Ngày Đầu Tiên

Chương 22

Luân Đôn

Keira không rời khỏi thư viện Học viện. Chúng tôi ghé qua để dẫn cô ấy đi ăn tối, nhưng Keira muốn chúng tôi để mặc cô ấy ngồi một mình đọc nốt cho xong. Cô ấy chỉ hạ cố ngẩng đầu lên trong khi phác tay ý bao chúng tôi đi đi.

- Hai anh cứ ăn tối với nhau đi, em đang bận việc, đi nào, đi cho khuất mắt em nào.

Walter nói với cô ấy đã đến giờ thư viện đóng cửa nhưng chẳng ích gì, cô ấy không muốn để vào tai; anh bạn đồng nghiệp của tôi đành phải xin người gác đêm thông cảm cho Keira được ở lại nghiên cứu chừng nào cô ấy muốn. Cô ấy hứa lát nữa sẽ về nhà gặp tôi.

Năm giờ sáng vẫn chưa thấy bóng dáng cô ấy đâu. Tôi đứng dậy và đi lấy xe trong tâm trạng lo âu.

Đại sảnh của Học viện vắng tanh vắng ngắt. Người gác đêm đang ngủ gà ngủ gật trong chòi gác. Gã giật nảy người khi nhìn thấy tôi.

Keira không thể rời khỏi tòa nhà, những cánh cửa ra vào đều đã được khóa kỹ và nếu không có mật khẩu cô ấy sẽ không thể mở cửa.

Tôi rảo bước trong hành lang dẫn tới phòng đọc lớn của thư viện, người gác đêm theo sát gót.

Keira thậm chí không nhận ra sự có mặt của tôi; đứng đằng sau cánh cửa ra vào bằng kính, tôi nhìn cô ấy đang mải miết đọc. Thỉnh thoảng, cô ấy ghi chép vào một cuốn vở. Tôi ho khẽ để đánh động, cô ấy nhìn tôi và mỉm cười.

- Trời đã tối muộn rồi ạ? Cô ấy vừa hỏi vừa vươn vai.

- Hoặc sớm, cái đó còn tùy. Bình minh rồi mà.

- Em nghĩ là mình đói chết đi được, cô ấy vừa nói vừa khép cuốn sách lại.

Cô ấy sắp xếp lại các ghi chép, cất sách vào đúng chỗ trên giá rồi khoác tay tôi, hỏi liệu tôi có muốn đưa cô ấy đi ăn sáng không.

Thành phố trong bầu không khí tĩnh lặng của buổi sớm mai toát lên vẻ đẹp huyền ảo. Chúng tôi gặp một chiếc xe tải nhỏ của người bán sữa đang bắt đầu chuyển giao hàng thường nhật; tại Luân Đôn, mọi thứ vẫn còn chưa thay đổi.

Tôi đỗ xe trên khu đồi Primrose. Tấm cửa cuốn của một quán trà vừa được nâng lên và bà chủ quán đang kê những chiếc bàn đầu tiên ra mảnh sân hiên. Bà đón chúng tôi vào mở hàng.

- Cuốn sách đó có gì hấp dẫn mà khiến em đọc một lèo cả đêm như vậy?

- Em còn nhớ là linh mục không nói với anh về những kim tự tháp phải khám phá, mà là những kim tự tháp ẩn, hai thứ đó không giống nhau. Chuyện đó khiến em tò mò và em đã tra cứu nhiều cuốn sách nói về chủ đề này.

- Anh xin lỗi, nhưng anh không hiểu khác nhau ở chỗ nào.

- Trên thế giới có ba nơi còn tồn tại các kim tự tháp ẩn. Ở Trung Mỹ, một vài đền đài được khám phá và lập tức rơi vào quên lãng, thiên nhiên lại phủ lên đó một lần nữa, tại Bosnia, các hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy sự xuất hiện của các kim tự tôi háp, người ta vẫn chưa biết ai đã xây dựng chúng, cũng không rõ chúng được xây nên nhằm mục đích gì; và tại Trung Quốc, tại đó thì là cả một câu chuyện hoàn toàn khác.

- Trung Quốc cũng có kim tự tháp sao?

- Người ta đếm được hàng trăm kim tự tháp. Thế giới phương Tây hoàn toàn không biết đến chúng cho tới những năm 1910. Phần lớn trong số đó nằm trong tỉnh Thiểm Tây, trong bán kính một trăm kilômét quanh thành phố Tây An. Những kim tự tháp đầu tiên được Fred Meyer Schroder và Oscar Maman khám phá vàonăm 1912, những kim tự tháp khác được phái bộ Segalen phát hiện. Năm 1945, một viên phi công quân sự Mỹ đang bay từ Ấn Độ sang Trung Quốc, khi bay qua núi Tần Lĩnh đã chụp được một bức ảnh về cái mà anh ta gọi là kim tự tháp trắng. Kể từ đó, người ta chưa bao giờ có thể xác định được vị trí chính xác của nó, nhưng nó hẳn phải lớn hơn kim tự tháp Kheops. Bài báo viết về nó được đăng tải trong một ấn bản của tờ New York Sunday News hồi mùa xuân năm 1947.

Trái ngược với những người chị họ Maya hay Ai Cập của nó, phần lớn các kim tự tháp Trung Quốc không được xây dựng bằng đá mà bằng đất và đất sét. Người ta biết rằng như ở Ai Cập, kim tự tháp được dùng làm mộ phần cho các hoàng đế và các danh gia vọng tộc.

Các kim tự tháp luôn mê hoặc những người mộ đạo, chúng làm xuất hiện không ít những giả thiết kỳ cục. Trong suốt hàng nghìn năm, chúng là công trình lớn nhất được xây dựng bằng đất, giống kim tự tháp đỏ của ngôi mộ cổ vĩ đại Dahshur trên bờ Tây sông Nil, hay kim tự tháp Kheops, kỳ quan duy nhất trong số bảy kỳ quan của Thế giới Cổ đại còn tồn tại cho đến ngày nay. Tuy nhiên có điều này vẫn luôn khiến người ta bối rối không biết lý giải ra sao: các kim tự tháp quan trọng nhất đều được xây dựng hầu như cùng một thời, mà không ai hiểu được làm thế nào những nền văn minh xa cách nhau đến thế lại có thể tái tạo nên một mô hình kiến trúc đồng nhất.

- Có lẽ thời đó người ta chu du nhiều hơn chúng ta tưởng, tôi đánh liều gợi ý.

