Trong từ điển hành động của Vô Phong không tồn tại hai chữ “khiêu vũ”. Hắn chẳng hiểu tại sao xã hội loài người cần khiêu vũ. Lịch sử Tâm Mộng đi lên từ máu và sắt thép, vậy mà con người lại phát minh ra thứ hoạt động nắm tay nhau rồi nhún nhảy theo những âm thanh réo rắt. Kỳ quặc thay, giữa lúc nhảy múa họ cười đùa vô tư đến lạ, trái hẳn cảnh gào thét rồi vung kiếm vào mặt nhau trên chiến trường.
Những ý niệm đầu tiên về thế giới của Vô Phong bắt đầu từ miền biên ngoại của Phi Thiên quốc. Nơi ấy có dãy núi cao ngất lởm chởm như lưng cá sấu chắn một vòng từ đông bắc sang tây bắc, bên dưới là các khu rừng đá đầy thạch trụ chăng kín dây leo và cao như cổ thụ, xa xa hướng tây nam có nhiều vùng đất hoang nhiễm độc phép thuật còn sót lại từ thời phi cơ giới. Xen giữa xứ hiểm trở này có một con sông vô danh, chảy từ hướng đông nam Phi Thiên quốc lên tây bắc, sang lãnh thổ của nước láng giềng Lưu Vân quốc. Người ta nói vì vùng đất này mà hai quốc gia mãi mãi khác nhau, luôn luôn bất tương đồng. Nơi ấy luôn xảy ra hàng trăm cuộc chiến giữa hai nước, khủng khiếp nhất là trên con sông vô danh mà sau này được biết với cái tên “Trận Sông Đỏ”. Vô Phong đã nhìn thấy con sông đó, thấy nước réo ngày đêm không yên nghỉ và vô số linh hồn gào thét lẫn trong bọt sóng. Họ không về Tụ Hồn Hải mà ở lại đây, trở thành tấm gương phản chiếu thế giới này. Tên tóc đỏ cũng chắc rằng những linh hồn đó chẳng biết khiêu vũ.
“Tại sao phải khiêu vũ à? Vì nó cần thiết lắm! Sao anh hỏi kỳ cục vậy?”
Giọng nói trong trẻo cất lên trám vào cái nỗi khó hiểu của tên tóc đỏ. Hắn ngẩng đầu, thấy người vừa nói là cô gái tóc màu hạt dẻ. Nàng lại đến với gương mặt tươi cười cùng đôi mắt xanh lơ mùa hạ. Êm đềm và bình yên. Nàng đến như một lẽ tự nhiên và Vô Phong thấy vui vì nàng ở bên cạnh mình. Thậm chí hắn không thắc mắc tại sao mình có mặt ở đây.
“
Cái gì mà nâng cao tâm hồn, nâng cao cảm quan nghệ thuật như em từng nói?” – Vô Phong thở dài – “
Nhưng nó không đúng với tôi. Tôi chưa bao giờ hiểu tranh hay tượng điêu khắc của em. Em nói rằng một ngày nào đấy tôi sẽ nhìn thấy những gam màu của thế giới mà trước đây chưa từng biết. Nhưng không đâu. Tôi chỉ thấy màu đỏ. Trong mắt tôi, tất cả màu sắc đứng yên tại chỗ, chỉ riêng màu đỏ chuyển động. Chỉ nó rực rỡ hơn cả! Có lẽ… khiêu vũ chẳng tác dụng với tôi.”
Cô gái tóc hạt dẻ vén mớ tóc đỏ phủ trán Vô Phong:
“
Biết sao không? Vì anh để tóc dài quá!” – Cô gái cười khanh khách – “
Cắt tóc bớt đi, anh mới nhìn mọi thứ rõ ràng hơn!”
Vô Phong bật cười. Cô gái đung đưa người trong ngẫm ngợi, đôi mắt xanh lơ ngước lên tìm những suy tưởng giữa các bức họa bao phủ trần nhà. Ở nơi cô và Vô Phong trò chuyện, tác phẩm nghệ thuật nối tiếp nhau dựng nên sàn, cột trụ, mái đỡ, cầu thang; chúng bao quanh hai người, rót xuống những hình khối lập thể lạ mắt lẫn gam màu sặc sỡ. Im lặng mãi, im lặng mãi, cô gái tóc hạt dẻ chợt cất lời:
“Đôi khi chẳng cần phức tạp đâu, Phong à. Anh biết khiêu vũ ở Tâm Mộng sinh ra thế nào không? Ban đầu họ nhảy quanh đống lửa nhằm xua đuổi thú hoang, rồi chống chọi mùa đông giá rét, hoặc cảm thấy mình ồn ào giữa bóng tối vây quanh. Bởi vì họ sợ, Phong à. Cái nỗi sợ mơ hồ khi lần đầu nhận thức thế giới, nhận ra vũ trụ xung quanh quá rộng lớn trong khi họ chỉ có một mình. Nhờ khiêu vũ, người ta nắm tay nhau và bớt sợ hãi. Cuộc sống này, bất kể người giàu có hay nghèo khổ đều có nỗi sợ hãi riêng. Em nghĩ rằng người ta tìm đến khiêu vũ hay các môn nghệ thuật vì không muốn lọt thỏm trong sợ hãi của thời gian. Suy cho cùng, thời gian chỉ là nơi con người sinh tồn, tưởng tượng mới là nơi họ sống…”
“
Lại trích dẫn cuốn sách nào thế?” – Vô Phong nhíu mày.
