Editor: Phác Hồng
Bữa cơm tất niên vô cùng thịnh soạn, trải đầy khắp bàn là những món cao lương mĩ vị. Dưới ánh nến, những món ăn lóe lên sắc hương bóng loáng, màu sắc tươi ngon, hơi nóng tỏa nghi ngút. Toàn gia bắt đầu nhập tiệc, vì là bữa cơm đoàn viên nên khắp phòng không ngớt tiếng vui đùa, lời cầu chúc như thủy triều ào ạt tuôn ra, mọi người ai nấy đều tươi cười rạng rỡ.
Trầm Thanh Hiên luôn chú trọng thân thể, có thể nói là bệnh lâu thành thầy, mỗi bữa cơm ăn không quá nhiều, lại phối hợp nhuần nhuyễn các thức chay mặn, thỉnh thoảng uống một ngụm nhỏ để lưu thông khí huyết, quả là thói quen dưỡng thân tịnh thể. Chẳng qua tối nay y thật hào hứng, bất chấp thói quen này nọ, y ăn rất ít mà uống rượu lại nhiều. Trong bữa tiệc, y cùng thân hữu nâng chén cầu chúc lẫn nhau, uống vô cùng sảng khoái.
Y Mặc ít khi động đũa nhưng cũng uống chút rượu. Trong yến tiệc mọi người không cố kỵ hắn xa lạ, hơn nữa vì hắn ngồi cạnh Trầm Thanh Hiên nên cũng xem là thân thuộc. Bọn họ bưng rượu đến mời, Y Mặc nể mặt uống cạn từng chén.
Mọi người chung quanh đều vận trang phục lộng lẫy để đón tân niên, sắc áo tuy không chói mắt nhưng chứa ít nhiều khiêm tốn xa hoa. Lục đúng là lục phỉ thúy (1), mơ hồ ẩn hiện sắc tím; thanh thì là thanh bích sa (2), bồng bềnh màu xanh thẳm của nước hồ thu. Cách nhuộm màu này không phải phường nhuộm tầm thường có thể làm được, không biết người nuôi tằm phải chăm bao nhiêu kén tằm, kén tằm phải nhả bao nhiêu tơ, rồi kéo sợi dệt vải, nhuộm qua bao nhiêu dược liệu mới ra được chất vải thế này. Kế tiếp, các chuyên gia đo lường cắt may thành áo bào rồi tú nương (3) lấy tơ làm sợi, khéo léo điểm xuyến thêm họa tiết văn hoa.
Nhưng mà có khéo léo tinh xảo đến đâu cũng không sánh bằng một thân áo bào đen thẫm, thanh thuần đơn giản, ngay cả phát quan cũng không thèm buộc – Y Mặc.
Người này vẫn tóc dài tán loạn, thần sắc lãnh đạm, hắn ngồi giữa tiệc không nói một tiếng, chỉ mãi uống rượu, cả người toát lên khí độ phi phàm.
Ai cũng không biết duyên cớ gì hắn lại xuất hiện nhưng ngay cả tiến đến hỏi han cũng không dám tùy tiện.
Thắc mắc là vậy bọn họ chỉ có thể cong người vây quanh Trầm Thanh Hiên dạm hỏi, rốt cuộc là hắn đến từ nơi nào.
Trầm Thanh Hiên chỉ nói – kỳ nhân, rồi không nói thêm gì nữa.
Thuở trước Trầm phụ từng nhiều lần bôn ba hành tẩu, hầu như có thể xưng là ngao du khắp ngũ hồ tứ hải, thấy nhiều việc cũng học hỏi nhiều điều, chí khí dĩ nhiên không giống người thường. Ông biết người này không phải tầm thường, thấy hắn cùng nhi tử chung sống không tệ nên cũng không đặt trong lòng mấy thứ tục lệ rườm rà. Mọi người liên tiếp nâng chén đối ẩm cùng Y Mặc, cũng không hỏi thêm mấy lời thừa thãi. Phòng bên cạnh thỉnh thoảng truyền đến tiếng cười đùa của nhóm nữ quyến cùng với tiếng la hét của bọn nhóc nghịch ngợm. Yến tiệc thật náo nhiệt linh đình.
