Người Cô Độc

Chương 1

Tỉnh giấc bắt đầu bằng việc nhận thức tôi và hiện tại. Hắn mở mắt và cứ thế nằm yên đó, nhìn bâng quơ lên trần nhà và vào trong chính hắn cho đến khi ý thức được tôi của mình. Để từ đó biết được rằng hắn đang ở đây, trong cái hiện tại của ngày mới. Rồi ý niệm về nơi chốn chậm rãi đến với hắn làm hắn yên lòng đôi chút; vì nơi chốn ấy, trong cái buổi sáng này, là nơi mà hắn gọi là NHÀ.

Nhưng hiện tại không chỉ đơn thuần là hiện tại. Hiện tại còn là một gợi nhớ đau thương: là một ngày sau ngày trước đó, một năm sau năm trước đó. Mọi hiện tại đều được gắn mác với ngày của chính nó, kết nối quá khứ cổ xưa với hiện tại, cho đến khi - sớm hay muộn - mà có lẽ - không, không phải có lẽ, mà là chắc chắn - giây phút đó sẽ đến.

Nỗi sợ hãi vặn nhéo mọi tế bào thần kinh trong hắn. Phát bệnh khi nghĩ đến điều đang đợi ngoài kia, cái chết đang chờ hắn.

Nhưng trước đó, cái bộ não kỷ luật không gì xoay chuyển được vẫn đang chiếm giữ quyền kiểm soát cơ thể này và đang dần ra lệnh cho chúng hoạt động từng bộ phận một: đôi chân duỗi dài, phần lưng dưới khẽ cựa mình, những ngón tay siết lại rồi thả ra. Và giờ thì, tổng thể cái bộ máy đó đang chuẩn bị thi hành cái mệnh lệnh đầu tiên được đưa ra trong ngày: NGỒI DẬY.

Cái thân thể đó ngoan ngoãn nhấc mình rời khỏi giường - khẽ nhăn mặt bởi cơn đau từ chứng viêm khớp nơi ngón tay và đầu gối trái, hơi buồn nôn vì cơn đau dạ dày lại đang trỗi dậy hành hạ - trần truồng lê bước vào nhà tắm, với cái bàng quang trống rỗng trong cái thân thể nặng trên bẩy mươi kí lô, bất chấp những nỗ lực như hành xác trong phòng tập thể dục của hắn! Hắn đi tới trước gương.

Những gì hiện ra trong chiếc gương kia không chỉ đơn giản là một khuôn mặt mà còn là vết hằn sâu của những khắc khổ. Đó là những gì hắn đã tự chuốc lấy, là mớ ngổn ngang hắn đã tự đặt mình vào sau năm mươi tám năm ròng rã. Phản chiếu trên đó là cái nhìn vô hồn buồn bã, chiếc mũi thô kệch, cái miệng chảy xệ tới tận góc của khuôn mặt, nhăn nhó như thể hắn đang ngậm trong miệng cả một nhúm thuốc độc; hai gò má hốc hác thiếu vắng những thớ thịt; cổ họng ẩn nấp trong những chùm nếp nhăn ủ rũ. Đôi mắt sầu muộn như thể của một người vừa chạy hay bơi đến không còn một chút sức lực nào trong người. Cái thân thể tạo hóa tạo ra đó sẽ cứ vật lộn không ngừng cho đến khi nó không còn có thể tiếp tục được nữa. Không phải vì nó kiên cường. Mà vì nó không thể hình dung ra một con đường nào khác.

Cứ dán mắt vào trong gương bất định, hắn nhìn thấy nhiều khuôn mặt khác nhau lấp ló trong khuôn mặt của chính hắn - khuôn mặt của một đứa trẻ sơ sinh, một cậu nhóc, một chàng trai trẻ, rồi của một chàng trai không còn trẻ lắm - tất cả vẫn tồn tại trong hắn, được bảo quản như những tảng hóa thạch cứ xếp chồng lên nhau, lớp này đến lớp khác, và, cũng giống như hóa thạch, chúng đã không còn sự sống. Thông điệp chúng gửi đến cho cái xác sống của tạo hóa này là: Hãy nhìn chúng ta đây - chúng ta đã chết - chết thì có gì mà phải sợ?

