Người Lạ Quen Mặt

Chương 49

“Cho tới tận khi đưa bố về nhà, bố vẫn còn nắm tay tôi, dặn dò tôi, rằng người mà mẹ làm cho đau lòng là bố chứ không phải tôi, đừng đau cùng bố nỗi đau này, bao nhiêu năm bố đã đau lòng một mình, hãy cứ để bố tiếp tục một mình như thế.”

Cuối tuần, bố hẹn gặp tôi.

Bởi vì đã một thời gian rất lâu chúng tôi không gặp nhau kể từ tháng trước, khi bố sang Mỹ thăm Hà cùng với mẹ và con trai của họ, ý tôi là em cùng bố khác mẹ của tôi. Thằng bé tên Khánh, năm tuổi và rất thông minh. Nhưng tôi không thích sự nghịch ngợm của nó vì lần nào gặp tôi cũng bày đủ trò chọc phá tôi thay cho Hà bà già. Có lần tôi hỏi nó vì sao nó lấy tôi làm mục tiêu, Hà với nó chung mẹ, tôi với nó chung bố, cớ sao nó lại thế với tôi. Nó thành thật đáp lại, rằng chị Hà của nó bảo làm thế nào mới gây được sự chú ý của tôi với nó, làm thế tôi mới yêu nó. Đúng là trẻ con ngây thơ, nhưng đôi lúc lại thông minh, đẩy mọi tội lỗi cho người lớn rất nhanh.

Khi bố mẹ tôi mới ly hôn, tôi với bố chỉ gặp nhau vào chủ nhật của tuần cuối mỗi tháng. Lẽ ra tôi hoàn toàn có thể gặp bố nhiều hơn nhưng mẹ tôi nói không muốn làm ảnh hưởng tới công việc và cuộc sống mới của bố nên tôi cũng biết điều không hề đòi hỏi nhiều, thi thoảng nhớ bố quá thì mới lén lút mượn điện thoại của bạn gọi cho bố, khoe với bố đủ điều, vui sướng nghe tiếng cười của bố. Ngày ấy tôi không hiểu nhiều về việc ly hôn, chỉ nghĩ một cách rất trẻ con, rằng bố và mẹ bận việc, sống xa nhau. Tầm một hai năm sau tôi cũng biết được việc ly hôn là như thế nào, tôi ngầm chấp nhận sự lựa chọn của bố mẹ bằng cách hạn chế gặp gỡ, gọi điện mè nheo với bố, ngoan ngoãn học tập để làm mẹ vui. Biết bố đi lấy vợ hai, tôi đã buồn rất nhiều, còn nghĩ là bố hết thương tôi, khóc lóc nguyên một ngày rồi hậm hực suốt mấy ngày sau. Cho nên tôi mới không thích Hà, bởi cô ta khoe mẽ quá nhiều về cuộc sống của bố tôi với cô ta khi mà tôi không hề xuất hiện trong cuộc sống đó. Tôi thừa nhận tôi ghét cô ta bởi vì tôi ghen tỵ nhưng tôi chưa bao giờ ghét bỏ bố. Tình yêu của tôi dành cho bố chưa bao giờ thay đổi, kể cả bố còn chung sống với mẹ con tôi hay không.

Từ ngày bé tôi đã gần gũi với bố hơn, chơi đùa, ăn uống bên bố nhiều hơn cả mẹ. Ngày đó mẹ đi làm rất bận bịu nên hầu như việc chăm tôi bố lo hết. Mẹ nói đưa tôi đi gửi nhưng bố gạt phắt đi, bố nói giờ giấc làm việc của bố thoải mái, lại ổn định, bố sẽ trông tôi nên mẹ cũng chiều theo ý bố. Bởi vì ngày ngày nghe bố ru ngủ, ăn đồ bố bón, chơi đùa với bố nên tôi rất yêu bố và bện mùi bố. Đêm nào tôi không được nằm bên bố ngủ, tôi sẽ quấy rất nhiều, thi thoảng còn làm nũng mếu máo rất xấu, bố kể với tôi như vậy.