Mãi đến đêm khuya khi hơi lạnh tràn vào phòng, mấy nha đầu bưng bảy tám chậu than tiến vào, cẩn thận đốt lửa rồi khép lại cửa sổ, chừa lại mấy kẽ hở cho không khí thoáng đãng. Các nàng dọn thức ăn thừa trên bàn, mang lên ít hoa quả khô lót dạ, ngâm lại chén rượu vào nước trà nóng, xong thì lui hết ra ngoài. Nhóm nữ quyến phòng bên đã lần lượt dẫn bọn trẻ cùng nha đầu hồi phòng nghỉ ngơi. Trong sảnh ngoại trừ đám tôi tớ nha đầu thì chỉ có bọn họ ở lại gác đêm.
Cơm no nhưng rượu chưa hẳn say, rượu đã say rồi nhưng tán dóc lại chưa hẳn tắt.
Đêm ba mươi – đêm trừ tịch, một đám người quây quần một chỗ gác đêm tự nhiên sẽ bắt đầu tán chuyện trên trời dưới đất. Ban đầu là nói chuyện triều chính, bàn luận đương kim hoàng đế, người trong thiên hạ đều biết hoàng đế là hiền quân. Có người nhảy vào phân bua, hiền đúng thật hiền nhưng khó tránh đôi phần nhu nhược, nay thái tử chưa lập mà nội cung đã tranh đấu đến khí thế ngất trời.
Kẻ nói lời này đã ngà ngà say, vì thế mới dùng cái từ “khí thế ngất trời” khiến mọi người trên bàn nhịn không được bật cười. Tranh đấu được cho là việc tàn khốc nhất thiên hạ, cốt nhục tương tàn, huyết thân tương sát, sao lại ví là “khí thế ngất trời”?
Trầm phụ lắc đầu, ý bảo kẻ vừa nói bậy phải tự phạt ba chén. Gã ta nâng chén rượu cũng đổi luôn đề tài, lần này nói về kỳ văn quái sự trong thiên hạ. Đề tài do hắn bắt đầu đương nhiên là hắn kể trước. Đêm giao thừa vốn nên nói cười vui mừng nhưng tất cả đều đã quá chén, ánh nến đung đưa, trong phòng ấm áp khiến mọi người trở nên biếng nhác, bầu không khí tuy không quá tệ nhưng cũng không náo nhiệt như trước. Trầm phụ thấy vậy thì suy nghĩ chốc lát rồi kể ra một câu chuyện xa xưa, là do chính ông trải qua.
Kể rằng, năm ấy ông đi buôn, ở cái thời thân thể còn tráng kiện, ông thường tự dẫn đội buôn tới lui vận hàng, thuận tiện thưởng ngoạn cảnh sắc trên đường. Năm ấy ông cùng đội buôn xuất phát theo còn lộ trình đã định, không ngờ trời đột ngột trút mưa xối xả, đội buôn đành vào một ngôi miếu đổ nát để trú mưa. Mưa ngập đất trời, ròng rã suốt một đêm, bọn họ phải trải qua cả đêm mệt nhọc. Chờ trời rạng sáng, bọn họ mở cửa miếu, thu dọn hành trang rồi cho ngựa ăn đặng tiếp tục lên đường. Ngựa vừa chuẩn bị xong thì thấy từ trong miếu lẽ ra chỉ có mỗi bọn họ bước ra thêm một người, người nọ toàn thân đậm đen, đội mũ rộng vành, dùng vải thưa tối màu che mặt. Tất cả mọi người vô cùng kinh ngạc với chàng trai đột nhiên xuất hiện này, tuy cảm thấy kì quái nhưng cũng không ai dám tiến đến hỏi hắn vì sao lại đột nhiên xuất hiện. Chỉ thấy chàng trai ấy ra bên ngoài ngôi miếu đổ nát, đứng trước cửa miếu một lúc lâu, sau đó không biết làm sao lại vẽ một vòng, đột nhiên có một đoàn người chỉnh tề bước từ trong miếu ra. Ước chừng có đến tám chín người, đều là toàn thân đen đậm, che mặt giấu thân không lộ ra một chút da thịt. Sau đó chàng trai đầu lĩnh kia vái bọn họ một cái rồi dẫn đoàn người chỉnh tề rời đi.Nói đến đây thì có người hỏi: “Lúc trước các ông cũng không ai thấy bọn họ vào miếu sao?”
