Ngược Về Thời Minh

Chương 193

Cô nương đó vuốt ve bộ lông con chim anh vũ, thấy viên lính cứ đứng ỳ ra đó ngẩn ngơ nhìn mình chằm chằm thì không khỏi bật cười khúc khích, rồi bảo:

- Một chốc nữa sẽ rước Trắc vương phi vào phủ rồi, ngươi đừng có chạy lung tung đó! Nếu lại giẫm phải váy của vương phi thì sẽ không chỉ bị mắng một trận rồi thôi đâu.

Dứt lời, nàng nhoẻn miệng cười duyên dáng rồi xoay người đi về phía các tòa đình viện ở chái tây. Kiến trúc trong vương phủ nguy nga và lộng lẫy, hào hoa và tráng lệ; hành lang nối liền phòng ốc, nhà cửa đan xen; phía trước là nhà chính, phía sau là phòng ngủ, cung điện sâu hút bên trong. Các tòa đình viện ở chái tây này gồm cả thảy mười tòa nhà, là nơi ở của đám người hầu và tạp dịch, cho nên không có ai canh gác.

Chính Đức vừa giơ tay lên kêu "này" thì người thiếu nữ xinh đẹp đã bước qua khỏi cánh cửa cao cao, hắn bèn vội rảo bước đuổi theo. Thị vệ xung quanh đưa mắt nhìn nhau, đều nghĩ bụng rằng Hoàng thượng đã chấm người con gái xinh xắn này rồi, thế là nhất thời trở nên khó xử. Hoàng thượng theo đuổi con gái nhà người, bọn họ làm sao dám đuổi theo quá sát, nhưng dẫu gì thì nơi này cũng không phải là hoàng cung đại nội, ngộ nhỡ Hoàng thượng gặp phải chuyện gì thì biết làm thế nào?

Thế là mấy viên thị vệ chỉ đành cắn răng bám theo cách một khoảng. May mà khu vực này là chỗ ở của đám tôi tớ nên cũng không được trông giữ nghiêm ngặt lắm, vả lại hôm nay có nhiều gia bộc và thân binh của các vị tướng quân và đại nhân mới đến vương phủ lần đầu, chỗ nào cũng cảm thấy mới lạ nên thỉnh thoảng cũng có người chạy sang chỗ chái điện bên này ngắm nghía. Thêm nữa bởi hôm nay là ngày vương gia nạp phi, nô bộc đều ở bên ngoài đón khách nên chốn này cũng không có mấy người, vì vậy bọn họ có thể vào trong sân của khu nhà ngang một cách thuận lợi.

Chính Đức vội vã đuổi theo, hắn thấy người thiếu nữ bước khoan thai nhẹ nhàng đến trước một căn phòng, vừa lúc có một bà lão đi ra ngoài lấy mấy bó rau phơi ngoài khung cửa. Người thiếu nữ đó liền cất giọng thưa:

- Mẹ, con đã về.

Bà lão có vẻ mặt hiền hậu ngẩng đầu lên, trông thấy con mình liền lập tức nở một nụ cười vui vẻ, bảo:

- Lương Nữ đó à, nương nương lại thưởng cho chim anh vũ à? Mau đem nó vào phòng sưởi đi, đừng để nó bị lạnh. Mẹ làm một ít thịt heo hầm rau khô, chốc nữa nhớ gọi cha con về ăn nhé.

Người thiếu nữ dạ một tiếng giòn tan, đoạn rẽ sang một căn hầm sưởi nhỏ bé ở bên cạnh, mở cửa bước vào. Bà lão cũng mang mớ rau khô trở về phòng. Chính Đức thoáng ngừng bước: "Lương Nữ? Mẹ? Nàng ấy... nàng ấy không phải là Đường Nhất Tiên sao?"

Chính Đức cố nhớ kỹ lại. Tuy bình thường khi nhớ về vị cô nương này trong đầu hắn chỉ thấy một bóng hình xinh đẹp mờ ảo mang theo một chút ấm áp và hương thơm nhàn nhạt, nhưng khi vừa trông thấy nàng, Chính Đức lại nhớ rõ hình dáng của nàng ngay: tuổi tác, vóc người, giọng nói, còn cả nốt ruồi duyên trên mép môi nàng. Trên đời có sự trùng hợp đến vậy ư?

Chính Đức lại cất chân đuổi theo rồi cũng chui vào trong phòng sưởi. Đám thị vệ đưa mắt nhìn nhau, không nói mà ngầm hẹn tản ra, đứng vây lấy căn phòng sưởi đó lại. Bước vào căn phòng sưởi,người thiếu nữ nhón chân mở một cái lồng tre thả con chim anh vũ vào rồi cài chốt đóng lại. Nghe thấy tiếng cửa cót két, nàng vội quay đầu nhìn lại, ngạc nhiên hỏi:

- Là ngươi? Ngươi đuổi theo ta làm gì?

Hơi thở của Chính Đức có phần gấp gáp. Hắn định thần lại, đỏ mặt nói:

- Đường cô nương, cô có thể không nhớ ra ta, nhưng chắc cô phải nhớ Dương Lăng chứ? Y vẫn luôn phái người tìm cô suốt, sao cô lại đổi tên họ và vào phủ Đại vương vậy?

Người thiếu nữ vận bộ đồ trắng trang nhã, càng làm nổi bật vẻ xinh đẹp hữu tình. Nàng nghiêng người dựa cạnh một dãy lồng trúc, lấy tay vén tóc mai, hơi đảo mắt, mỉm cười:

- Dương Lăng? Ngươi nói đề đốc Dương Lăng của Nội xưởng hả? Ta biết chứ, con hát đạo tình(1) khắp Đại Đồng đều biên các câu chuyện của y thành từ khúc để hát, đương nhiên là ta từng nghe qua. Y tìm ta...

