Ngục Thánh

Chương 297

Chưa bao giờ Tiểu Hồ thích cuốc bộ như lúc này. Nếu phải đi tới trật khớp thì nàng cũng đi, mà nếu đường tới đền Mộc Thần dài như chuyến hành hương tới Vạn Thế thì nàng cũng chịu, miễn sao có thể bám chân Bạch Dương Lục Triều lâu hơn. 

Với một pháp sư, học tập sách vở không tốt bằng thực hành, thực hành không tốt bằng thực chiến, thực chiến không bằng trò chuyện với đại pháp sư lớn tuổi. Trong giới thờ phụng Ngũ Hành, một số kết thúc sự nghiệp với gia đình yên ấm, số khác bỏ mạng vì đánh thuê hoặc chôn thây ở nơi xa xôi không người lui tới, số nữa tàn tật vì tai nạn thí nghiệm phép thuật. Chỉ có rất ít kẻ dám đánh đổi tất cả để tìm thấy đỉnh cao phép thuật mới, họ là đại pháp sư. Cụ Cố Tổ hay Lục Triều là những người ngự trị ở đỉnh cao đó. Khác đại thánh sứ luôn chia sẻ, các đại pháp sư là những kẻ ích kỷ, bởi lẽ những kinh nghiệm của họ đều đánh đổi bằng xương máu, gia đình và cả phần con người. Loài người giữ tiền bạc thế nào, đại pháp sư ém nhẹm phép thuật y như vậy. 

Dưới ánh đuốc xanh lục, ông già gác đền chậm rãi giảng giải cho Tiểu Hồ nhiều điều. Dựa theo tiếng thở phì phì của Cụ Cố Tổ ở phía sau, cô gái đoán rằng Lục Triều đang giãi bày những thứ đáng tự hào nhất của một đời pháp sư:

- Bát Biến tám cửa. Mỗi cửa thể hiện bằng ba vạch, mỗi vạch liền hoặc đứt đoạn. Ví dụ “Trời” là ba vạch liền, “Đất” là ba vạch đứt, “Đầm” một vạch đứt hai vạch liền... Mỗi cửa sắp xếp với nhau và tự chúng sắp xếp với chính mình thì được sáu mươi tư (64) biến thể. Mỗi biến thể chia hai nửa: nửa trên và nửa dưới. Từng biến thể có nhiều lời ứng nghiệm tùy theo hoàn cảnh hay sự việc muốn coi bói, nhưng chung quy sự biến chuyển của vạn vật đều nằm trong Bát Biến. Hiểu được Bát Biến sẽ vận dụng Ngũ Hành tốt hơn. Mà nắm được Ngũ Hành sẽ hiểu Bát Biến, nên mới nói hai thứ tuy khác nhau mà là một, mà gọi là một nhưng thực chất là hai. 

- Vậy tại sao trong Bát Biến, “Trời” ở phía nam mà lại xếp phía trên, trong khi “Đất” phía bắc xếp phía dưới? – Tiểu Hồ thắc mắc – Cũng như trong Ngũ Hành, tại sao lại xếp “Hỏa” phía trên trong khi nó ở phương nam, còn “Thủy” xếp dưới trong khi nó ở phía bắc? Là sắp xếp phương vị sai hay phương vị không áp dụng cho những trường hợp này? Tôi từng hỏi những đại pháp sư phương tây nhưng họ không hiểu rõ. Hay là họ không muốn trả lời?

Lục Triều trả lời:

- Vì bé con chưa gặp những đại pháp sư phương đông. Các đại pháp sư phương tây sắp xếp Ngũ Hành theo phương vị tiêu chuẩn nhằm dễ hình dung khi thực nghiệm hoặc thực chiến. Nhưng ở phương đông, Ngũ Hành sắp xếp như vậy dựa theo tính chất mỗi nguyên tố. “Hỏa” nằm ở phương nam do phương nam có tính nóng, nhưng xếp trên vì hơi nóng bốc lên cao; “Thủy” nằm ở phương bắc vì phương bắc mang tính lạnh, nhưng xếp dưới vì nước có chiều hướng ngấm xuống lòng đất. Bát Biến cũng tương tự Ngũ Hành: “Trời” ở phương nam vì hướng nam có “Hỏa” thuộc tính nóng, bởi vì chính Trời cho cho con người ngọn lửa đầu tiên. “Đất” ở phương bắc vì nước bắt nguồn từ nơi đó mà nuôi dưỡng đất đai, lục địa. Nhưng vì Trời trên cao, Đất phía dưới, nên người xưa sắp xếp Bát Biến theo thuộc tính chứ không theo phương vị. 

- Vậy “Lửa” và “Nước” trong Bát Biến thì sao? Phải chăng chúng là “Hỏa” và “Thủy” trong Ngũ Hành? Và nếu đúng, tại sao không chung một phương vị mà lại khác biệt? 