- Đúng, điều anh nói có lẽ không đến mức phi lý đâu. Em đã tra cứu trong thư viện một mục của Bách khoa thư Britannica năm 1911. Những mối liên hệ giữa Ai Cập và Êtiôpia được củng cố vào triều đại pharaon thứ hai mươi hai; kể từ triều đại thứ hai mươi lăm, thậm chí hai nước này còn có cùng chính quyền cai trị; thủ đô của cả hai đế chế được đặt tại Napata, thuộc phía Bắc lãnh thổ Suđăng hiện nay. Nhưng bằng chứng đầu tiên về mối quan hệ giữa Êtiôpia và Ai Cập còn cổ hơn nữa. Ba nghìn năm trước Công nguyên, giới thương gia thường nhắc đến xứ Pount, phần lãnh thổ phía Nam Nubie. Chuyến đi đầu tiên tới xứ Pount đã diễn ra dưới triều pharaon Sahourê. Nhưng anh nghe cho kỹ nhé, những bức tranh tường của thế kỷ mười lăm trước Công nguyên được tìm thấy trên chính điện Deir el-Bahari, miêu tả một nhóm dân du mục mang theo hương, vàng, ngà voi, gỗ mun, và nhất là nhựa trám hương. Mà chúng ta vẫn biết rằng, ngay từ những triều đại đầu tiên, người Ai Cập đã rất ưa chuộng nhựa trám hương. Điều này cho phép suy đoán rằng cách hoạt động giao thương với Êtiôpia được đẩy mạnh từ khi Ai Cập mới hình thành.

- Toàn bộ chuyện này thì có liên hệ gì đến tòa kim tự tháp Trung Quốc của em?

- Em sắp nói tới đoạn đó rồi đây. Cái chúng ta đang tìm cách thiết lập, đó là mối quan hệ có thể tồn tại giữa bản văn này và chiếc mặt dây chuyền của em. Bản văn được viết bằng tiếng Guèze cổ này nói với chúng ta về các kim tự tháp. Anh hãy nhớ lại câu thứ ba: Để không ai biết điểm viễn địa nằm ở đâu, đêm của một là người gác của khúc dạo đầu. Max đã nói với chúng ta, vấn đề ở đây không phải là dịch từng chữ mà là hiểu tổng thể bản văn. Từ “khúc dạo đầu” có thể chỉ “điểm gốc”. Vậy thì câu đó sẽ phải hiểu như sau: Để không ai biết tuyệt đỉnh nằm ở đâu, đêm của một tuyệt đỉnh là người gìn giữ nguồn gốc.

- Quả là như thế nghe xuôi hơn, nhưng anh rất tiếc, anh vẫn chưa hiểu ý em là gì.

- Ta đã tìm thấy chiếc mặt dây chuyền của em ở giữa hồ cách tam giác Ilemi vài kilômét, còn xứ Pount trứ danh là biên giới giữa Êtiôpia, Keny avà Suđăng. Anh có biết người Ai Cập gọi xứ Pount là gì không?

Tôi chẳng hiểu chút khái niệm gì về chuyện đó cả, Keira nhìn tôi ngạo nghễ và tiến lại gần tôi.

- Họ vẫn gọi nó là “Ta Nétérou” nghĩa là “Đất của các vị thần”, hay còn nữa “xứ sở cội nguồn”. Vùng này cung có sông Nil Xanh, khởi nguồn của sông Nil; chỉ cần xuôi dòng nước là đến Djoser, kim tự tháp đầu tiên và cổ nhất trong số các kim tự tháp Ai Cập tại Saqqarah. Có lẽ chiếc mặt dây chuyền của em đã trôi theo dòng nước xuống đến trung tâm hồ Turkana. Giờ thì hãy quay trở lại với Trung Quốc, em đã dành nửa đêm còn lại để nghiên cứu về đề tài này. Nếu lời chứng của viên phi công người Mỹ là xác thực – vì sự tồn tại của kim tự tháp trắng này vẫn gây tranh cãi -, kim tự tháp mà người này đã chụp ảnh lại sẽ đạt đỉnh cao nhất vào khoảng hơn ba trăm mét, và nó sẽ là kim tự tháp cao nhất thế giới.

- Em muốn chúng ta sang Trung Quốc đến đến tận núi Tần Lĩnh?

- Có lẽ đó là thông điệp của bản văn viết bằng tiếng Guèze. Những kim tự tháp ẩn... Trung Mỹ, Bosnia hoặc Trung Quốc! Em sẽ chọn kim tự tháp cao nhất trong số đó, đây là một vụ cá cược, một phần ba cơ hội! Nhưng ba mươi ba phần trăm cơ may đã là quá nhiều đối với một nhà khoa học, vả lại em tin vào linh tính bản năng của mình.

Tôi hầu như không thể hiểu nổi việc Keira quay ngoắt thái độ như vậy. Cách đây ít lâu, hễ có dịp là cô ấy không ngừng nhắc đi nhắc lại với tôi cô ấy nhớ Êtiôpia biết chừng nào. Tôi biết cô ấy phải thường xuyên tự kiềm chế để không gọi cho Éric, anh bạn đồng nghiệp đang chỉ đạo nhóm cộng sự thay cô ấy. Mỗi ngày trôi qua, tôi lại càng thấy sợ cái khoảnh khắc cô ấy sẽ thông báo với tôi là mọi việc đã trở lại bình thường trong thung lũng Omo, và cô ấy sẽ lại lên đường quay trở về đó. Thế mà cô ấy lại đang đề nghị tôi rời châu Phi thân thương và những bãi khai quật của cô ấy xa hơn nữa.

Lẽ ra tôi phải vui sướng với ý nghĩ được cùng sang Trung Quốc với cô ấy, được chia sẻ nỗi phấn khích với cô ấy, nhưng khi cô ấy gợi ý với tôi chuyến đi này, kế hoạch lại khiến tôi lo ngại vì vô vàn lý do.

- Dẫu sao em cũng phải thừa nhận là chúng ta đang bới cả bó cỏ khô chỉ để tìm một cây kim. Và bó cỏ khô của em lại còn ở tận Trung Quốc nữa chứ!

- Anh có làm sao không đấy? Anh không buộc phải tới đó, Adrian ạ; nếu anh thích dạy dỗ dám sinh viêm ngoan ngoãn của mình thì cứ việc ở lại Luân Đôn, em hoàn toàn có thể hiểu và thông cảm, ít ra anh cũng có cuộc sống riêng tại dây.

- Ý em là sao, ít ra anh cũng có cuộc sống riêng tại đây là sao?