Nói đến đây, khuôn mặt xinh xắn đột nhiên biến sắc, nàng bước vội đến trước mặt hắn hỏi dồn:

- Ngươi nhận ra ta? Ngươi biết ta tên gì sao? Ngươi hãy mau nói cho ta biết đi. Ta là ai? Dương đại tướng quân tìm ta để làm gì?

Chính Đức ngơ ngác hỏi lại:

- Cô... cô không biết tên mình sao?

Người thiếu nữ nguýt một cái dài thượt rồi sốt sắng đáp:

- Ta mà biết thì còn hỏi ngươi à? Ta được vương phi nương nương cứu về, nương nương nói lúc tìm thấy ta thì ta đang nằm ven bờ sông, mặt mày đầy máu, sau khi tỉnh lại thì không nhớ gì cả. Ta cũng không biết mình là ai, không biết trong nhà có còn cha mẹ anh em gì không. Ngươi bảo... ngươi bảo ta họ Đường hả?

Nói đến khúc sau, giọng nàng đã trở nên run run. Mặc dù vợ chồng Lưu Lương đối xử với nàng như con ruột, song muốn tìm lại người thân máu mủ của mình là bản tính con người. Ai cũng nói nàng có lai lịch không rõ ràng, nay có cơ hội biết được xuất thân của mình thì sao tâm tình nàng không kích động và hưng phấn cơ chứ?!

Chính Đức lẩm bẩm: "Chứng mất hồn?" Hắn bỗng vỡ lẽ. Ngày đó khi Dương Lăng bẩm báo với hắn từng kể rằng trên vách núi phát hiện thấy một chiếc chuôi đao và và một tảng đá dính máu, bên trên còn bệt tóc và máu tươi. Ắt hẳn là do Đường Nhất Tiên bị đập mạnh vào đầu, lại rơi xuống nước nên mới mắc phải chứng bệnh mất hồn.

Biết người con gái trước mặt này đúng thật là Đường Nhất Tiên, Chính Đức mừng rỡ như điên. Hắn liền nắm lấy cổ tay Đường Nhất Tiên nói nhanh:

- Vậy thì đúng rồi! Quả nhiên cô là Đường Nhất Tiên. Cô chính là Đường Nhất Tiên, cô là... là...

Nói đến đây hắn chợt nghẹn lời. Hiện hắn đã không còn ngây ngô như khi còn làm thái tử, cũng biết phụ nữ chốn thanh lâu có thân phận rất thấp hèn, nếu hắn nói thật chỉ sợ sẽ khiến Đường Nhất Tiên xấu hổ và nhục nhã. Hắn ấp a ấp úng một lúc rồi buột miệng nói bừa:

- Cô là em... em gái của Dương Lăng Dương đại tướng quân.

Cái miệng chúm chím anh đào của Đường Nhất Tiên há ra tròn vo, cặp mắt sáng như sao trời ngây ra, nàng chăm chú nhìn Chính Đức thật lâu, vẻ vui mừng trong mắt bỗng dần biến mất. Nàng giật mạnh tay ra khỏi tay Chính Đức, lui về sau mấy bước, thuận tay quơ lấy một cây móc tre dùng để treo lồng chim rồi cảnh giác trừng mắt với Chính Đức, giận dữ bảo:

- Ngươi nói mấy lời ngon ngọt đó để làm gì? Tính gạt ta hả?

- Hả! Tôi gạt cô? - Chính Đức có phần hốt hoảng, - Chẳng lẽ tôi lại không có thiên phú nói dối đến như vậy sao?

Đường Nhất Tiên cười khẩy, mũi ngọc hếch lên, đắc ý như thể đã phát hiện được quỷ kế của hắn:

- Dương đại nhân họ Dương, vừa rồi ngươi lại bảo ta họ Đường, vậy còn không phải là buột miệng nói liều sao? Đồ lừa đảo, thấy sắc nổi lòng!

Đường Nhất Tiên vừa nói vừa tức giận vung mạnh cây gậy, "vù" một tiếng, cây móc tre quất trúng bắp đùi Chính Đức. Hắn la lên "ui da" rồi ôm chân nhảy lò cò tại chỗ. Đường Nhất Tiên thấy vậy thì không nhịn được bật cười phì. Dứt tiếng cười, nàng liền đanh mặt quát khẽ:

- Tiểu tử thúi, mau cút ra ngoài đi! Xui cho ngươi nghĩ ra cái cách láo khoét như vậy để gạt bản cô nương. Có điều... Đường Nhất Tiên... ừm, cái tên ngươi buột miệng nói liều lại nghe hay hơn Lưu Lương Nữ một chút. Hi hi!

Nghe thấy tiếng la oai oái của Hoàng thượng, hai gã thị vệ đang đứng sát ngoài cửa liền như mèo hoang bị giẫm phải đuôi, họ vội giật bung cả cánh cửa, cùng chen nhau xông vào, hốt hoảng gọi:

- Hoàng... Hoàng hiệu úy, đã xảy ra chuyện gì vậy?

Chính Đức thẹn quá hóa giận, liền quát lên:

- Cút ra ngoài cho ta, không phải chuyện của các ngươi!

Hai viên thị vệ trông thấy tình hình liền biết Hoàng thượng tán gái không thành, đích thực là một chuyện cực kỳ mất mặt của vị nam nhân đứng đầu thiên hạ. Hai tay cao thủ nhất lưu võ công cao cường ngay cả rắm cũng không dám đánh liền lập tức chui trở ra ngoài, tiện tay xách cánh cửa ra luôn.

Đường Nhất Tiên tặc lưỡi khinh thường:

- Ơ này! Hoá ra ngươi nhỏ như vậy mà đã là quan hiệu úy à! Nhưng mà nơi đây là phủ Đại vương, không cho phép người làm càn, bản cô nương mà la lên là tiểu tử thúi nhà ngươi sẽ bị tống vào đại lao đó. Đi ra mau lên!

