đã trả lời anh, nhưng đồng nghiệp của tôi vẫn lặp lại câu hỏi. Có lẽ vì tôi nói không đủ to chăng? Không khí khô và âm thanh truyền đi rất khó khăn.

- Adrian, cậu đang nhận được tín hiệu gì đó chứ, khỉ thật? Tôi không ngồi thăng bằng được trong hàng tiếng đồng hồ đâu nhé.

Tôi khổ sở ghê gớm mới phát âm nổi, dĩ nhiên là do trời lạnh. Trời lạnh kinh khủng, tôi khó nhọc lắm mới cảm nhận được các đầu ngón tay mình. Môi tôi tê cóng.

- Adrian? Cậu có nghe tôi nói gì không?

Tất nhiên là tôi nghe thấy Erwan, tại sao anh lại không nghe thấy tôi nhỉ? Tôi cũng nghe được cả tiếng bước chân anh nữa, anh đang leo từ giàn đậu xuống.

- Mà rốt cuộc thì cậu đang làm cái quái gì thế? Anh vừa tiến lại gần tôi vừa gắt gỏng.

Vẻ mặt anh nom rất lạ, rồi anh bỗng buông những dụng cụ đang cầm trong tay để chạy về phía tôi. Anh tiến lại gần và tôi nhìn thấy nét mặt anh trở nên căng thẳng, nét mặt anh để lộ sự lo lắng.

- Adrian, mũi cậu kìa! Cậu bị chảy máu cam rồi!

Anh dìu tôi lên rồi giúp tôi đứng dậy; trước đó tôi không hề nhận thấy là mình đang ngồi xệp xuống đất. Erwan lôi bộ đàm của anh ra gọi cứu hộ. Tôi cố ngăn anh lại, chẳng có bất kỳ lý do nào để làm phiền những người khác, đây chỉ là một cơn mệt, nhưng hai bàn tay tôi không đáp trả, tôi không còn khả năng để phối hợp bất cứ cử động nào, dù là nhỏ nhất.

- Căn cứ, căn cứ, đây là Erwan tại trạm thu phát số ba, trả lời đi nào, Mayday[2], Mayday! Đồng nghiệp của tôi không ngừng lặp lại.

[2] Thành ngữ được sử dụng trong liên lạc vô tuyến-điện thoại quốc tế để báo hiệu máy bay hay tàu thủy đang gặp nguy.

Tôi mỉm cười, từ “Mayday” chỉ được sử dụng trong không quân, nhưng giờ không phải là lúc để chơi trò người dạy dỗ, nhất là khi một trận cười ngu ngốc đang xâm chiếm tôi.

Và tôi càng cười, chuyện này lại càng khiến Erwan lo lắng, vì anh là người luôn chê trách tôi vì không nhìn nhận cuộc sống này đủ nhẹ nhàng, thật là quá lắm.

Tôi nghe thấy vọng ra từ chiếc bộ đàm của anh một giọng nói quen thuộc, nhưng tôi chưa thể gắn giọng nói đó với bất kỳ cái tên nào. Erwan giải thích là tôi không được khỏe, điều này không đúng, tôi chưa bao giờ cảm thấy hạnh phúc như lúc này, ở đây mọi thứ đều đẹp đẽ, ngay cả Erwan đang có bộ mặt nhăn như bị cũng đẹp. Tối nay, tôi không biết liệu có phải do màu sắc đặc biệt của ánh trăng hay không, nhưng tôi thấy anh đúng ra là đẹp. Thế rồi chẳng bao lâu sau tôi cũng không còn thấy anh nữa, đầu tiên là giọng nói lùng bùng của anh không lọt vào tai tôi nữa, như thể anh đang chơi cái trò của bọn trẻ ranh là mấp máy môi mà không phát âm hẳn các từ. Gương mặt anh trở nên lờ mờ, tôi đang mất dần nhận thức.

