Ngục Thánh

Chương 39

Năm năm trước…
Đó là một ngày giữa mùa đông. Không có tuyết, nhưng mưa. Mưa dai dẳng phủ màu ảm đạm khắp thành phố Phi Thiên. Tấm bia tưởng niệm vong hồn binh sĩ ở quảng trường lún sâu trong không gian mờ đục.
Một bóng người hướng về khu tưởng niệm, bước chân giẫm nước lép bép, áo khoác xám đẫm hơi ẩm lạnh. Gã chợt dừng lại đoạn châm lửa đốt điếu thuốc rồi đặt nó trước tấm bia, khói thuốc chưa kịp bốc đã lụi tàn dưới làn mưa lạnh. Người đó bắt đầu cầu nguyện.
Không phải Vạn Thế hay đấng thánh thần, gã đang cầu xin người chết.
Cách đây vài năm, gã coi sự quỵ lụy trước thế lực siêu nhiên chỉ dành cho kẻ yếu đuối. Song từ ngày nhậm chức thủ lĩnh tiểu đoàn kiếm sắt, gã bỗng hiểu rằng khi địa vị càng cao, con người càng lệ thuộc vào cái gọi là “số phận”. Gã cũng không thoát khỏi quy luật ấy. Nhưng gã nương nhờ sức mạnh vô hình không phải vì mưu cầu lợi ích cá nhân…
… mà chỉ mong hàng chữ trên tấm bia đừng dài thêm nữa.
Gã tôn trọng những cái tên trên tấm bia. Nhưng gã không hiểu họ mặc dù bản thân gã đang đi cùng một con đường như họ từng đi. Tại sao họ chết? Tại sao họ chiến đấu?
Tại sao họ trở thành người chết?
Một ngày nào đấy, tên của gã có thể sẽ xuất hiện trên tấm bia này, rồi bọn trẻ con sinh sau đẻ muộn sẽ nhìn vào và không biết gã chết vì lý do gì. Chúng nó được giáo dục rằng phải tôn trọng “anh hùng quốc gia”, song để làm chi khi mà đó chỉ là sự tôn trọng mang theo vô số câu hỏi không lời giải đáp?
Thế hệ sau không bao giờ thấu hiểu thế hệ trước. Người sống không bao giờ thấu hiểu người chết. Đó là quy luật.
Kẻ thăm viếng rời đi rồi bước lên chiếc phi thuyền vận tải đang hạ cánh bên ngoài khu tưởng niệm. Trong khoang tàu là hơn chục người thuộc tiểu đoàn kiếm sắt. Gã nhìn mọi người một lượt, gương mặt vốn đăm chiêu bỗng nở nụ cười:
-Tươi tỉnh lên! Hai tiếng nữa chúng ta sẽ có mặt ở biên giới!
Những ánh mắt của đám quân nhân chất đầy nỗi lo lắng, sự hồ nghi và nuối tiếc. Họ quay sang chú mục gã áo xám như tìm kiếm sự che chở bởi gã là thủ lĩnh của họ. Nhưng chiến trường khắc nghiệt không có sự che chở, muốn sống sót chỉ còn biết trông chờ may rủi.
-Chúng ta… sẽ về nhà chứ? – Một người lên tiếng.
Gã áo xám cười:
-Chúng ta được huấn luyện nghiêm ngặt để chiến đấu và trở về nhà, không phải để trở thành cái thứ kia!
Gã vừa nói vừa chỉ tay về tấm bia. Mấy người khác nhăn mặt trước lời bông đùa thái quá của gã, họ nói:
-Nhạo báng anh hùng quốc gia không hay đâu, sếp à!
-Chúng ta cũng chiến đấu như họ, làm việc như họ, chẳng có gì là bất kính cả! Vả lại người sống có ích hơn người chết nhiều! – Gã áo xám cười.
Phi thuyền cất cánh rồi hòa mình vào hạm đội bay rợp trời Phi Thiên thành. Toàn bộ tiểu đoàn kiếm sắt đang trên đường ra mặt trận. Gã áo xám chống thái dương, ánh mắt tìm kiếm chốn vô định.
Ngày mới nhậm chức, gã tự hứa sẽ bảo vệ tất cả, từ những người quen biết đã lâu tới những kẻ chưa bao giờ gặp mặt. Thời gian qua đi và gã nhận ra đôi lúc mình chỉ là kẻ đớn hèn. Gã chẳng thể bảo vệ ai. Gã quá nhỏ bé. Từ đó, gã bắt đầu nghĩ đến thứ niềm tin vô hình. Đã thành lệ, gã luôn tới thăm khu tưởng niệm vong hồn binh sĩ trước lúc ra trận. Gã đành cầu xin người chết và mong họ che chở cho người sống.
Rốt cục người chết cũng không thể yên nghỉ.
Hạm đội bay lên cao. Trong mắt gã áo xám, quảng trường khuất dần dưới làn mây mờ đục. Gã lẩm bẩm cầu mong người đã khuất nghe thấy lời cầu nguyện của gã. Nhưng gã không thấy màn sương mờ vương vấn như âm hồn hiện hữu. Gã không thấy nước đọng trên từng hàng chữ khắc chìm rồi ngấn những dòng lê thê ướt đẫm mặt bia xám. Như khóc. Như buồn.
Người chết như đang tiếc thương kẻ sống.