Chính Đức khổ sở trần tình:

- Đường cô nương, tôi không có gạt cô đâu! Cô là... cô là biểu muội của Dương đại nhân, đương nhiên không cùng họ với y rồi.

- Hả?

Đường Nhất Tiên nhìn y chằm chằm, bán tín bán nghi, một lúc sau mới từ từ hạ cây gậy tre xuống, ấp úng:

- Ngươi... ngươi nói có thật không? Ta... ta là biểu muội của Đề đốc Nội xưởng Dương Lăng Dương tướng quân ư?

Chính Đức gật đầu lia lịa:

- Đúng vậy! Đúng vậy! Cô thử nghĩ xem, đây là vương phủ, tôi sao dám nói càn? Cho dù tôi gạt cô đi nữa thì chốc nữa Dương đại nhân đi ra gặp cô, y cũng sẽ không giúp tôi gạt cô, đúng không?

Đường Nhất Tiên ngây người tại chỗ, hai mắt nhìn vào khoảng không, cũng không biết miệng nàng đang lẩm bẩm cái gì. Một lúc lâu sau nàng mới vứt cây gậy tre đi rồi reo lên:

- Mau, ngươi mau đưa ta đi gặp biểu ca! Hoá ra ta có biểu ca là đại tướng quân oai phong như vậy.

Đường Nhất Tiên vui sướng định chạy ra cửa, Chính Đức giật mình đánh thót. Nếu bây giờ đưa nàng đi gặp Dương Lăng, đảm bảo sẽ bị lộ ngay. Tuy rằng với quyền lực Hoàng đế của mình, không người con gái nào hắn muốn mà không thể triệu được vào cung. Nhưng hắn lại không muốn gây nên chuyện khiến Đường Nhất Tiên không vui. Huống chi hắn thà mong Đường Nhất Tiên cứ lớn giọng nói chuyện với hắn, chứ không mong nàng khép na khép nép như những người con gái khác.

Chính Đức vội tìm lời ngăn cản:

- Hiện tại hẳn là Dương đại nhân đang tham gia lễ nạp phi của Đại vương trên điện Ngân An, lúc này mà đi đến trước mặt vương gia sẽ thất lễ, Dương tướng quân cũng sẽ bị trách phạt. Tôi là thân binh của y, có dịp tôi sẽ đích thân đi gặp y. Các người li tán đã lâu như vậy, có lâu thêm một chút cũng đâu sao!

Trong lòng dạt dào niềm vui sướng, Đường Nhất Tiên gật đầu nhoẻn miệng cười tán thành:

- Ừm ừm! Ngươi nói cũng đúng. Đúng rồi, Hoàng... hiệu uý, cha mẹ ta đâu? Các vị đang làm gì? Nghe nói biểu ca là người Tuyên Phủ, ban sơ gia cảnh bần hàn, vậy cha mẹ ta chắc cũng là người dân bình thường hả?

- À... chuyện đó,... Mấy năm vừa rồi chiến loạn liên miên, lệnh tôn và lệnh đường sớm đã... Họ Đường hiện chỉ còn mỗi mình cô thôi, là... là Dương đại nhân nuôi dưỡng cô.

Chính Đức vừa trả lời vừa lén quệt mồ hôi trên trán.

- Ồ...!

Đường Nhất Tiên cảm thấy hơi mất mát, có điều trong ký ức của nàng không hề có chút ấn tượng gì về cha mẹ, cho nên cũng không thể nói là đau lòng.

- Ta lớn lên trong nhà của biểu ca sao? Đúng rồi, tại sao ta lại bị thương vậy. Ngươi là thân binh của biểu ca, ngươi có biết không?

- Khụ khụ! Chuyện này... nói ra thì dài lắm...

Chính Đức kể đến độ nước bọt văng tứ tung, bịa chuyện càng lúc càng quá đà. Hắn chợt cảm thấy hoá ra mình cũng có thiên phú tán hươu tán vượn đến thế.

*****

Vui sướng lâng lâng một lúc thật lâu, Đường Nhất Tiên chợt lưu luyến nói:

- Than ôi! Gặp biểu ca rồi, ta sẽ phải theo huynh ấy trở về kinh sư. Cha mẹ đối đãi với ta tốt như vậy...

Trông thấy vẻ mất mát của nàng, Chính Đức chợt mềm lòng liền vội dỗ dành:

- Dương đại nhân cũng đối xử với cô rất tốt! Chỉ cần cô nói một tiếng, nhất định y sẽ cho phép cô mang vợ chồng Lưu thị về kinh ngay.

- Thật không? - Đường Nhất Tiên mừng rỡ, - Vậy tốt quá rồi, cha và mẹ đối đãi với ta như con ruột của mình, ta thật không nỡ xa rời các vị. Chao ôi, có điều mấy con chim này đã bầu bạn với ta lâu như vậy, bọn chúng đều là bảo bối yêu của nương nương, sau này ta đi rồi sẽ không gặp lại chúng nữa.

Đường Nhất Tiên buồn bã ngước nhìn những chiếc lồng chim muôn hình muôn vẻ; từng con chim đang nhảy nhót líu lo ríu rít trong lồng.

Chính Đức say mê nhìn nàng đi đến bên từng chiếc lồng chim đang treo, chốc chốc lại chúm môi lại huýt sáo. Tiếng huýt sáo phát ra nghe êm tai hệt như tiếng chim hót, khiến đám chim nhảy chồm về phía trước vui hót không ngừng. Hai má nàng đỏ bừng; má đào da ngọc, cặp mắt lanh lợi, quyến rũ không nói nên lời.

- Nè, Hoàng hiệu úy! Giúp ta mang nước lại đây.