Dạo gần đây, mỗi lần gặp nhau, bố đều ôn lại chuyện ngày xưa với tôi và vui vẻ khi nghĩ về những ngày đó. Khi tôi học cấp II và học cấp III, mẹ cũng hạn chế để tôi gặp bố nên tự nhiên tôi với bố cũng dần có khoảng cách nhưng điều đó đã mất dần khi lên Đại học, tôi gặp bố thoải mái hơn. Hiện tại bố con tôi chẳng có nhiều kỷ niệm gì với nhau để kể nên chỉ có thể nói về những điều xưa cũ để không làm mất đi sự thân thuộc với nhau. Tuy bố là bố ruột của tôi nhưng thời gian chúng tôi không sống cùng nhau cũng bằng ngần ấy thời gian bố còn chung sống với tôi.

Ngay khi bước vào tiệm bánh, tôi đã nhìn thấy bố ngồi trò chuyện với Dim. Bố già hơn rất nhiều, cho dù nụ cười vẫn luôn hiện trên môi bố nhưng cũng không thể ngăn nổi dấu vết thời gian trên khuôn mặt. Những nếp nhăn chồng chéo lên nhau qua từng khoảng thời gian. Mỗi khi nhìn thấy những nếp nhăn đó của bố, tôi không khỏi chạnh lòng và thương bố. Vẫn biết là thời gian chẳng bao giờ chịu chiều lòng người mà trôi qua chầm chậm một chút nhưng mỗi khoảng thời gian đi qua, nỗi buồn về tuổi tác lại ngày một nhiều thêm.

- Bố.

Tôi hít một hơi thật sâu, nhoẻn miệng cười với Dim rồi ôm chầm lấy cổ bố chào hỏi.

Bố ngẩng đầu lên để nhìn tôi, đáp lại tôi bằng một nụ cười ấm áp.

- Pie, đến rồi à con?

Bố gọi tôi bằng tên ngày bé của tôi mà bố thường gọi. Vì tôi rất thích ăn bánh Chocopie nên bố luôn gọi tôi bằng tên loại bánh đó thay cho tên thật của tôi. Lúc đầu bố gọi tôi là Choco nhưng tôi không thích vì nó giống tên con cún của bà hàng xóm nên bố đã nhanh chóng đổi thành Pie, vừa ngắn gọn lại đáng yêu nên tôi thích vô cùng. Khi bố gọi tên tôi bằng Pie, tôi đều cười tít mắt, thơm má bố rất nhiều cái và giờ khi tôi lớn, bố vẫn gọi tên Pie nhiều hơn cả tên An. Chính vì vậy mà có lần vài người nhầm tôi là người nước ngoài. Lại có lần đi đăng ký gì đó cho tôi, bố còn quay ra hỏi tôi, rất ngơ ngác, rằng con tên là gì nhỉ.

Tôi mỉm cười đợi bố đứng dậy. Hôm nay bố muốn đi dạo ngoài công viên thay vì ăn uống hay trò chuyện trong một nhà hàng nào đó như mọi lần. Khi tôi đang nhìn bố, Dim lại gần tôi, đưa cho tôi một chiếc khăn mỏng, ghé vào tai tôi nói nhỏ.

- Tối rồi trời sẽ có sương, em nhớ quàng khăn cho bố không bố ốm đấy.

Nghe Dim dặn dò việc mà ngay cả người làm con gái như tôi cũng cảm thấy xấu hổ vì đã không nghĩ được chu đáo như người làm con rể. Tôi cầm lấy khăn, để vào túi xách, hôn trộm lên má Dim một cái thay lời cảm ơn.

Dim mặt tỉnh queo, quay ra “mách” bố.

- Bố ơi, con gái bố cắn con.

Rồi anh ấy xun xoe chạy lại gần bố đưa bố ra ngoài trong tiếng cười của bố. Bố biết tính Dim nên cũng không hề nghĩ ngợi gì nhiều về lời tố cáo sai sự thật của anh ấy. Bố rất thích Dim, thích từ ngay lần đầu gặp gỡ anh ấy. Đôi khi trò chuyện với tôi, bố sẽ hỏi tôi về Dim và đòi nói chuyện với anh ấy, trò chuyện rất lâu mới chịu ngừng làm tôi luôn ghen tỵ.