Trầm phụ khoát tay, ý bảo nên tiếp tục nghe.
Bọn họ cũng hiểu được có điều cổ quái khác thường nên vào lại trong miếu tìm kiếm một vòng, ở chỗ bùn đất đằng sau tượng Phật thì tìm được ít dấu vết cho thấy có người dừng chân trú lại. Hóa ra đêm qua hối hả chạy vào, bọn họ chưa cẩn thận quan sát chung quanh, đám người áo đen kia đã vào trú mưa từ trước, bọn họ chỉ là vào sau thôi.Trầm phụ dừng một chút, vuốt ve chòm râu nói: “Các ngươi đều nghĩ đây chẳng qua là chuyện thường tình, lúc đó ta cũng nghĩ vậy. Qua thêm hai năm, ta lại gặp được chàng trai áo đen, hắn cũng dẫn một đám người ngồi trong miếu, ta cùng các tùy tùng nô bọc đều không dám đi vào, các ngươi biết tại sao không?”
Đối với nghi hoặc của mọi người, Trầm phụ ha ha cười rộ, nói: “Các ngươi đã từng nghe qua, ở biên nam có một bí thuật, gọi là cản thi (4).”
Hai chữ cuối cùng vừa thốt ra, phần lớn người trong phòng đều rùng mình một cái, tỉnh rượu hơn phân nửa.
Trầm Thanh Hiên không nghĩ đêm ba mươi lại có thể tán gẫu mấy chuyện thế này, y sửng sốt một chút rồi nói: “Ta cũng biết một chuyện xưa, là do đọc được trong sách, nhưng mà tối nay kể ra lại xúi quấy nên ta không dám kể.”
Mọi người say sưa uống rượu. Trong bữa ăn ai cũng khoe mình là bậc trượng phu gan lớn, thấy chuyện xưa vô cùng kích thích nên làm sao có thể đồng tình, ai cũng hô hào đòi y phải kể.
Trầm Thanh Hiên không còn cách nào chỉ nâng rượu: “Đúng vậy, ta trước tự phạt ba chén vì phá hỏng không khí.” Trầm Thanh Hiên uống cạn, tay vê một hạt đậu phộng trám(5), nói: “Chuyện xưa ta kể có liên quan đến đậu phộng nha.”
Ở triều đại kia, lúc đó thiên hạ đại loạn, phản tặc lưu phỉ(6) nổi lên bốn phía, chiến loạn liên miên. Phía đông có một thôn làng, trong thôn trồng toàn đậu phộng, người dân hái đậu phộng rồi rang chín đem bán hoặc đem chế biến thành đậu phộng trám, thu nhập rất đáng kể. Mọi người trong thôn ai cũng hiền lành, họ giúp đỡ lẫn nhau, đầu thôn cúi xóm đều vô cùng thân thiết. Không ngờ đêm nọ, bọn lưu phỉ đột ngột xông vào thôn cướp một bé con, tuyên bố rằng muốn chuộc thì mang đến cho chúng một trăm lượng bạc. Bé con này chỉ là con của một gia đình bình thường, làm sao có trăm lượng bạc trắng để chuộc, họ đành phải vay mượn khắp nơi. Vốn tưởng rằng xóm giềng thân hữu đều là người lương thiện, chắc chắn sẽ giúp đỡ gia đình nọ, không ngờ rằng người trong thôn không ai chịu giúp dù chỉ một ít tiền. Bọn họ nghĩ, bé con là do bọn lưu phỉ bắt đi, nếu giao ra ngân lượng chỉ sợ khiến chúng tăng thêm độc ác, lần tới sẽ bắt nhiều đứa trẻ nữa, vì thế nhà nào cũng không chịu cho. Chẳng mấy chốc đã đến kì hạn ba ngày, người vợ từ khi biết con nàng bị bắt thì đầu óc ngẩn ngơ, nước mưa tích