Như nhận được chiếu chỉ, Chính Đức liền vội xắn tay áo chạy đến góc tường xách một thùng nước to vui sướng mang lại cho Đường Nhất Tiên.

Đường Nhất Tiên ngoái đầu lại nhìn, thấy vậy thì bật phì cười, mắng:

- Ngươi thật là ngốc! Thật không biết sợi thần kinh nào của biểu ca bị bất thường nữa mà lại để cái tên ngốc nhà ngươi làm thị vệ. Mấy con chim này cộng lại cũng uống không hết một gầu nước, sao ngươi xách cả thùng qua đây làm gì?

Chính Đức cười ngây ngô mấy tiếng, chỉ cảm thấy người con gái này khi cáu gắt cũng có vẻ phong tình khác lạ, thế là hắn càng cảm thấy yêu thương hơn. Trong vườn thượng uyển của hoàng cung, hắn suốt ngày sinh sống trong ổ của đám nữ nhân, ngay cả lúc đi ngoài cũng có cung nữ xinh đẹp hầu hạ. Hắn lớn đến chừng này, ngoại trừ thái giám thì gặp nữ nhân là nhiều nhất; thái giám và nữ nhân vây quanh hắn thường xuyên như việc mặc quần áo mỗi ngày vậy. Hắn cũng đã quen đối xử với đám người đấy như một vật trang trí rồi.

Nhưng Đường Nhất Tiên lại tạo cho hắn một cảm giác hoàn toàn khác biệt. Ở trước mặt nàng hắn không cần phải giả đò ra vẻ cao quí, cả người thoải mái thong dong. Trong thâm cung đại viện, bề ngoài thì hắn luôn vui đùa không nghỉ, song khi tuổi tác lớn dần, hắn cũng thường xuyên cảm thấy rất ức chế và cô đơn.

Mỗi khi trên trời có chim ưng hay hồng nhạn bay qua, hắn liền bó tay vào tay áo mà ngữa đầu ngước nhìn bầu trời, ánh mắt dõi theo thật xa. Hắn vừa nhìn vừa hâm mộ, mãi đến khi không thấy bóng dáng con chim ấy đâu nữa. Mặt trời lặn trên sông dài, cuối thu giữa đại mạc,... thật là thong dong biết bao,... còn trong tòa nhà to lớn, quanh co và hùng vĩ ấy, khắp chỗ đều là những cấm kị và lễ nghi; Hoàng đế còn không bằng cả một con chim tự do.

Đường Nhất Tiên trông bộ dạng lóng ngóng tay chân của hắn thì cười bảo:

- Xem ngươi kìa, sao giống như thường ngày không phải làm gì hết vậy?

Chính Đức liền đáp:

- Đúng đó! Từ nhỏ tôi ở trong một căn nhà lớn ơi là lớn, chỗ đó không cho đi lại, suốt ngày bị nhốt bên trong, quy củ nhiều ơi là nhiều. Mãi đến khi gặp được Dương... đại nhân, tôi mới được ra ngoài mở mang kiến thức.

- Ồ? Nghe ra vẻ ngươi còn là con cháu thế gia vọng tộc à?

Đường Nhất Tiên khẽ nhíu đôi mày thanh tú, đưa tay vin đầu như có điều suy nghĩ

- Ta nhớ... nhớ lúc nhỏ cũng ở trong một căn nhà lớn. Cả ngày ở đó cũng không được đi đâu, hàng ngày đều bị nhốt ở trong đó, chỉ có thể ngẩng đầu ngước lên nhìn một mảnh trời, bị nhốt đến mụ mị cả người. Lạ thật, sao ta lại có cảm giác này nhỉ?

Cặp con mắt Chính Đức sáng ngời:

- Vậy sao? Hoá ra cô và tôi đều thê thảm như nhau. Nhưng mà tôi thực sự đáng thương hơn cô nhiều! Chẳng những bọn họ không cho tôi ra ngoài, mỗi ngày còn bắt tôi học này học nọ, mặc kệ tôi thích hay không, luôn ép tôi phải học...

Đường Nhất Tiên chợt vỗ tay la lên:

- Ta nhớ ra rồi! Ta cũng vậy đó, thứ gì cũng phải học, ăn thế như nào, mặc ra làm sao, đi đứng phải thế nào, hệt như con rối vải mặc cho người ta đưa đẩy vậy. Còn phải học nào là cầm kỳ thi họa, thi từ ca phú, rất là chán, ta lại không được đi thi Trạng Nguyên... Ui da, lại nhức đầu rồi. Ta chỉ có thể nhớ bấy nhiêu.

Chính Đức hào hứng nói theo:

- Đúng đó, tôi cũng vậy! Tôi thì lại không muốn thi Trạng Nguyên, học nhiều như vậy để làm gì, nhức đầu lắm!

Hắn càng nói chuyện càng thấy ăn ý, cảm thấy tri âm trong thiên hạ chỉ có Nhất Tiên cô nương mà thôi. Đoạn hắn ngẫm nghĩ, thấy nỗi khổ của một người đường đường làm vua như mình thế mà lại giống nỗi đau của một người kỹ nữ được thanh lâu bồi dưỡng để lấy sắc mua vui đến thế, thì lại cảm thấy dở khóc dở cười.

Đường Nhất Tiên nghe xong thì bật cười, liếc nhìn hắn mỉm cười bảo:

- Này tên lười! Ta là nữ nhân mà, đương nhiên không cần thi Trạng Nguyên. Ngươi là nam nhân, đáng ra nên đọc sách cho tốt. Thấy chưa, không lo đọc sách cho tốt, giờ chỉ có thể làm thị vệ mà thôi.