Rồi hắn trả lời họ: Nhưng cái chết đến với các người thật từ tốn và dễ dàng. Ta sợ phải vội vã.

Hắn cứ nhìn rồi nhìn, cứ đăm đăm vào chính hắn trong chiếc gương kia. Đôi môi hắn khẽ rời nhau ra. Hắn bắt đầu thở qua khóe miệng. Cho đến khi bộ não hắn nóng lòng ra lệnh cho hắn rửa mặt, cạo râu và chải tóc. Cái thân thể trần truồng của hắn cần phải được che chắn. Hắn phải mặc quần áo vào, vì hắn đang sắp phải ra ngoài, bước vào thế giới của những con người khác ngoài kia, mà những người này cần được nhìn nhận về hắn như những gì hắn đã gầy dựng. Hành vi của hắn cần phải nằm trong sự thỏa đáng với họ.

Chậm rãi, hắn rửa mặt, cạo râu và chải tóc, để hắn có thể tiếp nhận những trách nhiệm của chính hắn đối với những con người ngoài kia. Hắn thậm chí lại cảm thấy phấn chấn vì trong thế giới ngoài kia, có chỗ cho hắn. Hắn biết người ta mong đợi gì.

Hắn biết tên của hắn. Người ta gọi hắn là George.

Đến khi đã ăn vận chỉnh tề, hắn đã dần trở lại là Ông- một người trung niên đĩnh đạc, đã dần trở lại, dù ít dù nhiều, là George - mặc dù không hoàn toàn là George mà người ta trông đợi và sẵn sàng để nhận ra. Ai gọi điện cho hắn vào giờ này của buổi sáng chắc hẳn sẽ ngạc nhiên và bối rối, thậm chí sợ hãi, nếu họ có thể thực sự thấy được cái thể xác chỉ ba phần người này là thứ mà họ đang nói chuyện cùng. Nhưng, dĩ nhiên, họ sẽ không bao giờ biết - giọng của hắn bắt chước George của họ hầu như hoàn hảo. Thậm chí Charlotte cũng bị nó qua mặt. Chỉ đôi ba lần bà cảm nhận được điều gì đó không tự nhiên, bà hỏi: “Geo - anh vẫn ổn chứ?”

Ông đi qua căn phòng phía ngoài, nơi ông gọi là phòng đọc, và đi xuống cầu thang. Những bậc thang hẹp và dốc rẽ vào một góc căn nhà. Bạn có thể chạm vào cả hai tay vịn của lan can bằng khuỷu tay của mình, và phải cúi đầu xuống, ngay cả khi nếu bạn giống như George, chỉ cao 1 mét 73. Căn nhà này khá nhỏ và được tính toán để sử dụng triệt để diện tích. Ông thường cảm thấy được bảo vệ trong sự chật hẹp của căn nhà; chẳng có chỗ để mà cảm thấy cô độc.

Ấy thế mà...

