Người Đàn Bà Hoang Dã

Chương 4

Tuppence bước vào phòng khách của ngôi nhà Vui Vẻ trước khi bắt đầu bữa ăn tối. Chị thấy cảnh tượng ở đây thật là vắng vẻ, quạnh hiu. Duy nhất chỉ có bà O’Rourke đang ngồi như một pho tượng Phật bên cạnh cửa sổ.

Bà O’Rourke đón tiếp Tuppence bằng một tràng câu chào thân tình:

- A! Đây có phải là chị Blenkensop yêu quý không nhỉ? Chị cũng giống tôi đấy, đến trước một lúc để hưởng vài phút yên tĩnh trước khi sang phòng ăn. Một căn phòng dễ chịu với những cửa sổ mở rộng sẽ tránh cho ta khỏi phải ngửi những thứ mùi từ trong nhà bếp xông ra... Thật là tàn nhẫn khi những nơi như thế này lại luôn bốc ra mùi hành hay mùi bắp cải xào. Lại đây, ngồi xuống cạnh tôi, chị Blenkesop, kể cho tôi nghe chị đã làm được gì trong một ngày đẹp trời như thế này và vì sao mà chị lại chọn đến ở Leahampton?

Bà O’Rourke có một thân hình vạm vỡ, giọng nói to trầm trầm sâu lắng, một cái cằm kiêu hãnh, hai con mắt tinh ranh. Bà tạo cho người đối thoại một ấn tượng là bà muốn xây dựng một hình ảnh to lớn hơn vẻ tự nhiên vốn có.

Tuppence trả lời là Leahampton bắt đầu làm chị thấy thích thú vô cùng và chị đã tìm thấy ở đây một niềm hạnh phúc.

- Nhưng sự sung sướng ấy luôn đi kèm với nỗi kinh hoàng ghê gớm chẳng bao giờ chịu xa rời tôi - Tuppence buồn rầu nói thêm.

- Thôi nào, thôi nào, đừng băn khoăn lo lắng như thế - Bà O’Rourke khuyên nhủ Tuppence một cách đầy thiện ý - Những đứa con trai tuyệt vời của chị sẽ bình an vô sự trở về với chị mà. Chuyện đó đâu có đáng để chị phải hoài nghi. Một trong bọn chúng ở trong đơn vị không lực Hoàng gia đúng không?

- Đúng thế, thằng Raymond.

- Hiện giờ nó đang sống ở trên đất Pháp hoặc còn đang ở trên nước Anh?

- Có thể nó đang có mặt ở Ai Cập. Nhưng trong bức thư cuối cùng viết cho tôi, nó giấu không cho tôi biết nó đang ở đâu. Dù sao cũng có một thỏa thuận nhỏ giữa chúng tôi với nhau. Tôi hoàn toàn có quyền được biết điều đó phải không?

- Tôi hoàn toàn nhất trí với ý kiến của chị! Bà O’Rourke nhanh nhảu trả lời - Đây là một quyền chính đáng của những bà mẹ.

- Bà có hiểu không, tôi muốn lúc nào cũng biết được cháu nó đang ở chỗ nào.

Bà O’Rourke lắc lắc đầu:

- Tôi hoàn toàn chia sẻ những tình cảm đó với chị, hãy tin tôi đi. Nếu tôi cũng có một đứa con đang ở đấy thì thể nào tôi cũng có tâm trạng như chị bây giờ. Còn đứa kia, cái thằng trong đơn vị hải quân ấy thì sao?

Tuppence rất khôn ngoan khẽ nói:

- Tôi chẳng có gì ngoài ba đứa con trai - Chị kết luận - Đây là lần đầu tiên cả ba chúng nó phải sống xa tôi. Sao chúng lại dễ thương với người mẹ đến thế! Trong thâm tâm, tôi tin rằng chúng coi tôi như là một người bạn gái hơn là một người mẹ...

Chị bật ra một tiếng cười đau khổ:

- Đôi lúc mình cần phải trở thành một tên sen đầm để bắt chúng ra khỏi nhà mà không có mẹ đi cùng.

“Tôi đang tự cho mình là một bà hoàng thích làm phiền hà người khác” - Chị nghĩ vậy, rồi nói tiếp:

- Thú thật là tôi chẳng biết phải làm gì nữa, mà cũng không biết nên đi đâu. Căn nhà cho thuê của tôi ở London đã sắp hết hợp đồng mà tôi thì cảm thấy thật ngớ ngẩn khi phải sửa sang lại nó. Thế là tôi đã nghĩ tới chuyện chuồn đến một cái góc yên tĩnh nào đó.

Một lần nữa đầu bà O’Rourke lại ngọ nguậy:

- Tôi rất hiểu chị. Vào lúc này thì London không còn là một chốn thơ mộng nữa. Chao ôi, khốn khổ quá!... Chỉ có thượng đế mới biết là tôi đã sống bao nhiêu năm trời ở đấy! Tôi đã là một người bán đồ cổ mất rồi. Có lẽ chị biết cái cửa hiệu của tôi đấy, ở trên phố Camaby ấy mà, trong khu Chelsea. Biển hiệu cửa hàng là Kate Kelly. Tôi có biết bao đồ vật dễ thương trong đó! Thật sự là những thứ hàng rất đẹp... cần thiết cho một xưởng thủy tinh. Cửa hàng Waterford, hãng Cork... đều là những thứ tuyệt vời cả. Những chiếc đèn chùm bằng pha lê, những chiếc bát dùng để uống rượu, tất cả đều rất hợp thời. Rồi cả những mặt hàng thủy tinh có xuất xứ từ nước ngoài. Vài thứ đồ đạc lặt vặt, chẳng có thứ gì là quan trọng đâu nhưng đó là những thứ hàng đẹp của thời đại, bằng gỗ sến hay gỗ dẻ. Cần thiết cả đấy... Đúng là những thứ tuyệt vời. Tôi còn có cả một lô khách hàng quen thuộc. Vậy mà khi chiến tranh xảy ra, tất cả đều chuồn thẳng. May mà tôi không bị lỗ vốn nhiều.

Một kỷ niệm mơ hồ trong ký ức của Tuppence chợt thức dậy. Một cửa hiệu bán những thứ hàng thủy tinh và người ta vừa mới khai thông được một con đường qua đây. Người nữ chủ nhân có cái vẻ bên ngoài đáng sợ... Đúng rồi, chắc chắn chị đã có dịp bước chân vào cửa hàng Kate Kelly...