Chính Đức cười khan hai tiếng rồi rờ mũi nói:

- Như vậy càng tốt, tự do tự tại. Làm trạng nguyên có gì hay chứ? Nhiều quy củ, lắm lễ nghi. Chậc, cô không biết đâu, cả ngày phải nói những lời giả dối với rất nhiều người, nghĩ một đằng nói một nẻo, giả vờ giả vịt, cho dù trong lòng không vui cũng phải ngoác miệng mà cười...

Đường Nhất Tiên kinh ngạc:

- Thật đó! Ngươi nói như vậy ta mới nhớ, hình như ta cũng vậy...

Vừa nói đến đây, nàng chợt biến sắc hỏi:

- Tại sao lại có những chuyện này? Có phải là biểu ca của ta đối xử với ta không tốt?

Chính Đức liền vội đáp:

- Không đâu, không đâu! Dương đại nhân rất yêu thương cô, những chuyện đó nhất định là xảy ra khi cô còn rất nhỏ, lúc cô còn ở trong nhà mình rồi.

Đường Nhất Tiên nghiêng đầu suy nghĩ một lúc rồi gật đầu hài lòng:

- Ừm! Có lý, hình như là chuyện lúc ta còn rất nhỏ. Đúng rồi, ngươi nói cho ta biết trước biểu ca ta bao nhiêu tuổi, diện mạo thế nào đi. Hình như ta có một ít ấn tượng về anh ấy.

- Dương đại nhân ấy à?

Chính Đức ưỡn ngực, vuốt lại vạt áo, nghiêm mặt nói:

- Y năm nay mới tròn hai mươi, anh tuấn bất phàm, phong lưu lịch lãm, khí vũ hiên ngang, phong lưu phóng khoáng,... Đại để cô thấy bộ dáng tôi thế nào thì đại khái có thể tưởng tượng được bảy tám phần rồi đó. Dương đại nhân là bầy tôi đắc lực bên cạnh Hoàng thượng, mưu sâu kế rộng, cơ mưu nhanh nhạy, gặp loạn không hoảng, rất có phong độ đại tướng...

*****

Vào lúc này, vị Dương Lăng Dương đại khâm sai "mưu sâu kế rộng, cơ mưu nhanh nhạy, gặp loạn không hoảng, rất có phong độ đại tướng" trong miệng Chính Đức đang bị Dương Đình Hoà, Hồ Toản và vị tuần phủ Uông Dĩ Hiếu của Tuyên Phủ mà ban đầu y không nhận biết xô đẩy đánh đập mắng chửi trong điện Cẩn Đức, bộ dạng nhếch nhác khôn thôi. Tam biên tổng chế Dương Nhất Thanh đứng một bên, mặt mày khó xử, cũng không biết nên khuyên ai cho phải.

Trương Vĩnh cũng biết võ, trong lúc hỗn loạn không biết bị ai đạp cho một phát nên lão định xông lên báo thù nhưng bị Đại vương gia quát bảo dừng lại, nên đành nhặt chiếc đai ngọc bị giật đứt từ dưới đất lên rồi căm tức đứng sang một bên.

Dương Lăng trẻ trung khoẻ mạnh, cộng thêm mấy ngày qua theo Ngũ Hán Siêu luyện tập võ công, được danh sư chỉ điểm cho nên y cũng biết chút kỹ xảo quyền cước thông thường. Nếu thực sự động thủ thì ba vị quan văn này cũng không phải đối thủ của y, nhưng mà người trẻ nhất trong ba vị này cũng đã bốn lăm bốn sáu tuổi rồi, sao y dám ra tay?!

Lần trước Dương Đình Hoà bị cái gã Lưu Đại Bổng Chùy của y lỗ mãng đánh gãy chân ngựa, đành đưa hai vị "thầy đồ" lo lắng ủ rũ trở về kinh thành. Lão lại bị ba vị đại mẫu nghi thiên hạ già lớn trẻ trách mắng cho một chập, thế là bèn vác một bụng tức khí đến bộ Binh, lấy giấy thông quan cho phép vượt quan ải, tiện đường qua Tuyên Phủ lại mang theo cả vị tiến sĩ đồng khoa là tuần phủ Tuyên Phủ Uông Dĩ Hiếu đi cùng.

Trước tiên lão bí mật gặp mặt Đại vương, nói rõ ngọn ngành việc Hoàng đế bí mật đến Đại Đồng, định tập hợp sức mạnh của chúng quan để đàn áp thói kiêu ngạo của Dương Lăng. Chính Đức đến được Đại Đồng đều là do Dương Lăng xúi bẩy, nếu như y cũng thay đổi ý kiến, chịu khuyên nhủ Hoàng đế hồi kinh thì Dương Đình Hoà cũng sẽ chẳng thèm so đo mối hiềm khích đánh gãy chân ngựa với y nữa.

Ai dè sau khi Dương Đình Hoà trần tình, thuyết phục hết nước hết cái mục đích đến đây của mình rồi, Trương Vĩnh lại bước lên. Trước tiên, lão phán một câu “Hoàng thượng có chỉ, nô tài không dám không theo”, sau lại một câu “dưới khắp gầm trời không chỗ nào không phải là đất của nhà vua”, rằng Hoàng thượng tuần tra xem xét giang sơn cũng là việc thiên kinh địa nghĩa, vừa nói vừa cười toe toét, đùn đẩy hết mọi thứ sang cho Hoàng thượng, hoàn toàn không hề nhượng bộ.

Tuần phủ Uông Dĩ Hiếu của Tuyên Phủ nghe xong thì nổi giận đùng đùng. Lão không ở trong kinh thành, Trương Vĩnh lại mới nhậm chức đề đốc Kinh doanh mới được mấy tháng, tính tình lại không hống hách như Lưu Cẩn, nói một cách tương đối thì lão ta khá là khiêm nhường, cho nên Uông Dĩ Hiếu không biết sự lợi hại của lão. Thế là Uông tuần phủ bèn xông lên phía trước mắng cho một câu:

- Bề tôi chúng tao trực ngôn khuyên can báo quốc, cái tên hoạn mày nhiều chuyện cái gì?