Người gác đền trầm ngâm: 

- Vừa tương đồng nhưng cũng vừa khác biệt. Bát Biến tượng trưng sự vận động của thế giới, mỗi cửa bao hàm nhiều nghĩa khác nhau và không giới hạn như cái tên của nó. “Lửa” trong Bát Biến tượng trưng cho vật thể sáng nhất ở phương đông: mặt trời, khởi nguồn ánh sáng, đồng thời bao hàm cả nguyên tố Hỏa. “Nước” trong Bát Biến nằm phía tây, tượng trưng cho mặt trăng khuyết – vật thể đại diện bóng đêm đồng thời bao hàm nguyên tố Thủy. Mặt trăng mọc phía đông nhưng khuyết nhất khi nằm phía tây; nó không phải bóng đêm nhưng tự bóng đêm không có cách nào thể hiện chính mình, vì vậy lấy trăng khuyết làm đại diện; ánh trăng lạnh chứ không nóng ấm nên đối nghịch mặt trời. Ngũ Hành tương sinh tương khắc còn Bát Biến đối nghịch tương trợ, tuần hoàn không bao giờ dứt. Nhờ Bát Biến mà khi bản thân nó và mỗi cửa còn mang những cái tên thần bí hơn, con người tìm ra rằng bộ số lẻ thuộc về trời, còn số chẵn thuộc về đất. Bởi vậy luật thờ cúng ở phương đông luôn dùng số lẻ làm tiêu chuẩn. 

Nghe lời người gác đền, Tiểu Hồ chợt nhớ những bài học vỡ lòng. Hồi đó, người cha đầu tiên – người mà nhận nuôi Tiểu Hồ trước cả đại thánh sứ Tây Minh – đã dạy nàng về số lẻ trong phép thuật. Bằng cách nào đó, những câu chú ngữ hoặc sự vận hành phép thuật đều tuân theo dãy số lẻ. Tiểu Hồ vẫn nhớ khi đó mắt mình mở to thế nào khi chứng kiến sự kỳ diệu cũng như sự tàn khốc của phép thuật. Nàng nhớ người cha đầu tiên không cười nhiều giống đại thánh sứ Tây Minh, ông thường xuyên nghiêm nghị, giọng điệu có khoảng cách như đặt ra giới hạn giữa mình và Tiểu Hồ. 

“1, 3, 5, 7, 9, cách sử dụng phép thuật nằm năm số cơ bản này. 1 là độc nhất, 3 là vững vàng, 5 là bảo toàn, 7 là đa dạng, 9 là cường đại. Chỉ có một bộ não cho lý trí, một trái tim cho cảm tính và một mạng người để từ bỏ hay tiếp tục cống hiến cho phép thuật. Phép thuật đến từ ba yếu tố: bầu trời, mặt đất và con người, hợp lại thành một vòng hoạt động. Ngũ Hành gồm năm nguyên tố tạo nên thế giới Tâm Mộng, tuần hoàn vững chắc không thay đổi. Khi Ngũ Hành cân bằng hoàn chỉnh sẽ tạo ra Lưỡng Cực, tổng cộng bảy nguyên tố, sản sinh sự đa dạng thế giới. Cuối cùng, pháp sư thành thạo toàn bộ các bước cơ bản sẽ tiến đến mức sáng tạo phép thuật hoặc khuếch đại chúng, các đại pháp sư sẽ tiệm cận thánh thần và số “9” tượng trưng cho đỉnh cao này. Nhớ lấy, Tiểu Hồ!”

Chuyện cũ làm Tiểu Hồ bất giác bồi hồi. Nàng không yêu quý con người đó bằng Tây Minh. Thực tâm nàng là thế, không dối trá. Nó chẳng phải “căm ghét” mà chỉ là “không yêu quý”, một cách so sánh mang tính cân đo đong đếm. Cô gái lắc đầu xua ký ức đoạn hỏi Lục Triều: 

- Nếu số lẻ thuộc về trời thì số chẵn thuộc về đất, tôi nói đúng không, thưa ngài? Nhưng nếu vậy thì chẳng phải mâu thuẫn sao? Bài học đầu tiên của pháp sư là số hiệu mỗi nguyên tố. Thủy là 1, Hỏa là 2, Mộc là 3, Kim là 4 và Thổ là 5. Nếu vậy thì Thủy, Mộc và Thổ thuộc về trời? Sao lạ vậy?

- Thực ra tự thân mỗi nguyên tố đều có “trời” lẫn “đất”, chỉ là người ta thường không rõ mặt kia của chúng. – Người gác đền nói – Nhờ Bát Biến và sự đa dạng của nó, ta phát triển được dãy số mới cho Ngũ Hành. Cụ thể là Thủy gồm 1 và 6, Hỏa gồm 2 và 7, Mộc gồm 3 và 8, Kim gồm 4 và 9, cuối cùng Thổ gồm 5 và 10. Từng nguyên tố có sự tương trợ lẫn đối nghịch của riêng nó. Bởi vậy... à, có lẽ chúng ta nên để vấn đề này sau, bé con. Đền thờ kia rồi!

Tiểu Hồ chưng hửng. Nàng muốn nghe nhiều hơn, muốn giải đáp vô vàn thắc mắc đang xoay mòng mòng quanh đầu. Nhưng quãng đường một cây số quá ngắn ngủi. Đền Mộc Thần đã ở phía trước. 