Cô gái tóc hạt dẻ cười:
“Em tự nghĩ ra đấy! Nhưng chẳng phải lúc khiêu vũ, mọi người ai cũng vui vẻ, ai cũng cười hay sao?”
“Cũng đúng, nhưng mà…”
“
Đừng phức tạp hóa, Phong à, chỉ cần thế thôi!” – Cô gái cười tươi đoạn nắm tay tên tóc đỏ – “
Anh không cần trách mình bị sợ hãi chi phối. Nỗi sợ chẳng bao giờ biến mất, nó luôn xuất hiện. Niềm vui cũng chẳng bao giờ hết, chỉ là chúng ta phải tự đi tìm. Cuối tháng này, học viện tổ chức dạ hội, anh nhớ đến đấy!”
Vô Phong lắc đầu nhưng cô gái níu tay hắn nài nỉ mãi. Sau cùng hắn chịu thua và đồng ý tham gia dạ hội. Nó không có nghĩa rằng Vô Phong thích khiêu vũ hay buổi dạ hội mà ngược lại. Nhưng vì cô gái, hắn đồng ý. Nếu điều khiến hắn khó chịu có thể làm nàng vui vẻ, hắn sẽ làm. Một quyết định nặng cảm tính. Hắn biết cảm giác này. Khi còn ở trong quan tài thủy tinh, hắn đã nghe ông già Hỏa Phu kể về nó – một thứ khó giải thích nhất thế giới nhưng luôn hiện hữu.
Mớ hỗn độn gồm khối ảnh lập thể lẫn màu sắc bỗng chốc biến đổi. Chúng trộn lẫn nhau dựng nên một khung cảnh mới đầy tiếng người cười nói, những mảng sáng chập chờn nồng mùi nến, đó đây mùi nước hoa xức hơi quá đà, âm nhạc chốc chốc cất lên như nhắc khéo người ta chớ quên rằng đang có dạ hội. Tất cả tụ họp trong một đại sảnh kiểu xưa cũ với hai dãy cửa sổ phản chiếu trung tâm sảnh, nơi nhạc công và các đôi nam nữ trẻ tuổi đang dốc lòng ca ngợi vị thần nhảy múa. Nơi này không có đồng hồ hay bất cứ dụng cụ ước lượng thời gian nào. Vô Phong đứng ngoài, tuyệt nhiên không định tham gia cuộc vui dù bản thân hắn đang vận một bộ dạ quang phục. Hắn nhìn tất cả bằng ánh mắt dò xét, đôi chân càng lúc càng rời xa trung tâm sảnh. Bỗng từ đám đông, cô gái tóc hạt dẻ chuồi ra nắm tay hắn:
“Đừng đi, Phong! Ở lại đây, anh hứa với em rồi! Chúng ta cùng khiêu vũ! Ra đây nào! Anh hứa rồi, giờ muốn chạy sao? Ôi, Phong… anh làm thế mà cũng làm được ư? Anh làm thế mà cũng hít thở được à? Anh thất hứa mà trái tim anh vẫn tuần hoàn được à? Nếu anh cảm thấy làm như vậy mà vui thì cứ làm đi, em sẽ không buồn đâu, em sẽ không trách cứ gì cả, rồi một ngày nào đấy…”
Vô Phong chắp tay chịu thua đoạn bước vào trung tâm sảnh. Tại đó, dưới ánh nến vàng kim, cô gái tóc hạt dẻ hiện lên trong bộ váy kẻ ca rô đen đỏ, áo chẽn hở bụng, hông đeo những chiếc mặt nạ tô vẽ đủ sắc thái biểu cảm. Nàng nắm tay Vô Phong kéo sang một bên, tay kia tự do, vắt chéo hai chân rồi nói:
“Không phải điệu nhảy đối xứng ở lễ hành hương đâu! Biết gì không, Phong? Nó là điệu sa ngã thần của Sa Thần quốc, di sản từ thời Năm Đế Chế Cổ Đại. Người ta kể rằng có một vị nữ thần rơi xuống thế giới với đôi cánh tơi tả và thân thể cháy sém, không ai biết vị nữ thần đến từ đâu, chỉ biết kể từ đó, vị nữ thần truyền thụ giáo điều Vạn Thế cho con người. Trong Ngày Nguyện, khi tất cả con người hướng về Vạn Thế thì vị nữ thần ấy dang đôi cánh nhảy theo những vũ điệu chưa ai thấy bao giờ. Người ta bảo rằng bà ấy nhảy múa mong Vạn Thế xót thương và cho phép quay lại đất thánh, nhưng ước nguyện không bao giờ thành hiện thực. Vị nữ thần đó là thánh sứ đầu tiên của thế giới, các thánh sứ sau này chỉ là con người, không phải thần. Điệu múa được truyền lại, gọi là “sa ngã thần”. Giờ không còn mấy người biết về nó nữa…”
“
Tại sao em kể mấy thứ này?” – Vô Phong hỏi.
