Nghề Nào Cũng Có Trạng Nguyên

Chương 27.2

- Chữ trên tấm bia đá kia hơn ở thể chữ chứ không phải chữ của chính Thái Tổ; chữ của Thái Tổ không đẹp nhưng lại có khí thế bá vương mà không ai sánh được.

Hạ Nguyên nói đúng trọng tâm.

Đương kim Hoàng thượng và đại ca nhà mình đều là người hâm mộ trung thành của Thái Tổ, đối với họ mà nói, mọi thứ về Thái Tổ đều hoàn mỹ. Nếu có gì không hoàn mỹ, mời lặp lại xem…..

- Còn không phải sao.

Hoàng đế rất tiếc nuối, rất tuân lệnh Thái Tổ nên không thể mang bản thư thiếp kia ra ngoài. Hắn hỏi:

- Tại sao đột nhiên đệ lại nhắc chuyện này?

- Đương nhiên là vì chỗ đệ có một bản mô phỏng “thiên hạ quán quân thiếp”.

Thiên Thịnh đế nghe vậy vốn định lên tiếng chế nhạo, nói với cậu là đầy đường đều có bản mô phỏng thư thiếp của Thái Tổ, kiểu nào cũng có, đồng thời đều tuyên bố là bản do mình viết mới là bản giống với bút tích thực của Thái Tổ nhất; có điều lời đến bên miệng Thiên Thịnh đế lại dừng lại. Bởi vì hắn nhớ người biểu đệ này của mình chưa bao giờ là người ăn không nói có. Đệ ấy không nói những lời đao to búa lớn, không dễ dàng đồng ý chuyện bản thân không làm được, nhưng lời đệ ấy đã nói thì chắc chắn sẽ nói được làm được.

- Mô phỏng thực sự?

Thiên Thịnh đế nửa nghi ngờ nửa kinh ngạc mừng rỡ hỏi.

- Biểu ca, huynh và đệ đều là người chân chính được thấy bút tích thực, đệ đâu qua mắt được huynh.

Hạ Nguyên chậm rãi bước đến bên bàn nhỏ để cái hộp, thong thả mở khóa, lấy ra một trục cuốn được dán kĩ lưỡng, nói:

- Huynh xem bản này trước đi.

Không đợi Hạ Nguyên mở dây lụa trên trục cuốn, Thiên Thịnh đế đã tự lấy, cẩn thận từng li từng tí kéo dây lụa, mở trục cuốn ra, sau đó, ngừng thở____

- ……..Giống, thật giống, ngay cả chữ sai cũng giống. Hình dáng và nét mực to nhỏ của khối tô lên cũng giống y như đúc……

Thiên Thịnh đế nhìn như si như say:

- Hiển nhiên, trong con chữ này thiếu khí thế sát phạt sắc bén, cái đó cũng hết cách. Năm xưa Thái Tổ từng định viết lại “thiên hạ quán quân thiếp” nhưng không được, suy cho cùng thì tâm trạng đã khác. Năm năm qua trẫm cũng thử viết, nhưng không viết được…..

- Biểu ca, huynh lại xem tiếp bản này đi.

Hạ Nguyên mỉm cười, trên tay mở ra một cuốn trục khác.

- Đừng quấy rầy trẫm thưởng thức____ô! Đây là cái gì?!

Hoàng đế vốn chỉ là không kiên nhẫn liếc qua, nào ngờ lại bị nhuệ khí lẫm liệt trong những con chữ kia hoàn toàn hấp dẫn, ngay cả bản thư thiếp mô phỏng trên tay vốn xem như trân bảo, âm thầm quyết định sẽ quý nó cả đời rơi xuống đất cũng không hay biết.

Thiên Thịnh đế sải bước lớn qua, đoạt lấy thư thiếp, lần này lại càng cẩn thận hơn, đồng thời xem kỹ từng chữ từng chữ, thử tìm ra chỗ khác biệt…..được rồi, quả thực đúng là có “một chỗ” khác biệt.

- Bản thư thiếp này không có chữ sai?

- Người nọ viết một mạch ra bản thư thiếp này, quên mất chữ sai. Sau đó cô ấy muốn viết lại một bản khác có chữ sai nhưng không viết được ý cảnh như thế nữa.

Hạ Nguyên vừa nói vừa chỉ vào cuốn trục dưới đất:

- Dù cô ấy có viết lại thế nào, cùng lắm chỉ được đến thế kia thôi.

- Hai bản này là cùng một người viết?

- Dạ phải.

- Là ai? Người luyện võ ư? Trẫm muốn triệu kiến hắn! Ngay lập tức!

Thiên Thịnh đế vội vã nói.

- Sợ là không được. Huynh không thể triệu kiến một mình cô ấy.

- Tại sao?