Erwan ở lại bên cạnh tôi, như một người anh trai. Anh không ngừng lay lắc tôi, thậm chí đã khiến tôi tỉnh lại được. Ngay lúc đó tôi còn hơi giận anh vì chuyện này, nếu xét đến toàn bộ quãng thời gian tôi đã không thể ngủ được, thì hành động của anh chẳng được hào hiệp cho lắm. Một chiếc xe jeep đã đến sau cuộc gọi của anh mười phút. Các đồng nghiệp đã vội vàng trang phục tề chỉnh và đưa tôi trở lại lán trại. Bác sĩ ra lệnh phải sơ tán tôi ngay lập tức. Thế là kết thúc các kế hoạch của tôi tại Atacama. Một chiếc trực thăng đưa tôi về bệnh viện San Pedro trong thung lũng. Họ đã cho tôi xuất viện sau ba ngày truyền dưỡng khí oxy. Erwan đã cùng giám đốc trung tâm nghiên cứu tới thăm tôi, ông này lấy làm tiếc vì phải để “một nhà khoa học hợp tác ăn ý” ra đi. Tôi coi lời khen này như một lô lời an ủi, một vài từ làm yên lòng để cất vào hành lý cá nhân trước khi trở lại phòng làm việc riêng tại trường đại học, khung cửa sổ nhỏ xíu trông xuống phố, quán rượu ở góc phố Gower Court cùng món thịt bò hầm đậu trắng kinh khủng. Tại đó, tôi phải lơ đi ánh mắt chế giễu của các đồng nghiệp ở Luân Đôn. Người ta không bao giờ rũ bỏ được hoàn toàn những ký ức thơ ấu của mình. Chúng đeo đẳng bạn như những bóng ma, ám ảnh cuộc sống người trưởng thành của bạn.

Trong bộ âu phục kèm cà vạt, trong chiếc áo blouse của nhà khoa học hay trong bộ đồ của chú hề, đứa trẻ mà người ta đã từng là vẫn mãi tồn tại bên trong đó.

Không có chuyện lên đường đi Bolivia, những dãy núi hình chữ chi bên đó dốc lên tận bốn nghìn mét. Một chuyến bay đưa tôi từ San Pedro sang Argetina rồi từ đó, tôi lại lên chuyến bay thẳng đến Luân Đôn. Thế là tôi nhìn thấy dãy Andes xa dần qua ô cửa kính trên máy bay, tôi căm thù chuyến đi này, giận điên người vì việc đã xảy đến với mình. Nếu biết được điều gì đang chờ đợi mình, tâm trạng của tôi hẳn là đã khác.

Luân Đôn

Cơn mưa phùn rải rắc trên thành phố nhắc cho tôi nhớ mình đang ở đâu. Chiếc taxi tiến vào xa lộ M1, và chỉ cần nhắm mắt là tôi có thể hồi tưởng lại mùi những mảnh gỗ lát tường cũ kỹ trang trí đại sảnh của trường đại học, mùi những tấm ván sàn đánh si và cả mùi những chiếc cặp táp bằng da của bạn đồng nghiệp, cả những chiếc áo mưa có thắt lưng ướt sũng của họ.

Không thể ghé qua nhà, vì tôi mãi không tìm thấy chìa khóa căn hộ riêng khi đóng gói hành lý tại Chilê. Tôi tin là mình có để sẵn một chìa khóa dự phòng trong ngăn kéo bàn làm việc; tôi sẽ đợi đến tối để thấy cảnh bụi bặm tràn ngập trong nhà kể từ khi tôi rời đi.

Đã quá mười hai giờ trưa khi tôi đến trước những tòa nhà hành chính trị sự của Học viện. Một tiếng thở dài cuối cùng và tôi bước vào tòa nhà nơi tôi sẽ sớm tiếp tục những chức trách của mình.

- Adrian! Gặp lại anh ở đây quá là một bất ngờ thú vị!

Walter Glencorse, người phụ trách nhân sự giảng viên. Gã hẳn đã đứng sau cửa sổ mà rình thấy tôi đến và tôi hình dung gã sẵn lòng chạy xuống cầu thang thật nhanh, chạy chậm lại rồi dừng trước tấm gương lớn ở tầng trệt để ép xẹp những sợi tóc mảnh màu vàng nhạt vẫn đang tua tủa trên đầu.

- Walter thân mến! Bất ngờ thú vị này cả tôi cũng có phần mà.

- Hầu như thế, bạn thân mến ạ, vì tôi không đi Pêru và thường thấy mình bị giam lỏng giữa bốn bức tường hơn là tới đó gặp anh.

- Tôi vừa từ Chilê về, Walter ạ.

- Chilê, dĩ nhiên rồi, dĩ nhiên rồi, đầu óc tôi để đâu ấy nhỉ? Và cái câu chuyện về độ cao này... tôi đã nghe nói về vụ tai nạn đáng tiếc vừa xảy đến cho anh. Tiếc quá, phải không?