- Là hôm qua em đã gọi cho Éric, cảnh sát Êtiôpia đã tìm đến khu trại và nếu bây giờ em quay trở lại đó thì sẽ phải lập tức đến trình diện trước tòa theo giấy triệu tập. Điều này có nghĩa là chính nhờ chuyến khứ hồi ngắn ngủi đến hồ Turkana em đã có nhã ý đi cùng anh, em vừa bị đánh bật khỏi các hố khai quật của mình lần thứ hai trong vòng chưa đầy một năm! Em chẳng còn việc làm, không có chỗ nào để đi, và chỉ vài tháng nữa là em phải trình báo cáo lên tổ chức đã trao cho em cả một gia tài. Anh bảo em làm được gì nữa nào? Ở lại Luân Đôn để sắm vai nội trợ trong lúc chờ đợi anh đi làm về chắc?

- Lúc còn ở Paris nơi em ở đã bị trộm viếng thăm, phòng khách sạn của chúng ta tại Đức bị lục lọi, một linh mục đã bị ám sát ngay trước mắt chúng ta, và đừng nói với anh là em không băn khoăn chút nào về nguyên nhân cái chết của vị tộc trưởng. Em không thấy là chúng ta đã gặp đủ rắc rối kể từ khi quan tâm đến cái mặt dây chuyền đáng nguyền rủa này sao? Và nếu chính em lãnh phát đạn của tay súng đó? Nếu cái gã lái xe ẩu thả ở Nebra không bỏ lỡ mục tiêu? Em đúng là vô tư lự chả khác gì Walter!

- Nghề của em vốn mạo hiểm, Adrian ạ, thường xuyên phải đối mặt với rủi ro. Anh nghĩ những người phát hiện ra bộ xương của Lucy có sẵn trong tay tấm bản đồ của khu nghĩa địa hay những tọa độ GPS từ trên trời rơi xuống chắc? Dĩ nhiên là không! Cô ấy nổi cáu. Bản năng chính là cái tạo nên những nhà khám phá, sự nhạy bén, giống như ở các điều tra viên vĩ đại vậy.

- Nhưng em đâu phải điều tra viên hả Keira.

- Cứ làm những gì anh muốn, Adrian, nếu anh sợ, em sẽ đi một mình. Nếu chúng ta chứng minh được chiếc mặt dây chuyền của em thực sự có bốn trăm triệu năm tuổi, anh có nhận ra tầm quan trọng của khám phá này không? Anh có nhận thấy chuyện này sẽ kéo theo điều gì không? Nó sẽ làm đảo lộn những gì? Em sẵn sàng đào bới lục lạo tất tật mọi bó cỏ khô trên Thế giới để làm được điều đó, miễn là người ta cho em cơ hội. Nên nhớ, chính anh đã đề nghị em chinh phục ba trăm tám mươi lăm triệu năm trong cuộc tìm kiếm nguồn gốc của chúng ta. Vậy mà bây giờ anh lại muốn em đầu hàng ư? Anh sẽ từ chối chứng kiến khoảnh khắc đầu tiên hình thành Vũ trụ, chỉ với lý do duy nhất là chiếc kính viễn vọng cho phép anh làm điều kỳ diệu này có vẻ khó tiếp cận ư? Anh suýt chết ở độ cao năm nghìn mét với hy vọng duy nhất là được quan sát các ngôi sao từ khoảng cách gần hơn. Cứ việc ở lại trong cuộc sống nhiều mưa tầm thường và không nguy cơ của mình, đó là quyền của anh, điều duy nhất em yêu cầu anh là giúp em một tay, em không có tiền trang trải chuyến đi này, nhưng em hứa một ngày kia sẽ trả lại cho anh đầy đủ.

Tôi không nói gì, bởi vì tôi đang giận điên, giận vì đã kéo cô ấy vào chuyện này, giận vì cảm thấy có lỗi trong tổn thất về công việc của cô ấy, và không thể đưa cô ấy tránh xa những hiểm nguy mà tôi đã dự đoán được. Tôi đã ôn lại hàng trăm lần cuộc tranh luận này, nhớ lại hàng trăm lần cái giây phút tôi sợ sẽ mất cô ấy nếu làm cô ấy thất vọng. Mỗi ngày tôi lại giận dữ hơn vì đã tỏ ra hèn nhát như vậy.

Tôi đã đi gặp Walter, như người ta đi tìm một người bạn để cầu cứu. Nếu tôi không thể thuyết phục Keira từ bỏ chuyến đi này, có lẽ hắn sẽ tìm ra lời lẽ để khuyên can cô ấy. Nhưng lần này, hắn từ chối giúp tôi. Thậm chí hắn còn hài lòng khi thấy chúng tôi rời Luân Đôn. Hắn bảo, ít ra, không ai nghĩ đến chuyện truy lùng chúng tôi tại Trung Quốc. Thế rồi hắn nói thêm rằng quan điểm của Keira là hợp lẽ; hắn còn khích tôi, hỏi tôi có phải tôi đã mất sạch sở thích phiêu lưu rồi hay không. Chẳng phải tôi đã chấp nhận những hiểm nguy khôn lường trên cao nguyên Atacama đó sao? Hay là hắn cùng đi?

- Phải rồi, nhưng chính tôi mới là người đối mặt với nguy hiểm, không phải cô ấy!

- Thôi cái trò cứu khổ cứu nạn đi, Adrian, Keira là một cô gái vĩ đại, trước khi gặp cậu, cô ấy vẫn sống một mình giữa châu Phi, xung quanh đầy rẫy sư tử, hổ báo và những kiểu hàng xóm nào khác tôi không biết nữa. Cho đến nay vẫn chưa có con dã thú nào trong số đó xé xác được cô ấy! Vậy thì cái khía cạnh “mình tôi lo tất” chỉ thú vị ở nhà mẹ anh thôi, còn đối với một cậu trai ở tuổi anh, biết nói thế nào nhỉ, như thế vẫn còn quá sớm!

Tôi đã mua vé máy bay. Tại hãng lữ hành theo lời khuyên của Walter, hãng nào đã rất chu đáo trong chuyến đi của hắn tới Hy Lạp, đã báo trước là cần phải đợi ít nhất là mười ngày chúng tôi mới nhận được thị thực. Tôi hy vọng việc trì hoãn này sẽ cho tôi thêm thời gian để thuyết phục Keira đổi ý, nhưng hai hôm sau hãng lữ hành đã gọi lại; chúng tôi gặp may vì đại sứ quán Trung Quốc đã xử lý xong hồ sơ của chúng tôi, hộ chiếu của chúng tôi đang đợi sẵn. Bạn cứ gọi đó mà may mắn đi.

