NGƯỜI NỐI NGHIỆP CHÂN CHÍNH (P104)
Tác giả: Hà Phong Xuy
Người dịch: Trần Thị Minh Đức & Trần Thu Trang
Chương 40: Sói và cáo chuyện trò
Lư Bình đúng là không hề khách sáo, quán ăn kia trang trí rất bình thường, bàn ghế bát đĩa đều mang đặc trưng bình dân. Nếu phải tìm ưu điểm về phòng ốc thì có một điểm cộng là điều hòa bật thật sự lạnh, giữa hè không cần lo ăn xong nhễ nhại mồ hôi.
Qua 8h tối, khách ăn đã vãn, hai người họ chọn chỗ ngồi khuất xa nhất. Lư Bình nhường Soái Ninh gọi món, Soái Ninh nói khách tùy theo chủ, anh ta liền bảo chủ quán cứ cho vài món ruột như mọi khi, rõ ràng là khách quen của chỗ này.
“Ninh tổng, chúng ta uống tí bia được chứ?”
Nghe lời mời, Soái Ninh thoáng kinh ngạc, trêu chọc: “Hôm nay sao anh cởi mở thế ạ?”
Lư Bình cười nói: “Uống tí cồn cho đỡ buồn bực.”
“Nói vậy là anh muốn nói với tôi chuyện buồn bực?”
“Chuyện mấy hộ di dời của thôn Liên Diệp, đủ buồn bực với chị chưa?”
“He he.”
“Chúng ta xem như cùng buồn bực cùng một chuyện rồi, vừa uống vừa nói, xem có giải quyết được vụ này hay không.”
Lư Bình gọi hai chai bia Thanh Đảo, thấy Soái Ninh im lặng giữ giá bèn dùng nụ cười ấm áp tan chảy để rã đông.
“Tôi biết chị cũng đau đầu vì việc này, cũng không muốn ra đề khó cho chị, chỉ hỏi thăm một chút, nếu ba hộ kia không chịu hạ thấp tiêu chuẩn đền bù, chị tính toán chọn chỗ khác thật ạ?”
Soái Ninh gật đầu nói phải, bị anh ta mỉm cười nhìn chăm chú liên tục, giống như người thông minh nhìn thấu mánh khóe của nhà ảo thuật.
“Anh cho rằng tôi đang nói dối?”
Cô cười, ra vẻ cành cao, anh cũng không chỉ thẳng ra, phân tích uyển chuyển: “Tôi xem qua phương án thiết kế được duyệt của công ty mình rồi, các hạng mục trong dự án Hoa Quả Lĩnh đều bố trí men theo tuyến quốc lộ. Thay đổi một chỗ, chỗ khác cũng ảnh hưởng theo, sửa chữa quy mô lớn sợ là mất nhiều hơn được nhỉ?”
Đấy, bảo làm sao lên lãnh đạo cơ chứ? Tay quan huyện này đúng là khôn khéo hơn quan xã quan thôn, trước đó đã xem xét con át chủ bài của cô, chiêu “binh bất yếm trá” (chiến đấu bất chấp thủ đoạn) này không qua được anh ta.
Soái Ninh ho khan một tiếng, vòng qua cái lô-cốt nay đã thành đống phế thải, nắm lấy vũ khí có lợi cho mình.
“Bí thư Lư, điều kiện chúng tôi đặt ra trước mắt đã là tiêu chuẩn giải phóng mặt bằng cao nhất cả nước đối với xã thị trấn rồi. Việc này có căn cứ để xác minh, anh lên mạng tìm một chút là thấy.”
“Vâng, tôi biết bên mình đưa điều kiện rất ưu đãi, bảo đảm hết mức có thể quyền lợi của hộ trong diện di dời.”
“Nên là á, chúng tôi không thể tăng giá nữa. Nếu vì có người đòi tự sát uy hiếp mà chúng tôi thỏa hiệp, thế thì những người khác chắc chắn sẽ học theo. Lỗ hổng bục ra rồi còn trám lại được sao?”
Lúc này, đồ ăn và bia đưa ra, Lư Bình rót bia cho cô, bảo cô ăn rồi hẵng nói.
