Ngục Thánh

Chương 254

“Ung thư hả? Bị lâu chưa?”. “Được nửa năm, lại tốn tiền thuốc rồi!” – những mẩu đối thoại này có thể gặp bất cứ đâu trên thế giới Tâm Mộng: trong nhà hàng, bữa tối, buổi hẹn hò, gặp mặt gia đình, lễ hội, chương trình truyền hình… Chẳng mấy ai biết thứ bệnh tật ấy từng gieo rắc nỗi khiếp đảm như thế nào. Ung thư trở thành lọ gia vị để thảy vào cuộc đối thoại nhàm chán hoặc khi không còn gì để nói. Đám tác giả bất tài thường xuyên dùng nó làm tình tiết gây cười cho vở hài kịch nhảm nhí nhất. Thảy vô tội vạ, tới nỗi dân tình bắt đầu dị ứng và gọi những kẻ trò chuyện nhạt nhẽo là “ung thư”. Nền y học Tâm Mộng giờ nghiên cứu những biến chứng vì lạm dụng nội lực, những thương tật vì tai nạn phép thuật, cách kéo dài tuổi thọ, nâng cao thể chất con người nhằm tạo ra siêu nhân, nghiên cứu cuộc sống sau cái chết, vân vân và những chuyện mây mây. Còn ung thư cùng đám bệnh nan y của thời đại cũ chỉ như chứng đau ruột thừa, viêm gan hoặc cảm cúm xoàng. 

Liệt Giả biết một người chết vì ung thư, đó là ông già họ Lập ở quận Mắt Trắng làm chủ một tiệm ăn mà thi thoảng anh ghé qua. Anh vẫn nhớ như in cái ngày ổng hét toáng lên khi nhìn hóa đơn thuốc, gọi bác sĩ là “một lũ cướp” và quyết tâm tránh xa bệnh viện. Nghe đâu hôm lìa đời, gương mặt ổng mãn nguyện đến lạ. Liệt Giả thường kể chuyện này cho hai gã bạn thân. “Thề có Vạn Thế, ông già đó chết thanh thản lắm!” – Anh quả quyết.

Nhưng khi người già đến phòng khám, nền y học Tâm Mộng nhận ra nó chẳng thể giải quyết dứt điểm chứng mất ngủ. Thứ bệnh tật cổ lỗ sĩ ấy vẫn bám riết thế giới này. Hồi làm việc tại thánh đường, Liệt Giả thường tiếp xúc các cựu binh. Họ không than vãn với anh về thương tật, thất nghiệp hay bị vợ con ruồng bỏ. Họ nói về chứng mất ngủ. Họ cần ngủ. Thuở đó, anh chàng thánh sứ Liệt Giả hai mươi tuổi chẳng biết nói gì hơn ngoài động viên, làm lễ ban phước cho đám cựu binh và không quên dặn họ gặp bác sĩ. Vạn Thế chưa chắc chữa lành bệnh tật nhưng bác sĩ có thể. Anh không muốn họ chết đẹp như ông già Lập. 

Năm tháng Chiến Tranh Tài Nguyên ập đến, Liệt Giả mất ngủ nhiều hơn. Anh chưa già nhưng đã là cựu binh. Anh dần đồng cảm với đám cựu binh năm xưa. Những lúc trằn trọc, anh không thể ngừng suy nghĩ. Nghĩ ngày đã qua, nghĩ tháng đã mất, nghĩ năm chẳng còn, người thân, kẻ thù… vô số khung cảnh xuất hiện nối tiếp nhau khiến anh không yên. Và mất ngủ. Liệt Giả có lý do để trằn trọc. Anh không giống hai gã bạn thân của mình vốn chỉ biết mệnh lệnh, nghĩa vụ hay trung thành tuyệt đối với Phi Thiên quốc. Anh thuộc về Vạn Thế, giáo điều và lý tưởng. Anh lờ mờ cảm giác có sai lầm nào đấy trong Chiến Tranh Tài Nguyên, dù chính anh vừa nhận Huân Chương Cánh Đỏ từ chính phủ, dù người ta nói anh đã kết thúc cuộc chiến. Giả dụ có con, anh không chắc sẽ khoe với đứa nhỏ rằng cha nó vĩ đại ra sao như bao ông bố khác vẫn làm.

Liệt Giả cần một thánh sứ làm yên lòng mình, giống các cựu binh đã tìm đến anh. Anh tìm thầy Tây Minh.