Hình dung hai con người, sống cùng nhau ngày qua ngày, tháng đoạn tháng, năm tiếp năm, trong một khoảng không gian nhỏ hẹp, khuỷu tay chạm khuỷu tay khi đứng nấu nướng bên bếp lò, ép vào nhau trong những bậc thang chật chội, cùng đứng cạo râu trước tấm gương nhỏ trong phòng tắm, không ngừng đụng chạm, huých đẩy vào thân thể của nhau vô tình hay hữu ý, với tràn đầy nhục dục, mạnh bạo, ngượng ngùng và nóng vội, trong thịnh nộ lẫn trong ý tình - hình dung những gì mà họ đã khắc dấu vô hình vào trong từng khoảng không, từng ngõ ngách của căn nhà. Cánh cửa phòng bếp được xây quá hẹp. Hai con người trong vội vã, với thức ăn trong đĩa trên tay, không khỏi chạm vào nhau nơi này. Và cũng tại đây, hầu như mọi buổi sáng, khi George đặt chân tới nấc cuối cùng của bậc thang, ông lại có cảm giác bất chợt như thấy mình đang ở trên một tấm răng cưa lởm chởm, tàn độc và vỡ vụn ra từng mảnh - cho dù những dấu vết đã phai nhạt và chìm vào trong đổ nát.

Và giờ, tại nơi đây, ông dừng lại trong khoảnh khắc và nhận thức với một nỗi thống khổ tột cùng như thể nó chỉ mới vừa hôm qua đấy thôi: Jim đã chết. Đã chết.

Ông đứng trân trân ở đó trong yên lặng, đợi cho cơn đau thắt qua đi. Rồi ông bước vào trong bếp. Những cơn đau vào những buổi sáng như thế này quá mãnh liệt để có thể dập tắt bằng sự đa cảm. Khi chúng qua đi, ông thấy nhẹ nhõm. Như thể vượt qua một cơn chuột rút khủng khiếp.

Hôm nay có nhiều kiến chạy thành từng hàng dài cong cong uốn lượn dọc sàn nhà, trèo qua bồn rửa bát và đe dọa ngăn tủ nơi ông cất giữ mứt và mật ong. Ông với tay lấy bình xịt côn trùng và bất chợt tưởng tượng ra hình ảnh mình như một kẻ già nua ngoan cố và đầy ác tâm đang ra oai trước đám côn trùng đáng để ta ngưỡng mộ và học hỏi này. Sinh vật sống hủy hoại sinh vật sống - trước sự chứng kiến của những đồ vô tri giác - nồi và chảo, dao và dĩa, hộp và chai - những thứ không góp mặt trong vương quốc của sự tiến hóa. Tại sao? Tại sao? Có phải những kẻ thù từ vũ trụ, những kẻ bạo chúa không gian đang cố làm lu mờ chúng ta trước sự tồn tại của chính ông bằng cách sắp đặt cho chúng ta chiến đấu chống lại những đồng minh của tạo hóa khác, những đồng nạn nhân với sự tàn bạo của chính ông? Nhưng, than ôi, trong lúc George đang mải chìm đắm trong những suy nghĩ mông lung này thì đàn kiến đã chết sạch, thân xác chúng bị chùi sạch bằng tấm giẻ ướt và được giũ bỏ bởi những dòng nước xối mạnh xuống bồn rửa bát.

Ông tự chuẩn bị cho mình một đĩa đồ ăn sáng gồm trứng chần, thịt lợn muối xông khói với bánh mì nướng và cà phê. Ông ngồi xuống một góc bên chiếc bàn ăn và bắt đầu nhai. Trong đầu ông không ngừng vang lên những vần điệu mà vú nuôi của ông đã dạy khi ông còn là một đứa trẻ ở Anh quốc hàng chục năm về trước:

Trứng chần ăn với bánh mì nướng rất ngon.

Ông vẫn nhớ rõ từng nét trên khuôn mặt của bà, mái tóc bạc với đôi mắt màu chuột xám, thân hình đẫy đà bưng bữa sáng trong khay đặt gọn gàng, hơi thở của bà đứt quãng vì phải trèo qua những bậc thang dài. Bà thường càu nhàu với từng bậc thang và gọi chúng là “Những ngọn núi gỗ” - một trong những câu nói nhiệm màu của tuổi thơ ông.

Trứng chần ăn với bánh mì nướng rất ngon.

Nếu đã ăn lần một, bạn sẽ muốn ăn lần hai!