Dứt lời liền cho mặt Trương Vĩnh ăn một quả đấm già.

Trương Vĩnh nào chịu bỏ qua, thế là hai người tức thì túm lấy nhau mà đấm đá. Dương Lăng vốn định nhẫn nhịn để đặng yên thân, tính bước lên khuyên giải cùng đám người Dương Đình Hoà, nào ngờ hai bên đều ôm đầy bụng lửa giận, chưa nói được mấy câu thì cũng đã lao vào tham chiến.

Đại vương giận đến run rẩy chòm râu, mắt trợn trừng. Lão sớm nghe kể quan viên kinh sư được Hoằng Trị lão gia tử nuông chiều đến độ hồ đồ, hở một tí lại xúm vào diễn vai võ phụ(*) trên triều đình, Lý Đông Dường còn từng giật lấy kim qua của võ sĩ mà rượt đánh Thọ Ninh Hầu trên kim điện. Chuyện này truyền đến kẻ sĩ trong dân gian lại được đám người đọc sách xem đó là giai thoại đáng được ca tụng mà cổ vũ cho cái tập tục đó. Nay xem ra quả nhiên là đúng thật. (*: vai quần chúng đánh nhau trong kịch)

Đại vương quát to:

- Lẽ nào lại vô lý như thế? Tất cả hãy dừng tay lại cho bản vương! Các ngươi đều là quan lớn nhất phẩm nhị phẩm của triều đình, nay ra tay đánh nhau ở đây thì còn ra thể thống gì nữa?

Tuần phủ Uông Dĩ Hiếu của Tuyên Phủ chắp tay thưa với Đại vương:

- Vương gia! Hoàng thượng mới kế vị ngôi vua, chưa con nối dõi, thân quý nghìn vàng sao có thể xem nhẹ mà dấn thân vào nơi nguy hiểm? Trước kia cho dù thiên tử ở tại cấm cung, bốn phía cũng vẫn được canh gác cẩn mật. Dương Lăng luôn miệng vì xã tắc giang sơn, song lại coi Hoàng thượng như quân cờ của hắn, dẫn bừa đến vùng đất đao thương này. Ngộ nhỡ xảy ra bất trắc gì, cái họa người đánh chùy ở bãi Bác Lãng(2) hãy còn đó, hạ quan sao có thể không lo như có lửa đốt trong lòng?

Hôm đó Hồ Toản ở thế bị Hoàng đế và Dương Lăng ép buộc nên không thể không ngầm bằng lòng cho vua đến Đại Đồng, nhưng trong lòng vẫn hết mực phản đối chuyện này. Nay có chỗ dựa lớn là Dương Đình Hoà nên đương nhiên lão cũng muốn khuyên nhủ Hoàng thượng sớm ngày hồi kinh.

Lão giũ giũ chiếc quan bào nhăn dúm dó, cũng không thèm nhặt chiếc cánh chuồn bị vặt đứt vứt lăn lốc trên mặt đất, chỉ đội chiếc mũ một cánh mà thưa với Đại vương:

- Vẫn mong vương gia làm chủ chuyện này. Hoàng thượng là thiên hạ chí tôn, đáng nên chuộng chánh học(3), thạo ngôn lộ(4), giữ danh hiệu, cai vui chơi, bỏ tiểu nhân, tường kẻ nghịch; làm cả sáu điều thì mới có thể ngăn họa, mới có thể dẹp loạn vậy. Thay vì dấn thân tôn quý vào chốn hiểm nguy, chi bằng chuộng tích đức, dưỡng nhân tâm, thì mới rũ tay không làm mà vẫn yên trị.

Ở đây Đại vương có thân phận cao nhất, nhưng bởi thế lão nói chuyện càng phải kiêng dè nhất, không thể ăn ngay nói thẳng như mấy ngoại thần này. Lão là người trong hoàng tộc, nếu can thiệp vào quá sâu sẽ khó tránh bị Hoàng đế kiêng kị, song nếu bỏ mặc bàng quang, lỡ mà thật sự Hoàng thượng xảy ra chuyện gì trên đất của lão thì khi đó lão có muốn khóc cũng sẽ không kịp nữa.

Đại vương bèn ho khan mấy tiếng, vừa định trù liệu chút lời mềm mỏng để khuyên nhủ hai vị khâm sai, thì Dương Lăng đã cười khẩy nói:

- Dưỡng nhân tâm? Dưỡng nhân tâm như thế nào? Cái kiểu dưỡng nhân tâm giống như Lưu A Đẩu vui quên nước Thục(5) đấy ư? Hay là dưỡng nhân tâm như Lý Hậu Chủ vui vầy với trăng hoa gió tuyết(6)? Hai kẻ nhu nhược đó dưỡng nhân tâm đến mất cả nước đó!

Giặc mạnh ở ngay sát bên người, thiên tử không biết việc quân, không thạo việc võ, liệu có được không? Hoàng đế giặc Thát thì ở ngoài Trường Thành cưỡi ngựa bắn tên, dẫn đại quân tác chiến, thiên tử chúng ta hiện còn ở trong thành Đại Đồng mà các người đã run rẩy sợ hãi, đó là trung ái hay là chiều hỏng?

Uông Dĩ Hiếu cố cưỡng từ đoạt lý:

- Đại Minh ta quốc thái dân an, ca múa thanh bình, một đám rợ Hồ không biết nông canh ngẫu nhiên vượt qua biên cảnh mà là họa tâm phúc cái gì? Nó chỉ là mụn ghẻ, hà tất vì mong kết đồng minh mà Hoàng thượng phải hạ thấp thân phận đi đến biên thùy!