Tôi và bố đi dạo vào buổi tối nên trên đường không quá đông đúc như giờ tan tầm. Tôi quàng chiếc khăn Dim đưa lên cổ bố, cẩn thận. Tôi đi cạnh bố, khoác tay bố, có lúc lén nhìn bố, có lúc lại trầm tư nghĩ ngợi về cuộc sống của bố và tôi.

- Bố, bố có bao giờ cảm thấy hối hận về một điều gì chưa?

Tôi hỏi một điều vu vơ, nhìn lên bầu trời xa xôi.

- Không chỉ một, mà rất nhiều…

Bố mở lời, và mở lòng ra với tôi.

Có tiếng thở dài khe khẽ của bố, rồi nén lại thành tiếng thở hắt ra.

- Gần đây con biết được một chuyện, về mẹ.

Tôi chậm rãi nói ra điều trăn trở bấy lâu nay của tôi. Ôm tâm tư quá lâu trong lòng, tôi sợ nó mốc meo thành một tảng đá đè nặng trong lòng, sợ có ngày muốn nhấc ra lại không thể.

Chân bố chợt dừng lại, tôi vì thế cũng dừng theo. Tôi ngẩng lên nhìn bố, thấy mắt bố tự khi nào đã đỏ hoe lên. Tôi biết đôi mắt ấy đang nhìn về tận quá khứ xa xăm nào, đau đáu vì điều gì khi chạm vào ánh mắt tôi. Tôi đưa tay lên vỗ nhẹ vào mu bàn tay bố, như thể đang xoa dịu.

- Bố đừng lo, con đã tìm cách trải qua điều đó rất trưởng thành. Con bất ngờ nhưng không sốc nặng. Con không khóc, chỉ đôi lúc nghĩ thấy rất buồn. Con đau lòng một phần thì bố còn đau lòng gấp vạn phần khi bố ở trong hoàn cảnh đó, trong thời điểm đó. Bố có biết trên đời này con ghét nhất ai không?

Tôi hỏi bố nhưng không đợi ông trả lời đã tự lên tiếng.

- Là người làm bố đau lòng. Ngày còn bé, mỗi lần thấy bố phiền não vì công việc hay buồn rầu vì cãi nhau với mẹ, con đều ngồi ở một góc, nhìn bố và không thể vui cười được. Lúc ấy con nghĩ, bố con mình cùng một nỗi buồn. Bố không vui, con cũng sẽ vậy. Vậy mà người làm bố đau lòng lại là mẹ, con lại chẳng thể ghét. Bởi vì con cũng rất yêu mẹ. Tình yêu của con lớn đến mức không thể ghét bỏ mẹ dù cho mẹ đã làm bố đau lòng, làm con không vui… Bố mẹ ly hôn, con chẳng biết gì nhiều ngoài việc phải xa bố, xa vòng tay bố và xa hơn tình yêu thương của bố.

Bố im lặng nghe tôi nói. Tôi nghẹn ngào, giữ yên tâm trạng.

- Bố hãy trả lời con, một câu thôi… Mẹ phản bội lòng tin và tình yêu của bố, bố có hận mẹ không?

Tôi đưa mắt nhìn lên, đợi chờ câu trả lời từ bố. Nước mắt của tôi rơi xuống cùng với giọt nước mắt của bố. Ánh mắt bố day dứt, buồn bã nhìn lại tôi. Những gì buồn bã trong lòng bố đặt cả vào giọt nước mắt kia, tôi cũng vậy. Nhưng còn hơn cả sự day dứt, buồn bã, là nỗi đau không diễn tả được bằng lời.

Bố lau nước mắt bằng vạt áo rồi lấy trong túi ra một chiếc khăn màu xám tro mà ông vẫn hay mang bên mình, đưa lên lau nước mắt cho tôi. Bố làm mọi thứ rất chậm rãi, từ việc lau nước mắt cho tôi cho tới việc cất chiếc khăn vào túi.

Bố xoa đầu tôi, khẽ nở nụ cười, kéo tôi ngồi xuống một chiếc ghế đá lớn ở trong công viên.