- Bởi vì, cô ấy í mà, có tên trong những bài thi kia, đang chờ huynh đề tên lên bảng vàng đấy! Đến lúc đó trên điện Kim Loan cũng đâu phải chỉ gặp một mình cô ấy, đúng không? Còn nữa, triệu kiến cô ấy trước lại càng không thỏa đáng.

- Là thí sinh khoa thi này?! Chỉ là một thư sinh sao?

Thiên Thịnh đế không khỏi hơi thất vọng, bởi hắn cho rằng người có thể mô phỏng bản thư thiếp khí thế hào hùng như vậy hẳn là người học võ mới phải.

- Không phải chỉ là một thư sinh đâu, Hoàng thượng.

Hạ Nguyên nói ý tứ sâu xa.

- Có ý gì?

- Người thư sinh này bảy năm trước sau khi thi tú tài không có ý định theo đường công danh, sở dĩ lên kinh ứng thí hoàn toàn là bất đắc dĩ_____vì muốn vạch trần một bí mật trước Hoàng thượng: về chuyện mật thám của tộc Bắc man ở phe ta cấu kết cùng con cháu thế gia.

- Cái gì?!

Trên đời lại có lý do đi thi kỳ lạ như vậy sao? Hắn ta xem khoa cử là gì?! Còn nữa, một thí sinh sao lại biết bí mật cỡ này?

- Người thư sinh này khổ nỗi không cách nào tố cáo việc ấy nên đành phải lên kinh ứng thí, nếu không thì, có thể cô ấy sẽ trở thành cao thủ xúc cúc đứng đầu suốt hai mươi năm tới của Đại Ung triều ta, ngay cả đệ cũng thua xa; cũng có thể cô ấy sẽ trở thành phú hộ giàu nhất Đại Ung triều trong tương lai___bởi cô ấy vốn định đi buôn bán, vị phu nhân phạm tội của Trương gia kinh thành luôn muốn nhận cô ấy làm đồ đệ, truyền thụ hết mọi tài nghệ. Đương nhiên, nếu cô ấy muốn sống thoải mái hơn thì chỉ dựa vào việc mô phỏng thư thiếp danh gia cũng đủ để cô ấy an nhàn cả đời.

Thiên Thịnh đế nghe mà trố mắt, ánh mắt không kiềm được dời về phía đống bài thi được xác định là đỗ đạt trên bàn, cùng với ba bài thi nhất giáp đang bày ra giữa bàn, chỉ là vẫn chưa phân thứ hạng một hai ba.

Người thư sinh kỳ lạ trong lời Hạ Nguyên kia thật sự có tên trong đống bài thi đó sao? Hắn nhớ lại kiểu chữ trong tất cả bài thi, rất khẳng định là không có bài nào có kiểu chữ từa tựa như bản thư thiếp này.

- A Nguyên, làm sao đệ chắc chắn người thư sinh đó có thể đề tên bảng vàng?

- Nếu cô ấy không thể đề tên bảng vàng thì nhất định là tổn thất lớn nhất trong khoa thi này của huynh.

Hạ Nguyên nhàn nhạt nói:

- Người này đã đọc qua là không quên, đầu óc nhanh nhạy linh hoạt, có thể mô phỏng tất cả thư thiếp của danh gia trong thiên hạ, nhưng không hề khoe khoang tài nghệ, bề ngoài luôn kiên trì giữ vững tác phong chuẩn mực nhất. Người vừa giỏi ứng biến vừa trầm ổn như vậy, huynh không thu về làm đại thần đắc lực, chẳng lẽ muốn thả cô ấy đi chiếm núi làm vua trở thành sơn tặc?

- Thế này là….thế nào? Sao không làm đại thần đắc lực thì chỉ có thể làm sơn tặc? Đệ đang khen hay đang mắng thư sinh đó?

Không thể phủ nhận, lòng hiếu kỳ của Thiên Thịnh đế chưa bao giờ được khơi lên nhiều đến thế. Hắn chưa từng thấy biểu đệ đánh giá ai cao như vậy, nhưng bây giờ đệ ấy lại vô cùng tự tin và cực kỳ sùng bái với mỗi mình thư sinh đó, sao có thể không khiến người khác hiếu kỳ cơ chứ.

- Đệ không phải khen cũng không phải mắng mà chỉ là bày ra sự thật thôi.

Hạ Nguyên không cảm thấy mình có nói lời nào hay ho.

Thiên Thịnh đế cho rằng mình nên lập tức quyết định thứ hạng trạng nguyên bảng nhãn thám hoa, sau đó niêm phong hộp giao cho thái giám đưa tất cả bài thi đỗ đạt đến Lễ bộ, để họ viết tên lên bảng vàng, sáng sớm ngày mai đúng giờ yết bảng; còn hắn thì có thể tiết kiệm được rất nhiều thời gian túm lấy biểu đệ, bảo đệ ấy nói nhiều hơn về chuyện của thư sinh đó; dĩ nhiên, quan trọng nhất là hiểu rõ chuyện Bắc man cấu kết với người Đại Ung bồi dưỡng mật thám là thế nào.