Luân Đôn

Đã đến cuối bữa ăn, Vackeers vừa có một bữa trưa thú vị cùng người đồng hội, tuy nhiên ông vẫn tự hỏi liệu có phạm phải một lỗi chạy theo thị hiếu không khi mời người này dùng bữa tại một nhà hàng Trung Hoa, nhưng xét cho cùng, ẩm thực là một trong những nét đặc sắc mà dường như Luân Đôn và Bắc Kinh tha hồ tận hưởng.

- Chúng ta sẽ tiến hành theo dõi sát sao những kín đáo, ông cam đoan với người kia như vậy. Để những người khác không phải lo lắng gì hết, chúng ta đang làm việc hết sức hiệu quả.

Vackeers không hề nghi ngờ điều đó; thời trẻ, ông đã làm việc vài năm tại biên giới Myanma, ông biết về khoản thận trọng và kín kẽ thì người Trung Quốc chẳng khác nào huyền thoại. Khi các đội biệt kích Trung Quốc đột nhập vào lãnh thổ ngoại quốc, ta không nghe thấy họ đến hay đi, chỉ có xác các nạn nhân chứng tỏ họ đã viếng thăm hàng xóm của mình mà thôi.

- Điều thú vị nhất, Bắc Kinh nói, là tôi sẽ gặp hai nhà khoa học của chúng ta trên máy bay. Khi qua cửa hải quan, hành lý của họ sẽ bị kiểm tra, một thao tác đơn thuần theo đúng thủ tục và hoàn toàn thiện chí, nhưng sẽ cho phép chúng tôi gắn thiết bị theo dõi lên một số đồ đạc cá nhân của họ. Chúng tôi đã cài sẵn thiết bị định vị toàn cầu vào chiếc xe thuê sẽ được giao vào tay họ khi họ tới nơi. Ông đã làm cái việc cần làm chưa?

- Sir Ashton quả là quá hạnh phúc khi giúp đỡ, Vackeers. Ông ta sợ công việc này đến khó tin; ông ta sẵn sàng đánh cắp đồ trang sức của Nữ hoàng nếu ta đảm bảo rằng đó là cách chắc chắn nhất để không mất dấu hai nhà khoa học kia. Mọi chuyện sẽ diễn ra như sau: chờ đúng lúc đến lượt họ, cổng an ninh tại sân bay Heathrow sẽ được chỉnh lên mức nhạy nhất. Để họ đi qua kiểu gì cũng gây báo động, nhà vật lý thiên văn sẽ không có lựa chọn nào khác là để toàn bộ của nả đồ đạc cá nhân lên băng chuyền đi qua máy chiếu tia X. Trong khi anh ta bị một nhân viên đặc biệt mẫn cán khám xét người, các điệp viên của Sir Ashton sẽ gắn thiết bị vào đồng hồ đeo tay của anh ta.

- Thế còn nhà khảo cổ? Liệu cô ả có nhận ra chuyện gì không?

- Cô ta cũng sẽ được chăm sóc kỹ càng trong thời gian đó. Ngay khi gắn xong thiết bị, Sir Ashton sẽ cung cấp cho ông tần số. Tôi phải thú nhận là chuyện này khiến tôi hơi lo một chút, vì như thế thì chính ông ta cũng sẽ có thông tin về họ.

- Yên tâm đi, Amsterdam, kiểu thiết bị này chỉ hoạt động ở tầm ngắn thôi. Sir Ashton có thể dùng tiền chiêu mộ toàn bộ nhân lực trên lãnh thổ Anh như ý, nhưng ngay khi hai nhà khoa học của chúng ta đặt chân sang lãnh thổ nước tôi, tôi không nghĩ ông ta có thể biết được chuyện gì. Ông cứ tin tưởng chúng tôi, các báo cáo về hoạt động của họ sẽ được gửi đến hàng ngày cho toàn bộ hội đồng, còn Sir Ashton sẽ không biết được gì đâu.

Điện thoại của Vackeers phát ra hai tiếng chói tai. Ông đọc tin nhắn vừa nhận rồi xin lỗi vị khách, ông còn một cuộc hẹn khác.

Vackeers lên taxi và yêu cầu tài xế đưa mình tới South Kensington. Chiếc xe thả ông xuống phố Bute, trước một cửa hiệu nhỏ chuyên bán sách Pháp. Trên vỉa hè đối diện, đúng như tin nhắnt hông báo, có một phụ nữ trẻ đang vừa đọc Le Monde vừa nhấm nháp cà phê tại sân hiên của hiệu bánh.

Vackeers ngồi vào bàn kế bên, gọi một tách trà và giở một tờ nhật báo ra đọc. Ông ngồi đó một lát, thanh toán tiền đồ uống rồi đứng dậy, bỏ quên tờ báo đọc dở trên bàn.

Keira nhận thấy thế bèn chộp lấy tờ báo, gọi người đàn ông đang đi xa dần, nhưng ông ta đã rẽ ở góc phố. Vackeers đã giữ đúng lời hứa với Ivory, tối nay ông sẽ quay trở lại Amsterdam.

Khi đặt lại tờ nhật báo lên bàn, Keira thấy lộ ra một bức thư. Cô nhẹ tay kéo phong bì ra và giật thon thót khi đọc thấy tên mình trên đó.

Keira thân mến,

Thứ lỗi cho tôi vì không thể trực tiếp chuyển tới cô lời nhắn này, nhưng vì những lý do chán ngắt không đáng giải thích cùng cô, tốt hơn hết là tôi không nên xuất hiện gần cô. Tôi viết những dòng này cho cô không phải để cô phải bận tâm lo lắng, mà trái lại, để chúc mừng cô và cung cấp cho cô một số tin tức chắc chắn sẽ khiến cô hài lòng. Tôi vui mừng khi phát hiện ra rằng, cái truyền thuyết mê hồn về Tikkun Olamu mà tôi có nhắc đến khi cô ghé qua văn phòng làm việc của tôi, cuối cùng cũng đã đánh thức sự quan tâm từ phía cô. Tôi biết là khi chúng ta tranh luận tại Paris, cô đã nghĩ rằng tôi quá già để giữ được trọn vẹn lý trí của mình. Nếu tôi có lấy làm tiếc về những sự kiện đã xảy đến với cô những tuần vừa qua, thì có lẽ cũng xứng đáng vì chúng sẽ khiến cô thay đổi định kiến về tôi.