Lần đầu trông thấy một trong năm địa điểm linh thiêng nhất giới phép thuật, Tiểu Hồ phấn khích bao nhiêu mà cũng lấn cấn bấy nhiêu. Nó – tòa kiến trúc trong mắt nàng được rọi sáng bằng ngọn đuốc xanh lục – thực sự là một mớ hỗn độn. Nằm kẹt giữa hai tầng đất đá, đền thờ Mộc Thần rúm ró nhúm nhăn như trái mơ khô quắt bị vắt kiệt nước từ lâu. Mái, cột chống, gạch ngói, tượng đá... tất thảy bị xô vào nhau, oằn cong, lổn nhổn và chen chúc. Dường như quá trình ép bẹp này chưa kết thúc. Trong không gian lạnh buốt vì tầng sâu dưới lòng đất lẫn tiếng gió hẻo hút qua kẽ đá, mọi thứ đều bất động, nhưng Tiểu Hồ cảm giác kết cấu địa chất đang dịch chuyển chậm chạp như con sên nghìn tuổi trườn tấm thân lầy nhầy nhẫy nhớt của nó. Bằng mắt thường không thể nhìn thấy nhưng thực chất là con sên đó đang bò. Và hai mươi năm, năm mươi năm hoặc non một thế kỷ nữa, ngôi đền sẽ hoàn toàn nát vụn. 

Lục Triều niệm chú ngữ làm ngọn đuốc sáng hơn, Tiểu Hồ có dịp trông thấy ngôi đền rõ ràng và cố gắng hình dung diện mạo thuở ban đầu của nó. Đỉnh đền – lúc này bị hai tầng đất đá xô ép gãy làm chín, mười đoạn gấp khúc, có chỗ bị chọc thủng bởi cái đầu của một bức tượng lớn nằm bên trong – có lẽ từng là một tấm mái dài mênh mông lợp gạch ngói màu đỏ au, tươi sắc và rực lên dưới ánh mặt trời. Tàn tích những miếng ngói đó giờ đây vương vãi khắp mặt đất, nát bấy hoặc xỉn quách mủn mùi rêu hôi, nhưng khi tắm ánh đuốc thì chúng phản ứng rất mãnh liệt, những phần chưa bị rêu phủ nhá sáng tựa thể muốn kẻ chứng kiến biết rằng mình đã huy hoàng thế nào. Phía dưới phần đỉnh gãy thủng là những ô cửa sổ méo mó nát tươm. Trước hồi bị vùi lấp, chúng tròn vành vạnh và che chắn bằng những nan gỗ hoa văn, xếp thành hàng đều tăm tắp dọc theo một hành lang có lan can gỗ sơn son thếp vàng trông ra bầu trời Tây Vực Châu xanh ngắt đang trùm lên từng ngọn núi xám xanh, từng khoảnh rừng um tùm lá, từng khúc suối bạc len lỏi giữa vùng bình nguyên um cỏ – cái thuở mà xứ sở này chưa bị máy móc băm nát. Từng được người đời kính ngưỡng quỳ gối trọng vọng, giờ phải sống ở nơi tối tăm không ánh mặt trời, đám cửa sổ giờ cau có như người già, trừng trừng nhìn xuống Tiểu Hồ một cách đầy đe dọa. 

Người gác đền cắm đuốc lên một mô đất nhô cao, sau đó mang chiếc vạc hứng nước từ một cái khe nhỏ gần mô đất nọ. Nước chảy tí tách rỏ từng giọt, chậm nhưng trong vắt tự nhiên, không gây gây mùi lọc tẩy như thứ nước nhân tạo nhan nhản khắp Tây Vực Châu. Tiểu Hồ đoán xung quanh đền thờ có mạch nước ngầm và nhờ vậy mà rêu có thể sinh sôi. Sẽ không lạ nếu đám chủ xưởng nơi đây sẵn sàng trả hàng núi tiền đền bù cho Lục Triều để sở hữu nguồn nước. 

Trong lúc đợi vạc đầy nước, Lục Triều tìm kiếm nhặt nhạnh gỗ làm củi giữ lửa. Không phải gỗ rơi rớt từ đền thờ mà là những súc gỗ được chẻ ngay ngắn, thấy rõ vết rìu bổ lẹm cùng mảnh dằm tua tủa. “Gỗ thiết tùng, mọc trên núi Tây Vực Châu, mỗi núi chỉ có khoảng dăm mười cây...” – Lục Triều vừa bới đống đổ nát trên đất vừa nói – “...giờ thì chẳng còn cây nào, tuyệt chủng vài trăm năm rồi. Chúng màu nâu nhạt, đường gân màu ngà, thịt gỗ màu cam sáng. Đẹp lắm!”. Chốc chốc, ông ta dùng mấy cái máy đeo cổ soi mấy miếng gỗ nhặt được. Tiểu Hồ phụ giúp ông già, cứ theo mấy đặc điểm đó mà tìm, thoáng chốc đã ôm dăm súc bên hông. Về khoản này thì nàng trội hơn hẳn ông già gác đền mắt mờ chân chậm. 

- Tại sao ngài không giữ chúng lại trước khi yểm bùa ngôi đền? – Tiểu Hồ hỏi. 

- Bệnh đãng trí. – Lục Triều nhún vai – Ngày yểm bùa, ta hơn hai trăm còn con bé Thôn Cơ ngót nghét chín mươi tuổi. Chúng ta minh mẫn thông tuệ hơn phần lớn người già bình thường nhưng đôi lúc giống họ. Quên là thường! Vả lại khi yểm bùa chỉ có ta và Thôn Cơ, chẳng ai biết hay nhớ về đền Mộc Thần nữa. 