Độ ấy thầy Tây Minh ra vào bệnh viện suốt, hỏi mới biết thầy cũng mất ngủ. Liệt Giả lấy làm lạ. Thầy chẳng can dự cuộc chiến, bao năm nay chỉ dạy học hay trông nom Tháp Thánh Sứ. Anh kể chuyện của mình rồi đáo qua vấn đề mất ngủ nhằm tìm chút đồng cảm. Thầy nghe xong thì gật gù:

-Một phần của anh đã chết ngoài chiến trường, những phần còn lại bị dư âm chiến tranh quấy rầy và thêm vài phần nữa sẽ chết đi. Anh cũng thế, ta cũng vậy. Anh bị ám ảnh vì Chiến Tranh Tài Nguyên, còn ta chưa bao giờ quên Thời Đại Thủy Triều. Ta lớn lên cùng nó, sống với nó, chiến đấu chống lại nó. Ta cứ ngỡ đã chiến thắng Thời Đại Thủy Triều nhưng rốt cục nó chẳng đi đâu hết. Nó ở bên trong, làm nên lớp da thịt già cỗi này, làm nên cái gọi là “đại thánh sứ Tây Minh” này. Nó là ta, ta là nó. Thời Đại Thủy Triều hỗn loạn, ta cũng không thể yên bình. Cứ thế, cứ thế, chẳng bao giờ kết thúc. Rồi mất ngủ thôi! 

Thế hệ trẻ như Liệt Giả chỉ biết Thời Đại Thủy Triều qua sách vở, tư liệu. Đó là kỷ nguyên mà các đế quốc thành lập liên minh nhằm tranh giành quyền lực trên khắp thế giới, kể cả đất thánh. Nó khởi nguồn từ thời Bạch Dương Đệ Lục, kéo dài suốt hai thế kỷ và kết thúc bằng một hòa ước cách đây gần ba mươi năm. Chiến Tranh Tài Nguyên chỉ như quả tép pháo so với kho thuốc nổ Thời Đại Thủy Triều khổng lồ. Liệt Giả vẫn nghe rằng kỷ nguyên ấy có hàng vạn chiến binh tranh đấu, vô số chuyện kể những kiếm sĩ dũng cảm hay pháp sư đầy quyền năng, những thánh sứ gần ngang hàng thánh thần, những cuộc thách đấu huyền thoại ở phương bắc, Trận Sông Đỏ vĩ đại ở phía tây thế giới. Hàng lớp thế hệ chiến binh nối tiếp nhau sinh ra, nối tiếp nhau tàn lụi như sóng biển, nên gọi là Thời Đại Thủy Triều. 

-Uống thuốc cũng không ngủ được sao, thưa thầy? – Liệt Giả hỏi.

-Ngủ được. Mấy thứ hóa chất này làm ức chế thần kinh rồi cứ thế ngủ thôi, một mạch đến sáng hôm sau. – Tây Minh giơ túi thuốc – Nhưng anh sẽ ngủ mà không mơ, không mộng đẹp cũng chẳng ác mộng, não bộ hoàn toàn ở trong thế giới không màu sắc, không mùi vị, không hình dáng, không âm thanh, không rung động. Đó gọi là “hư vô” và chỉ cái chết toàn diện mới ở trong hư vô. Ngủ… nó phải đến một cách tự nhiên, tức là bộ não chìm vào bóng đêm nhưng vẫn còn sợi tơ mỏng manh liên kết với thế giới thực. Sợi tơ ấy làm ta mơ mộng, đem lại điềm báo, khơi gợi buồn đau, làm ta tự nhận thức mình là một phần nào đấy hoặc chẳng là gì của thế giới này. Thuốc làm chúng ta chết, không phải ngủ. Chúng ta cần ngủ chứ không phải chết. 

Liệt Giả chống cằm suy nghĩ như vừa phát hiện điều mới mẻ. Anh hỏi tiếp:

-Thầy có bao giờ lo rằng thế hệ sau hiểu sai về mình? Về Thời Đại Thủy Triều? 

-Anh biết gì về Thời Đại Thủy Triều? – Tây Minh hỏi lại.

-Em chịu! – Liệt Giả gãi đầu gãi tai, cười – Em chỉ biết thầy nổi tiếng nhất thời đó. Thầy có thần hộ mệnh Cổ Nhi, thầy nắm giữ ngọn lửa phán quyết. Thầy thúc đẩy các liên minh đặt bút ký bản hòa ước. Chẳng thánh sứ hay chiến binh nào vĩ đại như thầy cả.

Tây Minh lúc lắc đầu chẳng rõ ý tứ. Liệt Giả đã quen điệu bộ không khẳng định cũng chẳng phủ định của thầy. Dạo trước anh thường gọi đấy là tính ba phải, rồi cũng nhờ nó mà thầy cứu anh khỏi vô số rắc rối. Thầy ngẫm nghĩ hồi lâu đoạn nói:

-Có, ta cũng từng lo lắng như anh. Sợ thanh danh bị ô uế, sợ đất nước mất mặt, sợ làm gia đình thất vọng. Từ ngày lên chức đại thánh sứ, ta luôn phấn đấu để vượt lên những nỗi sợ. Ta muốn lịch sử ghi danh mình, để trở thành niềm tự hào cho gia đình, để có chút gì đấy mà lên mặt trước lũ học trò ngổ ngáo như anh. Nhưng sau đấy thì sao? Thế giới Tâm Mộng vẫn thế, các liên minh vẫn xung đột, các đế quốc liên tục áp đặt thống trị lên những bộ tộc thiểu số. Gia đình khó chịu với ta và nói ta lo chuyện bao đồng; nếu ai đó hỏi, họ sẽ tránh nhắc tên ta. Nhiều người nghĩ ta được Vạn Thế gửi đến để trừng phạt kẻ ác, nhưng nào phải vậy? Ta chưa bao giờ ngủ mơ thấy Vạn Thế hay được Nữ Thần Tiên Tri báo mộng. Mơ trúng xổ số thì có! Khì! Buồn đau, phản bội, những gã kiếm sĩ bán mạng cho ác quỷ hòng đặt chân vào Thập Kiếm, lũ Bảy Người Mạnh Nhất chỉ chực kiếm lợi, đám Ngũ Pháp Sư vô tâm trước cảnh thế giới hoang tàn… Thời Đại Thủy Triều là thế. Nhưng không thế hệ tương lai nào biết về Thời Đại Thủy Triều hay rút ra bài học từ nó, như anh là ví dụ. Ba mươi năm sau hòa ước, thế giới vẫn bất đồng, cuối cùng là Chiến Tranh Tài Nguyên. Vậy anh nghĩ ta còn quan tâm mấy thứ danh tiếng tào lao nữa không? 

Nếu không bước vào rồi trở ra từ chiến tranh thì Liệt Giả cũng gán chữ “gàn dở” cho thầy Tây Minh giống gia đình thầy. Ngày anh nhận huân chương, người ta tán tụng anh kết thúc Chiến Tranh Tài Nguyên. Ban đầu anh tự hào lắm, tâm tình lâng lâng bồng bềnh như có quả bóng bay vô hình trong lồng ngực. Nhưng khi quả bóng xì hơi, anh chẳng hiểu mình đã kết thúc điều gì hay mang lại hạnh phúc cho ai, kể cả chính anh. 

-Hai mươi năm tới, chẳng ai hiểu Chiến Tranh Tài Nguyên nữa đâu, tóc đỏ. – Tây Minh tiếp lời – Chúng sẽ nằm trong sách vở, tư liệu, mấy chuyện hù dọa trẻ con, mấy chuyện phiếm làm lũ choai choai máu nóng trở thành chiến binh. Chúng không đến với con cái anh hay thế hệ tương lai, chúng ở lại với anh và chỉ mình anh. Giống như Thời Đại Thủy Triều ở lại với ta. Thời gian khắc nghiệt lắm! Rồi thế giới sẽ biến anh thành người hùng hoặc một tên đao phủ máu lạnh; anh sẽ trở thành công cụ cho một gã muốn ứng cử ghế đại biểu quốc hội, một tay thợ rèn khoác lác, hoặc đơn giản là làm gương mặt đại diện cho đợt tuyển thánh sứ sắp tới. Xem thử không?

Nói rồi Tây Minh rút ra một tập tờ rơi đưa cho người học trò. Trông mặt mình chình ình cùng dòng chữ quảng cáo rất kêu, Liệt Giả ôm bụng cười lớn, có nằm mơ anh cũng chẳng tưởng tượng nổi chuyện này. Cười một chặp, anh bất giác nhớ mẹ. Hồi còn rong ruổi trên những dải núi hẻo lánh ở xứ Thượng Cổ, mẹ thường dặn anh tránh xa nơi đông đúc hay chốn thành thị. Giờ biết đứa con chườn mặt khắp ngóc ngách Phi Thiên thành, bà sẽ im lặng rồi không thèm nhìn mặt anh cả tháng. Kiểu tức giận đó của bà, anh không quên được.

-Thầy có bao giờ chán ghét gia đình hay người xung quanh? – Liệt Giả lên tiếng – Em biết chuyện gia đình thầy. Liệu có bao giờ thầy cảm thấy bất công và muốn quay lưng, rồi… thầy biết đấy… oán trách, thù ghét cả thế giới?

Tây Minh nhướn mắt, bờ trán hằn sâu những rãnh suy tư. Và như nhiều lần khác, người thầy trả lời bằng một câu hỏi:

-Sau này, khi có con, anh muốn kể cho đứa bé biết chuyện gì xảy ra ở Chiến Tranh Tài Nguyên? Những câu chuyện thực sự, không phải mấy thứ xúc động mà người ta hay kể. “Sự thật” kia! Và liệu anh muốn đứa trẻ cảm nhận thời đại đó như mình?

-Không, chắc chắn không, thưa thầy. 

-Vậy đấy! – Tây Minh lúc lắc đầu – Chúng ta chiến đấu để thế hệ tương lai không sống cùng bóng ma quá khứ, để họ không biết những “sự thật” mà chúng ta từng trải qua. Nếu họ thờ ơ thì đó là phần thưởng tốt nhất từ cuộc chiến, ta trân trọng điều đó, anh cũng nên thế. 