Tôi hứa sẽ cho cô biết những tin tốt lành, chúng đây. Tôi biết trên đường đi cô đã gặp một bản văn rất cổ, xin hãy hiểu cho rằng tôi có biết đến sự tồn tại của nó, nhưng chính nhờ có cô và chiếc mặt dây chuyền cua cô tôi mới có thể hiểu thêm về bản văn mà bấy lâu nay tôi không tài nào hiểu được. Mặt khác, tôi vẫn đang tiếp tục sao phiên lại. Nhân tiện nhắc đến chuyện này, tài liệu mà cô đang nắm trong tay là bản chưa đầy đủ, vẫn còn thiếu một dòng; nó đã bị xóa mất. Tôi đã lần ra dấu vết của nó trong một thư viện rất cổ tại Ai Cập trong khi đọc lướt một bản dịch mà tôi miễn cho cô khỏi phải đọc vì không được chuẩn xác cho lắm. Tuy không thể ở bên cô như hằng mong, nhưng tôi không thể cưỡng lại mong muốn giúp cô mỗi khi có dịp.

Câu còn thiếu đó đại ý thế này: “Sư tử ngủ trên phiến đá tri thức”.

Toàn bộ chuyện này vẫn còn hết sức bí ẩn, không phải vậy sao? Đối với tôi cũng vậy. Nhưng bản năng mách bảo tôi rằng một ngày nào đó thông tin này có lẽ sẽ trở nên hữu ích với cô. Nhiều sư tử nằm phủ phục dưới chân các kim tự tháp, đừng quên là một vài con trong số chúng hung dữ hơn những con khác, khao khát tự do hơn. Những con đơn độc nhất sống cách xa bầy; tôi đồ rằng không phải chỉ dảy cho cô điều gì hết vì cô đã quá quen với loài sư tử rồi, cô biết rõ châu Phi đến thế kia mà. Bạn thân mến, hãy bảo trọng, cô không phải người duy nhất quan tâm tới truyền thuyết về Tikkun Olamu. Và dẫu sao nó cũng chỉ là một truyền thuyết... tôi biết có một vài giấc mơ, thường là những giấc mơ hão huyền nhất, thường dẫn tới những khám phá gây kinh ngạc nhất. Chúc cô thượng lộ bình an. Tôi rất vui vì cô đã quyết định lên đường.

Người bạn tận tâm của cô, Ivory.

TB: Đừng kể với ai về bức thư này, thậm chí là với những người thân cận của cô. Hãy đọc lại lần nữa để ghi nhớ tất cả các chi tiết rồi hủy nó đi.

Keira làm theo lời dặn của Ivory. Cô đọc lại lá thư thêm hai lần nữa và không hề hé lời nào với ai, kể cả tôi, ít ra là vào lúc đó. Nhưng thay vì hủy nó đi, cô ấy gập tờ thư lại và cất vào túi áo.

Chúng tôi từ biệt Walter và ngày thứ Sáu ấy, tôi còn nhớ đinh ninh như thể mới là ngày hôm qua, chúng tôi đã lên một chuyến bay dài cất cánh lúc 20h35 đi Bắc Kinh.

Qua cửa an ninh đúng là địa ngục. Từ nay về sau tôi thề với lòng mình sẽ hết sức tránh khởi hành từ sân bay Heathrow. Phát bực vì cách đối đãi mà các nhân viên quá nhiệt tình trút lên chúng tôi, Keira rốt cuộc đã nổi cơn lôi đình. Tôi đã khuyên nhủ được cô ấy vào phút cuối, ngay trước khi họ đe dọa sẽ lột sạch quần áo của chúng tôi để lục soát kỹ hơn.

Chuyến bay cất cánh đúng giờ và một khi máy bay đạt tốc độ cao ổn định, Keira cuối cùng cũng nguôi cơn giận. Tôi tranh thủ mười tiếng đồng hồ trên máy bay để cố học lấy vài từ vựng cho phép tôi chào hỏi, tạm biệt, làm ơn hoặc cám ơn. Chào ai, cảm ơn vì cái gì... thì tôi hoàn toàn mù tịt.

Tôi từ bỏ khá nhanh chóng khóa Trung văn cấp tốc và lại quay ra mải miết với việc đọc sách vốn phù hợp với sở thích cá nhân hơn.

- Anh đang đoc gì vậy? Keira hỏi tôi vào giữa chuyến đi.

Tôi cho cô ấy xem bìa sách và đọc nhan đề: Chuyên luận về sự phát xạ của các phần tử ở ngoại vi các thiên hà.

Cô ấy lẩm bẩm ừ hữ theo kiểu tôi không thể hiểu được.

- Gì cơ?

- Quyển sách của anh có vẻ thực sự lý thú đấy, cô ấy nói, em tin là bộ phim còn hay hơn, họ còn định làm phần tiếp theo nữa cơ...

Cô ấy quay đi và tắt ngọn đèn nhỏ gắn bên trên chỗ ngồi.

Bắc Kinh

Chúng tôi đến nơi vào đầu giờ chiều trong tình trạng kiệt sức, phần vì chuyến bay dài phần vì chênh lệch múi giờ. Các thủ tục hải quan diễn ra không gặp trở ngại gì đáng kể, một đợt kiểm tra qua loa thường gặp, các nhân viên sân bay ở đây cũng nhã nhặn dễ chịu hơn ở nơi xuất phát. Thông qua môi giới của hãng lữ hành, tôi đã đặt trước một chiếc xe hai cầu sản xuất tại Trung Quốc. Hợp đồng đã được lập sẵn với tên chúng tôi tại quầy thuê đặt tại sảnh sân bay và một chiếc xe mới toanh đang đợi chúng tôi ngoài bãi đậu.

May thay, chiếc xe thuê này lại được gắn thiết bị định vị; vì tìm đường hay định hướng ở Trung Quốc không phải chuyện dễ dàng, người phương Tây không thể đọc được tên các đại lộ. Tôi nhập địa chỉ khách sạn nơi đã đặt phòng trước, và tôi chỉ còn phải đi theo mũi tên nhỏ xíu sẽ dẫn tôi về phía trung tâm thành phố.

Đường xá đông nghẹt xe cộ. Vòng ngoài Tử Cấm thành đột nhiên xuất hiện phía bên tay phải chúng tôi. Xa chút nữa bên tay trái hiện lên sừng sững đài tưởng niệm Người chỉ đường cho dân tộc, xa hơn nữa, quảng trường Thiên An Môn gợi lên những ký ức đau thương. Chúng tôi vừa đi qua mái vòm của Nhà hát Trung ương có kiến trúc hiện đại nổi bật trên khung cảnh đô thị.

- Anh mệt à? Keira hỏi.

- Không mệt lắm.