Bà O’Rourke tiếp tục câu chuyện cắt ngang dòng suy tưởng của Tuppence:

- Nhưng tôi không thuộc loại người cứ suốt ngày ngồi trong nhà mà kêu ca, than vãn. Bắt đầu là ông Carley với những chiếc khăn quàng, những chiếc vỏ chăn và những tiếng rên rỉ. Ông ta đổ lỗi cho công việc đã khiến ông ta suy sụp. Còn bà vợ của ông ấy thì có vẻ ngu đần quá... Tôi còn chưa nói tới cái bà Sprot đâu đấy, một người luôn luôn không ngừng gây rắc rối cho chồng mình.

- Ông ta đang ở tiền tuyến?

- Tôi không rõ lắm. Hình như ông ta làm cho một văn phòng bảo hiểm nào đó. Ông ta giỏi giang lắm. Nhưng lại sợ chết khiếp những trận thả bom nên mới gửi vợ tới đây ngay từ ngày đầu chiến tranh. Chị để ý kỹ mà xem, tôi thấy bất cứ người phụ nữ nào khi làm vợ cũng đều được yêu quý như một đứa trẻ! Nhưng bà Sprot này lại cứ băn khoăn lo lắng đủ thứ chuyện trong khi người chồng luôn tới đây mỗi khi có điều kiện. Bà ấy không ngừng nhắc đi nhắc lại với chúng tôi rằng bà ấy không thể sống thiếu Arthur của mình... Chúng ta thừa biết là bà ấy đâu cần Arthur đến vậy! Có thể ông ta còn có bao nhiều chuyện nhỏ nhặt khác cần phải làm!

- Tôi thực sự thấy lo cho tất cả những bà mẹ đó - Tuppence khẽ nói - Nếu như người ta cứ để mặc những đứa con của mình ra đi một mình thì họ đã không còn là con người nữa rồi. Nhưng nếu đi với chúng thì lại gây khó khăn cho các ông chồng.

- Có nhiều cặp vợ chồng gắn bó sâu sắc đến mức chẳng muốn rời xa nửa bước.

- Ở đây - Tuppence chuyển chủ đề - mọi thứ giá cả đều rất hợp lý.

- Đúng vậy. Người ta có thể cho rằng làm việc gì cũng vì đồng tiền cả. Bà Perenna biết rõ nghề của mình.

Tuy nhiên bà ta có những điều là lạ.

- Tại sao thế, những điều lạ ư?

Bà O’Rourke chớp chớp mắt:

- Chị vừa bảo tôi là một người đàn bà ngồi lê đôi mách không thể sửa chữa được. Đúng thế đấy. Tôi không thể không quan tâm tới những người cùng thời với mình. Chính vì vậy mà tôi thường xuyên ngồi trong chiếc ghế bành này và quan sát. Ngồi ở đây, người ta có thể nhìn thấy ai đi vào, ai đi ra, ai ở ngoài hành lang hay đang đi dạo trong vườn. Nhưng chúng ta đang nói về chuyện gì ấy nhỉ?... À! Phải rồi, về bà Perenna và những chuyện lạ của bà ấy. Tôi đoán trong cuộc sống của người đàn bà này đã xảy ra một tấn thảm kịch.

- Bà tin thế ư?

- Tôi sẽ ra tay khám phá toàn bộ bí mật của bà ta. “Chị đến từ nơi nào của Ailen thế?”, tôi đã hỏi bà ta như vậy. Và bà ta cam đoan với tôi rằng mình không phải là một phụ nữ Ailen theo cả hai nghĩa.

- Bà nghi ngờ bà ấy chuyện gì à?

- Cứ cho là như vậy! Tôi biết những người yêu nước. Thậm chí tôi có thể nói cho chị biết nguồn gốc lai lịch của bà ấy. Nhưng câu trả lời: “Tôi là một phụ nữ Anh, còn chồng tôi là người Tây Ban Nha” của bà ấy thật đáng ngờ!

Bà O’Rourke đột ngột không nói gì nữa. Bà Sprot đang bước vào phòng khách, Tommy đi sát ngay bên cạnh.

Ngay lập tức, Tuppence phô cái tính vui vẻ hồn nhiên:

- Xin chào một buổi tối tốt lành, ông Meadowes. Tối nay, trông ông có vẻ hào hứng.

- Luyện tập, luyện tập nữa, đấy là điều bí mật của tôi - Tommy đáp lại - Sáng nay tôi có một đường đua trên sân golf và sau đó là một cuộc đi dạo khá thú vị dọc bờ biển.

- Còn tôi, chiều nay tôi dẫn cháu ra bãi biển - Bà Millicent Sprot xen vào câu chuyện - Nó rất muốn được tắm một chút, nhưng tôi cho là nước không được ấm lắm. Thế là tôi đã giúp nó xây một lâu đài bằng cát. Nhưng có một con chó lợi dụng lúc đó để cướp lấy cái áo đan dở của tôi rồi làm cho nó bị xổ tung toé. Ôi! Tôi đã gây ra một tai họa. Phải nhặt nhạnh lại tất cả những đoạn bị xổ ra ấy, mà tôi thì lại vụng về trong việc đan lát...

- Chị Blenkensop này, chị đã khéo léo xoay xở với đống len như thế - Bà O’Rourke ngắt lời và quay lại nhìn Tuppence - Chị đã tiến bộ với một tốc độ rất nhanh. Vậy mà cô Minton lại bảo rằng chị chẳng biết gì về áo len đan!

Tuppence hơi đỏ mặt. Bà O’Rourke tinh quái nhìn chị. Chị kết thúc bằng một câu như thường thấy mỗi khi phải tìm cách chống đỡ:

- Ồ! Trong cuộc đời của tôi, tôi đã đan nhiều áo lắm. Tôi cũng đã nói với cô Minton như vậy. Nhưng tôi tin là cô ấy thích đóng những vai bà chủ của trường học.

Mọi người cất tiếng cười để biểu lộ sự đồng ý của mình. Một vài phút sau, những người đi an dưỡng khác cũng đã tới. Tiếng chuông báo hiệu bữa ăn trưa đã sẵn sàng phục vụ.

Câu chuyện trong bữa ăn xoay quanh một chủ đề ưa thích là công tác phản gián và những tên gián điệp.