Liệt Giả nhíu mày:

-Phải hành động cao thượng sao, thưa thầy? Một thánh sứ cần phải như vậy?

-Không, không cao thượng đâu, chẳng cao thượng tí nào cả! Khì! – Tây Minh cười – Chỉ tự bảo vệ mình thôi. Nếu biết quá nhiều sự thật, người ta sẽ nghĩ khác. Anh hiểu mà…

Liệt Giả im lặng đoạn ngẩng đầu nhìn bầu trời. Nền trời xanh nhạt, mây lợp rợp nắng, đẹp đẽ và an lành. Hồi bé, mẹ thường bảo anh làm vậy mỗi khi mệt mỏi hay buồn phiền. Rồi khi làm việc ở thánh đường, anh cũng khuyên bọn trẻ hệt như mẹ. Nhưng bầu trời chỉ vỗ về người đồng điệu cùng nó, anh thì không. Sau cuộc chiến, thâm tâm anh đã rơi xuống những vực sâu mà ánh sáng chẳng thể rọi đến. Rối trí, Liệt Giả lại nhớ mẹ. 

Dạo này anh chưa gặp mẹ, lần gần đây nhất đã nửa năm. 

Mà gặp mẹ không dễ. Mẹ sẽ tìm anh, hoàn toàn không có chuyện ngược lại. Bà luôn đến mà không báo trước. Thường là lúc anh ngủ say, hay vô tình gặp một vị khách từ miền nam Thượng Cổ xa xôi với chất giọng đặc sệt âm mũi, hoặc nghe thấy tiếng rít của con quạ nào đấy mò đến bãi rác thủ đô kiếm ăn. Mẹ chỉ tới thăm Liệt Giả trong những khoảnh khắc như vậy, đột ngột nhưng nhẹ nhàng. Giữa cơn mộng mị, anh luôn thấy bà xuất hiện trong áo chùng màu cam sậm giống thứ màu phủ lên các triền núi hoang vu phía nam Thượng Cổ, vóc dáng nhỏ nhắn, gương mặt bầu bĩnh với hai gò má hay hồng lên vì lạnh, đôi mắt đen thẫm có dải mục quang tựa vệt sao băng vút ngang trời đêm. Liệt Giả chẳng giống bà điểm nào trừ mái tóc đỏ rực. Mẹ bảo anh giống cha nhiều hơn. Giữa dòng ký ức, anh nhớ mẹ chẳng mấy khi bồng bế hay âu yếm mình như bao bà mẹ khác. Bà đã quá bận bịu với cỗ máy dò tìm kim loại, ngã giá với đám thu mua phế liệu hoặc xua đuổi lũ quạ nhăm nhe cướp đồ ăn của anh – quạ ở xứ nam háu ăn, dữ dằn, lì hơn đá tảng, chúng sẽ tấn công trẻ con nếu không có người lớn bên cạnh. 

Phải đợi lúc đêm xuống, bên đống lửa liêu xiêu, Liệt Giả mới cảm nhận được đôi tay của mẹ. Tay mẹ nứt nẻ, nhiều rãnh lõm sâu tưởng như bị roi gió quất vào quanh năm suốt tháng. Trước khi ngủ, bà luôn ôm vai Liệt Giả, cầu nguyện Vạn Thế và dặn dò anh:

“Đừng ngoảnh mặt với thế giới, Liệt Giả. Nếu một ngày nào đấy có người cầu xin con giúp đỡ, hãy giúp đỡ họ. Và nếu những người khốn khổ chẳng mở miệng cầu xin, hãy giúp họ bằng cả sức lực. Đừng như đại bàng bay cao mà chẳng quan tâm chuyện dưới đất. Đừng như chim ưng lấy giết chóc làm niềm kiêu hãnh. Sống như quạ.”

“Tại sao phải thế hả mẹ?” 

Liệt Giả từng thắc mắc nhưng mẹ chỉ cười, bảo rằng anh còn quá bé. Trẻ con không hiểu chuyện người lớn. Giờ anh mới nhận ra lời của mẹ trĩu mỏi như thầy Tây Minh. Có gánh nặng gì đấy ở lại, giày vò mẹ nhưng bà không muốn anh biết.