A, những kỷ niệm ấm áp đến se lòng của những khoái lạc được nâng niu chăm sóc đó! Ông chủ George nhâm nhi bữa sáng của mình, vú nuôi đứng nhìn, mỉm cười và đoán chắc rằng họ được bình an trong thế giới bi đát nhỏ bé thân yêu của họ!

Bữa ăn sáng với Jim đã từng là một trong những thời điểm đẹp nhất trong ngày của họ. Đó là lúc, khi đang tận hưởng tách cà phê thứ hai hay thứ ba của mình, họ chia sẻ với nhau những giây phút chuyện trò tuyệt diệu nhất. Họ nói với nhau về mọi thứ, về bất kể điều gì trong đầu họ - dĩ nhiên, cả về cái chết, về sự tồn tại sau cái chết là có hay không, nếu có, thì điều gì sẽ còn được giữ lại. Họ thậm chí còn thường xuyên chia sẻ với nhau quan điểm về cái lợi và cái hại của việc bị mưu sát và về việc dự báo trước cái chết của mình. Nhưng giờ George không tài nào nhớ nổi quan điểm của Jim trong các vấn đề này. Những câu hỏi đó thật khó để tiếp nhận một cách nghiêm túc. Họ đã trông thật học thuyết, hàn lâm.

Cứ giả sử rằng kẻ đã chết có thể quay về thăm người còn sống. Rằng một vật thể hữu hình hay vô hình nào đó được gọi là Jim quay trở về để biết George đang sống tiếp ra sao. Liệu nó có thỏa mãn một chút nào? Liệu nó thậm chí có đáng không? Trường hợp tốt đẹp nhất, dĩ nhiên, là nó sẽ như chuyến viếng thăm ngắn ngủi của kẻ đang dõi theo từ một đất nước khác, người được phép nhìn trộm trong giây lát từ sự tự do bao la của chính anh ta để trong xa cách, qua những tấm kính, nhìn thấy hình hài đang ngồi lặng lẽ bên chiếc bàn nhỏ trong căn phòng chật hẹp này, đang ăn những quả trứng chần trong im lặng và cô độc, như một tù nhân của sự sống.

Căn phòng khách thấp trần và tối tăm với những chiếc giá sách trải dài dọc trên các bức tường đối diện cửa sổ. Những cuốn sách này đã không biến George trở nên cao quý, tốt đẹp hay khôn ngoan hơn. Chỉ là ông thích được nghe tiếng nói của chúng, cuốn này hay cuốn khác, tùy vào tâm trạng của ông. Ông bạc đãi chúng một cách nhẫn tâm - bất chấp những gì ông nói về nó trước công chúng - để đem ông chìm vào giấc ngủ, để cướp đi tâm trí của ông từ tay kẻ nắm giữ thời gian, để giúp ông thư giãn trước những cơn đau co thắt do chứng hở môn vị giày vò, để tán gẫu cùng ông và kéo ông ra khỏi sự sầu muộn, để khai mở những phản xạ có điều kiện của kết tràng của ông.

Ông đưa tay lấy một trong số chúng xuống, và Ruskin nói với ông[2]: “Bạn thích những khẩu súng hơi khi còn là một đứa nhóc, rãnh súng và Armstrongs là những điều giống nhau duy nhất được tạo ra hoàn hảo. Điều tệ hại nhất là, là một đứa trẻ bạn thích bắn, những con chim nhạn lại ghét bị bắn. Là một người lớn, bạn chơi với quyền lực của chính trị, những kẻ thấp cổ bé họng ở nước Mỹ này, lại không thích bị chĩa mũi dùi vào họ. Khi đối mặt với những con đại bàng lớn, bạn sợ không dám bắn chúng, và nếu tôi không lầm thì bạn không dũng cảm trước những anh chàng cao lớn như bạn đã dũng cảm trước những chú chim nhỏ.”