- Từ đó đến giờ có ai hành hương về đền nữa không? – Tiểu Hồ tiếp lời. 

- Ta không biết bốn đền thờ khác, ta đã mất liên lạc với họ. Nhưng ở đây thì chưa đến mười người trong ba trăm năm, bé con chính là người thứ mười. Thật dài! – Lục Triều nói – Chẳng đoạn trường khúc nào của Tuyệt Tưởng Thành có thể mô tả quãng thời gian đó. Đám giúp việc của cụ cố cũng thường qua đây, nhưng chỉ thằng nhóc Ly Đốc biết nơi này có đền Mộc Thần. 

Tiểu Hồ ngoảnh đầu nhìn Cụ Cố Tổ, thấy cụ cố hết đấm bóp lưng lại tập mấy động tác thể dục, xem chừng sợ lặp lại màn ăn hại mất thể diện ở Cổ Lâu Trấn. Nghĩ vụ thùng rác, cô nàng bụm miệng cười đoạn quay lại Lục Triều: 

- Cụ cố bao nhiêu tuổi rồi, thưa ngài? Ông ấy có người thân không? 

Lục Triều bật cười tựa thể cô gái vừa hỏi chuyện hài hước. Người gác đền để Tiểu Hồ làm thay mình, nghỉ chân trên một bệ đá đoạn trả lời vừa đủ cho cô nàng nghe thấy:

- Ta không biết. Khi ta còn là đứa bé con, ta đã nghe tên Cụ Cố Tổ chủ trì đền Mộc Thần. Không ai rõ ông ấy đến từ đâu hay bao nhiêu tuổi. Ta từng hỏi nhưng cụ cố không trả lời. Ông ấy luôn gọi “loài người” một cách khinh miệt vì ông ấy già hơn tất cả, nhưng không bao giờ nói tuổi thật. Ai cũng có bí mật mà, bé con. Nhưng đúng là cụ cố có người thân. Ông ấy từng có nhiều rồi mất gần hết. Chiến tranh, thời đại pháp sư du đãng, kỷ nguyên kiếm sĩ lang thang, Thời Đại Thủy Triều, Chiến Tranh Tài Nguyên... ông ấy vẫn sống nhưng người thân cứ mất đi. Hồi Chiến Tranh Tài Nguyên, quả bom của Phi Thiên quốc đã giết gần hết hậu duệ của cụ cố. 

- Hậu duệ? – Tiểu Hồ ngạc nhiên – Cháu tưởng người giúp việc? 

Người gác đền mỉm cười. Ông già rời chỗ đoạn kiểm tra chiếc vạc. Thấy nước lưng lưng vạc, Lục Triều xách nó về chỗ Cụ Cố Tổ. Củi thiết tùng xếp phía dưới, vạc nước đặt bên trên, lấy thêm một chiếc muôi kim loại làm đồ khuấy, Lục Triều đã sắp xếp đủ những thứ cần thiết để vào đền. Ông già quỳ trên đất rồi hướng về ngôi đền đổ nát, miệng lầm rầm: 

- Kẻ viếng thăm mạo muội quấy quả Mộc Thần. Ở đây đã có ba di vật mà ngài để lại, nếu có thiêng, xin hãy chứng giám. Lấy Thổ chứa đựng vạn vật, lấy Hỏa làm phương tiện, lấy Mộc làm vật dẫn, lấy Kim làm trung gian, lấy Thủy làm trung hòa. Ngũ Hành luân chuyển. 

Sau đó người gác đền niệm chú ngữ. Ngay tức thì, ngọn đuốc phía xa rực sáng cuộn một luồng lửa sà xuống đám củi, bốc lên hơi nóng hừng hực liếm quá nửa thân chiếc nồi đất. Lửa sáng rực như có mặt trời mọc nơi lòng đất tăm tối, đồng thời soi rọi cánh cửa ngôi đền cách đây khoảng chục bước chân. Dưới phần đỉnh đền lẫn hành lang cửa sổ tan hoang, cánh cửa đền xem chừng là thứ duy nhất còn toàn vẹn. Nó làm bằng gỗ, hai cánh chập nhau để một khe hờ thoảng tiếng gió rít, trên mặt mỗi cánh cửa có mặt thú kim loại ngậm vòng, giống kiểu kiến trúc cổ của Bắc Thần mà Tiểu Hồ từng nhìn thấy. Đền Mộc Thần xây dựng trên đất Bắc Thần quốc nên không lạ khi nó mang hơi thở Bắc Thần quốc. 

Ngọn lửa xanh lục bùng cháy mạnh tới khi cái vạc sôi sùng sục. Bấy giờ Cụ Cố Tổ cởi áo khoác ngoài, mình trần bước ra, hơi cúi đầu lấy lệ trước ngôi đền rồi trút ba di vật vào vạc: tẩu hút thuốc, cái bô và một mớ bài vị người chết. Vạc hơi nhỏ mà đống bài vị cồng kềnh, cụ cố phải vớt chúng ra và đạp gãy làm đôi (Tiểu Hồ không dám nhìn cảnh này). Xong xuôi đâu đấy, cụ cố ấn ngón tay cái lên thân vạc nóng rực. Ngọn lửa quấn ngón tay, sau đấy một loạt chú ngữ màu xanh lục xuất hiện, nổi khắp tay trái Cụ Cố Tổ rồi lan ra toàn thân theo đường gân thịt. Tiểu Hồ phấn khích vô cùng vì đã lâu lắm mới lại thấy “chân diện” của một pháp sư. Chỉ khi làm lễ tế, đối mặt cảnh ngặt nghèo hoặc tác động phép thuật, pháp sư hoặc kiếm thuật sư mới lộ chân diện. 

