Ngược Về Thời Minh

Chương 92

Dương Lăng vừa tới Càn Thanh Cung đã thấy Mã Vĩnh Thành và Cốc Đại Dụng đều ở trong điện. Cốc Đại Dụng đang đứng hầu phía sau Chính Đức, Mã Vĩnh Thành đứng trước án thưa chuyện. Thấy y tới, Chính Đức ngắt lời Mã Vĩnh Thành, quay sang cười nói với y:

- Bảo ngươi tới trễ một chút, quả nhiên ngươi tới thật trễ! Trẫm đã xong buổi triều sớm rồi ngươi mới đến.

Dương Lăng thi lễ xong, cười hì hì đáp:

- Hoàng Thượng đã dặn dò thần nghỉ ngơi nhiều hơn. Đã được Hoàng Thượng thông cảm như vậy, nếu thần vẫn cứ tới sớm thì thành ra phạm thánh ý mất rồi!

Hoàng Đế Chính Đức bĩu môi:

- Vờ vĩnh! Ngươi có nương tử bầu bạn, tự nhiên không muốn theo ta rồi.

Thấy Dương Lăng ngẩn người, hắn không khỏi phá ra cười, vỗ tay cười nói:

- Quả nhiên là ta đoán trúng. Ấu Nương tỷ tỷ cũng giống như mẫu hậu, phụ nữ trong thiên hạ đều tương tự nhau, ha ha!

Dương Lăng nghe thế dở khóc dở cười. Mã Vĩnh Thành, Cốc Đại Dụng nghe một Hoàng Đế như hắn mà không hề ý tứ cứ gọi người ta là Ấu Nương tỷ tỷ, cũng chỉ đành cười gượng, không dám chỉ trích thói quen này.

Mã Vĩnh Thành ho khan hai tiếng, cười bồi chào Dương Lăng, rồi vội vàng đổi đề tài:

- Hoàng Thượng! Sau khi lão nô tại triều phòng đem ý của ngài lộ ra, thượng thư bộ Hộ Hàn Văn lại nói: “Ngân khố quốc gia trống rỗng, quan chức quản lý tài sản không phải là đám xiếc ảo thuật do Đông cung mời tới mà có thể ảo thuật ra tiền của được. Bây giờ đang xây công sự Bát Đạt Lĩnh, Thái Lăng cũng đang thi công, hẳn Hoàng Thượng nên tiết giảm tiêu dùng mới phải”.

Chính Đức nghe xong, vỗ bàn cả giận:

- Nói thế là thế nào? Đại Minh ta luôn luôn thu thuế nhẹ để dưỡng dân, mức thu thuế vốn không cao, huống chi ta còn ra lệnh xuất trong ngân khố ra một nửa số tiền. Chỉ bảo họ tu sửa khu vườn Bắc Hải, cắt bớt cỏ dại, làm mấy chiếc thuyền nhỏ để trẫm du ngoạn khi rảnh rỗi, thế mà cũng lắm ý kiến như vậy. Mấy tên đại thần này thật!

Mã Vĩnh Thành cúi đầu khom lưng đáp:

- Dạ, đúng! Thị lang bộ Lại Tiêu Phương cũng nói: “Dân chúng bình dân cũng có những chi phí ngoài dự tính, có khi cũng du ngoạn tiết đạp thanh (tiết Thanh Minh). Nhà dân thường còn tu sửa vườn tược này nọ, huống chi là hoàng gia? Triều đình luôn luôn khoan dung, hiện nay thiên hạ nợ dồn thuế ruộng lẫn trốn thuế nhiều vô kể! Cho dù là đôn đốc thu về chỉ được một hai thành thôi, cũng không cần bảo Hoàng Thượng phải hạn chế chi phí”.

Hoàng đế Chính Đức nghe xong chuyển giận thành vui:

- Tiêu Phương? Là Tiêu Phương mà hôm qua đem mấy con vật nhỏ tới can gián trẫm à? Ha ha, phương pháp vị quan này dùng để can gián rất dí dỏm, không giống như những tên thầy đồ đó, động một tí là trách trời thương dân, làm như nếu trẫm không nghe lời mấy lão thì trời sập xuống ngay lập tức ấy! Ừm! Nghe lão nói những lời này xem ra khá là thông cảm cùng trẫm, đó là một vị quan tốt.

Mã Vĩnh Thành cười hùa nói:

- Hoàng Thượng nói rất đúng! Nhưng Tiêu đại nhân lập tức bị các vị Hàn đại nhân, Dương đại nhân, Lưu đại nhân ùa lên phê phán, ông ta sợ quá cũng không dám lên tiếng nữa.

Hoàng đế Hoằng Trị rất ít đi du lịch. Cả đời ông ta chẳng mấy khi ra khỏi Tử Cấm thành. Tuy đôi khi ông cũng mang theo con trai ra ngoài đi chơi, nhưng cũng chỉ là loanh quanh phố phường một chút, đương nhiên không hề đi thăm Hoa viên hoàng gia bao giờ. Bao nhiêu năm không tu sửa, vườn hoa Bắc Hải cũng đã hoang vu nhiều.