Lời này nói ra khiến Hồ Toản và Dương Đình Hoà không khỏi thoáng nóng mặt, cảm thấy có phần thẹn với lòng. Dương Lăng nghe xong thì cười lớn hai tiếng, đáp trả:

- Mụn ghẻ? Nói chi xa, chỉ nói mấy năm gần đây, năm Hoằng Trị thứ bảy, Thát Đát quấy nhiễu Tuyên Phủ, vây Xích thành, sát hại hàng trăm bá tánh, toàn bộ dân chúng trấn Phụng Nghĩa đều bị giết sạch.

Năm Hoằng Trị thứ tám, Thát Đát tập kích Ứng châu, cướp đi hơn ba trăm đinh tráng.

Năm Hoằng Trị thứ chín, chúng tấn công Kế châu, thiêu hủy hết hoa màu và rừng cây ngoài thành, phụ nữ bị bắt có đến chín trăm.

Năm thứ mười, chúng xâm lược Túc châu, Cam châu, lừa ngựa bò dê bị cướp có mấy nghìn, hơn năm trăm đinh tráng và phụ nữ bị bắt, người già trẻ nhỏ bị giết có gần ba nghìn, thây chất đầy đồng, nước xanh hoá đỏ. Cùng năm đó, chúng cướp Úy châu, thiêu rụi hơn nghìn thôn làng, nạn dân vô số.

Năm thứ mười hai...

Năm thứ mười ba...

Mặt Uông Dĩ Hiếu trắng bệch, mồ hôi túa ra đầm đìa. Thát Đát xâm lược biên cương là chuyện năm nào cũng có, hơn nữa năm sau luôn hung hãn hơn năm trước. Bò ngựa và phụ nữ bị chúng bắt đi cũng mỗi năm một nhiều hơn, quan binh bị giết hại cũng từ mấy trăm lên đến hàng nghìn, hàng vạn. Rõ ràng thế lực Thát Đát càng lúc càng lớn, thế mà lại trợn mắt nói mò, hồ đồ nói rằng bọn chúng bất quá chỉ là mụn ghẻ, sao mà chính mình lại cứ nhai nhải mãi như thế?

Trong lúc đó Dương Lăng vẫn chưa tha:

- Năm thứ mười bảy, Thát Đát tấn công Vạn Toàn vệ, Bạch Dương khẩu, Ninh Vũ quan và Hoa Mã trì, quân sĩ chết hơn mấy nghìn. Giặc Thát lại tập kích Tuyên Phủ, Đại Đồng, quân tiên phong vào đến sát kinh đô và vùng lân cận, giết hại và cướp mất vô số dân chúng và bò dê. Mà năm nay, chúng lại xua bảy vạn quân thiết kỵ, ồ ạt kéo sang xâm lược. Uông tuần phủ, những chuyện mà ông nhìn như không thấy này, chẳng lẽ không phải hại nước hại dân?

Dương Nhất Thanh thấy sắc mặt đám người Hồ Toản tím tái, bèn thở dài một hơi, mở lời hoà giải:

- Dương đại nhân! Ý của các vị đại học sĩ đây là Hoàng thượng là chủ của tông miếu xã tắc, nên coi nhẹ việc chinh phạt, mà xem trọng xã tắc. Ngự giá thân chinh là chuyện rất không ổn thỏa.

Dương Lăng biết vị Dương tổng chế này trong lòng tán thành việc Hoàng đế ra mặt kết minh với Đoá Nhan Tam Vệ cùng phân hoá và làm tan rã thế lực Thát Đát. Hơn nữa hắn cũng thấy được lợi ích về lâu dài trong đó.

Nhất là Dương Nhất Thanh đã dùng một kế cực kỳ hiểm độc, phái một cánh quân đơn độc theo kế sách "gậy ông đập lưng ông" lẻn vào đất giặc. Giặc Thát không có thành cao tường vững để thủ, không có trăm vạn sĩ tốt để cậy nhờ, một khi bị người khác xâm nhập vào ngôi nhà không được phòng vệ, thiệt hại của chúng sẽ hơn xa dân chúng Đại Minh.

Hắn kìm chân Bá Nhan ở biên quan, tiêu hao lương thảo và binh mã bọn chúng, lại dựa theo kế sách của mình mà phân hoá quan hệ giữa Bá Nhan và Hỏa Sư. Chính quyền người Thát Đát như tuyết lạnh thêm sương, trải qua một cuộc chiến này nhất định sẽ đại thương nguyên khí. Lúc này việc kết minh cùng Đoá Nhan Tam Vệ sẽ càng tỏ rõ tầm quan trọng của nó: có sự khống chế và phối hợp của bọn họ, Thát Đát sẽ suy yếu dần mà không có cơ hội và thời gian để khôi phục nguyên khí. Tầm quan trọng sâu xa của nó quả thực hấp dẫn vô cùng, vì vậy rất đáng để mạo hiểm.

Từ điểm này có thể suy ra Dương Nhất Thanh đang đứng về phía y. Có điều hắn là người thuộc phe Lý Đông Dương, mà lúc này Dương Đình Hoà đang đại diện cho ba đại học sĩ đến khuyên bảo Hoàng đế hồi kinh, cho nên hắn không tiện công khai đứng ra bày tỏ thái độ cá nhân mà thôi.

Nghĩ đến đây, Dương Lăng dịu giọng lại, như thể nói chuyện với Dương Nhất Thanh nhưng thật ra là nói với đám người Dương Đình Hoà:

- Vương gia, các vị đại nhân! Vừa rồi hạ quan đã nói rõ tầm quan trọng của việc Hoàng thượng đến đây. Hoàng thượng năm nay mười sáu, có trải luyện nhiều một chút mới có thể trở thành minh quân thiên cổ.

