Khi Đậu Hủ Lang phá vây cùng đại đội bỏ chạy, chưa cùng Dương Hổ xuôi nam thì kết quả đã bị Dương Lăng lập phục binh khắp nơi giết chóc tán loạn, chúng phải tự chia thành các tiểu đội chạy tan tác.
Đậu Hủ Lang cuối cùng chỉ dẫn theo ba trăm người đi tới bình nguyên, ở nơi Lưu Bị tai to từng làm Huyện lệnh lại trúng mai phục của đoàn luyện dân tráng, Đậu Hủ Lang dẫn người tháo chạy, tới chỗ khúc sông của phủ Trương Sĩ, lúc này bên mình chỉ còn lại sáu bảy người, y thấy tình thế không ổn, bèn chạy trốn bằng đường thủy.
Kỹ năng bơi của Đậu Hủ Lang không tốt, nhưng cách đó không xa là một bãi cỏ lau, đoán rằng nơi đó nước không quá sâu, y nín thở lặn đến đó sẽ có thể mượn địa lợi trốn thoát. Không ngờ nước ở đó quả nhiên không sâu, nước rất đục, không nhìn rõ đáy, Đậu Hủ Lang lao mạnh xuống, cắm đầu vào trong bùn nước.
Cả huyện bình nguyên Sơn Đông là một vùng đất rộng lớn, rất ít khi nhìn thấy đá, nếu trẻ con đào đất cát chơi có thể đào được tảng đá đều có thể dẫn tới đánh nhau vì gặp đồ hiếm lạ, tới mùa hè trẻ con thường tới chỗ đất bùn phát sáng đen thui trên bờ sông để xối nước, là có thể cởi truồng làm thang trượt, không cần phải lo va đập bị rách ra.
Trong khúc sông đó toàn là bùn nước vừa sâu vừa mềm, Đậu Hủ Lang vừa đâm đầu xuống, muốn leo ra nhưng rất khó khăn. Y muốn rút đầu ra, nhưng chỗ hai tay chống đất đều là bùn nước nhão nhoét, không lấy sức được, hơn nữa khi muốn rút lên trên thì lực hút của bùn đặc biệt lớn.
Các thanh niên trai tráng trong phủ đuổi mấy tên tàn binh bại tướng đến khúc sông, chỉ thấy một đôi chân lớn trôi dập dềnh trên mặt nước, hai thanh niên cường tráng thắt dây thừng vào chân y. Khi rút y lên giống như rút củ cải, trong lồng ngực của Đậu Hủ Lang đáng thương toàn là bùn nước, người đã tắt thở. Vị nhân huynh này đúng thật là sống thì uất ức, chết lại nghẹn khuất.
Tuy nhiên mặc dù y đã chết, nhân mã của y chỉ bị đánh tan tác mà thôi, bọn đạo phỉ dần tụ hợp, lại tổ chức thành một đội ngũ bảy tám trăm người, bắt đầu len lỏi khắp nơi trong vùng Sơn Đông. Tạm thời vẫn chưa bị diệt trừ.
Bạch Y Phỉ xuất hiện ở Khúc Phụ, khiến cho lòng dân trong vùng bàng hoàng. Tri phủ Khúc Phụ lập Tri huyện Khúc phủ, tri huyện Khúc Phụ này thường do người của Khổng gia đảm nhiệm, đây là quy tắc của triều đình. Bởi vì Tri huyện là vị quan nha môn của triều đình trực tiếp cai quản chuyện sinh hoạt và sinh lão bệnh tử của dân chúng trong vùng, thường gọi là quan phụ mẫu, thử hỏi quan viên trong thiên hạ, có người đọc sách nào không phải là môn sinh của Khổng thánh? Họ có thể quản được người nhà Khổng thánh không? Đương nhiên phải để cho người của Khổng gia tự quản.
Cho nên Khổng gia này không những phải phụ trách an toàn của gia viên, mà còn phải quản lý cả một huyện, lần trước thế lực của lưu phỉ lớn, xưng là mười vạn đại quân, bọn họ lấy danh nghĩa bảo vệ di vật của tiên thánh để tiến vào kinh, lần này chỉ có mấy trăm đạo phỉ nhưng không thể chạy trốn được nữa.
Tri huyện Khúc Phụ cũng là người của chi trưởng Khổng gia, vừa nghe nói thổ phỉ len lỏi khắp vùng, để sắp xếp phòng vụ địa phương bèn tới gặp Kiều tham tướng đang đóng quân ở địa phương, thỉnh cầu đại quân hiệp trợ.
Kiều tham tướng khá nhiệt tình với ông ta, xếp hàng chào đón, mời ông ta vào trong soái trướng. Quát mắng ầm ĩ tên Bách hộ thuộc hạ của mình bị Khổng gia đánh đập tàn nhẫn kia có mắt như mù, đã đắc tội với Lão quốc công gia, sau đó không đợi ông ta nói rõ ý đồ tới đây, đã nói để không làm cho đám đại binh không hiểu quy củ này lại làm Quốc công gia tức giận nữa, chúng sẽ lập tức rời khỏi Khúc Phụ.