Lúc này Chính Đức muốn tu sửa một chút, thật ra công trình cũng không lớn, tiêu phí tiền bạc cũng rất ít. Dương Lăng trước đó cũng có nghe ý của hắn, rồi cũng phong thanh nghe nói triều thần sở dĩ kiên quyết phản đối việc này cũng chỉ là do đề phòng cẩn mật mà thôi. Họ sợ một khi chìu lòng Hoàng Thượng việc này cũng giống như mở một đột phá khẩu, sẽ khiến cái tâm ham chơi của Hoàng Thượng càng ngày càng nặng, do đó họ kiên quyết phản đối, buộc Hoàng Đế phải gò mình trong Tử Cấm thành.

Theo quan điểm của Dương Lăng, đó là một chuyện nhỏ, sửa hay không sửa thì đối với Đại Minh bây giờ cũng không có ảnh hưởng gì. Tương tự, đối với những gì y biết về lịch sử thì việc này cũng không sinh ra thay đổi gì cả. Việc nhỏ như thế còn chưa tới mức hao tài tốn của, Dương Lăng lại không ảo vọng có thể cải tạo Chính Đức thành công bộc của nhân dân, nên đương nhiên y cũng chẳng hề góp ý gì.

Chính Đức lẩm bẩm bất bình một hồi, rồi lại giống như một trái bóng cao su xì hơi, bảo:

- Cứ vậy đi! Họ không cho tiền, trẫm bỏ tiền của mình. Ngươi giúp trẫm quản chặt tiền bạc. Được rồi, bây giờ ngươi theo Dương Lăng đi ra ngoại ô, tiếp thu mấy cái ngự trang cho trẫm, khi rỗi trẫm sẽ tự mình tới đó nhìn qua.

Dương Lăng và Mã Vĩnh Thành thấy tâm tình Hoàng Thượng không ổn, vội vàng lĩnh ý chỉ rời khỏi điện, vừa lúc gặp Liễu Bưu thống lĩnh năm trăm thân quân đến. Dương Lăng gặp Mã Vĩnh Thành, nhớ tới việc lúc trước chính Mã Vĩnh Thành đưa bạc cho mình để chuộc thân Đường Nhất Tiên, rồi mình mới đưa ba vị cô nương đó về nhà. Vốn tưởng rằng cứu người ta ra khỏi hố lửa, bây giờ lại làm hại Nhất Tiên mất tích, không rõ nàng đang lưu lạc nơi đâu, trong lòng cũng hơi phiền muộn.

Mã Vĩnh Thành thấy thần sắc y có vẻ buồn bực, không khỏi làm lạ hỏi:

- Dương đại nhân! Sao đại nhân lại tâm sự trùng điệp thế, có chuyện gì à?

Dương Lăng cười gượng, đáp:

- À, không có gì! Đúng rồi! Lần trước công công đưa bạc để chuộc thân cho Đường cô nương, ta chỉ xài một vạn lượng, vẫn chưa tìm được cơ hội đem ngân lượng thừa trả lại cho công công. Chốc nữa trở về nhà, ta sẽ lấy bạc hoàn lại cho công công.

Mã Vĩnh Thành mặt mày hớn hở chối từ:

- Không cần! Không cần! Hoàng Thượng tin yêu Dương đại nhân, bên trong ngự trang còn ban cho đại nhân một tòa nhà to, sự coi trọng này quả không người nào khác có thể so sánh được. Sau này chúng ta còn cần Dương đại nhân nâng đỡ nhiều hơn.

Lão đắc ý khoe:

- Huống chi bây giờ cũng khác với ngày xưa. Chúng ta đã là chưởng quản nội khố, việc mua sắm trong cung cũng hoàn toàn giao cho chúng ta, chút ngân lượng này đã là gì?

Lúc này Dương Lăng mới hiểu được Mã Vĩnh Thành đã nắm quyền tài chính trong cung, vội vàng chúc mừng lão. Mã Vĩnh Thành hỉ hả cười rạng rỡ: trong hoàng cung có mấy vạn nhân khẩu, đương nhiên chi phí hằng ngày rất lớn. Từ một một quan thu mua nho nhỏ biến thành đại tổng quản hậu cung về tài chính, quả thực là một mông ngồi trên đỉnh núi vàng rồi, nên lão không thèm quan tâm tới vạn lượng bạc bỏ ra hồi xưa.

Cả một vùng bảy thôn trang liền kề ở Tây giao (vùng ngoại ô phía tây kinh sư) đều bị Chính Đức khoanh lại để làm ngự trang. Dương Lăng phụng chỉ ngụ ở đây. Lại nghe nói Hoàng Thượng ban cho y một tòa nhà xây dựng sẵn, lẽ nào y không về báo tin cho Ấu Nương? Do đó y nhận năm trăm thân quân, trở về kéo theo gia quyến rồi mới chạy tới Tây giao.