Ngày cúi đầu trước Ngũ Hành, pháp sư hoặc kiếm thuật sư sẽ nhận chú ngữ từ vị tà thần tùy thuộc nguyên tố mà họ lựa chọn. Với nguyên tố Mộc, chú ngữ có màu xanh lục, đường nét uốn lượn tựa nhành dây leo, khởi điểm từ ngón cái và chiếm lĩnh tay trái, dẫn đi khắp cơ thể thông qua cơ gân. Các chú ngữ này chính là lời niệm mà họ sử dụng trong chiến đấu, càng tinh thông phép thuật thì chú ngữ càng nhiều. Chân diện của Cụ Cố Tổ là minh chứng: bao nhiêu cơ gân là bấy nhiêu đường chú ngữ, chúng chi chí dày đặc khắp thân thể kể cả bộ mặt già xọm (trừ cánh tay phải), không chừa một sợi cơ gân nào, ăn sang cả những bộ phận vốn thuộc về nguyên tố khác. Tiểu Hồ đoán rằng cụ cố đã thông thạo tất cả Mộc niệm, thậm chí tự sáng tạo phép thuật mới. 

Cụ cố thở một hơi đoạn cầm muôi khuấy vạc, giống lúc ở biệt thự của ông chủ Tinh Ngôn Gia. Cụ cố khuấy ba lần theo chiều kim đồng hồ, sau tiếp tục khuấy tám lần ngược chiều, cứ thế lặp đi lặp lại. Ngọn lửa bé dần rồi thu thành cụm cháy liu riu dưới đáy vạc. Lửa bé nhưng không khí lại nóng hơn tựa thể mùa hè vừa tràn đến lòng đất khiến Tiểu Hồ phải cởi bớt áo khoác ngoài. Cụ Cố Tổ càng khuấy vạc, nhiệt lượng càng gia tăng, khe cửa đền Mộc Thần cũng rít tiếng gió mạnh hơn. Vài làn sóng vô hình từ đền tỏa ra, tràn tới Lục Triều và Tiểu Hồ. Cô gái bất giác phát hiện Lục Triều lộ chân diện, khắp cơ thể đầy chú ngữ Mộc niệm ngang ngửa Cụ Cố Tổ. Bản thân nàng cũng phản ứng. Từ ngón trỏ của hai bàn tay Tiểu Hồ, chú ngữ Hỏa niệm nối đuôi nhau chạy rần rật khắp mạch máu rồi tụ thành một điểm nóng rát giữa ngực, ngay phía trước trái tim. Khác chú ngữ Mộc niệm, chú ngữ Hỏa niệm nhỏ hơn, đường nét vừa cong vồng vừa nhiều ngạnh nhọn tựa lửa cháy; chúng bắt nguồn từ ngón trỏ, định cư tại bất cứ chỗ nào có huyết mạch. Cơ thể Tiểu Hồ giờ y hệt một cục đá lửa với đường nứt rực sáng. Trông chân diện của cô gái, Lục Triều nhướn mày nghiêng đầu: 

- Còn trẻ mà học được ngần này chú ngữ? Khá tốt! Nhưng cẩn thận, đừng quên phép thuật là đánh đổi. Số “1” trong phép thuật, nhớ chứ? Chỉ có một bộ não cho lý trí và một trái tim cho cảm tính. Hỏa niệm tập trung ở giữa ngực, nơi trái tim ngự trị đồng nghĩa người dùng phải dâng hiến trái tim cho Hỏa Thần. Kẻ dùng Hỏa niệm không bao giờ bị thiêu nhưng trái tim có thể cháy rụi đấy, bé con. 

Tiểu Hồ im lặng. Đây không phải lần đầu nàng được khuyên nhủ về Hỏa niệm. Đại thánh sứ Tây Minh và cả người cha nuôi đầu tiên đều cảnh báo nàng. Dường như người lớn tuổi biết chuyện gì đó mà nàng không hiểu, hoặc đơn giản là họ quá lo lắng về một cô bé suốt ngày chơi đùa với lửa. Thực tình Tiểu Hồ yêu thích lửa, giống cái nhìn của con trẻ khi lần đầu khám phá một thứ bỏng rãy biết phát sáng. 

Được chừng mười lăm phút, Cụ Cố Tổ ngừng khuấy. Nước trong vạc hiện chuyển màu xanh và đám di vật đã biến mất, chỉ để lại một cục gỗ vuông thành sắc cạnh nổi lềnh bềnh. Cụ cố múc cục gỗ ra ngoài, ngắm nghía nó một hồi đoạn gọi Lục Triều: 

- Coi xem, Mắt Xanh! Ta đủ tư cách vào đền chưa? 