trên ngói đã cạn, nàng ra giếng múc nước rồi trượt chân chết chìm, cha mẹ già mang bệnh lâu năm nghe vậy thì nóng giận, cũng tắt thở vào một buổi chiều. Trong túi không một xu tiền, trong nhà thì vợ chết con mất, cửa nát nhà tan, người chồng trở nên oán hận với tất cả người trong thôn làng. Đêm đến, hắn cầm sài đao lẻn vào từng nhà, giết sạch. Rồi sau đó, hắn ta tự vẫn.Năm sau đậu phộng trong thôn lại chín, người thu mua đậu phộng tiến vào thì thấy cả thôn vắng vẻ đến phát sợ. Đậu phộng chín nhiều đến nỗi trồi cả lên mặt đất, người thu mua xuống ngựa, đào lên mấy hạt đậu phộng, hắn vừa mở ra thì cả người run rẩy, bỏ chạy trối chết. Đó là bởi vì, khi khối đậu phộng kia vỡ, lớp áo đỏ toác ra, bên trong xuất hiện một khuôn mặt đậu phộng hình người. Năm đó, toàn bộ đậu phộng trong thôn đều mang khuôn mặt như vậy, già có trẻ có, vô cùng sinh động.Trầm Thanh Hiên kể xong thì thấy mọi người mặt không đần thối thì sẽ ngơ ngác, nhìn đĩa đậu phộng trám đầy ác cảm cùng buồn nôn, y bất đắc dĩ tự phạt ba chén. Trầm lão gia cũng thấy không khoẻ, ông uống ngay một chén rượu nóng rồi nhìn về phía Trầm Thanh Hiên. Trầm Thanh Hiên đang mặt mỉm mày cười, ánh mắt lạnh đạm mà hời hợt quan sát dáng vẻ mọi người trong tiệc rượu, thu hết tất cả phản ứng của họ vào mắt rồi tinh tế ngẫm nghĩ. Y quan sát cực kì nghiêm túc nhưng lại không chú ý đến ánh mắt của phụ thân đương chăm chú nhìn y. Trầm lão gia không biết vì sao trong lòng dâng lên một loại cảm giác xa lạ, giống như nhi tử đột ngột trưởng thành khiến ông có cảm giác như là xa cách.
Cảm giác này thật không tốt, Trầm lão gia lắc đầu xua nó khỏi trí óc. Ông nhấc đĩa đậu phộng trám đến trước mặt mọi người, cười ha hả nói: “Chớ khách khí, tất cả đều nếm thử, đây cũng không phải là đậu phộng mặt người.” Bọn họ nghe vậy vừa bật cười vừa buồn nôn.
Những người còn lại không có tài ăn nói như hai phụ tử Trầm gia, họ ít đi nhiều nơi, ít đọc nhiều sách dĩ nhiên cũng kém hai người một bậc. Họ lần lượt kể mấy câu chuyện xưa, những câu chuyện này đều đượm ít nhiều nét kiều diễm cùng hương phấn son, phần lớn là cố sự của các tài tử giai nhân rồi pha chút giai thoại về hồ tiên quỷ quái, kết thúc đều có hậu. Đến khi họ từng người kể xong thì tiệc rượu chỉ còn mỗi Y Mặc chưa nói, mọi ánh mắt đổ dồn lên người hắn, chờ hắn kể tiếp một ít chuyện xưa cũ.
Y Mặc buông chén rượu, ngẫm một lát rồi nói: “Ta cũng không biết nhiều chuyện xưa, không bằng kể tiếp câu chuyện trước đó.”
Mọi người trong tiệc rượu đều cảm thấy thú vị, phàm là chuyện xưa thì kể xong liền hết, lí gì lại có chuyện kể thêm, nếu hắn nói vậy thì thử nghe một chút xem sao. Họ bèn ồn ào thúc hắn kể tiếp chuyện hồ nữ báo ân lúc trước.