Tự nhiên mọi người liên tưởng tới những chuyện trào phúng từ thời xa xưa nhất: Chuyện về một nữ tu sĩ có những bắp thịt nổi cuồn cuộn, chuyện về một người chăn cừu đáng kính từ trên trời xuống hạ giới và bị lộ bởi... một câu nói truyền đạo trong lúc làm lễ, chuyện về một chị nấu bếp người Áo đã cất giấu chiếc máy thu phát trong ống khói lò sưởi... Sau đó mọi người chuyển sang những hoạt động của ĐỘI QUÂN THỨ NĂM. Họ kết tội những tên phát xít của nước Anh, kết tội cả những người từ chối cầm súng vì thấy trái với lương tâm. Tóm lại, đây là một loại chuyện bình thường nhất và ngày nào cũng diễn ra những câu chuyện tương tự như vậy. Tuppence chãm chú quan sát cảm xúc thể hiện trên những khuôn mặt và cử chỉ của mỗi người để cố nắm bắt được một điều gì đấy. Nhưng chị không thu được kết quả gì. Chỉ có Sheila Perenna là không tham gia vào cuộc tranh luận. Nhưng người ta cũng có thể im lặng để thể hiện thái độ lặng thinh theo thói quen của mình. Khuôn mặt xinh đẹp của cô lúc này trong có vẻ gì đó vừa quàu quạu lại vừa xa vời.

Tối hôm nay không có mặt Karl Von Deinim. Những cái lưỡi cũng rối rít cả lên rồi.

Gần đến cuối bữa ăn, Sheila Perenna mới mở miệng.

Bà Sprot ngay lập tức lưu ý mọi người bằng giọng nói nhỏ nhẹ êm dịu của mình:

- Tôi không định tìm hiểu xem vì sao những người Đức lại có thể phạm phải một sai lầm ghê gớm như vậy khi xử bắn bà Cavell trong cuộc chiến tranh cuối cùng này. Làm như thế là chọc tức toàn thế giới.

Thế là cô Sheila lập tức đốp chát lại với cái giọng thách thức của một thiếu niên:

- Tại sao chúng lại không xử bắn bà ta nhỉ? Đó là một con mụ gián điệp, phải không nào?

- Bà ta đâu phải là môt nữ gián điêp!

- Bà ấy đã giúp đỡ những người Anh trốn khỏi một đất nước thù địch. Có gì khác nhau nào. Tại sao chúng lại không xử bắn bà ấy nhỉ?

- Nhưng họ đã xử bắn một phụ nữ, một nữ y tá. Thêm vào đó...

Sheila đứng hẳn dậy:

- Tôi cho là những người Đức có đầy đủ lý do của họ.

Sau đó cô Sheila thoát ra ngoài qua cái cửa sổ ở sát mặt đất và đi sâu mãi vào trong khu vườn.

Đồ tráng miệng bao gồm những quả chuối chưa được chín và rất nhiều cam. Mọi người hầu như không đụng đến những thứ đó và lần lượt đứng lên đi sang phòng khách để uống cà phê. Riêng Tommy kín đáo lẻn ra ngoài và bắt gặp Sheila ở ngoài vườn. Anh nhìn thấy Sheila Perenna đang đứng cúi đầu. Anh nhẹ nhàng đến cạnh cô.

Hơi thở của cô hổn hển, dồn dập. Anh hiểu là người phụ nữ trẻ này vừa phải trải qua một cú sốc nặng nề. Cô nhận điếu thuốc lá anh mời.

- Một đêm dễ chịu. - Anh nói.

- Có thể đúng là như vậy. - Cô đáp lại bằng một giọng chua chát.

Anh chăm chú nhìn cô và thoáng chút hoài nghi. Rồi anh chợt nhận ra cô có một vẻ đẹp thật quyến rũ. Cuộc sống đã mắng mỏ cô như một dòng thác chảy dữ dội. Anh muốn thoát khỏi sức cuốn hút ở con người cô. Sheila là một người con gái mà bất cứ người đàn ông nào cũng có thể để mất đầu như chơi.

- Nếu không có chiến tranh, cô muốn làm gì? – Anh hỏi.

- Đó không phải là tất cả những gì mà tôi đã nghĩ đến. Tôi căm thù chiến tranh.

- Giống như tất cả chúng tôi.

- Nhưng không như cách của tôi. Tôi căm thù cái lối nói đạo đức giả mà người ta sử dụng để nói về chiến tranh. Tôi căm thù sự ước lệ đó, mà trên hết là tôi thực sự ghê tởm nó, cái chủ nghĩa ái quốc quái dị đó.

- Chủ nghĩa ái quốc! - Tommy giật nảy người.

- Phải. Tôi ghét cay ghét đắng chủ nghĩa ái quốc, anh hiểu không? Tổ quốc, Tổ quốc, Tổ quốc! Phản bội lại Tổ quốc... chết vì Tổ quốc... phục vụ cho Tổ quốc! Nhưng cuối cùng thì sao, Tổ quốc đó nói lên điều gì?

- Tôi không biết - Tommy nhẹ nhàng trả lời - Dù sao nó cũng có một ý nghĩa.

- Nhưng không phải cho tôi! Ồ! Tổ quốc đó dành cho anh, phải rồi, chắc chắn là như thế... Anh đã tới nơi tận cùng của thế giới. Anh làm công việc kinh doanh nhỏ ở mọi xó xỉnh trên đất nước Anh. Rồi anh trở về với nước da rám nắng và cái đầu đầy những lời sáo rỗng sau khi đã đả kích những người dân bản xứ. Đồng thời anh thích thú trước cái nhu cầu thượng hạng của những người da trắng văn minh và những lời phỉnh nịnh của họ.

- Hy vọng là tôi được đánh giá cao như thế. - Tommy lẩm bẩm nói.

- Ồ! Tôi nhận ra là mình đã phóng đại một chút rồi... Nhưng anh cần phải hiểu là tôi đang ám chỉ đến điều gì chứ. Anh đã có lòng tin vào đế chế Anh và anh tin tưởng vào cái chết ngớ ngẩn vì Tổ quốc.

- Tổ quốc của tôi - Tommy hài hước nói - không ép buộc tôi phải chết vì nó.

- Vâng, nhưng anh có làm như thế đâu. Đây chính là sự ngớ ngẩn của anh. Cái chết dũng cảm của con người vì một mục đích chẳng là gì cả. Tất cả những chuyện đó đều chỉ là những tư tưởng... của sự bẻm mép, của gió, của những lời sáo rỗng, của những câu tầm phào, của dòng nước chảy. Đối với tôi, Tổ quốc không có một ý nghĩa gì hết.