Phàm là minh quân, có ai mà sợ chiến sự? Hán Cao Tổ ngự giá thân chinh dẹp loạn Trần Hi, Anh Bố. Đường Thái Tông ngự giá thân chinh chế ngự Cao Ly. Hồng Vũ của bản triều bắt Trương Sĩ Thành, diệt Trần Hữu Lượng, có lần nào mà không ngự giá thân chinh? Càng không nói đến việc Vĩnh Nhạc Hoàng đế tự mình năm lần chinh phạt đại mạc phương bắc.

Giờ đây thiên tử tự đến biên ải chỉ là để bày tỏ thành ý với Đoá Nhan Tam Vệ. Nếu không làm vậy, đừng nói gì đến hùng tài đại lược; nếu quan binh chỉ rút cổ sau Trường Thành mà lấy đó là sự quang vinh, Hoàng thượng trốn chui ở Tử Cấm Thành lại coi đó là lẽ phải, thì sao xứng danh minh chủ muôn đời?

Y chậm rãi thở ra một hơi, thành khẩn nói tiếp:

- Vương gia và các vị đại nhân lo cho an nguy của Hoàng thượng, hạ quan sáng tỏ trong lòng. Đợi khi nhận được thư hồi âm của Hoa Đáng rồi, tại hạ nhất định sẽ đích thân đến Bạch Đăng sơn dò thám địa hình, bày quân ổn thoả, đảm bảo cho sự an toàn của Hoàng thượng. Mong các vị đại nhân hãy giúp Hoàng thượng hoàn thành một mảnh hùng tâm này.

Dứt lời Dương Lăng vái Đại vương và mấy người Dương Đình Hoà một vái thật dài. Mấy vị này nghe xong thì đưa mắt nhìn nhau. Dương Nhất Thanh và Hồ Toản thì hơi động lòng, Dương Đình Hoà lộ thần sắc do dự, Đại vương lại có vẻ trầm tư, chỉ riêng Uông Dĩ Hiếu vẫn trợn trừng đôi mắt dữ.

Nếu kết minh cùng Đoá Nhan Tam Vệ mà Hoàng đế dẫn theo mười vạn đại quân, tiền hô hậu ủng, cuồn cuộn ngút trời, cách Đại Đồng chỉ hơn mười dặm, thì đương nhiên bọn họ sẽ không thèm sợ quân Thát Đát đến tập kích. Khó là khó ở chỗ các tướng giữ biên ải đã nhiều lần thất tín với Đoá Nhan Tam Vệ lắm rồi, tín nghĩa và danh dự của Đại Minh hầu như chẳng còn sót lại chút gì trong mắt Bá Nhan Tam Vệ. Nếu tụ tập đại quân, Hoa Đáng và thủ lĩnh các bộ lạc dám đến gặp hắn sao?

Còn muốn Đoá Nhan Tam Vệ cũng mang theo vài vạn nhân mã? Một là bọn họ không có nhiều tinh binh đến như vậy, hai là dọc đường ắt sẽ khó giấu được tai mắt của Thát Đát; cho nên binh sĩ mang theo tuyệt không thể quá nhiều. Năm nghìn quan binh mà quân Minh có thể điều động lên núi đã là cực hạn để Đoá Nhan Tam Vệ không nảy lòng e dè mà bỏ kết minh.

Nhưng năm nghìn quan binh thì chẳng chống chọi nổi được bao lâu với đại quân Thát Đát. Chẳng trách bọn họ lo lắng như vậy.

Trong điện yên tĩnh đến độ có thể nghe rõ tiếng kim rơi. Dương Đình Hoà trầm ngâm hồi lâu, đột nhiên trợn trừng mắt quát:

- Dương Lăng! Nếu Hoàng thượng xảy ra chút ít bất trắc gì thì ngươi đừng trách bản quan không nể tình riêng mà xin ý chỉ diệt cửu tộc ngươi đó!

Lời lẽ nghiêm khắc, song ý tứ trong đó đã chính thức đồng ý với chuyến đi Đại Đồng của Hoàng đế. Dương Lăng nghe xong nhẹ nhõm cả người, trên mặt không khỏi lộ nét vui mừng. Đúng vào lúc này, bên ngoài chợt có một tiếng gọi vào nho nhỏ:

- Vương gia, giờ lành làm lễ đã đến, mời ngài đến điện Ngân An làm lễ.

Chú thích:

(1) hình thức diễn xuất lấy hát làm chính, đệm bằng trống và phách, chuyên diễn các tích của đạo giáo

(2) xem tích Trương Lương và người lực sĩ cầm chùy hành thích Tần Thủy Hoàng ở bãi cát Bác Lãng.

(3) học thuyết được cho là phù hợp với "chánh đạo". Vào thời Tây Hán, Hán Vũ đế đã ra lệnh dẹp bỏ học thuật của nhiều nhà, tôn sùng mỗi học thuật Nho gia (bãi truất bách gia, độc tôn nho thuật), từ đó coi Nho học là chánh học.

(4) lắng nghe lời phê bình và kiến nghị

(5) Hán Thục sau khi bị diệt vong, hậu chủ là Lưu Thiện bị giam lỏng trong kinh thành Lạc Dương của Ngụy. Một hôm, Tư Mã Chiêu dò hỏi ông ta có nhớ Tây Thục không, Lưu Thiện đáp rằng:"Ở đây vui lắm, không nhớ gì Thục nữa".

(6) Lý hậu chủ Lý Dực người nhân hậu và khá nhu nhược. Ông thường bị anh Lý Hoằng Ký đố kỵ truy sát, phải trốn chạy nhiều lần, do đó ông tỏ ra không quan tâm đến chính trị, không muốn tranh chấp. Hằng ngày, Tòng Gia dành phần lớn thời gian ngao du sơn thủy và hoạt động nghệ thuật.
Bình Luận (0)
Comment