Người gác đền lau chùi khối gỗ rồi xem xét qua loa, có lẽ chẳng muốn kiểm nghiệm hay đánh giá trình độ phép thuật của cụ cố. Ông ta nhét cục gỗ vào mớ áo lùng nhùng đoạn rút ra... một chùm chìa khóa. Tiểu Hồ ngớ người: 

- Chìa khóa? Thế là thế nào? Cháu tưởng khối gỗ là chìa khóa? 

- Vật cầu may thôi, tránh tình trạng thần đánh thánh vật ấy mà! Hờ hờ hờ! – Cụ Cố Tổ cười khoái trá như thể đang lỡm mặt Tiểu Hồ – Bộ mày nghĩ đền thờ xảy ra hỏa hoạn thì ngồi khuấy cái nồi thổ tả này luyện thành chìa khóa, mở cửa và chạy vào dập á? 

- Thế chúng ta khốn khổ ở Cổ Lâu Trấn chỉ nhằm cầu may? – Tiểu Hồ ngỡ ngàng. 

- Có thờ có thiêng có kiêng có lành mà! Hờ hờ hờ!

Cụ cố vừa cất bước vừa cười hỉ hả. Trêu tức Tiểu Hồ chính thức trở thành thú tiêu khiển của ông già. Lục Triều vỗ vai cô gái: 

- Chúng chỉ là vật cầu may, một thủ tục trước khi vào đền. Nhưng sự chứng giám là có thật. Nếu khối gỗ sứt mẻ hoặc không thành hình, kẻ vào đền sẽ bị nguyền rủa. Ta sẽ cất khối gỗ vào kho và đợi ngày mọi di vật tập hợp đầy đủ. Chúng không vô nghĩa. 

Dứt lời, người gác đền bước đến tra khóa vào khe ổ bên dưới mặt thú ngậm vòng. Khóa cách một tiếng thì hai cánh cửa rùng rùng rũ bụi lẫn nước, bản lề cọt kẹt tự động xoay chuyển. Toàn bộ lòng đất run rẩy, bụi cát xô nhau chảy thành những đoạn thác nhỏ rót xuống. Tiểu Hồ bèn cầm đuốc rồi theo chân hai ông già tiến nhập ngôi đền. Ánh lửa xanh lục đi tới đâu, ngôi đền bừng sáng tới đó nhờ những ngọn đuốc ẩn thân giữa bóng tối. Kể từ lần cuối Thôn Cơ ghé thăm, ngôi đền mới lại thức giấc chào đón con người. 

Song như vị chủ nhà đã ngủ quá lâu và chưa kịp hồi tỉnh để dọn dẹp phòng ốc, ngôi đền Mộc Thần ôm lấy ba con người bằng sự đổ nát. So với bên ngoài, nơi đây cũng chẳng mấy khác biệt. Ngoại lực chèn ép mạnh khiến mặt nền gãy nứt vô số, chỗ bênh lên chỗ lõm xuống, đá lát không miếng nào còn vẹn nguyên. Lục Triều nói rằng nơi họ đang đứng vốn là đại sảnh đền. Xa xa phía sau nền đá, tượng Mộc Thần nằm đối diện cửa chính. Tượng tạc một người đàn ông già thật già, râu tóc dài quá lưng, chân xếp bằng, tay phải chống gậy, tay trái chìa ra và xòe rộng năm ngón. Vài thế kỷ trước, hàng ngàn pháp sư lặn lội tới đây chỉ mong được bước đi giữa đại sảnh bao bọc bởi những ngọn đuốc màu xanh lục và quỳ gối trước Mộc Thần. Nhưng bức tượng uy nghiêm thuở nào giờ nứt vỡ, nghiêng vẹo, nửa thân trên bám đầy rêu kẹt giữa lớp mái gãy đổ. Không còn huy hoàng nữa, tất cả đã kết thúc.

Nhưng vượt lên tất cả, chính giữa lòng bàn tay trái của tượng Mộc Thần trồi lên một gốc cây. “Cây xanh!” – Tiểu Hồ thầm reo. Một cái cây đúng nghĩa, không nhân tạo, không bị quây bởi lồng kính, không được nuôi dưỡng bằng phân bón hóa học như cái cách mà chính phủ Bắc Thần đang gây giống. Tuy chỉ bé bằng cây cà chua nhưng nó đích xác là thứ tạo vật đẹp đẽ nhất xứ sở này. 

Rồi sao nữa? – Tiểu Hồ tự hỏi đoạn dáo dác nhìn quanh. Nàng phấn khích vì đền thờ, mừng vui vì thấy điều kỳ diệu ở Tây Vực Châu ô nhiễm trầm trọng, nhưng đó không phải là chuyện chính. Nàng đang tìm Lập Hoa Ngân Thôn Cơ – người chủ trì ngôi đền. Phiền nỗi chẳng có dấu hiệu nào cho thấy sự hiện diện của người chủ trì. Không một dấu chân, không ký hiệu, không lời nhắn gửi. Thôn Cơ không có ở đây và người phụ nữ ấy chẳng để lại bất cứ dấu tích nào.

- Rồi sao nữa? – Cụ Cố Tổ lên tiếng – Sao ta không cảm thấy gì nhỉ, Mắt Xanh? Thấy lạ không? Mày nói rằng hai mươi năm gần đây, Thôn Cơ thường ghé thăm đền hả? Vậy sao ta không cảm thấy gì? 