- Hay là chúng ta lái thẳng tới Tây An?

Tôi hiểu nỗi sốt ruột của cô ấy, nhưng từ đây tới đích còn cả nghìn cây số, một đêm nghỉ lại Bắc Kinh sẽ khiến chúng tôi khỏe khoắn hơn.

Không thể đến gần Tử Cấm thành như thế rồi lại không vào tham quan bên trọng. Chúng tôi ghé qua khách sạn trong chốc lát để thay quần áo. Từ phòng khách sạn, tôi nghe thấy tiếng nước chảy trong phòng tắm, nơi Keira đang tắm và tiếng nước chảy róc rách này khiến tôi chợt cảm thấy hạnh phúc, xóa đi những lo toan đã suýt buộc tôi từ chối bước vào chuyến phiêu lưu này cùng cô ấy.

- Anh có đó không? Cô ấy hỏi vọng ra từ phía bên kia.

- Anh đây, có chuyện gì vậy?

- Chẳng có chuyện gì đâu...

Tôi đã sợ chúng tôi sẽ lạc trong mớ bòng bong những đường phố giống nhau như đúc. Taxi tả chúng tôi xuống công viên Cảnh Sơn.

Tôi chưa từng nhìn thấy một vườn hồng nào diễm lệ đến thế. Phía trước chúng tôi là cây cầu bằng đá bắc qua một hồ nước nhỏ. Như hàng trăm du khách tham quan mỗi ngày, chúng tôi băng qua cây cầu đó, như hàng trăm du khách khác, chúng tôi dạo bước trên những lối đi của công viên. Keira khoác tay tôi.

- Ở đây em thấy hạnh phúc, cô ấy nói.

Giá như có thể khiến thời gian ngưng đọng, tôi sẽ khiến thời gian ngưng đọng chính tại giây phút này. Giá như có thể quay trở về quá khứ, tôi cũng sẽ quay lại chính nơi đây, trước một nhành hồng trắng, trên một lối đi của công viên Cảnh Sơn.

Chúng tôi vào thành qua cửa phía Bắc. Tôi cần phải viết kín cả trăm trang giấy mới có thể tả hết vẻ đẹp bày ra trước mắt chúng tôi lúc đó; những thành quách cổ kính, nơi biết bao triều đại kế tục nhau, khu vườn thượng uyển nơi xưa kia các cung tần mỹ nữ dạo chơi, Vạn Xuân đình, những mái điện màu đỏ nhấp nhô trên đó dường như có vài con rồng bằng vàng đang vùng vẫy, những con hạc bằng đồng in trên nền trời, ngưng đọng trong sự trường tồn vĩnh cửu, những bậc thang bằng đá hoa cương được đẽo tạc như đăng ten. Ngồi trên băng ghế gần một gốc cây đại thụ, cặp vợ chồng già người Trung Quốc bật cười ha hả, vì lẽ gì chúng tôi không biết; chúng tôi không hiểu lời nào trong câu chuyện của họ, càng không hiểu điều gì khiến họ cười sảng khoái đến vậy, chỉ có ánh mắt họ nhìn nhau cho phép đoán biết mối đồng cảm đang gắn kết hai người với nhau.

Tôi muốn tin rằng ngày nay vẫn vậy, họ vẫn quay lại giữa Tử Cấm thành, ngồi trên băng ghế đá và cùng nhau vui đùa.

Lần này thì cơn mệt mỏi đã giành phần thắng. Keira không thể đứng vững nữa và tôi cũng chẳng khá hơn. Chúng tôi quay về khách sạn.

* * *

Chúng tôi không biết đã thiếp đi bao nhiêu tiếng đồng hồ. Kết thúc bữa sáng vội vàng rồi chúng tôi rời Bắc Kinh. Một chặng đường dài đang chờ phía trước và tôi không nghĩ đi một mạch là có thể tới nơi nội trong ngày.

Thôn quê nối tiếp thành thị, đồng bằng như trải dài bất tận và dãy núi thấp thoáng phía chân trời dường như không bao giờ gần lại. Ba trăm cây số đã ở phía sau, thỉnh thoảng chúng tôi lại xuyên qua vài thành phố công nghiệp bị đẩy ra những nơi đồng không mông quạnh, chúng giúp xóa đi nét đơn điệu của địa hình. Chúng tôi dừng chân lại Thạch Gia Trang để đổ đầy bình xăng. Tại trạm phục vụ xe, Keira quyết định mua một chiếc sandwich, có phần lấy cảm hứng từ món hot dog, ngoại trừ việc không thể xác định loại xúc xích kẹp bên trong. Tôi từ chối nếm thử, Keira nuốt vài miếng với vẻ khoái trá tôi ngờ là hơi cường điệu. Năm mươi cây số tiếp theo, mặt nữ hành khách của tôi biến sắc, tôi phanh gấp xe lại bên vệ đường. Người cúi gập, Keira lao vội đến đằng sau một bờ dốc; mười phút sau cô ấy leo lên xe và cấm tôi được bình luận bất cứ điều gì.

Để chống chọi cơn buồn nôn – mà tôi đã hứa sẽ không hé lời nào về nguyên do – cô ấy cầm lái. Khi tới Dương Tuyền, chúng tôi đang ở kilômét 400, Keira nhận ra trên đỉnh đồi có một thôn làng nhỏ xây bằng đá mà cô ấy cho là bị bỏ hoang. Cô ấy xin tôi hãy rời khỏi đường cái và lái xe theo con đường đất dẫn lên đó. Tôi đã đi đủ đường nhựa và vừa đúng lúc để bốn bánh xe gắn động cơ của chiếc xe chúng tôi đang lái dùng được vào việc gì đó.

Một con đường đầy ổ gà dẫn chúng tôi tới lối vào của thôn. Keira có lý, không còn ai sinh sống ở đây, phần lớn nhà cửa đều đổ nát, ngay cả khi một vài căn vẫn giữ được phần mái. Bầu không khí tang tóc của nơi này không mời người ta đến thăm, nhưng Keira đã luồn lách xuyên qua những đường hẻm cũ kỹ, và tôi không còn lựa chọn nào khác là đi theo cô ấy vào khu làng ma. Giữa nơi xưa kia là quảng trường chính có một máng nước dành cho gia súc và một căn nhà bằng gỗ, dường như đã chống chọi kiên cường hơn trước sự tấn công của thời gian. Keira ngồi xuống bậc tam cấp.

- Cái gì thế? Tôi hỏi.