- Đến một ngày nào đó, cô sẽ ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng Tổ quốc có một ý nghĩa gì đó.

- Không bao giờ. Tôi đã quá đau khổ... Tôi chứng kiến quá nhiều cảnh đau khổ rồi...

Người phụ nữ không nói gì nữa. Sau đó cô quay sang nhìn Tommy và bỗng nhiên trở nên cộc cằn:

- Anh biết cha tôi là ai không?

- Không. - Tommy trả lời. Sự quan tâm đột ngột làm anh cảnh giác.

- Ông tên là Patrick Maguire. Trong trận chiến gần đây nhất, ông là một bộ phận... là một bộ phận của nhóm dưới quyền chỉ huy của ngài Roger Casement. Tất cả những con người đó đều chiến đấu cho nền độc lập của Ailen. Và ông đã bị xử bắn vì bị coi là một tên phản bội! Tất cả những chuyện như thế chẳng vì cái gì hết! Vì một ý nghĩ - đơn giản thôi, chỉ vì ông đã cùng với những người Ailen đó chiến đấu quá hăng hái. Tại sao ông không ở nhà, lặng lẽ chăm lo đến những việc làm nhỏ bé của mình? Đối với số người này thì đây là sự tử vì đạo, còn đối với số người khác thì đây là sự phản bội. Nhưng tôi, tôi nghĩ rằng ông đã cư xử... như một kẻ ngu xuẩn nhất!

Tommy cảm thấy từ đôi môi cô gái trẻ này đang bật ra cuộc nổi loạn được tích tụ từ nhiều năm nay.

- Thế đấy, vậy là cô đã trưởng thành cùng với một con ngáo ộp? - Anh hỏi.

- Một con ngáo ộp? Hoàn toàn đúng. Mẹ tôi đã thay đổi tên họ. Chúng tôi đã sống với nhau ở Tây Ban Nha nhiều năm. Cho nên lúc nào bà cũng nói rằng cha tôi có một nửa dòng máu Tây Ban Nha. Cho dù chúng tôi có đi tới đâu, chúng tôi vẫn bị coi là kẻ dối trá. Chúng tôi đã đi lang thang khắp lục địa. Cuối cùng chúng tôi đã hạ cánh ở đây bằng việc mở một khách sạn... Và tôi có một ấn tượng rất rõ ràng rằng quả thật những gì chúng tôi đã làm cho tới bây giờ đều thất bại thảm hại.

- Còn mẹ cô đã có phản ứng như thế nào về... về những vấn đề đó?

- Về cái chết của cha tôi ư? Ông muốn nói như vậy?

Cô gái giữ thái độ im lặng một lúc, trán nhăn lại:

- Tôi chưa bao giờ biết về ông ấy. Chưa bao giờ mẹ nói đến ông ấy. Không dễ dàng gì để biết những gì bà đã trải qua hoặc những gì bà suy nghĩ.

Tommy tỏ ra hài lòng, anh ngẩng đầu lên.

- Tôi... tôi không hiểu tại sao mình lại nói với anh những chuyện đó. Tôi đang nổi đóa lên đấy mà. Anh có biết làm thế nào mà chúng tôi đến được chỗ này không? À mà chúng ta đang nói dở chuyện gì nhỉ?

- Một cuộc tranh luận nhỏ về Edith Cavell.

- A! Phải rồi... Chủ nghĩa ái quốc. Tôi đã nói với anh là tôi không thể chịu đựng được chuyện ấy mà.

- Có phải cô đã không chú ý đến những lời phát biểu của bà Cavell?

- Những phát biểu của bà ấy ư?

- Phải. Cô có biết bà ấy nói gì trước khi chết không? Bà ấy nói rằng: “Chủ nghĩa ái quốc không thôi là chưa đủ, trong trái tim tôi phải có sự căm thù”.

- Ồ!...

Cô gái bất động một lúc như bị sét đánh.

Sau đó cô xoay gót chân, rồi biến mất trong bóng tối của khu vườn.

* * * * *

- Thế nào, Tuppence, em thấy rồi chứ, mọi việc hình như đều khớp cả.

Tuppence lúc này đang mơ màng. Chị khẽ lắc đầu. Ngoài họ ra thì không một bóng người nào trên bãi biển. Chị nằm dài người ra, lưng tỳ vào con đê chắn sóng nơi mà Tommy tin rằng có thể yên tâm ẩn nấp. Muốn xác định một người nào đó thì phải lại gần mép biển. Tommy không sợ phải có một cuộc chạm trán khó xử nào đó, bởi vì anh cảm thấy rất yên tâm về lịch sinh hoạt sáng nay của những người nghỉ trong khách sạn. Hơn nữa Tuppence và anh đã tạo ra một tình huống để hai người xuất hiện rồi gặp nhau hoàn toàn tình cờ. Bà Blenkensop cảm thấy thật là vui thú nhưng ông Meadowes thì lại hơi lo lắng.

- Bà Perenna ấy ư? - Tuppence hỏi.

- Phải. Không phải là với “N”. Với “M” cũng thế. Bà ta khá phù hợp với kẻ mà chúng ta đang đi tìm.

Tuppence lắc đầu vẻ suy tư:

- Phải. Bà ấy là người Ailen. Bà O’Rourke ngay lập tức đã đánh hơi thấy nhưng bà ấy đã từ chối không chịu công nhận điều đó. Bà ấy đã kéo lê cái bướu của mình trên khắp đại lục này. Bà ấy đã thay đổi tên họ và đã tạo ra cái tên Perenna cho người ta gọi, rồi dừng lại đây sau khi đã có một khách sạn nhỏ để cho thuê. Một tác phẩm nhỏ của sự nguỵ trang. Bà ấy nói bao nhiêu lời nhàm chán vô hại. Người chồng đã bị xử bắn như một tên phản bội. Bà ấy có đầy đủ lý do để lãnh đạo một chi nhánh của ĐỘI QUÂN THỨ NĂM trên đất nước này. Đúng vậy. Đây là một câu hỏi hóc búa. Và anh tin là cô con gái của bà ấy cũng có tham dự vào chứ gì?

- Chắc chắn là không - Tommy cắt ngang - Nếu không cô ấy đã chẳng bao giờ nói ra những lời như vậy. Em biết không, anh cảm thấy... hơi ghê tởm.