“Vì ngay cả thần linh cũng có nỗi sợ hãi, huống chi con người?! Nếu sợ hãi đến, cứ để nó đến, Phong à, giữ chúng trong lòng rồi về đây, chúng ta cùng khiêu vũ và chôn vùi chúng dưới bước nhảy, được chứ?”
Nói rồi cô gái kiễng chân hôn má Vô Phong. Trên mũi chân kiễng đó, nàng bắt đầu xoay vòng, chiếc váy ca rô đen đỏ xòe rộng tựa hoa nở, bàn tay thoăn thoắt thay đổi mặt nạ diễn tả biểu cảm của vị nữ thần vô danh năm xưa mong quay lại đất thánh. Thời gian lẫn khung cảnh tòa sảnh xoắn đặc rồi chìm dưới điệu nhảy sa ngã thần, chỉ chừa lại một khoảng không bất tận cho cô gái tóc hạt dẻ trình diễn. Cách nàng vài bước chân, Vô Phong chôn chân ngơ ngẩn ngắm nhìn. Điệu múa uyển chuyển thanh thoát nhưng âm thầm gợn từng đợt thủy triều vô hình, rồi từ khoảng không bất tận chúng bất thình lình xô ào ạt, cuốn phăng những sợ hãi bên trong tên tóc đỏ. Như có lực đẩy từ phía sau, gã trai tiến đến trong hồi hộp lẫn e dè song cũng đầy quả quyết. Bởi kia là cái cọc, cái neo, cái phao giúp hắn đứng vững khi sợ hãi trào ra khỏi cơ thể tựa thác lũ và một biển cảm xúc mới lạ đồng thời ập đến. Miệng hắn vô thức cất lời:
“Tôi cần em, Tô Mãn…”
*
* *
Vô Phong mở mắt. Như mọi lần, giấc mơ luôn kết thúc ở đoạn lưng chừng, để lại nhiều câu hỏi và tất nhiên chẳng kèm lời giải đáp. Hắn không thể đòi hỏi gì hơn. Ít nhất là giấc mơ để hắn an bình tỉnh ngủ chứ không nã những phát súng ác mộng vào đầu. Vô Phong uể oải bóp trán như cố cào ra mảnh vụn rơi rớt từ cơn mộng mị. Hắn đã gọi tên cô gái tóc hạt dẻ, dường như thế, nhưng lại không thể nhớ chính xác. Tô Ma, Tô Mỹ, Tô Mạn, Tô Đán… hắn lẩm nhẩm suốt mà chẳng cái tên nào gợi lên ấn tượng. Hắn cũng cảm giác nghe cái tên ở đâu đó song không thể xác định là trong mơ hay ngoài đời thực. Hai năm qua xảy ra quá nhiều chuyện, tâm trí hắn thường xuyên trục trặc.
Vô Phong vừa thức giấc trong một khách sạn nhỏ cách không xa con đường buôn bán vũ khí. Trở về từ tiệm rèn Lò Heo Quay, hắn lăn ra ngủ, bỏ hết cả bữa sáng bữa trưa. Hiện là năm giờ chiều. Hắn không thấy Si Giáng nhưng biết cô ả đang trong phòng tắm nhờ tiếng nước chảy lẫn mùi dầu tắm nức mũi, có cả tiếng hát ngâm nga. Cái giống thiếu nữ luôn thích tắm thích hát. Nhân lúc cô nàng mải làm đẹp, Vô Phong tranh thủ tập luyện. Nửa ngày đi tàu rồi nửa ngày ngủ li bì, một chút vận động cộng thêm dinh dưỡng bỏ bụng là cần thiết cho hắn. Vô Phong bật máy chiếu rồi bắt đầu các bài chống đẩy, gập bụng, dãn cơ. Lúc này, giữa làn sáng xanh máy chiếu, một nữ phát thanh viên người Băng Hóa đang phỏng vấn khách mời:
“Là người hoạt động lâu năm ở Băng Thổ cả trong chiến đấu và chính trị, ngài nhận định tình hình hiện nay thế nào, thưa ngài Tòa Mỗ? Liệu có giải pháp nào để hàn gắn rạn nứt trong Liên Minh Phương Bắc?”
“Cô hỏi đúng người đấy, cô gái!” – Vị khách mời nở nụ cười, giọng kẻ cả – “Thực tình là mấy tháng nay, tôi phát ngấy khi phải nghe mấy tay chính trị gia phương tây, đám thiếu hiểu biết phương nam và đặc biệt, tôi xin nhấn mạnh, đặc biệt là lũ trí thức nửa mùa phương bắc chúng ta. Đám trí thức nửa mùa ấy luôn phóng đại những mâu thuẫn, ca ngợi cái mà họ gọi là quyền tự do hay quyền tự quyết, ủng hộ sự độc lập của tiểu quốc hoặc bộ tộc thiểu số. Họ luôn nói Băng Hóa kiểm soát ngôn luận, thao túng Băng Thổ, chiếm hữu mỏ quang tố bất hợp pháp, làm tha hóa, tham nhũng hóa các hoàng gia và chính phủ. Đủ mọi thứ! Họ xuyên tạc, gán mọi tội trạng cho Băng Hóa quốc, nhưng họ không bao giờ nhìn cách Phi Thiên quốc đối xử với đồng minh, cách Bắc Thần quốc bành trướng ở phương đông. Một lời cho dân chúng lục địa: đừng tin lũ trí thức nửa mùa!”