Y Mặc nói: “Các ngươi đều nói hồ nữ nặng tình thật đáng khen nhưng ta lại không cho là đúng. Trong thiên hạ, phàm là người trọng tình đều bị tình thương tổn, nếu như không tin thì ta sẽ kể —— ”
Hồ nữ báo ân tình của thư sinh, nàng sinh lòng mến mộ nên cùng hắn kết tình phu thê, ở cõi phàm trần trở thành một người hiền thê lương mẫu. Từ đó đến nay đã được mấy chục năm, nàng giúp chồng dạy con, trải qua cuộc sống đầm ấm. Chuyện vốn nên tốt đẹp nhưng hồ nữ lại không nghĩ, thêm mười năm nữa, thư sinh tóc đã trắng xóa, đứa nhỏ cũng đã lớn khôn nhưng nàng vẫn xinh đẹp như cũ, tuổi tác không hề thay đổi. Thư sinh càng ngày càng lão, biết hắn chẳng còn mấy ngày liền dặn nàng chờ hắn chết thì giải quyết sao cho ổn thỏa, cuối cùng buông một câu, “nếu có duyên, kiếp sau lại kết phu thê”. Hồ nữ trọng tình nghĩa, lẽ ra khi thư sinh chết thì về núi tu luyện, nhưng nàng luyến tiếc mấy chục năm sinh sống cùng phu quân, đợi sau khi thư sinh chết đi, nàng an táng hắn rồi không trở về núi mà tiếp tục rong ruổi chốn phàm trần, tìm kiếm chuyển thế của phu quân, cầu một lần nối lại duyên xưa.Một lần tìm, tìm mãi trăm năm. Trăm năm qua, có đạo sĩ hàng ma muốn trừ nàng lấy nội đan luyện pháp khí, có hòa thượng trừ yêu muốn diệt nàng để lấy cái danh thơm dương thiện trừ ác. Từ đó hồ nữ không được sống an ổn, hết cùng hòa thượng đấu thì cùng đạo sĩ đấu, nàng may mắn trốn thoát nhưng lại trọng thương. Hồ nữ biết nàng bị thương nặng, không thể lưu lại, tuy lòng biết chuyển thế của trượng phu có thể ngay phía trước nhưng cũng đành chịu, nàng trốn về núi dưỡng bệnh. Lại qua mười mấy năm, nàng tiếp tục hạ sơn tìm kiếm. Đến khi nàng tìm được chuyển thế của trượng phu, phu quân kiếp trước giờ đã thành phu quân người khác, phu thê họ đằm thắm bên nhau, tình nùng ý mật. Hồ nữ đau lòng nhưng vẫn hi vọng, nàng nhiều lần tìm hắn, nói rằng nàng mới là thê tử của hắn. Nhưng thư sinh không quen biết nàng, mắng nàng là kẻ điên. Hồ nữ cũng thật điên rồi, nàng hết lần này đến lần khác tìm hắn, một mực giải thích cho hắn. Thư sinh thấy nàng xinh đẹp, lòng có chút động tình, hắn lén lút thê tử cùng nàng hẹn hò. Nhiều lần như vậy, thê tử kiếp này của hắn phát giác, bắt quả tang hai người rồi lấy cái chết ra bức. Tuy thư sinh cảm thấy hồ nữ xinh đẹp nhưng đã chiếm được nàng, thế là hắn vứt bỏ nàng rồi cùng thê tử rời đi. Hồ nữ bị hắn vứt bỏ vẫn không chết tâm, nàng tiếp tục làm phiền hắn. Nhân lúc hòa thượng tìm tới cửa, hắn cùng hòa thượng liên thủ, cùng nhau vây bắt hồ nữ.Hồ nữ bị giam trong lưới bắt yêu, nàng khổ sở van cầu, nước mắt chảy không ngừng. Hòa thượng thi pháp khiến nàng hiện nguyên hình. Thư sinh vốn không tin nàng là yêu quái nhưng đến lúc này hắn đã tin rồi, trong lòng hoảng hốt, hắn sợ hãi cầm mộc côn không ngừng đập loạn về phía hồ ly tuyết trắng. Hồ ly kêu gào thảm thiết, nội tạng vỡ nát, mắt nàng chảy xuống huyết lệ, ai oán tắt thở.Cuối cùng, đạo hạnh ngàn năm lại chết dưới loạn côn của kẻ phàm tục. Mà giết nàng, chính là phu quân nàng.