Tân đế đăng cơ, kinh sư đã yên ổn, đột nhiên có rất nhiều binh lính di chuyển như vậy tự nhiên không giấu được người khác, huống chi đây là việc của Dương Lăng, người gần đây danh nổi như cồn. Tin tức lập tức lan truyền khắp kinh sư. Đám Triệu Ung đang ăn nhậu trên tửu lâu cũng nghe được tin tức này, vội vàng bảo một tên gia nhân đi theo xem thử rốt cuộc là gì.

Dương Lăng dẫn quân tới Tây giao thì mặt trời đã đỏ ối, sắp lặn xuống núi rồi. Lúc này cả vùng núi xa xa như sương như khói, trước mắt đồng ruộng phì nhiêu, một khoảng hoa màu xanh mượt tít tắp, dòng suối nhỏ giống như một chiếc đai ngọc vòng quanh đồng ruộng, không khí vô cùng u nhã. Một vùng ruộng lúa xanh mượt, những tiếng ếch kêu vang vang, cả một vùng điền viên êm đềm thanh thản.

Bọn Ấu Nương, Trương thị thấy thế thầm vui mừng trong lòng. Ngọc Tỷ Nhi và Tuyết Lý Mai hiếm khi thấy được loại cảnh sắc nông thôn như thế này này, tâm thần hơi mê đắm, như tỉnh như say.

Tòa nhà ban cho Dương Lăng là tòa giàu có nhất trong bảy thôn trang. Cả thôn trang này có năm sáu mươi hộ dân, các sân nhà đều phân cách nhau bằng hàng rào cao nửa thân người, chung quanh đình viện có khe nước róc rách, liễu xanh rủ bóng. Trên những lối mòn trong thôn, vài mục đồng đang vội vã lùa trâu bò về chuồng.

Những ông già bà lão bên đường thấy đoàn nhân mã rầm rộ đều dừng chân quan sát, mắt đầy vẻ ngạc nhiên. Mặc dù những người này đều ở vùng kinh thành, nhưng lại giống như cả đời không ra khỏi mảnh đất nhà mình, có vẻ cực kỳ chất phác.

Tới địa giới, Dương Lăng vừa nhìn thấy tên của thôn không khỏi phì cười. Thôn này gọi là Cao Lão trang, cũng không biết có phải tiểu tử Ngô Thừa Ân cũng đã từng tới nơi này không.

Nhưng từ khi tới thế giới này, Dương Lăng đã biết người đời này vẫn còn chưa biết tới truyện Tây du ký. Phỏng chừng nếu không phải lão Ngô chưa sinh ra thì lão cũng còn chưa chấp bút. Nếu không phải thời trước của Dương Lăng chưa có cái thứ gọi là bảo vệ tác quyền, hơn nữa lúc này viết sách cũng không kiếm được tiền bạc gì, chưa biết chừng Dương Lăng sẽ động thủ ăn cắp bản quyền, để tên tuổi mình nằm trên bìa một trong tứ đại tác phẩm nổi tiếng lưu danh hậu thế.

Thôn trưởng đã dẫn vài thân hào trong thôn đứng đón chào ở cửa thôn. Vừa thấy Dương Lăng, bọn họ liền cung kính bước lên đón tiếp. Vị thôn trưởng có tuổi không lớn lắm, chừng hơn bốn mươi tuổi, chính là lứa tuổi còn rất khoẻ mạnh. Xem cách ông ta ăn mặc nói năng, xem ra cũng từng được đi học, gia cảnh giàu có.

Dương Lăng được họ đưa tới nhà mới của mình. Đây là một tòa nhà to, trước sau có ba viện. Đại viện nhà cao cửa rộng, trên khung cửa cao treo một tấm biển mới tinh, đen kịt: ”Uy Vũ Bá Phủ”. Phía dưới là chiếc cửa sơn son, trên cửa có vòng đồng, đang mở rộng. Vừa bước vào cửa là bắt gặp ngay một bức bình phong họa ảnh, thoạt nhìn biết ngay chủ nhân cũ là người rất hoang phí.

Thôn nhỏ khó có thể chiêu đãi nổi năm trăm thân quân của Dương Lăng. Dương Lăng sớm đã ra lệnh cho quân mình tạm thời hạ trại ở cánh rừng hạnh không xa phía sau phủ Uy Vũ Bá. Bọn chúng phải tự nấu tự ăn, vạn lần không được quấy nhiễu dân chúng địa phương. Cũng may năm trăm quân binh nói nhiều không nhiều, nói ít cũng không ít, dựng lên hơn hai mươi đại trướng là đủ để họ nghỉ ngơi.