- Con đừng gọi đó là sự phản bội. Hãy gọi và nhìn về nó như một lầm lỡ của tuổi trẻ. Tuổi trẻ ai cũng có những lúc nông nổi muốn làm theo những gì mình thích, mẹ con cũng vậy, bà ấy cũng có tuổi trẻ, cũng mắc phải sai lầm và bố luôn hiểu cho bà ấy điều đó. Khi mẹ con lấy bố, bà ấy khóc rất nhiều, khóc từ ngày trước khi thành hôn cho đến đêm tân hôn, bà ấy xin bố, để bà ấy khóc, khóc xong bà ấy sẽ thôi, sẽ không bao giờ nhỏ một giọt nước mắt nào nữa. Và quả thật, bà ấy không còn đem vẻ mặt u buồn hay đau khổ khi bước vào cuộc hôn nhân với bố. Nhưng bố biết, đó chỉ là cách bà ấy thỏa hiệp với gia đình, với bố và với cuộc sống này. Bà ấy là người yêu tự do, thích những điều mới mẻ và ham khám phá. Bởi vì những tính cách đó mà bố đã đem lòng yêu mẹ con ngay từ khi bà nội con đưa bố đến ra mắt nhà mẹ con. Mẹ con nói, bà ấy không yêu bố, đối với bố chỉ nhiều hơn thứ tình cảm quý mến một chút nhưng bố không thấy buồn phiền vì lời thú nhận của bà ấy. Vì bố rất cảm kích, ít ra bà ấy còn thật lòng với bố, còn thương cho tình cảm của bố nên mới chịu nói ra tâm tư để bố không suy nghĩ nhiều.

Tôi dựa vào vai bố, yên lặng lắng nghe bố kể chuyện.

- Rồi một ngày nọ, bà ấy trở về nhà với khuôn mặt sưng đỏ, quần áo lộn xộn. Bà ấy không nói gì với bố, chỉ im lặng lấy một cốc nước uống rồi bỏ vào phòng ngủ. Khi trở ra, bà ấy lại gần ôm lấy bố, nói rất nhỏ với bố: “Em đã làm chuyện xấu sau lưng anh, làm một người mẹ tồi sau lưng con của chúng ta, là một người phụ nữ đáng khinh thường sau lưng nhiều người. Nhưng em sẽ không xin lỗi bất kỳ ai cả. Em chỉ muốn nói cho anh biết, là em có lỗi. Em chỉ muốn thừa nhận với mình anh và xin anh đừng tha thứ cho em.” Sau đó, bà ấy nói, hãy tôn trọng bà ấy lần cuối, bảo bố rời xa bà ấy và lựa chọn cuộc sống khác. Bố không đồng ý. Nhìn con ngủ trong lòng, bố càng không thể bắt mình làm theo ý muốn của mẹ con. Nhưng ngày ngày nhìn mẹ con trầm lặng, buồn bã, chẳng tha thiết điều gì, bố lại thêm xót thương cho bà ấy và con.

Tôi cảm thấy có chút tức giận, bất bình trong lòng thay cho bố vì thái độ của mẹ tôi, buột miệng cắt lời bố.

- Lúc đó bố không cảm thấy phẫn nộ, đau lòng hay tức giận sao?

Bố bật cười trước câu hỏi của tôi. Nhưng nụ cười đó không phải vui vẻ gì, nó chỉ đem lại cảm giác bất lực.

- Khi con yêu một ai đó, kể cả sai lầm của người đó to tát đến mức nào, làm tổn thương mình ra sao thì sự ghét bỏ, hận thù hay nỗi đau đều không là gì cả. Cho dù con ngoài mặt thể hiện thái độ căm hận đến cùng cực, trong lòng con cũng chẳng yên lấy một phút giây nào mà còn đau lòng cho cả người làm con đau. Bố đã yêu mẹ con tới mức vô cảm trước nỗi đau mẹ con gây ra cho bố. Bố không đau, mẹ con mới là người đau nhiều.