[2] John Ruskin (1819-1900): nhà văn, nhà phê bình nghệ thuật và bình luận xã hội người Anh.

Ông già Ruskin quá quắt, luôn luôn thâm thúy trong từng câu nói, điên khùng và không trói buộc, với sự mỉa mai tinh tế trong ngôn ngữ của mình - ông ta chính là tri kỷ hoàn hảo cho năm phút trong nhà cầu sáng nay. George thấy bụng mình chuyển động và vội vã trèo qua những bậc thang để đi vào nhà vệ sinh, sách cầm trên tay.

Ngồi ung dung trên bệ, ông có thể nhìn thấy cảnh vật ngoài kia qua cửa sổ. Những người hàng xóm bên kia đường cũng có thể nhìn thấy từ vai ông trở lên, nhưng không thể thấy việc ông đang làm. Một buổi sáng mùa đông California xám xịt và ấm áp; bầu trời thấp và êm ái với sương mù Thái Bình Dương. Xa xa dưới bến cảng ngoài kia, bầu trời và đại dương sẽ chỉ mang một màu xám xịt u ám. Từng hàng cọ vẫn đứng đó hiên ngang và những giọt sương rịn ra trên lá các bụi trúc đào.

Con đường này mang tên Hẻm cây Nhãn. Có thể tại nơi đây những cây nhãn đã từng mọc quanh; nhưng giờ thì chẳng còn thấy bóng dáng chúng đâu. Nhiều khả năng cái tên này được chọn bởi những người khai hoang đang tìm cách chạy trốn khỏi thành phố Los Angeles bụi bặm và Pasadena[3] hợm hĩnh ngột ngạt, những người đã đặt chân đến đây vào đầu thế kỷ 20 và bị quyến rũ bởi vẻ đẹp như tranh vẽ của nơi này. Họ gọi căn nhà gỗ một tầng trát vữa và những căn lán vách che của họ là biệt thự ngoại ô, đặt cho chúng những cái tên dễ thương như “Mũi Boong” và “Nhà Tranh”, họ gọi những con đường của họ là hẻm, ngõ và đường mòn cho hợp với không gian rừng làng mà họ muốn tạo ra. Giấc mơ lý tưởng của họ là tạo ra một khu làng nhiệt đới Anh Quốc theo kiểu Montmartre[4]: một địa điểm hoàn hảo, nơi bạn có thể vẽ một chút tranh, viết một chút văn và uống rượu thật nhiều. Họ tự coi mình là những chiến binh đang gắng sức thực hiện những nỗ lực cuối cùng để chống lại thế kỷ 20. Họ gào rú lên lời cảm ơn từ sáng đến tối vì đã thoát khỏi tính con buôn thành thị đang dần hủy hoại tâm hồn những con người sống trong nó. Họ trần tục, hồ hởi, bướng bỉnh và không theo lề thói xã hội thông thường, tò mò không ngừng nghỉ về hành vi của nhau và khoan dung vô bờ bến. Họ đánh nhau bằng nắm đấm, bằng vỏ chai và đồ vật, chứ không bằng luật sư. Đa phần bọn họ đã may mắn chết trước khi Đại biến chuyển diễn ra.

[3] Pasadena: Một thành phố thuộc tiểu bang California, Hoa Kỳ.

[4] Montmartre: Một khu phố cổ của Paris, từng là nơi tập trung của nhiều họa sĩ nổi tiếng.