Cũng giống Tiểu Hồ, người gác đền chẳng thấy dấu vết báo hiệu rằng Thôn Cơ từng đặt chân ở đây. Và cũng giống cụ cố, ông ta không cảm nhận được phép thuật. Phép thuật không tự nhiên sinh ra mà cũng không tự nhiên mất đi, chúng thường lưu lại đâu đó và một pháp sư có thể cảm nhận mơ hồ hoặc rõ ràng tùy thuộc trình độ của người đó. Lục Triều rảo bước khắp sảnh, ngắm nghía tượng Mộc Thần thật kĩ, rà soát từng lối đi ngách hẻm. Sau rốt ông già cất lời: 

- Nửa thế kỷ nay tôi chưa vào đây nhưng nó chẳng hề thay đổi. Có nhiều vết nứt nhiều thứ đổ vỡ hơn. Cái mái sắp sụp rồi... – Lục Triều chỉ tay –...nhưng không có dấu vết phép thuật, không có cặn bã độc dược, không bùa phép. Không lẽ Thôn Cơ đến đây chỉ để cầu nguyện? 

Cụ Cố Tổ vuốt râu, sau cười: 

- Hoặc cố tình che giấu điều gì đấy. Ta chẳng bao giờ ghé các đền thờ mà không thử nghiệm dăm ba thứ thú vị. Nếu con nhỏ Thôn Cơ muốn cầu nguyện, nó nên gặp Vạn Thế chứ không phải các tà thần Ngũ Hành. 

- Ngài nghi ngờ chuyện gì? – Lục Triều hỏi. 

- Ta nghi ngờ nhưng không biết. Thế nên mới hỏi mày! – Cụ cố gắt – Thử dùng phép bói toán xem, Mắt Xanh, bói giùm ta xem con nhỏ quái gở đó đã giở trò gì ở đây!

Lục Triều nhún vai lắc đầu: 

- Phận sự người gác đền không cho phép tôi làm thế. Vả lại chỉ Thôn Cơ mới có quyền ra lệnh cho tôi, không phải ngài. Ngài chỉ là cựu chủ trì. Luật là luật, mong ngài thông cảm. 

Nói rồi người gác đền cúi lưng thật thấp. Cụ Cố Tổ tức điên dậm chân bành bạch, miệng sắp sửa phun hàng đống từ ngữ nguyền rủa. Nhưng cơn giận dữ đó không kéo dài lâu. Cụ cố thở một hơi dài cho dịu bớt tâm tình, sau khoanh tay ngẫm ngợi. Chút linh thiêng còn sót của ngôi đền khiến cụ cố phải giữ phép cư xử. Nghĩ chán chê, cụ cố nói: 

- Phải dùng Bát Biến sao? Ta ghét nhất bói toán! Tổ sư nó... bói cái gì đây? Chắc mất cả ngày quá! Rượu, thôi chết rồi, quên không mang rượu!

Cụ cố lẩm bẩm suốt nhưng chẳng còn cách nào. Ông già chọn một chỗ bằng phẳng nhất giữa mặt sàn cong vênh rạn nứt, kiểm tra thật kĩ nhằm tránh vụ lên cơn đau mông đau lưng bất chợt rồi ngồi xuống. Đặt hai tay trên đầu gối xếp bằng, cụ cố lầm bầm niệm phép, khắp thân thể gầy guộc nổi lên chú ngữ. Nhưng không chỉ chú ngữ Mộc niệm mà cả bốn nguyên tố còn lại cũng xuất hiện. Tiểu Hồ giật mình kinh sợ. Nàng thấy chú ngữ Hỏa niệm đỏ rực giữa vùng ngực, chú ngữ Kim niệm sắc bén chằng chịt màu trắng bên tay phải, chú ngữ Thổ niệm vuông vức bao quanh bụng một màu vàng, riêng phần lưng dày đặc chú ngữ Thủy niệm màu đen và nhiều đường dài thanh mảnh. Đó mới thực sự là chân diện của Cụ Cố Tổ. Không đại pháp sư nào có cơ thể này! – Nàng khẳng định điều đó và đoan chắc cụ cố đã thông thạo tất cả Ngũ Hành. 

Nhưng chừng ấy chưa phải tất cả. Cụ Cố Tổ niệm phép lần hai, một làn sóng mơ hồ tỏa rộng khắp ngôi đền. Gạch vụn, đá lát, gỗ ván, sỏi rêu... chúng nhất loạt tụ tập tại một phạm vi nhất định mà cụ cố đứng ở trung tâm, xếp thành tám đồ hình. Trời - Đất - Lửa - Nước - Gió – Núi - Đầm - Sấm, tám cửa của Bát Biến đều xuất hiện. Trong khi đó cụ cố đã nhắm mắt, hơi thở chậm rãi tựa hồ say ngủ còn cơ thể vẫn dày đặc chú ngữ. Người gác đền vỗ vai Tiểu Hồ: 

- Ngài ấy đã nhập tâm vào vòng xoay Ngũ Hành, sẽ mất một chút thời gian. Chúng ta nên về, nấu cái gì đó rồi quay lại đây sau ba tiếng nữa. Đoán ra hành tung của Ngũ Pháp Sư không dễ, ta e là sẽ lâu hơn. 

