Nghề Nào Cũng Có Trạng Nguyên

Chương 17.1

Thư phòng của Hạ nhị gia ở trấn quốc công phủ dù là người trong nhà cũng không được phép tùy tiện vào, chớ nói chi là người ngoài. Phần lớn bằng hữu của Hạ nhị gia ngay cả thư phòng nằm ở đâu cũng chưa chắc biết; nhưng hôm nay, thư phòng của Hạ nhị gia lại bất ngờ nghênh đón một vị khách lạ, hơn nữa còn là một vị khách ở trong đó gần hai canh giờ vẫn chưa ra ngoài.

Điều này khiến bọn người hầu và nha hoàn theo Hạ nhị gia nhiều năm không khỏi sinh vài phần kính trọng với người nọ, biết rằng về sau phải cẩn thận hầu hạ vị này.

- Tuy ngươi chép rất nhanh nhưng đừng có ham nhanh mà chép nhầm. Nên biết rằng đôi lúc chỉ sai một chữ nhưng ý biểu đạt ra có thể sẽ khác một trời một vực đấy.

- Yên tâm, ta thạo chép sách lắm, trước nay chưa chép sai bao giờ.

Đây là thành quả tôi luyện trong Thận Nghiêm Am suốt mười năm. Bạch Vân bây giờ tay nhanh mắt cũng nhanh, đầu óc còn có thể chép tới đâu học thuộc lòng sơ sơ tới đó.

Lúc này thứ mà Bạch Vân đang đưa tay chép rất nhanh là những trọng điểm trước khi thi do Hạ Nguyên nhờ người mang ra từ Quốc Tử Giám, trong đó bao gồm văn chương do các quan chủ khảo ra đề kỳ này từng viết cùng với những lời bình luận và chú giải khi đọc sách, vừa vặn có thể khiến Bạch Vân nắm được phương hướng ra đề có thể có của kỳ thi mùa xuân này cùng với sở trường của các quan giám khảo.

Quốc Tử Giám không hổ là nơi đại nho tụ họp, cho nên các giám sinh có đầy đủ tài nguyên thi cử, cũng như lượng sách được cất giữ phong phú nhất; trong Tàng Thư Các còn có những đề thi kỳ trước và những bài thi ưu tú có thể tham khảo______dĩ nhiên, tất cả sách vở có ích cho khoa cử trong Quốc Tử Giám đều được Hạ Nguyên sao chép lại gửi cho Bạch Vân suốt mười năm nay.

Lần này trước kỳ thi lớn, tất cả giám sinh sắp dự thi đều được các đại nho dốc hết tâm huyết chuyên tâm biên soạn ra trọng điểm trước khi thi để họ có được nhiều ưu thế hơn so với các sĩ tử từ các châu quận khác đến dự thi___dĩ nhiên, phần ưu thế này hiện đang được phục chế trong tay Bạch Vân.

Bất kể Hạ Nguyên lúc này có đau đầu cỡ nào về chuyện Bạch Vân là nữ nhi lại cả gan giả làm nam nhi tham gia khoa cử, cậu vẫn chưa tìm được phương pháp giải cứu cho cái đầu cô bởi hành vi nghiêm trọng nếu truy cứu đủ để mất đầu này. Nhưng, trước khi đó, ít nhất cậu có thể giúp cô đạt thành tâm nguyện thi trạng nguyên_____nếu cuối cùng cô vẫn bị mất đầu thì chí ít cũng là sau khi thỏa nguyện ước mong…….

Mặc dù tin tưởng năng lực chép sách của Bạch Vân, nhưng để phòng ngừa ngộ nhỡ, Hạ Nguyên vẫn giúp cô đối chiếu từng trang từng trang một. Không lâu sau, cuối cùng cậu không nhịn được mà chê bai:

- Thể chữ Đài Các……..

Cậu khinh thường bĩu môi:

- Ta nói này, ngươi có thể viết ra khí khái của chính mình hay không?

- Thi khoa cử không cần thể chữ có khí khái. Thể chữ quá khí khái ngược lại ảnh hưởng đến việc giám khảo chấm bài cho điểm, cho nên sĩ tử khi đi thi nhất định phải dùng thể chữ Đài Các để viết____những lời này không phải trước kia ngươi đã nói với ta trong thư sao?

Bạch Vân không để ý đến lời phê bình của Hạ Nguyên, động tác sao chép trên tay vẫn không ngừng, dù đang đấu võ mồm cùng cậu nhưng những con chữ dưới ngòi bút cô vẫn không mảy may nhầm lẫn hay xốc xếch.

- Không có sĩ tử nào cả đời chỉ viết thể chữ Đài Các cả. Trừ thi khoa cử và công văn quan trường, những thứ khác như thư từ qua lại tuyệt đối không dùng thể chữ này, ngươi phải có phong cách chữ của chính mình, bằng không khó mà có chỗ đứng, đạt được sự tôn trọng trong những người đọc sách.

