Ngự Thuỷ Trầm Lưu - Thẩm Lục Vũ

Chương 46

Tết năm ấy, sáu đứa trẻ tụ tập một chỗ, khóc la inh ỏi.

Theo lời Giang Chẩn nói thì — chỉ cần sáu đứa cùng cất tiếng một lượt, tiếng khóc cũng đủ khiến nửa thành Trường An giật mình tỉnh giấc giữa đêm.

 

Năm thứ hai sau khi sinh hạ tiểu công chúa, Giang Chẩn giữ đúng lời hứa năm xưa — sắc phong ta làm Trung cung Hoàng hậu. 

Từ đó về sau, ta có thể đường đường chính chính đứng bên hắn, mà thiên hạ cũng theo đó mà rõ ràng một điều: Giang Chẩn là phu quân của Văn Thanh Giản ta.

 

Không lâu sau ngày ta đăng hậu, Thái hậu trong cung qua đời. 

Người là chính thất nguyên phối của tiên hoàng, cũng là người phụ nữ cuối cùng còn lại của tiên hoàng để ở hậu cung. 

 

Giang Chẩn nói, bà chỉ vào cung trước cô mẫu ta một năm, khi còn sống luôn đối đãi khoan hòa với các phi tần. 

Bởi vậy đến tận lúc nhắm mắt xuôi tay, cô mẫu ta cũng cam tâm chỉ giữ thân phận một vị Quý Thái phi, còn dặn dò Giang Chẩn nhất định phải hiếu thuận với Thái hậu đến cùng.

 

Ta nhận lời Giang Chẩn, đích thân lo liệu tang lễ cho Thái hậu. 

Trong lúc thu dọn di vật, vô tình tìm thấy một búi tóc đã khô vàng, cũ kỹ được cất dưới chiếc gối của bà.

 

Tay nắm lấy lọn tóc đã trải qua bao năm tháng ấy, lòng ta bỗng rối như tơ vò, chẳng thể tiếp tục làm được việc gì. 

Mãi cho đến khi ta xuất cung, đặt búi tóc ấy lên linh cữu của Thái hậu, nhìn làn khói nhang mỏng manh cuộn lên từ lư hương bên cạnh bài vị, trong lòng mới dần ổn định lại.

 

Về đến cung, ta bỗng rất muốn gặp Giang Chẩn. 

Rõ ràng biết việc này chẳng hợp quy củ, nhưng ta vẫn mặt dày đến tìm chàng.

 

Vừa bước vào ngự thư phòng, ta liền thấy Giang Chẩn đang ngồi bên cửa sổ, bút lướt như rồng bay phượng múa. 

Thỉnh thoảng, chàng hơi nhíu mày, dường như phát hiện có chỗ nào chưa hợp lý. 

Dáng vẻ ấy, tựa như từ thuở rất lâu về trước, mỗi lần ta đến ngự thư phòng đều bắt gặp chàng như vậy.

 

Nhưng không hiểu vì sao, hôm nay lòng ta lại đặc biệt ham mê dáng hình ấy. 

Thế là ta chỉ khẽ dựa vào khung cửa, không lên tiếng, lặng lẽ nhìn chàng, cứ thế nhìn rất lâu.

 

Mãi đến khi Giang Chẩn phát hiện ra ta, chàng mới đặt bút xuống, đứng dậy, vẫy ta lại gần. 

Ta mỉm cười bước đến bên chàng, Giang Chẩn nắm lấy tay ta, khẽ ngạc nhiên hỏi:

 

“Thanh Thanh, hôm nay sao lại nhìn trẫm như vậy? 

Đã đến rồi, sao không gọi trẫm một tiếng?”

 

Ta nhìn chàng, hơi ngượng ngùng cười, đôi má ửng hồng. 

Một lát sau mới khẽ khàng hỏi:

 

Bản dịch nhà Họa Âm Ký, xin đừng mang đi chơi khi chưa xin phép!
Follow Fanpage "Họa Âm Ký" để cập nhật truyện mới mỗi ngày bạn nhé ^^

“Giang Chẩn, chàng vẫn còn giữ búi tóc kết ấy không?”

 

Nghe ta hỏi vậy, Giang Chẩn bật cười. 

Chàng đưa tay vào trong cổ áo, kéo ra một chiếc túi gấm — vẫn là chiếc túi năm xưa, chỉ là nay sắc đã phai nhạt ít nhiều theo năm tháng.