Vài ngày sau chiến tranh biên giới, người ta phải dựng thêm một tấm bia mới cạnh tấm bia cũ, hàng chữ mới dài hơn hàng chữ cũ. Gã áo xám lại đến viếng thăm và đặt một điếu thuốc cháy dở dưới cơn mưa ngày đông.
Mưa lạnh vùi lấp điếu thuốc cháy dở, vùi lấp những giấc mơ dang dở.
*
* * đọc truyện mới nhất tại tung hoanh . com
Bất Vọng giật mình tỉnh giấc. Gã rên hừ hừ như bị cảm lạnh dù tiết trời đương oi bức khó chịu vô cùng. Gã ngó quanh. Không phải mưa đông rét buốt, không phải Phi Thiên thành, không phải ký ức năm năm trước. Gã đang nằm trong một căn phòng chật hẹp ở Cửu Long. Gã đang ở thực tại. Một tiếng gọi từ phòng bên vọng qua:
-Cha sao thế?
-Không có gì đâu! – Bất Vọng trả lời.
Gã lập cập bật lửa châm điếu thuốc. Làn khói đầu tiên bốc cao lởn vởn quanh nóc nhà. Gã rít một hơi, làn khói thứ hai cuộn lên dồn ép làn khói thứ nhất. Rít thuốc, khói bốc, cứ như thế cho tới khi khoảng không gian ít ỏi bị mùi thuốc lấp đầy, hương vị sầu muộn bám chặt quanh mái tóc màu sắt gỉ và lởn vởn như âm hồn. Bất Vọng ngước đầu phóng tầm mắt qua ô cửa sổ, tâm hồn vùng vẫy cố gắng thoát khỏi cái lạnh của những ngày mưa từ năm năm trước.
Người chết vẫn chưa yên nghỉ.
Bất Vọng rời khỏi căn phòng chật hẹp. Gã cần không gian để thở, để bước, để trốn tránh ký ức. Hèn nhát chăng? Có thể. Cứ gọi gã là thằng hèn hay bất cứ từ ngữ cay độc nào cũng được bởi gã chẳng quan tâm. Gã đã năm mươi tuổi, cái tuổi mà thái độ ứng xử với thế giới xung quanh chỉ chốt lại trong một câu: “kệ mẹ nó”. Thứ duy nhất Bất Vọng quan tâm là một phương thuốc khiến gã quên đi quá khứ.
Bất Vọng bước xuống đường. Ngay lúc ấy trời đổ mưa, người người hối hả chạy về nhà hoặc tìm nơi trú chân. Thời tiết xứ này như trêu ngươi, mới đây còn nóng chảy mỡ, giờ mưa trắng xóa như gáo nước lạnh xối lò than. Bất Vọng kéo mũ trùm đầu rồi châm lửa hút thuốc, bóng dáng mờ dần dưới làn nước nặng hạt. Trong bầu trời đục ngầu kia, gã nhìn thấy những vong hồn chưa yên nghỉ.
Tại sao người chết chưa yên nghỉ?
Bình Luận (0)
Comment