Hạ Nguyên rút ra một tờ giấy trắng, trải lên một góc bàn, nói với cô:

- Viết thể chữ khác.

- Khác cái gì?

Đang chép đến một đoạn, Bạch Vân dừng bút nhìn cậu.

- Khác thể chữ Đài Các!

Cậu tức giận.

Bạch Vân nghĩ nghĩ, chấm bút lông vào nghiên mực, lưu loát viết lên trang giấy trắng mấy câu thơ_____

“Thiên tử trọng anh hào, Văn chương giáo nhĩ tào; Vạn bàn giai hạ phẩm, Duy hữu độc thư cao.”* (Đức vua coi trọng hiền tài, Văn chương dạy dỗ luyện rèn chúng ta, Mọi nghề thiên hạ kém xa, Chỉ duy đọc sách mới là cao sang.)

“Thiếu tiểu tu cần học, Văn chương khả lập thân; Mãn triều chu tử quý, Tẫn thị độc thư nhân.”* (Lúc còn bé chuyên cần học tập, Dùng văn chương tự lập thành danh, Khắp triều quan lớn hiển vinh, Đều do đọc sách mà sinh ra thành.)

“Triều vi điền xá lang, Mộ đăng thiên tử đường; Tướng tướng bổn vô chủng, Nam nhân đương tự cường.”* (Sáng còn là nông dân làm ruộng, Chiều đã thành rường cột quốc gia, Quan tướng đâu tự sinh ra, Tự thân nỗ lực mới là nam nhi.)

“Niên kỷ tuy nhiên tiểu, Văn chương nhật tiệm đa; Đãi khán thập ngũ lục, Nhất cử tiện đăng khoa”* (Dù tuổi tác hãy còn nhỏ bé, Nhưng văn chương dần sẽ nhiều lên, Mười lăm mười sáu lớn lên, Vừa thi liền đậu ghi tên bảng vàng.)

(* Trích các bài 1, 2, 5, 11 trong “Thần đồng thi” do Uông Thù biên soạn thời Bắc Tống. Người đời sau dùng những bài của Uông Thù làm trụ cột, sau đó thêm vào thơ của những người khác, sắp xếp thành “Thần đồng thi”. Trên thực tế, “Thần đồng thi” không hoàn toàn là thơ của thiếu niên thần đồng, cũng không hoàn toàn là thơ do Uông Thù viết mà đã được chỉnh sửa qua nhiều thời kỳ, tăng thêm thơ ca thời Tùy Đường thậm chí là thời Nam Bắc triều. Thể thơ đều là ngũ ngôn tuyệt cú, lời văn dễ hiểu, là những bài thơ mẫu thích hợp cho trẻ em học.)

- Được rồi được rồi, ta biết đầu óc ngươi tốt, thấy qua là không quên, ngươi có thể khỏi viết ra cả quyển “Thần đồng thi”, ta biết ngươi làm được!

Hạ Nguyên thấy cô viết liên tục không ngừng thì vội vàng ngăn cản; sau đó, cậu chỉ vào thể chữ trên giấy kêu lên:

- Ngươi bắt chước chữ ta?!

Đây rõ ràng là nét chữ của cậu! Nếu không phải chính mắt thấy cô viết, cậu nhất định sẽ tưởng nhầm là mình viết hồi nào đấy.

- Ngươi bắt chước khi nào thế?

- Nhìn nhiều nên biết.

Mười năm thư từ qua lại, cô rất quen thuộc chữ của cậu, nếu đã quen thuộc thì đương nhiên là viết được! Đây không phải điều rất hiển nhiên sao?

- Sao có thể? Ngươi chưa từng thấy ta viết chữ, cũng không biết cách ta cầm bút và dùng lực, sao có thể bắt chước giống hệt như vậy được?

Bạch Vân nghi hoặc nhìn cậu.

- Chuyện này rất khó sao?

- Đương nhiên rất khó! Ngươi……lẽ nào lại như vậy! Chữ của ta đơn giản dễ bắt chước thế sao?

Lòng tự tôn của người luôn tự cho là đọc nhiều thi thư như Hạ Nguyên bị tổn thương.

Bạch Vân không hiểu tại sao cậu lại có dáng vẻ rất tổn thương, ánh mắt cô xoay chuyển, đột nhiên chỉ vào một bức thư thiếp (bảng chữ mẫu của danh gia, dùng làm mẫu để tập viết chữ) trên tường, hỏi:

- Đây là bảng chữ mẫu của danh gia sao?