Rời miền đất hoang vu của ký ức, Liệt Giả quay về đại lộ lát đá dọc quận Trăng Khuyết của hiện thực. Anh trầm ngâm:

-Thế giới này thật lạ, phải không thầy? Chẳng có thứ gì chuyển động theo một đường thẳng, chúng luôn lệch hướng, phá khỏi khuôn khổ rồi va chạm nhau. Giống hai gã đàn ông lỡ đụng nhau, sau đấy là đấm bốc! Em từng tham quan viện nghiên cứu sinh học, xem những tế bào dưới kính hiển vi. Các tế bào luôn chuyển động, luôn va chạm không ngừng nghỉ. Liệu đây có phải số phận mà Vạn Thế ban cho loài người? Và phải chăng Vạn Thế làm vậy vì ý muốn từ Đấng Sáng Tạo? Phải chăng con người không thể đi vào một đường thẳng? Phải chăng mọi thứ sẽ luôn luôn chuyển động lệch? Chúng ta… chúng ta… nói cùng một ngôn ngữ, cùng phụng sự một đấng tối cao, sử dụng chung một đồng tiền. Thế giới này là đỉnh cao trong giấc mơ loài người; con người Năm Đế Chế Cổ Đại vẫn luôn mơ như thế và chúng ta chính là giấc mơ của họ. Nhưng tại sao hết Thời Đại Thủy Triều lại tới Chiến Tranh Tài Nguyên? 

-Các thánh thần không phức tạp, chúng ta mới phức tạp. – Tây Minh nhún vai.

Liệt Giả bật cười. Anh lại ngẩng đầu ngắm nhìn khoảng không. Trời xanh không thể rọi tới Liệt Giả nhưng anh có thể bay lên để chạm vào nó. Ánh mắt anh trèo thang gió và lội bước trong những sảnh mây. Rồi anh mở lời, chẳng rõ là nói với thầy Tây Minh hay nói cho chính mình:

-Em sẽ rút khỏi Kỳ Thi Tổng Lãnh, mong thầy không giận. Sau đấy em sẽ đến vùng chiến sự ở phương bắc Băng Thổ, miền viễn tây của Hoa Thổ. Bất cứ đâu. Em muốn giúp những tộc người thiểu số giành quyền tự trị, cứu giúp các tiểu quốc kẹt giữa chiến tranh đế quốc, hoặc đơn giản là giúp một gia đình đoàn tụ. Không danh tiếng, không tiền bạc, không đợi trả ơn, không chính trị, không có cái gọi là “đất nước”. Vì con người, chỉ vì con người thôi. Giống những thánh sứ trong chuyện kể cho con trẻ: vô tư, luôn xuất hiện trong đôi cánh và chiến đấu hết sức mình. 

Tây Minh nhíu mày:

-Chiến đấu cho người không quen biết? Sống cuộc đời vô quốc gia, vô chính phủ? Anh là đại thánh sứ, không phải đứa trẻ sống trong thế giới cổ tích, đừng nói ngớ ngẩn vậy. Ai chấp nhận một kẻ như thế? Anh sẽ trở thành kẻ thù của tất cả. Thế giới sẽ xua đuổi anh như đuổi quạ.

Gió biển lùa quận Trăng Khuyết, lùa đại lộ lát đá dọc theo hàng cây dẻ ngựa, lùa tung mái tóc đỏ. Loáng thoáng đâu đây tiếng kêu ken két, tiếng gõ mỏ bới rác. Quạ. Liệt Giả căm thù lũ lông đen này. Tuổi thơ anh nấp sau lưng mẹ vì quạ rồi phải tự đứng dậy chống lại chúng. Ngày chôn mẹ xuống đất Thượng Cổ vĩnh hằng, quạ đến hàng đàn. Chúng bay trên sườn núi, trên nhành cây chết, trên tấm bia mộ không tên dựng vội, cánh vần vũ tô đen khoảnh trời. Chúng không quấy phá anh như mọi khi mà kêu rít điếc tai, tưởng chừng đang nhạo báng đứa trẻ mồ côi. Đứa bé Liệt Giả nghiến răng. Đau khổ. Cô đơn. Giận dữ. Đầy tủi nhục. Thằng bé rời lục địa và thề không bao giờ quay lại.

Nếu tham dự kỳ thi Tổng Lãnh, anh sẽ là đại bàng bay trên Thánh Vực. Chẳng gì vĩ đại hơn. 

Nếu tiếp tục phục vụ đất nước, anh sẽ là chim ưng dẫn dắt hàng trăm thánh sứ cùng hàng ngàn chiến binh. Chẳng gì kiêu hãnh bằng.

Nhưng một khi đặt chân vào con đường của mình, anh sẽ trở thành quạ. Lang thang, nhặt nhạnh, bị xua đuổi, khoác lên mình bộ cánh đen đúa xác xơ, chẳng thuộc về bóng tối cũng như ánh sáng. Kiếp quạ là thế. Anh sẽ trở thành thứ mà mình từng ghét cay ghét đắng, sẽ trở thành quá khứ mà mình từng chối bỏ.

Ngày dựng mộ cho mẹ, anh một mình đối mặt thế giới, chỉ mỗi lũ quạ thăm viếng anh. Chỉ mỗi chúng chứng kiến anh buồn khổ. Ngày mẹ ra đi, mắt Liệt Giả lèm nhèm gió bụi, anh thấy lũ quạ cười mình. Giờ nghĩ lại, anh nhớ rằng chúng chỉ kêu. Quạ không biết nói tiếng người. Có thật chúng nhạo báng anh hay vì lý do nào khác? 