- Đúng. Chính xác đấy. Không cảm thấy điều gì rõ nét lắm. Trên một phương diện nào đó, đây là một việc làm không được sạch sẽ.

- Nhưng lại là cần thiết.

- Ồ! Chắc chắn rồi.

Tommy hơi đỏ mặt:

- Anh không thích phải nói dối nhiều như em...

- Ồ! - Tuppence ngắt lời - Để trở thành người trung thực, em phải nói rằng mình đã tìm thấy một thú vui thẩm mỹ trong những lời nói dối của em đấy. Cái gì làm xói mòn đạo đức của em? Đó là những lúc mà người ta quên nói dối, là những lúc người ta thực sự là mình... Đấy chính là lúc mà cô gái ấy đã đến với anh tôi qua. Và cô ta đã tác động vào con người thực của anh. Và cũng vì thế mà anh cảm thấy chẳng day dứt gì.

- Có lẽ em nói khá đúng đấy, Tuppence ạ.

- Em đã có lý. Em biết điều đó, bởi vì em cũng đã làm hệt như vậy... với cái anh chàng người Đức trẻ tuổi ấy.

- Vậy em nghĩ thế nào về anh ta? - Tommy tỏ ra lo lắng.

- Nếu anh muốn biết ý kiến của em - Chị sôi nổi hẳn lên - Em nghĩ rằng anh ta chẳng có gì đáng nghi.

- Grant thuyết phục anh là có.

- Ông Grant của anh ấy à! - Tuppence cười khẩy rồi bỗng tối sầm mặt lại - Em rất thích nhìn cái đầu của ông ta khi anh nói chuyện với ông ta về em...

- Dù sao thì ông ta cũng nhận lỗi rồi. Bây giờ em đã chính thức được tham gia vào công việc này.

Tuppence lắc đầu một cách khó hiểu, nhưng không có vẻ gì là đãng trí.

- Anh còn nhớ chuyện xảy ra sau cuộc chiến tranh lần trước không? - Cuối cùng chị buột mồm nói ra - Khi cả hai chúng ta theo dõi ông Brown? Anh thường nói rằng họ đùa chúng ta?

Bộ mặt của Tommy trở nên hớn hở:

- Em cho là anh vẫn còn nhớ chuyện ấy?

- Tommy này, tại sao chuyện đó lại rất giống chuyện hôm nay nhỉ?

Tommy suy nghĩ. Tính nghiêm trọng của vấn đề làm cho khuôn mặt của anh trở nên lặng lẽ, những nét mặt trở nên cứng đờ.

- Anh nghĩ rằng trong chuyện này... Đây là một vấn đề về tuổi tác.

- Anh không định nói với em là... chúng ta đã già quá rồi phải không? - Chị nhăn mặt lại.

- Không. Anh tin chắc là không. Chỉ có điều, lần này sẽ không phải là chuyện đùa nữa đâu. Tất cả những vấn đề khác nữa cũng vậy. Đây là cuộc chiến tranh thứ hai mà chúng ta có liên lụy... Lần trước, chúng ta nhìn nhận về nó hoàn toàn khác...

- Em biết. Chúng ta đã trải qua sự buồn phiền cùng với nhiều mảnh đời uổng phí, rồi tiếp theo là nỗi khiếp sợ. Cảm giác đó xảy đến lúc chúng ta còn rất trẻ.

- Đúng thế đấy. Trong cuộc chiến vừa qua, thỉnh thoảng chúng ta đã sợ đến tái cả mặt. Đôi khi, những chuyện như thế tưởng như vừa mới xảy ra và một hoặc hai lần lặp lại đã khiến chúng ta nghĩ rằng mình đang sống trong địa ngục. Nhưng cũng có những lúc khá thú vị đấy chứ.

- Cũng như những gì Derek cảm thấy lúc này. - Tuppence trả lời.

- Tốt nhất chúng ta không nghĩ đến chuyện này nhiều quá, cô gái già của anh ạ. - Tommy khuyên nhủ vợ.

- Anh nói cũng phải.

Tuppence nghiến răng:

- Chúng ta có một nhiệm vụ phải hoàn thành. Và chúng ta sẽ hoàn thành được. Thôi nào! Vào việc đi thôi! Có phải chúng ta đã thấy ở bà Perenna một nhân vật chúng ta đang đi tìm?

- Ít ra thì chúng ta đã có những suy đoán có cơ sở. Còn về phần em, Tuppence, em không có ai đáng phải để mắt tới phải không?

- Không, không có ai cả - Tuppence trả lời sau một lúc nghĩ ngợi - Hiển nhiên là ngay sau khi tới đây, việc đầu tiên em làm là sàng lọc toàn bộ khách trọ và nghiến cứu những khả năng có thể xảy ra. Này anh! Một số người có vẻ ngoài kỳ cục có thể có liên quan.

- Chẳng hạn?

- Như cô Minton chẳng hạn. Một nguyên mẫu của các cô gái già người Anh. Bà Sprot và cô con gái Betty. Tiếp theo là bà Carley lừng chừng và vô duyên.

- Phải, nhưng đùa với những người đần độn thì cần phải trở thành một phù thủy.

- Đồng ý với anh. Tuy nhiên một cô gái già õng ẹo hay một bà mẹ trẻ đều có thể đóng những vai mà người ta không thể ngờ tới. Nhưng bà Sprot lại có một cô bé tinh nghịch, đáng yêu..

- Anh nghĩ là ngay cả những nhân viên bí mật cũng có thể có con cái. - Tommy buột mồm nói.

- Vâng, nhưng họ không mang chúng theo trong khi làm nhiệm vu. Chúng ta không được lôi kéo một đứa bé vào loại công việc như thế này.

- Anh đầu hàng - Tommy lẩm bẩm - Anh đồng ý với em về cô Minton và bà Sprot, nhưng anh sẽ không làm như thế đối với bà Carley.

- Vâng, có khả năng đây là một đối tượng khả nghi. Bởi vì bà ấy thực sự đã biết quá nhiều việc. Có điều, em vẫn thắc mắc là tại sao ông Carley lại lấy một người vợ ngốc nghếch như vậy.

- Anh thường quan sát thấy những người vợ tận tuỵ thường là những người tối dạ.

- Dựa vào đâu mà anh nhận xét như vậy?

- Không phải về em đâu, Tuppence - Tommy cam đoan - Sự tận tâm của em đối với anh quả là tuyệt vời.