- Phải. Đây là thư thiếp của tể tướng đương triều - Tiền Thận đại nhân. Ông ấy là đại gia thư pháp thời nay, nổi tiếng về thể chữ Hành Thư, thư pháp của ông ấy rất khó có được, ông ấy không dễ để tác phẩm của mình lọt ra ngoài, hoàng tộc và các thế gia tôn quý, văn võ bá quan khắp triều cầu còn không được. Bức thư thiếp này là vào tháng trước ta làm lễ nhược quán (thời xưa con trai 20 tuổi sẽ làm lễ nhược quán, ngụ ý trưởng thành), biểu ca ta đã cầu cho ta đấy.

Cậu không hề nói rõ người biểu ca này của cậu hai năm trước vừa được thăng lên một chức siêu lớn____Hoàng đế.

Bạch Vân đương nhiên không hứng thú với việc Hạ Nguyên có biểu ca gì đó rất lợi hại nên không hỏi nhiều; cô gom những trang giấy trên bàn qua một bên, lại rút một tờ giấy trắng trải ra, nhìn kỹ bức chữ mẫu hồi lâu rồi lấy một cây bút lông cừu, vung bút viết ra nét chữ cực kỳ giống với bảng chữ mẫu kia. Tuy không phải giống y hệt nhưng cũng giống rất nhiều.

- Ngươi lại có thể chỉ nhìn vài lần là viết ra được thể chữ Hành Thư giống đến vậy______

Hạ Nguyên gần như phải đưa tay che mắt mới có thể ngăn con ngươi mình trừng rớt ra ngoài. Cậu run run tay chỉ vào Bạch Vân, không biết nên nói gì cho phải, không rõ trong nội tâm mình là hâm mộ và ghen tị nhiều hơn hay là đắc ý vì ánh mắt tinh tường của mình nhận ra minh châu từ sớm nhiều hơn.

- Ta không có khí khái chữ của chính mình nhưng bắt chước thì không thành vấn đề.

Bạch Vân bĩu môi nói.

- Bắt chước……đợi đã!

Hai chữ này khiến mắt Hạ Nguyên sáng rực lên, tức khắc xoay người đến bên cái kệ trưng bày một đống thư họa đồ cổ tìm gì đó. Nhưng cậu càng vội càng tìm không ra, bèn cất giọng gọi ra ngoài:

- Xuân Sinh, vào đây.

Người hầu Xuân Sinh bị đuổi ra bên ngoài chờ đợi lập tức đẩy cửa tiến vào, khom người nói:

- Có Xuân Sinh. Nhị gia có gì căn dặn?

- Bản khắc thiếp “Thiên hạ quán quân thiếp” năm năm trước ta lấy từ hoàng lăng đem về, cất chỗ nào?

Xuân Sinh hơi suy nghĩ một chút rồi lập tức trả lời:

- Nhị gia, “Thiên hạ quán quân thiếp” đó hai năm trước bị đại gia mượn đi giám định và thưởng thức, đến nay vẫn chưa trả.

Hạ Nguyên ngớ người, cũng nhớ ra rồi. Cậu vỗ bàn nói:

- Mượn hai năm chưa trả, đại ca thế này là muốn bưng bít luôn chứ gì. Đi! Đi đòi lại, ngay lập tức!

- Khoảng thời gian này, đại gia đang luyện binh ở hoàng vệ doanh chưa về.

Xuân Sinh không dám tự mình đi lấy.

- Tìm người hầu trong thư phòng của huynh ấy mà đòi, huynh ấy về ta sẽ thông báo một tiếng.

Đồ của mình, đương nhiên có thể lấy lại bất cứ lúc nào.

- Dạ.

Xuân Sinh lập tức lĩnh mệnh rời đi.

- Bạch Vân, ta có một bức thư thiếp rất quan trọng, ngươi cứ viết phỏng theo nó, sau khi luyện tập mỗi chữ hơn mấy trăm lần thì giúp ta viết lại một bức giống y hệt.

- Được thôi.

Cô không hỏi nhiều mà trực tiếp đồng ý. Có điều…..

- Chữ của ta, còn cần luyện cho ra khí khái nữa không?

- Nếu thể chữ nào ngươi cũng có thể bắt chước thì còn sợ không khí khái gì chứ. Những thứ khí khái kia còn không có bản lãnh như ngươi.

Hạ Nguyên khoát khoát tay. Dù sao cô ta cũng không có ý nghĩ muốn làm thư pháp gia, bỏ bớt đi.

- Vậy ta có thể tiếp tục viết thể chữ Đài Các chứ?

Cô luôn cảm thấy thể chữ ngay ngắn rõ ràng này vừa tiện lợi dễ dùng vừa gọn gàng rành mạch.

- Tùy ngươi.

Cậu rất hào phóng cho qua.