Soái Ninh còn tâm trí đâu mà ăn mấy thứ cơm canh đạm bạc này. Việc giải phóng mặt bằng cũng là cục đá chặn ở ngực cô. Hôm nay thế nào cũng phải bắt Lư Bình buông một lời chắc chắn, không hứa hẹn giải quyết xong ba hộ ngoan cố kia, cô quyết không thả cho về.
“Bí thư Lư, là chỗ bạn bè tôi cũng nói không cần kiêng dè, tôi cảm thấy trong vấn đề giải phóng mặt bằng này, điều khoản pháp luật của nước ta còn chưa đủ hoàn thiện. Trong một khu vực chỉ cần có một hộ không đồng ý di dời là dự án không có cách nào triển khai được. Điều này thật quá bất lợi trong việc tiết kiệm nguồn lực và nâng cao hiệu suất. Hẳn nên tham khảo thêm kinh nghiệm của các nước tiên tiến, ví dụ như Singapore có quy định: Chỉ cần 80% số hộ gia đình trong khu vực giải phóng mặt bằng đồng ý với phương án đền bù, chính quyền sẽ cho phép bên đi giải phóng mặt bằng tiến hành cưỡng chế phá dỡ, cho nên Singapore không có hộ ngoan cố, càng không xuất hiện những sự kiện quá khích kiểu như hơi một tí lên ủy ban xã cắm trại lên trụ sở thôn thắt cổ.”
Lư Bình vừa mỉm cười lắng nghe vừa dùng đũa chung gắp đồ ăn vào bát cô, chờ cô nói xong mới chậm rãi tiếp lời: “Tôi không hoàn toàn đồng ý với chị. Điều lệ quản lý giải phóng mặt bằng của nước ta hiện nay phân chia hết sức chi li. Ở cấp xã, thị trấn, riêng mức đền bù đất trồng đã chia làm mấy chục loại, đất trồng lúa, cây họ đậu, bông, mía... Đất có nhà kính nhà lưới tính giá khác, nhà kính nhà lưới kết cấu tre gỗ với kết cấu thép giá cũng không giống nhau. Các khu vực tỉnh thành có khác biệt về chủng loại nông sản, nội dung giải phóng mặt bằng tương ứng cũng khác biệt, chia rõ ràng đến mức này là đủ thấy nước ta coi trọng việc giải phóng mặt bằng thế nào. Về lý do tại sao không áp dụng quy định thiểu số phụ thuộc vào đa số như Singapore, thì đó vẫn là do điều kiện mỗi nước khác nhau. Singapore theo thể chế chính trị độc tài và chỉ là một nước nhỏ nên phải tập trung nguồn lực mới có thể phát triển. Trung Quốc có lãnh thổ rộng lớn và dân số đông, có sự khác biệt lớn về phong tục và tập quán địa phương, không thể cứ áp đặt đơn giản là xong. Ví dụ như tiêu chuẩn 80% của họ nên chia kiểu gì, nếu căn cứ theo hộ, nhỡ 20% số hộ phản đối nắm diện tích đất lớn hơn so với 80% số hộ kia thì sao? Nếu là căn cứ theo diện tích, số hộ lại không đủ 80% thì sao? Hơn nữa, cho dù mấy vấn đề này được giải quyết hết, trong hoàn cảnh hệ thống pháp lý nước ta chưa đủ hoàn thiện, nâng cao tỷ lệ lên 95% (thay vì 80% như Singapore), tình huống xâm phạm quyền lợi về tài sản cá nhân vẫn có thể xuất hiện. Luật tài sản của chúng ta được xây dựng để bảo vệ hệ thống kinh tế cơ bản của đất nước, trong đó quy định rõ việc bảo vệ các quyền sở hữu cá nhân. Đã có luật cơ bản này, sao chúng ta có thể ban hành các quy định trái ngược với nó được?”