Khổng tri huyện vừa nghe vậy đã nóng nảy, ông vội vàng nói ra tin tức Bạch Y Phỉ xuất hiện ở trong vùng, yêu cầu Kiều tham tướng không rời quân đi. Kiều tham tướng lại muốn ông ta đưa ra chứng cớ. Nếu không muốn gần vạn đại quân đóng quân lâu dài ở đây, trừ khi có quân lệnh của Binh bộ. Khổng tri huyện nào có chứng cứ gì đưa cho gã?
Kiều tham tướng tiếp đãi long trọng với Khổng tri huyện, tính cách rất tốt, nhưng không có chứng cứ thì gã vẫn kiên quyết nói sẽ rời đi ngay trong ngày. Bạch Y Phỉ ấy cũng kỳ lạ, buổi tối đến quấy rầy quan phủ và Khổng phủ, nhưng trời vừa sáng đã không thấy bóng dáng.
Mọi người trên dưới trong Khổng phủ đều sợ hãi, đạo tặc để ý tới ai trong người nhà Khổng thánh nhân? Từ khi Bạch Y Phỉ xuất hiện, số nhà quyền quý bị phá cửa diệt tộc nhiều vô số kể. Gia sản bị quét sạch sẽ, phụ nữ bị chịu đủ lăng nhục. Khổng gia có thể không sợ sao, hàng đêm đều không được yên ổn.
Khổng lão thái gia là chủ của một gia đình, bị nạn thổ phỉ làm cho sứt đầu bể trán, tên chủ đất bị lão ép bán với giá thấp sao có thể ăn gan hùm gan báo, còn dám công khai đối đầu. Vị nhân huynh này đã xây một cái miếu nhỏ bên cạnh mảnh đất bị lão ép bán, bên trong cúng bài vị của Khổng thánh nhân, hàng ngày chạy đến khóc lóc kể lể oan khuất, có người qua đường là gã kéo lại kể lể, kể thành chuyện cổ tích. Thanh danh quan trọng nhất của Khổng gia lần này sao chịu được chứ!
Nhưng Diễn Thánh Công vừa mới nhận được mật chỉ khiển trách của Hoàng thượng, đâu dám sử dụng lực lượng quan phủ? Người ta lại cúng cả lão tổ tông nhà mình, còn đập vỡ khắp nơi, một tên vô lại như thế, để mặc cho gã qua lại kể lể khắp trong làng xã, làm bại hoại thanh danh của mình, mà ông không có cách nào.
Lúc này, Thái An học chính Trương Đa Khí đến nhà thăm hỏi, nói rằng nghe nói Diễn Thánh Công trở về từ trong kinh nên đặc biệt tới thăm. Lão là nhân vật nổi tiếng trong sĩ lâm Sơn Đông, có kết giao thân thiết với Khổng gia, thường cùng với rất nhiều trưởng lão đích tôn và các quản sự của Khổng phủ uống rượu chơi cờ, cũng được coi là bằng hữu trong sỹ lâm.
Nghe hảo hữu kể những phiền não này của Diễn Thánh Công, Trương Đa Khí liền âm thầm tùy cơ hành động với mấy vị hảo hữu của Khổng gia: Đương kim Hoàng thượng đang cải cách chính sách mới, mặc dù nói Hoàng thượng có lòng ủng hộ nhà ngươi, không công khai khiển trách, nhưng cây to đón gió, những hào môn bị tổn hại lợi ích đó nghe được phong thanh nhất định sẽ lôi Khổng gia ra làm lá chắn.
Hiện tại đã mất lòng Hoàng thượng, lại bị những người đó ép bức, khó nói Hoàng thượng sẽ không khai đao với Khổng gia, như vậy chi bằng làm đẹp một chút, đặt công phu lên trước, vừa không để mọi người mang chuyện sơ hở của Khổng gia ra kể lể, lại có thể cứu vãn được long ân của Hoàng thượng, chẳng phải là tốt sao? Mấy vị quản sự lão gia của Khổng gia biết vị lão phu tử này tâm nhãn sâu xa, nghe nói vậy liền mừng rỡ, lập tức mời ông ta ra nghĩ kế.
Trương lão phu tử nói:
- Chuyện huyện lân cận mua đất cực dễ làm, Khổng gia nhà to nghiệp lớn, cũng không kém chút đất đấy, tuy nhiên đám hạ nhân vì tranh nguồn nước đã nổi lên tranh cãi, Diễn Thánh Công muốn giáo huấn họ một chút mà thôi. Khổng thánh nhân nói “bảo vệ dân”, “yêu dân”, ngài nhường một bước, tuyệt đối sẽ không ai nói ngài sợ chuyện, trái lại sẽ thánh phục di phong thánh nhân của Diễn Thánh Công.
Vùng đất đó hãy trả lại cho gã đi, thân phận Diễn Thánh công gia tôn quý, trước đây ra mặt chẳng qua là chuyện nhỏ, cũng là do gã làm việc không chu toàn gây động tĩnh quá lớn, Diễn Thánh Công trăm công ngàn việc, đâu biết những chuyện nhỏ nhặt này? Rõ ràng là hạ nhân làm việc tắc trách, trách phạt họ một phen, đối với hương lý và với Hoàng thượng đều có thể giải thích.