-Quạ vẫn ở đó mà thầy! Chúng chẳng đi đâu cả. – Liệt Giả cười – Nếu đó là cái giá của một thánh sứ thực thụ, em sẽ trả đầy đủ. 

-Vì cái gì? – Tây Minh hỏi.

-Một thế giới hoàn hảo. – Anh trả lời – Em vẫn luôn nghĩ về nó. Đó là lý do em trở thành thánh sứ. Liệu đấy chính là số phận của thánh sứ? Làm thánh sứ phải chăng chính là làm quạ, thưa thầy?

Tây Minh nhăn trán. Nghĩ ngợi một lát rồi thầy đưa anh vỉ thuốc chống mất ngủ:

-Anh mệt mỏi quá rồi, con trai. Nghỉ vài tuần đi, ta cho phép. Về nhà nghỉ ngơi, tập trung chuẩn bị lễ cưới. Đừng nói anh quên nhé?! Này tóc đỏ, lễ cưới cho con gái ta mà không ra gì thì cứ liệu đấy!

Liệt Giả thừ người. May đo lễ phục, mua đồ đạc mới, đặt tiệc, phát thiệp mời… trăm thứ cần sắm sửa mà anh chưa làm xong cái nào. Anh tạm biệt người thầy rồi cuống cuồng chạy về quận Mắt Trắng. Có người đang đợi anh làm chồng, có sinh linh chưa chào đời đang đợi anh làm cha. Đại lộ hút gió, anh chẳng nghe thấy tiếng ken két lì lợm nữa. Dường như con quạ đã rời đi hoặc anh tưởng tượng ra nó. 

Vài tuần sau, một ngày giữa tháng 7, Liệt Giả bước vào thánh đường cùng người anh yêu thương. Thánh đường đơm hoa đỏ kết hoa trắng, người cười người nói rộn ràng, nắng hè tô sáng hình Vạn Thế tạc chìm ở mặt sàn sảnh chính. Tại những hàng ghế trong sảnh, Liệt Giả bắt gặp khách phương xa, đồng nghiệp, đàn em thánh sứ, các đại thánh sứ đáng kính, vài người từng là thù địch còn giờ là bạn, tất nhiên không thể thiếu hai gã bạn thân. Phu nhân của hoàng đế Bạch Dương Đệ Thập cũng dự lễ, Liệt Giả nhớ khi ấy bà đang mang thai đứa con thứ hai. Anh quỳ trước tượng Nữ Thần Tiên Tri, nắm tay vị hôn thê để lắng nghe lời ban phước từ người chứng giám. Giá mẹ ở đây! – Liệt Giả nghĩ. Giá mẹ ở đây. Hẳn bà sẽ chảy nước mắt khi thấy cô dâu của anh thật đẹp trong váy cưới màu bạc, mái tóc vàng kim phủ nửa lưng như tấm rèm dệt bằng tơ, giống hệt những nàng công chúa mà bà vẫn kể cho anh nghe. 

-Dưới sự chứng kiến của Vạn Thế, ta tuyên bố Liệt Giả và Dạ Bích từ nay là vợ chồng. – Người chứng giám nói, tay gấp lại cuốn sách giáo điều – Hai người sẽ sống chung một mái nhà, chung niềm hạnh phúc lẫn đau khổ. Liệt Giả, anh có thể…

Người chứng giám chưa kịp nói “hôn cô dâu” thì Liệt Giả đã ôm chầm Dạ Bích, bế bổng nàng rồi hôn nồng nhiệt. Anh đã chờ quá lâu cho thời khắc này. Tiếng vỗ tay, tiếng huýt sáo, tiếng chúc mừng vang khắp thánh đường. Khung cảnh hạnh phúc và đủ đầy, trái hẳn ngày Liệt Giả cô đơn bên bia mộ dựng vội. 

Hôm ấy quạ không ghé thăm anh. 

Bảy tháng sau, Liệt Giả hớt hải chạy tới bệnh viện. Anh đi vội, không kịp thay thường phục mà vẫn khoác áo chùng thánh sứ. Qua mỗi đoạn đường, tâm trí anh lại xoay mòng mòng như con vụ. Lúc thì tự hào, lúc thì hồi hộp, khi lại ước rằng lễ cưới chưa từng xảy ra. Anh chưa chuẩn bị tinh thần làm cha. Tuổi thơ lang thang rồi Chiến Tranh Tài Nguyên, anh chỉ thấy vô vàn sợi chỉ đứt đoạn, những câu chuyện chỉ có phần mở đầu và những cuốn sách không có bìa sau. Một sinh linh mới sắp chào đời – làm sao chuyện như thế có thể tồn tại? 