Soái Ninh trách móc: “Nhưng ba hộ ngoan cố kia quá ích kỷ, vì tham thêm tí tiền, không ngại làm dân cả thôn vạ lây, căn bản không phải là yêu cầu hợp lý. Hiến pháp nước ta không phải có quy định hay sao? ‘Công dân nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa khi thực hiện quyền tự do và lợi ích của bản thân, không được làm tổn hại lợi ích của quốc gia, xã hội, tập thể, cùng quyền tự do và quyền lợi hợp pháp của công dân khác.’ Bọn họ làm thế tính ra là trái pháp luật rồi mà.”
Lư Bình kiên nhẫn giải thích: “Hiến pháp quy định như vậy thật, nhưng đến khi thực thi về tư pháp, trong lĩnh vực giải phóng mặt bằng này, rất khó khẳng định bên lấy mặt bằng đại diện cho quyền lợi hợp pháp của quốc gia, xã hội, tập thể cùng các công dân khác. Cũng rất khó xác định rõ ràng hành vi từ chối di dời của hộ trong diện giải phóng mặt bằng là tổn hại quyền lợi của các đối tượng kể trên. Đối mặt với tập thể, thân thể (cá nhân) luôn là bên yếu thế, vì cố gắng hết sức bảo vệ quyền lợi của bên yếu thế, sợ bị người ta lợi dụng sơ hở, pháp luật mới không quy định chính xác điểm này. Đây là vấn đề áp đặt vừa nhắc tới. Mấy năm trước ở một thành phố ven biển miền Đông Nam có hộ trong diện giải phóng mặt bằng cự tuyệt di dời dẫn tới ngừng thi công tuyến tàu điện ngầm. Xây dựng tuyến tàu điện ngầm là dự án giao thông đô thị quan trọng, chính quyền có thể vì một hai hộ ngoan cố mà chấp nhận chậm tiến độ công trình, đúng là quán triệt lý tưởng lấy dân làm gốc của đảng ta. Không áp dụng biện pháp cưỡng chế coi rẻ quyền lợi công dân, kiên trì dựa vào đàm phán giải quyết mâu thuẫn, chứng tỏ xã hội chúng ta đang tiến bộ không ngừng mà.”
Anh là thạc sĩ luật, thạo nhất việc giải thích pháp luật, Soái Ninh không đem sở đoản ra cãi với anh, nói gạt đi: “Tiến bộ xã hội đòi hỏi sự chung sức của tất cả mọi người. Những hộ ngoan cố này lâu nay sống dưới đáy xã hội, không thể nhìn thấy cửa đổi đời. Giờ có thể coi việc đền bù là một cơ hội và họ muốn nhân cơ hội này kiếm tiền một lần đủ cho cả đời. Họ không thèm nghĩ xem nếu hỏng việc giải phóng mặt bằng, những người khác sẽ chẳng thu được gì theo họ, đạo đức quá thấp kém.”
Lư Bình lại có cách lý giải khác: “Đền bù và di dời là hành vi thị trường, đạo đức không đóng vai trò chủ đạo ở đây. Người dân có thể làm những gì luật pháp không cấm, hộ trong diện di dời ra giá trên trời, cùng lắm là không có ai mua. Hành vi này cũng không vi phạm pháp luật, có thể chê trách nhưng không thể dùng tư pháp để ràng buộc họ.”
“Họ không vi phạm pháp luật, nhưng chủ đầu tư mà cưỡng chế phá dỡ là phạm pháp luôn, đúng không ạ?”
“Ha ha, đúng thế, điều 3 trong ‘thông tri khẩn cấp của văn phòng quốc vụ viện (quốc hội TQ) về quản lý chặt chẽ việc thu hồi giải phóng mặt bằng, thiết thực bảo vệ quyền lợi hợp pháp của quần chúng’ đã quy định rõ: ‘Quy trình không hợp pháp, đền bù không đúng chỗ, điều kiện cư trú của người trong diện di dời chưa được bảo đảm, chưa xây dựng được phương án khẩn cấp, đều không được thực hiện cưỡng chế phá dỡ và di dời.’ Nếu hộ di dời không ký thỏa thuận, tiến hành cưỡng chế phá dỡ nhà họ không đúng quy trình thủ tục chính là vi phạm pháp luật.”
“Nói vậy là chúng ta bó tay với đám điêu dân đó ạ?”