- Đối với một người đàn ông - Tuppence nhửợng bộ - người ta không thể thắc mắc tại sao anh ta lại khéo xoay sở được nhiều chuyện như vậy ngay trong lúc anh ta ốm đau.

Nhưng Tommy cho là đã tới lúc phải trở lại chủ đề chính cuộc trò chuyện của họ:

- Có một người tên là Carley. Chúng ta phải tìm cho ra một chuyện mập mờ gì đó của hắn.

- Quả đúng như vậy, chúng ta cần phải hành động. Và còn phải để tâm đến bà O’Rourke nữa.

- Em nghĩ thế nào về người này?

- Em không biết gì nhiều lắm. Bà O’Rourke luôn quấy rầy em. Anh có hình dung được em muốn nói tới điều gì không?

- Anh hiểu. Nhưng anh nghĩ rằng những người phụ nữ như thế chỉ phù hợp với một tính cách hơi sỗ sàng. Nhưng bà O’Rourke là một người đàn bà quá sỗ sàng.

- Và rồi - Tuppence nói - chẳng có gì thoát khỏi con người này.

Chị nhắc lại lời nhận xét của bà O’Rourke về người đàn bà Ailen ục ịch và chiếc áo len đan của chị.

- Còn Bletchley thì sao?

- Em cũng vừa mới nhắc tới hắn mà. Quan sát Bletchley là công việc của anh đấy.

- Anh có cảm tưởng đây là một người lính già trung thực. Đúng là anh đã có cảm tưởng như vậy.

- Quả là một việc rất khó khăn - Tuppence thở dài, sau đó chị nói về những nghi vấn sâu xa của mình - Có một điều tệ hại trong công việc này là chúng ta phải quan sát người khác bằng chiếc kính lúp. Và không có ai thỏa mãn được bệnh tò mò của chúng ta.

- Về vấn đề này thì anh đã phải thả một vài quả bóng thăm dò về phía Bletchley. - Tommy thông báo.

- Những quả bóng nào vậy? Bản thân em cũng đã tiến hành hai hay ba thí nghiệm theo dự kiến rồi.

- Ái chà! Những cái bẫy nhỏ thường dùng ấy mà. Những địa chỉ và ngày tháng, tất cả những thứ đó chứ còn gì nữa!

- Liệu anh có thể chiếu cố bỏ bớt cái chung vì cái riêng được không?

- Ví dụ anh hình dung ra cảnh mọi người đang tranh cãi về chuyện đi săn vịt. Hắn nói với anh về những đầm lầy ở Fayoum phía thượng Ai Cập. Ở đó có nhiều thú để săn lắm... Rồi vào một lần khác, anh cũng nói về Ai Cập, nhưng trong một bối cảnh hoàn toàn khác: những xác ướp, bảo tàng Caire. Có phải hắn đã nhìn thấy cảnh này rồi không? Vậy thì vào lúc nào? Chẳng thể làm gì khác ngoài việc đem so sánh những câu trả lời. Hoặc anh nói về những chiếc tàu khách của hãng PO. Anh nhắc đến một hay hai cái tên gì đó. Anh nói rằng chiếc tàu thủy ấy có tiện nghi thật là đặc biệt... Còn hắn kể cho anh nghe về những chuyến du lịch của hắn. Sau này anh đã kiểm tra lại lời hắn nói. Em thấy đấy, chẳng có gì là quá nghiêm túc, chẳng ai có thể canh chừng được hắn. Một cuộc kiểm tra nhỏ về tính xác thực, phải không?

- Và cho tới bây giờ, hắn chưa bao giờ bị cắt đuôi?

- Chưa một lần nào. Tuppence này, anh nghĩ đây là một thí nghiệm rất hay đấy chứ!

- Vâng. Nhưng em cho rằng nếu hắn là “N” hay là “M” thì cái tiểu sử nhỏ của hắn sẽ hoàn toàn đầy đủ ở một điểm nào đấy.

- Chắc chắn là như vậy. Hắn nằm trong những đường dây lớn. Nhưng đối với những chuyện vụn vặt thì đấy lại là chuyện khác. Người ta hay mạo hiểm nghĩ đến quá nhiều vấn đề hơn là thức tỉnh một cá nhân có tấm lòng từ thiện. Một kẻ chẳng có gì để tự trách mình thì không thể đột ngột nói với em về một cuộc săn thú vào năm 1926 hay năm 1927 như vậy. Cần phải cân nhắc một chút và đào bới trong trí nhớ của em đi.

- Vậy là cho tới bây giờ, Bletchley vẫn chưa mắc sai lầm nào?

- Cho tới bây giờ, anh ta vẫn hoạt động rất bình thường.

- Vậy kết quả vẫn là không có gì ư?

- Không.

- Được thôi - Tuppence kết luận - Bây giờ, em sẽ phát triển một vài suy nghĩ nhỏ của em vậy.

* * * * *

Trên đường quay trở về khách sạn, bà Blenkensop rẽ vào một trạm bưu điện để mua vài con tem. Sau đó bà nhanh chóng đi thẳng tới một bốt điện thoại công cộng, quay một dãy số và yêu cầu được nói chuyện với một ông Faraday nào đó. Thật ra là bà đang liên lạc với ông Grant.

Bà mỉm cười hớn hở rồi lặng lẽ lên đường đi tiếp bằng một chuyến tàu sau khi đã dừng lại một lúc để mua len đan áo.

Buổi chiều hôm đó thật là dễ chịu, làn gió mát nhẹ nhàng thổi. Tuppence đã biết kiềm chế khả năng vận động vốn có của mình để thể hiện dáng vẻ phù hợp với vai diễn bà Blenkensop: bà Blenkensop khốn khổ này không có một chuyện quan trọng nào khác để làm ngoài việc đan áo len. Và viết những bức thư cho ba người con trai của mình.