Bằng cái giọng kẻ cả khinh khi, vị khách mời Tòa Mỗ đay nghiến đám người mà ông ta ghét cay ghét đắng. Ổng nói hăng nói mạnh, thành ra chọc vào tai khán thính giả như Vô Phong. Ngay cả nữ biên tập viên cũng nhận ra Tòa Mỗ đang quá đà, bèn sửa lại:
“Vâng thưa ông, nhưng chúng ta đang bàn về giải pháp. Đang có những cuộc chiến và mọi người muốn biết có thể đàm phán không? Liệu Liên Minh còn vững vàng? Việc khai thác mỏ quang tố ở Tuyệt Tưởng Thành có giúp phương bắc giải quyết các vấn đề hiện tại?”
“Tôi đang nói giải pháp, thưa cô.” – Tòa Mỗ quả quyết – “Hoàng đế và chính phủ Băng Hóa đang làm tốt. Một liên minh bao giờ cũng tồn tại mâu thuẫn, huống hồ Liên Minh Phương Bắc tồn tại cả trăm năm? Nhưng nó sẽ vượt qua khó khăn thách thức và sẽ lại đứng vững. Việc khai thác quang tố rất tốt, đó là phần thưởng xứng đáng cho Băng Hóa khi là nước đầu tiên trợ giúp Tuyệt Tưởng Thành; nó hợp pháp, đúng đắn chứ không phải mưu đồ chính trị như một số kẻ rêu rao. Tôi cho rằng chính bọn trí thức nửa mùa mới là vấn đề. Họ phóng đại mọi mâu thuẫn, kích động thù hằn chia rẽ, mà chuyện ở Hắc Thủy quốc là tiêu biểu. Bọn vô ơn đó đã quên rằng nhờ Biệt Liên Đại Đế, cả lục địa này mới có ngày hôm nay; họ cũng quên luôn máu người Băng Hóa đổ xuống bao nhiêu lần để chống lại phiến quân, khủng bố hay lũ xâm lược phương tây. Kẻ vô ơn không có quyền nói chuyện chính trị! Tôi cho rằng Băng Hóa nên kiểm soát ngôn luận, răn đe bất cứ tay xảo ngôn nào có ý định chống phá chính phủ. Và tôi khuyên người dân chớ nghe mấy lời xúi giục kích động từ lũ trí thức nửa mùa đó! Phương bắc cần chiến binh, không phải một lũ ngồi nhà nói mồm chỉ tay năm ngón…”
Màn phỏng vấn nóng lên dưới sự thao thao bất tuyệt của vị khách mời. Dưới sàn nhà, Vô Phong cũng đang nóng người, mồ hôi túa khắp lưng. Đương tập luyện, hắn chợt thấy Si Giáng bước ra, cả người quấn độc chiếc khăn nồng hơi ẩm lẫn mùi sữa tắm. Cô nàng nhìn lên máy chiếu ba chiều, mặt mũi nhăn nhúm như ngửi phải mùi thối đoạn hỏi Vô Phong:
-Anh hâm mộ lão già đó à?
Thấy cô nàng chỉ tay vào vị khách mời, Vô Phong lắc đầu:
-Không, tôi chỉ nghe tin tức. Mà ông ta là ai thế?
-Anh không biết sao? – Si Giáng ngạc nhiên – Lão già là Tòa Mỗ, thành viên Thập Kiếm, người Băng Hóa quốc. Ở đây, chúng tôi gọi lão là “kiếm sĩ giải trí”. Vì chương trình truyền hình nào, sự kiện nào lão cũng tham gia và tỏ ra mình quan trọng. Tòa Mỗ là kẻ thân chính phủ, sẵn sàng thóa mạ bất cứ người nào phản đối chính phủ. Một con chó săn của nhà nước Băng Hóa.
-Cô ghét ông ta?
-Căm thù thì đúng hơn! – Si Giáng nói – Cha mẹ tôi thuộc tộc người thiểu số sống ở miền tây bắc Băng Hóa. Chỗ chúng tôi có một mỏ quang tố, Tòa Mỗ dẫn quân đội tới, dùng vũ lực đàn áp và ép chúng tôi sống tha hương. Giờ dân tộc tôi chẳng còn mấy người nữa. Giờ nhìn kẻ ăn cướp đó giễu qua giễu lại trên truyền hình, tôi phát buồn nôn!
Vô Phong gật gù rồi im lặng. Hắn không sống ở đây cũng chẳng phải dân phương bắc nên khó bình luận. Nhưng trong những ngày chạy trốn, hắn đã thấy một Băng Thổ hỗn loạn và đầy rẫy chiến tranh, trái ngược hoàn toàn sự ổn định mà Tòa Mỗ vẽ ra trên truyền hình. Vả lại sẵn tâm thế bị phản bội, hắn thực sự đồng cảm với Si Giáng.
Bầu trời bên ngoài dần sậm xịt, gió tuyết và bóng tối rục rịch quay lại Băng Hóa thành. Vô Phong cần kiếm cái gì đó lấp dạ dày trước khi tìm gặp vị học giả Đa Vu Lạt, nhưng Si Giáng gạt đi:
-Anh quên đây là Băng Thổ lục địa à? Chúng ta là khách, ông học giả đó phải đãi, tội gì chứ?