Walter thuộc loại người có khả năng phô bày vẻ khoan dung chân thành trong khi thâm tâm là một gã lùn dị dạng khủng khiếp trong bộ đồ thể thao màu hồng đang thắt ruột vì cười nhạo bạn; hắn là một trong những kẻ hiếm hoi tại xứ sở của chúng tôi mà không cần gì khác ngoài ý niệm cũng có thể thuyết phục lũ dê và bò của Anh quốc từ bỏ những đồng cỏ màu mỡ của chúng để trở thành động vật ăn thịt.

- Tôi đã để dành bữa trưa của mình cho anh, anh là khách mời của tôi, hắn vừa nói vừa đưa hai tay chống nạnh.

Để mời Walter chịu bỏ ra vài đồng bảng Anh, Học viện cần phải trả cho hắn bằng ngân phiếu hoặc hắn đang có việc gì đó vô cùng quan trọng cần nhờ vả tôi. Tôi chỉ kịp gửi lại chiếc va li vào phòng gửi đồ - không cần phải leo lên tận văn phòng làm việc riêng để khám phá ra cái đống ngổn ngang hắn đang đợi tôi ở đó, tôi trở ra phố, lần này thì cùng với gã Walter khó tả thành lời.

Ngay khi chúng tôi yên vị trong quán rượu, Walter liền mặc nhiên gọi hai suất ăn theo menu chính của quán, hai ly vang đỏ dở tệ - vậy thì đích thị là Học viện thết đãi rồi – và nghiêng người sang tôi, như thể sợ các bàn bên cạnh nghe được cuộc trò chuyện sắp diễn ra.

- Anh may mắn quá, được trải nghiệm một chuyến phiêu lưu như thế, chuyến phiêu lưu hẳn phải rất khác thường đây... Và tôi hình dung chuyện được làm việc trên đài thiên văn Atacama hẳn phải vô cùng thú vị.

Này, lần này không những Walter không nhầm nước mà thậm chí hắn còn nhớ được cả nơi tuần trước tôi vẫn còn lưu lại. Chỉ riêng lời gợi nhắc về nơi chốn đã đưa tôi đến với sự bao la mênh mông của cảnh vật Chilê, cảnh trăng lên huy hoàng giữa buổi chiều tà, ở độ thuần khiết của đêm và độ chói sáng không thể so sánh của vòm trời.

- Anh có nghe tôi nói không đấy, Adrian?

Tôi thú nhận là đã bỏ lỡ câu chuyện hắn đang nói trong chốc lát.

- Tôi hiểu và chuyện đó cũng hoàn toàn bình thường thôi; giữa cơn mệt mới đây và chuyến đi dài này, tôi không hề để cho anh kịp có thời gian hoàn hồn, thứ lỗi cho tôi nhé Adrian.

- Được rồi, Walter, chúng ta hãy ngừng những câu quá mức lễ độ dành cho nhau đi! Thực ra, tôi đã tự chuốc lấy một cơn khó ở nho nhỏ tại độ cao năm nghìn mét, vài ngày nhập viện nằm trên một chiếc giường được một thầy tu khổ hạnh đặc biệt nhiều mưu mẹo thiết kế, tôi vừa ngồi máy bay một lèo hai mươi lăm tiếng đồng hồ trong tư thế đầu gối chạm cằm, vậy thì chúng ta hãy đi thẳng vào vấn đề. Tôi bị giáng cấp công tác hả? Bị cấm không được quay trở lại phòng thí nghiệm cô ăhng? Hay là bị đuổi khỏi Học viện, là thế chứ gì?

- Adrian, anh đang nghĩ đi đâu thế! Tai nạn này có thể xảy đến với bất kỳ ai trong chúng ta. Ngược lại thì có, tất cả mọi người ở đây đều lấy làm khâm phục vì những công việc anh đã hoàn thành tại Atacama.

- Làm ơn thôi ngay việc cứ hai câu lại nhắc đến cái tên ấy đi, rồi nói cho tôi biết mục đích anh mời tôi cái suất menu kinh khủng này đi.

- Chúng tôi có một việc nhỏ muốn nhờ anh giúp.

- Chúng tôi?

- Phải, rốt cuộc là Học viện mà anh hiện đang là một thành viên ưu tú, Adrian ạ, Walter mau mắn đáp.