Vừa vào nhà, ngoại trừ vài nhân vật có uy tín trong thôn cung kính chào đón, điều làm cho người ta không ngờ tới là còn có hai hàng nam nữ người hầu đứng nghiêm chờ sẵn. Dương Lăng thấy gia nhân nô lệ sắp hàng nghênh đón, mặc dù mỗi người đều áo xanh mũ quả dưa như gia nhân bình thường, nhưng khí chất thì đều có vẻ nho nhã lịch sự, không khỏi cảm thấy vui sướng trong lòng: ai bảo tiểu hoàng đế trẻ người non dạ? Hắn thật sự thể hiện món ân tình này rất tốt.

Buổi tiệc tuy mở tại phủ Uy Vũ Bá nhưng lại do thôn trưởng Cao viên ngoại và các thân hào trong thôn đóng góp chi phí. Mọi người vào nhà, đám gia nhân chuyển hòm xiểng vào trong, rồi lập tức bày bàn ghế, khai tiệc khoản đãi tân chủ nhân.

Dương Lăng và bọn người Cao viên ngoại chưa quen nhau. Đám nữ thân quyến đều ở phòng trong tự ăn với nhau. Ngoại trừ chút lời khách sáo cũng không có gì hay để nói, Mã Vĩnh Thành cũng chỉ bắt chuyện vài câu với Dương Lăng, gần như không để ý gì tới đám người quê mùa ở nông thôn này. Cao viên ngoại là một người rất khôn khéo, thấy thế, chỉ trả lời xã giao một lát rồi vội vàng cáo từ.

Dương Lăng rất khách khí tiễn bọn Cao viên ngoại ra tận ngoài cửa, rồi trở vào uống rượu nói chuyện với đám Mã Vĩnh Thành, Liễu Bưu cùng vài quan tướng trong thân quân. Mã Vĩnh Thành cơm no rượu say cũng cười hì hì cáo từ. Dương Lăng muốn lấy ngân lượng trả lại cho lão, Mã Vĩnh Thành chết sống gì cũng từ chối, bước thẳng vào tiểu kiệu, vội vàng hồi cung.

Khi Dương Lăng tiễn mấy người Liễu Bưu ra về, cả chiếc sân to lớn trở nên quạnh quẽ. Hai gia nhân đốt hai chiếc đèn lồng màu đỏ treo lên cửa tòa nhà, rồi đóng cửa chính lại. Vừa đi vòng qua bức bình phong, thấy Dương lão gia đang đứng ở giữa đám hoa tươi đang nở trong viện mà ngẩn ngơ nhìn ánh trăng, hai người vội chạy tới hầu một bên.

Dương Lăng nhẹ hít vài hơi, rồi hỏi:

- Sao có mùi thuốc men ở đâu nhỉ?

Lão quản gia vội khom người đáp:

- Lão gia! Chủ nhân cũ của tòa nhà này có trồng một ít dược liệu trong vườn. Bây giờ hoa đang nở nên phảng phất có vị thuốc.

Dương Lăng à một tiếng, hài lòng nhìn ngôi nhà mới của mình. Y lại mỉm cười nhìn sắc trời chuyển đêm, cảm thấy nhà cửa cổ kính, cảnh tượng nông thôn thuần phác u nhã làm cho người ta cảm giác rất gần gũi dân gian, huống chi những nữ chủ nhân của nó lại vô cùng đáng yêu.

Vẻ đẹp ôn nhu là phần mộ của anh hùng, hay tổ ấm hạnh phúc của anh hùng đây? Đột nhiên Dương Lăng cảm thấy nếu không phải tranh đấu gì, cứ bình thản cùng Ấu Nương ở đây như vậy, trồng đủ loại hoa cỏ, cuộc sống hạnh phúc này chẳng phải còn tiêu dao hơn cả thần tiên sao?

Dương Lăng mỉm cười thỏa mãn, quan sát hai gia nhân vẫn cung kính đứng hầu bên cạnh. Hình dáng cùng thần thái cử chỉ của lão quản gia có vẻ trầm ổn, còn người kia là một thiếu niên còn khá trẻ nhưng lại có vẻ hơi sợ hãi y. Y không khỏi ôn hòa cười nói:

- Đừng sợ! Lão gia ta không khó tính đâu. Sau này mọi người chính là người trong gia đình cả. Ta sẽ không tùy tiện trừng phạt người làm đâu.

Lão quản gia nghe xong vội vàng đáp:

- Dạ, lão gia rộng lượng, tiệc rượu ở hậu viện cũng đã xong. Lão gia vừa mới tới nhà, thân thể mệt nhọc, có vẻ bây giờ là lúc có thể an giấc rồi? Bọn nha đầu đã thu dọn xong phòng ngủ cho lão gia và phu nhân rồi.

Lão nói xong vội huých vai tên tiểu hậu sinh có vẻ lịch sự vẫn còn đứng sững bên cạnh. Tên người hầu áo xanh mũ quả dưa vội vàng thưa:

- Dạ, xin mời lão gia an giấc.