Tuppence chậm chạp leo dần lên hướng ngôi nhà Vui Vẻ. Con đường kết thúc bằng độ cao của nơi nghỉ chân của tên buôn lậu - tên gọi ngôi nhà của đại úy Haydock. Thực tế là chẳng bao giờ có bóng người qua lại nơi đây trừ một vài chiếc xe tải hạng nhẹ tới giao hàng vào buổi sáng. Chị lại đi tiếp đến các biệt thự, thích thú ghi chép những tên gọi của chúng. Đầu tiên là biệt thự Bella Vista nhìn ra toàn cảnh thu hẹp của biển và ở phía sau nó lại được hưởng một hướng nhìn không hề bị che lấp về phía biệt thự Edemholme đồ sộ được xây dựng từ thời Victoria. Tiếp theo là những biệt thự Karachi, Shirley Tower và Sea View. Sau đó là lâu đài Clare - một ngôi nhà tồi tàn chẳng có vẻ gì là lâu đài và biệt thự Trelaway trông rất đối lập với ngôi nhà của bà Perenna - ngôi nhà Vui Vẻ đồ sộ quét vôi màu nâu đỏ.

Tuppence bước thêm vài bước nữa và nhận thấy có một phụ nữ đang ở cách khách sạn vài mét. Cô ta dừng lại trước cái cửa sổ có chấn song và cố gắng nhìn sâu vào bên trong. Thái độ của người phụ nữ này thể hiện rất rõ sự căng thẳng và cảnh giác.

Gần như là vô thức, Tuppence cố làm cho tiếng đế giầy của chị nhỏ bớt và nhón chân đi tới. Chính vì vậy người phụ nữ đó đã không nhận ra sự có mặt của chị cho tới khi Tuppence đã ở ngay sau lưng. Cô ta nảy người lên khi quay lại.

Đây là một phụ nữ có thân hình cao lớn, mặc một bộ quần áo rách, trông rất đáng thương, nhưng khuôn mặt lộ rõ là của một người nước ngoài. Cô ta chắc xấp xỉ bốn mươi tuổi. Mái tóc của cô màu hung, gò má cao. Chắc chắn trước đây người phụ nữ này đã từng là một cô gái khá đẹp. Thoáng chốc Tuppence có cảm giác thân thiện với bộ mặt này. Ấn tượng này không kéo dài được lâu nhưng chị lại nghĩ: Đây là một khuôn mặt mà người ta dễ quên.

Rõ ràng là người đàn bà này đã hết sức ngạc nhiên. Tuppence nhận thấy khuôn mặt cô ta bừng đỏ. Phải chăng đây là chi tiết đáng ngờ?

- Tôi xin lỗi - Tuppence nói - chị tìm ai phải không?

- Ngôi nhà này gọi là ngôi nhà Vui Vẻ phải không? - Người phụ nữ hỏi chị bằng âm Xlavơ khỏe và uốn giọng cẩn thận cứ như đã học thuộc lòng câu nói này.

- Vâng, tôi đang nghỉ ở đây đấy. Chị tìm ai ạ?

Một phút lưỡng lự trôi qua. Rồi người đàn bà mới nói:

- Mong bà cho biết nếu như có thể. Ở đây có một ông Rosenstein nào không?

Tuppence lắc đầu:

- Ông Rosenstein? Không, tôi rất lấy làm tiếc. Nhưng cũng có thể ông ta đã từng lưu trú tại đây sau đó đã ra đi rồi thì sao. Chị có muốn để tôi hỏi thăm người sở hữu ngôi nhà?

Người đàn bà lạ phác một cử chỉ từ chối: Không... không ạ... Tôi đã nhầm. Mong bà tha lỗi cho.

Thế rồi người đàn bà quay nhanh gót chân rảo những bước dài đi xuống dốc.

Tuppence nghi ngờ nhìn theo người phụ nữ đang bước đi xa dần. Thái độ của người phụ nữ này không phù hợp với cách cư xử của chị ta. Xem ra cái tên “ông Rosenstein” mà chị ta đưa ra chắc là giả mà người phụ nữ này thoáng nảy ra trong đầu mà thôi.

Không hề do dự, Tuppence băng mình trên vỉa hè. Linh cảm mách chị phải lặng lẽ tiến hành theo dõi người phụ nữ này. Nhưng chị vội dừng chân lại ngay. Nếu cứ mải mê theo đuổi là liều lĩnh thu hút sự chú ý của mọi người về phía chị. Rất có thể những người trong ngôi nhà Vui Vẻ đã nhìn thấy chị nói chuyện với người phụ nữ đó. Khi mọi người nhìn thấy chị đi theo cô ta có thể họ sẽ nảy sinh sự ngờ vực. Và những người tò mò có thể sẽ nghĩ rằng bà Blenkensop là một kẻ giấu mặt và người đàn bà không quen biết kia là một phần của tổ chức kẻ thù.

Không. Bằng mọi giá bà Blenkensop không được xa rời vai diễn của mình trong thành phần của tổ chức.

Tuppence quay trở lại và dừng chân một lúc ở tiền sảnh của ngôi nhà Vui Vẻ. Khách sạn lúc này sao mà vắng vẻ đến thế, giống như quang cảnh thường thấy sau bữa cơm trưa. Bé Retty đang ngủ trưa còn những người khác đều đã ra ngoài đi dạo hoặc nằm nghỉ trong phòng của họ.

Còn lại một mình trong phòng, Tuppence suy nghĩ về cuộc gặp mặt kỳ lạ mà chị vừa mới trải qua. Đang mơ màng chợt chị nhận thức được một âm thanh yếu ớt: đó là tiếng chuông điện thoại kêu loong coong.

Ở ngôi nhà Vui Vẻ này, máy điện thoại chính đặt ở tiền sảnh. Còn âm thanh mà Tuppence nghe thấy chỉ có thể vọng ra từ chiếc máy thứ hai mà người ta đã tháo bỏ hay mới lắp đặt. Chắc chắn còn có một máy điện thoại nữa trong ngôi nhà này. Và chắc chắn nó phải đặt trong phòng của bà Perenna.

Nếu ở trong tình huống này thì nhất định Tommy sẽ hơi lưỡng lự. Nhưng Tuppence thì không lần chần tránh né. Bằng những cử chỉ thận trọng, chị nhấc máy điện thoại đặt ở tiền sảnh rồi áp tai vào ống nghe.

Có một người đàn ông nào đó đang nói trong đương dây.

-... Mọi việc đều trôi chảy cả. Vậy là số 4 như dự kiến.

Giọng một phụ nữ trả lời:

- Vâng. Tiến hành đi.

Sau đó cuộc nói chuyện bị ngắt.

Tuppence trở nên bất động, trán chị nhăn lại. Phải chăng đây là tiếng nói của bà Perenna? Chỉ có vài từ thôi thì khó mà chắc chắn được điều gì. Nếu cuộc nói chuyện đó kéo dài thêm một chút nữa thì tốt hơn! Dù thế nào đi nữa có thể chị cũng chỉ hơi bất ngờ nếu nội dung cuộc đối thoại là những chuyện tầm phào nhất.