- Loại việc gì vậy?

- Loại công việc sẽ cho phép anh quay lại Chilê trong một vài tháng ấy mà.

Lần này, Walter đã thu hút được sự chú ý của tôi.

- Chuyện này khá tế nhị, Adrian ạ, vì nó liên quan đến vấn đề tiền nong, Walter thì thào.

- Tiền nào cơ?

- Tiền mà Học viện sẽ cần để tiếp tục theo đuổi những công trình nghiên cứu của mình, tiền trả lương cho các nhà khoa học thuộc biên chế Học viện, tiền thuê cơ sở, không quên phần tiền dành cho việc tu bổ phần mái đang mỗi ngày một thêm lở tơi ra. Nếu trời tiếp tục mưa thế này, chẳng mấy chốc tôi sẽ phải đi ủng cao su để viết báo cáo hoạt động cá nhân.

- Đó là một bất trắc mà anh buộc phải đối mặt khi chọn văn phòng ở tầng trên cùng, điều duy nhất để tận hưởng là đôi chút ánh sáng. Tôi không phải người được thừa kế một gia sản kếch sù cũng chẳng phải thợ lợp mái, Walter ạ. Vậy thì những phẩm chất của tôi có thể giúp được gì cho Học viện đây?

- Chính xác, anh có thể giúp chúng tôi không phải với tư cách là thành viên của Học viện, mà với tư cách là nhà vật lý thiên văn lỗi lạc kia.

- Người tuy thế vẫn đang làm việc cho Học viện ấy à?

- Dĩ nhiên! Nhưng không nhất thiết trong khuôn khổ sứ mệnh mà chúng tôi muốn giao phó cho anh.

Tôi gọi cô phục vụ đến, trả lại cho cô ta món thịt bò hầm đậu trắng kinh khủng và gọi hai ly vang Kent loại hảo hạng kèm theo hai đĩa pho mát Chester; Walter nín thinh.

- Walter này, hãy giải thích cho tôi biết chính xác điều anh đang trông đợi ở tôi, bằng không, một khi đã chén xong đĩa pho mát, tôi sẽ chuyển sang món bánh pudding rưới rượu Bourbon, và dĩ nhiên là anh phải chủ chi đấy.

Walter bèn thổ lộ tâm tình. Tài khoản của Học viện đang khô không kém gì khí hậu của vùng cao nguyên Atacama. Không có hy vọng nào khả dĩ để tiếp tế cho ngân sách; đợi tới lúc các ban ngành của Nhà nước xét duyện bổ sung ngân sách hoạt động thì Walter có lẽ đã ngồi trong văn phòng mà câu được cá hồi sống rồi.

- Học viện tiếng tăm của chúng ta mà phải kêu gọi tài trợ thì sẽ chẳng ra thể thống gì cả; báo chí sớm muộn cũng sẽ chộp được tin này và sẽ xào xáo thành những tin giật gân tai tiếng, hắn tiếp.

Hai tháng nữa, một Quỹ Walsh nào đó sẽ tổ chức một buổi lễ. Như mọi năm, Quỹ này sẽ trao một khoản tài trợ cho cá nhân nào trình bày trước ban giám khảo một dự án nghiên cứu được nhận định là nhiều hứa hẹn nhất.

- Khoản tài trợ hào phóng này là bao nhiêu? Tôi hỏi.

- Hai triệu bảng Anh.

- Quả là hào phóng thật! Nhưng tôi vẫn không hiểu tôi có thể giúp gì trong chuyện này.

- Công việc của anh, Adrian ạ! Anh có thể trình bày những công việc anh đã và sẽ làm và có được giải thưởng này... giải thưởng mà anh sẽ sẵn lòng trao lại cho chúng tôi. Dĩ nhiên, báo giới sẽ nhìn thấy trong đó một nghĩa cử của bậc mạnh thường quân không vụ lợi và thể hiện lòng biết ơn đối với Học viện lâu nay đã hỗ trợ cho những nghiên cứu khoa học của anh. Nhờ thế, niềm vinh dự của anh lớn gấp bội, danh dự của Học viện được bảo toàn, và tình hình tài chính của khoa chúng ta hầu như được cân bằng.