Dương Lăng kỳ lạ liếc nhìn hắn, có cảm giác tên nô bộc này hơi kỳ quái. Y còn tưởng rằng do mình vừa tới, hai bên chưa quen nên tên này hơi nhát sợ; do đó y cũng không để ý lắm, chỉ hiền hoà nói:

- Ừm! Ta đi dạo một lát, các ngươi dọn xong phòng tiệc rồi cũng sớm nghỉ ngơi đi.

Tòa nhà khá rộng. Sau bức bình phong ở tiền viện là đại sảnh, hai bên chính là hai dãy sương phòng, là nơi gia đinh nô bộc cư ngụ. Đại sảnh là phòng chính để tiếp khách gồm hai gian nhà. Một gian là thư phòng, một gian là sảnh nhỏ để tiếp khách quan trọng.

Qua phòng chính là một hoa viên, một hòn giả sơn ở giữa ao, hành lang, đình đài, dây leo quấn quanh khắp nơi. Gió thổi nhè nhẹ, phảng phất một mùi hoa tươi mát. Mặc dù vườn không lớn, nhưng lại rất tinh xảo, rất có phong vị lâm viên của vùng sông nước Giang Nam.

Dương Lăng rất vui vẻ trong lòng, bây giờ bóng đêm đang chậm buông xuống, không thấy rõ cảnh vật nữa. Ngày mai mình phải nhìn xem cho kỹ, căn nhà ở chốn nhỏ hẹp này lại giống như tiên cảnh. Y đi qua một hành lang uốn khúc, vừa mới bước qua cửa tròn tiến vào hậu viện, nơi ở của gia quyến, chợt y nghe loáng thoáng tiếng khóc vọng đến.

Dương Lăng cả kinh, vội vàng tăng tốc chạy tới chỗ có tiếng khóc. Hậu viện là một ngôi lầu nhỏ hai tầng hình cánh cung, chính giữa tầng một là một phòng khách, trước cửa có hai nữ tỳ đang đứng, thấy y tới vội thi lễ:

- Nô tỳ ra mắt lão gia!

Dương Lăng nghe tiếng khóc từ phía trong sảnh vọng ra, bèn không lý tới các nàng mà vội vàng tiến vào phòng. Y thấy Hàn Ấu Nương, Ngọc Đường Xuân, Tuyết Lý Mai cùng đại tẩu Trương Thị đều mặt mũi bi ai, còn Vân nhi đang nâng một thiếu nữ mặc áo hoa đang khóc như mưa đứng dậy.

Dương Lăng cả kinh hỏi:

- Ấu Nương! Chuyện gì vậy?

Hàn Ấu Nương thấy y, vội bước nhanh ra đón rồi giữ chặt tay y, giọng thương tâm:

- Tướng công! Nhà người này rất đáng thương. Chàng... chàng cố nghĩ cách cứu các nàng được không?

Dương Lăng kinh ngạc hỏi:

- Nhà này à? Rốt cuộc là chuyện gì?

Y hỏi mà tim đập thình thịch. Không phải là tiểu hoàng đế bị người ta mê hoặc, rồi ban cho mình tòa nhà này để làm việc gì thương thiên bại lí chứ? Tội này mình không thể gánh chịu nổi.

Tô Tam kéo thiếu nữ áo hoa đến gần, báo:

- Vị cô nương này là thân thích của Cao lão gia, cựu chủ nhân của tòa nhà này, là cháu của Cao gia. Cao tiểu thư đem mọi sự tình kể cho đại nhân nhà chúng ta biết đi! Đại nhân nhà ta rất bản lĩnh, nhất định có thể cứu được tỷ tỷ ngươi.

Dương Lăng nhìn thiếu nữ mặc áo hoa. Y thấy thiếu nữ đó chừng mười bảy mười tám tuổi, trên mặt lấm chấm tàn nhang, dung mạo thật ra cũng khá đoan chính, nàng đang nhè nhẹ lau nước mắt.

Dương Lăng vội hỏi:

- Rốt cuộc xảy ra chuyện gì? Ngươi nói cho ta nghe!

Vốn bọn người Ấu Nương cùng ăn cơm ở phòng sau. Chuyển sang nhà mới, thấy phong cảnh trong viện như chốn thần tiên, các cô nàng không khỏi vui mừng trong lòng. Mấy nàng ngồi trong phòng khách vừa ăn vừa nói chuyện, thỉnh thoảng vui vẻ cười vang.

Có một tỳ nữ đứng hầu bên cạnh, thấy các nàng chuyện trò vui vẻ như thế, không khỏi lộ vẻ bi thương, rồi lặng lẽ xoay người lau nước mắt. Ngọc Đường Xuân đang ngồi đối diện nàng, nhìn thấy thần sắc nàng khác thường, liền gọi tới gần dò hỏi. Thiếu nữ đó lúc đầu còn bối rối cố che giấu, sau không chống được nên phải quỳ xuống tạ tội, đem mọi việc kể lại. Đám Ấu Nương nghe chuyện bi thảm cũng không khỏi mềm lòng rơi lệ.