Cô ả nở nụ cười ranh mãnh. Vô Phong gật đầu đồng ý. Về điểm này, cả hai nhất trí với nhau rằng được tiếp đãi hoặc ăn chực bao giờ cũng ngon hơn. Mà ở xứ Băng Thổ, những đồ ăn ngon nhất lại nằm trong dinh thự quý tộc chứ không phải nhà hàng.
Sáu giờ tối, hai người rời khách sạn, sau đấy đến phía nam thành phố bằng tàu điện. Sau mười phút, họ xuống tàu, tiếp tục đi bộ và dừng chân trước một đại lộ trải dài hơn ba cây số. Bên phải đại lộ có con sông chảy từ hướng tây nam trở lên, chưa tới mùa xuân nên mặt sông còn nhiều băng trôi, tuyết phủ trắng hai bờ kè đổ nghiêng. Song song với con sông, một đoạn tường thành cao hơn hai mét chạy dọc theo đại lộ được phủ lớp sơn đỏ cùng những lỗ châu mai hình chữ thập viền vàng. Bên trong tường thành, hàng chục tòa tháp chóp nhọn san sát nhau và khoác trên mình những màu đỏ cam, đỏ nâu, da cam, vàng đậm hoặc vàng trắng. Lớn nhất trong số ấy là một ngọn tháp đồng hồ sơn màu vàng kim, nếu gặp thời tiết đẹp, đứng từ cao điểm ngoài rìa thành phố vẫn có thể nhìn rõ mặt đồng hồ. Còn cao nhất là tháp chuông thánh đường màu đỏ ối, trên nóc tạc tượng Nữ Thần Tiên Tri tỏa ánh hào quang bằng phép thuật; với dân chúng Băng Hóa thành, ngọn tháp chuông là mặt trăng thứ tư vào ban đêm và là mặt trời thứ hai vào ban ngày. Dưới các ngọn tháp, những tòa điện chia nhau từng khoảnh riêng rẽ, hắt xuống đại lộ ánh đèn pha lê vàng đậm qua dãy cửa sổ lợp kính mạ bạc. Cả khu kiến trúc rực rỡ sắc màu, đối lập hoàn toàn màu trắng lạnh toát dưới sông. Đứng trên đại lộ, Vô Phong cảm giác mình đang ở giữa hai khối băng và lửa khổng lồ.
-Bên này là Sông Mùa Đông, còn kia là Điện Mùa Hè. – Si Giáng giới thiệu – Tôi chưa vào Điện Mùa Hè bao giờ, nghe nói đẹp lắm! Có nên bảo ông học giả dẫn chúng ta tham quan một chuyến không nhỉ?
Đôi mắt cô gái trẻ lấp lánh mơ mộng. Vô Phong thấy vụ này hơi quá nên không đồng tình. Điện Mùa Hè trước đây thuộc quyền sở hữu hoàng gia, sau này được hoàng đế Băng Hóa hiến tặng cho chính phủ. Vị học giả mà Vô Phong cần gặp đang ở đâu đó trong những tòa kiến trúc tráng lệ kia. Ông ta – theo lời Mi Kha – là người rất có tiếng tăm và quen biết rộng. Không dễ bắt thân hoặc kết giao với một người như thế ở thủ đô Băng Hóa.
Bọn Vô Phong chờ khoảng mươi mười phút thì tháp chuông ngân vang. Đứng từ đây, Vô Phong có thể thấy nhiều bóng người đang rời khỏi Điện Mùa Hè. Lát sau, nhiều chiếc xe ngựa kéo bằng dã yến xuất hiện và lăn bánh trên đại lộ. Trên mỗi xe đều có gia huy lẫn cờ hiệu riêng. Thời gian đổi thay nhưng cái lề thói rườm rà phô trương của quý tộc Băng Thổ chẳng bao giờ thay đổi. Đương mải ngắm nghía, Vô Phong chợt thấy một chiếc xe ngựa hướng tới mình, trên cổ dã yến đeo tấm vải xanh biếc in gia huy hình kính viễn vọng. Thấy hắn cùng Si Giáng, người đánh xe hỏi “Họ Cát Giá phải không?”. Đoán là mật khẩu, Vô Phong trả lời “Phải!”. Người đánh xe gật đầu đoạn mở cửa cho họ.
Bước lên xe, bọn Vô Phong nhận ra có một người đàn ông đã chờ sẵn. Ông ta trung tuổi, béo tốt, hai má phinh phính hồng hào, áo khoác dày sụ không thể che đi cái bụng nần nẫn những mỡ những thịt. Đợi bọn Vô Phong yên vị, ông ta chìa tay, miệng cười tươi:
-Chào, xin chào! Hai người là bạn của Mi Kha? Hân hạnh, hân hạnh! Xin tự giới thiệu, tôi là Đa Vu Lạt, trưởng ban Nghiên Cứu Vấn Đề Đặc Biệt của chính phủ. Hai người cứ gọi tôi là Đa Lạt, tôi không phiền đâu! Hai người ăn tối chưa? Chưa hả? Vậy xin mời về nhà tôi, giờ này vợ tôi đang làm bữa tối! Cô ấy nấu ăn tuyệt lắm! Xin lỗi, gần đây nhiều chuyện quá, mọi thứ rối tung hết cả, ngày nào cũng phải tối mịt mới xong việc!