Tới khi ẵm đứa trẻ đỏ hỏn trong tay, Liệt Giả mới thôi suy nghĩ. Là con gái. Đứa bé khóc ré từng chặp, đầu nhỏ xíu lơ thơ vài sợi tóc đỏ, bàn tay tí hon quơ quào chực bắt lấy những rung động của thế giới. Các bác sĩ nói vai phải của con bé có vết bớt đỏ, giống hệt vết bớt của anh. Ngắm nhìn con gái, tâm tình anh yên tĩnh như mặt hồ. Anh xem phim, thấy các ông bố hết vui mừng lại khóc vì được làm cha. Nhưng bản thân anh cảm nhận khác. Nó chẳng khác một sự kiện quan trọng hơn ngày thường một tí, na ná như lễ quốc khánh hoặc ngày anh nhận huân chương. Quả thực anh không xúc động nhiều. Chiến Tranh Tài Nguyên đã khoét trái tim anh quá sâu. Nhưng không muốn vợ buồn, anh nâng niu đứa con rồi cười:

-Liệt Trúc. Từ nay tên con là Liệt Trúc.

Ngày ấy quạ không ghé thăm anh.

Làm cha quá đỗi lạ lẫm với Liệt Giả. Anh không mất ngủ vì ác mộng nữa mà vì Liệt Trúc. Con bé ít khi yên giấc, thành thử anh và Dạ Bích cũng mất ngủ thường xuyên. Anh phải chăm lo đứa nhỏ từ bữa ăn đến thay tã. Anh không sợ chiến trường bao nhiêu thì ngán khoản thay tã bấy nhiêu. Liệt Trúc dường như chậm lớn, đã tám tháng mà con bé chưa biết bò, anh đâm lo. Mỗi ngày anh bò quanh Liệt Trúc và hy vọng đứa bé bắt chước theo. Hiềm nỗi con bé dường như không thích anh lắm, nó chưa cười với anh bao giờ. Anh, ngược lại, ngày càng yêu thương Liệt Trúc. Thời gian qua đi, anh dần hiểu niềm vui làm cha. 

Rồi Liệt Trúc cũng biết bò, cái miệng nhỏ bắt đầu gọi “mẹ”, thanh âm tròn trịa rõ ràng. Nhưng vì lý do nào đấy nó chưa gọi “cha”. Con bé vẫn không cười với anh. Hễ anh bế Liệt Trúc, nó chỉ nằm yên một lúc rồi quấy khóc đòi mẹ. Đã lâu lắm anh mới biết cảm giác mong mỏi. Giống ngày thơ bé anh mong mẹ quay về với món đồ chơi phế liệu nào đấy, giống khi thấp thỏm chờ điểm thi tuyển thánh sứ, giống lúc sốt ruột chờ Dạ Bích hồi đáp lời rủ rê hẹn hò. Anh chờ Liệt Trúc gọi mình là cha.

Tháng 12, tuyết phủ trắng Phi Thiên thành. Cứ độ này là Liệt Giả thích nằm lười bên lò sưởi, tiện thì ngủ luôn. Vì lò sưởi mà anh từ chối ở trong những căn hộ hiện đại rộng rãi tiện nghi khác. Mỗi lần nhìn đống củi tí tách cháy sảy lên những hạt vàng nóng rực, Liệt Giả lại nhớ mẹ. Anh chưa quên cái ngày ngồi bên đống lửa chờ mẹ về, ngủ quên rồi thức giấc; trời sáng bảnh nhưng mẹ chưa về. Ngày đó bà mãi mãi không về. Từ ấy anh cười nhiều, vận động nhiều, bù khú bia rượu nhiều, thích nằm bên lò sưởi để cơ thể luôn nóng và tưởng tượng mình không biết lạnh. Nhưng thực lòng, anh đã quên sự ấm áp của thế giới. 

Trong ảo cảnh quá khứ, Liệt Giả bỗng thấy nhột nhột ở thực tại. Liệt Trúc đang bò gần anh, giơ bàn tay nhỏ xíu chạm tay anh, miệng bập bẹ “cha”. Nhưng con bé chưa đủ lớn, lưỡi chưa thể đẩy lên vòm họng nên cứ ngọng líu ngọng lô thành “ba, ba”. Nó không cười nhưng chăm chú nhìn anh, đôi mắt xanh tròn xoe rực rỡ ánh lửa, cũng giống đôi mắt xanh của anh. Liệt Giả bỗng nghẹn mũi. Với anh, nơi ấm áp nhất thế giới là xứ sở khô cằn Thượng Cổ, là đống lửa nhỏ cháy lom dom giữa màn đêm khổng lồ, là khi anh đùa nghịch bên mẹ. Thế giới đã cướp nơi đó khỏi tay anh, vĩnh viễn không trả lại. Nhưng cũng thế giới này tặng anh một chốn ấm áp mới. Mọi sự luôn lạ lùng như thế. Liệt Giả bật cười, nước mắt bất giác chảy dài xuống cằm. Anh bế Liệt Trúc rồi thủ thỉ:

-Lại đây với cha! Này Liệt Trúc, nghe cha nói không? Đừng ngoảnh mặt với thế giới. Đừng như đại bàng bay cao. Đừng như chim ưng kiêu hãnh. Sống như quạ. 