Khi Bạch Vân sắp chép xong mấy quyển trọng điểm trước khi thi kia thì ngoài cửa vang lên tiếng bẩm báo:

- Nhị gia, Hạ Minh thiếu gia cùng với tam công tử Triệu Nguyệt của Lễ bộ thượng thư tới chơi, đang dùng trà trong “Vịnh Nghi Sảnh”.

- Xuân Sinh vẫn chưa về sao?

- Nhị gia, tiểu nhân về rồi. Người hầu trong thư phòng đại gia nói bức “Thiên hạ quán quân thiếp” kia không ở trong thư phòng, hình như là bị đại gia treo trong nội viện ngài ấy.

Bên ngoài vang lên tiếng bẩm báo có chút thở gấp của Xuân Sinh.

- Ta biết rồi. Buổi tối ta trực tiếp tìm đại gia đòi là được.

Hạ Nguyên nhìn về phía Bạch Vân nói:

- Chép xong nhanh lên. Triệu Nguyệt đã nói là chỉ có thể mượn hai canh giờ, nếu không trả về Quốc Tử Giám thì người cho mượn sẽ lo lắng.

- Được.

Bạch Vân trả lời.

Tay cô tăng nhanh tốc độ, kiểu chữ hơi phóng túng, không còn ngay ngắn trầm ổn nữa nhưng lại có vẻ lưu loát sinh động, cực kỳ thoải mái. Hạ Nguyên hơi cau mày, cảm thấy thể chữ Đài Các không ngay ngắn thế này cũng khá đẹp.

Không đến thời gian một khắc đồng hồ đã chép xong toàn bộ, Hạ Nguyên ở bên cạnh thu xếp lại tất cả các bản chép rồi đem bản gốc do Triệu Nguyệt lén lấy ra cất vào trong hộp, cầm trên tay nói:

- Những bài này xuất xứ từ một giám sinh rất được các đại nho Quốc Tử Giám xem trọng, cho rằng hắn dù không thi đậu nhất giáp thì ít nhất đậu được nhị giáp tiến sĩ chắc chắn không thành vấn đề. Không biết trong điều kiện gần như nhau, ngươi có thể vượt qua hắn không?

Bạch Vân không hào hùng vạn trượng mạnh miệng nói những lời đao to búa lớn mà chỉ nhún nhún vai.

- Không biết. Dù sao thì những sách đã đọc qua ta đều nhớ hết, kể cả những văn chương và bài thi ngươi thỉnh thoảng gửi tới, nếu vẫn thi rớt thì chỉ có thể nói…….

- Ngươi đọc sách quá ít?

Hạ Nguyên tiếp lời. Câu này hầu như trong mỗi bức thư cậu gửi cho cô đều phải viết.

- Không. Là phương hướng học mà ngươi cho ta hoàn toàn sai lầm.

Phải biết rằng, tất cả những sách vở văn chương mà cô đọc đều do cậu giúp cô chọn; cậu học cái gì, quyết định sách nào thích hợp thi trạng nguyên thì sẽ gửi sách đó cho cô, sau đó hai người với trình độ kiến thức ngang hàng tiến hành cãi cọ đấu võ mồm với nhau.

Nói cách khác, nếu cô có thể thi đậu tiến sĩ, thậm chí đậu trạng nguyên, vậy có nghĩa là kiến thức Hạ Nguyên học tập cũng có trình độ đẳng cấp trạng nguyên. Không thể không nói, lúc ban đầu Hạ Nguyên ra sức giúp Bạch Vân như vậy là có chút tư tâm; cậu muốn chứng minh ngoài số mệnh phú quý mà phụ mẫu đã cho cậu, bản lĩnh của chính cậu cũng đủ để ngạo nghễ thiên hạ.

Thân là con cháu giới quyền quý đương triều, tuy quốc gia không có công văn chính thức quy định các công tử quý tộc không được tham gia khoa cử nhưng các thế gia quyền quý đều biết hoàng gia hi vọng khi chính họ đã được hưởng vinh hoa phú quý thì đừng tranh mất cơ hội chấn hưng gia tộc của các quý tộc sa sút và sĩ tử hàn môn.

Cho nên, Hạ Nguyên luôn cảm thấy mình học hành rất tốt, ngay từ nhỏ đã biết bản thân vô duyên với khoa cử, không thể dùng khoa cử để chứng minh bản thân không thua kém với những người tài danh lan xa trong Hàn lâm viện. Đương nhiên, cậu cũng không có nguyện vọng đi thi; thi đậu sẽ bị chỉ trích là chiếm mất con đường tiến thân của sĩ tử hàn môn; thi không đậu, há chẳng phải là mất hết thể diện sao? Vì vậy, cậu thật sự hi vọng Bạch Vân có thể thi đậu trạng nguyên____mãi đến trước khi biết cô là nữ nhân, cậu luôn hi vọng như thế.
Bình Luận (0)
Comment