- Liên quan đến lợi ích tiềm năng mà tôi có thể mang lại về mặt tiền bạc, tôi vừa nói vừa ra hiệu cho cô phục vụ rót đầy ly của mình một lần nữa, chỉ cần thăm căn hộ hai phòng tôi đang ở là đủ để không còn bất cứ nghi ngờ nào về đề tài này; trái lại, nghe anh nói “lòng biết ơn đối với Học viện lâu nay đã hỗ trợ cho những nghiên cứu khoa học của anh”, tôi rất muốn biết anh đang ám chỉ điều gì vậy? Đến cái phòng làm việc thiếu thốn đủ thứ phương tiện mà tôi đang có ư? Hay đến những dụng cụ và sách vở mà tôi mua được bằng tiền cá nhân, vì đã chán ngấy cái cảnh những đơn xin hỗ trợ kinh phí của mình không bao giờ được chấp nhận?

- Có cuộc thám hiểm Chilê của anh chứ, theo tôi biết thì chúng tôi đã hỗ trợ cho anh đấy thôi!

- Hỗ trợ ư? Anh chắc là đang nhắc đến cái nhiệm vụ mà tôi đã phải thực hiện trong quãng thời gian nghỉ không lương?

- Chúng tôi đã hỗ trợ cho hồ sơ dự tuyển của anh.

- Walter ạ, làm ơn đừng có đậm chất Anh quá như thế! Các vị chưa bao giờ tin vào những nghiên cứu của tôi!

- Phát hiện ra ngôi sao gốc, mẹ của tất cả các chòm sao, chính anh đã thừa nhận là dự án này hơi có phần tham vọng và phiêu lưu còn gì.

- Trình bày chính cái dự án này trước Quỹ Walsh cũng là phiêu lưu đúng không?

- Thánh Bernard đã nói “Mục đích quyết định phương tiện” mà.

- Và tôi hình dung là anh thấy rất tiện khi tôi phải tự chuốc vào thân một cục nợ?

- Được rồi, bỏ qua đi Adrian. Tôi đã nói với họ là anh sẽ không đồng ý rồi mà. Anh đã luôn gạt đi mọi uy quyền, một quãng thời gian ngắn ngủi thiếu oxy không thể thay đổi anh đến mức ấy được.

- Bởi vì anh không phải là người duy nhất nảy ra cái ý tưởng gàn dở này?

- Không, hội đồng trị sự đã họp bàn và tôi chỉ nêu tên một số nhà khoa học có khả năng chớp được cơ may giành phần thưởng trị giá hai triệu bảng thôi.

- Những ứng cử viên còn lại là ai?

- Tôi đã không tìm ra...

Walter gọi tính tiền.

- Tôi sẽ mời anh bữa này, Walter ạ. Số tiền này không sửa chữa được mái của Học viện, nhưng anh vẫn có thể tậu cho mình đôi ủng.

Tôi thanh toán hóa đơn rồi chúng tôi rời khỏi quán, mưa đã tạnh.

- Anh biết đấy, Adrian, tôi không hề có ác tâm nào với anh.

- Tôi cũng đâu có thế, Walter.

- Tôi dám chắc nếu chúng ta nỗ lực hơn chút nữa, chúng ta có thể hợp tác rất ăn ý.

- Nếu anh đã nói vậy.

Phần còn lại của chuyến đi dạo ngắn ngủi giữa chúng tôi diễn ra trong yên lặng. Những bước chân của chúng tôi rải đều, chúng tôi ngược lên phố Gower Court; người gác cổng đang đứng trong chòi gác ra hiệu chào chúng tôi. Khi bước vào đại sảnh của tòa nhà chính, tôi chào Walter và đi thẳng về phía chái nhà nơi đặt văn phòng làm việc của tôi. Đến bậc đầu tiên của cầu thang chính, Walter quay lại và cảm ơn tôi về bữa trưa. Một tiếng sau, tôi vẫn đang gắng sức tìm cách vào bên trong căn phòng bẩn thỉu nơi tôi làm việc. Hơi ẩm hẳn đã khiến khung cửa ra vào bị giơ và tôi đã hết kéo lại đẩy nhưng vô ích, cánh cửa không hề suy suyển. Kiệt sức, tôi đành phải bỏ cuộc và quay ngược trở lại; nói cho cùng, hẳn là có khá nhiều công việc thu dọn đang chờ tôi ở nhà, và quãng thời gian còn lại của buổi chiều sẽ không đủ để tôi làm xong đến nơi đến chốn.
Bình Luận (0)
Comment