Thì ra chủ nhân của tòa nhà to lớn này tên là Cao Đình Hòa, chính là vị thái y xui xẻo vừa bị Hoàng Đế Chính Đức cho áp giải ra chợ chém đầu mấy ngày trước. Hoàng đế Hoằng Trị vừa uống thuốc xong chợt đổ máu mũi không ngừng rồi mất. Trong cơn giận dữ, Chính Đức lôi đám thái giám cho Hoàng Thượng uống thuốc là Trương Du cùng đại nhân viện trưởng Thái Y viện Lưu Văn Thái ra chém đầu. Người thầy thuốc phụ trách việc kê thuốc cho Hoàng đế làm sao thoát chết được chứ?

Hơn nữa ông còn chịu tội nặng hơn hai tử tù kia. Để phân biệt, bộ Hình phán ba người tử tội, còn Cao Đình Hòa thì tội tăng thêm một tầng nữa: bị tịch thu nhà cửa, tài sản sung công, con trai bị chém, con gái sung vào Giáo Phường ty, những người còn lại trong nhà đều bị bắt làm nô lệ.

Trong nhà Cao thái y có rất ít người lớn, không có con trai, chỉ có một con gái tên là Cao Văn Tâm, năm nay vừa mười tám tuổi. Vốn nàng đã hứa hôn cho nhà họ Lý ở thôn bên từ lâu. Nhưng ba năm trước, lão thái thái của họ Lý mất, vị thiếu gia phải giữ đạo hiếu ba năm, nên hôn sự bị hoãn lại. Kết quả bây giờ nàng bị bắt vào Giáo Phường ty.

Thiếu nữ áo hoa tên là Cao Văn Lan, còn có một người em trai là Cao Văn Cử, chính là thanh niên lúc nãy ở tiền đình hầu hạ Dương Lăng. Anh trai của Cao Đình Hòa là Cao Đình Chính đã chết sớm, Cao thái y đem hai con của ca ca về nhà chăm sóc. Vốn lão định tháng tám năm nay sẽ cho con gái mình vu quy, sau đó nhận Cao Văn Cử làm con thừa tự cho mình. Cũng may mà muộn một chút, bằng không hương khói duy nhất của nhà họ Cao cũng bị chém đầu.

Vốn đã có một gia đình tốt đẹp, chỉ khoảng khắc mà cửa nát nhà tan, vốn mình là thiếu gia tiểu thư, nay phải ở lại chốn này để hầu hạ cho những người chiếm nhà mình. Tình cảnh ấy làm sao không khiến cho người ta thương tâm rơi lệ?

Dương Lăng nghe nàng kể chuyện xong cũng cảm thấy bùi ngùi. Hàn Ấu Nương giữ chặt tay y nài nỉ:

- Tướng công! Cô nương nhà họ Cao là tiểu thư con nhà gia giáo, có đọc sách có lễ nghĩa, bị đưa đến chốn người ta chà đạp, vậy không phải sống không bằng chết sao? Tướng công, xin chàng cứu nàng đi, được không?

Dương Lăng nghe xong không khỏi do dự. Muốn lấy người của Giáo Phường ty, với thân phận y bây giờ thì chỉ là việc nhỏ không đáng kể gì. Nhưng người này là khâm phạm, việc này không phải là việc dễ trêu vào. Tội của Cao Đình Hòa có liên quan tới cái chết của tiên đế, đâu có thể tùy tiện để người ngoài vào cứu thân quyến của lão chứ?

Đồng tình là một việc, nhưng khi gặp chuyện bất bình cũng phải xem cân lượng của mình tới đâu đã chứ! Việc này phải xem thử Hoàng Đế Chính Đức nghĩ ra sao, xem hắn có đồng ý thả người hay không.

Dương Lăng còn đang trù trừ, Cao Văn Lan thấy y do dự bèn quì sụp xuống đất, liên tục cầu khẩn:

- Đại nhân! Van người cứu muội muội tiểu nữ. Nàng đọc sách biết lễ, là người thiện lương, đã cứu không ít bệnh nhân trong vòng mười dặm quanh đây, luôn luôn làm việc thiện. Cầu xin đại nhân cứu nàng!

Cao Văn Lan dập đầu liên tục, chiếc trán mịn màng đã rớm máu. Ấu Nương thấy vậy càng thêm không đành lòng, cầu khẩn:

- Tướng công! Danh tiết thiếu nữ là chuyện lớn. Sao mà người ta lại có thể làm như vậy với một nữ hài nhi như thế. Tướng công! Chúng ta đã ở đây rồi, cũng là có duyên phận, sao lại thấy chết mà không cứu được?