- Một ngôi đền thờ Khổng Tử cổ xưa. Trong xã hội Trung Quốc xưa kia có rất đông môn đồ của Khổng Tử, đạo lý của Người đã dẫn dắt nhiều thế hệ.

- Ta vào chứ? Tôi đề nghị.

Keira đứng dậy và tiến tới cửa ra vào. Cô ấy chỉ cần đẩy nhẹ là cánh cửa mở ra.

- Ta vào thôi! Cô ấy đáp.

Bên trong trống trơn, một vài viên đá nằm giữa đám cỏ dại dưới mặt đất.

- Đã xảy ra chuyện gì để tới nỗi ngôi làng không còn người ở thế nhỉ?

- Nguồn nước cạn kiệt hoặc một bệnh dịch nào đó đã khiến dân làng chết hàng loạt, em cũng không rõ nữa. Nơi này hẳn phải có ít nhất là nghìn năm tuổi, thật tiếc khi bỏ lại nó trong tình trạng thế này.

Keira chú ý đến một vuông đất nhỏ ở cuối đền thờ. Cô ấy quỳ gối và bắt đầu dùng tay bới từng tí một. Tay phải cô ấy cẩn trọng nhấc những viên cuội lên, tay trái gạt chúng sang bên. Giá như tôi có thể đọc thuộc lòng tất cả các lời dạy của Khổng Tử theo trình tự thời gian, chắc cô ấy cũng chả buồn quan tâm.

- Anh có thể biết em đang làm gì không?

- Có lẽ vài phút nữa anh sẽ biết.

Và bỗng nhiên, giữa khoảnh đất cô ấy đang lật xới hiện ra đường cong của một chiếc cốc bằng đồng. Keira đổi vị trí, ngồi xếp hàng, cô ấy mất gần một tiếng để gỡ bỏ lớp bùn khô bám quanh. Thế rồi, như có phép màu, cô ấy nhấc chiếc cốc lên đưa cho tôi.

- Đây, cô ấy vui vẻ nói.

Tôi sửng sốt, không chỉ vì vẻ đẹp lồ lộ của đồ vật vẫn còn lấm đất, mà còn vì sự thần diệu đã đưa được nó ra khỏi lãng quên.

- Em làm thế nào vậy, sao em biết nó nằm ở đó?

- Em có năng khiếu đặc biệt để tỉm anh những cây kim lẫn trong bó rơm mà, cô ấy vừa nói vừa đứng dậy, ngay ả khi bó rơm nằm ở Trung Quốc cũng vậy thôi, chuyện này hẳn sẽ giúp anh yên tâm chứ, phải không nào?

Tôi phải van nài hồi lâu cô ấy mới chịu tiết lộ bí quyết riêng. Tại nơi Keira vừa đào bới, cỏ mọc thấp hơn, rêu mọc thưa thớt, và ít xanh hơn những nơi khác.

- Ta thường gặp hiện tượng này khi một vật được chôn xuống đất, cô ấy tiết lộ.

Keira phủi bụi chiếc cốc.

- Nó khá cổ đấy, cô ấy nói rồi nhẹ nhàng đặt chiếc cốc lên một phiến đá.

- Em để nó lại đây sao?

- Nó không thuộc về chúng ta, đó là lịch sử của người dân làng này được viết tên ở đây. Ai đó sẽ tìm ra nó và sẽ làm điều gì tốt đẹp với nó, đi thôi, chúng ta có những đống rơm khác phải lục tìm!

Đến Linh Phần, cảnh vật thay đổi; Linh Phần là một trong mười thành phố ô nhiễm nhất thế giới và bầu trời bỗng chuyển sang màu hổ phách, bầu trời tối sầm bởi một đám mây ghê rợn và độc hại. Tôi nhớ lại những đêm trời sáng trong trên cao nguyên Atacama, lẽ nào hai nơi này đều thuộc về cùng một hành tinh? Cơn điên nào đã xâm chiếm loài người để họ phá hủy môi trường sống của mình đến mức này? Bầu khí quyển của Atacama hay của Linh Phần sẽ thắng thế trong tương lai? Chúng tôi đóng cửa kính xe lại, Keira cứ năm phút lại ho một lần và con đường phía trước hiện ra mờ mịt vì mắt tôi đang cay buốt.

- Mùi ghê quá, Keira phàn nàn, lại ho rũ rượi thêm một tràng.

Cô ấy quay xuống ghế sau, lục tìm trong túi một bộ đồ bằng vải bông để chúng tôi dùng tạm làm khẩu trang. Cô ấy thốt kêu một tiếng nhỏ.

- Gì thế? Tôi hỏi.

- Không có gì, em bị vật gì đó trong lớp lót túi đâm phải. Chắc là một cây kim hay khuy móc gì đó.

- Em bị chảy máu à?

- Một chút thôi, cô ấy vẫn loay hoay lục trong túi.

Tôi đang lái xe và tầm nhìn quá hạn chế nên tôi buộc phải giữ cả hai tay trên vô lăng.

- Nhìn trong hộc đựng găng xem, có một túi y tế đấy, em sẽ tìm thấy bông băng.

Keira mở hộc, lấy ra một túi sơ cứu và một cây kéo nhỏ.

- Em bị thương thật à?

- Không, em không sao mà, nhưng em muốn biết thứ quái quỷ gì đâm vào em. Em đã mua cái túi này khá đắt mà!

Giờ thì cô ấy lại mải miết tập thể dục với việc lục lọi trong hành lý riêng.

- Anh có thể biết em đang làm gì được không? Tôi hỏi sau khi nhận được một cú thúc đầu gối vào mạng sườn.

- Em rạch.

- Em rạch cái gì cơ?

- Cái lớp lót rác rưởi này, anh đừng hỏi nữa và lo lái xe đi.

Tôi nghe thấy Keira lẩm bẩm:

- Nhưng thứ này là cái quái gì vậy?

Cô ấy phải khoa chân múa tay tứ tung mới ngồi lại được vào chỗ cũ. Khi ổn định chỗ ngồi rồi, cô ấy giơ lên một cái ghim cài nhỏ bằng kim loại với vẻ đắc thắng.

- Đây là một cây kim ra trò đấy, cô ấy hỏi.

Vật này giống với một cây ghim cài áo thông thường đến ngỡ ngàng, một dạng cây thông, chỉ trừ có điều vật này màu xám xỉn và không chạm khắc gì cả.

Keira đưa lại gần để quan sát và tôi thấy mặt cô ấy tái nhợt.

- Có chuyện gì thế?

- Không có gì, cô ấy đáp, trong khi vẻ mặt cô ấy cho thấy điều ngược lại. Hẳn đây là một dụng cụ may bị quên trong lớp lót túi.