Dứt lời, vị học giả lôi đồ uống dưới ghế ngồi cho hai người. Vô Phong không ngần ngại lấy một cốc súc-cù-là nóng rồi hớp mấy ngụm cho ấm người. Hắn lên tiếng:
-Xin lỗi, tôi hơi tò mò, nhưng cụ thể là ngài làm việc gì?
-Như tên gọi thôi! – Vị học giả cười – Tôi nghiên cứu những vấn đề đặc biệt từ ngoại giao, kinh tế, quan hệ xã hội, chính trị… vấn đề đặc biệt ở đâu, tôi ở đó. Thế giới Tâm Mộng tồn tại lắm điều kỳ lạ, bởi vậy nhiều thứ không thể xử lý theo cách thông thường, tôi và ủy ban giải quyết mấy chuyện như thế. Hơi phức tạp, nhưng cứ về nhà tôi, chúng ta bàn bạc rồi cậu sẽ hiểu.
Vô Phong biết ý và không hỏi thêm. Cô nàng Si Giáng tò mò moi móc mấy vấn đề riêng tư nhưng Đa Lạt tươi cười trả lời hết. Ông ta không hề khó chịu chỏng lỏn như mấy gã béo điển hình trong những câu chuyện mà người đời thường kể. Qua lời vị học giả, Vô Phong được biết ông ta xuất thân từ dòng họ Đa Vu, một dòng họ quý tộc nhỏ ít tiếng tăm đi lên từ nghề buôn. Thuở xưa, họ Đa Vu được họ Cát Giá bảo trợ, hai bên trao đổi nhiều nên có quan hệ tốt. Khi họ Cát Giá đi xuống, Đa Lạt cùng cha mình vẫn giúp đỡ gia đình Mi Kha khi cần thiết. Từ đấy, Mi Kha chịu ơn họ Đa Vu.
Đi hết đại lộ, chiếc xe ngựa ngoặt trái rẽ vào một con đường nhỏ hơn nằm ngay cạnh cung điện. Đường này không có cửa hiệu hay bất cứ công trình hiện đại nào, chỉ có dãy cột đèn tỏa ánh sáng bàng bạc chạy dọc vỉa hè. Phía sau mỗi cột đèn và chếch về bên phải là cổng sắt dẫn vào khuôn viên biệt thự. Cứ đi khoảng năm biệt thự lại có một con phố nhỏ dẫn vào sâu hơn, tất cả được thắp sáng nhờ cột đèn bạc. Theo lời Đa Lạt, khu này bao gồm bảy chục khoảnh đất chia cho hai trăm năm mươi sáu(256) gia đình quý tộc. Tùy xuất thân, gia cảnh hoặc tiềm lực tài chính mà các biệt thự to nhỏ khác nhau. Lớn nhất là dinh thự của họ Xuy Hạ nằm phía cuối đường. Trên giấy tờ hành chính, nơi đây gọi là Quận Số 2, nhưng hầu hết dân chúng thủ đô và người Băng Hóa gọi bằng cái tên “Quận Bạc”.
Thêm ít phút di chuyển, chiếc xe ngựa dừng lại trước một biệt thự nhỏ, vừa hợp tầm vóc dòng họ Đa Vu vừa hợp tính cách vị chủ nhân thích ở bên gia đình sau một ngày làm việc. Đa Lạt bước xuống xe, thân hình quá khổ lặc lè những bước hứng khởi, ông ta không ngừng thao thao bất tuyệt về những món ăn do vợ mình chế biến. Nhìn vị học giả, Vô Phong đoán bà vợ ông ta cũng to béo tương đương; hai người họ mà sánh bước thì chẳng khác đôi gấu nâu núng nính, ngộ nghĩnh và hạnh phúc.
-Hai người là khách, hãy ăn uống và nghỉ ngơi bất cứ lúc nào. – Đa Lạt nói – Vợ tôi sẽ… à, cô ấy kia rồi!
Ông học giả reo lên, bọn Vô Phong nhìn theo và bỗng chốc ngỡ ngàng. Trên bậc cửa, một người phụ nữ đang chờ sẵn Đa Lạt. Vài nếp nhăn chân mắt, vài đường gân xanh ở mu bàn tay, vài tơ tóc rối vì bận bịu việc nhà – hết thảy dấu hiệu trung tuổi đều xuất hiện ở người đàn bà này, nhưng chừng đó chẳng thể che đi sắc đẹp mà bà ta sở hữu: đầy đặn, nảy nở, xinh đẹp như nữ thần cùng một đôi mắt biết chiều chuộng. Người phụ nữ hoàn hảo trong mơ của đàn ông trông thế nào, bà vợ Đa Lạt y như vậy. Ngó sang Si Giáng, Vô Phong thấy cô nàng bất giác sờ nắn thân thể mình như đang tự ti trong vô thức. Hắn dám cá Hỏa Nghi mà ở đây, gã sẽ vứt hết lòng tự trọng mà vùi mặt vào bờ mông người phụ nữ kia tới độ tắc thở. Nhưng điểm đặc biệt nhất là mái tóc vàng mềm mại, từng sợi nhỏ xíu mảnh dẻ tựa tơ tằm. Liệt kê tất cả những cô gái quen biết hoặc từng bắt gặp, Vô Phong chẳng moi ra ai có mái tóc vàng đẹp nhường ấy.