Bố nói với tôi rất nhiều, rất nhiều điều nhưng điều nào cũng là để gây dựng lại hình ảnh đẹp đẽ của mẹ trong lòng tôi. Bố không muốn tôi nghĩ về mẹ với ý nghĩ không tốt. Cho tới tận khi đưa bố về nhà, bố vẫn còn nắm tay tôi, dặn dò tôi, rằng người mà mẹ làm cho đau lòng là bố chứ không phải tôi, đừng đau cùng bố nỗi đau này. Bao nhiêu năm bố đã đau lòng một mình, hãy cứ để bố tiếp tục một mình như thế.

Tôi không biết nói gì, cảm giác nghèn nghẹn ở cổ ngăn cho tiếng khóc không bật ra. Nếu tôi là bố, tôi không chắc mình đủ bản lĩnh để đương đầu với nỗi đau đó. Tôi không cần một người bố có tấm lòng cao cả. Tôi chẳng thà có một ông bố biết nóng giận, biết ghen tuông còn hơn nhìn thấy một ông bố nén chịu đau thương vào lòng và chịu đựng nó chỉ vì yêu thương một người quá nhiều – người mà chẳng bao giờ nghĩ cho ông lấy một lần.

Tôi ôm bố, nén tiếng thở dài chào tạm biệt bố.

Dim đón tôi ở ngã tư đường, chỉ năm phút sau khi tôi gọi cho anh ấy. Dù cho lúc tôi gọi anh ấy đang tắm và tuyên bố sẽ tắm cho đã đời, cho cả tỷ con vi khuẩn vi trùng thi nhau tự tử vì vẻ đẹp của anh ấy thì anh ấy mới đi đón tôi.

Dim bấm còi mấy tiếng để tôi phát hiện anh ấy đang ở bên đường. Nhưng tôi hoàn toàn không ngước lên, chẳng để tâm tiếng còi đó. Khi anh ấy đến gần tôi, véo má tôi, tôi mới nhận ra.

- Muộn thế này còn kiêu với anh à Ăng ten? Em có tin anh ném em lên cột điện kia cho hết kiêu không?

Khuôn mặt Dim nhăn nhó, không vui khi tôi đứng ngẩn ngơ trên đường.

Thấy Dim, tôi tự nhiên cảm thấy thoải mái, lồng ngực không bị đè nặng bởi bất cứ thứ cảm xúc mệt mỏi nào.

- Ném đi, em đang muốn bay lên cao.

Tôi làm hành động giang ngang hai tay, xoay xoay vài vòng trước mặt Dim nhưng có vẻ như có tuổi một chút, định nhí nhảnh cũng không không đủ điều kiện để thực hiện. Vì chỉ sau hai vòng, tôi đã suýt ngã ngửa ra đường. May là Dim đã kịp thời giữ tôi lại khi người tôi cách mặt đất một khoảng không xa.

- Cảm… cảm ơn… ơn anh.

Tôi nặng nhọc thở trong cái tình thế nửa đứng nửa nằm, mừng rỡ khi biết mình chưa bị ngã hẳn.

- Đừng cảm ơn anh.

Dim mỉm cười, có gì đó ranh mãnh qua ánh mắt nhìn tôi của anh ấy.

Và đúng như tôi vừa nghĩ được tầm nửa giây, Dim buông tay ra. Dĩ nhiên, tôi đã ngã và ngã rất đau khi không có sự chuẩn bị.

Tôi biết là chúng tôi không thể ngọt ngào với nhau quá một phút.

Tôi xị mặt, đứng dậy phủi quần áo, trách móc Dim khi anh ấy đang vui vẻ đi ra xe. Anh ấy còn huýt sáo.

- Vậy mà nói ném em lên cao… thế mà lại ném em xuống đất.

Mặc dù tôi nói rất nhỏ nhưng dường như Dim nghe được, liền quay đầu nhe răng ra cười với tôi.

- Xin lỗi vợ yêu nhé! Dạo này anh có xu hướng nghĩ anh đẹp trai tự nhiên nên không đi tập gym, thành ra không khỏe cho lắm. Thế nên là việc ném em lên trên cột điện, để khi khác nhé!

Nói rồi anh ấy còn gửi cho tôi một nụ hôn gió.

Cái con người này, nghiêm túc trong vài phút thì tốn calo lắm à?
Bình Luận (0)
Comment