Đại biến chuyển bắt đầu vào những năm cuối thập của niên 40, thế kỷ 20, khi những cựu chiến binh của Đại chiến Thế giới II ồ ạt rời khỏi Bờ Đông, cùng với những cô vợ mới cưới của họ, như những bầy ong vỡ tổ, đi tìm những vùng đất màu mỡ sinh sôi mới của miền Nam đầy nắng gió, nơi dừng chân để giũ bỏ nỗi nhớ nhà thoáng qua trong họ trước khi giong buồm ra khơi Thái Bình Dương bao la. Và có mảnh đất nào màu mỡ hơn vùng đồi núi thân thiện này, chỉ năm phút đi bộ là ra tới biển, và chẳng có bóng dáng xa lộ đông đúc ồn ào nào cản trở họ tạo ra những thằng cu, con nhóc mới. Vậy nên, những căn nhà ngoại ô, nơi đã từng nồng nặc mùi rượu tự nấu, nơi đã từng luôn tràn ngập tiếng thơ Hart Crane[5], cứ từng cái từng cái một trở thành nơi chiếm đóng của đội quân xem ti vi và uống Coca.

[5] Hart Cane (21/07/1899 đến 27/04/1932): là nhà thơ nổi tiếng người Mỹ, người có ảnh hưởng lớn đến phong trào văn thơ trong thế hệ của ông.

Những cựu chiến binh đó, không chút nghi ngờ, đã thích nghi với sự tự do phóng khoáng bản năng của mảnh đất này khá tốt. Nhưng các cô vợ đã cảnh báo với họ ngay từ những ngày đầu rất rõ ràng, rằng sự phồn vinh và tự do là không cùng tồn tại. Để có sự phồn vinh bạn cần phải có công việc ổn định, cần có sự cầm cố, có tài sản và bảo hiểm. Và bạn không dám chết cho đến khi tương lai của gia đình đã được đảm bảo.

Những thằng cu, con nhóc cứ phọt ra từng đứa, từng đứa một. Và ngôi trường làng nhỏ bé cũ kỹ đã trở thành những tòa cao ốc mới coong. Khu chợ tồi tàn ven biển đã mở rộng thành siêu thị quy mô. Và ở Hẻm cây Nhãn, hai biển hiệu được dựng lên. Một trong số chúng cảnh báo bạn không nên ăn những ngọn cải xoong mọc hai bên bờ sông, vì nước ở đó đã bị ô nhiễm nặng. Những người khai hoang thuở xưa đã ăn chúng hàng năm trời chẳng thấy có vấn đề gì xảy ra. George và Jim cũng đã thử, chúng có vị ngon đến lạ lùng. Biển báo còn lại - những nét vẽ đen trên nền vàng - cảnh báo KHU VỰC NHIỀU TRẺ EM.

Dĩ nhiên, George và Jim đã chú ý đến tấm biển báo vàng ngay trong lần đầu tiên họ đặt chân đến nơi này để tìm mua nhà. Nhưng đã lờ chúng đi vì họ đã quá yêu mến nơi này. Họ yêu căn nhà này, vì để đến được nó bạn chỉ có con đường duy nhất là cây cầu bắc qua sông đằng xa kia; căn nhà nằm khuất trong những hàng cây cao và bờ đá chót vót, khiến nơi đây trở nên như một căn lán tận sâu trong rừng vắng. “Đây là hòn đảo của riêng chúng ta”, George đã nói khi họ đang bước qua cổng vào, xác lá ngô đồng ngụp đến tận mắt cá chân, đó cũng chính là lúc họ quyết định, kể từ giờ, sẽ yêu mọi thứ thuộc về nơi này. Sánh vai bước vào căn phòng khách tối tăm và ẩm ướt, họ nói với nhau nơi đây sẽ ấm cúng biết chừng nào khi đêm xuống bên ánh lửa bập bùng nơi lò sưởi. Những rặng thường xuân rậm rạp già nua, nửa sống, nửa chết héo khô, queo quắt bám chặt lấy bốn bề garage, khiến nó có vẻ rộng gấp đôi. Thực tế, bên trong nó chỉ là một khoảng không gian chật chội, bé tẹo teo, được xây dựng từ thời mẫu xe T. Ford còn đang thịnh hành. Jim nói họ sẽ nuôi một vài con vật ở đây, xe của họ quá lớn đối với gara này, họ sẽ đỗ chúng ngoài đầu cầu. Cây cầu cũng có vẻ như bắt đầu lún dần, Jim lại nói, “Ừ thì, ít nhất nó cũng sẽ không sập trước khi chúng ta chết”.