Dương Lăng hít vào một hơi, lòng thầm cười khổ: “Nha đầu ngốc, tại ngươi nghĩ rằng tướng công rất có bản lĩnh. Hoàng đế Hoằng Trị tuổi thọ đã hết, ai chẳng biết mấy vị thái y chết oan. Nhưng văn võ cả triều không một ai dám ra mặt cầu tình, mấy tên ngự sử ấy còn thượng tấu chương yêu cầu nghiêm trị những người có liên quan nữa là!

Với lại, đến giờ đã qua ba ngày rồi. Nếu Cao tiểu thư không chịu khuất phục, e rằng sớm đã tự tử chết mất rồi còn đâu. Nếu nàng sợ chết khuất phục, bây giờ chẳng biết đã đem thân tiếp bao nhiêu người khách rồi, có cứu cũng đã muộn. Nếu nàng đã rơi vào hoàn cảnh như vậy, nàng còn chịu trở về gặp lại thân nhân và gia nhân cũ của mình sao?”

Dương Lăng suy tính trong lòng như thế, ngẩng đầu lên thấy Ấu Nương và Ngọc Tỷ Nhi, Tuyết Lý Mai đang tha thiết chờ đợi, ánh mắt tín nhiệm vô hạn, lại nhìn thấy thiếu nữ vẫn không ngừng dập đầu, trán đầy những vết máu loang lổ. Y không khỏi thở dài một tiếng, giậm chân liên tục nói:

- Được, được! Ta đi! Các cô ở nhà đợi, ta lập tức vào thành, đi Giáo Phường ty.

Dương Lăng vội vàng đi tới chỗ đóng quân, gọi bốn thị vệ mang đao, lên ngựa lao về phía kinh thành. Con đường trong thôn uốn lượn liên tục, ngựa không chạy nhanh được. Mất cả buổi y mới rẽ được ra quan đạo.

Phải làm sao để cứu người được? Nếu đây là thủ đoạn xuất phát từ sự trả thù của hoàng đế Chính Đức, mà mình tùy tiện cứu người ra, vậy...

Một trận gió thổi qua, Dương Lăng nghĩ tới kết quả của người nhà Cao thái y, không khỏi rùng mình. Y quay phắt đầu nhìn về phía thôn, do quá xa nên hai ngọn đèn lồng trước cửa nhà đã biến thành những điểm sáng nhạt nhòa.

Dương Lăng tự cảnh tỉnh: con đường làm quan cực kỳ hung hiểm. Hôm nay ta rất oai phong ở triều đình, nhưng vạn nhất có một ngày không ổn, sẽ thành ra kết cục gì? Nếu Ấu Nương của ta, và những nữ hài nhi luôn luôn đi theo bên người ta cũng bị đưa đến...

Lòng Dương Lăng lạnh đi: “Ta không thể cứ thờ ơ như vậy, không thể chỉ dựa vào lòng tin của Hoàng Đế; nơi an toàn nhất cũng là nơi hung hiểm nhất. Vì an toàn của những người ta yêu dấu, ta phải nghĩ biện pháp để có năng lực tự bảo vệ. Nếu có người cố tình gây bất lợi cho ta, cho dù hắn là Hoàng Đế, thì hắn cũng là kẻ thù của ta. Dương Lăng ta làm việc chỉ theo lương tâm, chứ không nói gì tới ‘vua tôi cha con’ cả!"

Không dám hành sự lỗ mãng, trước hết Dương Lăng tới chỗ Cẩm Y Vệ gặp Tiền Ninh. Nghe y nói muốn cứu khâm phạm, Tiền Ninh cũng có vẻ sợ hãi. Nhưng thằng nhãi này cũng còn có chút lương tâm, sau mấy lần khuyên can không được, gã cũng kể cho y rõ về mấy thứ quy định của Giáo Phường ty, sau đó gã mới bảo là có chuyện quan trọng cần làm rồi vội vàng chạy mất.

Thì ra Giáo Phường ty trực thuộc bộ Lễ, gồm các quan chức Tả Hữu Thiều Vũ, Tả Hữu Ty Nhạc. Không phải là chỉ quản lý quan kỹ (kỹ nữ nhà nước) mà Giáo Phường ty còn là cơ quan tổ chức lễ nhạc cho triều đình. Các tiết mục âm nhạc của đại lễ cung đình đều do Giáo Phường ty phụ trách.

Giáo Phường ty phân ra hai loại là kỹ gia (kỹ nữ) và nhạc gia (nhạc công). Trong kỹ gia, đám con trai con gái phải sống với kiếp bán rẻ tiếng cười mua vui cho thiên hạ; còn đám nhạc công trong nhạc gia thì cũng giống như nhạc kỹ bình thường. Một khi vào Giáo Phường ty, con cháu đời đời sẽ phải nam là nô lệ, nữ là xướng ca. Thậm chí hiện nay có không ít kỹ nữ Giáo Phường ty là hậu duệ của những quan lại, đại thần, vương hầu đã phạm tội cả trăm năm trước.