 

“Lọn tóc kết giữa trẫm và Thanh Giản, trẫm vẫn luôn mang bên mình.”

Ta đưa tay đón lấy, nâng niu ngắm nhìn, rồi trịnh trọng đặt lại vào cổ áo chàng.

Ngay sau đó, ta kiễng chân ôm chặt lấy Giang Chẩn, má áp vào lồ ng n.g.ự.c ấm áp, khẽ thì thầm:

“Nhất định phải giữ kỹ. 

Mãi mãi phải giữ kỹ.”

 

Ta cứ thế nép vào lòng chàng, kể cho chàng nghe chuyện vừa rồi ta đến linh đường Thái hậu. 

Giang Chẩn im lặng một lúc lâu, ánh mắt trầm xuống, mang theo nét thương cảm.

 

Chàng nói, Thái hậu cũng từng là một nữ tử tài hoa xuất chúng, nhưng cả đời không được sủng ái, cũng chưa từng sinh con. 

Sau khi tiên hoàng băng hà, bà ẩn cư nơi tịnh điện, ngày ngày lễ Phật tụng kinh, không cho ai đến quấy rầy, dần dà cũng chẳng mấy ai còn thấy mặt bà nữa. 

Cứ thế, bà lặng lẽ sống cô quạnh trong cung đến khi thân thể cạn kiệt.

 

Thuở thiếu thời, Giang Chẩn từng một lần tình cờ đọc được một bài thơ do Thái hậu viết. 

Nội dung đại ý rằng: hoàng cung tựa như một chiếc lồ ng son, giam cầm biết bao nữ tử tuổi xuân rực rỡ. 

Lồ ng son ấy tuy nhỏ, nhưng cô đơn lạnh lẽo. 

Những nữ tử trong cung dù khao khát thoát ra, nhưng lại chẳng có lấy một tia hy vọng. 

Giống như con cá cả đời sống trong hồ, biết rõ hồ chỉ lớn chừng ấy, nhưng cũng không thể rời khỏi mặt nước mà đi.

Giang Chẩn kể, bài thơ ấy mang theo nỗi sầu bi thấm tận xương tủy, khiến lòng chàng khi ấy chấn động không thôi. 

Đến tận sau này, dù đã lên ngôi đế vương, chàng vẫn luôn khắc ghi trong tâm, luôn tự nhắc mình: phải thực lòng đối đãi với ta, không để ta rơi vào cảnh sống u uất như những nữ tử trong thơ của Thái hậu năm xưa.

 

Ta nghe xong, chỉ mỉm cười quay đầu nhìn chàng, nhẹ giọng đáp:

“Chàng vốn chẳng phải người quân vương bạc tình như vậy. 

Có chàng bên cạnh, có tình yêu của chàng, hoàng cung này trong mắt ta — vẫn luôn là nơi khiến ta yên lòng.”

 

Dẫu cho cung thành này, thật sự là một cái ao lớn giam giữ cả đời ta đi nữa thì ta cũng cam tâm sống trọn đời trong đó mà không hề oán than.

 

Người đời nhìn về Trường An, nhìn vào hoàng cung nguy nga, phần nhiều sẽ nhớ đến câu viết trong sách rằng: 

“Tương nhu dĩ mạc, bất như tương vong vu giang hồ” — rằng thà xa nhau được tự do, còn hơn kề cận mà bó buộc. 

 

Nhưng mấy ai biết được rằng, từ lúc ta và Giang Chẩn thề hẹn bên nhau, lời trong tim ta chỉ có:

"Nguyện làm cá lượn bên nhau, có c.h.ế.t cũng cam lòng;

Nguyện làm đôi uyên ương một kiếp, chẳng mơ đổi lấy tiên giới xa xôi."

 

Dù Trường An có là ao cá lớn nhất thiên hạ, thì giữa muôn vàn đôi uyên ương, Văn Thanh Giản và Giang Chẩn vẫn là cặp xứng đôi vừa lứa, tình sâu nghĩa nặng nhất.

 

Đôi uyên ương có tình, không sợ trời cao, chẳng ngại gió bụi.

 

Giang Chẩn à… chàng không phải cá, sao thấu được niềm vui trọn vẹn của ta, khi được bơi lượn trong một ao nước chỉ có riêng chàng.

 

-(Hết)-

Bình Luận (0)
Comment