Keira ra hiệu cho tôi yên lặng, rồi đỗ xe lại bên vệ đường ngay khi có thể.

Chúng tôi đang rời xa vùng ngoại ô Linh Phần. Đường đi bắt đầu càng lúc càng thêm gập ghềnh khi xe leo dốc núi. Ở độ cao ba trăm mét, chúng tôi bỏ lại đằng sau tầng không khí ô nhiễm, và bỗng nhiên, như thể vừa xuyên qua một đám mây, chúng tôi nhìn thấy một một thứ gì đó như là bầu trời trong xanh.

Khi vừa qua chỗ ngoặt, một bãi đỗ nhỏ hiện ra cho phép tôi dừng xe. Keira bỏ lại cây ghim trên bảng điều khiển rồi xuống khỏi xe và ra hiệu cho tôi đi theo.

- Em có vẻ lạ lắm, tôi bảo khi đuổi kịp cô ấy.

- Lạ quá, túi em bị gài thiết bị nghe trộm khốn kiếp ấy.

- Gì cơ?

- Đó không phải là một cây kim đan, em biết mình nói gì chứ, đó là một chiếc micro.

Tôi không có kinh nghiệm gì nhiều trong lĩnh vực gián điệp và khó khăn lắm tôi mới tin được điều cô ấy nói.

- Chúng ta sẽ quay vào xe, anh cứ nhìn kỹ hơn sẽ thấy.

Tôi đã làm vậy. Và Keira có lý, đó đúng là một thiết bị thu nhỏ xíu. Chúng tôi lại ra khỏi xe để nói chuyện mà không bị ai rình mò nghe trộm.

- Anh có ý tưởng gì về nguyên do họ gài thiết bị nghe trộm vào túi em không? Keira hỏi.

- Nhà chức trách Trung Quốc muốn có thông tin liên quan đến người ngoại quốc đi lại trên lãnh thổ của họ, có lẽ đó là một thủ tục thông thường đối với tất cả các du khách chăng? tôi gợi ý.

- Phải có tới hai chục triệu du khách đến Trung Quốc mỗi năm, anh nghĩ họ thích thú với việc bỏ chừng ấy thiết bị nghe trộm vào hành lý của du khách sao?

- Anh không rõ nữa, có lẽ tùy trường hợp cụ thể họ mới tiến hành.

- Hoặc là không sao! Nếu sự thể là như vậy, chúng ta đâu phải là những người đầu tiên phát hiện ra, báo chí phương Tây sẽ làm to chuyện với cách xử sự này.

- Có lẽ cách làm này chỉ vừa được áp dụng?

Tôi nói thế để cô ấy yên tâm, nhưng trong thâm tâm, tôi thấy tình huống này vừa lạ lùng vừa phiền phức. Tôi cố nhớ lại những đoạn hội thoại chúng tôi vừa trao đổi trên xe và không thể nhớ ra bất cứ điều gì có thể đẩy chúng tôi vào tình thế rắc rối, có lẽ ngoại trừ lời nhận xét của Keira về nạn rác rưởi và mùi hôi thối bao trùm các thành phố công nghiệp chúng tôi gặp trên đường đi, và vài lời nhận xét về thứ đồ ăn đáng ngờ cô ấy ăn phải hồi trưa.

- Giờ thì tìm thấy vật này rồi, chúng ta sẽ bỏ nó lại đây và lặng lẽ lên đường thôi, tôi đề nghị.

- Không, cứ mang nó theo, chỉ cần nói ngược lại điều chúng ta nghĩ trong đầu, không nói thật về hướng chúng ta đi và như thế, chính chúng ta mới nắm quyền thao túng những kẻ đang do thám chúng ta.

- Còn sự thân mật của chúng ta?

- Adrian, giờ không phải lúc xử sự theo kiểu Anh, tối nay chúng ta sẽ lục luôn cả túi của anh, nếu họ gắn thiết bị vào túi của em thì chẳng có lý nào họ lại bỏ qua anh.

Tôi bước vội về phía xe, dốc tuột đám hành lý ít ỏi của mình ra cốp xe, sau đó tôi quẳng túi của mình ra xa, chắc chắn nó sẽ mang lại may mắn cho người qua đường đầu tiên gặp. Rồi tôi ngồi vào đằng sau vô lăng và quẳng thiết bị qua cửa xe.

- Nếu anh muốn nói với em là anh thích bộ ngực của em, anh không chắc một nhà chức trách dâm đãng nào đó của Cục Tình báo Trung Quốc có thể tưởng tượng ra những gì đâu!

Tôi khởi động lại xe trước khi Keira kịp có phản ứng gì.

- Anh định nói với em là anh thích ngực em?

- Dĩ nhiên!

Năm mươi cây số tiếp theo trôi qua trong im lặng tuyệt đối.

- Và nếu một ngày nào đó họ phải cắt lấy của em một hoặc cả hai bên ngực thì sao?

- Vậy thì anh sẽ mơ tưởng đến cái rốn của em, anh có nói là chỉ thích ngực em đâu nhỉ!

Năm mươi cây số tiếp theo câu nói đó lại chìm trong thinh lặng không khác gì lúc trước.

- Anh có thể cho em một danh sách những thứ anh thích ở em được không? Keira lên tiếng.

- Được, nhưng không phải bây giờ.

- Bao giờ?

- Đến lúc thích hợp.

- Lúc thích hợp là bao giờ?

- Lúc anh sẽ đưa cho em danh sách những thứ anh thích ở em!

Đêm bắt đầu buông xuống và tôi cảm thấy cơn mệt mỏi xâm chiếm. Thiết bị dẫn đường thông báo chỉ còn hơn một trăm năm mươi cây số nữa là đến Tây An. Hai mí mắt tôi nặng trĩu và tôi khó khăn lắm mới giữ được hai mắt mở. Keira cũng không khá hơn, cô ấy đang tựa đầu vào cửa kính ngủ say sưa. Qua một khúc ngoặt, xe hơi lạng đi chệch hướng. Chỉ cần một giây bất cẩn là mạng sống của cô ấy gặp nguy hiểm, tôi quan tâm đến nữ hành khách của mình đủ để không chấp nhận một sự mạo hiểm nào. Dù chúng tôi có đang tìm kiếm gì đi chăng nữa, thứ đó cũng có thể đợi thêm một đêm nữa. Tôi đỗ xe lại bên rìa một con đường nhỏ cắt ngang đường chúng tôi đi, tắt động cơ và thiếp đi nhanh chóng.
Bình Luận (0)
Comment