Không ngạc nhiên khi những đứa trẻ trong khu nghĩ về căn nhà giống y như George và Jim đã nghĩ trong buổi sáng đầu tiên họ nhìn thấy nó. Ẩm thấp, tối tăm và bí ẩn với những rặng tường vi phủ kín, nơi hoàn hảo cho những con quái vật trong câu chuyện cổ tích xưa ẩn náu. Chính xác là vai diễn mà George thấy mình khoác lên người, và ngày càng mãnh liệt hơn kể từ khi ông sống một mình. Nó giải phóng một phần bản chất con người ông, phần mà ông ghét phải để cho Jim nhìn thấy. Jim sẽ nói gì khi thấy ông vung vẩy hai tay và gào rú như một kẻ khùng điên qua ô cửa sổ, khi thấy nhóc Benny nhà Strunk và nhóc Joe nhà Garfein thách đố nhau chạy qua chạy lại cây cầu bắc qua nhà George? Jim lúc nào cũng bắt chuyện với chúng thật dễ dàng. Anh để cho chúng vỗ về những con chồn hôi và gấu trúc Bắc Mỹ, và nói chuyện với sáo sậu, chúng đã chẳng bao giờ bước qua cầu khi không được mời.

Bà Strunk, sống bên kia cầu, thỉnh thoảng cũng nghiêm khắc quở mắng con bà hãy để ông được yên, rằng ông là một giáo sư đại học, ông phải làm việc vất vả. Nhưng bà Strunk, Chúa rủ lòng lành, bà quả một phụ nữ hiền hậu - đầu tắt mặt tối với công việc nhà, cam chịu từ bỏ những ngày tháng ca hát trên radio để chăm sóc cho năm cậu nhóc và hai cô nhóc của ông Strunk - cũng không kiềm chế nổi mình khỏi nói với George, bằng một nụ cười áy náy pha lẫn chút đồng tình, rằng Benny (đứa con nhỏ nhất của bà) gọi ông là “Ông già ấy”, kể từ khi George rượt đuổi Benny ra khỏi khu vườn của ông, qua cây cầu và tới tận cuối phố; rằng ông bị nó nện lên ngưỡng cửa hằng ngày bằng một cây búa tạ.

George cảm thấy xấu hổ khi thấy mình gầm rú như vậy, vì đó không phải chỉ là đóng kịch. Ông thực sự đã không giữ được bình tĩnh, đã thực sự cáu giận. Ông thấy bẽ mặt và chán ghét chính mình sau đó. Ông cũng nhận thức khá rõ rằng bọn trẻ muốn ông hành xử theo lối này. Chúng thực sự thích thú khi thấy ông nổi đóa. Nếu có một ngày kia ông bỗng nhiên từ chối đóng vai quái vật, và chúng không còn có thể chọc tức ông được nữa, thì chúng sẽ phải tìm trò chơi khác thay thế. Câu hỏi liệu đây có phải chỉ là diễn kịch hay ông thực sự ghét chúng chẳng bao giờ vụt qua tâm trí chúng. Đối với chúng, ông chỉ là một nhân vật trong câu chuyện thần thoại của chúng mà thôi. Chỉ có George là để tâm. Đã có lúc ông thấy quá xấu hổ với những phút yếu đuối không giữ nổi mình của ông, ông mua kẹo và chia cho chúng khi gặp chúng trên phố, khoảng một tháng trước. Chúng nhận nó mà không nói một lời cảm ơn, chúng nhìn ông lạ lẫm và dè chừng, trong giây phút đó, lần đầu tiên chúng biết đến con người khác của ông ngoài con quái vật trong nhà hoang.
Bình Luận (0)
Comment