Đứa bé nhoẻn miệng cười, bàn tay nhỏ sờ khuôn mặt người cha. Liệt Giả cười lớn. Lang thang suốt cuộc đời, nay anh đã có nhà để về. 

Hôm ấy quạ không ghé thăm Liệt Giả.

*

* *

Bao năm rồi? 

Đã bao nhiêu năm rồi? – Liệt Giả tự hỏi. 

Liệt Giả không nhớ mình bao nhiêu tuổi. Quá khứ trong đầu gã như dãy kệ sách đổ ngổn ngang, trang giấy xổ vương vãi, gã tiện tay nhặt được mảnh nào thì xem, không rõ chúng thuộc về thời gian nào, cũng không buồn xếp lại. Gã hiếm khi ghé thăm nơi này. Nhưng bằng cách nào đấy, ký ức đang tuôn chảy vào hiện thực của gã, những ký ức đẹp nhất. 

Hiện thực thì khác. Trên cao, các phi thuyền hết đổ nhào lại nã đạn vào nhau, tiếng nổ điếc tai lộng óc tưởng chừng sắp thiêu cháy bầu trời đất thánh Hỗn Nguyên. Các tòa thành khổng lồ vốn lơ lửng giữa không trung nay bị dồn ép thành con đường đá lởm chởm, gai góc trải dài tới cây mẹ Vạn Thế, không phải cây cầu đá đưa chân thánh sứ như thường lệ. Liệt Giả nằm sấp mặt giữa con đường ấy, tóc đỏ phất phơ giữa mùi lửa cháy, mùi sắt thép, mùi máu từ những tử thi nằm la liệt xung quanh gã. Thế giới trong ký ức so với thực tại chẳng hề thay đổi. Vạn vật vẫn chuyển động lệch hướng, không tuân theo một đường thẳng. Chúng luôn va chạm nhau. 

Đằng xa, những bóng người xuất hiện, dàn ra tứ phía rồi bao vây Liệt Giả. Dù tổn thất thế nào chăng nữa, họ vẫn sẽ liều mạng để ngăn gã chạm vào cây mẹ. Liệt Giả nhổm đầu nhìn quanh. Gã chỉ có một mình. Tình cảnh thật khác lễ cưới năm nào, mà thật giống ngày cô đơn bên bia mộ năm nao. Lửa cháy đốt máu, mùi nồng xông óc, Liệt Giả chợt nhớ mẹ. Lửa cháy cuộn gió, mùi tro ám mặt, gã chợt nhớ Liệt Trúc. Chẳng còn nơi ấm áp nào trên thế giới Tâm Mộng dành cho Liệt Giả nữa. Trong khoảnh khắc, gã mệt rũ, đầu gục xuống, khóe mi chảy thứ gì đấy ươn ướt – không trong vắt như nước mắt mà đặc đỏ như máu. 

Trong bài ca hỗn loạn của thế giới, Liệt Giả bỗng nghe tiếng kêu ken két. Gã nghĩ mình đang tưởng tượng. Ngay trẻ con cũng biết đất thánh không hề có quạ. Nhưng tiếng ken két vẫn vang khắp màng nhĩ Liệt Giả. Gã quệt đôi mắt kèm nhèm đoạn ngẩng lên tìm ngọn nguồn âm thanh. Và rồi gã trông thấy một bóng đen đang sải cánh giữa ánh mặt trời gay gắt. Quạ. Là quạ. Nhưng dường như chỉ mỗi gã thấy nó. Có hàng ngàn cặp mắt ở Đất Thánh song chỉ mình Liệt Giả thấy con quạ.

Hôm nay quạ ghé thăm gã. 

Liệt Giả bật cười, ho sặc vì máu nghẹn cổ, lại cười tiếp. Gã đấm ngực liên hồi để từng thớ thịt cảm nhận rõ cơn đau. Đứng dậy. Gã tự nhủ. Đứng dậy. Gã lê thân, tay chân run rẩy. Đứng dậy. Gã bò bằng miệng, bằng mặt, bằng cả tứ chi rồi nhổm lưng. Đứng lên. 

Đứng thẳng lên! 

Liệt Giả cất bước, nhanh dần, nhanh dần rồi chạy tới Vạn Thế. Đám người siết vòng vây. Gã tóc đỏ gầm lớn, lưng trần rớm máu mọc đôi cánh đen tỏa hơi nóng hừng hực rung chuyển mặt đất. Ký ức trộn lẫn hiện tại, trong giây phút chiến trường, gã lại nhớ về mẹ.

“Tại sao phải như thế hả mẹ? Tại sao phải sống như quạ?”

“Vì quạ vẫn luôn ở đó. Dẫu bị xua đuổi thế nào thì quạ vẫn không bỏ rơi thế giới này”. 
Bình Luận (0)
Comment