Nghe lời người gác đền, Tiểu Hồ theo chân ông ta quay lại đường cũ. Lúc ra cửa, nàng không quên ngoái lại nhìn Cụ Cố Tổ một lần nữa để đảm bảo ông già đang nghiêm túc. Tiểu Hồ cẩn thận một cách quá đáng nhưng dăm ngày đi chung rồi chứng kiến đủ thứ rắc rối mà cụ cố gây ra, nàng khó lòng an tâm. 

Trên đường về, Tiểu Hồ liên tục hỏi han Lục Triều về phép thuật, hết chạy lên đối diện ông già lại tụt về phía sau nghĩ ngợi, ríu rít suốt. Người gác đền chẳng phiền, cố gắng trả lời hết những câu hỏi rắc rối của cô gái. Họ không thân thiết, thời gian quá ngắn cho họ bước vào lĩnh vực “thân thiết”. Nhưng một người cả trăm năm làm bạn với nồi đất, thui thủi một mình ở nơi bị thế giới lãng quên cố nhiên hợp cạ với một cô gái năng động muốn biết mọi thứ. Từ đường hầm tối tăm tới lúc leo thang trở lại ngôi nhà, họ vẫn cười nói trò chuyện. Chỉ khi gặp một người lạ mặt ở phòng khách, họ mới ngừng nói ngừng cười. Nói đúng hơn, nụ cười của họ im bặt. 

- Chào ngài, đã lâu không gặp! – Kẻ lạ mặt cúi đầu, mái tóc bóng bẩy hằn ánh đèn điện – Ô kìa, người quen! Hình như... chúng ta đều tham gia chiến tranh Tuyệt Tưởng Thành, đúng không? 

Vừa thấy kẻ nọ, Tiểu Hồ lập tức rút kiếm. Hồi chiến tranh Tuyệt Tưởng Thành, nàng chưa từng đối mặt, chỉ nghe kể về gã thông qua Vô Phong. Cuộc chiến đẫm máu ở nửa sau quận Tây Chinh Kiếm hại chết hàng ngàn người dân in đậm dấu tay của kẻ này. Bộ mặt bóng loáng, phong thái lịch thiệp, nụ cười thiếu tự nhiên vì phẫu thuật thẩm mỹ... Tiểu Hồ không quên bất cứ đặc điểm nào, chúng đáng ghét hơn lời kể gấp chục lần. 

- Hiệp Dung hả? Lâu lắm mới gặp! Bình tĩnh, bé con, hắn là người cung cấp nguyên liệu phép thuật cho ta. Chuyện cũ, khoảng chục năm rồi. – Lục Triều vỗ lưng Tiểu Hồ – Sao vậy, Hiệp Dung? Đầu quân cho Liệt Giả rồi thì đến tìm ta làm gì thế? Ngươi muốn đưa ra đề nghị chăng? 

Tiểu Hồ thu kiếm nhưng không thu lại đôi mắt rực lửa nhằm vào Hiệp Dung. Vẫn nụ cười lịch thiệp, gã Đầu Sói trả lời: 

- Vâng, rất nhiều đề nghị mà Liệt Giả muốn nhờ tôi chuyển tới ngài. Nhưng trước hết tôi thỉnh cầu ngài sửa chữa một thứ, và như thường lệ, tôi sẽ đền đáp tương xứng. Tôi đã tìm Ngũ Pháp Sư nhưng không được. Tôi cũng không thể tìm thấy những người gác đền khác ngoài ngài và đền Mộc Thần. Hy vọng quan hệ giữa chúng ta vẫn ở cái mức mà ngài có thể chấp nhận thỉnh cầu của tôi. Được không, thưa thầy? 

Tiểu Hồ quay sang Lục Triều như muốn hỏi chữ “thầy” từ đâu mà ra. Người gác đền nhìn Hiệp Dung, hất hàm: 

- Sửa cái gì, nói xem? 

Hiệp Dung cúi đầu lần nữa tỏ lòng tôn kính, sau đấy hai tay nâng một vật bọc trong vải bố như đang dâng lên vật báu cho Lục Triều. Người gác đền nhíu mày nhìn mớ vải bố rồi bóc từng lớp. Vải rơi rụng, một vật gì đó giống kiếm dần hiển lộ kèm theo mùi hôi thối nồng nặc làm Tiểu Hồ vô thức đưa tay bịt mũi. Lục Triều cau mày: 

- Cái thứ chết tiệt này... A Sạ Kiếm... thằng súc vật! Ngươi đào đâu ra thứ này? 

- Không phải tôi. – Hiệp Dung giơ tay – Tôi còn sợ trời lắm, như ngài chỉ dạy! Nhưng chính phủ Bắc Thần quốc thì không. Họ đang nghiên cứu những món đồ cũ của thời đại chạy đua vũ trang. A Sạ Kiếm, Bùa Ngải, Mắt Trắng... chúng đã và đang xuất hiện trên thị trường chợ đen. Giá trị không tưởng! Các chính phủ đang sợ hãi. Trong cơn bối rối, họ tìm đến tôi, thưa ngài. Nhân tiện... ngài muốn uống trà chứ? Tôi có mang theo đây. Cô uống không, cô gái xinh đẹp? Cô là... Tiểu Hồ, nhỉ? Chà, chúng ta sẽ nói chuyện với nhau nhiều ha! Thời đại tên lửa mà, nhiều tin tức lắm!
Bình Luận (0)
Comment