Tuy nói Giáo Phường ty do Tả Hữu Thiều Vũ, Tả Hữu Ty Nhạc phụ trách, nhưng vì lễ nhạc cung đình thường thường phải do Giáo Phường ty phụ trách tập luyện diễn tấu nên để tiện điều hành, trong cung còn có một vị thái giám phụ trách chỉ huy Giáo Phường ty. Người này mới là người cầm quyền chính thức của Giáo Phường ty. Trước kia Lưu Cẩn từng làm thái giám chủ quản Giáo Phường ty, sau vì bị người tố giác nhận hối lộ nên lão bị Hoằng Trị miễn chức, chuyển tới làm ở Chung Cổ ty. Mỗi ngày lão cho gõ chuông đánh trống, tuy vẫn làm công việc thuộc dòng nhạc, nhưng lại không có thực quyền như trước.

Vừa nghe thái giám trong cung phụ trách Giáo Phường ty, Dương Lăng không khỏi mừng rỡ. Hiện nay, khi y đã ra mặt, cho dù là Vương Nhạc Vương công công cũng phải nể mặt vài phần, huống chi là kẻ khác. Cho dù vì e dè Chính Đức nên nhất thời y không cứu người ra được, thì chỉ cần y xin thái giám chủ quản nói một câu, tạm thời không đưa Cao tiểu thư đi đón khách cũng đã hoãn binh được một thời gian rồi.

Dương Lăng suy tính xong, bèn không đi Giáo Phường ty nữa mà trước hết chạy tới hoàng thành. Tới ngoài cửa hoàng thành, y mới sực nhớ ra bây giờ cung điện đã đóng cửa, cho dù y có trình thẻ ngà được phép vào cung cũng đừng nghĩ tới việc kêu mở cửa cung ra được, y không khỏi tròn mắt, sững người.

o0o

Giáo Phường ty ở phía nam kinh thành. Ba bước một lầu, năm bước một viện, kỹ viện ca lâu ở kinh sư phần lớn tập trung ở đây. Bên trong Giáo Phường ty, Hữu Thiều Vũ Tư Không Minh đang bắt chéo chân thưởng thức trà nóng, mí mắt cụp xuống, hỏi người đối diện:

- Nhà họ Cao vẫn không có ai tới à?

Người đứng trước mặt lão ước chừng năm mươi tuổi, có hai hàng râu dài, mặc áo ngắn, đầu đội khăn cột góc màu xanh lá, cười bồi:

- Đại nhân! Nhà họ Cao bị tịch biên gia sản không còn gì, cả nhà hoặc chết hoặc bị bán làm nô lệ, làm gì có người bỏ tiền ra chứ.

Tư Không Minh hừ một tiếng không vui. Phụ nữ ở Giáo Phường ty có mấy loại ca kỹ, vũ kỹ, nhạc kỹ. Ý chỉ của Hoàng Thượng không nói rõ loại tiếp khách nên Giáo Phường ty có quyền an bài loại chức nghiệp cho cô tiểu thư này.

Nếu họ Cao có thể bỏ nhiều tiền nhiều bạc đút lót cho gã, mặc dù Cao tiểu thư cả đời vẫn là kỹ nữ, hơn nữa tương lai nếu lập gia đình có con có cái thì chúng vẫn tiếp tục làm nghề ca xướng, nhưng nàng không bắt buộc phải là kỹ nữ bán mình. Tư Không Minh còn tưởng mình có thể chấm mút một chút. Bây giờ nhìn lại nhà họ Cao, quả nhiên là tường đổ người chạy, rốt cuộc không còn ai có thể đỡ một tay.

Gã cầm chén trà uống rột một hơi. Nhìn thấy tên kỹ nam nón xanh vẫn còn đứng trước mặt, gã không khỏi trừng mắt ra lệnh:

- Còn đứng đó làm gì? Đi, gọi vài người tắm táp cô Đại tiểu thư đó, đêm nay treo biển hành nghề đón khách.

Tên nón xanh xoa xoa tay cười xu nịnh:

- Đại nhân! Con bé đó tính tình ghê lắm, còn chúng ta không thể đắc tội với khách được. Hay là trước hết tiểu nhân mở hàng cho nàng. Phụ nữ mà, đã có một lần, cô nàng cũng sẽ không còn gìn giữ gì nữa.

Tư Không Minh vừa nghe thế bèn phá lên cười lớn, đoạn vừa cười vừa mắng:

- Giáo Phường ty chúng ta nhiều năm rồi chưa có cô gái thanh danh cao quý nào cả. Cô tiểu thư Văn Tâm này có cha là y quan, là thái y hầu hạ Hoàng Thượng, bản thân nàng lại là một nữ thần y. Có cả hàng đàn hàng lũ mong muốn thưởng thức nàng lắm, không cho ngươi động vào. Chỉ cần tung ra vài lời đồn, cái giá cho lần đầu thưởng thức sẽ tăng lên rất nhiều, ha ha ha ha...
Bình Luận (0)
Comment