Y Mặc khẽ cười: “Trong mắt ta, kết cục đoàn viên mà các ngươi nói chỉ là chuyện trước mắt. Ai dám dự đoán tương lai thế nào?”
Chuyện tàn người buồn, kẻ thở dài phiền muộn, người ai thán xót thương, chỉ có Trầm Thanh Hiên ngồi ngẩn người, không rên một tiếng. Sắc mặt y trắng bệch.
Lúc này vang lên tiếng gõ cửa, nha hoàn ghé vào thấp giọng: “Bẩm lão gia, đã đến giờ đốt pháo bông rồi.”
Mọi người phấn khởi lần lượt rời khỏi phòng.
Trầm Thanh Hiên vẫn ngồi. Y Mặc đã đứng lên.
Trầm Thanh Hiên nhìn bóng dáng hắn, nhìn một hồi lâu mới nói: “Nếu có kiếp sau, ngươi đừng đến tìm ta. Dẫu có tìm được, ta cũng không nhận ra ngươi.”
Y Mặc quay đầu, đáp lại: “Đó là lẽ dĩ nhiên.”
Trầm Thanh Hiên bật cười, trong nụ cười mơ hồ phiền muộn. Chút phiền muộn này lại được y giấu tốt vô cùng.
Còn lại một mình Trầm lão gia, ông vừa đi đến bậc cửa thì phát hiện không thấy nhi tử, nhớ ra y ngồi ở ghế không ai đỡ nên vội vàng quay người trở lại. Nghe được đoạn đối thoại như thế thì đầu óc liền hỗn loạn, cả người ông cứng đờ, đứng mãi chỗ đó. Vừa lúc gặp Y Mặc đi ra, hai người chạm mặt, ông ngước mắt nhìn lại, thu vào tất cả nét mặt của đối phương. Y Mặc có hơi giật mình, đôi mày chau lại rồi nhanh chóng giãn ra, hắn không nói gì chỉ đi lướt qua ông.
Trầm lão gia nhìn bóng lưng hắn nhoáng cái biến mất tại dãy đèn lồng sáng rực, không một dấu vết sót lại. Trong lòng minh bạch, chuyện không dừng lại ở hai từ ‘có lẽ’ nữa, ông chắc hẳn mười mươi.
Lúc này Trầm Thanh Hiên đã đẩy luân y ra, lạ lùng nhìn phụ thân đứng trước cửa, y gọi một tiếng: “Cha?”
Trầm phụ vờ ứng lời, ông ra phía sau giúp y đẩy luân y. Dọc đường không nói câu nào, ông lẳng lặng nhìn pháo bông tung tán trong đêm khuya. Ở giữa không trung, những mảng hoa lửa diễm lệ thi nhau vươn mình.[1] [2]: phỉ thúy, bích sa đều là tên các loại ngọc.
[3] tú nương: người thêu thùa
[4] cản thi: Cản thi là 1 nghề lưu hành ở vùng Tương Tây Hồ Nam – Trung Quốc, đây là nghề của những đạo sĩ nhận lời vận chuyện xác của những người chết tha hương về quê. Ông đạo sĩ đó sẽ dùng bí kỹ của mình làm cho cái xác đứng lên và đi theo ông ta.
[Thanks nàng Shalya bên VNS đã giải thích hộ:D]
[5] đậu phộng trám: đậu phộng ướp nước sốt hay phụ liệu rồi mới rang lên.
[6] lưu phỉ: chỉ bọn cướp đi nơi này đến nơi khác để cướp bóc.