Một bóng đen từ cánh cửa ra vào được lắp kính chiếu vào. Tuppence giật nảy người và đặt chiếc máy vào chỗ cũ đúng lúc bà Perenna bước vào phòng.

- Một buổi chiều đẹp quá nhỉ - Bà ta nói - Bà định ra ngoài ư, bà Blenkensop, hay bà vừa mới trở về?

Vậy không phải là bà Perenna vừa nói chuyện điện thoại. Tuppence lẩm bẩm nói rằng chị vừa mới có một cuộc đi dạo thú vị rồi hướng về phía cầu thang đi tới. Bà Perenna bám theo gót chân chị ngay. Sao lúc này trong bà ta lại to lớn hơn ngày thường đến thế và đây cũng là lần đầu Tuppence nhận ra bà ta có vóc dáng của một vận động viên điền kinh.

- Tôi đã phải gác lại bao nhiêu công việc. - Chị ấp úng nói và bắt đầu bước lên những bậc thang.

Nhưng chỉ vừa chạm chân vào bậc thang thì chị đã vấp phải thân hình vạm vỡ của bà O’Rourke đang đứng chắn chị ở bậc trên:

- Này, này, chị Blenkensop... Ngày hôm nay, tôi cảm thấy chị vội vã quá đấy...

Bà O’Rourke chẳng hề động đậy. Bà ta mỉm cười hài lòng với Tuppence. Giống như mọi khi, có một chút đáng sợ trong nụ cười của bà ta...

Bị bất ngờ nên Tuppence thấy hốt hoảng.

Ở trên cao, pho tượng Ailen kia với nụ cười và giọng nói vang như sấm đã chắn ngang đường đi. Ở phía dưới, bà Perenna cũng chặn mất đường rút lui của chị.

Tuppence liếc nhìn bà ta. Phải chăng sự dọa dẫm mà chị đọc được trên những nét mặt của bà Perenna hoàn toàn là một ảo ảnh? Vô lý - Tuppence tự nhủ - vô lý quá! Giữa thanh thiên bạch nhật như thế này, trong một khách sạn nghỉ mát xoàng xĩnh. Nhưng ngôi nhà này lại rất yên tĩnh. Rất yên lặng. Và chị đang bị mắc kẹt giữa hai người đàn bà này... Chị không bị mắc lừa. Quả thật trong nụ cười của bà O’Rourke có một ý gì đó là lạ. Một sự hung dữ thật sự. Giống như mèo vờn chuột.

Và bất thình lình sự căng thẳng bùng nổ. Một nhân vật bé nhỏ như một mũi tên đã xuất hiện sau lưng bà O’Rourke, miệng líu lo. Đó là bé Betty Sprot. Nó mặc một chiếc áo cánh và một chiếc yếm cộc. Nó chui qua váy bà O’Rourke, miệng vui vẻ kêu “cúc cu!” rồi nhào vào vòng tay của Tuppence.

Bầu không khí đã thay đổi. Bà O’Rourke bây giờ chỉ là một con yêu tinh cái đáng yêu. Bà ta tươi cười kêu lên:

- A! Một thiên thần bé nhỏ!

Ở phía dưới, bà Perenna cũng đã bỏ ra ngoài hành lang. Tuppence dắt tay bé Betty đi vòng quanh khối thịt oai vệ của bà O’Rourke một lượt rồi đi qua dãy hành lang. Ở đây, bà Sprot đang đứng chờ đứa con gái bé nhỏ quay về.

Tuppence dắt Betty bước vào căn phòng của bà Milicent Sprot. Chị cảm thấy vô cùng thoải mái. Những bộ quần áo của đứa bé vứt tung tóe trên giường, những đồ chơi làm bằng nhung, chiếc giường dành cho trẻ con có chấn song làm bằng gỗ quét sơn. Trong chiếc khung ảnh treo phía trên chiếc bàn trang điểm là ông Sprot với nụ cười khá quyến rũ. Bên cạnh ông ta là bà Sprot với bộ mặt cau có giống như lúc bà tuôn ra hàng tràng những lời thô bỉ về những khoản thuế bê bối của các cửa hiệu giặt hay những lúc bà tố cáo ý đồ xấu xa của bà Perenna, là đã không chịu cho khách trọ sử dụng bàn là riêng của họ.

Mọi chuyện đều bình thường, đâu vào đấy, không có gì đặc biệt...

Và thậm chí ngay cả lúc này, trên những bậc cầu thang...

“Là do thần kinh của mình đấy thôi - Tuppence tự nhủ - Chỉ là do thần kinh thôi mà”.

Thần kinh ư, đúng thế không?... Rõ ràng có một ai đấy đã nói chuyện điện thoại trong phòng của bà Perenna. Bà O’Rourke thì sao?... Bà này có cách cư xử khá lạ. Mà người nói chuyện điện thoại đó không thể là người ở bên ngoài khách sạn.

Dù sao thì Tuppence vẫn tin mình đã nghe được một cuộc trao đổi quan trọng:

“Mọi chuyện đều tiến hành rất thuận lợi... Vậy là số 4, theo dự kiến...” có thể nội dung thực chất của cuộc nói chuyện này không có gì là thú vị hay nguy hiểm.

Số 4. Liệu có phải là một thông báo về ngày tháng? Ngày mùng 4 của một tháng nào đó?

Hay là một trụ sở có số nhà là 4, hay cây đèn số 4 tính từ bên trái, hay con đê chắn sóng số 4 ở bến cảng... Làm thế nào để xác định rõ đây? Thực chất con số 4 ấy có một ý nghĩa gì không?

Nếu như đây chỉ là lịch hẹn một cuộc gặp mặt bình thường thì sao nhỉ? Và biết đâu bà Perenna đã cho phép bà O’Rourke được sử dụng điện thoại đặt trong phòng riêng của mình?

Và không khí lạ lùng trên những bậc cầu thang đó.

Khách sạn này yên lặng quá. Tuppence cảm thấy lo ngại...

“Bà sẽ thấy hài lòng về mình hơn nếu bám vào các sự kiện, bà Blenkensop ơi - Tuppence cảnh cáo mình - Và bà nên quay về mà làm nhiệm vụ của mình đi”
Bình Luận (0)
Comment