Trong lúc bọn Vô Phong ngẩn ngơ, bà vợ Đa Lạt vui cười ôm chầm người chồng, cử chỉ ân cần từ cái vuốt tóc tới phủi tuyết trên vai. Sau đó bà ta tiến đến bắt tay Vô Phong và Si Giáng:
-Xin chào mọi người! Thật hân hạnh quá! Vậy cả hai đều là bạn của Mi Kha? Thế thì hai người có thể gọi tôi là “bà Đa Lạt”, nhưng nếu không quen thì có thể gọi thẳng tên thật. Tên tôi là Na Li Nã. Bữa tối đã sẵn sàng, xin mời, xin mời!
Theo chân vợ chồng vị học giả, bọn Vô Phong tiến vào phòng khách tòa biệt thự. Tại đó, họ nhận ra mình không phải là khách mời duy nhất. Một người khác cũng đang chờ Đa Lạt trở về. Anh ta trẻ tuổi, áo khoác xanh đen, tóc bóng mượt hất ngược, ánh mắt chăm chú theo dõi tin tức trên máy chiếu ba chiều. Nhận ra vị học giả trở về, người thanh niên nọ mừng rỡ ôm lấy ông ta rồi hỏi han thịnh tình. Đa Lạt cười nói một lúc đoạn quay ra giới thiệu người thanh niên cho bọn Vô Phong:
-Đây là Giả Chung, một người bạn phương xa. Lâu lắm cậu ấy mới ghé qua đây, mọi người cùng dùng bữa nhé?!
Trông gã thanh niên, Vô Phong có cảm giác kỳ quặc. Ngược lại, anh chàng tóc bóng mượt cũng nhíu mày nhìn Vô Phong, ánh mắt đầy tia nghi hoặc. Vài giây qua đi, Giả Chung chợt lên tiếng:
-Dân Tầng 9 lắm tiền nhiều của, ho ra bạc khạc ra tiền, chẳng cần ăn trộm ăn cướp[1].
Vô Phong đờ mặt. Đã từ lâu lắm hắn mới nghe lại mật khẩu qua cửa dưới Tầng 9 Chợ Rác. Cái vẻ ngạc nhiên của Vô Phong xác nhận rằng cả hắn lẫn Giả Chung đều biết về một thứ. Thấy thế, Đa Lạt bèn kéo bà vợ cùng Si Giáng tới phòng ăn và để mặc hai gã đàn ông. Giả Chung nhìn ngó một hồi, sau mỉm cười:
-Không ngờ là gặp cậu ở đây, Vô Phong. Nhuộm tóc rồi hả? Trốn khéo đấy! Chính phủ Phi Thiên đang lùng cậu dữ lắm. Không cần cảnh giác vậy, tôi không muốn đánh nhau, nhất là nhà của ông Đa Lạt. Đúng là tôi đang tìm cậu nhưng chỉ để nói chuyện. Hãy dành vài phút, được chứ? Đừng để ông Đa Lạt chờ đợi. Ông ấy sẽ không ăn nếu chúng ta chưa vào.
Nghe anh ta nói xong, Vô Phong mới thở phào, tay phải buông cán kiếm giấu trong túi áo. Cả hai ngồi vào bàn tiếp khách. Đợi người phục vụ mang trà xong xuôi, Giả Chung tiếp tục:
-Nếu cậu chưa biết thì xin tự giới thiệu, tôi là Giả Chung, thư ký của thiên tử Uất Hận Thành. Tôi tìm cậu để nói về ba việc. Thứ nhất…
-Thư ký à? Anh đến từ khu Hạ Tầng? – Vô Phong ngắt lời – Tôi là dân Thượng Tầng nên chẳng biết gì dưới đó cả! Chợ Rác vẫn thế chứ? Thày Dạy Học còn ở đó không?
Giả Chung bật cười. Anh ta nhấp ngụm trà thiết mộc rồi nở nụ cười:
-Hiếm người thoát khỏi Chợ Rác hỏi về nó, anh bạn kỳ lạ đấy! Phải, tôi đến từ Hạ Tầng. Về chuyện Thày Dạy Học, tôi không nghe tin gì về ông ấy nữa. Có vẻ ông ấy đã bỏ đi. Chợ Rác vẫn thế, trừ một thay đổi nhỏ: quốc hội Phi Thiên đang bàn xem có nên công nhận Chợ Rác là một quận hay không? Nếu vụ này được thông qua, Chợ Rác sẽ có một ghế ở hội đồng dân biểu. Nhờ ơn Vạn Thế, bọn người mặt đất cuối cùng cũng phải nhìn ngó dân chui hầm chúng ta. Nhưng thôi, hãy để niềm vui ấy vào bữa ăn, tôi và anh sẽ nâng ly chúc mừng sau.
-Ông Đa Lạt biết con người thật của anh chứ? – Vô Phong nhíu mày.