- A Nguyên, đệ ở đây chờ, trẫm quyết định thứ tự nhất giáp xong ngay. Sau khi đưa danh sách đỗ đạt đi, đệ lại nói cho trẫm biết người thư sinh đó là ai.

Hạ Nguyên thản nhiên nói:

- Lúc Hoàng thượng chưa quyết định xong thứ hạng, thần cũng không muốn nói với ngài họ tên của cô ấy, như vậy sẽ khiến ngài mất đi tính công bằng khi phán quyết, điều đó không phải ý nguyện của thần.

Nói xong, cậu xoay người nhìn ra ngoài cửa sổ, không liếc về phía bàn dài bên kia nữa, kỳ thực trong lòng cậu sớm đã xác định___cậu đã thấy trong ba bài nhất giáp xếp thành hàng kia, có một bài với thể chữ Đài Các nhìn vô cùng quen mắt. Bạch Vân dù không phải trạng nguyên, ít nhất cũng là thám hoa.

Thiên Thịnh đế gật đầu, đứng trước bàn, cầm bút son, xem lại ba bài thi một lượt, nhắm mắt, lúc mở mắt ra lần nữa, hắn nhanh chóng viết xuống trên ba bài thi lần lượt là trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa, sau đó đích thân cuộn ba bài thi cho vào trong hộp màu đỏ thẫm khóa lại, kế đó thì gộp chung với hai hộp khác chứa các bài thi còn lại đi đến cửa thư phòng, gọi thái giám thân cận, nói:

- Lập tức đưa đến Lễ bộ, đích thân giao cho Triệu thượng thư.

- Tiểu nhân tuân lệnh.

Thái giám nhận lấy ba cái hộp, nhanh chóng rời đi.

Thiên Thịnh đế quay đầu nhìn Hạ Nguyên, nói:

- Bây giờ đệ có thể nói cho trẫm biết thư sinh kia là ai, lai lịch gì, quen biết với đệ thế nào rồi chứ?

Thế là, Hạ Nguyên bắt đầu nói với Thiên Thịnh đế rằng ở huyện Vĩnh Định của Thường Châu có một thôn Tiểu Quy, thôn Tiểu Quy này có lịch sử ra sao. Cậu nói sơ qua một cách đơn giản để Thiên Thịnh đế hiểu rõ người thư sinh xuất thân từ thôn Tiểu Quy thông thường sẽ có tính tình thế nào.

Kế đó____

Hạ Nguyên nói với Thiên Thịnh đế rằng người thư sinh kia tên Bạch Vân, mười tuổi thi đậu tú tài, mười sáu tuổi đậu cử nhân, hiện nay chỉ mới mười bảy tuổi (Hạ Nguyên không hề bất ngờ khi thấy chân mày Thiên Thịnh đế hơi nhướn lên, nhưng cậu vờ như không biết).

Hạ Nguyên nói với Thiên Thịnh đế rằng: Bạch Vân xuất thân nhà nghèo, trừ đọc sách giỏi ra còn tay chân nhanh nhẹn, săn thú, đốn củi, trèo cây, chơi xúc cúc, món nào cũng là cao thủ. Năm mười sáu tuổi, cô ấy giương cung bắn chim để thêm bữa ăn cho gia đình lại bắn được bồ câu đưa thư. Ban đầu cô ấy không chú ý, tùy tiện ném ống thư, ăn thịt bồ câu; sau đó thịt bồ câu ăn được nhiều hơn, vô tình phát hiện trong ống thư có kế hoạch hãm hại trung thần, lại còn là chuyện lớn thông đồng với địch, thế là cô ấy không ăn thịt bồ câu nữa, nhưng vẫn bắt sống tất cả bồ câu đưa thư, sau khi sao chép lại y hệt thư bỏ lại vào ống thư thì thả cho chim bồ câu bay đi, còn cô ấy giữ lại bút tích thực để làm chứng cứ.

Lúc này, Thiên Thịnh đế nghe đến mê mẩn, không kiềm được hỏi___

- Một thiếu niên thôn quê sao có thể nhận ra tin tức trong bồ câu đưa thư? Sao biết được nhân mã hai phe đang hợp mưu muốn hãm hại trung thần? Sao hắn biết ai là trung thần?

- Một thư sinh thôn quê đương nhiên không biết ai là trung thần, dù sao vị quan lớn nhất cô ấy từng gặp trong đời chẳng qua là thôn trưởng. Nhưng cô ấy lại biết người sắp bị hãm hại kia nên bất kể thế nào cũng phải cứu người đó.

- Chuyện này lại là sao nữa?

Thiên Thịnh đế kinh ngạc.

- Bởi vì, người đó là Triệu Tư Ẩn; mà Triệu Tư Ẩn lại là huynh trưởng cùng mẹ khác cha của cô ấy.
Bình Luận (0)
Comment