-Ông ấy biết tất cả. – Giả Chung đáp lời – Anh, tôi, cô nàng tóc hồng kia… ông ấy biết hết nhưng tôn trọng quyền cá nhân mỗi người. Thấy cách ông ấy để chúng ta một mình không? Ở Băng Hóa này, ông ấy là người điều phối. Mọi chuyện trên trời dưới biển, Đa Lạt đều nắm rõ. Còn căn nhà này là nơi ký kết nhiều thứ quan trọng nhất, cả thế giới ánh sáng lẫn thế giới ngầm đều tới đây. Tất cả đều tôn trọng Đa Lạt, cho nên chỗ này không đánh nhau được. Sơ sơ là thế. Vậy chúng ta vào việc chính được chưa?
Vô Phong nhún vai tỏ ý sẵn sàng. Giả Chung liền lôi ra một quyển sổ đặt trên bàn, tấm bìa da đề dòng chữ in chìm “Thập Kiếm”. Giả Chung mở cuốn sổ, tay lật những trang giấy ố vàng chỗ rách chỗ cháy, miệng hỏi:
-Việc thứ nhất, tôi đến hỏi cậu về chuyện Thập Kiếm. Hội đồng Chợ Rác đã chọn ra ba ứng cử viên gồm cậu, Chiến Tử và Quạ Đen. Chắc cậu đã nghe mấy lời đồn cách thức gia nhập cũng như quyền lợi khi tham gia Thập Kiếm, hoặc tham khảo mạng máy tính? Chúng đều đúng cả đấy! Vậy nên tôi không nhắc lại nữa. Cậu muốn gia nhập Thập Kiếm không? Xét về mặt kỹ thuật, Chiến Tử xứng đáng hơn. Nhưng ý hội đồng muốn cậu gia nhập hơn, bởi lẽ cơ cấu Thập Kiếm đang mất cân bằng, quá nhiều người ngoan đạo mà quá ít kẻ ngổ ngáo[2].
Chưa cần suy nghĩ nửa giây, Vô Phong lắc đầu:
-Không, tôi từ chối.
-Thật chứ? – Giả Chung nhăn trán, cái mũi thẳng tắp chĩa về phía trước như mũi giáo – Đừng bỏ lỡ cơ hội chứ? Cậu đang bị truy nã, nếu có danh vị Thập Kiếm, cậu sẽ có tiền, được bảo trợ tốt hơn, nhiều mối quan hệ hơn. Cậu định làm kẻ lang thang suốt đời sao?
-Không! – Vô Phong lắc đầu dứt khoát – Tôi không thích vụ đó, cũng không thích tranh đua. Tôi có việc riêng.
Giả Chung tặc lưỡi, ngón trỏ gãi gãi mớ tóc mượt như không tin nổi chuyện vừa xảy ra. Nhưng sau rốt gã hí hoáy viết lách và đưa cho Vô Phong ký xác nhận. Xong xuôi đâu đấy, gã cất quyển sổ đoạn chuyển vấn đề:
-Việc tiếp theo, tôi cần cậu trả lời thành thực. Chuyện này nghiêm trọng hơn vụ truy nã của Phi Thiên quốc rất nhiều. Tôi biết cậu có nhiều bí mật, nhưng nếu cậu không thành thực thì tôi không thể giải quyết được gì cả. Vào ngày 21 tháng 4 năm ngoái, tức năm 7517, có phải cậu đến Khẩu Lỗ thành tìm một người phụ nữ tên là Túc Hương?
Vô Phong nhíu mày. Không mấy người biết chuyện hắn điều tra Thát Khan và Mục Á, nên việc Giả Chung nắm rõ vụ này khiến hắn nghi ngại. Mặc gã thanh niên tóc mượt cố gắng thuyết phục mấy hồi, Vô Phong cũng ngậm chặt răng không kể chi tiết. Chỉ duy một chuyện hắn chịu mở mồm là cái chết của Túc Hương – Mục Á:
-Đáng lẽ chúng tôi có thể gặp cô ấy và nói chuyện đàng hoàng. Nhưng tôi không hề biết thân phận thật của cổ. Cổ phẫu thuật thẩm mĩ mà! Đó là một tai nạn, chúng tôi không kiểm soát được. Đạn lạc từ bọn Mù Thủy đã giết chết cô ấy. Nhưng cái gì tệ vậy?
Nghe xong, Giả Chung lắc đầu ngán ngẩm:
-Tệ vô cùng, anh bạn! Nghe đây, bọn “bốc mả” từ Đông Thổ đã sang, chúng thề đem đầu cậu báo thù cho Mục Á. Và nếu vụ này lộ ra, ngày mai cả đất nước Băng Hóa lẫn lục địa Băng Thổ sẽ băm cậu ra trăm mảnh. Cậu không biết mình đã đụng phải cái gì đâu! Tôi sợ rằng suốt phần đời còn lại, cậu phải chạy trốn và đề phòng người ta cắt cổ. Cậu hết đường sống rồi, tóc đỏ!
[1]: câu mật khẩu ở Tầng 9 Chợ Rác, xem lại Quyển 3 Chương 58
[2]: tình trạng của Thập Kiếm, xem lại Quyển 4, Sắt và Máu – Chương 1